Khám phá ra một nghệ sĩ lớn, một bậc cha chú xuất sắc

Tôi có được địa chỉ của Lê Thương là từ anh chị Tám của tôi. Sau 1975, kinh tế rất khó khăn nên gia đình trung lưu nào ở Sài Gòn cũng đem áo quần, đồ đạc cũ ra chợ trời bán; anh chị tôi bán đồ đạc cũ kế bên anh chị Lê Thương. Và ca sĩ Cao Thái, anh Sáu của tôi, cũng là bạn Lê Thương. Cao Thái hiền như Bồ tát, thiệt thà, có chi nói nấy, không giấu giếm gì được ai. Cao Thái không để ý tới tình hình đất nước, ai lên nắm quyền, ai xuống cũng như nhau. Lê Thương biết tôi là em gái của ca sĩ Cao Thái nhưng không hề biết tôi là phụ tá khá đắc lực của Thầy tôi, thầy Thích Nhất Hạnh, nên Lê Thương cũng thoải mái khoe có cô em gái anh ca sĩ Cao Thái hay gửi quà cho văn nghệ sĩ. Chính anh Lê Thương đã giới thiệu cho tôi các anh Minh Đăng Khánh, Trọng Nội, Lê Trọng Nguyễn (tác giả Nắng chiều), Hoàng Hải Thuỷ, Vĩnh Phan, Ngô Nhật Thanh, Năm Châu,…

Tên thật của Lê Thương là Ngô Đình Hộ, nhà số 55 đường Bùi Viện, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Vậy nên tôi lấy tên Ngô Thị Phương Hương để gửi quà cho Lê Thương. Trước khi liên lạc để gửi thuốc men ủng hộ tinh thần anh, những hiểu biết của tôi về Lê Thương rất nghèo. Lê Thương đối với tôi lúc ấy chỉ là tác giả ba bài Hòn Vọng Phu mà hồi nhỏ lúc năm sáu tuổi ở Bến Tre tôi hay hát bài Hòn Vọng Phu 1:

Lệnh vua hành quân, trống kêu dồn. 

Quan với quân lên đường

Đoàn ngựa xe cuối cùng…

Khi lớn lên, khoảng năm 1960, lúc làm giảng nghiệm viên ở Đại học Khoa học, tôi nghe được bài Hòn Vọng Phu 2 – Ai xuôi vạn lý mà chị Thu Đồng, đồng nghiệp của tôi hay hát mỗi khi Phòng Thực vật chúng tôi có tiệc. Bài này buồn và có cái gì rất sâu thẳm, rất mỏi mòn tuyệt vọng. Trong Hòn Vọng Phu 2 này, âm hưởng và hình ảnh rất là Bắc, như chuyển tải cả những nỗi buồn vạn cổ của miền Bắc đất nước! Tôi không ngờ là chính Lê Thương đã sáng tác Ai xuôi vạn lý ngay tại quê tôi tận miền Nam, giữa rừng dừa nước phù sa bùn lầy kinh Chẹt Xậy, trong lúc chín phần mười có thể bị Tây ruồng bắt và giết. Sau này viết cho tôi, anh nói lúc đó anh không biết sẽ chết phút giây nào, nhưng vì cái tình yêu quê hương vẫn sắt son, không khác gì tình của người vợ trông chồng, thủ tiết chờ chồng cho đến khi hoá đá, mà tự nhiên những nốt nhạc cứ nhảy lên trong đầu. Và anh đã ghi vội vàng những nốt then chốt của bài Ai xuôi vạn lý bằng cây bút máy đã khô mực, phải nhờ nước sông Chẹt Xậy thấm ướt nên mới viết được ra!

Thế rồi sau khi liên lạc với anh Lê Thương tôi mới phát hiện ra anh cũng chính là tác giả những bài hát thiếu nhi rất quen thuộc mà tôi đã từng thích và thuộc làu mà không để ý tên tác giả. Tôi hay dạy các cháu hát các bài như Tuổi thơ:

Trời xanh, xanh mát, 

Hương thơm, thơm ngát. 

Cùng nhau ta múa điệu ca, 

Cùng nhau ta hát đời ta… 

Trẻ con theo tánh

Ưa trái cây ưa bánh

Hàm răng hay sún vì chua! 

Mà ai cho bánh thì ưa.

Dầm mưa, dang nắng, 

Chơi cát dơ mẹ mắng. 

Sống vui trong bầu trời thơ 

Sướng thay cho đời trẻ thơ.

Hay bài Chú Cuội:

Ánh trăng trắng ngà 

Có cây đa to

Có thằng Cuội già 

Ôm một mối mơ…

Thì ra đều là nhạc của Lê Thương.

Từ từ tôi đã khám phá ra một người nghệ sĩ lớn, một bậc cha chú, một bậc đàn anh trong nền văn nghệ Việt Nam. Lê Thương mà mọi người biết là một nhạc sĩ lớn, có nhiều tác phẩm nhạc bất hủ như Hòn Vọng Phu 1, 2, 3. Nhưng ít ai biết được rằng anh có tài viết văn thật dí dỏm, và có một tâm hồn rất đạo đức và từ bi. Anh chụp hình thực tại bằng một ngòi bút rất xác thực, sắc sảo nhưng độ lượng và thật hiền từ. Ôi những bức thư trên giấy pelure mỏng tanh, bị chuột gặm phía góc trên đầu và góc bên dưới mà lần nào đọc lại tôi cũng nghe lòng quặn đau, nhưng rồi lại bật cười khan một mình khi nước mắt đang trực trào ra. Đúng là một phong cách viết văn có một không hai của Lê Thương. Trong tập sách này tôi sẽ giữ nguyên tất cả những bức thư mà Lê Thương viết cho tôi, rất đa dạng, rất dí dỏm nhưng có khi rất não nùng, đứt ruột. Xin các bạn đọc trong phần Phụ lục. Xin bạn đọc ráng đọc Phụ lục cho trọn vẹn, và xin tha lỗi cho tôi đã không trích dẫn nhiều đoạn rất hay, vì Lê Thương có cách trình bày rất tuần tự, nếu chỉ trích một đoạn thôi là làm mất cái mạch lạc anh muốn trình bày.

Thư nào anh viết cho tôi rất cũng rất nghiêm trang mà cũng rất dí dỏm, hào hứng, biết khen đúng mức, nhưng không làm thấp nhân cách của mình. Tôi biết, cũng có thể nhờ nhiều nhân duyên, trong đó có những bức thư rất tha thiết của chúng tôi viết cho anh, những bức thư mà Thầy chúng tôi “cầm tay” – nghĩa là Thầy giúp thảo trước những gì cần tưới tẩm hạnh phúc và niềm tin nơi anh, mà anh mới viết được những bức thư như thế. Phần nói về thuốc men và chỉ cách trị liệu cặn kẽ thì do anh rể thứ Năm của tôi là bác sĩ Nguyễn Phước An cung cấp rất tận tuỵ. Anh tốt nghiệp đại học y khoa Paris, đã có mấy mươi năm kinh nghiệm trị bệnh nhiệt đới tại Việt Nam trước khi quay lại Pháp.

Bác sĩ Nguyễn Phước An là người kê đơn thuốc (từ trái qua phải, người thứ ba)

Nhờ thế, Lê Thương nhận thư chúng tôi như được một món quà bất ngờ. Mỗi lần Lê Thương được thư và quà chúng tôi gửi, anh lên tinh thần và viết không biết bao nhiêu là những dòng tâm sự. Nhưng cái sức mạnh trong anh là ở chỗ: Trước những hoàn cảnh nghiệt ngã, anh không muốn để lòng yếu kém, nên hay đánh quật lại chính mình bằng những câu “dí dỏm rất Lê Thương” như sau: “Tôi đang xé bỏ bao giấy cũ, hình cũ, bài cắt báo cũ gồm thơ văn rải rác vì thấy đời nặng chĩu những kỷ niệm không còn thấy hợp cảnh. Xé mãi mà cũng không phải là không đau lòng. Có lúc muốn xé cả mình mà không biết làm cách nào, đành tức cười mà chui đầu, vùi mặt vào Số Mệnh. Số Mệnh hắt tay ra và mắng: Đừng có ba trợn, phấn đấu tiếp đi ông nội. Thì phấn đấu vậy!

Ngòi bút trào phúng chụp hình Sài Gòn 1979 – 1987

Những bức thư của Lê Thương viết cho tôi rất có giá trị lịch sử vì ngòi bút của anh đã miêu tả tỉ mỉ như chụp hình không khí Sài Gòn những năm đó. Tôi cố ý để nguyên văn, chỉ chia ra từng đoạn với đề tựa nhỏ bằng chữ đậm cho dễ đọc. Những bức thư đó, có những chỗ anh cố ý viết sai chính tả, tôi cũng tôn trọng để nguyên những chỗ sai đó. Có lẽ vì anh muốn châm biếm khôi hài. Ví dụ như chữ “chủ tịch” thì anh cố ý viết “chủ tịt” nhưng không cho vào ngoặc kép chi cả. Với ngòi bút dí dỏm tuyệt vời, anh thuật những chuyện mắt thấy tai nghe vào thời mà… “có khi muốn xé cả mình”, có khi như nói cho các văn nghệ sĩ, có khi nhắc khéo rằng có rất nhiều văn nghệ sĩ đang ở tù và mong được tự do, có khi kể chuyện về những người mà vì nghèo đói nên phải hy vọng trúng số đề, muốn trúng số lại kéo thêm tin ma quỷ, chuyện đồng bào nghèo đói quá vào sống trong nghĩa địa, bật quan tài ra mà cạy từng cái răng vàng của xác chết để bán lấy tiền.

Những bức thư trong đó Lê Thương diễn tả tình trạng Sài Gòn đúng là những bức tranh không tưởng tượng nổi, nhất là đối với những người đã biết Sài Gòn trước 1975 như tôi và các bạn đã rời Việt Nam trước 1975 cũng như những thế hệ con cháu của chính Lê Thương hai mươi năm sau. Tôi sẽ xin phép in ra trong phần Phụ lục tất cả thư của anh, như một món quà của anh để lại cho các thế hệ con cháu, để họ ráng nhìn và ghi nhận cho kỹ, để sau này đừng cho tái diễn những cái gì xấu và cố gắng giữ cho bằng được những nét nào dễ thương của nếp sống đạo đức tổ tiên.

Lá thư đầu tôi viết cho Lê Thương, anh đã nhận trước khi hộp quà thuốc tới. Đó là trước Tết. Tôi đã cho anh biết sự thật tôi là em của anh Cao Thái, nhưng anh chưa biết đích thực Phương Hương là tên con gái hay con trai. Anh có linh cảm tôi là con gái, nhưng anh không loại trừ trường hợp tôi là con trai. Và anh nói cái tên Phương Hương mà anh mới nghe qua cho anh cảm giác thơm ngát và rút ngắn lại cả một khoảng cách địa lý giữa hai vùng sông Aube (con sông gần Phương Vân Am, chỗ tôi đang ở và gửi quà cho anh) và sông Sài Gòn này. Anh nghĩ là tôi nhỏ tuổi, nhỏ tuổi hơn cả mấy bài Hòn Vọng Phu. Nhưng sự thật thì tôi sinh năm 1938, lớn hơn tác phẩm Hòn Vọng Phu 1 (1945) tới bảy tuổi. Tôi viết thư nguệch ngoạc không ngay hàng thẳng lối nhưng anh đã không chê, lại còn khen nét chữ ấy chứng tỏ tôi “có một tâm hồn phong phú tình cảm đến cái mức không còn nghĩ đến hình thức”.

Thư Lê Thương viết ngày 29 tháng 1 năm 1979

TP Hồ Chí Minh 29.1.79 Em Phương Hương

Tôi rất đỗi ngạc nhiên và xúc động khi bắt được thư em trước Tết. Tuy thuốc chưa tới nhưng lời cám ơn của tôi hôm nay đến cùng em với tất cả thiện cảm của thế hệ già đối với thế hệ trẻ còn tỏ một nỗi lòng ưu ái đẹp đẽ theo tình dân tộc mà em đáng làm đại diện nơi xa cách.

Chữ viết của em vội vã, sôi nổi, không cần hàng lối tỏ một tâm hồn phong phú tình cảm đến cái mức không còn nghĩ đến hình thức, là chữ viết để cho tâm dạ được tự do phát biểu theo nhịp bình bồng thiên nhiên trong em.

Tên Phương Hương của em phải là tên con gái hay đàn bà (hoặc con trai cũng chưa biết được) làm thơm ngát lên và ngắn lại cả một khoảng cách địa lý giữa hai vùng sông Aube và sông Saigon này. Tôi có hai cô con gái cùng tên là Hương (Duyên Hương ở Oakland và Lệ Hương còn ở Saigon) và nhiều người đẹp cũ của tôi cũng là Hương, tuy là hương xưa không còn bay được xa ngoài dĩ vãng.

Chắc em còn quá nhỏ tuổi, lại là em của anh Cao Thái, người quen trước đây, có bộ ria nhấp nháy trong nụ cười mở sẵn, đón chào các thứ bạn xa gần, nên tôi lại càng thấy em giầu lòng yêu nghệ thuật.

Đó là đức tính có nhiều trong gia đình em, làm cho em nhắc đến Hòn Vọng Phu, một nhạc phẩm mà tuổi tác có thể lớn hơn em nhưng vẫn có duyên với thời gian nhất là ở nước ngoài. Còn tại đây, bài ấy đã vắng tiếng từ mấy năm nay.

Tôi vừa dài dòng nói về em với cảm tình chan chứa vừa biết ơn vừa thiện cảm.”

Cũng trong lá thư viết cho tôi ngày 29 tháng 1 năm 1979, nhạc sĩ Lê Thương đã tả cho tôi nghe tình trạng sinh sống và hoạt động của giới nghệ sĩ ở Sài Gòn. Anh không chịu viết “Sài Gòn” mà nhất định cứ phát âm là “Sè Goòng”:

“Bây giờ tôi nói qua về giới nghệ sĩ quen biết, trong dịp Tết này, sinh sống ra sao mặc dầu anh Trạch chắc đã từng nói nhiều về họ với em.

Phần đông họ ăn Tết “dậm chân tại chỗ” nghĩa là ít đi thăm ai nữa, thiệp chúc Tết cũng không buồn gửi vì tất cả đang thiếu thốn, chỉ còn biết vùi đầu vào lo lắng sao thực phẩm có đủ cho mấy ngày bất đắc dĩ còn gọi là Tết.

Tuy nhiên năm nay như năm ngoái, pháo vẫn nổ tràn trề khắp thành phố, làm như người ta mong cho pháo nổ để quên sầu, đã giận về trăm chuyện chưa thoải mái từ những năm nảo nào của đời sống.

Con gái con trai vẫn diện và phải nói thực phẩm tuy mắc nhưng bán vẫn hết ở chợ thế mới lạ. Nhà nước thì vẫn cố gắng cung cấp gạo, thịt, xăng nhớt và nhu yếu phẩm cho công nhân viên khá nhiều, còn cờ quạt thì khỏi nói, lại có cả khiêu vũ và nhạc kích động ở đường Duy Tân ngay sau nhà thờ Đức Bà đến công trường Con Rùa nữa. Có lẽ để mừng chào Kampuchia mới. Xe cộ vẫn chạy đông đảo tứ phía, tuy kém xưa nhiều nhưng cũng vội vã tấp nập.

Nhiều nghệ sĩ tuyên bố: Năm nay “ăn Tết bà cả Đọi”, “dậm chân tại chỗ” nghĩa là yếu bạc thất nhưng rượu vẫn có nhiều tuy nó hơi đắng về đủ vị (Rhum vieux) và mai mốt không biết sử xự ra sao cũng thây kệ, miễn là đừng để cho con cái thiếu tiền lì xì và mất thể diện với non sông nếu không đem về chút ít thịt kho, dưa hành trên “bàn mổ” ngày mùng một.

Từ mùng hai, các tiệm chợ đã muốn mở toang ra để buôn bán. Tiệm lớn đã đóng cửa nhiều và tủ hàng chỉ còn nước sơn cũ kỹ lộ ra, nhưng “chợ đứng”, “chợ ngồi” vẫn lác đác với “chợ đi”; râu ria thanh niên áp-phe vẫn lởm chởm như dây thép gai và đôi mắt dòm chừng vẫn long lanh ngang dọc bên các bàn cà phê gỗ tạp mọc tứ phía ở đầu đường.

Cái gì là bản chất lè phè, tiêu xài chết bỏ trong truyền thống Sè Goòng vẫn hầu như bất diệt. Bởi thế phải nói là dân mình giỏi thật. Ai chết cứ chết, ai sống vẫn sống và bao năm chiến tranh đã qua và đang qua, lòng dạ Sè Goòng vẫn hướng về cái gì xa lạ, cao đẹp hơn hiện tại. Khổ cũng mặc, bất quá là chửi đổng cho đã giận rồi lăn xả vào làm ăn chạy chọt, níu kéo, vá víu sao cho được cà phê, cơm tấm, bánh canh, chuối chiên, sò huyết, ba-sĩ-đế mấy “sợi”, la de vài ly là hầu như tạm xong, nhưng lòng Sè Goòng còn âm u không biết bao giờ mới hết.

Chẳng ai nói gì với người lạ, chỉ giương mắt nhìn thiên hạ qua lại, miệng dính điếu thuốc thơm rẻ tiền nhưng mắt còn loé sáng hiên ngang của con người kinh qua thuở nào đó, không nên vội khinh nhờn mặc dầu quần áo đã mòn tới chỉ sợi và túi có rỗng ngày nay nhưng có bắt chuyện là nói tới tiền ngàn tiền vạn như thường. Thế mới lạ và khó hiểu, khó thương khó ghét, khó nghĩ.”

Tôi biết lúc này Lê Thương đã lâm vào tình trạng nản chí, vì anh không thấy được một tương lai. Nhưng anh biết là tình trạng nản chí ấy sẽ đưa tới tình trạng tiêu diệt cho nên anh hết sức phấn đấu. Cái cô đơn của anh càng trở nên sâu đậm khi anh sống giữa một đám đông nhộn nhịp ồn ào. Thầy chúng tôi và anh chị em tôi biết giá trị của một lá thư khuyến khích từ bên này. Nó giúp anh giữ lại được niềm tin nơi tương lai.

Sau 30 tháng 4 năm 1975 thì nhiều người Việt Nam rất “bí”. Thầy chúng tôi nói thầy phải đang tự cứu và cứu các con thầy, rồi phải nghĩ cách cứu các văn nghệ sĩ ở nhà với chút xíu phương tiện thuốc men mình may mắn đủ phước có thể giúp họ. Thầy nói: “Các con phải tự cứu lấy mình thôi, thầy có vững chãi mấy cũng không thể bơi giùm cho các con được. Phải bám lấy hơi thở để giữ cho tâm an định trong giây phút hiện tại và tập nhìn sâu để thấy cái giá trị, cái mầu nhiệm của giây phút ấy trong từng công việc dù là nhỏ nhặt hàng ngày của mình như rửa chén, lau nhà, làm vườn. Không được rời giây phút hiện tại, đừng để mình trở thành nạn nhân của hoàn cảnh. Các con nghe không!” Khi đọc lại Nẻo về của Ý, chúng ta cũng thấy lời dạy ấy của Thầy: “Chúng ta phải có một nơi để quay về để chữa lành những vết thương đang rướm máu, để nuôi dưỡng và bồi đắp lại những gì chúng ta đã phí phạm và để chuẩn bị cho một cuộc hành trình khác. Niềm tin, sự trong sáng của tâm hồn chúng ta đã bị hao tổn quá nhiều. Chúng ta nhận thức được điều đó, và chúng ta quyết định tìm con đường phải đi. Nghĩa là điều trước tiên và căn bản cần phải làm là phải trị liệu, bồi đắp, và nuôi dưỡng tự thân, nếu không thì sẽ đánh mất chính chúng ta.” Do đó, trở về để tự chữa trị và nuôi dưỡng lại thân tâm là sự thực tập rất quan trọng trong những năm Thầy bôn ba làm việc xã hội và vận động hoà bình cho quê hương đất nước. Phương Vân Am là môi trường để cho thầy chúng tôi, tăng thân của Phái đoàn Hoà bình Paris và chúng tôi trở về trị liệu cho chính mình.

Sau 1975, khi hay tin sách của Thầy và một số sách của những nhà văn nhà thơ ở trong nước bị cấm lưu hành, Thầy buồn lắm. Ngay sau đó, Thầy thành lập một nhà in nhỏ xíu ở Phương Vân Am để in sách chuyển đến cho các trại tị nạn như các cuốn Kinh Nhật tụng, Đàm thoại Anh – Việt – Pháp, những chuyện ngắn nhỏ để an ủi đồng bào nạn nhân của hải tặc và cố nhiên là tìm cách gửi về Việt Nam những sáng tác tu tập mới của Thầy. Cùng thời điểm đó, có rất nhiều người đến gặp Thầy để hỏi đạo. Thầy bắt đầu lấy việc tổ chức và hướng dẫn khoá tu làm niềm vui. Nhưng Phương Vân Am thì quá nhỏ mà nhu yếu về Am để tu học của bà con người Việt thì càng ngày càng đông. Am Phương Vân chỉ đủ chỗ ở cho mười lăm người thường trú mùa đông và năm mươi người mùa hè.

Lê Thương viết tiếp:

“Tôi vừa bầy cho em vài nét sống của Sè Goòng xứ nhà mà chắc em không mường tượng từ lâu.

Tôi không muốn nói đến những lúc khóc thầm trong đêm tối một mình, cả đến những u buồn diệu vợi khi chợt nghĩ đến tương lai còn mù mịt vì tôi vẫn giữ được lòng tin vào sức sống bền vững trong tinh thần không muốn tự tiêu diệt bằng nản chí. Khi thấy lòng càng ngày càng cô đơn giữa đám đông nhộn nhịp thì chỉ cần một lá thư nhỏ như lá thư của em là đủ làm sống dậy bao nhiêu hi vọng đẹp ngổn ngang và thấy ngày mai vẫn đáng sống.”

Đọc thư tôi, anh đã có cảm hứng viết tặng tôi một phiên khúc mới – phiên khúc 4 – của bài Lòng mẹ Việt Nam (Bà tư bán hàng có bốn người con). Phiên khúc ấy như sau:

Nguyện dâng các lòng mẹ vẫn chờ mong 

Để đàn nhỏ bé mãi sau nhớ rằng

Đợi con đó là văn hoá tình thương 

Sau ngày lìa nôi đến tấm mồ hoang 

Đã sinh con rồi là thương suốt đời 

Mà thương đến cả lầm lỗi của con

Qua bao nhiêu thời đa đoan ngóng đợi 

Từng thằng con đi qua mùa chinh chiến 

Khi con trở về phong ba đã nguội

Chỉ còn con người sống sót mà thôi 

Thương về Việt Nam từng ngàn thằng con

Đã hi sinh đời qua bao chiến thời

Mẹ dâng mấy lời tưởng nhớ từng con.

Phiên khúc này chưa viết trước 1975, chỉ mới viết khi được thư tôi.

Thư viết cho Lê Thương ngày 4 tháng 3 năm 1979

Đây là nguyên văn lá thư tôi viết cho Lê Thương ngày 4.3.1979 sau khi nhận được lá thư đề ngày 29. 1.1979:

“Thật là món quà tinh thần mà em không ngờ được khi đọc thư anh. Em nâng niu và tập hát phiên khúc 4. Thưa anh tên Phương Hương là tên con gái. Em xa nhà năm 1968, lúc đó Sài Gòn tang thương sau hai trận đánh lớn (Tết Mậu Thân và tháng 5 năm 68). Em thấy thây người và xác chết nằm ngổn ngang, nghĩa địa cũng bị bom bật tung hòm, người chết hai lần… Em buồn đứt ruột và nghĩ ngày nào đất nước có hoà bình là em leo lên phi cơ về nước liền để được ăn rau húng, rau ngò, để được đi chân không trên những con đường làng phủ lá tre, để được ngửi mùi phân bò phân trâu, mùi lúa chín, mùi cỏ dại thơm thơm bên đường, nhưng mà em không được về. Em thì không có tiền để về Việt Nam ba tuần lễ và khen cách mạng như vầy như kia. Đó là số phận chung của rất đông những người con yêu Việt Nam, vừa tốt nghiệp xong, không biết làm gì với những gì đã học với thao thức đem về phục vụ đất nước. Cuối cùng em quyết định đi về miền Nam nước Pháp. Với mươi người bạn, em lập khu vườn nhỏ trồng rau húng, rau ngò, cải bẹ, hẹ, tần ô, tía tô… Thưa anh đất vùng này chẳng có chất sắt nên trồng gì cũng được, chỉ riêng rau muống là không mọc. Em nghĩ sáng tác văn nghệ cũng như thế. Có những tác phẩm được nẩy nở ở môi trường nầy, lại có những tác phẩm chỉ có thể nuôi dưỡng ở môi trường khác. Chúng em không những trồng rau mà trồng cả những tác phẩm nói lên được tình người, không phân biệt chủng tộc, ý hệ. Nếu anh có hoa thơm cỏ giống mới, không hợp với khí hậu của nước ta lúc này thì anh gửi cho chúng em xin. Chúng em sẽ nâng niu vun xới trồng cho nó thành công. Có hoa lá em sẽ gửi về biếu anh. Hoa lá mới để tên mới hay tên cũ tuỳ người sáng tác. Nếu anh muốn, chúng em cũng có thể in lại một tập nhạc chọn lọc cũ của anh và chúng em sẽ nói là chúng em làm. Có điều là anh phải chọn giùm và gửi qua đây từng bài vì bên này không có đủ. Em chỉ có ba bài Hòn Vọng Phu thôi. Ngay như bài Tuổi thơ là bài em rất thích lúc 18 tuổi mà nay em cũng không còn. Nếu anh chép tay được trên giấy mỏng gửi theo thư thì rất quý (cả lời lẫn nốt) vì em thấy chữ anh đẹp lắm. Nhưng gửi một cái thư đi ngoại quốc là mất hết một buổi cơm cho gia đình nên em sẽ tìm cách trả bớt tiền tem trước nhất. Thưa anh, lời nhắn nhủ của tác giả phiên khúc 4 đã thấm sâu vào lòng bọn trẻ chúng em thật đó. Thực thế, chúng em tin tưởng là con đường văn hoá tương lai sẽ là con đường của bao dung độ lượng và tình thương, không bị hạn hẹp bởi ý hệ…”

Đoạn chót lá thư sở dĩ tôi viết được đơn giản và dễ thương như trên là nhờ có Thầy chúng tôi “cầm tay”. Thầy nói với chúng tôi: Nghệ sĩ trong nước bây giờ rất “bí” vì tác phẩm bị cấm đoán, mình phải viết cho khéo để tưới tẩm niềm tin nơi họ, để họ thấy họ còn có thể sáng tác. Phải cho họ biết là cho dù tác phẩm mới chưa được phổ biến trong nước thì cũng có thể phổ biến cho con em ở hải ngoại, như thế họ mới hứng khởi và sáng tác trở lại. Bức thư trên lại còn hứa nếu bán được sẽ trả tác quyền cho nghệ sĩ nữa, như thế người nghệ sĩ tự trọng sẽ cảm thấy không bị mắc nợ vì những món quà họ nhận.

Thư Lê Thương viết ngày 11 tháng 5 năm 1979

Chúng tôi cảm nhận liền là những lá thư Lê Thương viết sau đó có vẻ khoẻ hơn, có tinh thần hơn. Anh gọi tôi là “con gái của mẹ Việt Nam” và viết “đọc thư em là uống một liều thuốc khoẻ!” Đây là lá thư anh viết ngày 11.5.1979, có tính yêu đời nhiều hơn lá thư trước:

“Em Phương Hương, con gái của mẹ Việt Nam, đọc thư em là uống một liều thuốc khoẻ, cả cho tinh thần và thân thể. Mà gói thuốc em gửi đã tới mới đây, gói khá to. Phần thuốc suyễn của hai “nhược sĩ” VP (Vĩnh Phan) và NNT (Ngô Nhật Thanh) đã được đưa ngay. Vừa nhìn thấy bó thuốc, bệnh suyễn của hai ông hết liền, muốn chạy trốn, thế là bất cứ lúc nào bệnh muốn ho he, hai ông sẽ vác đồ trang bị tối tân ra mà áp đảo chúng một cách có hiệu lực. Sẽ có thư và địa chỉ của hai anh nhược sĩ cho em. Còn phần ô. Lê Thương thì nào sâm, nào vitamin uống hết sẽ chắc phải sống trăm tuổi, phải sống để còn mong có ngày được đi xem em trồng ngò, húng, hẹ và khổ qua chứ. Còn việc em mong trồng cỏ hoa LT thì quá dễ. Hạt giống có sẵn cứ đem trồng (ý muốn nói các tác phẩm cũ của anh) và những hạt giống cây lạ sẽ lần lượt gởi sang em để tuỳ tiện em trồng theo ý muốn và không điều kiện gì hơn là khí hậu tốt cho cây mọc nhiều và được bà con thưởng thức trái ngon quả ngọt xứ nhà. Theo anh, nên cứ bắt đầu ăn trái quen thuộc hoặc quen vị để tiện việc giải thích gốc nguồn nếu có khách hỏi lai lịch thảo mộc bất ngờ. Những trái cây ngon cho trẻ em ăn chóng lớn sẽ được bày ra nhiều hơn phần nào. Vì anh đang thích đám trẻ, những tâm hồn vô ngã, khăng khăng hơn đời mà không hề bận tâm đến một thứ buồn thế kỷ nào. Thấy đôi mắt chúng sáng lên niềm tin ấy cũng làm cho lòng sỏi đá của người đời tìm lại được vài mảnh ấu thời, sống lại được ít nhiều cái tuổi không bao giờ còn lại.

Thư Lê Thương viết ngày 25 tháng 5 năm 1979

Trong lá thư đề ngày 25.5.1979, anh hỏi tôi đã có những tác phẩm nào của anh rồi, để anh khỏi gởi sang. Và anh sẽ từ từ chép gửi cho tôi tất cả những gì anh sáng tác đủ loại, kể cả kịch khúc là những loại tiểu ca kịch tân nhạc.

“Kể ra thì quá rườm rà nhưng cứ từ từ gửi sang để em hoàn toàn định liệu vì Phương Hương, tôi chắc, là một người sành sỏi về văn nghệ vì tâm hồn còn giữ được chất man mác, phiêu diêu ở trên mặt vật chất ở ngoài các cay đắng mùi đời nên tâm hồn ấy còn xúc động bén nhạy. Quý lắm đấy, các cô gái Việt Nam xa nhà, xa nước mà không ngớt quay nhìn về quê cũ với mối tình xa xứ nặng trĩu thương yêu và thêm cả gia công gửi về cho người không quen thuộc những gói quà nặng trĩu săn sóc.

Tôi đang thấy Phương Hương trở thành ân nhân của tôi, một con chim không còn bạt gió, tuổi đời cứ vụt lên cao, tuy tóc còn khá xanh và khát vọng tồn tại chưa muốn hao mòn mặc dầu các sóng gió. Từ bao năm cụt hứng sáng tác nhưng có lẽ không bao lâu sẽ khơi nguồn lại.

Thư viết cho Lê Thương ngày 15 tháng 7 năm 1979

Ngày 15.7.1979, tôi viết cho anh lá thư sau đây:

“Anh Lê Thương!

Em đã gửi thuốc trị đau bao tử cho anh Trần Tử Thông và Bửu Lộc và thuốc trị ghẻ cho con anh Lê Trọng Nguyễn. Em không có thư trực tiếp của bệnh nhân nên chỉ dựa vào dữ kiện anh cho. Em nghĩ đó là một thứ mycoses (nấm ký sinh nhỏ xíu trên da) nên tétracycline không trị được. Em gửi thuốc thoa Mycilan để thoa ngày 2 hay 3 lần. Thuốc uống Fulcine có chất Griséfuline vốn là trụ sinh chỉ chuyên trị mycoses mà thôi. Tuỳ cháu lớn hay nhỏ mà uống 1 hay 2 viên mỗi ngày và uống luôn một tháng. Có crème Beneval Neomycine kèm theo đây, chuyên trị lác. PH sẽ gửi colis thứ hai khi em mua được giấy viết nhạc để gửi anh luôn thể. Em đặt mua ở thành phố lớn để tụi bạn đem về chứ chỗ em ở không có, chỉ có loại tập viết nhạc của trẻ con. Em cám ơn anh đã cho biết nhu cầu thuốc men của các anh ấy bởi vì như thế là anh cho em một dịp giúp đỡ được các bạn của anh. Mấy thuở mà em giúp được chút xíu cho anh và các bạn anh. Vì vậy xin anh đừng có ngại ngùng chi hết. Hễ gia đình anh cần thuốc gì, có bệnh gì cần thuốc thì cũng phải nói cho em biết. Và nếu các bạn của anh (dù nhạc sĩ hay không nhạc sĩ) cần thuốc thì anh cũng phải nói cho em biết. Bây giờ chính là lúc em có phương tiện gửi thuốc men cho quý anh và em lấy đó làm một niềm vui lớn. Nếu anh không cho em cơ hội đó thì em sẽ trách anh lắm.

Thư anh viết em đọc nhiều lần cho các bạn đọc chung, coi như là gia bảo và giữ gìn rất cẩn trọng. Những đoạn anh nói về thuốc men, em cũng đọc rất kỹ và quan tâm không khác gì những đoạn khác. Vì vậy về thuốc men và bệnh anh càng viết nhiều chi tiết càng quý. Vì nhờ vậy em mới trị đúng bệnh hơn. Em trị bệnh qua thư từ thế mà cũng“mát” tay lắm. Xin anh đừng ngần ngại kể hết những nhu cầu thuốc men của các bạn và đừng cho rằng ở nhà “đòi hỏi” nhiều quá. Điều quan trọng về phía anh là kể đủ những nhu cầu. Còn đủ sức hay không đủ sức gửi là thuộc về phần em. Nếu đủ sức thì em gửi đủ, nếu không gửi được hết, thì em cũng sẽ nói thật cho anh biết.”

Sở dĩ tôi dám hứa có thể gửi thuốc cho các văn nghệ sĩ nào cần là vì chúng tôi tại Phái đoàn Hoà bình còn một ngân khoản còn lại từ công tác giúp cô nhi có thể sử dụng vào công tác này. Khi các bạn tại Hà Lan đóng cửa Uỷ ban Hà Lan giúp cô nhi Việt Nam, theo tinh thần buổi họp chót năm 1977 thì Uỷ ban này sẽ gửi cho Đức Hồng Y Helda Camara 200.000 Florins để cứu trẻ em đói bên Brazil, 100.000 Florins cho các trẻ em mồ côi ở Bangladesh và số còn lại 287.000 Florins là để chúng tôi tìm cách gửi từ từ về Việt Nam cho các cháu mồ côi, những gia đình neo đơn khổ cực, mà hiện giờ tiền bị chặn không gửi về được. Nhờ ngân khoản ấy mà chúng tôi có đủ tiền để mua thuốc và gửi về Việt Nam. Chỉ cần giữ đủ biên nhận đã mua bao nhiêu thuốc, bao nhiêu tem, gửi bao nhiêu tiền, rồi gửi qua Hà Lan để chứng minh cho các bạn. Mỗi tuần tôi gửi về Việt Nam rất nhiều gói thuốc 1 kilogam, mỗi gói trị giá khoảng 80 Franc, nhưng bên nhà có thể chuyển ra số tiền Việt Nam tương đương có khi cả 250 Franc. Như đã kể trong Tập 2 hồi ký 60 năm theo Thầy học đạo và phụng sự, chúng tôi lập được 38 nhóm người trẻ đứng lên cùng lo gói quà và gửi quà với chúng tôi. Tôi cung cấp thuốc, các cháu thì chịu trách nhiệm viết thư an ủi. Có hai nhóm làm việc ở Hoa Kỳ là nhóm Nguyễn Anh Hương ở Audubon, New Jersey và nhóm Nguyễn Thị Bích Thuỷ ở San Jose, Cali. Còn ở bên Pháp chúng tôi sử dụng địa chỉ của 36 người trẻ đã lập ra 36 nhóm nhỏ tại nhiều nơi trên đất Pháp như Bùi Ngọc Thuý ở Bourg la Reine; Nguyễn Thị Ngọc Bích ở Bordeaux; Trương Diễm Thanh và Võ Giao Trinh ở Paris; Võ Thị Tri Thuỷ, Bùi Thanh Vũ ở Champigny/Marne; Bùi Cao Thanh Trang ở Lyon, Trần Thị Hằng ở Chennegy,… Ở Phương Vân Am tôi mời má tôi và các em Hằng, Hương, Pierre, Neige, Linda, Mobi, Philippe, Martine, Krisana… cùng làm việc chung để gửi quà thuốc về Việt Nam. Làm việc vui quá nên thầy chúng tôi cũng đến tham dự. “Các con để thầy cột dây cho!” Thầy mà cột dây thì đẹp lắm, đẹp như những chiếc bánh chưng mà Thầy và tăng thân Phái đoàn Hoà bình tại Paris gói gửi tặng các gia đình thân hữu vào mỗi dịp Tết.

Tôi viết tiếp cho Lê Thương:

“Trong thư anh có nói một câu làm em mừng“hết lớn”. Đó là câu nói anh đã bắt đầu sáng tác trở lại, vì anh đang có những nguồn hứng mới. Anh Lê Thương, em biết rằng thiên tài của anh, tâm của anh, cái nhìn của anh về cuộc đời và con người, tất cả những thứ ấy đã vững chắc và chín muồi nơi anh. Em nghĩ những sáng tác mới của anh chắc chắn sẽ vượt thoát được những buồn vui, mừng giận tầm thường và sẽ thanh thoát như mây bay, hùng vĩ như những cây đại thọ. Ngay từ trong Hòn Vọng Phu, em đã cảm thấy chất lượng thời gian của anh khác thường rồi. Anh đã từng sống qua nhiều giai đoạn của lịch sử cận đại, anh đã chứng kiến bao nhiêu biến thiên, chắc chắn anh sẽ không chịu để cho cái ngục tù thời gian giam hãm anh.

Tác phẩm của anh không bị thời gian và không gian giam hãm.

Tác phẩm của anh sẽ như một con chim lớn, vỗ cánh bay cao, bởi vì vùng trời tâm linh của anh không có bờ bến, không bị thời gian và không gian giam hãm. Có một lần em thấy một cây tùng hùng vĩ xanh tươi mọc cheo leo trên một sườn núi đá khô cằn. Em thấy cây tùng đó đã rút sinh lực không phải chỉ ở phần đất cát và đá khô cằn ở sườn núi mà còn từ những dòng nước đi sâu hàng trăm thước trong lòng đất, và nhất là ở mặt trời cùng các ngôi sao lớn khác trong vũ trụ bao la. Anh là một nghệ sĩ có kích thước lớn như vậy đó. Anh không cần những chất liệu bổ dưỡng tầm thường của những loại cây cỏ tầm thường. Đó là lý do khiến cho anh lâu nay không tranh chấp với các người khác trên đài phát thanh và đài truyền hình những năm chót của Sài Gòn như trong thư anh viết.

Đợi con đó là văn hoá tình thương

Em không đề cao anh như trong thư anh nói đâu. Nội một câu “để đàn nhỏ bé mãi sau nhớ rằng: Đợi con đó là văn hoá tình thương” trong phiên khúc 4 bài Lòng mẹ Việt Nam cũng đủ cho người ta thấy cái tính chất khoan dung, chín chắn và từ bi trong chất liệu văn nghệ anh. Tâm sự ca nhân cũng nói lên ước vọng đó. Em nghe mà thấy ấm cả lòng. Em cũng đã từng trải qua sự nghèo khổ, và em biết rằng “đói uống nước lạnh và ôm nhau mà ngủ” để quên đói còn sung sướng hơn giàu thịnh mà chia cách nhau như những hòn đảo lạnh. Đối với anh, em chỉ như một ngôi sao xa mờ nhạt, cách xa anh có tới ba trăm triệu năm ánh sáng. Em không có đủ ánh sáng bằng một con đom đóm để cho anh đọc sách, nhưng em hy vọng em có thể nhắc cho anh nhớ rằng, vũ trụ và thời gian thật bao la. Và anh thuộc về vũ trụ ấy chứ không phải chỉ thuộc về một mảnh thời gian, không gian nhỏ bé nào.

Anh ca hát đi

Anh Lê Thương, dòng chữ nào trong những lá thư của anh cũng đều chứng tỏ anh là một nhạc sĩ lớn. Em tin rằng bất cứ lời nào của anh, bất luận đối với cỏ cây, trẻ em, biển cả, trái núi, cây chanh, cây ổi đều là những nhạc khúc tự nhiên phát xuất từ một cái nhìn rất chín. Anh ca hát đi, ca hát về cái gì cũng được, miễn là anh ca hát. Anh đứng trên mảnh đất Việt thân yêu nhưng anh không phải chỉ là của một không gian nhất định. Anh còn là của nhiều thế hệ Việt Nam…”

Thầy chúng tôi cầm tay dạy viết như thế thì không tưới tẩm nguồn cảm hứng của các nghệ sĩ sao được. Mình nhắc cho anh nhớ anh không bị giam hãm bởi thời gian và không gian Việt Nam. Mình ca tụng anh như cây tùng mọc trên đá cheo leo mà vẫn xanh tươi nhờ hút được dưỡng chất từ sâu trong lòng đất mẹ, nên anh lên tinh thần và vui lại nhiều. Nghe ở Việt Nam đói kém thiếu thịt cá nên tôi khéo léo chia sẻ cách nấu ăn chay của Phương Vân Am, tôi kể đã lâu rồi chúng tôi không còn ăn thịt nữa. Ở Phương Vân Am (mà với Lê Thương tôi trình diện tên Pháp là nông trại Les Patates Douces, Lê Thương hay gọi đùa là nông trại khoai lang rơi loảng xoảng), tôi thường làm xà lách rau bồ công anh (pissenlit) trộn dầu hành phi, ngon lắm và rất bổ gan và trị nhiều bệnh, hay món xà lách khoai tây trộn với trái bơ và dầu hành phi cũng rất ngon. Chúng tôi cũng ăn cải bó xôi (epinard – spinach) có nhiều chất sắt, bổ máu, rất ngon. Rau này có thể làm mấy món: luộc sơ chấm xì dầu ớt, có thể xào hành và tương hột, có thể để món xào đó trải lên từng khuôn nhỏ bột mì nhồi cán mỏng rồi đút lò chừng nửa giờ sẽ rất dòn và thơm.

Chút lịch sử về Phương Vân Am

Thầy chúng tôi tìm mua được am Phương Vân vào tháng 8 năm 1971. Đó là một ngôi nhà bỏ hoang nằm giữa con đường liên tỉnh nối liền thành phố Troyes và Sens ở miền Trung nước Pháp, cách Paris khoảng 150 cây số về phía đông nam. Am Phương Vân nằm tựa trên một sườn đồi và sau ngọn đồi ấy còn nối tiếp những ngọn đồi khác, rất đẹp. Trước mặt am về phía bên kia liên tỉnh lộ 60 là những cánh đồi và cánh rừng thuộc vùng Othe. Sau lưng am là ruộng lúa mì và phía bên phải cách đó 500 mét là đồng cỏ của một nông trại nuôi bò. Trên đỉnh đồi trái phía sau am là một khóm rừng lớn, ở đó có một cây thông rất lớn, cành lá rất sum suê, Thầy đặt tên là cây thông Thanh Từ. Ngoài ngôi nhà chính thì cốc của Thầy là cái chuồng bò cũ kế bên, vách đá giống như nhà chính. Vì là chuồng bò, hai bên vách không thông nhau nên rất tiện làm thất cho riêng Thầy, để không ai làm phiền khi Thầy cần không gian yên tĩnh để viết lách hay dịch kinh. Phía trước sân am có một cái giếng nước cũ, thành giếng do Thầy xây lại, cạnh giếng có một cây mận rất ngon và xung quanh giếng có treo nhiều võng. Gần đó cũng có một cây táo (pommier) rất sai trái, loại táo có trái khá lớn nhưng chua; các em thiếu nhi và cả người lớn thường cắt táo thành nhiều lát mỏng rồi giã muối ớt để ăn với táo, ăn như ăn xoài chua, rất thú vị.

Mặc dù đã có Phương Vân Am từ năm 1971, nhưng Thầy chưa về ở hẳn vì còn nhiều công tác cần phải làm ở Paris như vận động cho hoà bình, cho nhân quyền cho Việt Nam, dạy học ở Sorbonne mỗi tuần ba giờ. Thầy chỉ về am vào những ngày cuối tuần hay vào những lúc rảnh rỗi khác. Cũng vào năm đó, tức là năm 1971, trong khi đi Canada trình bày với quốc hội Canada về tình hình Việt Nam thì Thầy bị chính quyền vô hiệu hoá hộ chiếu, không cho Thầy trở về nước nữa. Thầy liền về Pháp và tổ chức họp báo ngay tại phi trường Charles de Gaulle Paris, và cuối cùng chính quyền Pháp đã cho Thầy tỵ nạn tại Pháp. Cuối năm 1975, sau khi gặp nhiều khó khăn trong việc gửi tiền và gạo về Việt Nam, Thầy quyết định đóng cửa Văn phòng Phái đoàn Hoà bình ở Paris và về ở luôn tại Phương Vân Am để nuôi dưỡng và tĩnh tu, và cũng để giúp cho những người đồng sự của Thầy chữa lành những vết thương.

Thư Lê Thương viết ngày 10 tháng 8 năm 1979

“Em Phương Hương

Tôi viết cho Phương Hương bức thơ thứ hai này vì thư trước đã xé bỏ. Thư trước viết từ 22.7 để đáp thư aérogramme của PH nhưng vì con trai nhỏ của tôi nó quên gửi nên may quá! đọc nó lại thấy nó quá thời (cắt nghĩa thư trước gửi từ khoảng tháng 4 hay 5 có cả 8 bài hát gửi recommandé và có nói là đã lãnh cả 2 colis rồi…).

Nên nay 10.8 mới lãnh colis 3, có thuốc loét bao tử, loét đỏ chân tay và 10 thuốc lá hảo hạng cùng campolon tôi vội tin cho PH biết mà yên dạ.

Lục tìm thư aérogramme đọc để đáp ứng những thắc mắc hỏi han của PH tôi ráng trả lời từng chuyện theo trật tự để PH yên dạ mà nhai pissenlit trừ cơm, gớm, con người ăn rau mà không biết ngán. Tôi đang đối chiếu bằng tưởng tượng anh Cao Thái, một giang san thịt còn cô PH nhà “thảo mộc kia” ốm nhom như đầu đũa vì nghiên cứu và nghiền ngấu các thứ thảo dã trên mặt đất âu sầu này. Nếu là sai bét thì tôi mừng nếu là đúng thì đau quá. Mong là quá sai đấy P. Hương.

Đây, trật tự (việc hiếm có)

  1. Thư anh Cao Thái và Ba Trạch chưa hề nhận được cho đến 10.8.79 này: lại vì sức tàn phá của vi trùng làm biếng. Hai ảnh bị em thúc nên hứa cuối cùng rồi cười hè đó chứ sức mấy mà cầm được cây viết và kiếm ra tờ giấy. Anh Ba Trạch chữ xấu tệ quá nên không ưa viết cho ai bao giờ, tôi biết rõ điều tai hại đó mà anh vuốt tóc cười khè thì tươi như nước lã. Làm biếng nhất Việt Nam.
  2. Colis 3 đã tới TP HCM hôm nay 10.8 vậy PH đã lãnh được chiếc thư recommandé (gửi bảo đảm) có 8 bài hát rồi chắc, vì nó là cái đinh đuổi cái colis loét bao tử tới đích. Bài “Biển sau giông tố” nay tôi xin bổ túc cả mấy câu đầu. “Xa xôi muôn hướng/ Nước xanh Thái Bình Dương/ Mở nghìn muôn lối đường/ Dẫn ra tới ngàn phương.” Về thuốc colis 2 đã lãnh xong chắc PH đã nhận thư của nhạc sĩ Ngô Nhật Thanh vì anh nói đã viết rồi. Còn anh Vĩnh Phan (hai suyễn sĩ) thì nói còn làm bài thơ hay rồi mới gửi một thể. Chắc thơ còn thiếu vần nên chưa gửi.
  3. Thư dài hai trang giấy lớn của P Hg chưa hề tới. Ở Paris có đình công ở bưu điện mà đến đây được thì có lẽ còn lâu. Một thí dụ ngoạn mục: Thư con gái tôi ở Mỹ gửi một tháng tới Hà Nội ngày 7.4, và vào đến Sài Gòn là 27.7.79. Bước đi không gấp gáp ấy chỉ có 3 tháng 20 ngày chẵn. Thư PH mà theo vận tốc ấy thì may ra vào Noel tôi sẽ được đọc. Tôi đang tức là muốn nghe P.H nói chuyện này nọ mà thư từng bước làm tôi cụt hứng thêm.

Xem xong thư recommandé chắc đã lãnh, PH cho biết ý kiến về bài hát. Cứ sử dụng tuỳ ý, lần sau sẽ thêm vài bài tình cảm và trẻ em.”

Từ mấy năm nay, vì Lê Thương không có cảm hứng sáng tác cho nên khi tôi hỏi về những tác phẩm mới nhất của anh, anh nói là “thiếu đề tài”. Anh không muốn sáng tác để than trách. Anh tự cho là “người bị cột xích vào dĩ vãng”. Và những mộng ước cho quê hương cho nhân loại đã bị “những trận bão phũ phàng xé tan tành”. Anh viết:

“4. Sáng tác mới mà PH hỏi thì chưa có vì hứng nhạc đang biến mất từ mấy năm nay. Duyên do cũng gần như thiếu đề tài. Tình cảm thì vẫn phong phú nhưng chẳng lẽ già rồi mà còn vơ vẩn trong “tình yêu tà áo xanh, áo tím, người em nhỏ”, mà nói về đất nước thì những chuyện rách nát chưa nên bàn. Cả một quan niệm sống hiện đang giao thoa với chuyện cơm gạo hàng ngày, chuyện học tập lai rai, lương phạn chưa làm cho 2 đầu thắt lưng nối được nhau. Còn sự thèm khát không rộng cũng chưa tiện bầy ra nên cảm hứng có chiều hướng về đắng cay ngậm ngùi gì đó. Mà cứ than mãi thì thành 6 câu vọng cổ bù loong P.H nghe mãi nhai rau không đành nhất là giữa cảnh núi non có vẻ cô quạnh.

Những người bị cột xích vào dĩ vãng như Lê Thương, một kẻ si tình từ niên thiếu muốn mở cõi lòng nhìn vào hứng nhạc thì xin cứ để tâm hồn khơi lại vài mảnh tình xưa đã mất và may ra từ đống lửa chưa tàn ấy, nhóm lên được sức nóng sức ấm làm bốc cháy được những cảm hoài xa vắng, âm u. Tình cảm sẽ chỉ nói lên được với sự e dè trước cái kéo (les ciseaux). Nhưng mộng ước cho non sông cho nhân loại hầu như đã bị những trận bão phũ phàng xé tan tành đi mất. Vậy P. Hương ơi, đừng đề cao Lê Thương này quá như tôi đã nói, nhưng cũng đừng vội nản chí, vì chắc ai đã nắm được lòng mình khi hoàn cảnh chưa đem đến nhiều thuận tiện.

  1. Sang chuyện khác P. H nói đến Paris bày món ăn xứ sở nghe mà cũng thèm. Người mình đi đâu cũng mang theo xứ sở và cả cõi lòng hướng về quê nhà. P.H và anh Thái đang thực hiện hướng chiều thương mến ấy bằng những món quà thực tiễn rất cảm động. Các con tôi thấy tên Ngô Thị Phương Hương hỏi cô ấy có bà con gì không ba? Tôi nói họ Ngô thì cũng không ít nhưng chắc đây cũng là họ hàng từ kiếp nào không biết mà họ Ngô này có nhiều kẻ thương người, hay giúp đỡ kẻ khác, gây hạnh phúc cho người mà chưa chắc đã hưởng được hạnh phúc cho mình. Chúng nó bùi ngùi nghĩ đến P.Hương với lòng cảm mến man mác mà chân thật chia vui cùng ba của chúng. Đó P.H nghĩ xem cảm tình đồng đội ấy đã có từ những bức thư đầu của P.H và có lẽ tôi sẽ mượn chuyện này để nói lên bằng nhạc, bằng giao cảm.
  1. Bệnh tật kết thúc một người mẹ nghệ sĩ đã già, trên 50 tuổi mắc bệnh gọi là “bệnh sưng đầu voi”, hai đầu gối bóng láng mà nhức không đi được. Bà đã tốn rất nhiều tiền thuốc, châm cứu, chích thuốc từ tết năm ngoái đến giờ mà vẫn chưa khỏi. Nghe nói nếu mà chỗ đau nó làm niệng (lủng da thịt thành plaie vết lở) thì chết. Thuốc ở đây đã không kiến hiệu. P.H hỏi giùm các bà xem có thuốc nào chữa bệnh đó xin cho biết gấp. Ngoài ra thuốc P.H gửi về bao tử và loét đỏ sẽ trao cho các bệnh nhân gấp. Nhớ lần sau, khỏi gửi giấy viết nhạc mà gửi nhiều viết bic.

P.H cũng gửi lời cảm ơn anh Thái, và cảm ơn P.H về những sự giúp đỡ nhiệt tình cho anh em nghệ sĩ. Các ông bị suyễn vẫn dùng cái bơm cấp cứu rất hữu dụng. Giấy ngắn, chuyện còn dài. Xin hẹn thư sau sẽ có thêm bài hát. Lần này gửi gấp để xác định colis 3 đã nhận.

Chào PH mến

Lê Thương

Thư Lê Thương viết ngày 7 tháng 11 năm 1979

Tuy anh Lê Thương nói cạn nguồn cảm hứng, để nếu bị kiểm duyệt thì không để ý thư anh, nhưng sau khi tới tấp nhận được thư khuyến khích của Thầy trò nhà Les Patates Douces, Fontvannes 10190 Estissac thì anh đã đặt lời mới cho những bài nhạc cũ như bài Lòng mẹ Việt Nam. Anh đã viết lời mới của phiên khúc ấy trong những tập nhạc “cũ” anh gửi cho chúng tôi.

Lê Thương viết:

“Thành phố Hô Chi Minh 7.11.79

Mến gửi Phương Hương

Chiếc thư này tới PH thì đã quá lễ Noel và Tết Dương lịch rồi có thể cả Tết Canh Thân 1980.

Thời gian sống động của những cuối năm đều là những lúc lòng dễ bùi ngùi và đôi khi sửng sốt trước cảnh gặp gỡ nhau, hội họp nhau sau những tháng ngày ly tán. Những lúc ngồi lại một mình sau những cuộc vui vừa tan người ta lại gửi niềm thương nhớ về những kẻ xa xôi, người lưu lạc hoặc người đã khuất.

Giá lúc đó có ai hát một bài ca kỷ niệm thì cả dĩ vãng bỗng sống lại và gây một sự phấn khởi nào đó hoặc một u uất khó tả về một cảnh sống trôi nhanh, một tình xa xứ hay nỗi nhớ bâng quơ về cảnh và người xa lạ.

Tôi nhớ đến PH như hằng nhớ trong thắc mắc là mãi chưa biên thư cho PH. Kỳ hết sức – mãi hơn ba tháng mà chưa biên thư cho một người không ngớt ưu ái đến các nghệ sĩ bên nhà và riêng đối với tôi, đã bao lần tìm dịp giúp đỡ một cách tế nhị. Vậy mà khi không có sự lặng tờ vô lý không cách gì cắt nghĩa được cả. Nhưng tôi thì cắt nghĩa được sự lặng tờ bên trời Tây (khi đông đã đến) của PH. Có lẽ PH thấy hơi khoẻ vì khỏi biên thơ lòng vòng làm chi cho bận tâm và nay chắc đang sửa soạn một lễ Noel vui nhộn với các bạn bè và một kỳ tết Tây không kém phần nhộn nhịp.

Từ chốn lặng lẽ của tôi, nay đã ra khỏi cơn khủng hoảng tinh thần của 2 đám tang trong dòng họ gia đình nên tôi xin phép phá vỡ tấm hàng rào ám khói trong linh hồn để biên bức thư cuối năm mà cũng là cuối thu như một chiếc là vàng rơi đến đâu thì đến.

Kèm theo bức thư có bài hát Hồi chuông nửa đêm kể một tâm sự riêng tư mà cũng là nỗi lòng của một số người dậm chân tại chỗ khi tiếng nhớ những Noel dộn dịp trong lòng mà tai không được nghe chuông Carillon ròn tiếng…

HỒI CHUÔNG NỬA ĐÊM

Nhớ các Noel âm u diệu huyền không hề quên 

Tôi nhớ đêm đông xưa kia lạnh lẽo

Mang áo len đan, đầu quàng vải khăn 

Mộng lòng bừng cháy lên như lửa nến 

Nghe tiếng tim non nao nao đập nhanh

Như tiếng yêu thương của ai gọi mình 

Mở lòng đầy vơi trong suốt bài kinh 

Nghe tiếng chuông xa như nghe lòng ta 

Ao ước miên man hạnh phúc vô vàn 

Toả đầy lòng ta như muôn ánh sáng 

Nghe gió đông sang tôi mơ đầm ấm 

Chim chóc vui ca ầm vang dạ lòng 

Nặng một tình thâm

Bài ca nửa đêm, nhớ các No-En xa xôi dịu hiền 

Không hề quên.

(Lời ca 2 của bài Hồi chuông nửa đêm)

Những Noel ấy, đối với tuổi muộn màng như tôi sẽ không bao giờ trở lại. Mà chỉ vì nó đã có, nên nó gây bao nhiêu là nhớ nhung mến tiếc…

Song nghĩ lại, phải nghĩ đi nữa mới cân đối phải không Phương Hương?

Tôi nghĩ đến các bạn xa, Trần Văn Trạch, Cao Thái,… Bữa gặp anh Trần Văn Khê mới đây, tôi có nghe nói qua về anh Trạch và chỉ mong anh được một kỳ Noel và Tết 80 vui vẻ. Lúc còn hoạt động chung Tân Nhạc tâm hồn ấy chắc đáng mến vô cùng. Nhưng đến đây tôi cảm thấy có một hàng rào ngăn cách mặc dầu âm nhạc được coi là không biên giới. Thôi tạm gửi “hương theo gió” để Nhạc tìm mãi muôn trùng cho đến lúc không bao giờ gặp. Tâm sự ca nhân cũng thế… Ca nhân nắn tơ lòng huyền bí ra thành cung hát ái ân reo trong khắp phương trời một khúc yêu đời để sống…

Đế sống… mà cuộc sống vẫn càng đẹp vì xa cách, một xa cách được nối liền bằng tâm sự, những sợi tình cảm ly ty chằng chịt như mớ tóc biếng chải tuôn xuống gương mặt thư nhàn lúc nào cũng mặc thây cho việc đời đến đâu thì đến.

Tôi mường tượng hơi nhiều, nhưng còn mường tượng nữa để an ủi mình có một tâm hồn bạn… chưa biết là ai nhưng càng ngày càng hiển hiện thêm trong trí óc.

Chiếc thư này đến tay PH thì xuân sắp tới sát kề vườn rau Fontvannes còn phủ tuyết. Mà PH thì có lẽ thấy trời lạnh giá nhưng mong mấy giòng chữ nhiệt đới làm bớt được phần nào nỗi cô đơn của lòng người xa xứ nhớ đến quê nhà.

Lê Thương”

Qua thư này tôi thấy Lê Thương dù có gặp ông Trần Văn Khê nhưng vẫn có điều gì đó không thoải mái cho lắm. Ngày xưa lúc còn hoạt động chung trong giới tân nhạc, các tâm hồn ấy chắc đáng mến hơn bây giờ, do đó ngày nay, dù gặp nhạc sĩ Trần Văn Khê, Lê Thương vẫn cảm thấy có một hàng rào ngăn cách.

Thư Lê Thương viết ngày 30 tháng 11 năm 1979

“Cuộc bay lượn của cánh nhạn dài bốn tháng rưỡi. Đồng thời với thơ Phương Hương cũng có thư của người quen ở Pháp gửi cùng ngày từ Basses Pyrenées xứ Pháp và cùng tới, thế là biết trong thời gian bay lượn ấy có thể cánh nhạn đã ghé nơi nào và xìa cánh, bày lông cho người tìm vết.

Vì thế số phận mấy bài hát lần này và về sau không biết ra sao, chắc Phương Hương hiểu điều tôi nói.

Đã nói 3 đề tài hồi hộp: 1. bệnh hoạn thuốc men cho bá tánh; 2. sáng tác âm nhạc đang tìm lối hồi sinh; 3. linh tinh, Cao Thái và phức tạp của dư luận này nọ. Hai đề tài 2 và 3 xin tạm xếp dành cho thư sau nay tôi chỉ bàn với Phương Hương về đề tài khô khan phi mỹ thuật là bệnh hoạn. Cũng có nhiều nhưng cấp bách thì chỉ có 3 thí sinh cỡ mập chờ tại hành lang xin yết kiến Phương Hương đậu hay rớt tuỳ giám khảo định đoạt.

Ông già bạn, trên 60 thích hút thuốc uống rượu (lai rai thôi) bị bệnh về thận loại Néphrite hay gì đó. Ăn cơm xong nước tiểu ông thường đục. Hôm nào ăn chất mỡ nhất là ăn đồ biển, ốc sò hay củ mì là thấy nhiều chất trắng (có phải là Albumine không?) và đôi khi tiểu khó khăn. Lúc cố gắng thì nó ra một chất trắng như mủ đặc trông khốn khiếp dã man vô nhân đạo. Ông sợ và giấu người khác. Tôi khuyên nhịn các thứ độc, ông nói thèm quá, mấy khi được ăn nên xực chết bỏ.”