Hòn vọng phu
Tôi đã từng hỏi anh về hoàn cảnh sáng tác những bài Hòn Vọng Phu. Một ngày mùa thu 1987, anh đã viết cho tôi một lá thư kể cho tôi nghe chi tiết về diễn trình biên soạn ba bài Hòn Vọng Phu. Tôi rất mừng khi nhận được lá thư này. Đây là một tài liệu quý hiếm cho nên tôi phải chép ra đây để nhiều người được đọc.
Tôi xin chép nguyên văn lá thư Lê Thương viết ngày 1.8.1987 để quý bạn biết được trong hoàn cảnh nào Lê Thương đã sáng tác Hòn Vọng Phu 1, Hòn Vọng Phu 2 và Hòn Vọng Phu 3.
Lê Thương viết nói về những lý do thâm sâu về tình yêu chồng mãnh liệt và trung kiên đến hoá đá của Hòn Vọng Phu. Vọng Phu 2 – Ai xuôi vạn lý được Lê Thương viết ra trong trạng thái mười phần chết một phần sống, anh nhớ đến nén hương thương tiếc mối tình chung thuỷ với đất nước quê hương, anh phác thảo những nốt nhạc trong rừng sâu Chẹc Xậy Bến Tre, toàn lá dừa nước, trong khi đang bị Tây ruồng tấn công tứ phía, có thể chết bất kỳ lúc nào.
Lời kể của Lê Thương:
“Tháng thu 87
Mến gửi Phương Hương thân mến.
Cách đây 43 năm, (1944-1945) tại xứ dừa tỉnh Kiến Hoà, lúc đó còn là cù lao An Hoá, tỉnh Mỹ Tho.
Tình trạng giao động của một tâm hồn ưu tư về thời cuộc (Nhật chiếm Lạng Sơn 40 rồi tràn vào Hải Phòng, Hà Nội, tôi vào Nam 1941) hoà nhiễm nỗi lòng chinh phu trong văn thơ đưa tôi đến việc sáng tác lần hồi ba bài Hòn Vọng Phu thành một truyền kỳ cảm động.
Năm đó tôi tự cho là một kẻ phiêu lạc, đã từng ghé bến Quảng Châu Trung Hoa 4 tháng – ghi xong hơn 384 trang nhật ký – tiếc rằng nay đã mất hết ở Trà Vinh năm 1945 – mang nặng mối tình nước non đang xao xuyến, phân vân trước bao nhiêu nghi vấn của đời người, nên tôi gửi thác tâm tình vào đề tài dân tộc là “Tích người đàn bà hoá đá”.
Tất cả luân lý Đông phương hầu như căn cứ trên lẽ tiết chung của Con Người các thế hệ, các giai cấp trong một nhân sinh quan sâu đậm Tình và Nghĩa.
Người mẹ ôm con đợi chồng rồi hoá đá quả là một truyện ly kỳ tuyệt đẹp.
Thành đá đây là thành chứng quả tình thâm, tình vợ chồng chưa toại lòng nhau đã cách biệt, tình cha con chưa từng ôm ấp đã chia ly, tình đồng loại chưa sum vầy đã tan rã.
Nước ta có 3 đá Vọng Phu: Một ở Lạng Sơn có nàng Tô Thị như trong câu “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”, hai là ở Phú Yên (Nam Trung Việt) có núi Vọng Phu vùng Đèo Cả (tỉnh Phú Khánh), ba là ở Hà Tiên, có Vọng Phu Thạch.
Núi Vọng Phu ở Phú Yên, tại một vùng địa lý hơi man rợ, thâm u, là đá đẹp nhất xem từ biển nhìn vào làm cho tôi cảm mến.
… Nhớ lại năm 1470 đầu niên hiệu Hồng Đức tại vùng này có ‘‘Thạch Bi Sơn” làm biên giới Việt Nam và Chiêm Thành còn sót lại… Cảnh trí đường đèo quanh co, cây cỏ um tùm man rợ làm cho dân gian ghi tạc mấy câu vè siêu thực đầy tính bí hiểm.
“Mưa Đồng Cộ, gió Tu Hoa, cọp Ổ Gà, ma Hòn Lớn”.
Lời sơ giải của dân gian kể là: Trên một cao nguyên nhỏ vùng đèo thường có mây dày đặc, chỉ cần gọi nhau trên đó là có mưa rớt xuống (còn nhiều di tích dân cổ Chiêm Thành trên đó).
Đường lên ngọn cao nơi đó, sườn núi bị soi mòn, gió biển thổi qua các khúc quanh co, nghe như tiếng hú âm u.
Đó là mưa Đồng Cộ, gió Tu Hoa.
Cọp thời xưa dạn dĩ đến nỗi sau những trận mưa chúng ra đường lộ phơi nắng cho khô bộ áo rằn ri, xe hơi thời đó bóp kèn năn nỉ chúng cũng không thèm nhúc nhích (xe thời đầu Pháp thuộc có mui dựng lên để hai bên hông trống rỗng) nên xe phải dừng lại cho mấy “ông ba mươi” đi hết mới chạy qua, vừa lên tốc độ chối chết vừa la như giặc.
Còn Hòn Lớn nghe như một cái đảo âm u ngang vùng Phan Rang gì đó, có rất nhiều “ma Hồi” đêm cứ lập loè nhát các ngư phủ ghé thuyền tránh gió đến đó qua đêm.
Quang cảnh hú vía của thiên nhiên, trộn vào ảnh cảm địa lịch qua từng bước đường nam tiến vẫn ám ảnh tâm hồn tôi, một cậu trai giàu tưởng tượng, để lúc sống bên bờ kinh Chẹc Xậy (tỉnh Bến Tre thân mến) phải thể hiện thành bài Hòn Vọng Phu.
“Lệnh vua hành quân trống kêu dồn…”(Hòn Vọng Phu 1). Bài này đã xong và đưa anh Lưu Hữu Phước trước ngày 23.9.45 để anh đem ra Bắc.
Bài Ai xuôi vạn lý (Hòn Vọng Phu 2) là cuối năm 1945 sang 46, tôi theo kháng chiến tỉnh Mỹ Tho đi từ Cai Lậy, Thuộc Nhiêu, Vĩnh Kim qua sông, đi với các em phần đông là học sinh Petrus Ký mà tôi là trưởng đoàn ca nhạc với những bài thanh niên lịch sử và riêng Hòn Vọng Phu 1 nghêu ngao qua các làng dừa từ Thành Triệu, An Khánh, Phú An Hoà, Quới Sơn, Giao Long, Giao Hoà, cho đến Dòng Sầm, gần Bình Đại.
Bỗng Tây đem tàu tấn công ba cù lao, cù lao Minh, cù lao Bảo, cù lao An Hoá. Tiếng Canon 75 bắn tủa vào các bờ sông có dừa, máy bay phun lửa “spitfire” từ trời bắn xuống. Đoàn phải tan rã, các em trong đoàn chạy hầu hết về gia đình, chỉ còn tôi và người bạn (anh này đã chết) trốn được vào vùng lá Dòng Sầm cách Bình Đại 4 cây số.
Chúng tôi được một gia đình người Cao Đài làm đầu tộc đạo nơi đó thương xót giấu trong bìa lá và giúp lương thực sống trong sự khủng khiếp hằng ngày vì tên Pháp lai Leroy và bọn lính Partisans đầu đỏ xục xạo làng xóm gieo khủng khiếp. Lúc đầu chúng tôi còn trốn vào sâu trong ruộng, đem gạo cơm đi ăn, tối về nằm trong kho lúa. Sau vì còn thấy nguy hiểm nên anh Tư bà con với ông đầu tộc đạo dẫn chúng tôi vào bìa lá Dòng Sầm dày 4, 5 trăm thước sát cửa biển Bình Đại.
Tại nơi yên tĩnh này chúng tôi được sống bên bờ rạch dày đặc lá dừa nước! May mà còn chiếc mùng “Tuin” (tulle) để tránh muỗi, đêm đêm nghe dế than, cá thòi lòi đập đuôi lạch bạch dưới sình và tâm hồn lo âu vô vọng. Tôi hay nghĩ đến sự chết thê thảm cô đơn và lẩn vẩn trong trí óc sự tiếc nuối mênh mang như lòng người chinh phụ trong giang san Đèo Cả.
“Thôi đứng đợi làm chi. Thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ. Những người mang mệnh biệt ly.”
Nhờ cây viết máy Kao lo khô mực và nước rạch nhỏ vào cho ướt lại, tôi viết mấy ô nhịp trên.
Tâm hồn rạo rực trong mỗi buổi chiều tà làm bốc lên những tiếng mới của bài Hòn Vọng Phu 2. Ai xuôi vạn lý được ghi vội vã lộn xộn nhưng cuồng nhiệt như tâm hồn tôi ghì lấy sự sống.
Ngày chót ở Dòng Sầm là ngày đại bố của tên Leroy. Hắn nghe tin có người lạ mặt trốn trong lá (vì có tên lính kín của hắn trà trộn trong đám người đi chặt lá bất ngờ gặp 2 chúng tôi).
Tên này giả đò thương hai chúng tôi, hỏi vu vơ vài câu rồi ra lộ làng. Anh Tư người che chở chúng tôi thấy nó chạy vội xuống Bình Đại, anh hốt hoảng vào kêu chúng tôi thu xếp túi áo quần, xoá vết củi than rồi tìm chỗ trốn càng sâu càng tốt như ráng chui dưới đống lá mới chặt kẻo vào bụi rậm thì dễ bị chúng bắn bừa vào cho chết.
Cả một ngày khủng khiếp tột độ kéo dài cho đến gần tối đen, chúng tôi mới dám lần về nhà anh Tư, hỏi thăm nơi nào còn trốn được nữa. Anh dẫn đến nhà người bề trên trong dòng họ và cả trong đạo, năn nỉ xin giúp. Ông này chỉ lối cho chúng tôi ra một tha ma nhỏ có 1 cái mộ đào sẵn nhưng chưa chôn. Lấy rơm nơi gần đó trải đầy xuống đáy mộ, chúng tôi đành xuống đó nằm nghỉ qua đêm, yên lặng trong ngôi mộ như chờ lấp đất.
Vòm trời sao hình chữ nhật toả xuống hai thằng người nửa sống nửa chết, tuy chưa chôn nhưng đang phó thác tâm hồn cho thượng đế với hai cái xác còn đầy sức sống cầu mong được thoát nạn. Sáng hôm sau lời nguyện đã được nghe từ thiên cao: Một em trong đoàn hát tìm được chúng tôi và dẫn qua đường làng đến Vang Quới (Dòng Quới), xuống đò máy về được Mỹ Tho để ngồi tù… rồi thoát nạn.
Ba tôi cũng đã từng sống chui như Lê Thương
Vì hoàn cảnh gia đình đông con, ba tôi không thể đi theo kháng chiến, ba tôi chỉ mong trở lại thành phố và làm những nghề nghiệp không có hại cho đồng bào đất nước để nuôi gia đình. Lê Thương viết: “Về Mỹ Tho để ngồi tù… rồi thoát nạn”, ở đây tôi xin giải thích thêm “về ngồi tù” từ kinh nghiệm gia đình tôi. Về ngồi tù có nghĩa là về lại vùng bị Tây chiếm đóng, đi ở tù một thời gian và sau đó được trả tự do, ra sống trong vòng Tây kiểm soát. Nếu một chiến khu không còn lực lượng chống trả và không có nhiều du kích thì Tây cứ đi lùng và giết cho hết những người kháng chiến ít ỏi còn lại. Vậy ai trốn mãi trong các vùng ấy thì thế nào một ngày cũng bị giết. Thà rằng ra đầu thú rồi tìm cách khác mà lặng lẽ giúp cho quê hương trong khả năng của mình. Biết bao nhiêu người đi tìm cách thức ấy, trong đó có ba tôi và anh Tư tôi. Cũng đúng thời điểm mà Lê Thương sống chui gian khổ, thì Tây cũng đã về tận An Định Cái Quao, nơi gia đình tôi tá túc trong nhà đãi của ông nội tôi (nhà to dùng để đãi khách mỗi khi có giỗ).
Gia đình tôi gồm ba má, chị Hai, chị Ba, anh Tư, chị Năm, anh Sáu, chị Bảy, chị Tám, tôi (bé Chín) và em Mười, 11 miệng ăn mà không có cách gì làm ra tiền. Tiền dành dụm của ba má tôi nghe nói được 6.000 đồng mà từ hôm đi di cư về quê nội cứ ăn dần dần, sắp cạn. Từ khi Tây đến đóng đồn tại Cái Quao, ba tôi phải đi trốn vì sợ bị bắt. Nếu Tây bắt, họ sẽ buộc mình điểm chỉ đồng bào nào làm du kích thì làm sao mà ba tôi có thể làm việc đó được. Ba tôi và anh Tư tôi cứ phải đi trốn trong nhà các bác tá điền cũ của ba tôi, những căn nhà nằm sâu trong các lạch con, sình lầy và đầy cả rừng dừa nước mà Tây không dám đi tới như chỗ anh Lê Thương.
Ngày nào khi nghe có tin Tây đi ruồng bắt thì phải ra ruộng núp giữa những cây rơm hay núp sau các ngôi mả giữa những bụi trăm bầu của nghĩa địa làng. Có một hôm khi đang về An Định thăm các con thì Tây tới, ba tôi phải chui vô quan tài của ông nội (áo quan bằng gỗ quý, nội tôi mua trước để dành khi chết xài). Còn anh Tư tôi thì chui vô cái lu trống phía sau đống củi nấu ăn to tướng. Chị Hai tôi lúc đó 22 tuổi bình tĩnh ra nói tiếng Pháp với những người lính Lê Dương để họ có cảm tình không vào xét nhà tôi.
Chị Hai tôi giỏi tiếng Pháp lắm, nói năng giải thích đàng hoàng hôm đang giấu Ba và anh Tư. Nhưng những hôm sau, khi mấy người lính Pháp trở lại nhờ chị đi thông dịch thì chị giả đò không hiểu rành tiếng Pháp, chị làm bộ lơ mơ nói vài chữ cố ý phát âm trật để họ không hiểu chị muốn nói gì nên mới được tha, không bị bắt buộc làm “Việt gian”. Ba tôi rất sợ bị nghi là Việt gian hay bị bắt làm Việt gian, nên suốt bảy tám tháng phải sống trốn chui như Lê Thương ngoài ruộng lúa hay trong các lùm dừa nước. Má tôi và chị Hai khi ở tỉnh Bến Tre rất là khéo về nữ công gia chánh. Má và các chị tôi biết làm các món bánh tây và nấu những món ăn ngon sang trọng cho những tiệc cưới nơi thành phố làm phương tiện sinh sống. Nhưng ở An Định, người dân quê không ai biết ăn bánh Tây, không ai mướn làm tiệc cưới linh đình như hồi ở tỉnh nên tiền dành dụm cứ cạn dần. Nếu không trở về Bến Tre kịp tìm việc làm như xưa thì không còn tiền mua gạo nữa.
Cuối cùng chị Hai tôi phải liều đi về Bến Tre dò dẫm tình hình. Trở lại Cái Quao, chị báo cáo là những người bạn của Ba đã hồi cư như bác Đốc Trinh, thầy giáo Tròn, thầy giáo Dân, cô Tửng… có việc làm, nghề giáo dục khá an ổn. Ở thành phố lớn như tỉnh lỵ Bến Tre, nếu mình trở về nhà cũ của mình cũng không ai để ý. Ba tôi và anh Tư ra trình diện và bị tù vài ngày thì ba trở về làm việc lại ở sở Công chánh Tỉnh. Anh Tư tôi 19 tuổi bị bắt đi lính Pháp. Anh vào quân đội Pháp nhưng đã khéo léo giúp du kích chiến rất nhiều. Hình như anh lặng lẽ báo tin trước cho đồng bào biết quân đội Pháp định làm gì, ở vùng nào để du kích trốn trước. Anh Tư tôi thi hành một năm quân dịch thì xin về và ba má tôi cho anh đi Pháp du học ngay. Sau 1975 có nhiều người du kích cũ ra làm lớn đã tuyên dương anh Tư tôi như anh hùng!
Lê Thương, Sài Gòn 1947 – 1948 với Hòn Vọng Phu
Xin mời các bạn đọc tiếp lá thư ngày 01.8.1987 của Lê Thương. Sau khi về được Sài Gòn, anh hoàn tất tác phẩm Hòn Vọng Phu II – Ai xuôi vạn lý vào cuối năm 1947, và trong suốt năm 1948 bài hát này đã được trình diễn vang dội trên các sân khấu Sài Gòn với giọng hát của nhiều nam nữ ca sĩ trong đó có nữ ca sĩ Ánh Mai.
Sài Gòn cuối 1947, Hòn Vọng Phu 2 với nỗi lòng “người Vọng Phu” (qua) lúc gió mưa thành hình và trong nội năm 1948 nỗi lòng ấy vang dội trên các sân khấu Sài Thành với giọng ca điêu luyện của nhiều nam nữ ca sĩ, trong đó có Ánh Mai, sau này thành vợ cũ của Huỳnh Văn Tiểng và vài người đẹp đã quên tên.
Sống lại với nền tân nhạc giữa thời “khai sơn phá thạch”, tôi không ngớt theo đuổi ý chí kể lại khúc chót của chuyện tích, mặc dù mắc kẹt với bao sáng tác của năm 1948, một năm khởi sắc với sáu bài nhạc thời sự (Hoà bình 48, Báo thương, Liều thuốc độc lập, Dao ca…), tạp khúc ca, kịch ngắn, thâu âm đĩa hát, tìm nhà ở, tìm chỗ dạy học lại,…
Người chinh phu về (Hòn Vọng Phu 3) với tình nghĩa vợ chồng đổi sang tình nghĩa non sông, nhìn đứa con để trao cho nó thanh kiếm sơn hà. “Trao nó đi gây lại cơ đồ”. Linh tính làm người Việt Nam giữa thời khói lửa vẫn đinh ninh là Hạnh Phúc vẫn là mục tiêu không kỳ hạn mà dân tộc phải tìm lâu dài cho đến khi quân bình được những cảm tình trái ngược mà lẽ đời sôi động của cuối thế kỷ đã lôi cuốn bao lớp người vào lãng phí sinh mạng như vào hận tủi bi thiết của nhân sử nòi Việt.
Đến đây – nhân lúc mới khoẻ lại về thân thể và tin đời, tôi gửi thác P.Hương một điệp khúc từ sự của bài Hòn Vọng Phu 2.
Có thơ xuôi vạn lý
Nhắn Phương Hương mấy lời
Đá non sông tình ý
Vẫn trơ gan dưới đời
Ghi nghĩa nặng tình sâu
Và lòng thân tín với nhau
Vững như đá tảng non đầu
Vẫn chan chứa Tình Bể Dâu
Lê Thương
TB: Nhớ lại những giọng Hoàng Oanh, nõn nà thuỳ mị, rồi mới đây, giọng Mai Hương, đơn chuyên thẳng tắp sau những thổn thức của Thái Thanh trong các kỳ diễn lại Ai xuôi vạn lý.
Phải kể nhiều về giọng Long Xuyên tinh nghệ của Phạm Bá Phước (đã khuất), của Thanh Hùng và nhất là giọng Duy Khánh thiết tha chải chuốt và mới đây giọng Hoài Trung diễn kể Người Chinh Phu Về còn cảm tình gió Khơi Dĩ Vãng.
Nhớ PH qua sự nín lặng lâu dài chỉ vì bất tiện chứ không mảy may vì gì khác.
Mong Trời Phật giúp con người khả ái ấy giữ mãi được sức khoẻ và tin tưởng về Mai Hậu.
N.B: Sẵn Noel, Nouvel An và Tết Mậu Thìn sắp tới xin chúc Phương Hương và gia đình toàn vẹn ở biệt thự Khoai Lang được tràn trề vui mừng sức khoẻ và các cụ bà được sống lâu trăm tuổi để chờ ngày về thăm Bến Tre thân mến trong niềm vui an hoà của những năm xưa.
Cả gia đình tôi cầu chúc. LT.”
Nhận được lá thư trên của Lê Thương, tôi mừng lắm và cũng lấy làm rất hân hạnh vì được anh làm tặng một điệp khúc nữa của bài Ai xuôi vạn lý. Những lúc tưới rau sau vườn Nội Viện Phương Khê, tôi cứ hát mãi cái điệp khúc này:
Có thơ xuôi vạn lý
Nhắn Phương Hương mấy lời
Đá non sông tình ý
Vẫn trơ gan dưới đời
Ghi nghĩa nặng tình sâu
Và lòng thân tín với nhau
Vững như đá tảng non đầu
Vẫn chan chứa Tình Bể Dâu.
Những bức thư của Lê Thương