Đất bằng nổi sóng
Thư Lê Thương viết
“Tp Hồ Chí Minh 01.8.1987 đến 21.10.87
PH thân mến
Công an thẩm vấn: Đất bằng nổi sóng!
Một chuyện “Sóng nổi đất bằng” từ tháng 10-86 đến giữa tháng 1-87 đã đặt tôi vào cuộc “kiểm tra tư tưởng” kéo dài đến 16 lần lên C.A thành phố.
Thẩm vấn có lễ phép và nể nang tuổi tác nhưng cũng soi mói khá nhiều làm tôi cụt hứng viết thư đến nay. Vì đến khoảng 5 lần có sự hỏi han về PH và quà tặng đều đều từ trước đến nay. Các bạn lãnh quà hầu hết đã chết hay ra đi nên không còn ai mà hỏi. Họ cho tôi coi qua 1 cái hình vợ chồng Nguyễn (Lê Trọng Nguyễn?) trước một hàng cờ bên đó nhưng lấy lại ngay khi tôi tính lật mặt sau để xem hình gửi cho ai. Họ cũng đưa tôi một hình đen trắng phóng đại và bảo tôi ký đằng sau là “giống PH”. Tôi không ký vì không biết rõ. Anh cũng có hỏi tôi đưa hình PH nhưng tôi nói là con cháu trong nhà tôi làm lạc mất rồi.
Họ nói là HH Thuỷ khai là Phương Hương chính là CN Phượng đã thường dùng nhiều tên khác nhau để liên lạc với văn thi sĩ và cho coi xa xa một số đáy thùng có chữ viết gì đó.
Tôi nói không đúng, và cho họ coi một lá thư có en-tête Dr. Phương Hương mà tôi đã lãnh được từ lâu và chung quy họ muốn dồn tôi vào một thế bí thuộc loại “cấu kết với bên ngoài để hoạt động gì đó”, nhưng không đủ bằng chứng và cũng không hề có như PH biết, nên cuối cùng đã để tôi yên. Tôi có hỏi như vậy họ không muốn tôi lãnh quà nữa sao? Thì sau vài phút họ nói là không có ý đó, nhưng tôi tự kết luận là nhiều thư của tôi đã bị đọc và có lẽ có thư mất đi như thư gửi cho tôi cũng có cái lạc mất. Hình vợ chồng Nguyễn chắc cũng số phận đó.
Chút ảnh hưởng của Gorbachev
Gần một năm nay tại Việt Nam có cuộc báo chí hưởng ứng tinh thần đồi mới của Goocbachấp (Gorbachev) và nêu ra công khai nhiều chuyện bê bối của cán bộ, gọi là những tiêu cực “của các cán bộ nhiều cơ quan”.
Đọc nhiều mục như nói thẳng nói thật cũng thấy giới lãnh đạo, nhất là ở miền Nam, có gắng làm sạch sẽ chính quyền địa phương từ bấy lâu nay quen hoành hành một mình một chợ và đã làm mất lòng dân.
Cuộc “Phấn đấu để đổi mới tư duy” thúc đẩy tiềm năng kinh tế, chọn người mới thích ứng được với tình thế khó khăn ngày một trầm trọng chắc sẽ lâu dài và có phần gay go. Dân chúng có hưởng ứng nhưng vẫn chờ xem. Xã hội Sài Gòn không ngớt sôi động về mọi mặt, tìm tiền để sống, tìm hàng mua đi bán lại, ăn xài khi kiếm ra tiền, chờ tin tức giật gân để đọc, cho xe chạy đôn đáo, tìm các phương tiện kiếm ra tiền mong theo kịp với thời giá cứ lên cao bất thường mà không biết có thể kịp thời giá đó không?
Kinh tế vẫn điều động chính trị. Các giáo điều được theo bấy lâu nay về quản lý nhân dân đang được cởi mở dần dần: Từ cách thả lỏng cho hàng hoá di chuyển tự do, đến các việc trì trệ hành chánh, các kiểm soát quá kỹ trong đời sống người dân… đều được ông Tổng bí thư Đảng Nguyễn Văn Linh ra chỉ thị nới rộng, thả lỏng, giảm thiểu. Mọi sự đều theo gương Liên Xô cho tháo gỡ các chướng ngại, thường hạn chế lợi tức để người dân dễ sống hằng ngày.
Kể ra thì đó là một gắng công, nhưng chắc lâu dài và khó khăn diệu vợi. Dân Sè Goòng thì vẫn có vẻ suy tư nhiều về thời thế và lo nghĩ trọn vẹn cho sự sống còn của gia đình, con cái. Người mắc bệnh lo âu thì lên áp huyết cao mà chết, người thờ ơ với mưa gió dễ bị cảm cúm thì nằm ụ. Tang chay vẫn âm ỉ đó đây với tiếng kèn sáo bát âm và khói tại các lò thiêu toả mùi khét lẹt của các dịp hoả táng. Bụi tro lại trở về với bụi tro.
Can tràng rối rắm
Lê Thương sống trong một hoàn cảnh bế tắc, không có hứng thú sáng tác, không thấy được tương lai cho mình và cho con cháu. Anh chưa biết cách thực tập hơi thở và bước chân ý thức, nên không biết cách nào dừng lại những suy tư chằng chịt, rối bòng trong đầu. Chỉ có một chút tình bạn với cô bác sĩ đầy lòng từ bi hiểu biết, gửi thuốc men cho những văn nghệ sĩ nghèo mà cũng bị hạch sách 16 lần… Chỉ có giấc ngủ mới giúp cho anh chấm dứt được suy tư. Nghĩ đến Phương Hương, anh thấy loé lên một chút ánh sáng niềm tin và có tạm chút năng lượng ngồi dậy viết lá thư đề ngày 21.10.1987
“Năm tháng chạy vùn vụt nhanh hơn bao giờ hết. Không khí cuối đời của tuổi già trà trộn với tin tức sôi sục của trần gian chạy nhanh vào cuối thế kỷ. Nhiều ý nghĩ bế tắc chặn ngang cái cuống họng không cho nói ra được gì hơn là băn khoăn rối nùi không cách gì tránh được định mệnh.
Cứ nghỉ yên bằng giấc ngủ mỗi đêm dài là lối giải thoát các lo nghĩ chằng chịt trong tâm não của các tuổi đời. Thanh niên lo hoạt động để tìm sống, người làm cha mẹ nhìn con cái với các thương mến và tội nghiệp chúng và tự hỏi:
Đường hướng nào sẽ chiếm mất đám con tôi? Những lý tưởng xác xơ đang rách nát hay những ý niệm cũ càng của lòng ỷ lại vào an thân phì gia mặc thây cho thiên hạ quay cuồng?
Quả thật là tâm tư vẫn chằng chịt những ý nghĩ dọc ngang bủa vây từng ngày, từng tuần lễ làm cho thơ tín viết mãi không xong và cảm hứng cũng vừa chớm nở đã tự tắt ngòi để yên lặng.
PH thân mến, tôi vừa bày ra một can tràng rối rắm kéo dài gần một năm nay, nó làm cho tôi bặt tin đối với các bạn bè nơi xa. Nay may ra tôi tìm lại được sự an lòng và tin tưởng để viết cho“tạm xong” lá thư lê thê gửi qua đứa cháu đến PH, mong PH lãnh được nó và cho tôi hay tin bằng một carte postale để tôi yên dạ nhé.
Chào PH thân mến L.T.”
Nỗi lòng của Sư cô Chân Không khi đọc bức thư kéo dài từ 1 tháng 8 năm 1987 đến 21 tháng 10 năm 1987 của Lê Thương
Tôi không ngờ đó lại là bức thư cuối cùng anh viết cho tôi. Sau này tôi được biết là công an TPHCM đã để yên cho anh được vài tháng, nhờ thế anh mới dám viết thư cho tôi.
Cái tội của tôi Phương Hương là vì quá bận hay cũng vì “bí” mà không tìm cách tiếp tục gửi thư tưới tẩm những gì hứng thú nơi nhạc sĩ. Một phần vì sợ Lê Thương bị liên luỵ, một phần là vì năm 1988 đó, khi hay tin hai thầy Tuệ Sĩ và Trí Siêu bị tuyên án, tôi dồn nhiều sức lực trong các chuyến được theo Thầy đi hướng dẫn những khoá tu và thuyết pháp côngcộng về Chánh Niệm ở Đức, Thuỵ Sĩ, Hoa Kỳ để cố tìm ra những phương pháp nào khéo léo nhất vận động huỷ bỏ án tử hình cho hai thầy. Một phần tôi cũng “bí” không biết cách nào tưới tẩm tinh thần cho anh phấn khởi lại.
Hình như tại vắng thư tưới tẩm hạt giống phấn khởi như xưa, chỉ vài năm sau, năm 1990, Lê Thương bị lẫn (Alzheimer) thật, và chết ngày 17 tháng 9 năm 1996.
Năm 1988, trên núi Linh Thứu, tôi được Thầy cho xuất gia với sự chứng minh của Đức Bổn Sư Thích Ca và tăng thân cùng đi với Thầy lần đó. Sau đó tôi sống cuộc đời xây dựng tăng thân xuất sĩ, bề bộn hơn, nên chỉ gửi quà cho ai có thư thăm hỏi và quên hẳn gửi thư và quà cho Lê Thương, vì không nghĩ là anh bị bắt như Hoàng Cầm. Hoàng Cầm thì dù không dám viết thư, tôi cũng gắng gửi tiền mỗi năm chừng ba lần qua Phan Đạm Hiệp, qua chị Bảo Từ, qua chị Hồng Phúc vì nghe anh bị ở tù. Còn Lê Thương, vì nghĩ anh không bị tù tôi đã tự nhủ “thôi mình để thư thư sẽ gửi quà sau”, nhưng vì không có thư của anh nên chuyện này kéo qua những gì cần giải quyết cấp bách, trong đó có mấy trăm bức thư cho thuyền nhân mỗi tuần nên quên hẳn. Khi rảnh rang hơn và định hỏi thăm gửi quà thì nghe nói anh đã tịch. Trước đó các con của anh là Liễu Thu và Loan cũng không có thư. Theo con gái anh là Liễu Thu khi gặp tôi ở Hoa Kỳ thì anh không bị bỏ tù. Công an chỉ mời anh tới thẩm vấn. Về đến nhà thì anh nằm vật ra như người chết. Sau ba tuần thấy anh quá mệt mỏi, họ ngưng bắt lên Công an làm việc. Anh được để yên nhiều tháng.
Thấy thế, anh nghĩ rằng yên rồi nên viết bức thư dài 10 trang cho tôi. Không ngờ bức thư ngày 01.08. 1987 ấy lại là bức thư chót.