Lê Thương
Bài giảng tại Tu viện Lộc Uyển của Thầy chúng tôi – Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Biển sau giông tố
Kính mời quý vị, chúng ta cùng thở. Thở vào tôi biết là tôi đang còn sống, thở ra tôi trân quý sự sống nhiệm màu. Sở dĩ tôi mời quý vị cùng thở và trân quý sự sống vì hôm nay tôi muốn mời quý vị “gặp gỡ” cố nhạc sĩ Lê Thương và tác phẩm Biển sau giông tố của ông. Biển sau giông tố là một sáng tác của Lê Thương mà ở Việt Nam chưa có ai biết đến. Đây là lần đầu tiên chúng ta được biết tới bài hát này. Bài hát nói về những cảm xúc của nhạc sĩ Lê Thương đối với đồng bào đã tử nạn dưới biển khơi. Con số các thuyền nhân gặp nạn, chết chìm dưới đáy biển có thể lên tới hơn bảy mươi lăm ngàn (75.000) người. Câu chuyện thảm kịch của thuyền nhân chưa có một tác phẩm nào có thể nói lên được. Hôm nay cũng là ngày chúng ta tưởng niệm những thuyền nhân chết dưới biển, các vị ấy cũng đang có mặt với chúng ta tại tu viện Lộc Uyển. Lát nữa, chúng ta sẽ thắp một nén nhang để tưởng niệm những đồng bào đã không may mắn vượt qua được bờ bên này như chúng ta và đã chết tăm tối, khổ đau, tuyệt vọng dưới lòng đại dương.
Hôm nay cũng là ngày của cố nhạc sĩ Lê Thương nên mình phải để cho Lê Thương “nói trước”. Riêng tôi thì thấy Lê Thương đang có mặt với chúng ta một cách rất thiết thực. Mấy ngày hôm nay, các thầy, các sư cô đã tập bài hát Biển sau giông tố. Và chúng ta cũng may mắn có chị Ngô Thị Liễu Thu con gái của cố nhạc sĩ Lê Thương hiện cũng đang có mặt ở đây.
Chúng tôi nhận được bài nhạc Biển sau giông tố của nhạc sĩ Lê Thương vào đầu năm 1980. Lê Thương sợ bị kiểm duyệt nên phải gửi riêng từng tờ một. Cứ một trang nhạc Lòng mẹ Việt Nam (Bà Tư bán hàng có bốn người con…) lại một trang Biển sau giông tố, rồi lại một trang nhạc và ba bốn trang thơ nói chuyện không dính gì đến thuyền nhân cũng như giông tố nhận chìm bao nhiêu đồng bào trên biển. Nhưng chúng tôi đã nhận thư nhiều lần và ráp được đầy đủ cả. Trên bản đính kèm là dòng chữ viết nhạc và lời của Lê Thương.
Đây là một trang nhạc Biển sau giông tố viết cho thuyền nhân mà Lê Thương phải chép kẹp giữa bài Lòng mẹ Việt Nam, đang nửa bài Lòng mẹ Việt Nam thì chen vào Biển sau giông tố rồi lại tiếp tục bài Lòng mẹ Việt Nam.
Niềm tuyệt vọng là kẻ thù lớn nhất của con người. Khi chúng ta lâm vào tình thế tuyệt vọng rồi thì không thiết sống nữa. Một bài hát của Trịnh Công Sơn có câu: “có điều gì gần như niềm tuyệt vọng”. Gần như niềm tuyệt vọng thôi, nghĩa là Trịnh Công Sơn cũng đang mấp mé tới cái hố của sự tuyệt vọng rồi. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng đã từng bước tới cái bờ mé của niềm tuyệt vọng, nhưng nhờ phúc đức của Tổ tiên nên chúng ta đã vượt thoát được.
Trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ biết bao nhiêu người cảm thấy mình đang ở trong niềm tuyệt vọng, cho nên cố mở một con đường để thoát thân. Và rất nhiều người đã nghĩ con đường đó là đại dương. Tại vì đại dương hứa hẹn tự do, hứa hẹn tương lai. Cho nên Lê Thương viết: “Xa xôi muôn hướng nước xanh Thái Bình Dương. Mở nghìn muôn lối đường dẫn ra tới ngàn phương.” Đó là niềm hy vọng mới. Niềm hy vọng đó do biển cống hiến vì vậy mà nhiều người đã bỏ nhà, bỏ quê hương, bỏ đất nước, bỏ mồ mả tổ tiên để ra đi. Nhưng khi ra đi chúng ta gặp cái gì? Chúng ta gặp bão tố. Có những gia đình chết trọn dưới đáy biển.
Lê Thương đã được nghe nói rất nhiều về những thảm trạng xảy ra ngoài biển. Lê Thương có một trái tim đầy xúc cảm và ông đã nói được thay cho đồng bào, nói được thay cho tất cả những nạn nhân của biển trong bài hát Biển sau giông tố. Theo tôi, đây là một tác phẩm lớn, một tác phẩm có thể nói lên được niềm đau của cả một dân tộc. Biến cố thuyền nhân chết trên biển là một biến cố rất lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Bảy mươi lăm ngàn người chết dưới đáy biển là một niềm đau rất lớn, là một vết thương còn mãi mãi với dân tộc. Chúng ta phải làm thế nào để có thể học được những bài học từ những đau thương ấy. Các thầy, các Sư cô Làng Mai đã hát bài hát này không phải như những ca sĩ chuyên nghiệp nhưng bằng trái tim biết cảm thông. Lê Thương là một người có trái tim rất lớn nên đã cảm được, nói lên được những niềm đau, nỗi khổ đó thay cho tất cả chúng ta. Tôi nghĩ đây là một tác phẩm lớn, so với Hòn Vọng Phu có thể nó quan trọng hơn nhiều.
Xa xôi muôn hướng
Nước xanh Thái Bình Dương
Mở nghìn muôn lối đường
Dẫn ra tới ngàn phương.
Đó là niềm hy vọng. Niềm hy vọng để cứu mình ra khỏi niềm tuyệt vọng. Tại vì trong tình trạng đó, hàng triệu người không thấy được con đường tương lai cho mình và con cháu mình. Nhưng khi mình nghe theo tiếng gọi hấp dẫn của trùng dương thì mình sẽ gặp những khó khăn nào?
Mênh mông biển cả, gió cắn xé ngàn.
Gió nó cắn, gió nó xé mình.
Xa xôi nghìn ngả đang trôi phũ phàng.
Mênh mông chìm nổi xa xôi mệt mỏi
Mây sâu giông tố đang biến tan
Thương ba quằn quại
Như con vật dại
Chưa nguôi cơn giận dữ xa ngàn.
Thương ba tức là sóng màu xanh. Những đợt sóng xanh quằn quại như là con quái vật hoang dại bị người ta lấy ra khỏi núi rừng của nó.
Biển là quán gió
Chiêu hồn tha hương.
Đây là một chiêu hồn ca, đây là một bài kinh cầu nguyện gọi hồn. Phải thấy bài này như vậy mới được.
Biển còn chứa chan
Ước vọng kinh hoàng
Lạnh lùng thấu đáy.
Biển rất lạnh lùng. Lạnh lùng tới tận đáy biển.
Biển cười chua cay
Theo bao duyên ba đào
Biển còn sóng gió
Biển còn xa xôi.
Nơi thăm thẳm vừa mênh mông
Vừa sóng gió, vừa bão tố
Tâm can biển vừa thâm u,
Vừa tối ám ngàn thu
Mỗi lớp cồn đợt sóng
Đem theo một hoài mong
Của mỗi một sinh kiếp đã bị vực sâu chôn vùi.
Nơi nham hiểm mà uy nghi
Mà du dương mà quyến luyến.
Biển rất nham hiểm, biển rất độc ác, nhưng biển rất khêu gợi và quyến rũ vì vậy cho nên ta đã nghe lời của biển để rồi chết dưới đáy biển.
Ai nuôi mộng biệt ly
Đứng bến chờ làm chi.
Ai quyết định bỏ quê hương, đất nước, bỏ mồ mả ông bà mà đi? (ai nuôi mộng biệt ly). Còn những người kia, đứng bến chờ làm chi? Biết người ta có tới được hay không, hay là người ta chết ở giữa đường, ở dưới biển.
Xa xăm vời vợi xa xăm
Tàu vượt đi không về.
Lênh đênh bào ảnh
Xé xác cuối ngàn.
Thân mình bị xé ra thành từng mảnh, chiếc thuyền của mình bị đập tan thành từng mảnh.
Văng trôi mỏng mảnh
Tràn lan đuối tàn
Lênh đênh bọt nổi
Văng trôi mệt mỏi
Lạc loài vô cố
Trên sóng nâu.
Thương ba mệt lả
Thân xanh mềm ngả
Như không gian thần nữ khẩn cầu
Lựa từng tiếng sóng
Cho người mê ly
Biển dòng dã theo số phận ly kỳ.
Mình không biết số phận mình rồi sẽ về đâu. Mình không biết cái trụ điểm của mình.
Giận hờn chán ngán
Đem lời kêu van
Trong dã tâm ba đào
Còn nhiều sóng gió
Còn nhiều gian nguy.
Nơi thăm thẳm
Vừa mênh mông
Vừa sóng gió
Vừa bão tố
Tâm can biển vừa thâm u
Vừa tối ám ngàn thu
Mỗi lớp cồn đợt sóng
Đem theo một hoài mong
Của mỗi một sinh kiếp
Đã bị vực sâu chôn vùi.
Nơi nham hiểm
Mà uy nghi
Mà du dương
Mà quyến luyến
Ai nuôi mộng biệt ly
Đứng bến chờ làm chi
Xa xăm vời vợi xa xăm
Tàu vượt đi không về.
Năm 1968 tôi được đức tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất là hoà thượng Thích Tịnh Khiết uỷ nhiệm cho thành lập một phái đoàn Phật giáo Việt Nam để có mặt tại Hội nghị Hoà bình ở Paris. Tại vì trong Hội nghị Hoà bình Paris có các phe lâm chiến tham dự, nhưng không có tiếng nói của người dân. Giáo hội muốn nói được tiếng nói của người dân, vì vậy Phái đoàn Hoà bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Phái đoàn Hoà bình ) được thành lập tại Paris năm 1968, ban đầu đặt trụ sở ở Maisons Alfort, ngoại ô Đông Nam Paris, sau chuyển về Paris số 11 Rue de la goutte d’or, Paris 18. Chúng tôi cung cấp cho các giới nhân bản, các giới tôn giáo, các giới báo chí, các giới chính trị những tin tức mà hai phe lâm chiến không cung cấp. Đó là những đau khổ, những áp bức, tuyệt vọng của người dân. Đường lối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là không muốn đất nước bị tan tành bởi một cuộc tranh chấp giữa hai phía. Không muốn có chuyện anh em một nhà bôi mặt đá nhau. Đó là đường hướng mà đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết ban bố. Chúng tôi làm việc từ năm 1968 cho đến năm 1974-1975. Trong quá trình hoạt động đó, chúng tôi đã kết thân được với rất nhiều người bạn ở Tây phương, châu Mỹ, châu Âu, châu Úc. Họ đã yểm trợ cho chúng tôi trong công tác vận động để làm vơi bớt những đau khổ ở bên nhà.
Chúng tôi nhớ là trong thời gian đó, chúng tôi đã tìm được người bảo trợ cho trên tám ngàn (8.892) em bé mồ côi ở Việt Nam. Chúng tôi không thiết lập những cô nhi viện, cũng không gửi tiền về các cô nhi viện vì nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước vẫn ghé và giúp đỡ. Chúng tôi biết còn rất nhiều những trẻ mất hết mẹ cha nhưng may mắn còn được sống với bà hay với người cậu, người dì… Năm 1973 sau khi Hoà ước chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký kết, quý hoà thượng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (hoà thượng Thiện Hoà, hoà thượng Thiện Minh và hoà thượng Huyền Quang) thành lập Uỷ ban Tái thiết và Phát triển Xã hội và kêu gọi tăng ni trẻ đứng ra lo cho trẻ em cô nhi bất hạnh nên quý sư, Sư cô đã tự đứng ra lập trên 57 nhà giữ các trẻ từ 20 tháng đến 5 tuổi từ sáng tới chiều bằng sự đóng góp của Phật tử trong nước. Quý Sư cô cho các cháu tập vẽ, tập hát, học chữ hay tập đọc. 11 giờ rưỡi cho các cháu ăn trưa, chiều chơi hát và học vài chữ rồi về lại nhà, vì gia đình quá nghèo phải đi bán buôn suốt ngày không chăm sóc được các em. Trong các cháu ấy cơ cực nhất là các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ đang ở với bà nội hay bà ngoại già nua mà phải đi bán khoai bán chuối nuôi cháu. Qua các tác viên xã hội khắp nơi trong đất nước và qua những nhà giữ trẻ ấy, chúng tôi tìm tới nhà một người thân của các bé mồ côi như ông chú, bà cô, người cậu hay dì và khuyến khích gia đình nuôi cháu mồ côi ấy, cho bé ăn uống đủ chất bổ hơn. Chúng tôi sẽ trao cho họ số tiền của ân nhân bên này bảo trợ cho bé để bé sẽ tiếp tục được sống với người thân trong một không khí gia đình mà không là gánh nặng của chú thím hay dì cậu. Mỗi em mồ côi như vậy được cung cấp khoảng 5 dollar mỗi tháng để có đủ tiền ăn học. Những tác viên của chúng tôi tới thăm những gia đình ấy mỗi ba tháng một lần, phát tiền của người bảo trợ bên này và xem em bé mồ côi kia có được nuôi ăn học đàng hoàng hay không. Nếu em bé không được đối xử tốt thì chúng tôi sẽ tìm cho em bé một gia đình khác khá hơn.
Phái đoàn của chúng tôi ở Paris có rất nhiều người trẻ tới từ nhiều nước khác nhau: Hà Lan, Anh, Mỹ, Úc, Thuỵ Sĩ,… Họ ở và làm việc với chúng tôi mà không nhận lương. Chúng tôi đã làm việc với nhau trong tinh thần thân ái như vậy. Chúng tôi dịch những hồ sơ cô nhi nhận được từ các tỉnh, các quận, rồi chúng tôi đi tìm những nhà bảo trợ. Những ngày cuối cùng tháng 4 năm 1975, chúng tôi đã tìm ra thêm nguồn để có thể bảo trợ được gần 14.000 em bé mồ côi. Có rất nhiều trường hợp trong đó 5 dollar không phải chỉ dành riêng cho các cô nhi được bảo trợ. Tại vì gia đình đó nghèo khổ, những đứa trẻ con ruột của họ cũng gặp khó khăn, cho nên 5 dollar ấy được chia ra cho cả những đứa trẻ khác trong gia đình. Như vậy là 5 dollar đó không chỉ giúp cho em bé mồ côi mà còn giúp cho cả gia đình nhận nuôi em bé ấy.
Trong quá trình vận động đó, chúng tôi đã tiếp thân với rất nhiều người trong giới tôn giáo, trong giới nhân bản, trong giới trí thức. Nhưng sau năm 1975, tất cả những công tác giúp đỡ cho quê nhà của chúng tôi bị chấm dứt hết. Lúc bấy giờ ở Việt Nam, tất cả các cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như trường đại học, trường trung học, tiểu học, bệnh xá, các cô nhi viện bị đóng cửa 100%. Bên này chúng tôi đành bó tay, không có cách nào giúp được cho bên nhà. Bên nhà bị lâm vào tình trạng tuyệt vọng nhưng bên này chúng tôi cũng tuyệt vọng. Mình có hai tay mà mình không làm được gì để giúp đồng bào mình ở bên nhà. Trong hoàn cảnh đó chúng tôi không biết phải làm sao. Sau đó, chúng tôi ngồi thiền, đi thiền hành và cuối cùng tìm ra được một vài công tác để có thể tiếp tục giúp đỡ đồng bào trong nước và những công việc ấy cũng giúp chúng tôi trấn áp được niềm tuyệt vọng cứ muốn kéo chúng tôi đi.
Tìm con đường mới
Lúc ấy ở bên nhà, các văn nghệ sĩ, các nhà trí thức, các nhà nhân bản, tu sĩ và doanh thương cũng lâm vào tình trạng bế tắc. Không tìm được lối thoát nên nhiều người đã đi tìm niềm hy vọng bằng cách vượt biên. Trong giai đoạn đó, tại một buổi sinh hoạt giữa các anh chị em, chúng tôi nhận thấy rằng trong lúc tuyệt vọng chúng tôi phải trở về tu tập để tìm ra một con đường mới. Vì vậy chúng tôi đã từ giã Paris để trở về trung tâm tu học của chúng tôi tại một miền quê cách Paris chừng 150 km. Trung tâm đó có tên là Phương Vân Am (các bạn Tây phương thường gọi là Les Patates Douces – The Sweet Potatoes). Chúng tôi trở về quyết tâm tu tập, để chữa lành vết thương trong mình và để tìm ra một con đường mới.
Trong khi tu tập, quán chiếu, chúng tôi quyết định là tuy chúng tôi không giúp đỡ được cho hàng chục ngàn trẻ mồ côi, cho người già, cho các trường học và hàng trăm dự án giúp cho đồng bào tỵ nạn chiến tranh, nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có khả năng giúp cho giới học giả và văn nghệ sĩ ở quê nhà. Tại vì giới văn nghệ sĩ và học giả có thể nói lên được tiếng nói của trái tim, của dân tộc. Và chúng tôi đã tìm ra một phương pháp. Cách của chúng tôi là gửi quà cho mỗi văn nghệ sĩ một năm ba hoặc bốn lần. Những gói quà đó có thể giúp họ vượt qua khó khăn để tiếp tục đi tới. Để tránh bị theo dõi, chúng tôi quyết định chỉ gửi từng gói quà nhỏ 1 kg về Việt Nam thôi. Chúng tôi biết rằng cái quý nhất ở Việt Nam lúc đó là thuốc tây. Vì vậy chúng tôi đã mua những loại thuốc tây đắt tiền để gửi về.
Thứ nhất, thuốc này có thể chữa bệnh cho những người trong gia đình của những văn nghệ sĩ đó. Thứ hai, thuốc ấy cũng có thể bán đi lấy tiền mua gạo, mua thức ăn. Đây không phải là công việc xã hội. Đây là một công việc có nhiều mặt, tại vì nhân cách của giới văn nghệ sĩ rất cao. Họ không muốn nhận bố thí từ người khác. Vì vậy, chúng tôi đã đóng vai là những độc giả ngưỡng mộ họ. Khi chúng tôi gửi một món quà như vậy thì chúng tôi phải gửi thêm một lá thư, lá thư đó chứng tỏ là người viết rất trân quý, rất thán phục những tác phẩm của họ và nói rằng nhờ họ mà người viết lớn lên được. Họ đã nói ra được bằng trái tim của họ những cái hay, cái đẹp, nói lên được những nỗi niềm của dân tộc, của tổ tiên. Chúng tôi cũng nói rằng, món quà này chẳng qua chỉ là sự chứng tỏ lòng biết ơn của chúng tôi với nhà văn, nhà nghệ sĩ đó mà thôi. Chúng tôi muốn viết những bức thư ấy như thế nào để nghệ sĩ kia cảm thấy là họ có người hiểu, họ có người thương, điều ấy khiến cho họ có ý chí muốn sáng tác trở lại. Tại vì có thể nói tới 99% văn nghệ sĩ trong môi trường đó, trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ hoàn toàn tê liệt, không thể sáng tác được một cái gì hết. Họ hoàn toàn bị niềm tuyệt vọng trấn ngự. Họ không thấy tương lai đâu hết cho nên họ không thể sáng tác được.
Hồi đó tôi làm cố vấn cho các cô, các chú trẻ viết thư. Trung tâm tu tập của chúng tôi tại Phương Vân Am có rất nhiều người trẻ, trong đó có cả Sư cô Chân Không. Hồi ấy Sư cô Chân Không mới chỉ khoảng ba mươi hai tuổi thôi. Chúng tôi cùng ngồi thiền, cùng làm việc với nhau trong chánh niệm. Tôi cố vấn cho các bạn trẻ cách viết thư vì tôi biết được những tác phẩm của những nhà văn nghệ sĩ kia. Tôi hướng dẫn cho họ cách viết làm sao để cho người nhân sĩ đó thấy được rằng: Chà, cái bọn trẻ này nó hiểu mình khá sâu sắc, mình có người hiểu ở ngoại quốc thì tại sao mình phải tuyệt vọng. Rốt cuộc, những người trẻ trong cộng đồng của tôi đã gây được cảm hứng cho một số đáng kể trong những văn nghệ sĩ ấy. Nhiều người trong số họ đã bắt đầu sáng tác trở lại.
Hồ Dzếnh là một thi sĩ đã sáng tác trở lại sau khi nhận được thư và quà của chúng tôi. Lê Thương cũng là một người như vậy. Lê Thương cũng là nạn nhân của sự tuyệt vọng. Trong những lá thư gửi cho chúng tôi, Lê Thương đã tả rõ hoàn cảnh xã hội thời đó và tình trạng của các anh chị em văn nghệ sĩ khó khăn như thế nào. Lê Thương viết cho chúng tôi nhiều lắm, có thể in thành một tập sách dày ít nhất một trăm năm mươi trang. Đó là những tư liệu về văn học rất quý giá, khi điều kiện thuận lợi, chúng tôi sẽ công bố.
Giống như các thi sĩ, văn sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ khác, Lê Thương cũng phải phấn đấu để vượt thoát niềm tuyệt vọng của mình. Đây là một đoạn mà Lê Thương viết cho Phương Hương, một em gái hậu phương nâng đỡ tinh thần cho người chiến sĩ tiền tuyến trong mặt trận văn nghệ: “Tôi không muốn nói tới những lúc khóc thầm trong đêm tối một mình, cả đến những u buồn diệu vợi khi chợt nghĩ đến tương lai còn mờ mịt, vì tôi vẫn còn giữ vững được niềm tin và sức sống bền bỉ trong đêm, hằng không muốn tự tiêu diệt bằng nản chí. Khi thấy lòng càng ngày càng cô đơn giữa đám đông nhộn nhịp thì chỉ cần lá thơ nhỏ như lá thư của em là đủ làm sống dậy bao nhiêu hy vọng đẹp ngổn ngang và thấy ngày mai vẫn còn đáng sống.”
Đó là những tâm sự ông viết sau khi đã đọc một lá thư của Phương Hương. Phương Hương là một người trẻ trong cộng đồng của chúng tôi và tôi là cố vấn cho Phương Hương. Thành ra Lê Thương đâu có biết rằng trong Phương Hương có thầy Nhất Hạnh.
Đây là bức hình biển và trời và những cành khô trụi lá Lê Thương gửi cho chúng tôi. Lê Thương viết bên sau bức bưu thiếp:
“Hình này tôi chụp ở Vũng Tàu từ gần hai mươi năm nay, lúc máy Contaflex còn tốt. Thấy nó hạp với tâm sự khá ảm đạm, nên xin tặng Phương Hương với cảm đề đột ngột. Mong nó nói được tâm sự không quá tệ:
Lòng tôi u ám như mây đó
Phủ kín miền xa lấp chân trời
Biển lặng trầm tư chờ giông gió
Cành héo xác xơ vẫn chờ tươi”
(Chữ ký Lê Thương)
Lê Thương viết tiếp: “Tôi đang xé bỏ bao giấy cũ, hình cũ, bài cắt báo cũ gồm thơ văn rải rác vì thấy đời nặng chĩu những kỷ niệm không còn thấy hợp cảnh. Xé mãi mà cũng không phải là không đau lòng. Có lúc muốn xé cả mình mà không biết làm cách nào, đành tức cười mà chui đầu, vùi mặt vào Số Mệnh. Số Mệnh hắt tay ra và mắng: Đừng có ba trợn, phấn đấu tiếp đi ông nội. Thì phấn đấu vậy.”
Thư của Lê Thương
Đối với Doãn Quốc Sĩ thì người đi tới với Doãn Quốc Sĩ là cô Chín và dì Năm. Và quý vị có biết dì Năm là ai không? Là thầy Nhất Hạnh. Sau này, khi biết dì Năm là thầy Nhất Hạnh thì Doãn Quốc Sĩ đề nghị dì Năm đổi tên thành cô Năm.
Nhà học giả Đào Duy Anh rất cô đơn. Trong tình trạng đó có một người tự xưng là cháu, tên là Đào Thị Mây gửi quà qua cùng với những bức thư nói lên niềm khát vọng và kính ngưỡng của mình đối với bậc học giả đó. Đào Thị Mây lại là một hoá thân khác của đức Quan Thế Âm.
Thành ra Đào Thị Mây, cũng như cô Chín, dì Năm, Angelina hay Phương Hương đều là những hoá thân của đức Bồ tát Quan Âm. Chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều thư của các văn nghệ sĩ bên nhà. Có nhiều người cho chúng tôi biết rằng họ đã có thể bắt đầu sáng tác trở lại. Niềm vui đó không phải chỉ để cho họ mà còn cho tất cả chúng tôi. Tại vì khi mình gây được cảm hứng cho một nhà văn, nhà thơ, nhà học giả làm việc trở lại thì việc đó đem lại cho mình quá nhiều hạnh phúc.
Có một lần, Nhà xuất bản Lá Bối của chúng tôi ở hải ngoại xuất bản một tập sách trong đó có những sáng tác của các văn nghệ sĩ quốc nội gửi ra. Đó là tập Tắm mát ngọn sông Đào, gồm những bài văn của các nhà văn như Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Hải Thuỷ… Hôm qua tôi ngồi nhớ lại xem những người nào đã được Phương Hương, Đào Thị Mây… tiếp xúc thì tôi tìm ra được một cái danh sách, danh sách này không đủ, nó mới chỉ có:
Nhà cách mạng uyên bác Đào Duy Anh, thi sĩ Hoàng Cầm, thi sĩ Hồ Dzếnh, nhạc sĩ Lê Thương, Vũ Đức Duy (qua con gái Vũ Thị Dạ Thảo), nhà văn Bình Nguyên Lộc, nhà văn Võ Hồng, hoạ sĩ Trọng Nội, nhà văn Duyên Anh, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhạc sĩ Vĩnh Phan, hoạ sĩ Minh Đăng Khánh (mất ngày 25 tháng 2 năm 1981), nhà văn Trần Phong Giao, học giả Nguyễn Đăng Thục (hồi cụ chưa được con gái bảo lãnh sang Pháp), học giả Giản Chi, nhà văn và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, triết gia Nguyễn Sĩ Tế, nhà văn Hoàng Hải Thuỷ, nhà văn Nhã Ca, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, thi sĩ Trụ Vũ, nhà trào phúng (hề) Khả Năng, nhà thổi sáo tuyệt vời Nguyễn Đình Nghĩa, nhà bình luận gia Lý Đại Nguyên, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn (gửi qua bà Đỗ Thị Hải), nhà văn Lê Xuyên, thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, nhà văn Vĩnh Hảo (tác giả Thiên thần quét lá), Nguyễn Cường, Thế Uyên, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, nhạc sĩ Ngô Nhật Thanh.
Ở tại Phương Vân Am chúng tôi làm việc như một tăng thân, chúng tôi yểm trợ các văn nghệ sĩ đó không phải bằng vật chất mà bằng trái tim của chúng tôi. Cố nhiên là chúng tôi có phương tiện, có bạn bè để giúp chúng tôi gửi thuốc men cho các vị đó. Nhưng chúng tôi biết cái đó không đủ nên chúng tôi đã đem trái tim của chúng tôi ra để nuôi những trái tim của các văn nghệ sĩ bên nhà. Dù sao thì họ cũng đại diện cho tiếng nói của dân tộc. Đây là một đoạn thư của Phương Hương viết cho Lê Thương:
“Anh Lê Thương, trong thư anh có một câu làm cho em mừng hết lớn, đó là câu nói anh bắt đầu sáng tác trở lại vì anh đang có những nguồn cảm hứng mới. Anh Lê Thương, em biết rằng thiên tài của anh, tâm tư của anh, cái nhìn của anh về cuộc đời và con người, tất cả những thứ ấy đã vững chắc và chín muồi nơi anh. Em nghĩ những sáng tác mới của anh chắc chắn sẽ vượt thoát được những buồn vui, mừng giận tầm thường và sẽ thanh thoát như mây bay, hùng vĩ như những cây đại thụ.
Ngay từ trong Hòn Vọng Phu em đã cảm thấy chất liệu thời gian của anh khác thường rồi. Anh đã từng sống qua nhiều giai đoạn của lịch sử cận đại, anh đã chứng kiến bao nhiêu biến thiên, chắc chắn anh sẽ không chịu để cho cái ngục tù thời gian giam hãm anh đâu. Tác phẩm của anh sẽ như một con chim lớn vỗ cánh bay cao tại vì vùng trời tâm linh của anh không có bờ bến, không bị thời gian và không gian giam hãm.
Có một lần em thấy một cây tùng hùng vĩ xanh tươi mọc cheo leo trên một sườn núi đá khô cằn. Em thấy cây tùng đó rút sinh lực không phải chỉ ở phần đất cát và đá khô cằn ở sườn núi, mà còn ở những dòng nước đi sâu hàng trăm thước trong lòng đất và nhất là ở mặt trời và các ngôi sao lớn khác trong vũ trụ bao la. Anh Lê Thương, anh là một nghệ sĩ có kích thước lớn như vậy đó. Anh không cần những chất liệu bổ dưỡng tầm thường của những loài cây cỏ tầm thường. Em đã đọc phiên khúc bốn của bài Lòng mẹ Việt Nam, Tâm sự ca nhân em cũng đã đọc. Em nghe những bài nhạc đó mà cảm thấy ấm cả lòng. Em cũng từng trải qua sự nghèo khổ, và em cũng biết rằng đói uống nước lạnh mà ôm nhau ngủ để quên còn sung sướng hơn là giàu thịnh mà chia cắt nhau như những hòn đảo lạnh. Đối với anh, em chỉ như một ngôi sao xa mờ nhạt cách anh có tới ba trăm triệu năm ánh sáng. Em không có đủ ánh sáng bằng một con đom đóm để cho anh đọc sách nhưng em hy vọng em có thể nhắc anh nhớ rằng vũ trụ và thời gian thật bao la và anh thuộc về vũ trụ ấy chứ không phải chỉ thuộc về một mảnh thời gian và không gian bé nhỏ.”
Đó là những lời viết cho Lê Thương, và những lời viết cho các văn nghệ sĩ khác cũng tương tự như thế để cho những người nghệ sĩ có niềm tin nơi tài năng của họ, để họ có niềm hy vọng mà vượt thoát niềm tuyệt vọng kia. Đoạn văn này chứng tỏ là Phương Hương hiểu được Lê Thương và mong Lê Thương sống và sáng tác mạnh để cho thế hệ trẻ được nhờ. Những lời ấy làm cho người nghệ sĩ vươn tới một chân trời cao rộng hơn, mà không bị tù túng trong cái chế độ kinh tế chính trị của xã hội thời đó.
Nhà văn Duyên Anh đang sống tuyệt vọng trong một trại học tập cải tạo thì một ngày nọ, bà Duyên Anh cùng con tới thăm và kể chuyện rằng bỗng đâu trong đời mình xuất hiện một bà tiên gửi quà, gửi thư an ủi, khuyến khích. Trong trại học tập cải tạo, vào lúc tâm hồn đang trĩu nặng, xâm chiếm bởi niềm tuyệt vọng thì nhà văn Duyên Anh nghe được tin đó. Nhà văn Duyên Anh biết được rằng, trong lúc mình bị tù đầy thì có một người phụ nữ tên là Angelina Nguyễn đã xuất hiện và chăm sóc cho gia đình mình. Đó là một phân thân khác của tăng thân. Phương Hương là một cái tên, Angelina là một cái tên khác vì đây là hạnh nguyện của đức Bồ tát Quan Thế Âm hiển hiện ra muôn ngàn thân để với tới muôn ngàn tình thương.
Đây lại là một đoạn thư của nhà văn Duyên Anh viết cho Angelina:
“Tôi được hân hạnh biết cô từ dạo Giáng Sinh năm 1977 (chương trình gửi quà của chúng tôi bắt đầu từ năm 1976). Hồi đó tôi ở T20, nhà tôi và các cháu đến thăm hoan hỉ báo tin mừng là được cô tận tình giúp đỡ. Rồi tôi được chuyển qua T30, lưu đầy khá nhiều nơi và nơi nào tôi cũng nghĩ tới cô. Nghĩ đến cô cơ hồ đứa trẻ côi cút nghĩ tới những người đã dành phần cơm chờ mình ngang qua cửa. Cuộc đời không bao giờ có cảnh tượng cảm động đó nhưng mà rốt cuộc nó vẫn có. Thưa cô Angelina, cô là ông Bụt trong chuyện cổ tích Tấm Cám, cô là Phật Bà Quan Âm. Nước mắt của người vợ thương chồng, của những đứa con nhớ cha đã làm sống dậy cổ tích, đã đắp lên gia đình đơn lạnh của tôi một tấm chăn ấm áp tình người. Tôi chẳng thể nào quên tấm lòng tốt của cô, xin cô ghi nhớ.”
Duyên Anh đã nói rằng trong cuộc đời của Duyên Anh thì Angelina hiện ra như Bụt trong truyện Tấm Cám. Đó không phải là truyện cổ tích. Đó là chuyện có thật. Duyên Anh không phải là Phật tử nhưng trong trại học tập cải tạo Duyên Anh đã lấy một cái dùi sắt và một tấm ván để khắc một tượng Phật nhỏ xíu chờ dịp gửi qua cho Angelina.
Tượng Phật bằng gỗ mun do Duyên Anh khắc
Nghệ sĩ hề Khả Năng cũng vậy, Khả Năng đã lấy một mảnh bom trong rừng và khắc thành một chiếc lược để gửi cho Phương Hương.
Mở hộp ra là một chiếc lược làm từ mảnh bom, trên có khắc chữ:
mến tặng Phương Hương
Mở hộp ra là một chiếc lược làm từ mảnh bom, trên có khắc chữ: mến tặng Phương Hương
Hoạ sĩ Minh Đăng Khánh cũng gửi cho chúng tôi những tác phẩm của mình. Tài liệu của những văn nghệ sĩ, những tác phẩm của họ chúng tôi còn cất giữ nhiều lắm, có dịp chúng tôi sẽ công bố những tài liệu ấy để đồng bào biết được sự sống, tài năng và quyết tâm vượt thoát niềm tuyệt vọng của họ.
Tại Phương Vân Am chúng tôi chăm lo cho rất nhiều văn nghệ sĩ ở quê nhà, nhưng những văn nghệ sĩ kia thì cứ nghĩ rằng chúng tôi chỉ lo cho một mình họ. Vì vậy họ chờ đợi những lá thư như lá thư chúng tôi viết kèm theo hộp quà. Theo Lê Thương, mỗi lần Phương Hương gửi cho Lê Thương một lá thư thì đó là một liều thuốc bổ. Những người nghệ sĩ cần nguồn thuốc bổ đó. Cố nhiên là gói quà cũng cần thiết, nhưng lá thư cũng rất cần thiết. Và lỗi của chúng tôi là đã không viết được nhiều những bức thư như vậy, tại vì số văn nghệ sĩ mà chúng tôi liên lạc đông quá. Vì vậy mà có lần anh Lê Thương đã giận vì lâu ngày chúng tôi chỉ gửi quà mà không gửi thư. Đã hơn ba lần trong lá thư của mình Lê Thương chứng tỏ rằng mình giận. Tại vì mỗi lần gửi quà chúng tôi đều viết những lời chỉ dẫn rất cặn kẽ về cách sử dụng những gói quà này và giá trị của từng món trong gói quà để khi đem bán đừng bị người ta lừa, nhưng lại không có những lá thư khích lệ như trước. Trong khi ấy người nghệ sĩ thì lại rất cần những lá thư kia và họ đòi ít nhất ba tháng một lần phải có một lá thư như thế. Nhưng mà chúng tôi không có đủ sức để làm chuyện ấy cho nên có người đã giận và một số văn nghệ sĩ khác đã hờn. Chúng tôi cũng đành chịu thôi. Quà thì gửi rất đều, chuyện đó không khó, nhưng viết những lá thư như vậy thì phải có thời gian và nhất là phải có “cố vấn” mới làm được.
Nhạc sĩ Lê Thương có một nhân cách rất cao, một người có kiến thức rất vững chãi về âm nhạc Đông Phương. Trong những năm đó Lê Thương đã bắt đầu biên tập một tác phẩm vĩ đại gọi là Âm nhạc sự điển. Lê Thương đã nghiên cứu về âm nhạc châu Á trong vòng ba mươi năm và đã muốn làm tác phẩm đó để nói về tinh thần và kĩ thuật âm nhạc châu Á. Tác phẩm đó gồm khoảng ba ngàn mục. Mỗi mục như vậy có thể dài khoảng từ bảy tới mười lăm hàng. Lê Thương đã làm việc mỗi ngày, có khi thức tới hai giờ rưỡi sáng để đánh máy. Lê Thương đã ngỏ ý là sẽ gửi công trình đó qua cho chúng tôi cất giữ và xuất bản. Hy vọng một ngày nào đó chúng tôi sẽ làm được điều mà Lê Thương muốn chúng tôi làm.
Lê Thương sinh ngày 8 tháng 1 năm 1914 tại Nam Định, vào Nam năm 1941 và sáng tác Hòn Vọng Phu 1 năm 1945. Hòn Vọng Phu 2 và Hòn Vọng Phu 3 được sáng tác từ năm 1945 đến 1947. Nhạc sĩ Lê Thương suýt chết ở gần quận Bình Đại Bến Tre vì bị Tây ruồng. Hồi đó Lê Thương đã sáng tác Hòn Vọng Phu 1 rồi. Đi theo Lê Thương có rất nhiều học sinh của trường Petrus, đi đâu mấy anh chị em họ cũng hát ca để làm sống dậy tinh thần yêu nước của đồng bào. Họ đi từ làng này sang làng khác, từ quận này sang quận khác. Lần đó Lê Thương bị một anh chàng tây lai tên là Leroy đuổi bắt và suýt chết vào tay của anh chàng tây đó. Sau nhờ một người giúp đỡ, Lê Thương trở về Mỹ Tho được và ngồi tù một thời gian thì được tại ngoại và tiếp tục sáng tác.
Máu chảy ruột mềm
Lê Thương hoàn toàn không biết rằng trong khi Lê Thương sáng tác bài Biển sau giông tố thì ở bên này chúng tôi đã tổ chức chiến dịch cứu trợ cho những người vượt biển có tên là Máu Chảy Ruột Mềm. Hồi đó tôi (thầy Nhất Hạnh) đi Bangladesh để hoằng đạo. Sau Bangladesh tôi về lại Singapore để dự Hội nghị Tôn giáo và Hoà bình Á châu vào cuối tháng 11 năm 1976. Trong thời gian ở tại Singapore dự hội nghị đó, tôi phát hiện ra được các thuyền nhân (trên thế giới lúc ấy chưa ai biết đến những người thuyền nhân boat people). Tôi đã đề nghị Đại hội yểm trợ cho tôi trong công việc tổ chức một chiến dịch cứu người trên biển và Đại hội đã đồng ý. Vì vậy tôi đã đặt trụ sở tại Singapore, mời một số các bạn từ Pháp, Hà Lan và các nước châu Âu qua để yểm trợ. Chúng tôi đã thuê bốn chiếc tàu để đi vớt người trên biển, chiếc đầu tiên tên là Roland, chiếc thứ hai là Leapdal, chiếc thứ ba là Saigon 200 và chiếc thứ tư lớn nhất có tên là Koojara. Theo kế hoạch, hai chiếc Roland và Leapdal có nhiệm vụ đi vớt người trên biển, khi được nhiều rồi thì chuyển lên chiếc Koojara vì chiếc này lớn nhất có thể chứa tới sáu trăm người. Còn chiếc Saigon 200 thì đi tới đi lui để cung cấp nước và thực phẩm.
Cái khó của chúng tôi là phải cứu người một cách âm thầm, làm thế nào để chính quyền Singapore không biết, nghĩa là phải làm “chui”. Lúc ấy Singapore có một chính sách rất khắc nghiệt lạnh lùng đối với thuyền nhân. Khi có thuyền nhân ghé bến thì quốc gia đó không cho đi vào, họ ra lệnh phải đẩy những người thuyền nhân trở ra biển cho chết. Cư dân nào dám cả gan vớt một thuyền nhân sẽ bị phạt rất nặng, nên không ai dám vớt thuyền nhân. Có một chiếc tàu hàng Nhật Bản lỡ vớt chín mươi tám (98) thuyền nhân ghé vào Singapore, Singapore không cho cập bến. Toà đại sứ Nhật Bản can thiệp để cho chiếc tàu đó cập bến thì Singapore yêu cầu phải đặt tiền thế chân một triệu USD, nếu chín mươi tám người ấy không bước chân xuống đất liền thì khi thuyền nhổ neo họ sẽ trả lại một triệu USD, tại vì Singapore không muốn một thuyền nhân nào được lên bờ hết. Chính sách của Singapore đối với thuyền nhân là như thế mà các nước lân cận cũng gần như thế.
Thường thường, khi có một chiếc thuyền chở thuyền nhân cập bến thì cảnh sát được lệnh phải đẩy ra ngoài. Nếu mình nói thuyền mình đã hỏng rồi thì cảnh sát cho tối đa một ít ván, một ít gỗ để đóng lại, sau đó họ đẩy trở ra khơi. Có lần ở bờ biển Mã Lai có hai chiếc thuyền chở đầy thuyền nhân bị đẩy ra ngoài biển, một chiếc bị chìm, những người trên thuyền bị chết hết. Mọi người trên chiếc thuyền còn lại hoảng sợ quá, họ vừa chứng kiến đồng bào của mình chết ngay trước mắt thì nhất định không đi ra nữa, họ cứ đi vào thôi. Trước khi cảnh sát tới can thiệp thì họ tự đập vỡ chiếc tàu của mình để đừng bị đẩy ra lại. Người của chúng tôi đã tới, đã lắng nghe và đã quay phim những người đó. Nếu những người còn lại bị bắt vào ở tù thì họ sẽ có cơ hội nhiều hơn, nếu không thì họ sẽ bị cho lên một chiếc tàu và bị đẩy trở về biển cả và họ sẽ chết như những người đồng bào của họ.
Chúng tôi đã tổ chức chương trình cứu trợ Máu chảy ruột mềm trong hoàn cảnh như vậy và chúng tôi phải làm chui, mà làm chui thì rất khó.
Với chiếc Roland chúng tôi vớt được 281 người và chúng tôi thuê một viên thuyền trưởng người Mỹ phụ trách – ông Mac Mahon. Ngày hôm ấy, ngay trên chiếc thuyền cứu nạn có một người phụ nữ trở dạ và sinh ra một bé gái. Để kỷ niệm, những người trên thuyền muốn đặt tên cho bé là Nguyễn Thị Roland. Tôi nói Roland là tên con trai mà, thành ra chúng tôi quyết định sửa lại thành Nguyễn Thị Rolanda. Tôi đã làm một bài thơ tặng cho Nguyễn Thị Rolanda. Em bé này nếu còn ở đâu đó thì năm nay đã 28 tuổi rồi.
Một bông sen nở trên đại dương
Bé sinh ra giữa muôn trùng sóng nước
Giữa khuya này, đêm ba mươi tháng Giêng
Hai trăm tám mươi mốt người trên thuyền lặng im
Nghe sóng đêm cầu nguyện
Tám người thuỷ thủ
Yên lặng cho thuyền hướng về phương nam
Nước uống đã cạn rồi
Tàu chạy về gần cù lao Tiamen Cầu cứu
Biển đêm
Sóng vỗ mạn thuyền
Trăng lặn lâu rồi
Ánh sao soi đường cho bé vào đời
Dưới kia nhấp nhô đầu sóng bạc
Một bà mẹ nằm trên boong tàu
Chuẩn bị cho bé vào đời
Cả thuyền không có một phòng riêng
Người bác sĩ
Cũng là giới lênh đênh bèo nước
Tiếng khóc chào đời của bé
Bị át đi trong tiếng gió
Người mẹ mỉm nụ cười yếu ớt
Bác sĩ đứng lên loan báo tin mừng
Hai trăm tám mươi mốt người vỗ tay
Vị thuyền trưởng hô to:
Chúng ta đi về phương nam
Dân số chúng ta trở thành hai trăm tám hai
Xin mọi người cám ơn Trời Phật.
Chiếc máy điện thoại nối liền
Chuyển niềm vui lên lục địa
Khuya nay trên đất liền có người hay tin bé đã chào đời
Bé Rolanda Nguyễn Thị
Bé từ đâu tới nhỉ?
Và bé đang đi về đâu?
Tại sao lại chọn nơi ra đời giữa đại dương
trên chiếc thuyền lưu lạc?
Bé không hỏi
Nhưng chúng ta hãy trả lời
Ai nỡ để bông sen nở nửa đêm
Chìm sâu lòng đại dương
Bạn ơi hãy trả lời cho chúng tôi
Chúng ta phải đem bé đi về hướng nào?
Tôi cần bàn tay bạn.
Đó là bài thơ tôi viết cho bé Rolanda. Tôi dùng một chiếc điện thoại để liên lạc với chiếc tàu Roland nên tôi biết giờ sinh của bé và đã làm bài thơ này cho bé. Chúng tôi âm thầm chuẩn bị chở số đồng bào thuyền nhân đó tới Perth hay tới đảo Guam. Khi tàu sắp tới nơi chúng tôi sẽ đánh điện cho báo chí ra đón, để cho người ta đừng đẩy những chiếc thuyền đó ra ngoài biển.
Tàu Roland
Sư cô (ở giữa) đang giải thích cho thuyền nhân trên tàu Leapdal
Có một lần gặp khó khăn, chúng tôi nghĩ rằng không thể nào chờ được chiếc Koojara (chiếc này sắp mua, tiền có đủ nhưng chưa sea-worthy – nghĩa là chưa xuống nước được vì còn phải đợi ban an ninh chìm tàu duyệt lại từng khâu, từng phần trên tàu, e xuống nước tàu chìm thì họ bị trách nhiệm), vì vậy chúng tôi quyết định cho chiếc Leapdal đi trước. Hôm đó chỉ trước Tết Nguyên Đán có một ngày. Chiếc Leapdal do Vương Hồ làm thuyền trưởng. Trên đó chúng tôi đã vớt được trên ba trăm thuyền nhân rồi và đã chuẩn bị cho chiếc đó đi về Úc. Chúng tôi tới lì xì cho mỗi người một bao giấy đỏ trong có một dollar Úc mới tinh. Hôm ấy tôi đã đích thân ra biển để nói chuyện với đồng bào trước khi đồng bào lên đường. Tối ấy là tối Ba Mươi, tôi leo lên chiếc Saigon 200 để đi ra biển. Tôi đã dùng điện thoại để nói chuyện với đồng bào ở trên thuyền bên kia. Tôi chúc đồng bào thượng lộ bình an (nhất phàm phong thuận). Và tôi đã đưa cho mỗi người một bài thơ đã dịch ra tiếng Anh để khi tới bến, họ trao cho các nhà báo:
Lênh đênh ngoài sóng gió
Thuyền nhỏ giữa đại dương
Quyết tâm tìm đất sống
Đói lạnh bao ngày đường.
Chúng tôi là bọt biển
Trôi dạt giữa mênh mông
Chúng tôi là hạt bụi
Trong không gian vô cùng
Tiếng chúng tôi lạc mất
Trong gió rít từng không
Trên thuyền không nước uống
Trên thuyền hết thức ăn
Con chúng tôi kiệt sức
Khóc rã và lịm dần
Chúng tôi khao khát Đất
Nhưng chẳng được tới gần
Mặc sức mà kêu cứu
Tàu bè vẫn dửng dưng
Bao nhiêu thuyền đã lật
Vì sóng gió bất thần
Bao nhiêu là mạng sống
Đã chìm lòng đại dương
Chúa Ki Tô có nghe
Lời nguyện cầu rướm máu?
Phật Quan Âm có nghe
Lời kêu cứu không ngừng?
Loài người ơi có nghe
Tiếng gọi từ hố thẳm
Đất liền ơi có biết
Tâm sự này hay không
Xin loài người có mặt!
Xin đất liền dang tay!
Cho chúng tôi tìm thấy
Hy vọng trên đất này!
(Lời Nguyện cầu tìm đất sống trong tập Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt)
Tôi nhớ là sau khi dặn dò đồng bào, tôi trở về thì trời bỗng nổi gió và một đợt sóng đen ngòm chồm lên và vồ lấy tôi. Người tôi ướt hết và dường như đợt sóng muốn kéo tôi xuống biển. Giống như một năng lực ma quái nào đó đang nói rằng: “Ông là ai mà dám can thiệp vào chuyện của chúng tôi? Số phận của những người này là phải chết trên biển cả, tại sao ông có quyền can thiệp?”, như là một sự trả thù của nghiệp lực.
Chương trình Máu chảy ruột mềm cứu thuyền nhân trên biển là một chương trình rất thánh thiện. Sáng nào chúng tôi cũng thức sớm để ngồi thiền, đi thiền hành, chúng tôi thực tập hết lòng bởi vì chúng tôi biết rằng cần phải hướng dẫn chương trình này với năng lượng của tâm linh thì mới có thể thành công được. Đáng tiếc là chiếc Leapdal đã không đi qua Úc được vì chỉ sau đó mấy giờ đồng hồ thì có bão. Chính quyền Singapore khám phá ra được rằng chúng tôi đang hoạt động bí mật tại Singapore. Vì vậy họ bắt giữ chiếc Saigon 200 lại, không cho ra biển để tiếp tế và họ cũng không cho chiếc Leapdal đi vào đất liền. Rất có thể 300 người trên thuyền sẽ chết trên biển nếu không được vào trong vùng vịnh để tránh gió. Chúng tôi ở trên đất liền mà tâm trạng chúng tôi cũng bấp bênh như là thuyền nhân vậy. Đồng bào trên hai chiếc thuyền không có thức ăn, không có nước uống, không được tới gần bờ biển để tránh bão thì rất có thể họ sẽ chết trên biển. Nếu 600 người trên hai chiếc thuyền ấy chết trên biển thì chúng tôi cũng chết theo thôi. Làm sao mà sống nổi! Mình chịu chung số phận của nhau. Lúc ấy chúng tôi chỉ biết đi thiền hành, ngồi thiền và cầu nguyện. Chương trình của chúng tôi bị bại lộ là vì những người trong Hội nghị Tôn giáo và Hoà bình đã không giữ kín được. Từ Tokyo, New York,… họ đã tiết lộ tin tức với báo chí, và phóng viên đã tới tìm chúng tôi tại Singapore. Do đó chúng tôi bị phát hiện.
Vào lúc nửa đêm hôm ấy, cảnh sát Singapore ập tới bao vây văn phòng của chúng tôi. Họ chặn cửa trước, chặn cửa sau và các cửa hông nên chúng tôi không ai thoát được. Họ tịch thu hộ chiếu và ra lệnh cho chúng tôi phải rời khỏi lãnh thổ Singapore trong vòng 48 tiếng đồng hồ, tới sân bay họ sẽ trả lại hộ chiếu. Rời Singapore trong vòng 48 tiếng đồng hồ, trong khi mình còn trên 600 đồng bào lênh đênh ngoài biển không có thuốc men, không có nước uống, không có thức ăn, thì làm sao mình chịu nổi?
Trong hoàn cảnh nguy kịch, hoang mang đó, chúng tôi thực tập thở. Tôi nói rằng trong hoàn cảnh này nếu mà mình giữ được tâm an thì mình mới thật là người tu và chúng tôi đã ngồi thiền, đi thiền hành. Trong khi ngồi thiền chúng tôi tìm ra được một giải pháp: Nếu chúng tôi tìm tới cầu cứu với vị đại sứ Pháp tại Singapore nhờ ông can thiệp thì biết đâu chúng tôi có thể được ở thêm mươi ngày nữa để mà thu vén chương trình lại. Chúng tôi tiếp tục ngồi thiền, đi thiền hành, chờ tới sáng rồi thuê taxi tới toà đại sứ Pháp. Thật may là ông Jacques Gasseau đại sứ Pháp đã yểm trợ cho chúng tôi và can thiệp với chính quyền Singapore nên chính quyền Singapore gia hạn cho chúng tôi thêm mười ngày. Tôi giao quyền lại cho Sư cô Chân Không và các bạn khác. Sư cô Chân Không hồi đó có hộ chiếu Pháp, còn hộ chiếu của tôi không có nơi về. Nhưng chỉ 24 giờ đồng hồ sau khi tôi đi thì Sư cô Chân Không cũng bị buộc phải rời Singapore. Tình thế rất cam go. Rốt cuộc, sáu trăm thuyền nhân đó được trao lại cho Liên Hiệp Quốc. Trước đó, trên cù lao Tiamen cũng có mười mấy người thuyền nhân do Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Khi mười mấy người thuyền nhân này cũng muốn lên chiếc Leapdal để được đi Úc thì ông Sampat Kumar – đại diện cho Cao uỷ Tị nạn phản đối, ông nói: “Đó là những người tị nạn của chúng tôi, tại sao quý vị lại rước đi?” Tôi mới hỏi: “Quý vị đã tới thăm những người đó chưa? Quý vị có biết mặt những người ấy không? Quý vị đã từng tới giúp đỡ những người ấy chưa?” Ông đáp: “Chúng tôi chưa tới, chúng tôi chưa biết, chúng tôi chưa giúp gì nhưng mà chúng tôi có tên những người đó.” Tôi mới nói đùa: “Nếu ông có tên tất cả những ngôi sao trên trời thì tất cả những ngôi sao đó đều thuộc về ông hết sao?”
Sau đó, nhờ báo chí lên tiếng rất nhiều cho nên số mạng của thuyền nhân đã được bảo đảm. Ông đại sứ Pháp Jacques Gasseau rất từ bi đã âm thầm yểm trợ cho chúng tôi, cho phép những thuyền nhân lọt vào toà đại sứ vào ban đêm, được ở lại trong khuôn viên toà đại sứ cho đến khi cảnh sát tới làm biên bản. Chúng tôi cũng bí mật giao kết với ngư dân là khi nào họ cứu được một, hai, ba thuyền nhân thì lập tức báo cho chúng tôi dù đó là hai giờ khuya hay ba giờ sáng. Chúng tôi lấy taxi chở những người đó tới toà đại sứ Pháp rồi cho họ leo rào vào trong khuôn viên toà đại sứ. Chúng tôi biết rằng vào buổi sáng khi nhân viên toà đại sứ mở cửa đi vào và phát hiện ra những người thuyền nhân vừa chui rào đêm qua, họ sẽ báo cáo cho cảnh sát. Lập tức chính quyền Singapore sẽ tới bắt và bỏ tù những thuyền nhân ấy, nhờ đó mà họ được an ninh. Còn nếu họ không được vào tù, không có tên trong sổ sách thì họ sẽ bị đẩy ra biển và chết trên biển. Hồi ấy tôi đã làm một bài thơ ca ngợi tấm lòng nhân hậu của ông đại sứ Pháp:
Có cây ngô đồng cho chim phượng đậu
Có người đứng đó cho tình thương sâu
Luật lệ nhiều khi như màn lưới sắt
Giam người trong kiếp trầm luân thương đau
Nhưng lòng nhân ái như bàn tay Phật
Phá tan địa ngục, đập nát u sầu
Thành phố sáng nay nắng lên bát ngát
Có chim bồ câu bay liệng trời cao
Tôi nhớ tới người tấm lòng cương trực
Nụ cười mát dịu như nước nhiệm mầu
Trẻ thơ nhớ người như hoa nhớ nắng
Như nước nhớ nguồn, như trăng nhớ sao
Tâm đã quyết rồi hiềm gì bạo lực
Thân đi vào đời cưỡi trên ba đào
Bắc một cây cầu từ hang địa ngục
Lên tới cõi trời, mở hội ngàn sao.
Lê Thương không biết rằng chúng tôi đã làm những công việc đó, nhưng Lê Thương cũng đi cùng chiều hướng tâm linh với chúng tôi. Lê Thương đã để cho trái tim mình mở ra, đã khóc, đã nói lên được nỗi khổ niềm đau của đồng bào vượt biển.
Sứ mạng
Tôi rời bỏ đất nước năm 1966 cho đến nay là 38 năm, chưa có cơ hội trở về nước. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta qua tới bên này chắc hẳn phải có một sứ mạng nào đó. Tổ tiên chúng ta gửi chúng ta qua đây, chắc là tổ tiên chúng ta muốn trao cho chúng ta một sứ mạng. Nói một cách rõ ràng hơn là chúng ta sang bên này có thể có hai mục đích. Mục đích thứ nhất là học hỏi những cái hay cái đẹp của thế giới bên ngoài để đem về làm đẹp thêm cho quê hương, cho Tổ quốc. Mục đích thứ hai là đem chia sẻ với bạn bè ngoại quốc những cái hay, cái đẹp của nền văn hoá Việt Nam. Đó là lý do chúng ta đang có mặt tại Tây phương. Nếu chúng ta nhớ được điều đó thì chúng ta sẽ biết thương yêu nhau, chấp nhận nhau để chúng ta, những người lớn, những người trẻ có thể thâu thập được những cái hay, cái đẹp nhất của các nền văn hoá Tây phương mà truyền về nhà. Và chúng ta cũng có thể chia sẻ với người Tây phương những gì hay, đẹp của nền văn hoá dân tộc. Ở trong đại chúng này thế nào cũng có người đang làm chuyện đó và đã làm được chuyện đó. Nếu chúng ta không thương yêu nhau, nếu cha không chấp nhận con, con không chấp nhận cha, vợ không chấp nhận chồng thì chúng ta không tài nào làm được chuyện đó. Chúng ta đã được tổ tiên chúng ta giao phó một sứ mạng, chúng phải nhìn lại, chúng ta phải biết rằng hơn 75 ngàn đồng bào ta đã phải chết dưới đáy biển. Chúng ta phải để cho niềm cảm thương đó được sống mãi trong lòng. Chúng ta phải nghe bài Biển sau giông tố của Lê Thương để thấy được sứ mạng của chúng ta. Trong sự sống hàng ngày chúng ta phải ý thức rằng chúng ta có một sứ mạng. Chúng ta phải làm thế nào để cho vợ hiểu được chồng, cha hiểu được con, chúng ta không thể nào sống ơ thờ, vô trách nhiệm được.
Hôm nay, nhân dịp đầu năm, chúng ta đã tập họp ở đây, có mặt của nhạc sĩ lớn Lê Thương và có mặt của anh linh các đồng bào đã tử nạn trong các chuyến vượt biên. Chúng ta phải hứa với lòng mình, phải hứa với đất nước, phải hứa với tổ tiên, hứa với người đã khuất là chúng ta sẽ sống như thế nào cho xứng đáng, sống như thế nào để niềm tin và tình thương mỗi ngày được sáng thêm, để chúng ta có thể làm trọn được phận sự mà tổ tiên của chúng ta đã giao phó khi gửi chúng ta sang bên này. Tôi đã làm hết sức của tôi, quý vị đã làm hết sức của quý vị, nhưng mà chúng ta còn có thể làm hay hơn nữa, chúng ta phải nắm tay nhau. Nắm tay nhau thì có thể làm được nhiều hơn, làm được lớn hơn.
Bây giờ tôi xin mời chị Liễu Thu thắp hương và dâng lên trên bàn thờ. Chúng ta sẽ thắp hương cho nhạc sĩ Lê Thương, chúng ta sẽ thắp hương cho đồng bào tử nạn trong chuyến vượt biên. Và chúng ta sẽ nghe lại một lần nữa bài Biển sau giông tố. Khi nghe bài này, quý vị phải nghe trong tinh thần của sự cầu nguyện, để cho trái tim của chúng ta mở ra, để cho chúng ta có thể cảm thông, có thể thấu hiểu được nỗi khổ đau, niềm tuyệt vọng, phải tiếp xúc được với thảm kịch của dân tộc và thấy được sứ mạng của mình. Theo tôi thấy, bài hát này là một bài cầu nguyện, một bài kinh.
Theo Lê Thương, trong một lá thư gửi cho chúng tôi, thì nhân sinh quan của Người Việt rất sâu đậm nghĩa tình. Nhân sinh quan đó đầy tình và đầy nghĩa, nó được biểu hiện qua một hình ảnh rất cảm động, là hình ảnh của một bà mẹ ôm con đợi chồng cho đến khi hoá đá. Theo Lê Thương, đó là một hình ảnh tuyệt đẹp và vì vậy cho nên chàng trai 31 tuổi khi đó muốn diễn tả cái đẹp ấy của nền văn hoá dân tộc qua bài Hòn Vọng Phu.