Nẻo về của ý – chương 12
Cám ơn Steve đã viết thư dài cho tôi. Miền Trung Việt Nam vừa bị tai họa bão lụt lớn. Tôi cũng bị bận rộn quá nên đã ít viết thư được cho Steve. Các ông già bà cả cho biết là sáu mươi năm nay mới lại có một trận lụt lớn như vậy. Trận lụt sáu mươi năm về trước cũng xảy ra trong năm Giáp Thìn. Kỳ về Trung vừa rồi cùng với một số người trẻ tuổi góp phần vào việc cứu trợ, tôi được thầy tôi, năm nay đã tám mươi tuổi, kể cho nghe từng chi tiết về trận bão lụt Giáp Thìn sáu mươi năm về trước ấy. Trận lụt năm nay thật là kinh khiếp; hàng ngàn người bị nước cuốn trôi và hàng chục ngàn người thiếu nhà cửa, thiếu cơm ăn áo mặc, đã và đang thoi thóp chờ sự cứu trợ của những người đồng bào của họ. Ở miền Nam phong trào cứu trợ nạn lụt miền Trung được sự hưởng ứng rất sốt sắng của hầu hết mọi người. Biết bao nhiêu đoàn thể đã tổ chức quyên góp cứu trợ. Trường chúng tôi cũng góp được hàng mấy xe quần áo, thuốc men và thực phẩm. Từng đó chẳng thiếu đủ gì, nhưng chúng tôi đã tổ chức để tự thân mang những tặng phẩm đó ra tận nơi xảy ra tai nạn. Công việc này không dễ dàng gì đâu Steve ơi, bởi vì những nơi này đều nằm vào địa thế chiếc lược nguy hiểm. Người ta có thể bỏ mạng vì bom đạn hay vì những cuộc đụng độ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu người ta nghe theo tiếng gọi của lương tâm mà tìm tới những nơi ấy.
Nhưng mà để tôi trả lời câu Steve hỏi đã nghe. Tôi biết Steve không ưng ở lại thành phố Nữu Ước nữa bởi vì Steve đã chán nó. Nhưng nếu Steve cố gắng thêm chừng bốn tháng nữa thì Steve đã có thể hoàn tất chương trình. Rồi sẽ liệu sau. Chắc có lẽ cậu lắc đầu chán nản khi nghe tôi khuyên như thế “đã chán rồi thì một vài ngày cũng khó chịu thay, huống hồ là bốn tháng trời!”. Chắc Steve đã phản ứng như vậy. Nhưng mà Steve ơi, nơi nào trên trái đất này thì cũng đều gần gần như nhau. Nếu mình vẫn mang tâm trạng như tâm trạng bây giờ, thì đi đâu mình cũng thấy cái y báo ấy. Có lẽ nếu có tôi bên cạnh, cậu sẽ chấp nhận Nữu Ước dễ dàng hơn. Steve không biết rằng có thể một ngày nào đó cái Nữu Ước chán ngấy của cậu có khi lại làm cho cậu sinh ra nhớ quay nhớ quắt nó cũng không biết chừng. Cũng như cái xứ sở đau thương nhiều thù hận và nhiều điều bạc bẽo này. Ngày trước có khi tôi nghĩ phải bỏ quách nó mà đi để không bao giờ trở lại. Ấy thế mà rồi khi xa lại đứng ngồi không yên, lại nhớ sinh ra nhớ quay nhớ quắt nó. Tôi hay có những tưởng tượng buồn cười lắm Steve. Ngày xưa có bữa đọc báo về chuyện phi hành không gian, tôi tưởng tượng một mình đang ngồi trên phi thuyền bay theo một quỹ đạo xoay quanh trái đất. Rồi vì một hư hỏng máy móc nào đó tôi không đốt được chiếc hỏa tiễn còn lại thành thử không thể vượt ra khỏi quỹ đạo được nữa và phải tiếp tục bay quanh trái đất mãi mãi. Mãi mãi cho đến khi hết lương thực, hết không khí và tôi chết rũ ra một mình không ai biết ai hay. Liên lạc vô tuyến với loài người ở dưới trái đất cũng bị cắt đứt. Và tôi cảm thấy rất cô độc khi nghĩ rằng chính xương cốt mình cũng không được nghỉ ngơi trong lòng trái đất. Tôi nhớ trái đất lạ lùng. Loài người ác độc, loài người gây khổ đau dằn vặt, loài người mà có khi tôi thấy không thể thương được, loài người ấy bây giờ tôi thấy thân thiết với họ một cách kỳ lạ. Thôi thì cho tôi trở lại trái đất đi, với loài người ác độc ấy đi, cũng được. Nhưng mà làm thế nào để trở lại. Dù anh muốn để xương cốt anh trên mặt đất thân yêu thì cũng không được nữa rồi mà. Anh có thể có ý định mở cửa phi thuyền và… nhảy xuống mặt đất. Nhưng thực tế thì anh không nhảy được. Bởi vì không có trọng lượng. Trái đất không muốn anh nữa. Trái đất không còn “hút” anh xuống nữa. Anh xa trái đất và loài người quá rồi.
Steve ơi, chỗ tôi ngồi viết cho Steve đây vẫn là làng quê thuộc tỉnh Gia Định. Khung cảnh đáng lý thì yên tịnh hoàn toàn nhưng tiếng máy bay phản lực của không quân làm tôi nhức óc. Sao mà máy bay bay hoài như thế không biết. Tiếng máy bay như đè nặng trên hai lá phổi của tôi. Hồi nãy tôi ngồi chơi với mấy em bé trong làng ở dưới chân đống rơm. Câu chuyện đang vui thì máy bay ào tới, tiếng máy bay át cả tiếng nói của chúng tôi. Mấy đứa nhỏ nhìn lên trời, theo dõi hai chiếc máy bay phản lực. Tôi thấy chúng không có vẻ thích thú như trong trường hợp thông thường của trẻ con nhà quê khi nhìn thấy máy bay. Chúng không vỗ tay reo cười. Trong mắt chúng, tôi thấy vẻ lo âu ghét bỏ. Tiếng tăm về tai nạn bom đạn giết chóc từ những miền quê khác đã bay tới làng.
Ở những nơi như thế này đây, trông thấy những vấn đề cụ thể của người dân quê, tham dự vào trong những vui buồn hàng ngày của họ, tôi thấy tâm hồn mình bình dị và có nhiều yêu thương. Tôi biết cái nếp sống khép kín của cái xã hội nhiều tiền bạc và tiện nghi cũng không thích hợp với Steve. Đối với nhiều người, phần lớn thì giờ trong cuộc đời họ đã và đang được tiêu phí trong sự theo đuổi những tiện nghi vật chất. Tôi không tuyên truyền thuyết bác ái đâu. Steve đừng e ngại. Tôi thấy trong cái xã hội sinh hoạt đầy tiện nghi, những vấn đề của con người lại còn to lớn và dằn vặt hơn trong cái xã hội mà tôi đang sống đây nhiều. Nỗi niềm cô đơn, trống trải và buồn chán, ý niệm về sự vô ích vô nghĩa của cuộc sống nó làm cho con người đau khổ bội phần. Cách đây mấy năm, tôi được xem đâu dó một khúc phim tài liệu ngắn thuộc loại xã hội nơi một chương trình vô tuyến truyền hình. Phim do ai thực hiện tôi cũng quên khuấy đi mất. Nhan đề cuốn phim là “người đàn bà cô đơn”. Tôi chỉ nhớ mang máng thôi, vì lâu quá rồi. Người đàn bà cô đơn đây là một người đàn bà có chồng, và chồng bà lại có địa vị trong xã hội. Họ lại có nhà cửa, xe hơi và tiền bạc. Giữa hai vợ chồng, không có vấn đề gì xích mích, lộn xộn. Người thiếu phụ cũng đã không gặp trở ngại gì trong vấn đề tình yêu và hôn nhân. Hai vợ chồng ở trong một ngôi nhà khá sang trọng trong thành phố Mỹ quốc. Họ chưa có đứa con nào. Vào đầu cuốn phim, ta thấy người thiếu phụ rên ư ử. Nét mặt biểu lộ sự chán chường mệt mỏi và xa vắng mênh mông. Trong cơn mê những đợt sóng từ dưới đáy tiềm thức chỗi dậy. Có một vẻ gì bất an hiện trên nét mặt đó. Một chút nước bọt nhễu hai bên mép thiếu phụ. Trong cơn mê, thiếu phụ vừa cựa mình vừa lắc đầu như đang vùng vẫy để thoát ra một cái gì. Lúc đó chồng của thiếu phụ chạy đến vỗ vai để thức nàng dậy. Người thiếu phụ mở choàng mắt, bỡ ngỡ một tí, rồi vụt đứng lên. Chỉ sau một giây thôi, nét mặt thiếu phụ trở thành vui vẻ, nhí nhảnh, yêu đời. Tất cả những nét chán chường, mệt mỏi biến mất. Thiếu phụ trở nên vui tươi, hoạt bát một cách mầu nhiệm. Nàng nói tíu tít như một con chim non để làm vui lòng chồng! “Em mới chợp mắt một tí. Anh đi đầu mới về đấy? Để em pha cà phê thật ngon cho anh”. Người chồng nhìn vợ một cách hơi lo lắng rồi hỏi nhỏ: “Em có sao không?”. Nàng trả lời vừa cười rất tươi “Không, em có sao đâu, em không sao cả”. Người chồng cho biết ông phải đi Cựu Kim Sơn gấp vì công chuyện làm ăn “Anh phải đi ngay – Vậy anh đi thay áo đi. Để làm cà phê xong, em sẽ giúp anh làm va li”. Nàng làm cà phê, trong khi người chồng loay hoay trong tủ áo. Bỗng nhiên tiếng hát trong phòng chấm dứt. Chiếc dĩa âm nhạc vừa hết. Nàng bỏ dỡ cà phê, tới thay đĩa mới. Âm nhạc nổi lên, lần này dồn dập náo nức. Rồi nàng trở lại với chiếc bình cà phê. Nhưng người chồng không chịu nổi âm nhạc. Có lẽ ông đã mệt vì âm nhạc. Ông đến gần máy, tắt đi. Và trở về tủ áo. Nhưng người thiếu phụ lại không chịu nổi sự im lặng. Nàng trở vào, cho quay chiếc đĩa hát trở lại. Rồi lại đến phiên người chồng thấy khó chịu. Họ thay phiên nhau văn máy và tắt máy như thế nhiều lần, một cách hầu như là vô ý thức.
Bây giờ thì ông chồng đã lên máy bay rồi. Người thiếu phụ ngồi nhà một mình. Nghe nhạc hoài cũng chán lắm. Nàng chọn nhiều đĩa khác nhau, nhưng cuối cùng tắt máy. Rồi nàng đi tìm sách. Thế nhưng đọc được vài dòng, nàng gấp sách lại. Nàng không thể tiếp tục đọc sách nữa. Nàng chạy tới máy điện thoại. Gọi người này, rồi gọi người khác. Người này đi vắng, người khác bận. Không có ai để mời tới ngồi lê đôi mách cả. Nàng chán nản bỏ ống nói xuống và ngồi thừ ra.
Steve hãy tưởng tượng làm sao mà nàng có thế sống từ trưa đến chiều trong cái tâm trạng và điều kiện ấy. Vào lúc sáu giờ, đứa bé giao báo buổi chiều gõ cửa. Nàng mừng rỡ đến nỗi ta thấy hy vọng hiện trên nét mặt nàng. Nhưng không, đó chỉ là em bé đưa báo. Nàng nhận báo rồi đề nghị thằng bé ở lại một chút nói chuyện chơi. Cố nhiên là nó từ chối, bởi vì nó còn giao không biết bao nhiêu là báo nữa. Nó nhìn nàng, thương hại: “Tại sao bà không ra quán rượu đầu đường ấy. Vui lắm”. Nàng thấy lòng tự ái bị va chạm. Nàng nói: tôi không cần.
Thằng bé đi rồi, nàng càng thấy cô đơn trống trải. Nàng nghĩ tới chồng. Nàng chạy lại điện thoại. “Cô làm ơn cho tôi nói chuyện với chồng tôi, ở Cựu Kim Sơn. Long distance call. Person to person”. Phải rồi, person to person, chớ không phải poste to poter. Như vậy trong trường hợp chồng không có ở đó thì nàng khỏi phải trả tiền. Person to person! Một người liên lạc với một người. Một người nhất định nào đó liên lạc vưói một người nhất định nào đó. Nhưng mà sự liên lạc giữa người và người nó có làm tan biến được sự cô đơn của con người hay không, hay là con người chẳng bao giờ vượt qua được cái “vạn lý trường thành của hai vũ trụ chứa đầy bí mật” đó? Person to person!.
Nàng nghe tiếng chồng ở đầu giây kia. Nàng hỏi: “Anh đi về có bình yên không”. Chồng nàng trả lời “bình yên”. Thế rồi hết, thảm hại chưa. Nàng không có gì để nói nữa hết. Điện thoại nối liền hai miền xa cách. Chồng nàng đứng ở đầu đường dây kia cũng như đứng trước mặt nàng. Không có gì nói cho nhau nghe nữa hay sao? Mười năm trời ở bên nhau, người ta đã tìm tất cả những gì thuộc về của nhau rồi sao? Nàng thấy óc nàng rỗng tuếch. Nàng hỏi đại một câu: Ở Cựu Kim Sơn trời có mưa không anh”. “Không, trời ở đây tốt lắm, ấm lắm. Anh vừa tiếp xúc lần đầu với người ta về vấn đề công việc”. Và hình như người chồng nhận thấy cái gì là lại ở giọng nói của nàng. Chồng nàng hỏi “Em có sao không, em? Are you all right?”. Lần thứ hai trong buổi chiều chàng hỏi. Và lần thứ hai trong buổi chiều nàng trả lời “Em không sao cả. I am all right”.
Nàng không chịu đựng được nữa, cho nên nàng mặc áo rồi xuống đường. Nàng tìm tới quán rượu đầu đường. Đã hơn mười hai giờ khuya rồi. Quán cũng vắng. Nàng gọi một cốc Whisky, và ngồi nhìn. Lát sau cũng có một đôi vợ chồng cũng vào quán rượu. Người vợ đi vào phòng rửa mặt. Người chồng ngồi gần bên thiếu phụ gọi một ly rượu. Và họ quen với nhau. Thiếu phụ cô đơn. Còn người đàn ông thì thấy thiếu phụ có chút nhan sắc. Và biết đâu người đàn ông, tuy đi với người đàn bà của mình, cũng lại cô đơn. Họ trao đổi nhau vài câu nói cười thân mật. Nhưng người đàn bà đã trở về lại chỗ cũ, nhăn mặt tỏ ý không tán đồng sự thân mật đó. Không khí trở nên nặng nề.
Vào khoảng nửa đêm, ác mộng xâm chiếm giấc ngủ của người thiếu phụ. Dưới ánh sáng mờ nhạt của gian phòng ngủ, ta thấy nét chán chường cô độc ban trưa trên khuôn mặt nàng. Thiếu phụ vùng vẫy, nàng la hét trong cơn ác mộng. Một mình trong cơn ác mộng, một mình cô đơn. Nhưng bỗng có tiếng lách tách ở ổ khóa. Có tiếng cửa mở. Rồi cửa phòng ngủ cũng hé mở. Chồng nàng từ Cựu Kim Sơn về, lúc nửa đêm. Trông thấy cảnh tượng đó, chàng vội vàng chạy lại đánh thức nàng.
Người thiếu phụ giật mình tỉnh dậy, ngơ ngác, nét mặt còn in vẻ kinh hoàng. Người chồng cắt nghĩa: “Anh nghe thấy một cái gì không bình thường trong giọng nói của em hồi chiều, qua dây điện thoại. Cho nên bàn xong công việc, anh vội vã lấy máy bay trở về. Em nằm mơ thấy gì mà vùng vẫy la hét dữ vậy? Em có sao không?” Em có sao không? Are you all right? Lần thứ ba trong buổi chiều chàng hỏi Are you all right? Người thiếu phụ kiểm soát lại tình trạng. Nàng không thể trả lời như hồi chiều được nữa. Không. Rõ ràng nàng không trả lời như hồi chiều. Nhưng mà có vấn đề gì đâu? Nàng có đau ồm thiếu thốn gì đâu. Nhà cửa đầy đủ mọi tiện nghi. Chuyện gì cũng có máy móc đỡ tay chân làm thế cho nàng. Có chuyện gì thì cũng có điện thoại đó. Bếp có cháy hay trộm có thể lẻn vào thì có thể gọi cảnh sát. Người đàn bà không bất lực, không cần sự che chở của người đàn ông như thời nguyên thỉ, có nhiều rắn rết, hổ báo, sấm chớp. Người đàn bà không thiếu một thức gì. Nhà cửa sang trọng, sức khỏe đầy đủ, lợi tức dồi dào, chồng con có địa vị, có uy tín. Nhưng mà không thể nói rằng như thế là mọi sự êm đẹp tốt lành. Nàng nhìn chồng, thú nhận:”Em làm sao ấy, anh ạ. I am not all right”.
Và họ biết là họ có vấn đề.
Steve ơi, cái vấn đề đó là một trong những vấn đề lớn của cái xã hội bây giờ. Sự cô đơn của con người càng lúc càng lớn. Steve đưa mắt nhìn thử những buổi sinh hoạt gọi là tôn giáo, xã hội và tôn giáo, xã hội và thân hữu mà xem thì thấy. Nhà thờ và chùa chiền trở nên chỗ hội họp để các Ông các Bà giao tế, gặp gỡ và tổ chức những cuộc vui lấy danh nghĩa là sinh hoạt tôn giáo. Đi nhà thờ hay đi chùa đã trở thành một thứ trang sức, một thứ giải trí cho nhiều người. Hội họp để bầu cử những hội phụ nữ, hội từ thiện, hội cựu học sinh, hội chống võ khí nguyên tử vân vân… và để đàm luận và tổ chức công việc này nọ cũng chỉ là để giết thì giờ, là để chạy trốn sự cô đơn, trống lạnh của những đời sống khép kín trong cái vỏ tự ngã giả tạo. Họ có đi đâu thì cũng chỉ quanh quẩn trong cái vỏ ấy. Họ chỉ giao tiếp gặp gỡ những cái vỏ như là cái vỏ của chính họ. Chính bởi vì Steve bị lạc vào trong cái thế giới đó cho nên Steve không thể chịu đựng được. Nhưng mà nếu Steve thiết lập được sự liên lạc với cái thế giới rộng rãi bên ngoài cái vỏ kia thì dù cho Steve có ở lại trong cái môi trường đó, Steve cũng không cảm thấy bị tù túng như là đang cảm thấy bây giờ. Có lẽ tại vì cậu đã để cho con đường liên lạc kia bị bế tắc. Hãy nghĩ đến chúng tôi, hãy nghĩ đến cái thế giới rộng rãi mà trong đó ngày mai Steve sẽ bơi lội thì cậu sẽ thấy cái hoàn cảnh trong đó hôm nay cậu sống là một hoàn cảnh cần thiết. Hãy chấp nhận bốn tháng đó với một nụ cười, và với một thái độ tích cực. Rồi mọi sự sẽ biến hình trước con mắt của chúng ta. Mặt trời sẽ sáng hơn và cây cối sẽ xanh hơn. Con người sẽ dễ thương hơn.
Để chữa lành cái “bệnh” của người thiếu phụ kia, tôi tượng không cógì khó khăn đâu Steve. Hãy đem nàng ra khỏi nhà tù của những điều kiện tiện nghi vật chất. Cho nàng về sống trong cái xã hội của Châu Mỹ La tinh chẳng hạn. Hay là về đây, tại cái làng Bình Quới này thì cũng tốt. Rồi nàng sẽ đi giặt lấy quần áo ở bờ sông. Sẽ phải rùng mình khi thấy thứ nước uống thiếu trong sạch mà những người dân làng thường uống. Rồi nàng sẽ ở chung và sẽ chia xẻ những vấn đề của dân làng. Cái mớ kiến thức mà nàng có đó sẽ có thể giúp đỡ dân làng cải thiện sự sống của họ. Nàng sẽ phải cực khổ, lo lắng. Nhưng mà nàng sẽ có những nụ cười trong veo như nắng sớm. Tôi biết chắc như vậy mà. Tuy nhiên, Steve đừng nghĩ rằng công việc giải phóng nàng là một công việc dễ dàng đâu nhé. Dù đau khổ, người ta vẫn không có can đảm từ bỏ khổ đau. Con người sợ khổ đau cho nên cứ chịu khổ đau hoài.
Tiếp xúc với cuộc sống, với những khổ đau, những lo âu của thế giới bên ngoài, chia xẻ trong cảm thông tất cả những thứ đó với kẻ khác. Đó là phương thuốc mầu nhiệm nhất để xua đuổi thế giới u ám của sự cô độc nội tâm. Anh mà cô đơn là tại vì anh tự giam giữ anh trong một cái vỏ giả tạo, là tại vì anh tưởng rằng anh là một thực tại riêng biệt không có liên hệ tới những cái khác. Nhà Phật nói là tại vì anh cho là “ngã” một cái gì “vô ngã…”. Mà thôi, đừng có tin nhà Phật. Steve ạ, bởi vì tôi nghĩ rằng cái tôi của tôi đây tuy nó không là ngã mà nó cũng không là vô ngã đó Steve.
Cái thứ văn nghệ phản chiếu tâm trạng cô đơn thao thức cũng đã xuất hiện trên cái đất này lâu rồi Steve. Trong cái tình trạng bế tắc của chính trị, trong cái không khí trĩu nặng đe dọa của bạo lực và tiền bạc, con người rất dễ lây cái tâm trạng chán chường vô vọng đó. Huis clos No exit. Ngõ cụt. Không có nẻo ra. Cái gì cũng vô lý, cũng đáng nhổ nước bọt vào. Cái gì cũng giả dối. Sự vô lý cũng vô lý, sự giả dối cũng giả dối. Như thế đó, mà vẫn còn nói năng được. Nó tô một lớp sơn đen hắc ảm đạm lên cho khung cảnh. Nó trợ lực cho nếp sống liều lĩnh, không trách nhiệm. Nó mở miệng nhân danh cho tự do. Nếu cái thứ văn nghệ chỉ biết tuân theo lãnh đạo như một bộ máy được coi là một thái cực thì cái văn nghệ vô trách nhiệm này đích thực là một thái cực khác. Bên kia còn có thể nói vì một cái gì chứ bên này thì không thể nói vì một cái gì được hết. Tôi không bao giờ cho sự vô trách nhiệm là tự do cả. Tự do mà vô trách nhiệm thì không phải là tự do mà là tự hoại. Tự hoại và hủy hoại kẻ khác. Thứ văn nghệ đó làm cho tình trạng càng lúc càng bi đát, thứ văn nghệ đó giúp cho con người tự kỷ ám thị để càng bị dày vò trong cô đơn, chán chường và mệt mỏi. Thứ văn nghệ đó cào quấu những vết thương cho thêm rách nát. Chúng ta cần có một đường hướng khai thị và trị liệu. Khai thị để vạch rõ cho chúng ta biết sự thực về những vấn đề của chúng ta. Biết để mà có ý thức. Có ý thức để mà lo, chuyển hoán, cải tạo, chạy chữa; nghĩa là tìm ra được nguyên do của chứng bệnh và trị liệu. Nói thì chắc là Steve cười, chớ thực ra theo nguyên tắc này, ta phải isoler những người bị cái bệnh chán chường ra, hoặc giả phải isoler những người chưa bị bệnh ra một nơi. Nghĩa là phải thiết lập những “ấp chiến lược” văn hóa. Nhưng mà không phải cái kiểu “ấp chiến lược” ngày xưa của ông Diệm đâu, Steve đừng lo. Tôi nghĩ ở đây những trường đại học chẳng hạn, nên để tách biệt ra, đừng cho nằm tại Saigon. Phải có những thành phố dành cho đại học, như thành phố Princeton hay là Oxford vậy. Trường đại học cần có phong độ ngày xưa, nghĩa là phong độ một nơi tu luyện. Phải có hoàn cảnh và không khí của sự tu luyện. Chớ ở Saigon hay Nữu Ước hay Ba Lê thì khó học hành lắm. Hồi tôi còn ở Princeton tôi có nghe một anh sinh viên than rằng: “Thành phố Priceton đã như một tu viện rồi mà đại học Princeton là còn là một tu viện nữa. Thật là một tu viện trong một tu viện”. Thế mà không ai chối cãi được cái khả năng và không khí học tập ở Princeton đâu nhé. Steve có đồng ý không. Khi mà người ta mạnh khỏe thì mầm mống bệnh tật khó nhiễm và vật ngã được. Vấn đề không là đi tìm sự trốn tránh mà chính là đi tìm sự tự cường tự lực để chiến thắng.
Steve ơi, cái số tôi thế mà có nhiều may mắn. Bây giờ đây tôi có thể ngồi viết cho Steve yên ổn thế này cũng là nhờ các bạn trẻ bên này lo lắng và gánh vác được cho bao nhiêu trách nhiệm.hòi tôi ở bên đó cũng vậy. Nhớ lại cái hồi từ tháng sáu đến tháng mười năm 1963 mà xem. Thật là lận đận, lao đao. Hồi ấy như Steve biết, phong trào chống đối ông Diệm lên mạnh ở bên này. Một mình tôi ở bên đó phải lo biết bao nhiêu công việc. Ít có đêm nào ngủ được. Tiếng chuông điện thoại làm thần kinh tôi căng thẳng. May mắn có Steve và có một vài người bạn trẻ khác phụ lực cho. Mặc dù bao nhiêu hăm dọa và khó khăn, chúng ta vẫn đi tới một cách mạnh bạo. Tôi nhớ cái buổi chiều ở American BUddhist Academy, đến nét mặt lặng lẽ của Steve khi em đem bình sữa và thẻ kẹo sô-cô-la tới. Căn phòng là một căn phòng tham thiền kiểu Nhật có đệm chiếu tatami Steve đã ngồi quỳ gối và trao bình sữa cho tôi một cách hết sức lặng lẽ và dễ thương. Thật không khác gì một chú thị giả ở đông phương. Steve nói: ăn một thẻ sô-cô-la nhỏ thì lấy lại được năng lực mau chóng lắm. Buổi chiều đó đúng hai giờ, là mãn hạn thời gian tĩnh tâm và cầu nguyện. Tôi dã đóng cửa tĩnh tâm, nhập từ bi quán để cầu nguyện cho sự vượt thắng của tự do trên bạo lực, và thời gian đó kéo dài từ sáng thứ hai đến chiều thứ sáu. Tôi đã không ăn uống gì trong thời gian đó, trừ chai nước lã mà Steve đến thay một ngày hai lần. Hôm tôi họp báo ở Carnegy Hall, Steve cố gắng chạy tìm một nơi thanh tịnh cho thời gian tĩnh tâm ấy, và đã không tìm ra được. Tôi điều đình với ông U Thant cho tôi tĩnh tâm trong Hall ò meditation ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, nhưng ông từ chối. Ông từ chối bởi vì ông không muốn tỏ rằng là Phật tử ông có ý bênh vực Phật giáo. Ông nói là sợ làm như thế tức là tạo ra một tiền lệ. Tôi gọi điện thoại cho Internationnal Church Center cũng ở tại Liên Hiệp Quốc. Họ trả lời là được, nhưng cái phòng ấy phải trả ba trăm Mỹ kim một ngày. Ba trăm Mỹ kim! Thế nghĩa là một ngàn năm trăm Mỹ kim cho một thời hạn từ thứ hai đến thứ sáu! Bán nhà đi chúng ta cũng không trả nổi. Tôi bèn gọi American First Zen Institute. Gọi nhiều lần nhưng không có ai trả lời. Sau cùng tôi gọi Đại đức trù trì ngôi chùa Riverside Drive và được chấp thuận. Lúc đó là lúc đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bắt đầu họp về vấn đề Việt Nam. Trước đó, tôi đã làm việc gần gũi với nhóm các nước Á Phi đã đưa được vấn đề Việt Nam lên nghị trình của đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nhất là với ông đại sứ Tích Lan. Và tôi cũng đã nói chuyện rất nhiều với báo chí và các hãng vô tuyến truyền hình. Hôm họp báo ở Carnegy Hall do tổ chức Nhân Quyền Quốc Tế bảo trợ, tôi nói “Dân tộc Việt Nam đã đau khổ nhiều rồi. Đây là lúc mà gia đình nhân loại phải cầu nguyện, phải hành động. Ngay sau cuộc họp báo này, tôi sẽ nhập thất tham thiền và cầu nguyện cho đất nước tôi, và tôi xin tất cả những thành phần gia đình của nhân loại, những ai biết thương xót và đau khổ vì Việt Nam, hãy góp sức cầu nguyện cho đau thương chấm dứt”. Báo chí tối hôm ấy có đạo đạt lại lời yêu cầu đó. Steve biết không, lúc ấy tôi đã gần kiệt lực rồi, tại vì trước đó đã phải lận đận đi Hoa Thịnh Đốn, Chicago và các nơi khác để vận động ủng họ cho cuộc đấu tranh bên nhà. Một cuộc diễn hành của Việt kiều đã được tổ chức trước tòa Bạch ốc. Biểu ngữ được chở từ Nữu Ước xuống. Cuộc diễu hành thật cảm động. Nhiều anh chị có con năm bảy tháng cũng ẳm đi biểu tình. Nhiều người Mỹ mua nước cam tới cho chúng tôi uống. Tất cả các hãng truyền hình đều có mặt.
Một điều bất tiện cho tôi nữa là phòng tham thiền nằm ở trên gác; mỗi khi muốn dùng phòng rửa mặt thì phải bước xuống và leo lên mấy chục bực thang. Mỗi một cử động tiêu phí nhiều năng lực. Trong năm ngày, tôi đã phải đi lên đi xuống có tới mấy mươi bận. Steve đã giữ gìn không cho nhà báo nào hay hãng truyền hình nào ra vào hết. Và mãi đến chiều thứ sáu khi đem sữa và thẻ sô-cô-la tới, Steve mới cho biết là chấm dứt thời hạn tĩnh tâm, tôi phải tiếp hai hãng vô tuyến truyền hình, bởi vì họ có ý muốn giúp cho vấn đề thêm sáng tỏ.
Tôi uống từng ngụm sữa nhỏ và “nhai” những ngụm sữa ấy trước khi nuốt. Và tôi cũng nhai một miếng sô-cô-la, tuy lúc đó tôi không tin cái thuyết của Steve mấy. Steve kể cho tôi nghe những chuyện đã xảy ra trong thời gian tôi nhập thất. Rồi Steve đưa cho tôi xem mấy cái thư ở nhà gởi sang. Có mấy cái thiệp chúc sinh nhật. Thì ra sinh nhật của tôi nhằm ngày hôm kia mà tôi không nhớ, lúc tôi đang còn trong thời gian nhập thất. Một cái thiệp do chính tay em tôi vẽ. Đó là một vườn cau vì bão tố đã gãy đổ gần một nửa. Phía dưới, em tôi đề: mưa quê hương…
Steve kể chuyện nho nhỏ cho tôi nghe trong khi ở phòng ngoài người ta bắt giây điện và bóng để sửa soạn cuộc phỏng vấn. Steve đã nói với tôi: “Thầy đừng nói, chỉ nghe thôi, để dành sức một lát nữa mà trả lời các cuộc phỏng vấn”. Cũng may Steve nhỉ, các cuộc phỏng vấn truyền hình thường chỉ kéo dài mươi mười lăm phút, không như những cuộc phỏng vấn của nhà báo có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ.
Sau đó, Steve đưa tôi về nhà ở đường 109 bằng xe taxi. Những ngày sau đó Steve săn sóc tôi và không cho tôi làm gì hết. Steve nấu ăn thật tệ, nhưng mà trông thấy Steve lui cui dưới bếp, tôi thương quá. Tôi đã quen nấu cho Steve ăn, như một bà mẹ săn sóc con.
Thật là êm đềm, khi ta có dịp nhắc những kỷ niệm quá khứ cho nhau nghe, có phải không Steve? Nhưng cuộc đời không phải chỉ là quá khứ. Nó còn là hiện tại và tương lai. Chúng ta phải nhìn về phía trước mặt. Những ngày lao đao, trốn tránh lận đận hồi ấy đã qua rồi. Nhưng những vấn đề của hôm nay đang còn. Và chúng ta đang đối diện với chúng.
Chiều xuống rồi. Tối nay tôi phải trở về thành phố. Hẹn Steve thư sau.