Học giả và nhân sĩ Đào Duy Anh
Hồi năm 1981 mình chưa có mạng toàn cầu Wikipedia nên cô Tây con (là tôi) này có biết cụ Đào Duy Anh là ai đâu. Tôi chỉ biết loáng thoáng cụ là một nhân sĩ lớn đi cách mạng cứu nước cùng thời với cụ Hồ. Nhưng vì đóng góp ý kiến xây dựng một xã hội lành mạnh, thanh khiết hơn đăng lên trong Nhân văn Giai phẩm tháng 11 năm 1956 mà bị vào sổ đen, mất quyền công dân như các nhà văn nhà thơ lớn khác của đất nước như Hoàng Cầm, Phùng Quán, Lê Đạt.
Tôi liên lạc làm quen bằng một thùng thuốc Pháp nhỏ 1 kí lô thôi, xưng tên là cô Đào Thị Mây. Tuy hộp thuốc nhỏ nhưng là những thứ thuốc bổ toàn diện cho người lớn tuổi mà chắc chẳng khi nào gia đình thanh bạch này đủ tiền mua bồi dưỡng cho ông cụ. Vì vậy cho nên cả nhà thương quý cô bé họ Đào này, sinh sau đẻ muộn mà ý tứ biết tới tên tuổi cụ, xin được làm quen, được làm con cháu họ xa của cụ, cúng dường một ít thuốc men khi cụ về già. Lúc đó cụ ông đã yếu lắm rồi cũng viết một câu ngắn nhận tôi, cô bé Đào Thị Mây là cháu của ông. Rồi cụ bà viết dài hơn nói cụ ông nhắc Đào Thị Yến Phi nào trong Gia Đình Phật Tử ở Nha Trang đã tự thiêu cầu nguyện cho nhân quyền, cũng đúng là dòng dõi họ Đào nhà ta. Ông bà cụ gửi hình cả nhà có nhiều con cháu. Cháu nội là Đào Thị Hoàng Mai, con gái của anh Đào Hùng, con trai út của cụ. Con trai lớn là anh Đào… cũng là khoa trưởng một phân khoa ở Đại học. Anh sáng chế ra cách làm bánh tráng bằng bột củ khoai mì, cũng mỏng để thay bánh tráng gạo dùng cuốn chả giò. Ở ngoại quốc rất nhiều người yêu chuộng bánh tráng gạo.
Mở Wikipedia ra, tôi đọc công trình nghiên cứu, biên soạn của cụ Đào Duy Anh. Cụ thực hiện trên 30 công trình về nghiên cứu và dịch thuật cổ văn được in thành khoảng hơn 60 tập sách bắt đầu từ năm 1927:
Từ điển
- Hán – Việt từ điển (1932): năm 28 tuổi đã soạn và in xong tự điển Hán Việt
- Pháp – Việt từ điển (1936): năm 32 tuổi soạn xong Pháp Việt tự điển
- Từ điển Truyện Kiều (viết xong năm 1965, xuất bản năm 1974), cụ cho Chân Không một quyển do anh Đào Hùng, con trai cụ Đào nhân một chuyến công du mang sang Pháp tặng và nhân dịp xem “dung nhan cô Đào Thị Mây” ra sao.
Trong chuyến gặp gỡ này, anh Đào Hùng được thầy Nhất Hạnh rất thương. Thầy mời uống trà và đàm đạo rất sâu.
15 giáo trình và công trình nghiên cứu sâu sắc và công phu:
- Việt Nam văn hoá sử cương (1938)
- Khổng giáo phê bình tiểu luận (1938)
- Trung Hoa sử cương (1942)
- Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943)
- Lịch sử Việt Nam (giáo trình Đại học, 1956)
- Cổ sử Việt Nam (giáo trình Đại học, 1956)
- Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957) gồm 4 tập:
- Nguồn gốc dân tộc Việt Nam
- Vấn đề An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc
- Văn hoá đồ đồng và trống đồng Lạc Việt
- Giai đoạn quá độ sang chế độ phong kiến.
- Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957)
- Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX (2 tập, 1958)
- Đất nước Việt Nam qua các đời (1964)
- Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến (1975)
Hiệu đính, biên dịch, chú giải 15 công trình:
- Lịch triều hiến chương loại chí (1961 – 1962)
- Đại Nam thực lục (1962 – 1977)
- Phủ biên tạp lục (1964)
- Đại Việt sử ký toàn thư (1967 – 1968)
- Đại Nam nhất thống chí (1969 – 1971)
- Binh thư yếu lược (1970)
- Gia Định thành thông chí
- Nguyễn Trãi toàn tập (1969)
- Khoá hư lục (1974)
- Sở từ (1974)
- Truyện Hoa Tiên (1978)
- Thơ chữ Hán Nguyễn Du (1988)
- Ngoài ra ông còn biên dịch và chú giải Kinh Thi, Đạo Đức kinh và học thuyết của Lão Tử nhưng chưa xuất bản.
Mở Wikipedia ra tôi thật ngợp với những công trình vĩ đại của ông và xấu hổ thấy lòng kính yêu mình đối với Người chỉ như hạt cát giữa cuộc đời.
Hồi ký
- Nhớ nghĩ chiều hôm (hồi ký, xuất bản năm 1989) – tôi đã được gia đình cụ Đào thân yêu đề tặng.
Tôi chỉ có được quyển hồi ký nhỏ của cụ và một tập hồi ký của riêng bà Nguyễn Thị Như Mân, phu nhân của cụ Đào, trong đó cụ có nhắc tới niềm vui khi có cô Đào Thị Mây từ phương xa gửi thư về tán thán những công trình của ông cụ. Sau này, bà viết thêm, bà được biết là cô Mây cũng là người tu thiền. Năm 1981 tôi mới chính thức được quen ông bà và được ông bà xem là cháu họ xa. Vài năm sau có một bức thư bà kể, được thư tôi ông rất vui và bắt bà đọc từng câu tôi viết, trong khi cách đó mới mấy ngày trước có ông Văn Tiến Dũng vào thăm thì ông xây mặt vào tường giả vờ như ngủ. Ngay cả lúc cụ Võ Nguyên Giáp đến thăm, cụ Đào cũng lim dim không nói và như không nghe. Không có bức thư nào ông bà phàn nàn về chế độ hay về bất cứ ai. Bà cũng thế, nhưng qua các người con (anh Đào Hùng) và người cháu (Đào Thị Hoàng Mai) tôi biết gia đình sống thiếu thốn nhưng rất liêm trực và thanh cao. Những công trình kể trên có cơ quan nào trong chính phủ nhắc nhở khen tặng gì đâu. Mãi đến năm 2000 khi cụ mất đã 12 năm nhà nước mới vinh danh và tặng cụ giải thưởng Hồ Chí Minh.
Năm 2005, Nhà nước Việt Nam muốn vào World Trade Organisation nên đã thay đổi cách đối xử với một số nhân sĩ trí thức. Cho đến năm 2007 nhà nước muốn sửa sai nên tặng cho năm nhà văn trong danh sách Nhân văn Giai phẩm (trong đó có thi sĩ Hoàng Cầm bị khai trừ trong mấy mươi năm, bị lao tù, tra tấn tinh thần suýt phát điên) mỗi người một Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật và 20 triệu đồng (khoảng 800 Euros). Giải thưởng, tiền thưởng và sự khen tặng có được sau 19 năm từ khi cụ mất vào năm 1988. Người trong nước nói thật nhiều về cụ. Con đường trước ngôi nhà tập thể Kim Liên mà hai ông bà và các con ở thật khiêm nhường nay bỗng biến thành con đường Đào Duy Anh hoành tráng. Sáng hôm ấy tôi theo anh Đào Hùng về thăm căn hộ nhỏ trong khu nhà tập thể Kim Liên. Tôi xin phép được đảnh lễ cụ ông và cụ bà. Anh Đào Hùng đem hương ra thắp và trao cho tôi ba cây. Anh xoay về hướng bàn thờ và nói giọng run run: “Bố, cô đã về thăm bố rồi đó. Mẹ, cô Mây đã về đảnh lễ bố mẹ rồi đấy!” Giọng anh (lúc này chắc anh cũng 70 tuổi) run run nghe như nghẹn khóc. Tôi hơi bỡ ngỡ và ngạc nhiên, trách mình là năm 2005 khi về thăm Việt Nam sau 37 năm lưu đày, đáng lý tôi phải đến đảnh lễ ông bà ngay tại vì gia đình cụ Đào Duy Anh xem món nợ tinh thần này rất nặng. Tôi cứ nghĩ ông bà đã về với tổ tiên hết rồi, hơn nữa vì có ít thì giờ ở Hà Nội nên tôi chỉ đi tìm những người còn sống như Hoàng Cầm. Tôi quên hẳn rằng đối với các con cháu ông bà Đào Duy Anh, một nén hương đốt lên trước bàn thờ ông bà thật quý biết bao. Bố, mẹ, cô đã về thăm bố đây, cô thăm mẹ đây! Tôi khóc thật và tự giận thầm sao mãi đến năm 2008 mình mới tới đốt nhang!
Năm 2005 Thầy chúng tôi có được ông đại sứ Pháp tại Hà Nội Việt Nam tổ chức một buổi nói chuyện về Thiền bằng Pháp văn cho các người hiểu được tiếng Pháp. Tôi mời anh Hoàng Cầm và con trai anh, ông Đào Hùng, con cụ Đào Duy Anh, tới nghe. Tôi không mời gia đình anh Hồ Dzếnh vì lúc ấy anh đã tịch 14 năm rồi. Các anh Hoàng Cầm và Đào Hùng đều có mặt và sau buổi thuyết pháp Thầy có đến ôm thi sĩ Hoàng Cầm và ôm anh Đào Hùng, ôm thật sâu như như là ôm ông cụ. Nhưng đúng hơn thì ngay những ngày đầu ở Hà Nội, tôi phải đến thăm Khu tập thể Kim Liên với tư cách cháu Đào Thị Mây, đốt hương lạy ông bà mới đúng lòng chờ đợi của gia đình cụ Đào Duy Anh. Mãi đến năm 2008 mới đến đốt hương lạy cụ và khi anh Đào Hùng khóc nói thật nhỏ “Cô về lạy bố đây, lạy mẹ đây!” thì tôi thật xấu hổ và hối hận biết bao. Tôi đã quá nông cạn! Đối với cụ Đào, bao nhiêu người đồng chí sống chết bên nhau với ông bà từ hồi kháng chiến gian khổ mà bây giờ thời thế đổi thay, có chức vụ tiền bạc, giàu sang phú quý lên nhưng không mấy người nghĩ đến những chiến hữu cùng sống chết ngày xưa. Năm 1956, cụ Đào Duy Anh có bài trả lời phỏng vấn về vấn đề mở rộng tự do, dân chủ đăng trên bán nguyệt san Nhân văn số 5 (ngày 20 tháng 11). Bài viết nhắc nhở mọi người hãy giữ tâm ban đầu, cố gắng giữ gìn thanh khí của những người yêu nước muốn đóng góp cho đất nước những nét thanh cao, hào hùng, phóng khoáng nhất. Vì thế khi các “đồng chí” lớn đến thăm, cụ ông xây mặt vào vách, cụ ông không chào mừng những chiến hữu đang là các ông lớn. Thế nhưng cụ lại chờ đợi những dòng thư nguệch ngoạc của con bé Đào Thị Mây xa xôi và nằm lắng nghe, chiêm nghiệm và hạnh phúc với những dòng chữ trên nắp hộp, dòng xuống dòng lên đơn sơ mà có cái gì đó gọi là “một chút lòng, một niềm tin vững bền và sâu sắc nơi bậc cha ông”.