Về Việt Nam lần thứ nhất

Tại sao mình có các trung tâm ở Á Châu? Mình nghĩ chỉ lập một trung tâm đàng hoàng ở Việt Nam thôi thì năm 2004 toà đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ xin gặp Thầy. Sư cô Chân Không nói:

“Muốn gặp thiền sư thì phải là thiền sinh tu học ba bốn ngày thì cuối tuần mới có được một tham vấn. Mời quý vị đến Tu viện Lộc Uyển chúng tôi tu ba bốn ngày nhé.”

Mấy ông nhân viên của toà lãnh sự Việt Nam ở San Francisco đồng ý ngay. Họ ở ba ngày rồi được gặp Thầy. Họ nói muốn mời Thầy đi về Việt Nam một chuyến. Mình biết rõ là đồng bào mình ở hải ngoại chia làm hai nhóm, nhóm chống Cộng thấy mình về Việt Nam thì cho mình là Cộng sản. Nhưng Thầy sau đó hỏi ý bàn bạc với các con xuất gia lớn của Thầy và Thầy nói mình không thể bỏ 80 triệu đồng bào của mình sống chết mặc họ được. Dù theo bên nào thì họ cũng đều là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Thầy đưa điều kiện với chánh quyền đương thời ở Việt Nam là:

  1. 10 cuốn sách của Thầy phải được cho xuất bản chính thức tại Việt Nam trước khi thầy về nước.

Họ xin một nhóm thương thuyết và giải thích cặn kẽ tại sao phải in trước mười cuốn sách đó…

  • Thầy đề nghị phải cho phép thầy đi với 100 học trò xuất gia và 200 học trò tại gia, được đi thăm từ Bắc, Trung, Nam Việt Nam và ở mỗi miền Thầy phải được đến những nơi của chư Tổ ngày xưa.
  • Quan trọng nhất là Thầy được gặp các vị trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Ngày xưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất gửi Thầy đi hải ngoại, cử Thầy đại diện Giáo hội đi kêu gọi hoà bình. Nay quý hoà thượng Thiện Hoà, Thiện Hoa, Thiện Minh đã tịch. Bây giờ hết chiến tranh chỉ còn quý Hoà thượng Huyền Quang và Quảng Độ. Thầy vẫn là bạn của họ. Nếu về, được nhà nước tiếp đón trọng thể mà không gặp họ thì mình là con người phản bạn không có tư cách của một con người bình thường. Mình gặp họ là vì tình bạn. Nếu nhà nước không đồng ý thì Thầy không về. Thầy muốn gặp Thầy Huyền Quang, Thầy Quảng Độ, còn thầy Tuệ Sỹ là học trò của Thầy, là đệ tử lại học rất giỏi nên Thầy cũng muốn gặp.

  • Một trăm con xuất gia của Thầy phải được ở chùa.

Đại diện Phái đoàn Làng Mai cùng lập chung với đại diện chánh quyền lộ trình sinh hoạt của Thiền sư cùng 100 tu sĩ và 200 cư sĩ đi theo từ ngày nào đến ngày nào.

Thầy Pháp Ấn phải bay sang San Francisco họp mỗi ngày, hai bên làm việc chung 4 giờ buổi sáng 4 giờ buổi chiều, chia sẻ nhau thật nhiều chi tiết. Hai vị tham tá họp đại diện chính quyền Việt Nam điện thoại về Việt Nam hỏi từng điểm. Bên này thầy Pháp Ấn điện về Pháp hỏi Thầy từng điểm: Mười cuốn sách của Thầy là cuốn nào, đại cương nội dung ra sao, tại sao là quyển này mà không phải là những quyển sách khác, tại sao phải có 200 cư sĩ đi theo, ngày nào, thuyết pháp ở đâu, đề tài gì, nội dung nghĩa là sao, tại sao phải đi thăm Thầy Quảng Độ, tại sao phải đi thăm Thầy Huyền Quang.

Cuối cùng thì bên chính quyền Việt Nam cũng chịu. Mình viết một lá thư tường trình cho Hoà thượng Huyền Quang, Hoà thượng Quảng Độ tại sao mình phải về và nhờ nhà nước chuyển các bức thư đó. Nhưng Ban Tôn giáo trong nước đã ém nhẹm thư của Thầy gửi cho hai vị Hoà thượng. Vì sự ém nhẹm ấy nên sự liên lạc không được tốt. Vì thế nên khi Thầy về thì mấy Thầy kia hơi giận. Họ còn bị các chính trị gia ở Paris nói ra nói vô nên họ nghĩ là Thầy Nhất Hạnh đã đầu hàng, đã phản bội họ.

Ba tháng về nước Thầy Nhất Hạnh từ chối không cho báo chí phỏng vấn. Khi báo chí phỏng vấn thì Thầy nói Thầy mới về Việt Nam, chưa biết tình hình ra sao nên không tuyên bố gì hết. Đại diện Thông tấn xã Pháp Agence France Presse phỏng vấn Chân Không, hỏi vì sao nhà nước Việt Nam mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà không mời thầy tu Phật giáo Việt Nam khác ở hải ngoại. Chân Không nói:

“Thường thì Thầy chúng tôi Thích Nhất Hạnh chỉ thuyết pháp những lời dạy của Bụt và vì thế từ chối không cho ai treo cờ của bất kỳ chính quyền nào trong lúc thuyết pháp.” […]

Ý của Chân Không trong câu trả lời là Thầy Nhất Hạnh đi giảng Phật pháp không chen vô chính trị. Vì vậy cho nên chính quyền Việt Nam thấy thế đứng của Thầy rất độc lập, rất Phật giáo chứ không theo bên này hay bên kia. Nhưng khi mấy ông chính trị gia người Pháp dịch lại cho các thầy trong nước nghe thì họ bóp méo, nói rằng Chân Không tố các thầy trong nước lén treo cờ của chính quyền cũ trong chùa. Các thầy trong nước hiểu lầm cho nên khi Chân Không liên lạc với Hoà thượng Quảng Độ để xin gặp thì thầy Quảng Độ từ chối.

Trong những năm đầu, thầy Quảng Độ bị lưu đày ở miền Thái Bình, Vũ Thư, Vũ Đoài. Trong lúc còn bị lưu đày nhà nước bắt thầy tự túc, đói khát. Biết khí hậu ở đó rất lạnh nên Chân Không tìm cách gửi cho thầy thuốc men có thể đổi được thành tiền, và gửi hai áo Thermolactile rất ấm mà mỏng cho thầy. Thầy Quảng Độ rất thích, thầy cảm động và khen Chân Không khéo chọn áo ấm. Cứ thỉnh thoảng thầy Quảng Độ gửi cho Chân Không rất nhiều bài thơ thầy sáng tác trong tù. Bên này thầy Nhất Hạnh đã cho Chân Không đánh máy, Thầy bỏ dấu tiếng Việt thật công phu và cho đăng dưới tên Thích Cao Đăng cùng với nhiều bài văn, thơ viết từ trong tù của những thầy tu khác và những văn nghệ sĩ liêm khiết như Doãn Quốc Sỹ, Trần Kha, Linh Thoại. Những ấn phẩm của các nhà văn trong nước phát hành bởi Lá Bối hải ngoại dưới tên Tắm mát ngọn sông đào có bài của Thích Cao Đăng là của Hoà thượng Quảng Độ đó.

Nhưng sau này nghe lời các chính trị gia Paris bóp méo sự thật nên thầy Quảng Độ hiểu lầm, nghĩ là mình phản bội nên không tiếp Phái đoàn của Thiền sư Nhất Hạnh về nước xin thăm viếng ân tình với thầy. Thầy không tiếp thì thầy trò Làng Mai cũng chịu thôi, tại vì thầy Nhất Hạnh về không phải là vì thầy Quảng Độ và thầy Huyền Quang mà là vì 70 – 80 triệu đồng bào Việt Nam, cho dù là ở Việt Nam có chế độ gì đi nữa thì Thầy cũng phải về. Hai trăm đứa con tinh thần của thầy cùng về quê hương tâm linh của cha tinh thần. 100 xuất sĩ và gần 200 cư sĩ theo Thiền sư Nhất Hạnh đi Bình Định thăm thầy Huyền Quang và cho một khoá tu bốn ngày cho xuất sĩ Phật giáo Việt Nam. Mình đi Bình Định như trong chương trình đã vạch sẵn thì thầy Huyền Quang cũng không tiếp. Tuy đi thăm “hụt” thầy Huyền Quang ở Bình Định, Chân Không vẫn hạnh phúc vô cùng vì lần đầu tiên được nghe Pháp Bụt do Thiền sư Nhất Hạnh thuyết trong một khu vườn. Ở đó có những trái xoài đong đưa lủng lẳng, đẹp ơi là đẹp. Ôi vườn xoài của nữ sĩ Ambapali cúng dường Bụt để dân trong vùng ngồi nghe thuyết pháp chắc cũng mát mẻ và đẹp như vườn xoài hôm nay thôi.

Trong chương trình đi giảng dạy từ Bắc chí Nam, hai bên đồng ý gì với nhau thì mình thực hiện đầy đủ hết. Nhưng lúc sau này Thầy khám ra sự liên hệ sâu sắc giữa khoa thần kinh học (neuro-science) và tâm học Phật giáo nên Thầy muốn tới dạy ở các trường Đại học. Dạy ở trường Đại học thì người nghe mới hiểu. Nhưng người thương thuyết không chịu, tại vì dạy trong chùa cho đại chúng bình thường thì không sao mà dạy trong trường Đại học cho các sinh viên thì khác, mình không biết được phản ứng của sinh viên. Chính quyền Việt Nam không đồng ý, Thầy nói không đồng ý thì Thầy không về. Vài ngày sau thì họ trả lời là đồng ý với điều kiện là Thầy giảng trong trường Đại học của Đảng tức là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Sinh viên ở đó toàn là đảng viên cao cấp. Thầy rất vui vì trường Đại học nào thì cũng giống nhau. Thầy cũng muốn giảng ở Viện Nghiên cứu Tôn giáo, bởi ngoài là một nhà Phật học ra, Thầy còn là một sử gia, nên Thầy muốn giảng về chủ đề lịch sử Phật giáo Việt Nam tại Viện Sử học Hà Nội. Cuối cùng họ cũng chịu. Viện thì có khoảng 300 chỗ nhưng cuối cùng họ chỉ cho sắp 80 chỗ, phân nửa cho viện và phân nửa cho mình mời khách.

Buổi giảng đầu tiên khi Thầy về là ở chùa Đình Quán, còn buổi giảng thứ hai là ở Viện Sử học. Thầy giảng rất là có tình thương, sâu sắc, đẹp đẽ. Thầy giảng từng bài kệ của các thiền sư. Sau buổi giảng đầu tiên ở chùa Đình Quán, công an thấy ông thầy này giảng dễ thương quá nên hôm sau họ mới chính thức cho phép mình giảng ở Viện Sử học. Từ từ họ mở lòng ra và mình có buổi giảng ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Các giáo sư của Học viện nắm rất vững lý thuyết Marxisme nhưng họ hỏi câu nào thì Thầy cũng trả lời rât thâm sâu, khiêm cung nên các vị giáo sư rất thương quý lời chia sẻ sâu sắc của ông thầy này.

Mình đánh máy hết buổi giảng, in liền tại chỗ thành một cuốn sách có tên là Cho đất nước đi lên. Nếu các nhà chính trị mà có tuệ giác của Phật thì đất nước mới đi lên được.

Thầy Nhất Hạnh là trụ trì của chùa Từ Hiếu từ khi Sư Cố tịch. Sư Cố để di chúc giao chùa Từ Hiếu cho thầy Nhất Hạnh và giám tự là thầy Chí Mậu. Thầy Nhất Hạnh có nhiều sư anh nhưng Sư Cố không không giao mà năm 1968 trước khi tịch lại để di chúc giao chức trụ trì Từ Hiếu cho Thầy Thích Nhất Hạnh thôi. Trong chuyến về này có 19 người trẻ được xuất gia với Thầy ở chùa Hoằng Pháp và một số đông người trẻ khác cũng có ý muốn xin được tu học và xuất gia theo Thầy nên mình cần một chỗ cho các em nữ đó ở vì bên nam đã có chùa Từ Hiếu rồi.

Mình thương thuyết với sư bà Diệu Nghiêm ở chùa sư nữ kế bên. Chùa này cũng thuộc Từ Hiếu, ngày xưa Sư Cố từng làm trụ trì của Diệu Nghiêm. Nhưng sau khi được đề cử tấn phong trụ trì Từ Hiếu thì Sư Cố giao cho sư bà Diệu Trí làm trụ trì tạm để khi Sư Cố có đệ tử nữ thì cho họ về ở. Mình xin phép sư bà cho mấy em tập sự xuất gia về ở đó. Tuy Diệu Nghiêm là của Từ Hiếu nhưng bây giờ đã có một chúng ni ở đó nên số lượng người ở đông quá có nhiều bất tiện, quý sư cô Diệu Nghiêm hay rầy rà và cố ý gây khó dễ nên mình quyết định rời Diệu Nghiêm vào tu học trong tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc.