Tu viện Bát Nhã

Khi Thầy mới về tới Sài Gòn thì thầy Đức Nghi lên gặp và hãnh diện báo tin là thầy Đức Nghi đã có mấy niệm Phật đường. Tại vì bên Thiên Chúa giáo đông quá nên hễ chỗ nào có nhà thờ Thiên Chúa thì thầy tới mua đất xây niệm Phật đường gần ngay đó. Nếu Thầy Thích Nhất Hạnh thích chỗ nào thì thầy Đức Nghi sẽ cúng dường chỗ đó. Thầy có ghé qua Bảo Lộc và chọn Bát Nhã là chỗ tương đối rộng, xung quanh có đồi, có núi và có dòng suối uốn quanh. Thầy Đức Nghi nói sẵn sàng cúng dường. Mình phụ thầy Đức Nghi xây cư xá Phượng Vĩ có hai tầng cho 70 sư cô gọi là xóm Bếp Lửa Hồng. Vì vậy khi ở Diệu Nghiêm quá chật chội không tiện cho việc tu học các em tập sự nữ nên mình rời Diệu Nghiêm về Bát Nhã. Sau này đông người quá nên mình xây thêm cư xá Liễu Xanh kề bên cư xá Phượng Vĩ cũng nằm trong xóm Bếp Lửa Hồng.

Còn bên nam cũng đông nên mình xây thêm một cư xá ba tầng. Trước nhất là xây nhà bếp to sát cư xá Rừng Tùng của quý thầy. Quý thầy có cư xá ba tầng rất khang trang. Bên mặt cư xá của quý thầy là thiền đường lớn nhất từ trước tới nay: Thiền đường Cánh Đại Bàng. Gần chỗ thầy Đức Nghi ở có nhiều nhà thấp dành cho các sư chú tập sự nhỏ, hồi xưa làm chỗ ở cho các thầy tỳ kheo và các sư chú tập sự xuất gia. Khi mình xây cư xá rồi thì mấy căn nhà nhỏ đó mình dành cho tập sự nam. Sau này vẫn thiếu chỗ nên mình mua một miếng đất bên ngoài để xây một cư xá lớn cho các sư cô gọi là cư xá Mây Đầu Núi.

Cái hay của mấy anh chị Thanh niên Phụng sự Xã hội là họ rất chính xác. Khi nhận bao nhiêu tiền của mình thì thầy Đức Nghi phải làm giấy ký nhận đàng hoàng. Tới khi có 200 em tới tập sự xuất gia thì thầy Đức Nghi viết thư cho Thầy: “Thưa Thầy buổi sáng thấy 200 em đi thiền hành giữa đồi núi Bát Nhã mà con tưởng là trong mơ. Không biết làm sao mà có 200 người trẻ, người có lòng muốn tu như vậy. Con tưởng là trong giấc mơ.” Thơ đó bây giờ Chân Không vẫn còn giữ.

Năm 2005 Thầy về Việt Nam lần đầu. Ngày Tết Thầy giảng ở chùa Pháp Vân và có bói Kiều. Ai cũng thích môn bói Kiều, Chân Không giải thích đây là tâm thức cộng đồng chứ không phải là mê tín dị đoan và tưởng tượng. Khi tu có chánh niệm thì mình có thể chuyển hoá tâm thức cộng đồng yếu kém thành tâm thức cộng đồng tốt. Bói Kiều rất khoa học chứ không phải mê tín dị đoan. Nghe nói như vậy mấy ông cán bộ rất thích. Thầy bói Kiều từ 9 giờ sáng tới 11 giờ thì sau đó đại chúng sắp hàng nhờ Chân Không giải quẻ Kiều. Tới giờ cơm trưa Chân Không vẫn còn giải tiếp, có khi kéo dài tới 11 giờ khuya. Mình dựa trên tuệ giác của cụ Nguyễn Du rồi thêm pháp của Phật vào và mình giải thêm.

Có bà nói: “Tôi có một đứa con dâu dữ lắm, không cho tôi gặp đứa cháu nội nào hết.” Chân Không nói, con dâu bà cũng có tánh tốt, bà lựa tánh tốt của cô rồi bà khen, cô được tưới hoa thì cô mới cho cháu tới thăm bà chứ nếu bà cứ chửi cô hoài thì làm sao cô có thể đưa con tới thăm bà nội.

Bà khác thì nói:

“Nó là dâu mình chứ bộ bà nội mình sao mà sư cô bắt tôi khen nó?”

Chân Không nói:

“Con dâu bà thế nào cũng có tính tốt, nếu không thì tại sao con trai bà lại cưới? Bà khen sắc đẹp của con dâu cũng được như ‘con mặc áo xanh này đẹp quá’ hay ‘bữa nay con bới tóc này rất là dễ thương’. Bà chỉ cần nói vậy thì không khí giữa bà và con dâu sẽ dịu xuống.”

Vài ba hôm sau Chân Không đi chợ thì có bà bán quýt xin tặng một bó sen, bà bán ổi xá lị tặng bảy trái ổi làm Chân Không lớ quớ. Người tặng cái này người tặng cái kia, nói là cúng dường tại vì Chân Không bói Kiều hay quá. Bà đó nghe lời Chân Không về khen con dâu nên bây giờ con dâu dễ thương với bà lắm, ẵm con tới chào bà nội. Như vậy là mình dùng pháp môn giúp cho người căn cứ trên văn hoá Việt Nam của cụ Nguyễn Du.

Xong khoá tu ở chùa Hoằng Pháp thì mình đi thăm thầy Quảng Độ nhưng thầy không tiếp. Mình tới chùa Già Lam gặp thầy Tuệ Sỹ thì thầy Tuệ Sỹ cũng tránh mặt. Thầy Nhất Hạnh nói: “Thầy làm đúng bổn phận của Thầy còn người khác làm sao thì đó là chuyện của họ.” Thầy Trí Quang ngày xưa rất quý Chân Không. Trước khi được học giáo lý với thầy Nhất Hạnh thì Chân Không gặp thầy Trí Quang, thầy cho Chân Không rất nhiều sách quý của đạo Phật bằng tiếng Pháp. Nhưng Chân Không là một nhà hành động, không ưa viết lách nên không thích thú đọc mấy cuốn sách quá cổ điển đó. Chân Không không có thì giờ, thì giờ của Chân Không là chạy tìm gạo lo con nít bị mẹ bắt đi đánh giày ở vùng này, con nít không có trường học ở vùng kia. Thầy Trí Quang cũng có sự không vui, hồi trước nó là đệ tử của mình mà bây giờ nó theo Thầy Nhất Hạnh sát nút. Tại vì Thầy Nhất Hạnh trả lời được những thao thức của Chân Không, mở cho mình những cái kẹt thì mình làm đệ tử của Thầy. Thầy Nhất Hạnh có những cái thấy sâu sắc nhưng Thầy thiếu người để biến những cái thấy đó thành hành động. Thầy gặp Chân Không thì không phải chỉ có mình Chân Không theo Thầy mà cả nhóm bạn 60, 70 người bạn trai, gái, người nào cũng mê cùng làm việc giúp dân nghèo, làm trường học để giúp người đói khổ. Thầy Nhất Hạnh gặp những người bạn làm việc xã hội của Chân Không thì Thầy làm việc sát cánh với nhóm sáu bảy chục bạn ấy và một năm sau làm việc với 300 Thanh niên Phụng sự Xã hội. Thầy Nhất Hạnh hạnh phúc thấy công trình giúp dân quê của Thầy thành công, học trò và Thầy đều hạnh phúc. Nhưng thầy Trí Quang hơi buồn nên không thèm tiếp Chân Không. Thầy Trí Quang nói không tiếp ai hết ngoài Thầy Nhất Hạnh khi phái đoàn về Việt Nam năm 2005.

Hôm gần Tết 2019, Chân Không có đem quà tới đảnh lễ thầy Thanh Từ và đảnh lễ thăm thầy Trí Quang thì thấy thầy Trí Quang cũng đã yếu nhiều.

Trở lại chuyện thầy Huyền Quang năm 2005, tăng đoàn xuất sĩ và cư sĩ Làng Mai ở ngoài am của thầy Huyền Quang tụng kinh Bát Nhã nhưng thầy không mở cửa. Thầy không mở cửa thì cũng không sao, tiếc là không được nghe các sư em Tây phương tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Anh và hát nhạc Phật tiếng Anh để thấy Phật giáo Việt Nam đã lan toả ra nước ngoài như thế nào. Phật tử Việt rưng rưng nước mắt. Riêng Chân Không rất thích tu viện Nguyên Thiều Bình Định, nơi thầy Nhất Hạnh được phép cho một khoá tu. Ngày xưa Chân Không gửi quà, gửi thuốc cho thầy Huyền Quang tại vì lúc đó thầy cần thuốc. Thầy đã viết thư cho Chân Không nói: “Cô đã từng vận động hơn 17.000 bức thư để thầy Tuệ Sỹ, thầy Trí Siêu không bị tử hình, một người phụ nữ như vậy rất hiếm có.” Mình tranh đấu hết sức bắt buộc nhà nước phải để cho mình thăm thầy, nhưng về tới đây thăm thầy mà thầy không mở cửa thì thôi, không sao cả. Ở Phật học viện Nguyên Thiều, trời nóng quá thầy Nhất Hạnh ngồi giảng dưới gốc cây xoài. Nhìn thấy cả chục, cả trăm trái xoài xanh đong đưa thì Chân Không thấy sướng quá chừng. Hồi xưa Phật giảng ở vườn xoài của bà Ambapali thì bây giờ Chân Không ngồi trong vườn xoài nghe Thầy mình thuyết pháp rất hạnh phúc cho nên thầy Huyền Quang không tiếp mình cũng không mất hạnh phúc gì hết.

Đề nghị sáu điểm

Sau đợt về đầu tiên thì chính phủ có mời thầy Nhất Hạnh vào gặp ông thủ tướng. Thầy có tính mắc cỡ, không biết vô gặp thủ tướng để làm gì. Nhưng nếu thủ tướng muốn nghe tiếng nói của một người gần gũi dân chúng tại vì trong khi đi giảng Thầy cũng có lắng nghe các thầy và lòng dân ở địa phương thì Thầy đồng ý gặp và đưa lên chính phủ sáu điểm đề nghị để giúp chính phủ hiểu và gần với dân hơn. Sáu điểm đề nghị là dành cho những đảng viên. Thầy chỉ muốn họ mở lòng ra để trở thành Đảng Cộng sản Việt Nam thuần tuý như là biết thờ cúng ông bà. Mình đốt nhang trước bàn thờ thì mùi nhang tượng trưng cho trí tuệ. Mình đứng trước đền Hùng thắp nhang không có gì là mê tín dị đoan hết. Mình thắp hương của sự trong sạch, sự thanh khiết của mình cho đất nước. Vì vậy người Cộng sản Việt Nam phải biết thờ cúng ông bà, thờ cúng tổ tiên, giữ gìn cái hay của văn hoá đất nước.

Đề nghị bảy điểm

Sau đó Thầy đề nghị bảy điểm cho dân. Chân Không không nhớ rõ hết bảy điểm, quý vị muốn tìm hiểu thì xin coi trong Lá thư Làng Mai.

Chính phủ đồng ý cho Làng Mai sinh hoạt ở Việt Nam với điều kiện là Làng Mai trở thành một thành phần trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thầy đề nghị nhà nước không nên làm như vậy. Ở các nước văn minh, bên Công giáo chỉ có một Giáo hội Vatican nhưng bên Phật giáo thì có nhiều Giáo hội như Giáo hội của Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Nam tông… Có bốn, năm Giáo hội Phật giáo cũng đâu có sao, tại sao phải có một Giáo hội thôi? Bên Mỹ cũng có 42 Giáo hội Tin Lành đâu có sao? Từ từ dưới áp lực của Hoa Kỳ nhà nước Việt Nam cũng cho phép hai, ba Giáo hội Tin Lành. Bên Thiên Chúa giáo thì đức giáo hoàng không chịu nên còn bàn bạc. Còn Phật giáo thì chỉ có một Giáo hội Phật giáo thuộc nhà nước thôi.

Lúc sau thấy có đông thầy và sư cô quá mà không lẽ bắt họ chỉ đi giảng ở nước ngoài nên mình muốn xin phép mà cho tới

bây giờ nhà nước chưa đồng ý, đòi mình phải vô Giáo hội nhà nước. Mình không hấp tấp, nếu chưa độ được người ở Việt Nam thì mình độ người Tây phương ở hải ngoại. Ngày nào có nhân duyên đầy đủ thì mình sẽ độ thôi.

Chuyến về Việt Nam lần thứ hai và sự phát triển của Bát Nhã

Hai năm sau đó Thầy về Việt Nam lần thứ hai để lập trai đàn chẩn tế và ghé thăm Bát Nhã. Đệ tử Thầy ở Bát Nhã đã lên đến hơn 200 người, toàn là người trẻ đầy sức sống và tu học rất tươi vui. Họ được nghe Thầy giảng pháp qua internet mỗi tuần và sinh hoạt giống hệt như ở Làng Mai. Các buổi lễ xuất gia cũng được Thầy truyền giới qua internet. Lực lượng tu sĩ trẻ này đã đóng góp rất nhiều cho các buổi lễ Trai đàn Chẩn tế ở Huế và ở Hà Nội. Những ngày quán niệm cuối tuần và các khoá tu đã thu hút rất đông sự yểm trợ của giới cư sĩ toàn quốc và đã có khoá tu tiếng Anh dành cho tăng thân Đông Nam Á được tổ chức ở đây.

Chuyến về Việt Nam lần thứ ba và sự kiện Bát Nhã

Năm 2008, Thầy về Việt Nam lần thứ ba cho sự kiện lễ Vesak lần đầu được tổ chức ở Việt Nam. Vì nhiều nguyên nhân tế nhị trong Giáo hội và Ban Tôn giáo Chính phủ cũng như vì thấy sinh hoạt của người trẻ ở Bát Nhã lớn mạnh nhanh chóng, lúc này đã lên đến gần 400 người nên thầy Đức Nghi rút lại lời hứa, không bảo lãnh cho các tăng ni sinh được tạm trú ở Bát Nhã nữa. Không ở Bát Nhã thì đi đâu? Nên họ tạo nhiều khó khăn trong sinh hoạt, cấm Phật tử tới, cấm tổ chức ngày quán niệm, cho người doạ nạt, để loa 24/24 ầm ầm vô Bát Nhã, mình cũng im lặng và ngồi thiền nhiều hơn, thở nhiều hơn và tụng kinh trong im lặng. Họ cho người tới xét giấy từ 7 giờ tối tới 12 giờ khuya. Mấy cô mấy thầy nói:

“Tội mấy bác công an quá, giờ này đáng lý bác phải về nhà với vợ con. Bác làm việc cả ngày rồi. Thôi để con tặng bác một bài hát.”

Rồi mình hát hết bài này tới bài kia:

“Để tụi con làm thiền trà để đãi mấy bác nha.”

Thầy viết thư dạy: “Con đừng buồn. Họ vô minh không hiểu mình thì mình cứ ăn ở cho dễ thương. Từ từ cái dễ thương của mình hiển lộ ra. Đừng giận! Con nên tập đi một bước chân trong chánh niệm. Đó là đi những bước chân huyền thoại rồi. Nói một lời nói đầy tình thương và sự hiểu biết, đó là lời nói huyền thoại. Con phải giữ từng lời nói, từng bước chân như những lời nói huyền thoại, từng bước chân huyền thoại.” Sau họ mướn người tới chửi. Người chửi đó đi hái trà thì mỗi ngày lãnh 30 ngàn đồng, còn đi chửi nguyên ngày thì họ lãnh 300.000 đồng. Nhiều người chửi nguyên ngày thấy kỳ quá nên thôi, không nhận lời đi chửi dù tiền lương cao bằng mười lần hơn. Lương tâm họ không cho phép họ làm như vậy. Sau họ phải mướn những người ngoài Bắc. Sở dĩ Chân Không biết như vậy là tại vì có mấy sư cô là con, cháu cán bộ cao cấp ở ngoài Bắc. Một bữa cô thấy một nhóm ở Thái Bình vô, nhận ra là người thường đến nhà chú mình:

“Ủa chú, chú thường tới nhà chú của cháu mà, sao chú lại ở đây?”

Ông kia giơ tay lên suỵt:

“Cô đừng nói, tôi đi vô đây làm việc ba ngày. Tôi đã làm việc (chửi) hai ngày rồi, còn một ngày nữa thì tôi về.”

Chửi hoài cũng không được thì ngày đó họ quyết định hành động. Hôm đó trời mưa lớn, mấy thầy đang ngồi thiền thì họ lại khiêng các thầy từ tầng ba xuống dưới đất rồi liệng ra ngoài sân. Thầy này móc tay thầy kia làm thành một vòng xích. Họ thuê taxi tới và công an kéo mấy thầy bỏ vô xe nhưng vừa chạy được khoảng một cây số thì anh taxi mở cửa cho mấy thầy đó xuống. Mấy thầy đi bộ mười mấy cây số ra Bảo Lộc vào chùa của thầy Thái Thuận. Thầy Thái Thuận không thích thầy Đức Nghi. Thầy đã từng viết thư cho Thầy mình khuyên đừng nên tin thầy Đức Nghi. Nhưng mình thấy thầy Đức Nghi nhận của mình cái gì thì cũng ký biên nhận đàng hoàng. Mình nghĩ chắc thầy Đức Nghi bị áp lực nào đó nên cũng thương thầy. Sau khi mấy thầy đi vào chùa Phước Huệ của thầy Thái Thuận thì mấy sư cô cũng phải rời Bát Nhã đi ra đó. Thầy Thái Thuận thấy mình bị đuổi nên đem về nuôi hết. Nhưng công an lại tới bắt buộc thầy Thái Thuận phải đuổi mình. Tội nghiệp thầy Thái Thuận bị áp lực và quấy nhiễu quá chừng. […]

Được tin này, Thầy rất buồn, cuối cùng cầm bút khuyên tất cả các con nên tạm rời chùa Phước Huệ. Ai đi đâu được thì đi. Nếu báo chí đăng tin thầy tu này đâm thầy tu kia thì xấu và dơ quá. Thương quá. Có một số đi về Bắc được sư cô Đàm Nguyện giấu ở chùa Lại Đà, có người về miền Thừa Thiên thì may mắn được ông trưởng ban trị sự Giáo hội PGVN tỉnh Thừa Thiên Huế thương nên không đuổi, cho ở tạm chùa Từ Hiếu và chùa Diệu Nghiêm. Chùa Diệu Nghiêm cũng bị xúi đuổi mình nên mình phải xây Diệu Trạm. Trong khi xây Diệu Trạm thì mình về ở tạm chùa Tây Linh với ni sư Như Minh. Một số đi qua Campuchia. Một số qua Thái Lan và sau đó Làng Mai Thái Lan hay tu viện Vườn Ươm được thành lập.