Ảnh hưởng Làng Mai tại những nước khác ở Á châu

Từ Thái Lan mình đi cho khoá tu ở Malaysia (Mã Lai), Taiwan (Đài Loan), Trung Quốc. Ở Trung Quốc mỗi năm mình có ít nhất là hai, ba khoá tu. Đài Loan cũng dính rất sâu với Trung Quốc về văn hoá. Mình giúp đỡ Đài Loan có nghĩa là mình giúp Trung Quốc. Những sách hay của Thầy mà Đài Loan mua thì Trung Quốc in lại. Có hai loại chữ Hán: Đài Loan dùng chữ Hán xưa, còn Trung Quốc thì dùng chữ Hán mới. Nhưng họ có hệ thống hoán đổi rất nhanh. Nhiều sách của Thầy được chính thức in ở Trung Quốc trong thời gian Thầy còn đi dạy ở đó.

Mã Lai, Mindfulness Practice Center

Ở Mã Lai mình có một trung tâm nhỏ là Mindfulness Practice Center (trung tâm thực tập chánh niệm). Đó là một căn nhà rất cao ráo nằm trong một khu phồn hoa. Tăng thân Mã Lai đã đóng góp một thầy rất giỏi và vài sư cô. Mỗi tuần vào ngày chủ nhật trung tâm này có một ngày chánh niệm, mình ngồi thiền, đi thiền hành… Mỗi năm quý thầy, quý sư cô Làng Mai Đông Nam Á đều có khoá tu năm ngày ở Mã Lai và hai thời pháp thoại ở hai thành phố lớn như Kuala Lumpur và Penang.

Indonesia

Indonesia là một nước khá lớn có nhiều đảo to. Theo Thầy nghiên cứu thì đạo Phật truyền qua các nước như Bhutan, Nepal nhưng cũng có truyền qua Indonesia nên ở đó có một Phật tích gọi là Borobudur. Đó là một thắng tích mà chung quanh còn những thổ dân theo đạo Phật. Người Indonesia coi dân đó như là dân tộc thiểu số. Khi người Hồi giáo mới đến Indonesia vào thế kỷ thứ 3, 4 thì họ giết hết những người theo tôn giáo khác nên bây giờ 90% người Indonesia theo Hồi giáo. Sở dĩ Phật giáo còn ở Indonesia là nhờ người Tàu qua bên đó mua bán thành công, trở nên giàu có và họ thờ Phật trong nhà, trong chùa rồi lập những trung tâm Phật giáo nho nhỏ. Nhưng đó chỉ là thiểu số, là những người giàu. Vì vậy một ông nhà giàu gốc Tàu theo đạo Phật đã sẵn sàng mua một trung tâm Làng Mai ở Indonesia để cúng dường cho Thầy, nhưng có đất rồi mà vấn đề xây cất để chính thức hoạt động, ông xin đã ba năm rồi vẫn chưa được phép để Làng Mai lập chùa ở Indonesia .

Vừa rồi sư cô Thoại Nghiêm và thầy Pháp Khâm qua Indonesia để coi mình có thể tìm đường nào khác để lập một trung tâm ở Bali (cũng thuộc Indonesia nhưng thổ dân theo Ấn Độ giáo là chính nên hy vọng không bị chèn ép như chỗ có đạo Hồi). Mình cũng có bảy, tám em Indonesia qua Làng xuất gia, chỉ khi các em lên giáo thọ thì mình mới có thể gửi về để thành lập trung tâm ở Indonesia. Bốn thầy của tông phái Ekayana (Nhất Thừa) và một tông phái khác ở Indonesia đều theo Thầy Nhất Hạnh nhưng thầy của họ thuộc truyền thống Ekayana nên mình muốn mấy em nên chuyên tâm chỉ xuất gia với Thầy, tu học rất có trách nhiệm, tiến bộ… khi các em lên giáo thọ rồi mới mở trung tâm.

Nhờ trung tâm ở Thái, ở Hong Kong mà mình đi lan ra các nước Á Châu.

Ấn Độ

Người thường tổ chức những chuyến hành hương sang Ấn Độ là anh Shantum Seth. Anh là con của bà chủ tịch tối cao Pháp Viện, em của một nhà văn nổi tiếng Vikram Seth. Shantum đã tổ chức năm bảy khoá tu cho học sinh trung học giới thượng lưu Ấn Độ. Các học sinh, các thầy giáo, giám đốc rất thích. Anh cũng tìm mua một miếng đất ở Ấn Độ rất hợp với căn cơ người Ấn. Vậy mà anh cũng chưa lập được một trung tâm ở Ấn Độ vì thiếu xuất sĩ chịu thường trú nơi đây. Những người thượng lưu trí thức đều học ở trường Dehradun này. Miếng đất ở Dehradun của anh Shantum nhìn ra Hy Mã Lạp Sơn rất đẹp mà chưa tu sĩ Làng Mai nào chịu tới đó tu cả. Đó là một trung tâm cư sĩ, lâu lâu anh chỉ tổ chức được những khoá tu nhỏ tại Làng Mai Dehradun, muốn làm những khoá tu đàng hoàng thì anh phải mướn trường học Dehradun lớn hơn (dân quý phái thượng lưu đều tốt nghiệp trường này). Mỗi lần Thầy sang Ấn Độ, anh Shantum sẵn sàng tổ chức cho Thầy những buổi gặp mặt với gia đình ông Gandhi, đương kim chủ tịch Quốc hội thời đó, nhưng khiêm nhường mà nói “Làng Mai vẫn chưa cắm rễ ở Ấn”. Thầy tu Phật giáo nhiều nước như Nhật Bản, Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan, Đại Hàn… đã định cư ở Ấn Độ, đã từng cất những ngôi chùa đồ sộ, đẹp đẽ tại các thánh tích Phật giáo nhưng đạo Bụt vẫn chưa cắm rễ ở Ấn Độ. Lần cuối khi Thầy đi giảng ở Ấn Độ, cứ mỗi 15 phút thì Đài truyền hình toàn quốc Ấn có một hàng chữ cao chừng 2,5cm chạy bên dưới màn hình ghi câu: Thiền sư Thích Nhất Hạnh đang ở Ấn Độ, Thiền sư sẽ thuyết giảng tại…, tối nay hay trưa ngày kia, lúc… giờ. Thiền sư sẽ dẫn đoàn thiền hành cùng đi với rất đông dân Ấn Độ ở đại lộ lớn nhất thành phố Delhi…

Khi nào thế hệ của các cháu Nandini hay Amika con gái của anh Shantum và chị Gitu bỏ tất cả đi về khu nghèo nhất, bạo động nhất và làm được cái gì khuấy động lòng người, khiến ai ai cũng muốn đứng lên làm cách mạng theo con đường của hiểu biết và thương yêu thì chừng đó, tuy các cháu không xưng là đạo Phật, mà đi tới đâu hay làm gì cũng trong ánh sáng của thấy sâu, hiểu rộng, thương nhiều thì chừng đó đạo Bụt mới cắm rễ lại vào đất Ấn Độ…