Quỹ Từ Thị (Matreiya Fond)

Năm 2000 mình gặp một anh Phật tử người Đức theo đạo Phật Tây Tạng là anh Karl Schmied. Thầy đặt tên cho anh là Chân Pháp Nhãn. Anh là giáo thọ của bên Tây Tạng nhưng anh rất thương Thầy. Từ khi gặp Thầy, nghe Thầy dạy, anh đã bỏ uống rượu và không ăn thịt cá nữa. Anh gặp chị Chân Diệu tức chị Thục Quyên và đề nghị thành lập chương trình Matreiya Fond tức Quỹ Từ Thị để giúp con nít đói Việt Nam. Chương trình rất thành công. Mỗi buối thuyết pháp công cộng hàng ngàn người ở Đức tới nghe, hay sau các khoá tu anh đều đứng lên kêu gọi giúp trẻ em Việt Nam. Anh nói: “Đây là một tổ chức do Sư cô Chân Không và tôi thành lập. Tôi đem luật lệ của nước Đức để những người cho tiền được miễn thuế. Nhưng Sư cô Chân Không thì muốn những việc làm từ thiện ở Việt Nam phải có giá trị tinh thần đạo đức.” Không phải chỉ là vấn đề cho tiền, mình phải làm sao để làm sao các cháu học hát “là hoa tươi mát, là núi vững vàng” để mỗi lần tụi nó đánh nhau thì có thể hát làm dịu cơn giận, rồi làm thiền ôm và thông cảm nhau.

Mỗi năm anh đi Việt Nam một vòng, tới trường nào anh cũng bắt trả bài là hát những bài nhạc thiền cho con nít của Làng Mai. Nếu thuộc thì anh mới khen tốt, nếu không thì anh phê bình là chỗ đó không có tu đàng hoàng và xin mấy chú tác viên phải dạy tụi nhỏ cho kỹ. Lẽ dĩ nhiên là người Việt đóng góp cũng nhiều. Lúc đầu anh chỉ muốn làm việc xã hội chứ không cứu trợ. Nhưng năm 1999-2000 ở miền Trung có lụt lớn nên chị Thục Quyên quyết định lập một quỹ riêng để lạc quyên cứu trợ đồng bào. Anh do dự nhưng cuối cùng đồng ý và khi lập xong thì số tiền quyên lên rất nhiều. Thường thường thì quỹ có khoảng 200.000€ – 300.000€, sau khi lập quỹ cứu trợ thì số tiền lên tới 500.000€. Quỹ Từ Thị làm việc chung với chương trình Hiểu Và Thương ở Việt Nam. Sau khi Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội tan nát, bà Dương Quỳnh Hoa từ chối không hợp tác thì mình không còn chương trình Thanh niên Phụng sự Xã hội chính thức nữa. Nhưng mình cũng vẫn âm thầm làm việc và giúp được rất nhiều. Tới khi anh Chân Pháp Nhãn về Việt Nam thì họ hỏi tại sao mình không xin phép chính thức, Chân Không đề nghị mình làm theo từng địa phương vì nếu xin phép, dù chính quyền ở Thừa Thiên họ hứa cấp phép cho mình, nhưng nếu anh em tác viên có điều gì khiến cho chính quyền Thừa Thiên không hài lòng vì chuyện phân phối quà cho người nghèo không như ý họ, thì họ sẽ không cho phép cũng như thông báo ra các tỉnh khác như Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Thuận… cấm luôn chương trình Hiểu và Thương ra toàn quốc và như vậy chương trình Từ Thị của anh sẽ bị tê liệt hết. Vì vậy nên Chân Không nói mình không chủ trương xin phép công khai. Thừa Thiên hợp tác thì biết chương trình ở Thừa Thiên, Bình Thuận hợp tác thì biết chương trình ở Bình Thuận. Vì vậy nếu chẳng may họ yêu cầu đóng cửa một chương trình thì các chương trình ở tỉnh khác vẫn có thể tiếp tục hoạt động. Đến nay quỹ đã và đang tiếp tục giúp rất nhiều hoạt động từ thiện của chương trình Hiểu và Thương ở Việt Nam.