Tu viện ở miền Đông Hoa Kỳ

Thầy là người Á Châu thì đáng lý Thầy phải lập trung tâm tu học ở Á Châu. Nhưng khi đi kêu gọi hoà bình ở Tây phương thì Thầy không được về lại Việt Nam và lập cơ sở ở Tây phương. Lúc đầu Thầy cũng không muốn lập trung tâm. Thầy rút về Phương Vân am để tịnh tu cho chính mình và vài người bạn trân quý. Mở khoá tu ở Phương Vân am thì quá chật nên Thầy về miền nam nước Pháp mua được đất làm Làng Hồng sau đổi tên là Làng Mai. Nhiều thiền sinh năn nỉ Thầy qua Mỹ, qua Úc… và lập trung tâm tu học ở đó.

Có một anh thiền sinh người Mỹ tên là Pritam Singh mà mọi người thường gọi anh là Cấp Cô Độc. Tên anh như là tên Ấn Độ nhưng thật ra anh là người Mỹ da trắng. Gia đình anh theo đạo Chúa. Trong chiến tranh Việt Nam anh chống chiến tranh nên bị các cha rầy. Anh chán đạo Chúa nên bỏ đạo đi qua Ấn Độ, theo đạo Sikh tiến bộ của Ấn Độ giáo và lấy họ Singh như những người của đạo Sikh. Anh buôn bán bất động sản rất thành công ở Hoa Kỳ. Anh muốn cúng dường một biệt thự trong tài sản của anh cho Thầy để mở một trung tâm ở bên Mỹ nhưng Thầy không chịu. Trong chuyến hoằng pháp của Thầy năm 1997 ở Hoa Kỳ có ba người trẻ muốn xuất gia nhưng chưa có quốc tịch Hoa Kỳ nên chưa đi qua Làng Hồng ở Pháp được. Thương thế hệ tương lai, Thầy chịu mở một trung tâm ở Mỹ cho ba vị này có chỗ tu tập. Vì vậy mà tu viện Rừng Phong, thiền viện Thanh Sơn ra đời với sự giúp đỡ của anh Pritam. Cũng vì lòng từ bi đó mà song song với trung tâm anh Pritam đề nghị tặng ở miền Đông, Thầy cũng muốn mở một trung tâm miền Tây Hoa Kỳ, vùng California cho đa số tuổi trẻ gốc Việt vùng Cali.

Tu viện Rừng Phong

Tu viện Rừng Phong ở Woodstock, tiểu bang Vermont là nhà nghỉ của anh Chân Hộ Tăng Pritam Singh. Anh là người Mỹ đầu tiên rất tha thiết với pháp môn của Thầy và nhất định là Thầy phải có trung tâm tu học ở Hoa Kỳ chứ chỗ Làng Mai tu học của Thầy xa xôi khó đi quá thiên hạ không tới tu được. Chuyến hoằng pháp ở Bắc Mỹ vào mùa thu năm 1997, lần đầu tiên Thầy đem theo nhiều thầy, sư cô trẻ ở Làng Mai. Trong chuyến đi này có ba người trẻ thấy tăng đoàn đi theo Thầy trẻ trung, đầy năng lượng tươi vui mà lại an lạc quá nên phát tâm đi tu mà chưa có quốc tịch Mỹ để qua Pháp xuất gia. Thương thế hệ trẻ có bồ đề tâm lớn, Thầy đã nhận cho các em xuất gia sau khoá tu tại đảo Key West, Florida. Vào thời điểm này có một giáo thọ cư sĩ là anh Chân Thiện Căn đang sắp xếp để qua Làng Mai thực tập xuất gia, Thầy gọi anh đến Key West để cùng xuất gia với ba bạn trẻ và anh trở thành anh cả trong gia đình xuất gia mà Thầy đặt tên là Cây Phượng. Vì có các vị xuất gia mới này, nên Thầy đã nhờ anh Pritam tìm chỗ cho các vị này tu. Pritam nghe Thầy nhờ nên mừng lắm, anh ta phát tâm cúng dường liền hai căn nhà của anh ở Vertmont xung quanh có hồ và rừng cây phong. Nhà cho các sư cô có hai tầng, tầng trên gồm hai phòng ngủ, tầng dưới gồm một phòng ngủ, hai phòng sinh hoạt chung, nhà bếp và nhà ăn đủ cho sáu sư cô. Thầy đặt tên là Xóm Tùng. Cách đó khoảng 15 phút đi bộ là nhà cho các thầy. Nhà các thầy cũng có hai tầng gồm hai phòng ngủ trên lầu với một nhà bếp nhỏ và một phòng sinh hoạt lớn. Tầng dưới có một bếp lớn chung với phòng ăn và có một dãy bàn dài đủ chỗ cho 20 người. Nhà này ở trên đồi, nhìn xuống rừng phong rất đẹp. Thầy đặt tên là xóm Thạch Lang. Kế bên là căn nhà nấu đường Maple Sirup được anh Pritam ra lệnh cấp tốc sửa thành một cái thiền đường đủ chỗ ngồi cho khoảng 80 người, trong đó có một phòng ngủ và một phòng tắm. Thiền đường này được đặt tên là Sugar House. Gần đó có một cái hồ nhỏ bên trong có xây một nhà trà theo phong cách Nhật. Đi xa khoảng năm phút nữa thì có một thung lũng có những trụ đá cao lớn dựng theo vòng tròn phong cách Anh quốc xưa. Và sau đó là một hồ thiên nhiên nhỏ thôi mà gia đình anh Pritam hay bơi vào mùa hè. Có nhiều con đường thiền hành nằm trên núi rất đẹp. Sư cô Chân Đức được Thầy cử qua Vermont để hướng dẫn sự tu học của đại chúng. Tu viện Rừng Phong chính thức được thành lập vào cuối chuyến đi hoằng pháp ở Hoa Kỳ mùa thu năm 1997, mang tên là chùa Phong Lâm, gồm có ba vị nam xuất gia và bảy sư cô.

Tu viện Thanh Sơn

Năm tháng sau anh Pritam tìm ra một ngôi nhà khá rộng rãi ở cách tu viện Rừng Phong khoảng nửa tiếng, anh đề nghị mua tặng thầy làm tu viện cho đàng hoàng hơn ngôi nhà nhỏ xíu chật chội kia. Khu nhà và núi rừng này giá 900.000 đô. Các sư em và cả anh Pritam cũng nói: “Đúng là tu viện của Thầy phải có chỗ thiền hành, núi rừng bao la như chỗ mới này.” Nó nằm ở Hartland Four Corners, Vermont. Chỗ này nằm ở trung tâm Vermont, phải lái xe 6 giờ mới tới New York City, 5 giờ tới Boston, 5 giờ đi Philadelphia, 6 giờ lái xe đi Montreal hay 7 giờ đi Toronto, Canada. Anh muốn cúng dường toàn bộ tiền mua ngôi nhà nhưng Thầy không chịu, Thầy nói:

“Nếu Thầy để anh mua trung tâm này thì người ta sẽ nói trung tâm này là của anh Pritam Singh chứ không phải là một trung tâm của Phật giáo. Một trung tâm Phật giáo phải do nhiều bàn tay đóng góp nên anh chỉ có thể đóng góp tới 600.000USD thôi, phần còn lại do những vị khác đóng góp.”

Vì vậy ngoài số tiền của anh Pritam, mẹ của anh Richard Brady (một thiền sinh) cúng dường 100.000USD và các Phật tử các nơi quy tụ về đóng góp. Và thêm vào tiền thu được từ hai cuốn sách của thầy là Living Bouddha Living Christ và Anger đủ cho mình mua tu viện Thanh Sơn.

Như vậy vào năm 1998 Làng Mai có thêm Trung tâm tu học Thanh Sơn cách Rừng Phong 25 phút lái xe, quý sư cô dọn qua Thanh Sơn. Tu viện Thanh Sơn tức là Green Mountain Dharma Center được đặt tên theo địa danh, tại vì tiểu bang đó tên Vermont, ver là màu xanh và mont là núi (có gốc từ tiếng Pháp).

Thầy cử các sư cô Quy Nghiêm và Linh Nghiêm qua Tu viện Thanh Sơn phụ với sư cô Chân Đức. Năm này có đợt xuất gia mới, sư em Thục Nghiêm người Mỹ cũng được qua Thanh Sơn lo giấy tờ hành chánh cho Trung Tâm. Như một sư cô đứng tuổi có trách nhiệm, sư em Thục Nghiêm có đóng góp lớn và được Thầy và Chân Không trân quý lắm.

Anh Pritam cho xây ngay một thiền đường bằng gỗ láng làm chỗ ngồi thiền cho quý sư cô. Anh còn mua thêm 125 acres đất rừng xung quanh tu viện để có đủ diện tích hy vọng ban xây cất nhà nước cho phép xây thiền đường lớn, nhà ăn, phòng ngủ, khu vệ sinh công cộng v..v. nhưng ba lần nộp đơn xin đều bị từ chối vì Vermont là tiểu bang cơ ngơi của các tỷ phú như Rockfeller. Khi mình xin giấy phép mở khoá tu hay ngày chánh niệm cuối tuần có đông người đến tu tại Tu viện Thanh Sơn thì mãi mà không được tại vì vùng Vermont toàn là dân nhà giàu nên không muốn cho đông đảo người đến tu. Họ không cho xây cất những cơ ngơi sinh hoạt công cộng.

Thanh Sơn là một ngôi nhà hai tầng khá lớn nên đủ chỗ ở cho các sư cô và có thêm phòng cho Thầy cũng như thị giả. Nhà nằm trên cánh đồng đầy hoa dại rất mượt mà. Có một cái lán rất rộng có mái che để tập cưỡi ngựa cho con cái các gia đình giàu có được mình cải tạo lại thành thiền đường Phật Mã. Vùng miền Đông Hoa Kỳ quanh năm tuyết phủ nên bên trong thiền đường lót rơm bện cứng cho thiền sinh dự Khoá tu Phật tử Việt Nam tha hồ có chỗ ngủ. Một góc là nam thiền sinh cũng 180 người, góc kia là nữ thiền sinh được gần 300 người. Mình không có giấy phép sinh hoạt công cộng nhưng khoá tu cho người Việt khá đông người tham dự, thiền sinh mướn sáu xe bus 50 chỗ đi từ Boston, Philadelphia, Montreal, Toronto và ngay cả từ North Carolina nữa. Họ hạnh phúc vô cùng. Nhiều bạn trẻ trí thức từ Toronto thích về đây tu học hơn là đi làng Cây Phong. Có cả gia đình con cháu cụ Lê Đình Thám là anh Lê Đình Duyên, vợ và các con về tu nữa. Cả gia đình về thọ giới với Thầy. Có nhiều người trí thức ở Toronto đi tham dự và lập ngay tăng thân Toronto, tăng thân Ottawa.

Thơ phổ nhạc của sư cô Chân Quy Nghiêm về tu viện Núi Xanh (Thanh Sơn):

Dáng Núi Xanh, dáng núi bình yên

Nước biếc non xanh trời đất thật hiền

Đi rất nhẹ giữa trời xanh biếc

Lòng vẫn trong thế giới bình yên.

Khi mua xong Green Mountain Dharma Center thì bên tu viện Rừng Phong, anh Pritam vẫn xây dựng Phật đường cho quý thầy khá đẹp. Anh xây theo kiểu nóc bầu để không đọng tuyết mà ba năm sau Thiền đường Thái Bình Dương ở tu viện Lộc Uyển mô phỏng lại với nóc đỏ.

Mình ở Rừng Phong và Thanh Sơn mười năm nhưng địa phương không yểm trợ cho mình phát triển rộng, thêm nữa Thanh Sơn nằm trong khu nhà giàu. Mình thấy cần phải mua một trung tâm ở chỗ có nhiều người khổ nên mình đã đi tìm chỗ mới, đó là tu viện Bích Nham bây giờ. Trung tâm Bích Nham ở tiểu bang New York, cách New York city từ 1 đến 1,5 giờ lái xe.

Tu viện Bích Nham

Thầy Pháp Duyệt lên internet tìm một số cơ sở ở trong vùng New York để làm một trung tâm mà người nghèo Mỹ và Việt Nam có thể tới được. Trung tâm ở Vermont thì người Mỹ da đen không tới được và quá xa cho người Việt Nam. Ngoài ra chỗ đó không được đón tiếp quá một trăm người tới tu học. Mình tìm được một chỗ gần New York và nhờ anh Pritam coi giùm.

Đây là một khu nghỉ dưỡng với nhiều nhà nằm rải rác trong rừng có được dòng suối lớn bao quanh. Rừng cây xanh mướt, xanh trong như bích ngọc vào xuân và vàng rực óng ả như cõi tiên vào mùa thu lá đỏ kéo dài hai ba tháng, ngồi thiền giữa rừng thu sẽ rất tuyệt vời. Mùa thu là mùa lá rụng, người Mỹ ở các tiểu bang không có mùa thu thường bay tới đây để ngắm lá rơi tại vì chỗ này đặc biệt có cây phong lá đỏ mùa thu đổi màu rất đẹp. Khu này có chừng năm ngôi nhà nhỏ, có hai nhà một tầng và một căn nhà hai tầng. Có một cư xá thật lớn bằng gỗ nhưng ọp ẹp lắm rồi cần khoảng 1 triệu USD mới sửa hết được. Cư xá này nếu sửa lại đàng hoàng sẽ có thể chứa 100 người. Căn nhà hai tầng có tầng trên làm văn phòng, thư viện và phòng sinh hoạt chung. Tầng dưới là khu nhà ăn và bếp, đủ chỗ ăn cho khoảng 80 người. Chỗ ngủ của các sư cô là các ngôi nhà cất rải rác trong rừng, khách cũng có thể ở lại nghỉ dưỡng qua đêm nhiều ngày hay hàng tuần. Trước mặt phòng ăn công cộng là ngôi nhà nhỏ làm thiền đường cho các sư cô. Đây là chỗ ở của các sư cô, gọi là xóm Hạc Trắng. Một con đường nhỏ từ đầu đường đi vào xóm Hạc Trắng chạy dọc đến bìa rừng không có tên nên mình xin chính quyền và đặt bảng tên đường là Mindfulness Road (đường Chánh Niệm). Một con suối chảy quanh đất mình và một bờ hồ nước trong xanh trên con đường đi vào rừng rất đẹp, nằm gần căn nhà đã cũ kỹ tên là Hồ Nguyệt (Moon Lake). Thiền đường, nhà ăn, mấy căn nhà rải rác, nhà nào cũng có tên rất thơ mộng. Tuy nhiên vì chỗ này ngày xưa chỉ hoạt động vào mùa ấm và mùa thu nên không đủ tiện nghi cho mùa đông tuyết lạnh lẽo. Các sư cô dự định xây một ni xá đủ tiện nghi tối thiểu để ở chung nhưng đã nhiều năm rồi mà dự án vẫn chưa đi đến đâu.

Bên kia con đường xuyên quận tên Pleasant Valley Rd. là nhà của ông chủ, mình mua luôn làm nhà ở cho các thầy. Nhà rộng, cũng được mười căn phòng, có nhà ăn, nhà bếp rộng rãi. Đất còn rộng nên mình xây một thiền đường khá lớn, có sức chứa tới 500 người do thầy Pháp Dung dùng sở trường kiến trúc vẽ giùm. Thiền đường có cửa kính lớn nhìn ra núi rừng rất đẹp, được đặt tên là Đại Đồng, dùng cho hai xóm trong ngày Quán Niệm hay cho những buổi thuyết giảng công cộng của Thầy cho cả vùng đến nghe. Kế bên thiền đường là thất Thạch Lang dành cho Thầy và thị giả mỗi khi đến Bích Nham. Đó là xóm của mấy thầy gọi là xóm Tùng Xanh.

Đi xe ra xa cách đó 3 cây số là rừng núi vách đá cheo leo nên mình đặt tên cơ sở này là Thiền viện Bích Nham, lấy tên theo cuốn thiền tập Bích Nham lục. Sư cô Chân Không đề nghị đặt tên Bích Nham thì Thầy đồng ý ngay. Bài hát Colchiques dans les Prés là một bài dân ca Pháp, Chân Không đặt lời Anh là nhờ có Bích Nham và rừng thu của tu viện.