Những cơ sở Làng Mai ở ngoại ô Paris
Thiền đường Hơi Thở Nhẹ
Hồi mình mới về mua trung tâm Làng Mai ở miền Tây Nam Pháp xa như vậy thì có mấy Phật tử ở Paris nói: tại sao mình không mua đại một căn nhà ở Paris cũng không mắc gì cho lắm. Pháp môn Làng Mai bây giờ lan khắp nước Pháp và mấy ông trong chính quyền Pháp cũng thích đọc sách của Thầy. Thầy nghĩ Paris là kinh đô nên mình phải có trung tâm ở Paris. Năm 1984 mình tìm được khu nhà 3000 thước vuông rất sang gọi là Parc privé de Villeflix ở vùng ngoại ô Paris. Cái đẹp và lợi lạc của khu nhà này là rất gần bờ sông Marnes chảy quanh Paris nhưng khu đi ngang công viên Villeflix thì lại vắng vẻ như con sông Hương. Đi thiền hành bên bờ sông giống như đi chơi trên bờ sông Hương khiến thầy trò chấm điểm ưu cho ngôi nhà số 7 Allee dé BellesVues, 93160 Noisy Le Gand này. Ngôi nhà thì tồi lắm. Vách tường đã nứt vài chỗ. Mình mua lại một ngôi nhà cũ như vậy của một bà goá phụ giá rẻ. Lúc đầu mình đặt tên là Hoa Xương Rồng, tại vì lúc đó Chân Không còn trẻ, háo thắng, nghĩ mình tu qua chiến tranh Việt Nam khó khăn quá sức như tu cho cây xương rồng nở được hoa mới đúng, những con đường khó khăn nhất mà mình vượt qua được nên mình cũng giống như hoa xương rồng. Thầy cử thầy Giác Thanh lên làm trụ trì và đổi tên thành thiền đường Hoa Quỳnh vào năm 1985. Thầy Giác Thanh về ở cũng không xong vì xin sửa chữa lại mình cũng mướn kiến trúc sư đàng hoàng, mình vẽ bản đồ nộp đơn xin xây thiền đường thì người ta từ chối ngay, nói chỗ này không phải chỗ để đón người công cộng mà chỉ những người sống trưởng giả như người Paris mới được ở trong này. Chân Không đổi tên người xin là Cao Ngọc Phượng để xây một ngôi nhà to thì họ cũng bác đơn. Thời gian 1990 – 2000 nhà sắp sập nên không sinh hoạt được nữa, tăng thân cư sĩ phải về nhà chị Minh Tri sinh hoạt tạm gọi là Jardin de l’instant.
Thấy không xong mình định bán nhà này. Nhưng Thầy nói rủ anh Pritam xây nhà ở Paris, lâu lâu anh qua chơi, còn thời gian anh không ở đó thì để cho mình sử dụng. Anh đồng ý nhưng khi dẫn vợ qua coi thì bà vợ chê xa, chỗ gì xa quá bà đòi mua nhà ở đại lộ Rivoli thôi! Cuối cùng mình cũng giữ lại để làm trung tâm tu học vì Thầy tiếc khu đất gần bờ sông Marne yên tĩnh nên bán Phương Vân am lúc đó được giá khá cao để xây thiền đường.
Nhưng rút kinh nghiệm mấy lần trước, mình đã bị từ chối ba lần không được chính quyền cho phép xây thiền đường nên lần này Chân Không phải tránh mặt hoàn toàn, chỉ để cháu Bùi Thanh Phương hỏi thăm những công ty xây dựng các biệt thự sang trọng vùng này. Trong bảy mẫu nhà công ty đưa ra với bảy giá khác nhau, Sư cô dặn cháu Phương lựa ngôi nhà to nhất, rộng nhất có hai tầng và giao họ xin phép xây cất với hội đồng xây dựng toàn khu Công Viên Villeflix luôn. Cũng chính công ty này lo luôn việc xây ngôi nhà 12 mét bề ngang, 10 mét bề sâu với tầng trệt, tầng lầu một và tầng hầm (basement) sâu xuống đất một chút. Trong nhà cũng y như họ vẽ tượng trưng lúc ban đầu, có phòng khách, nhà bếp và nhiều phòng ngủ… Nhưng khi ký contract thì mình xin nhà thầu chỉ lo trước phần nóc, hai tầng cầu thang…
Mình thoái thác là xây bên trong chưa đủ tiền (và chưa đủ tiền thật nên Thầy cho bán Phương Vân am). Mình xây khá tốt nhưng không khai là xây thiền đường mà cũng không để tên cô Cao Ngọc Phượng. Căn nhà thật sang nhưng chỉ xây có cái vỏ thôi. Nếu là nhà tư nhân thì bên trong mình xây cất gì cũng cũng không bao giờ Ban An ninh Công cộng đến xem có xây cất đúng như bản vẽ bên trong hay không. Họ chỉ chú trọng bên ngoài y chang như những nhà giàu khác. Có nhà rồi Chân Không mướn một cháu khác con chị Bảy là Bùi Thanh Lâm chuyên môn xây bên trong các nhà nên cháu lo xây 14 nhà vệ sinh, 9 nhà tắm còn bên ngoài thì phải đúng theo tiêu chuẩn của nhà nước. Nhà mình cất lùi vào phía sau nên phía trước có một khoảnh vườn lớn. Quý sư cô, quý thầy trồng được nhiều bụi tre. Vườn thiền đường nhờ thế có vườn tre và dòng suối chảy ngang rất đẹp. Thay vì làm ba tầng thì mình làm một tầng trên và để một phòng rất to làm thiền đường. Mình xây một phòng nhỏ bên trái để Thầy ở phía trên và một phòng nhỏ khác bên phải để cho bốn, năm thầy ngủ chung. Tầng dưới mình cũng làm một phòng to để khi ở trên thiền đường chật quá thì mình xuống dưới biến phòng khách thành thiền đường thứ hai luôn để ngồi thiền. Rồi có một phòng nhỏ cho sư cô trụ trì ở, một phòng lớn kế bên cho bốn, năm sư cô ở. Đối diện với phòng sư cô trụ trì là nhà bếp. Mình biết một chỗ đông người thì cần nhiều nhà vệ sinh, nhà tắm nên mình làm năm nhà vệ sinh, bốn nhà tắm bên trên.
Năm 2008, sau khi xây lại mình để tên là thiền đường Hơi Thở Nhẹ (Maison de L’ inspir).
Lúc đầu Thầy cho một nhóm mấy thầy ở trên lầu, một nhóm mấy sư cô ở dưới. Nhưng ở gần như vậy rất ngột ngạt cho nên sau đó Thầy kéo mấy thầy về Xóm Thượng. Sư cô giỏi nhất trong mấy sư cô Tây phương là sư cô Giác Nghiêm được Thầy dạy làm trụ trì thiền đường Hơi Thở Nhẹ. Bên nam thì ban đầu mình tính để thầy Pháp Độ và thầy Pháp Liệu ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ. Nhưng thầy Pháp Độ không vui lắm, cuối cùng thầy cũng không thích ở Hơi Thở Nhẹ nên về Làng luôn. Sau này thiền đường Hơi Thở Nhẹ chỉ có sư cô Giác Nghiêm và bảy, tám sư em trong đó có ba sư em làm việc sát cánh với sư cô Giác Nghiêm là các sư cô Tráng Nghiêm, Cảnh Nghiêm và Sáng Nghiêm.
Vừa dọn lên 7 Allee dé Belles Vues, 93160 Noisy le Grand là Sư cô Chân Không dặn sư cô Giác Nghiêm đi thăm ngay ông Maire, cảnh sát trưởng và các ông bà hàng xóm, tặng chả giò, giải thích mình là nữ tu sĩ Làng Mai, Dieulivol…, đây chỉ là chỗ nghỉ ngơi của các sư cô thôi. Ngày Noel ngày Tết Tây, Tết ta mình cũng tặng quà và giải thích tại sao đông như thế nhưng không làm phiền họ.
Mỗi ngày lễ lớn như Rằm tháng Tư, Tết Việt, Tết Tây mình làm chả giò đem tặng cho hàng xóm, cảnh sát, xã trưởng và giải thích, đây là tu viện của tám sư cô nên mỗi khi có ngày lễ thì dân chúng tới mừng lễ cũng như ngày lễ Giáng Sinh của họ và xin họ hoan hỷ cho. Vì vậy mỗi khi có khoá tu thì cả trăm thiền sinh tới cũng không sao. Ngày hội chợ Tết thì mình nói Tết Việt Nam nên mình làm bánh quê hương bán cho vui chứ không mua bán gì.
Khi có khoá tu mình cũng xin phép trước cả tháng nên dù đông người hàng xóm cũng cho qua. Nhưng mình không kéo dài chuyện nói tránh này nhiều lần được. Gần đây công viên Villeflix mới làm thêm một cổng rào khoá công viên lại, chỉ có người có nhà ở trong công viên mới có mật mã mở khoá. Mình không thể cho số mật mã cho tất cả mọi người tới Hơi Thở Nhẹ cho nên cuối cùng thì mình phải tìm chỗ mới.
Trung tâm Suối Trị Liệu
Hơi Thở Nhẹ nhỏ không chứa được quá trăm người, và mỗi khi các thầy lên hướng dẫn khoá tu thì không có chỗ ở. Vì vậy bây giờ các thầy mới thấy rất cần một trung tâm ở Paris. Năm 2018, thầy Pháp Liệu và mấy thầy khác tìm ra một miếng đất ở đông nam Paris, vùng Verdelot, cách Paris chừng 100 cây số và lập một trung tâm tên là Trung tâm Suối Trị Liệu. Mình mua nhà đó, nó có 2 mẫu đất. Đó là tu viện cũ của mấy bà sơ và mấy ông cha, mình đặt tên là Suối Trị Liệu tại vì nó có một dòng suối nhỏ chảy xung quanh. Tại sao là Trị Liệu?
Có một anh cư sĩ ly dị vợ và có một đứa con trai. Con trai anh lớn rồi và có cuộc đời riêng của nó. Anh làm công ty du lịch và kinh doanh rất giỏi, nhưng anh chạy trốn khổ đau của mình trong công việc cho tới một ngày tiền bạc thì nhiều nhưng anh muốn tự tử. Người ta khuyên anh nên tới ở một tuần với các thầy trên Xóm Thượng. Anh tới ở thấy hạnh phúc nên ở thêm hai tuần, rồi ba tuần, rồi anh ở luôn ba tháng mùa đông. Sau ba tháng mùa đông thì anh được trị liệu cho nên anh muốn xuất 1 triệu euro giúp xây Trung tâm Suối Trị Liệu để giúp cho người ta bớt khổ như anh. Nhưng khi đi vào thực tế thì không thể thực hành được tại vì anh có con trai lớn, anh không có quyền truất quyền thừa kế của con. Anh chỉ cho được khoảng 200,000€ và cho như là tiền anh xài cho cá nhân thôi. Mình xin một hồi rồi cũng đủ tiền mua Trung tâm Suối Trị Liệu và có 12 thầy lên ở.
Suối Trị Liệu gồm ba toà nhà hai tầng kết nối với nhau, tầng dưới là phòng ăn, phòng vệ sinh và một vài phòng ngủ. Tầng trên chỉ toàn là phòng ngủ như một nhà nghỉ. Vì lúc trước đây là nơi cư trú của người tu công giáo nên mỗi phòng ngủ cũng chỉ vừa cho hai đến ba người và rất đơn giản. Các thầy đã phải sửa sang rất nhiều vì nhà cũng quá cũ và bỏ hoang một thời gian lâu. Chủ trước, sau khi mua lại từ tu viện công giáo, chỉ có khả năng sửa một toà nhà để cho khách thuê mà thôi. Một phòng ăn rộng nằm riêng biệt ngoài khu vực ở được các thầy sửa chữa lại thành thiền đường để sinh hoạt.
Thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở Villeneuve-sur-Bellot
Sau đó các sư cô ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ tìm ra một ngôi nhà nhỏ cách Suối Trị Liệu khoảng 2 km, rất thuận tiện cho những ngày quán niệm hai xóm. Khoảng cách giữa hai nơi tương tự như giữa Xóm Thượng và Xóm Hạ. Các sư cô có thể đi bộ ngang qua cánh đồng tới Trung tâm Suối Trị Liệu mất 35 phút. Ngôi nhà hai tầng xinh xắn, dễ thương dù đất không rộng. Tầng dưới gồm văn phòng, nhà bếp, phòng ăn, phòng trà và thiền đường (vốn là phòng khách thông qua phòng sinh hoạt gia đình). Tầng trên gồm bốn phòng ngủ, một phòng học và một phòng sinh hoạt lớn dùng để pháp đàm. Nhà để xe khá lớn, chứa được ba xe hơi thì đang được sửa chữa lại gồm có một phòng ngủ nhỏ, một phòng ngủ tập thể và phòng sinh hoạt chung. Hiện các sư cô đang sửa chữa lại hệ thống vệ sinh để phù hợp cho số lượng người sử dụng đông đảo vào ngày quán niệm và hệ thống sưởi cho ít tốn kém hơn.
Địa chỉ mới của Thiền đường Hơi Thở Nhẹ là Villeneuve- sur-Bellot (lieudit Montflageol).
Để có tiền mua nhà này, mình đã quyết định bán nhà Hơi Thở Nhẹ ở Noisy Le Grand cho hai anh chị trong tăng thân Quê Lụa để họ có chỗ nghỉ ngơi và sinh hoạt tăng thân mỗi khi qua Pháp.