Thành lập trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (TNPSXH)
Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội
Giữa lúc chiến tranh Việt Nam đang diễn ra thì Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (viết tắt là TNPSXH hoặc Thanh niên PSXH) được thành lập vào tháng 9 năm 1965 với 300 sinh viên trúng tuyển trong đợt đầu. Họ trúng tuyển vào chương trình làm mới đạo Bụt dưới sự hướng dẫn và đào tạo của thầy Thích Nhất Hạnh. Để có cơm ăn và chi phí điện nước cho ba trăm người thanh niên thiếu nữ (xuất sĩ và cư sĩ) từ 18 đến 23 tuổi và để điều hành các việc chăm lo đào tạo cho ba trăm người trẻ đó, thầy Thích Nhất Hạnh và sư bà Thích Nữ Diệu Không đã kêu gọi Phật tử đóng góp hàng tháng 50 đồng, 100 đồng, 200 đồng, 400 đồng hay 600 đồng (đơn vị tiền ở miền Nam Việt Nam khi đó) cho một học bổng toàn phần. Có 3.870 gia đình đã hưởng ứng và đóng góp hàng tháng vào phong trào quần chúng này. Chị Tiếp Hiện cư sĩ Diệu Không Cao Ngọc Phượng là trưởng ban Phổ Triển đi lạc quyên hàng tháng cùng với chị Diệu Thiện Phạm Thuý Uyên và chị Diệu Huỳnh Phan Thị Mai (sau này chị chọn tên Nhất Chi Mai).
Tình Thương, Trách Nhiệm và Tự Nguyện – đây là ba tiêu chuẩn phụng sự của Thanh niên PSXH. Được nuôi dưỡng bởi ba tiêu chuẩn đó, những người trẻ thấy tương lai của họ sẽ là vì tình thương mà tự nguyện bỏ lại sau lưng vinh hoa phú quý để đi theo con đường trách nhiệm với đồng bào. Họ tự nguyện đem cho đồng bào: Tình thương biểu hiện bằng sự thức khuya dậy sớm cùng làm việc với đồng bào, cùng học nghề của họ và giúp một tay với họ. Với tinh thần Trách nhiệm, thấy thiếu kiến thức khoa học nên gà mới chết gió, Thanh niên PSXH giúp bà con ngừa dịch cúm gà chứ không phải đem tiền, đem gà cho họ. Ở những nơi thiếu trường học mà số trẻ em quá ít không đủ điều kiện để hình thành lớp học được ngân sách tài trợ (có xã, ông quận trưởng cho biết không giúp cho xã nhỏ này được vì xã chỉ có 77 trẻ em, trong khi ông chỉ được sử dụng ngân sách để xây các trường học nếu có đủ 200 em một trường), thanh niên PSXH họp dân làng lại kêu gọi trách nhiệm của mọi nhà, và kêu gọi mỗi gia đình nên vì tình thương mà tự nguyện. Trong vài tuần là trường học ba lớp cho các cháu được cất xong, lại có thêm trạm y tế nhỏ.
Chương trình học của Trường TNPSXH là học về giáo dục cộng đồng, y tế công cộng, thêm về canh nông, chăn nuôi với ba tiêu chuẩn Tình thương, Trách nhiệm và Tự nguyện kể trên là hành trang cho các anh em tác viên. Người tác viên đi về vùng nông thôn làm công tác với ba tiêu chuẩn đó.
Dùng nhạc, thơ, tiểu luận gây phong trào
Thầy hay mời các văn nghệ sĩ viết bài, viết nhạc để anh chị em ca hát cho thành phong trào vui, trẻ, hy sinh vì lý tưởng. Sau khi Nhật báo Thần Chung đi thăm cơ sở mới của TNPSXH tại Phú Thọ Hoà, ký giả Nam Đình viết một bài ca tụng TNPSXH là một phong trào của nhân dân (300 người trẻ, bỏ hết những phù phiếm xa hoa của cuộc đời, học về y tế công cộng, giáo dục, canh nông… để giúp người dân tự lực cánh sinh). Đất ta ta cấy, đất ta ta cày, ta sản xuất, ta tự nuôi dân. Đây là phong trào duy nhất ở Việt Nam từ Nam ra Bắc không nhận tiền viện trợ của các phe lâm chiến.
Chương trình ba điểm cho tương lai của thầy Thích Nhất Hạnh
Sau khi chế độ độc tài của ông Ngô Đình Diệm sụp đổ, thầy Thích Nhất Hạnh từ Mỹ về cuối năm 1963 đã đảnh lễ cúi xin quý hoà thượng nên thực hiện ba con đường song song:
Đề nghị thứ nhất
Phật giáo nên đứng ra kêu gọi hai miền Nam và Bắc thương thuyết để thống nhất đất nước và thiết lập hoà bình giữa hai phía. Lúc này miền Nam chỉ mới nhận súng đạn và cố vấn Hoa Kỳ, miền Bắc thì có được khí giới của Trung Quốc và Liên Xô, chưa bên nào có quân đội ngoại bang.
Đề nghị thứ hai
Lập một trường Đại học Phật giáo, giúp cho những nhà chí sĩ thấy rằng tuệ giác Việt Nam không phải là tuệ giác của người Mỹ hay người Pháp. Vì vậy cần có một trường Đại học Phật giáo căn cứ trên văn minh Việt Nam của các vua thời Lý – Trần, tức là thời đại có những ông vua rất thương nước, thương dân và không bao giờ muốn đánh giặc. Khi đánh thắng quân Tàu một trận thì gửi ngay một phái đoàn tới xin lỗi và làm hoà ngay với họ. Dù vua đánh giặc rất hay, rất giỏi nhưng không muốn chiến tranh, muốn thống nhất nước nhà để anh em nương tựa nhau, tại vì ai cũng có thể thành Phật. Người trí thức Việt Nam phải theo văn minh cao nhất của Việt Nam vào thời đại Lý – Trần mà đỉnh cao hưng thịnh nhất là vào các đời vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Trần Thái Tông. Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con khi còn trẻ, trong khi đó vua vẫn tiếp tục cai trị bằng con đường tâm linh. Vua đi chân đất vào các xóm nghèo, dạy dân chúng tu hành, giữ Năm giới, Mười giới Bồ tát. Ông qua các nước lân cận thường hay gây chiến với Việt Nam để làm hoà như nước Chiêm Thành. Các nhà trí thức phải thấy được giá trị tâm linh của thời Lý – Trần và những cái hay của đất nước mình bằng con đường tâm linh thay vì cầm súng giết nhau.
Đề nghị thứ ba
Phật giáo phải lo cho tất cả những người dân nghèo nhất, khổ nhất tức là đa số nông dân. Làm sao để họ có ruộng cày, không bị bóc lột như dưới thời Pháp thuộc. Đất nước Việt Nam có nhiều ruộng vườn. Nhưng vì thời Pháp thuộc để cho những người tay sai Pháp được làm địa chủ, những người nghèo vẫn tiếp tục bị bóc lột, làm rất nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu. Vì thế phải thành lập Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội để làm chất xúc tác (men) giúp người dân cùng đứng lên với ba mục tiêu:
- Tự thắp đuốc lên mà đi, đoàn kết hợp tác xây dựng chung… ví dụ như con em nông dân không có trường vì cấp trên không đủ tiền trợ cấp thì mình tự đốn lá dừa, cắt tre tranh làm trường học.
- Mình biết cách hợp tác làm việc tìm mối bán chung nông sản.
- Cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, khó khăn trong sự cộng tác, lời nhiều thì chia chung mà lỗ thì chịu chung, như vậy gánh nặng của mỗi người sẽ nhẹ đi.
Trong ba đề nghị ấy thì các vị lớn như hoà thượng Trí Quang và hoà thượng Tâm Châu chưa chịu đề nghị thứ nhất kêu gọi ngay vì các ngài nghĩ là phải có một Chính phủ Phật giáo trước mới nên tổng tuyển cử. Vì chưa có Chính phủ thân Phật giáo nên các hoà thượng chưa chịu kêu gọi hoà bình. Nhưng điểm thứ hai là thành lập trường Đại học Phật giáo thì các thầy đồng ý ngay, tức là bắt đầu thành lập trường Cao đẳng Phật học trước và nếu chuẩn bị có bài bản thì từ từ trở thành trường Đại học Phật giáo. Chương trình học môn Sử Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh từng điểm xuất sắc của nền văn minh Lý – Trần như:
- Tinh thần dân chủ của hội nghị Diên Hồng.
- Tính khiêm cung: cầu hoà ngay khi vừa thắng trận là gửi liền một phái đoàn đến cầu hoà, xin lỗi, cống tặng phẩm vật quý.
- Tinh thần tha thứ bao dung khi ra lệnh đốt hết những hòm tài liệu về sự phản quốc của một số người ngầm thông đồng với giặc.
Điểm thứ ba thầy Nhất Hạnh yêu cầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thực hiện gấp là giúp nông dân nghèo, để thực hiện điểm này thì kêu gọi những người giỏi về canh nông, y tế, kinh tế… tình nguyện về giúp cho nông dân nghèo. Đó là công việc của phong trào Thanh niên Phụng sự Xã hội. Chính vì phong trào đó đông và quá giỏi nên kẻ thù của Phật giáo, những người quá khích mới muốn giết mình. Nhưng mình cũng không giận họ vì mình vẫn mong họ sẽ là bạn của mình trong tương lai. Tuy bây giờ họ có cái thấy sai về mình nhưng mình hy vọng rằng cái chết của các bạn mình sẽ làm cho họ hiểu.
Khai giảng Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội
Thấm thoắt mà đã tới ngày 15 tháng 9 năm 1965, ngày khai giảng phân khoa xã hội Đại học Vạn Hạnh. Một tấm bảng to đề chữ Thanh niên Phụng sự Xã hội được đặt trước chùa Từ Nghiêm vốn được ni sư cho phép dùng làm Văn phòng chánh TNPSXH. Thật ra đó chỉ là một phòng nhỏ bên trái khi vừa bước vào chùa Từ Nghiêm. Giảng đường (lớp học) của Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội cũng là giảng đường chùa Từ Nghiêm.
Ba trăm sinh viên trúng tuyển trong tổng số hai nghìn thí sinh dự cuộc thi tuyển vào Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, phân khoa dấn thân Đạo Phật đi vào cuộc đời của Đại học Vạn Hạnh. Người đậu đầu là một sư cô, Bích Vân. Người kế là Bùi Thị Hương… nhưng khi nhập học thì rất khó. Các anh chàng “quậy” nhất không phải là các vị hành xử giỏi của một thanh niên PSXH lý tưởng như mình mong. Em Phạm Viết Nghiệm, đầy tinh thần trách nhiệm thì chỉ thi đậu trung bình, còn Trần Minh Tâm suýt thi rớt nhưng nhu mì hiền hậu, thực hiện rất nhiều điều giúp cho Chùa Lá. Tâm thi đậu hạng chót. Như thế để biết sau này thi tuyển, không bao giờ nên căn cứ trên những bài văn. Văn thì hay nhưng phụng sự thì chưa hay nhất. Nghiệm im lặng nhưng làm việc rất bền, chu đáo, ý tứ, đón trước ngăn sau, rất khéo nên sau này thầy Thanh Văn, thầy Châu Toàn và Ban điều hành TNPSXH rất thương quý giao cho anh Nghiệm phần quản trị chùa trong những ngày đầu Chánh phủ lâm thời Cách mạng miền Nam Việt Nam.
Cư xá và thực phẩm ăn trưa và chiều của các sư chú là ở chùa Trúc Lâm Cây Quéo của thầy Châu Toàn và thầy Đồng Bổn.
Nam sinh cư sĩ thì ở hai dãy nhà bằng xi măng ở đường Trương Minh Giảng trên khu đất mình mới mua để chuẩn bị xây dựng Đại học Vạn Hạnh.
Cho tới lúc này, tháng 9 năm 1965 Viện cao đẳng Phật học vẫn còn nằm ở chùa Pháp Hội đường Phan Đình Phùng. Thầy Minh Châu tốt nghiệp ở Ấn Độ đã về tới Việt Nam. Thầy Nhất Hạnh đề nghị quý tôn đức trong Viện Hoá Đạo đề cử làm viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, nhưng chương trình Đại học thì đã được thầy Nhất Hạnh và các giáo sư xuất sắc như giáo sư Nguyễn Đăng Thục, các giáo sư Nghiêm Thẩm, Bửu Cầm, Lê Xuân Khoa, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Giản Chi… lo chi tiết từng tín chỉ hay chứng chỉ. Thầy Thanh Văn và bác Trịnh Sâm lo việc hành chánh, ghi tên, đóng học phí. Văn phòng cũng được chị Phan Thị Thuần, Lê Khắc Phương Thảo và chị Phùng Thăng phụ làm thư ký ghi danh. Khi mới về Việt Nam Thầy thành lập ngay Viện cao đẳng ở chùa Pháp Hội trên lầu phía tay phải chùa, gần với phòng thầy Thanh Văn, Thanh Tuệ. Tầng trệt dùng làm văn phòng, lầu nhất bên mặt là phòng ngủ cho thầy Nhất Hạnh và thầy Thanh Văn. Giữa chùa là một thiền đường và giảng đường lớn. Bên trái là thư viện Đại học Vạn Hạnh trong tương lai. Tất cả sách 10.000 quyển của Thầy Nhất Hạnh ở Phương Bối am đều biếu hết cho Ban tu thư Viện cao đẳng. Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng là người thu xếp phòng sách cho thư viện trước khi chị Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh về từ Paris và quyết định để toàn thời gian lo cho Thư viện Viện Đại học Vạn Hạnh vốn là ngành mà chị vừa đậu Thạc sĩ ở Hoa Kỳ. Phòng ngủ cuối thư viện là phòng thầy Minh Châu mới từ Ấn Độ về. Chị Trà My người Vĩnh Long, vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm có tuồng chữ rất đẹp. Chính Thầy giao cho Trà My chép gởi sang Pháp cho chị Chân Không hai bài thơ Thầy vừa sáng tác trên những tờ giấy màu mà Trà My được thầy Thanh Tuệ cho (thầy Thanh Tuệ nói giấy này thầy xin được từ các nhà in!) Bướm bay vườn cải hoa vàng và Trường ca Avril là hai bài thơ rất “thơ”, ngọt ngào tình quê hương. Phùng Thăng và Trà My là hai em nữ sinh viên rất siêng năng, tận tuỵ từ nhóm Sinh viên Phật tử làm xã hội với tôi năm 1962 – 1963 trước khi thầy Nhất Hạnh về Việt Nam. Ba cô Trà My, Phùng Thăng, Ngọc Thanh đã từng thu nhặt từng nắm gạo hàng tuần cùng với tôi đem chia cho các xóm nghèo Sài Gòn như sau rạp Quốc Thanh, xóm Bàn Cờ, xóm nghèo Cầu Bông trước khi Thầy về lại Việt Nam đầu năm 1964. Nhờ ba cô này mà Thầy có được luôn cả đoàn Sinh viên Phật tử cùng về làm làng Cầu Kinh. Nhưng chị Lê Khắc Phương Thảo mới là trưởng ban ngoại giao số một, đã kéo được ba ông bác sĩ Hồ Văn Quyền, Nguyễn Thành Nguyên và Trần Tấn Trâm về làng Cầu Kinh. Ba anh chàng này thật là những viên ngọc quý của hai làng hoa tiêu Cầu Kinh và Thảo Điền.
Ngày Chánh niệm 24 giờ mỗi tuần để tập dừng lại nhìn sâu, chuẩn bị thọ Bồ tát giới cho dòng tu mới
Dù bận bịu đến mấy thì mỗi trưa thứ bảy tôi vẫn về Chùa Lá đem theo bộ quần áo sạch về để trải nghiệm 24 giờ hoàn toàn làm con người mới, chánh niệm từng hơi thở, từng cử chỉ, nấu nước sôi, pha nước tắm, mang áo mới để về có một ngày Chánh niệm. Từ 2 giờ trưa thứ bảy đến 4 giờ chiều ngày chủ nhật hoàn toàn mới.
Thấy chúng tôi, ban vận động tài chính cho các công tác phụng sự (bác Hiệu, chị Nga, Phượng, Mai, Uyên, Ngọc Thanh) quá cực trong khi lo tài chính học bổng cho 300 học viên Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội tương lai, thầy Nhất Hạnh tặng cho thầy Thanh Văn hết số tiền dạy học bên Hoa Kỳ ngày xưa (traveller checks) để thầy Thanh Văn lo xây Chùa Lá này. Thế nên ngôi chùa Lá Pháp Vân được mua và xây lên là một tặng phẩm bất ngờ cho chúng tôi. Sau đó bác Sâm tiết lộ, đất này bác nhân danh Viện cao đẳng Phật học để xin đất nhà nước nằm trong khu quy hoạch khá lớn của chính quyền đương thời. Chính quyền trả tiền bồi thường cho nông dân rồi nhưng nông dân chưa đồng ý nên mình phảỉ mua lần thứ hai với họ. Tiền “bồi thường lần chót” tương đối rẻ.
Thấy đất mua chỗ này không đắt lắm, thầy Thanh Văn cũng gom tiền lương làm Tổng thư ký Viện cao đẳng Phật học mua một lô đất cho riêng gia đình. Có thể thầy nghĩ mai mốt ba mình già có chỗ gần chùa để nghe kinh. Bác Trịnh Sâm cũng thế, mua một lô đất ở đây. Lô đất khá lớn, có thể dùng để cất cư xá cho sinh viên TNPSXH ở phía xa xa bên kia chùa Lá.
Tuy Thầy quyết định ngày 15 tháng 9 năm 1965 sẽ khai giảng nhưng chưa đủ tiền xây cư xá, chưa đủ tiền xây Trường đào tạo TNPSXH trên mảnh đất mới với Chùa Lá. Thầy Nhất Hạnh đã thương thuyết với chùa Từ Nghiêm. Lúc sau thầy Thanh Tuệ mượn được nhà chú Bảy trước mặt chùa nên dọn ra riêng. Trưởng chùa Từ Nghiêm, ni sư Vĩnh Bửu, cho mượn một văn phòng nhỏ phía ngoài chùa Từ Nghiêm, 215 đường Bà Hạt, để ghi danh sinh viên đã trúng tuyển vào học. Sau đó các anh chị tình nguyện viên sẽ đưa từng em về từng cư xá nội trú. Một tấm bảng 2,5 mét bề ngang, 1,5 mét bề cao có đề: Văn phòng Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, văn phòng nằm bên trái chùa Từ Nghiêm. Ni sư cũng cho phép các giáo sư TNPSXH dùng giảng đường ba ngày trong tuần để thuyết giảng lý thuyết cơ bản. Phần lớn thì giờ, sinh viên phải thực tập ở làng hoa tiêu Cầu Kinh hay làng hoa tiêu Thảo Điền.
Cư xá nữ TNPSXH của quý sư cô học viên và sinh viên nữ thì ở chùa Sư Nữ của sư bà Giác Nhẫn và Giác Viên bên quận Tư.
Cư xá tăng sinh TNPSXH thì ở chùa Trúc Lâm Gò Vấp.
Cư xá nam sinh viên cư sĩ thì xin ở nhờ văn phòng Viện Đại học Vạn Hạnh sát cầu Trương Minh Giảng. Buổi sáng khai giảng đầu tiên ở chùa Từ Nghiêm, chiếc xe cũ rích 16 chỗ của Viện Phật học đã mời quý sư cô, và các nữ sinh lên “xe đò” 16 chỗ.
Đây là chiếc xe minibus 16 chỗ của Viện cao đẳng Phật học chở các cô từ Quận 4 lên chùa Từ Nghiêm để nghe thầy Nhất Hạnh giảng về đường lối cơ bản của TNPSXH. Ba mươi tám cô nữ sinh viên còn lại được chị Tuyết hướng dẫn đi xe buýt số mấy, đến trạm nào thì xuống đổi xe đi tiếp đến đường Bà Hạt. Xe đưa các sư cô tới Từ Nghiêm, trút hết hành khách bèn đi tiếp ngay lên Trúc Lâm Cây Quéo Gò Vấp chở quý thầy cũng về giảng đường chùa Từ Nghiêm. Thanh niên cư sĩ thì đi xe buýt tự túc tới giảng đường.
Chín giờ sáng ngày 15 tháng 9 năm 1965 khai giảng: Thầy Nhất Hạnh dạy nguyên tắc Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội ở trong giảng đường chùa Từ Nghiêm.
Đây là logo trường TNPSXH. Ba gạch dưới là Tình thương, Trách nhiệm và Tự nguyện. Không ai bắt buộc mình, là mình tự nguyện, chỉ có tình thương cho mình thêm sức mạnh, trách nhiệm là con người có học có hiểu biết có lý tưởng hơn dân quê, sẽ đứng ra lập Làng hoa tiêu, làng tự nguyện và dần dần phổ triển lây lan ra toàn quốc. Giáo sư Vương Pên Liêm dạy Phát triển cộng đồng, Bác sĩ Quý dạy Y tế công cộng, cách làm những cái bệ nhà vệ sinh xem có con thỏ hình chữ S để đi số 2 xong, người đi vệ sinh chỉ cần dội hai gáo nước thì phân nhảy qua con thỏ vệ sinh để khỏi bị bốc mùi hôi… Hai làng tình thương mình đang có ở Cầu Kinh và Thảo Điền là làng hoa tiêu (pilote village), làm gương cho các nơi khác về tu tập và trở về lại địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ lập nhiều làng tự nguyện nơi địa phương mình.
Nhà xuất bản Lá Bối
Ba cuốn sách đầu tiên do nhà xuất bản Lá Bối in là: Bông hồng cài áo, Đạo Phật ngày nay, Đạo Phật đi vào cuộc đời.
Thầy đề nghị thầy Thích Thanh Tuệ đứng ra làm giám đốc Nhà xuất bản Lá Bối, cô Cao Ngọc Thanh làm thủ quỹ. Đợt thứ hai sách Lá Bối sẽ in Mười bài tâm ca và Con đường cái quan. Xoáy sâu vào con tim của người đọc là bài: Ruột đau chín khúc, Đừng biến mảnh vườn xanh xưa thành mồi ngon lửa dữ. Hãng Hàng không Việt Nam Cosara chở giùm tuần báo ra miền Trung mỗi tuần: Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, Quảng Trị. Nhà xuất bản Lá Bối in quyển Bông hồng cài áo cho kịp mùa Vu Lan, in tới 5000 quyển mà sách chạy khá nhanh nên phải tái bản nhiều lần. Nhà xuất bản Lá Bối đã in xong: Đạo Phật ngày nay (Aujourdhui le Bouddhisme), Đạo Phật đi vào cuộc đời, Đạo Phật hiện đại hoá, Đạo Phật ngày mai ký tên B‘su Danglu.
Đoản văn Bông hồng cài áo thành công quá. Sau khi đọc Bông hồng cài áo anh Phạm Thế Mỹ bèn viết ra bài nhạc phổ theo. Ngày Rằm tháng Bảy làm lễ Vu Lan, cài hoa hồng và hoa trắng và hát bài Bông hồng cài áo. Thật là thành công ngoài dự tính của thầy trò chúng tôi. Cài lên áo anh, cài lên áo chị một đoá hoa bằng giấy thôi, nhưng nhìn hoa đỏ hay hoa trắng người nhận hoa cũng khóc. Thiên hạ khóc quá chừng và tình mẹ linh thiêng thêm. Nhưng viện trưởng Viện Hoá Đạo năm 1965, hoà thượng Thích Tâm Châu không vui lắm. Một hôm qua điện thoại, chúng tôi nghe hoà thượng Tâm Châu nói với Thầy Nhất Hạnh: “Thơ thầy Nhất Hạnh thì hay lắm, nhưng trong thơ của thầy có hơi thích hoà bình tí tí đấy.” Thầy chúng tôi trả lời: “Hoà thượng phải nói, thầy Nhất Hạnh thích hoà bình khá nhiều, quá nhiều mới đúng. Không lẽ thầy tu Phật giáo, trường trai, không nỡ giết con gà con cá mà lại thích con người giết nhau hay sao? Phật giáo phải thích hoà bình thật nhiều đó thưa hoà thượng.”
Bên kia giảng đường Viện cao đẳng toạ lạc tại chùa Pháp Hội có phòng của thượng toạ Thích Minh Châu mới từ Ấn Độ về. Thầy Nhất Hạnh đề nghị Hội đồng Lưỡng viện công cử thầy Minh Châu làm viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh. Kế bên phòng Thượng toạ Minh Châu là Văn phòng thư viện. Chị Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh, tốt nghiệp thạc sĩ về quản thủ thư viện ở Hoa Kỳ mới về sẽ đảm trách thư viện vĩ đại này. Chị đang ở cư xá nữ chùa Phước Hải với sư bà Tịnh Nguyện và sẽ sang Viện cao đẳng làm việc. Bỗng hôm ấy có tin “giựt gân” là chị Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh mới cạo đầu đi tu tại chùa Phước Hải mà không có lễ xuất gia như thường khi, và sau đó chị về Huế y chỉ với sư bà Diệu Không.
Nhiều văn nghệ sĩ vẫn quay quanh cột trụ văn nghệ, quanh Viện cao đẳng Phật học và Đại học Vạn Hạnh. Một hôm sinh viên Vạn Hạnh bỗng khúc khích cười vì trong quần chúng mới nghe loan truyền những câu thơ điên điên của thi sĩ Bùi Giáng, câu chuyện cô Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh đi tu:
Lỗi tại ai?
Xin hỏi Thượng toạ Minh Châu
Mẹ Phùng Khánh ơi cho chúng tôi xin hỏi…???..??
Mẹ Phùng Khánh ơi cho chúng tôi xin hỏi…
Vì sao Mẹ đi tu??
Mẹ đẹp quá chừng, thanh cao uyên bác
Bọn chúng tôi quỳ trước mẹ, khóc hu hu…
Bữa cơm văn nghệ sĩ Lá Bối rất điệu
Suốt hai tuần nay, tăng thân trẻ của Viện cao đẳng chúng tôi được lệnh của thầy Nhất Hạnh tổ chức một bữa tiệc ăn trưa cho văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Phạm Duy, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Giáo sư Lê Xuân Khoa, học giả Giản Chi, các vị học giả uyên bác như nhân sĩ Hồ Hữu Tường, các học giả Nghiêm Thẩm, Bửu Cầm. Các chị em đang chuẩn bị tìm những chuyên viên nấu ăn thật tài ba đãi khách quý thì chị Phượng bỗng cao hứng tình nguyện: “Tui! Tui!” Chị Chín của làng Tình Thương cũng biết nấu ăn chút đỉnh, sẽ làm trưởng ban nấu ăn bữa tiệc Lá Bối đầu tiên này cho mọi người. Thực đơn sẽ gồm: bom đất chiên bơ (tức là pomme de terre frite au beurre), xà lách đồng hồ ăn với bánh mì nướng ngon lắm, tàu hủ ướp sả ớt chiên ăn với cơm nóng gạo nàng Hương đầu mùa dẻo thơm, canh Bạch điểu quy sào (thực ra chỉ là bí đao hầm cho mềm, khoét bí đổ súp vào thật ngon ngọt, cho vài ba con ngỗng làm bằng lòng trắng trứng đánh thành bông, nặn thành ba con ngỗng, mỏ là trái ớt hiểm đỏ hoét). Khách trầm trồ khen ai nấu khéo. Chị Thảo, Uyên, Nghiêm, Kim Chi, chị Mai đều “nể” chiêu mới của chị Chín làng Cầu Kinh. Chị Chín là dân “lãnh đạo” mà, làm sao mà lo được mấy chuyện nấu nướng này? Mọi người định nghỉ chơi rút lui để cho Chín làm ăn “bể dĩa” cho biết! Chỉ có chị Thanh, em gái tôi là tủm tỉm cười vì gia đình Phượng – Thanh có bà mẹ nấu ăn tuyệt ngon mà những món ấy là những món “tủ” của gia đình này. Thanh biết chị Chín đổi món Con cá hoá long của má, cũng làm sauce mayonnaise trộn petit pois, cà rốt xắt hạt lựu nhưng không dùng cá luộc xé nhỏ như cho người ăn mặn. Cuối cùng ai cũng phục tài của cô Chín đã không bị “bể dĩa” mà còn được khen. Khoai tây chiên để cả buổi mà vẫn giòn và ngon chứ không mềm yểu. Canh Bạch điểu quy sào rất ngọt dù không có cá thịt.
Bảy giờ sáng hôm ấy bác sĩ Trần Tấn Trâm tới văn phòng Viện cao đẳng Phật học, không có thầy Thanh Văn, chỉ tới trước đó 10 phút. Anh Sang mở cửa, Trâm vào trước. Tôi tới sớm định đi gọt và xắt khoai tây trước cho buổi trưa. Anh Trâm đã ngồi dó. Anh ngồi gác chân lên bàn, ngả lưng trên ghế, mặt quạu ơi là quạu, hỏi như gây lộn: “Tại sao cô Chín không về làng cả hai tuần nay? Bỏ thầy Bảy bác sĩ (là tên dân làng đặt cho Trâm) đi coi mạch một mình với bao nhiêu là con bệnh mà không có Chín đi theo phụ tá ghi toa, phát thuốc hay mua thêm thuốc, lo không xuể? Chín thương đồng bào nghèo là vậy đó hả?” Tôi cười giả lả xin lỗi: “Tại quá bận lo cho Nhà xuất bản Lá Bối ra mắt Bông hồng cài áo và ra quyển tập nhạc vĩ đại Mười bài tâm ca. Rồi có thể tháng tới phát hành luôn tập nhạc lớn Con đường cái quan của Phạm Duy. Anh Trâm ở lại chơi tiếp khách giùm quý thầy? Có nhạc sĩ Phạm Duy này, có cụ Hồ Hữu Tường ở tù Côn Đảo thời Ngô Đình Diệm mới được trở về.” Bác sĩ Trâm bực mình đứng dậy bỏ ra về không chịu ở lại tiếp khách giúp Lá Bối. Tôi cười buồn định nói thẳng với Trâm vài điều nhưng anh đã đi mất, tôi đành nói thầm với Trâm: “Tôi không thể nào làm vợ bất cứ ai một khi tôi đã từ bỏ người con trai hiếu đễ, hiền lành, trung kiên ngày xưa đó, tám năm rồi. Trâm ơi, tôi biết Trâm thương tôi, tôi đã hai lần từ chối lời cầu hôn của Trâm rồi mà? Nhưng khi thấy Trâm vẫn kiên nhẫn và tình cảm quyến luyến kéo dài khá sâu thì tôi cố lách ra để đừng buồn lòng nhau đó thôi chứ tôi không phải yêu thích các văn nghệ sĩ Lá Bối hơn dân nghèo làng Thảo Điền và làng Cầu Kinh đâu Trâm ạ.” Tôi chia tay với Khá để sống với lý tưởng phụng sự chứ không thể nhận lời làm vợ Trâm. Chỉ có vài bạn rất quý bác sĩ Trâm là cứ khuyến khích Trâm tiến tới. Chị Trương Thị Nhiên ở cư xá nữ sinh viên cùng phòng với cô Mạnh thì cứ than: “Anh Trâm kỳ lắm. Cứ mỗi lần gặp Mạnh, người con gái hết lòng thương Trâm thì anh cứ bảo: “Sao em không để tóc thật dài… như chị Phượng? Sao em không mặc áo trắng… như chị Phượng? Chị Phượng là ai hả các chị? Sao anh Trâm đi thăm em mà cứ nhắc chị Phượng nào hoài vậy?” Cô Mạnh là bạn hay ý trung nhân (?) của Trâm không hề biết Trâm đang xin cưới tôi làm vợ vì ba mẹ Trâm đòi Trâm phải cưới vợ gấp, ông bà nói Trâm đã là bác sĩ rồi. Phải lấy vợ thôi! Chắc hồi trẻ thơ, chú bé Trâm đã có những hình bóng đẹp trong tàng thức về một cô gái hay mặc áo bà ba ngắn màu trắng đơn sơ, để tóc dài và nước da hơi xanh xanh. Hình ảnh đó hằn sâu trong tâm khảm cậu bé cho đến khi gặp tôi. Mới mấy ngày đầu anh đã nhờ anh Quyền hỏi giùm rồi. Tôi chỉ là hình ảnh thân thương, cái tưởng bề ngoài của tuổi thơ ngọt ngào của chú thiếu niên tên Trâm. Vừa gặp tôi ở Cầu Kinh là Trâm đã rất cảm động nhìn tôi chăm chú, mới chưa đầy một tuần lễ anh đã nhờ bác sĩ Quyền hỏi tôi trực tiếp giùm là tôi có người yêu chưa để cha mẹ anh trầu rượu xin cưới tôi. Tôi nói: “Dạ có rồi.” Trâm nghe bèn nghĩ là không hy vọng nên báo cho các bạn cùng học ở Y khoa khác như bác sĩ Lý, Kỷ. Trâm tuyên bố với chị Lý: “Tôi rã bành tô rồi chị Lý ơi, cô Phượng này đúng là người tôi chờ đợi từ lâu. Tóc dài, áo bà ba trắng, ôm ốm xanh xanh, nụ cười mủm mỉm nhè nhẹ đó. Chờ đợi bao nhiêu năm mới gặp người ấy. Cũng tóc dài, cũng chiếc áo bà ba trắng hay chiếc áo dài trắng đó. Nhưng Quyền báo tin cô ta đã có người yêu rồi. Tôi bị rã bành tô thiệt rồi.” Danh từ tiếng lóng miền Nam “rã bành tô” là như chiếc áo Tây sang trọng là thế mà bây giờ bị rách tả tơi luôn.
Nhiều bạn khác nghe Trâm định bỏ luôn làng Cầu Kinh bèn vận động: “Bậy! Đừng tin, chị Phượng nói thế nhưng đã bỏ ‘anh chàng’ của chị ấy mấy năm rồi. Cứ kiên nhẫn. Nè, lúc rày nghe Phượng ở cả tuần ở cái làng nghèo xơ xác gần đó tên là Thảo Điền, ngôi làng mới rất tội nghiệp. Anh Trâm đi về Thảo Điền đi, Phượng suốt ngày ở ngôi làng mới đó.” Đúng thế, thấy Trâm lại về làng tôi cũng rất mừng, lại lấy cuốn sổ dẫn anh ta đi thăm rất nhiều gia đình bệnh khá nặng. Tôi lại làm thư ký ghi thuốc: Tifomycine viên, uống mấy ngày. Ganidan mấy viên, mấy ngày. Ampicilline 500, Ultralevure. Có khi không đủ tiền mua tôi chạy lại chị dược sĩ Đỗ Thị Nga ở đường Trương Minh Giảng mua “chịu”.
Hình Chùa Lá, từ trái sang phải là bốn chị em: Phan Thị Mai, Phạm Thuý Uyên, Cao Ngọc Thanh, Cao Ngọc Phượng. Các chị đứng trước nhà thị giả và nhà bếp, nhà cho các chị nữ Tiếp Hiện.
Thế là mỗi ngày Trâm lại hăng hái có mặt ở làng Thảo Điền, tiếp tục coi mạch trị bệnh cho dân làng với tôi. Đến khi một hôm, cần phải ghé nhà một người bạn lấy thuốc men có người mới cho, tôi gặp Trâm và tôi có trách Trâm sao để cho chị bác sĩ Lý than anh “rã bành tô”. Rồi mới gần đây anh Bảy bạn thân của Trâm đồn ầm cả trong giới y dược nói: “Cái chị Phượng đó, tu sao không cạo đầu đi tu quách để người khác khỏi mộng mơ, nuôi hy vọng rồi làm bể trái tim người ta.” Tôi nhìn Trâm buồn bã: “Tôi đã nói với anh rồi mà, tôi xa người mà tôi yêu thương tám năm tình nghĩa là để đi tu chứ không để đi làm vợ bất cứ ai khác.” Trâm bỗng nhìn thẳng vào mặt tôi và nói: “Thôi nói ngay bây giờ đây đi, bây giờ Phượng có đồng ý cho ba má tôi đem cau trầu xin làm đám hỏi trong tuần này được không?” Tôi nhìn Trâm thật buồn và nói: “Không! Anh Trâm ơi, người tôi yêu là anh Khá. Hai đứa thương nhau tám năm rồi và vẫn còn thương. Nhưng tôi còn yêu lý tưởng giúp người nghèo khổ nhiều hơn thương Khá.” Trâm đứng dậy bỏ ra về. Tưởng Trâm cũng không còn về làng nữa, nhưng cứ trưa trưa tôi vừa đậu xe gắn máy trước nhà bác Tư ở Thảo Điền thì tôi lại gặp Trâm ở ngôi làng mới, làng Thảo Điền. Trâm đưa cho tôi cuốn tập nhỏ nhờ tôi đi theo để kê tên thuốc và cách điều trị. Tình cảm ngày qua ngày thêm đậm. Tôi hơi ngại nên nhân lúc bận rộn lo họp với Lá Bối, với các giáo sư học giả để làm lễ ra mắt Bông hồng cài áo, Mười bài tâm ca, trường ca Con đường cái quan của Phạm Duy và “in chui” Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện, tôi vắng mặt hai tuần liên tiếp ở làng Thảo Điền cho đến hôm Trâm về Viện cao đẳng Phật học thật sớm mặt quạu quá chừng vì làng Thảo Điền nhiều bệnh nhân bị thương hàn cần theo dõi và bác sĩ cần “y tá” phụ tá (là tôi, cô Chín của làng). Trâm sửa lưng tôi: “Chín nói vì yêu lý tưởng giúp người nghèo khổ, vậy tại sao hai tuần nay không về Thảo Điền, bao nhiêu là con bệnh chờ Chín giúp bác sĩ trị cho hết bệnh. Hai tuần nay vì sao Chín bỏ dân nghèo Thảo Điền?”
Tôi nói nho nhỏ trả lời: “Ai biểu anh đòi đem cau trầu về xin làm đám hỏi ngay cách đây hai tuần trước? Tôi nghe mà sợ quýnh lên. Thì ra anh thiếu vợ, cần đám hỏi đám cưới gấp cho mẹ vui lòng chứ không biết có thật yêu tôi không?” Trâm đứng dậy bỏ đi nói: “Không yêu sao hai lần xin cưới?” Và bỏ đi về luôn ngay sáng hôm ấy.
Rồi thì mãi năm tháng sau, có hồng thiếp báo tin Trâm sẽ cưới cô Bùi Thị Mạnh. Khi gặp Mạnh tôi ngạc nhiên. Cũng là cô gái ốm ốm xanh, trẻ hơn tôi, nhưng nếu có cô gái khác cũng mang máng thế thì có lẽ cũng được, anh cũng sẽ xin cưới. Có sao đâu? Đúng thế, khi Trâm cưới Mạnh, Mạnh cũng ốm yếu, cũng tóc dài và Trâm cũng rất hạnh phúc với Mạnh. Thì ra Trâm thiếu vợ chứ không phải yêu tôi. Hì hì tôi… buồn… năm phút và chạy về hỏi thủ quỹ, chị Thu Hà. Chị hứa giữ tiền chung bọn con gái chúng tôi để mua ngôi nhà nhỏ làm ni viện mới cho chị em muốn xuất gia và vẫn tiếp tục đi làm việc giúp trẻ em nghèo. Chùa ni bằng lá cũng được, theo kiểu mới, và tôi sẽ gởi thơ mời Trâm đi dự lễ xuất gia của tôi.
Ôi, từ hôm làm con xuất sĩ của thầy Nhất Hạnh chúng tôi đã có hơn trăm đợt xuất gia. Một đợt xuất gia 6 người có tên 6 con cá, đợt khác 4 người có tên là 4 cây dừa, 2 cây bưởi, 12 cây anh đào, 16 cây táo, 77 cây hướng dương! Cả trăm đợt xuất gia, nay đã… gần 1200 người trẻ xuất gia theo Thầy. Vui ơi là vui. Trong khi các bạn xé lẻ đi lập gia đình như Phương Thảo nè, Kim Chi nè, chị Nga nè, họ bận ơi là bận, bận túi bụi… Trong khi làm con Thầy, chúng tôi đi chu du khắp thế giới, đi dạy ở Anh quốc, Đức, Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, đi dạy ở Nga, đi Bắc Kinh, Hạ Môn, Quảng Đông, Hương Cảng, vui ơi là vui. Có khi thầy trò cùng đi Do Thái dạy cho người Palestine nữa, đi dạy ở Úc, Nam Mỹ.
Mãi đến 38 năm sau, tôi đã thành sư cô lớn Thích Nữ Chân Không về tới Việt Nam gặp Trâm và vợ là Mạnh. Mạnh vừa quen tôi là thương tôi ngay. Buổi giảng nào của Thầy, Mạnh và Trâm cũng đều có mặt. Mạnh nói: “Em cứ đòi anh Trâm dẫn đi nghe thầy Nhất Hạnh giảng và thăm sư cô hoài mà anh Trâm không chịu. Nay anh vừa bị thêm bệnh Parkinson Alzheimer nên càng khó tánh.” Một hôm sang Pháp thăm con trai và cháu nội, chị Mạnh đòi cháu trai ở Paris đưa về tận Xóm Mới thăm thầy Nhất Hạnh, Làng Mai và sư cô Chân Không. Mạnh hứa nhắc con trai đưa cháu nội của Trâm Mạnh về thăm Làng Mai nhưng bao năm rồi cháu có về đâu. Hôm đó tới Làng Mai, tuy có thích phong cảnh Làng Mai, thích tháp chuông, bụi tre Xóm Mới nhưng Trâm và cháu trai đòi ra ngoài đi tiệm ăn Tây, ăn món foie gras là món đặc biệt gan ngỗng ở vùng này của Pháp. Sư cô Chân Không tiếc cho anh Trâm không ở thêm ăn chay với các sư cô Xóm Mới để cháu nội anh thích Làng. Vì thế cháu nội của Trâm Mạnh không còn duyên với Trung tâm dạy Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời của Thầy nữa. Con gái lớn là bác sĩ Trần Thị Thiên Thanh, tên hồi nhỏ là cô Bồ Câu mới xin được thọ năm giới với thầy Nhất Hạnh qua Intenet ở tu viện Mộc Lan. Mạnh nhờ sư cô Chân Không năn nỉ xin Thầy cho cháu pháp danh. Chân Không sẽ xin cho cháu con gái lớn của Trâm Mạnh tên Tâm Đất Mẹ vì nghĩ thế hệ con cháu của Bồ Câu sẽ phải lo Đất Mẹ hết lòng.
Sinh viên TNPSXH bị lựu đạn chiếu cố
Chùa Lá chưa xây xong lớp học, chỉ mới bắt đầu xây phòng ngủ cho hơn 137 nam sinh viên và 163 nữ sinh viên.
Năm 1966, giáo sư George Mc Kahin, trưởng khoa Chính trị của Trường Đại học Cornell (Department of Politics, Cornell University) viết thư mời thầy Nhất Hạnh đi Hoa Kỳ. Ngày 10 tháng 5 năm 1966, bà Hiệu, tôi, chị Uyên, thầy Thanh Văn đưa Thầy lên phi cơ. Thầy định đi ba tuần nhưng không ngờ bị lưu đày từ đấy mãi gần bốn mươi năm sau mới được trở về nước.
Ngay tối đêm sau đó, ngày 11 tháng 5 năm 1966, toàn Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội khi đang tập bài hát mới Kẻ thù ta (Tâm ca 7) của nhạc sĩ Phạm Duy trong thiền đường Chùa Lá.
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
Kẻ thù ta tên nó là gian dối,
Kẻ thù ta tên nó là vô minh,
Tên nó là hờn căm,
Tên nó là hận thù,
Tên nó là một lũ ma
Thế thì kẻ thù ta đâu có ở người ngoài,
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai…
Bỗng nhiên có một toán người lạ che mặt mang khẩu trang và la lớn: “Kẻ thù tụi bây chính là chúng tao đây. Tao phải giết tụi bây trước, trước khi tụi bây giết tao.” Họ trùm khăn che hết mặt, chỉ lộ ra hai con mắt và vừa la vừa ùa vào chánh điện. Và họ thảy vào đám đông sinh viên TNPSXH ba bốn trái lựu đạn. Quăng lựu đạn về phía phòng thầy Nhất Hạnh một trái xong họ biến mất trong đêm đen. Ngôi chánh điện nhỏ xíu, sinh viên Lê Văn Vinh bị vỡ sọ. Cái phòng ở góc trái chánh điện là phòng ngủ của thầy Nhất Hạnh cũng bị một trái lựu đạn thảy vào nhưng vì có bức màn chắn lại nên trái lựu đạn dội ngược lại và làm cho sinh viên Nguyễn Tôn bị thương bên mông trái. Chúng tôi tức tốc đưa các em Vinh và Tôn về bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Và sau này đưa Lê Văn Vinh sang Đức điều trị hết lòng. Vinh trở về Việt Nam ngồi xe lăn nhưng tâm tính minh mẫn cưới vợ và có một cháu trai.
Ngày 1 tháng 6 năm 1966, Thiền sư Nhất Hạnh họp báo với mục sư Martin Luther King kêu gọi Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Việt Nam, Bắc cũng như Nam, và đề nghị Hoa Kỳ tuyên bố sẽ rút quân theo lịch trình quy định để miền Nam không bị đảng Cộng sản miền Bắc kết án “cõng rắn cắn gà nhà”. Lời kêu gọi này bị chính quyền Nam cũng như Bắc la mắng chửi bới nặng nề.
Chị Mai là một trong ba chị Tiếp Hiện đều có ý nguyện xuất gia đã gặp tôi và có ý trách thầy Nhất Hạnh: “Phượng nè, chị Mai thương quý thầy Nhất Hạnh trong lý tưởng Thanh niên Phụng sự Xã hội và xả thân hết lòng cho lý tưởng xã hội của Thầy. Nhưng chị thật tình lo ngại về hành động kêu gọi hoà bình như báo chí đang nói.”
Tôi giải thích: “Theo lịch sử Việt Nam, mỗi khi có sự tranh chấp giữa hai nhóm người Việt, nhóm nào cho quân đội ngoại quốc chen vào là bên đó thua nên mới có những danh từ như cõng rắn cắn gà nhà hay rước voi giày mả tổ. Hồi cuối 1963 đến giữa năm 1964 bên miền Bắc thì có vũ khí và cố vấn của Nga, Trung Quốc. Bên miền Nam thì có vũ khí bom đạn Mỹ và cố vấn Hoa Kỳ. Nếu thời điểm đó mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kêu gọi hoà bình thì thế đứng hai bên rất quân bình. Nhưng Giáo hội PGVNTN cứ chần chừ, rồi gần cuối năm 1964 quân đội Hoa Kỳ đổ bộ vào Việt Nam cho nên thầy Nhất Hạnh phải kêu gọi Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam theo lịch trình, nếu không thì miền Nam sẽ bị mang tiếng rước voi giày mả tổ. Lúc bài Lời kêu khẩn nguyện đau thương của dân tộc đăng trên Hải Triều Âm (do thầy Nhất Hạnh viết), em và mấy người bạn khác cũng có nộp đơn xin Viện Hoá Đạo cho nhịn ăn vô thời hạn để cầu nguyện cho hai miền Nam Bắc ngưng đánh nhau dưới sự lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thầy Nhất Hạnh nói, mình là thầy tu lo chuyện kêu gọi chấm dứt chém giết nhau. Chị Mai nghĩ coi, mình ăn chay, đất nước nát tan vì chuyện chém giết nhau, không kêu gọi chấm dứt giết nhau thì ăn chay làm gì?”
Chị Mai ngồi cúi mặt rất lâu. Vài hôm sau chị vui vẻ trở lại hăng say lo cho Thanh niên Phụng sự Xã hội.
Ngày 24.4.1967 TNPSXH bị tấn công lần thứ hai
Một thời gian sau, những kẻ lạ mặt trở lại cũng vào ban đêm. Họ rượt mấy chục cô gái và quăng hơn chục trái lựu đạn vào người các em gái. Một nữ giáo sư khách tên Trương Thị Phượng Liên từ Quảng Ngãi vào thăm Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Thấy không khí lý tưởng đẹp và vui quá, Liên xin ở lại ngủ đêm nên giáo sư Phượng Liên và sinh viên Trần Thị Vui chết tại chỗ.
Bùi Thị Hương nát hết bàn chân và có gần sáu trăm mảnh lựu đạn vào người em. Mười sáu em gái sinh viên TNPSXH bị thương như Nguyễn Thị Kê, Phùng Hồ Thị Diệu… nhận mấy chục mảnh sắt trong lá gan. May quá các vị đều còn sống.
Hương bị mất hết nguyên bàn chân trái và một phần chân phía dưới gối khoảng 10 phân, và gần sáu trăm mảnh lựu đạn nằm trong gan thận và toàn người. Ôi bút mực nào diễn tả được niềm tuyệt vọng của chúng tôi thuở đó. Nhưng càng nhìn sâu, càng thấy rõ thì chỉ có một con đường: nhìn sâu hơn để hiểu và thương ngay những người vì có cái thấy sai lầm về TNPSXH nên đã giết anh em. Ngày hôm sau, quý hoà thượng Thiện Hoà, Thiện Minh đến thăm trường lần đầu tiên. Sư Bà Diệu Không cũng có mặt làm lễ cầu siêu cho hai chị em vừa bị thảm sát. Hoà thượng Thiện Minh khá lo cho tình trạng an ninh của tất cả các Thanh Niên PSXH này. Quý hoà thượng xưa nay chẳng bao giờ đến thăm TNPSXH nhưng nay rất ưu ái. Trong bài diễn văn đọc cho quan khách trước giờ chôn hai em, thầy Thanh Văn thay mặt chúng tôi đã viết: Chúng tôi không hiểu vì sao những người bịt mặt đã rượt mấy chục nữ sinh viên Thanh niên Phụng sự Xã hội để ném mấy mươi quả lựu đạn giết Trương Thị Phượng Liên và Trần Thị Vui mà không thương xót. Các em tôi tay còn lấm mực học trò và trong tim chỉ có con đường Phụng Sự đồng bào nông thôn nghèo khổ, sống thiếu thuốc men, thiếu tổ chức, không có trường học, không có cả nhà vệ sinh công cộng. Và kẻ thù chúng tôi không phải là con người, kẻ thù chúng tôi chỉ là cái thấy sai, cái tưởng sai lầm của quý vị về những em thanh niên trẻ này. Đó mới chính là điều mà chúng tôi mong muốn tháo gỡ được trong cách nhìn của các anh. Đất nước đang cần những bàn tay và cái nhìn thấu hiểu của các anh nhiều lắm.
Các linh mục, mục sư có mặt lúc đó đều khóc. Các hoà thượng, thượng toạ xưa nay vẫn nghĩ thầy Nhất Hạnh lý tưởng quá. Nhưng sự hiện diện của các hoà thượng lớn khiến chúng tôi được an ủi vô cùng.
Thích Nhất Trí, Nguyễn Trọng Ngành, Nguyễn Ngọc Quýnh, Bỉnh, Đinh Viết Dương… bị bắt cóc
Một tháng sau, tám anh em TNPSXH trong đó có Thầy Nhất Trí bị bắt cóc giữa đêm khuya ở một trại công tác bên bờ sông Sài Gòn. Chúng tôi đã hỏi ở Bộ Cảnh sát Công an cả năm trời mà không ai tìm ra tông tích tám vị ấy.
Từ năm 1975 – 1980 khi đất nước đã thống nhất, chúng tôi được thăm tất cả hang cùng ngõ hẻm của đất nước có hỏi thăm khắp nơi, cũng có nhờ cô Phan Thị Bích Hằng tìm ra hài cốt của tám anh em Thanh niên Phụng sự Xã hội ấy, nhưng không ai tìm ra tông tích của bất cứ một anh nào. Chúng tôi nghĩ có lẽ họ đã ám sát, thủ tiêu và quăng xác ở nhiều nơi khác nhau của sông Sài Gòn nên xác các em đã bị cá rỉa và xương đã rã tan đâu đó.
Chị Diệu Huỳnh Phan Thị Mai tự Nhất Chi Mai tự thiêu cho Hoà Bình
Tuần tụng 14 giới Tiếp Hiện tháng 5 năm 1967 chị Mai làm chủ lễ. Khi tụng tới giới thứ 12 “không được giết chóc, không tán thành sự chém giết” thì giọng chị Mai bỗng lạc đi. Hôm đó có Masako và Tài ngồi thính giới chung. Masako và Uyên cũng nhận ngay có cái gì rất lạ trong giọng của chị Mai hôm ấy. Từ giới thứ 12 về sau, giọng chị lạc đi. Suốt hai tuần chị không đến chùa cuối tuần để tĩnh tu, có lẽ chị muốn để dành hai tuần cho cha mẹ già và cũng để chuẩn bị một mình lặng lẽ thiêu thân. Hai tuần sau, nhằm mồng 8 tháng Tư âm lịch, dương lịch 16 tháng 5 năm 1967 chị Mai đã tự thiêu cho Hoà Bình tại chùa Từ Nghiêm lúc 6 giờ sáng. Trước mặt chị là tượng Bồ tát Quan Thế Âm, tượng Đức Mẹ Maria và bài thơ:
Chắp tay tôi quỳ xuống,
Chịu đau đớn thân này
Mong thoát lời thống thiết
Dừng tay lại người ơi
Con mong cho Bồ tát Quán Thế Âm và Đức Mẹ Maria chứng giám để hai tôn giáo này cùng hợp tác với nhau mà lo lắng xây dựng Hoà Bình cho dân tộc Việt Nam.
Ngày hôm sau các báo chí Sài Gòn đều đăng tin tự thiêu của Nhất Chi Mai nhưng đều bị kiểm duyệt bôi trắng hết. Nhưng càng bôi trắng thì tin càng lan nhanh. Cảnh sát muốn đem thi hài chị đi nhưng cha mẹ chị Mai làm dữ, cấm không cho mang xác chị đi. Masako cũng đưa một ký giả Hoa Kỳ đến gặp tôi. Không ngờ ông này là ký giả New York Times (Nữu Ước thời báo, là tờ nhật báo lớn nhất Hoa Kỳ). Nhờ thế mà sáng sớm ngày 17 tháng 5 năm 1967, New York Times đã có hình tôi, cầm mười bức thư để lại của chị, tôi chỉ tóm lược bức thư gửi tổng thống Johnson.
Thầy Trí Quang quá cảm động đã gọi tôi tới để nhờ đọc giùm mười bức thư chị để lại gọi là những lời trăn trối của chị.
Vì chị Mai người Nam nên thầy muốn thu thanh mấy bài thơ giọng người con gái miền Nam. Bốn giờ sáng thầy sang chùa Từ Nghiêm tụng kinh cho chị Mai và bảo tôi nên in giùm nguyên tập mười bài thơ trăn trối của chị. Nhưng trước đó linh mục Nguyễn Ngọc Lan đã tự lãnh hết trách nhiệm in ấn và phổ biến tất cả. Chúng tôi chưa kịp báo tin chị Mai tự thiêu cho thầy Nhất Hạnh ở Hoa Kỳ thì sáng 17 tháng 5 năm 1967, nhật báo New York Times đã báo tin có người con gái Việt Nam thiêu thân cho hoà bình và có viết thư yêu cầu tổng thống Johnson:
- Ngưng oanh tạc Bắc và Nam Việt Nam.
- Từ từ rút quân giao cho người Việt tự định đoạt chế độ của họ.
- Nhờ Liên Hiệp Quốc kiểm soát tổng tuyển cử cho tất cả người Việt Nam, Bắc và Nam Việt Nam. Người Việt nếu tự do thật sự họ sẽ đủ khôn ngoan để chọn chế độ hạnh phúc và tự do cho Việt Nam.
- Giúp Việt Nam tái thiết lại xứ sở của họ đã bị bom đạn của các ông cày tan nát.
Sau này tôi mới biết nhờ bài viết chiếm nửa trang của Nữu Ước thời báo sáng hôm 17 tháng 5 năm 1967 có hình bán thân của tôi trên New York nên thầy Nhất Hạnh đã liên lạc với các hội đoàn thân hữu, và trong vòng vài tuần lễ thu xếp để có chín ngàn thầy tu Công giáo, Tin Lành, Do Thái giáo… cùng chịu ký tên STOP THE KILLING NOW in Việt Nam. Lời kêu gọi của STOP THE KILLING NOW đã đăng nguyên trang trên nhật báo New York Times. Và cả phong trào phản chiến ở Mỹ từ từ gia tăng lên được hơn một triệu người.
Thanh niên Phụng sự Xã hội bị bắn chết bên bờ sông
Đêm 4 tháng 7 năm 1967, giữa khuya một toán người lạ mặt có vũ trang tới bắt năm thanh niên PSXH đang làm công tác tại làng Bình Phước cạnh bờ sông. Những người vũ trang đến bắt năm người con trai, bịt mắt lại và đưa ra bờ sông, rồi bắn vào đầu từng người. Hà Văn Đính bị bắn trước nhất. Trúng đạn và đau quá, chảy máu nhiều quá, em lăn lộn rơi xuống sông. Họ bắn tiếp từng người vào đầu và sợ chưa chết nên bắn thêm mỗi người vài phát nữa. Đính rơi xuống sông trong đêm đen, nhưng nước ròng nên không chết ngợp. Em sống sót đến sáng ngày hôm sau, dân làng kéo ra bờ sông và vớt Đính đưa vào bệnh viện. Sáng hôm sau tôi đi xe gắn máy trở lên Bình Phước, lòng hớn hở vì đã xin được phép má tôi định tối ngủ lại đấy hôm sau. Bỗng nhiên tới nơi, thấy mấy tác viên nháo nhác chạy tới dẫn tôi đến bờ sông! Ôi ghê rợn! Bụt ơi! Ai mà đối xử tàn tệ ghê gớm thế? Bốn em Võ Văn Thơ, Lê Thế Lành, Nguyễn Hy, sư chú Hồ Ngọc Tuấn nằm sóng sượt trên đất. Máu trên đầu đã khô nhưng tôi không dám nhìn kỹ. Đáng lý xác tôi cũng nằm trên bờ sông như các em đây. Thiên hạ báo tin sư chú Hà Văn Đính cũng bị bắn nhưng em lăn được xuống sông và chưa chết, được đưa tới bệnh xá gần đó. Nhưng xe cứu thương đã đem em về bệnh viện lớn Chợ Rẫy, Sài Gòn. Hôm sau gặp em còn sống và thuật chi tiết khi họ vào chái đình, chỗ các em ngủ. Họ có khoảng hơn mười người, có vũ trang nên bắt năm đứa con trai ngủ nơi ấy, cột tay lại phía sau lưng và bịt mắt mỗi em lại. Họ dẫn các em đi không xa thì ra tới bờ sông. Một người rờ đầu Võ Văn Thơ, ốm nhỏ và hỏi: “Các em có phải Thanh niên Phụng sự Xã hội?”
Thơ trả lời: “Dạ thưa phải.” Tuy mắt bị bịt nhưng Đính nghe tiếng nói: “Các em còn nhỏ quá, nhưng chúng tôi có lệnh phải giết các em thôi!” Lách cách tiếng súng nổ: Đoành! Ngã lăn đau đớn quá, Đính lăn tòm xuống sông. Cách cách… Tiếng đoành sau và sau nữa… Em bất tỉnh. Khi tỉnh hơn, em đau đớn ráng bò về bờ sông.
Nhờ Hà Văn Đính còn sống sót nên thuật cho mọi người, Đính chỉ nhớ câu họ nói: “Các em còn nhỏ quá, nhưng chúng tôi có lệnh phải giết các em thôi.”
Tôi nghe trái tim mình nát ra từng mảnh, ngồi như chết bên bờ sông. Chưa biết tính sao thì nghe nói xe nhà quàn sắp đến mang bốn cái hòm do quý thầy lớn ở trường đặt để mang xác các em về Trường. Chắc thầy Thanh Văn hay chú Phước hay cô bác trong làng đặt xe tang chở bốn em về Trường để làm lễ cho tươm tất. Họ bỏ từng em vào mỗi cái hòm rồi có xe kéo bốn hòm nằm song song đưa về Phú Thọ Hoà, trụ sở Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội.
Tại trụ sở khuôn viên Chùa Lá, thầy Đồng Bổn nhờ thợ và các em Thanh niên cất một nóc nhà tạm thời, không có vách để quàn tạm thi thể các em. Nóc nhà bằng vải bố xanh lá nâu hầu che nắng và mưa vì còn phải để xác các em vài ngày sau khi làm lễ truy điệu và mời gia đình các em vào rồi mới chôn. Nếu trời mưa thì tội cho nơi quàn linh cữu các em lắm. Giây phút tôi ngần ngại nhất là khi phải gặp cha mẹ của các em Hy, Thơ, Lành, Tuấn từ Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên vào. Chúng tôi, ban giám đốc biết ăn nói với cha mẹ các em ra sao đây?
Ban chăm sóc trường lại họp và chuẩn bị thơ mời ngày truy niệm và làm lễ chôn cất luôn. Mình đâu có chỗ nào chôn các em đâu ngoài ngôi Chùa Lá này? Thầy Thanh Văn nhờ tôi: “Chị Phượng viết bài diễn văn lần này giùm tôi nhé.” Hôm Liên và Vui mất tôi đã viết là kẻ thù chúng tôi không là người dù các anh đã cầm lựu đạn thảy vào người các em của chúng tôi. Chúng tôi chỉ tiếc là cái tưởng, cái thấy của các anh về chúng tôi quá sai lạc. Dù các anh đã thảy 17 quả lựu đạn giết chết hai người và làm bị thương 18 tác viên xã hội, chúng tôi xin được thưa là kẻ thù chúng tôi là cái thấy sai lầm của các anh về chúng tôi. Thật ra chúng tôi chỉ giúp một tay cho những người dân ở những làng quê nghèo khó của đất nước. Nếu may mắn các anh lấy được ra cái tưởng rất sai về chúng tôi thì tự sự đâu tới nỗi nào. Nghe những câu này các hoà thượng đã khóc. Kỳ này thầy Thanh Văn bảo: “Chị Phượng nhớ soạn điếu văn ngày truy niệm giùm tăng thân, tôi hết sức rồi. Giờ tôi chỉ có thể thảo thư mời các hoà thượng và nhân sĩ chức sắc trong nước và trong Giáo hội.”
Tôi cầm xấp thơ đi giao thư mời như cái máy. Lúc đó Thầy chưa dạy chúng tôi Kinh người biết sống một mình. Nhưng nếu không sống ngay trong giây phút hiện tại thì không thể nào không nghĩ đến niềm tuyệt vọng đang tràn vào tận xương tuỷ của tôi. Hôm sau là đã tới ngày trước làm lễ truy niệm các em, tôi ngồi trước bàn thờ Bụt lúc 12 giờ đêm mà cũng không nghĩ ra câu nào. Tôi dứng dậy đi thiền hành quanh chánh điện. Chợt câu nói của Hà Văn Đính hiện ra: “Những người ấy rờ đầu chúng tôi từng đứa và nói, các em còn nhỏ quá, có phải các em là Thanh niên Phụng sự Xã hội ở Phú Thọ Hoà không?” Thơ nói: “Dạ phải.” Người lạ mặt nói: “Chúng tôi rất tiếc, các em còn nhỏ quá, nhưng chúng tôi có lệnh buộc lòng phải giết các em thôi.” Câu nói này có nghĩa là, người nhận lệnh ám sát đã nghe thông điệp chúng tôi rồi và không muốn giết, nhưng lệnh trên buộc thì phải làm thôi. Nhờ thế nên trong bài diễn văn tôi đã viết cảm ơn các anh mà khi được lệnh phải giết các em tôi, các anh đã để tay lên đầu các em tôi và ưu ái nói: “Các em còn nhỏ quá, nhưng chúng tôi có lệnh buộc lòng phải giết các em thôi.” Thưa các anh, nếu được lệnh ám sát mà không thi hành lệnh trên thì các anh sẽ bị trừng phạt. Rồi ai lo cho vợ con các anh? Chúng tôi hiểu và tri ơn. Mong lần sau các anh sẽ tìm ra cách, không giết chúng tôi nữa, mà cũng không hiểm nguy đến an ninh của các anh.
Phút khó khăn của chúng tôi là làm sao trả lời cho ba má bốn em vừa bị thảm sát từ Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên vào thăm xác con. Em Nguyễn Hy, 18 tuổi, mặt sáng sủa và là con trai duy nhất của ông bà cụ từ Quảng Nam vào. Ôi cụ ôm xác con qua chiếc áo quan mà khóc lớn và nói: “Con ơi, con trai duy nhất của ba mẹ ơi, ba mẹ rất tiếc không còn em nào nữa để gửi về đây thay con mà phụng sự!” Nghe đến đây tôi không cầm được nước mắt hổ thẹn vì ngại cha mẹ các em TNPSXH sẽ trách chúng tôi làm sao mà để con ông bà chết đi oan ức như thế này? Phải trả lại con cho họ! Các cha mẹ đã không đòi con mà chỉ khóc vì em Nguyễn Hy là con một. Ba má em Võ Văn Thơ cũng thế, họ than thở là không còn đứa con nào để đi phụng sự tiếp. Hai người còn lại là Lê Thế Lành và Hồ Ngọc Tuấn cũng thế, không ai đòi chúng tôi trả lại con cho họ.
Hoà thượng Thiện Hoà, Thiện Minh và sư bà Diệu Không
Trận thảm sát ngày 4 tháng 7 năm 1967 này là lần chót. Có một chiều tháng 8, cũng ở một làng công tác xa, chú bé chín tuổi trong một làng công tác của chúng tôi chạy đến nói: “Chú ơi, có ông lái xe máy đến cho con 5 đồng và dặn mua kẹo ăn, nhưng ông ấy bảo phải tới nói ngay với mấy chú là nên dọn nhà đi đi. Đừng ở đây tối nay nguy hiểm.” Chúng tôi dọn văn phòng công tác đi ngay thì tối hôm ấy có toán người lạ mặt đến đốt lều của chúng tôi mà anh em TNPSXH đã dọn đi rồi. Nhóm chủ trương ám sát thấy nhân viên của họ, vì không muốn vâng lời ám sát nên đã lặng lẽ nhờ chú bé địa phương báo tin gián tiếp nên họ cũng bỏ luôn. Đó là lần chót, Thanh niên Phụng sự không còn bị ám sát nữa và chân lý Kẻ thù ta không phải là người rất đúng vì người nào cũng có tánh Phật. Nếu bị ám sát mà tránh được gây căm thù và vẫn không giận, không oán thù, chỉ trách cái tưởng sai lầm của đối phương thôi thì mình chạm được Phật tánh của người muốn giết mình. Nhờ hành xử với những người ám sát như thế nên hình như có nhiều người có tâm Bụt đã lặng lẽ hỗ trợ các em. Số tác viên Thanh niên PSXH ngày càng lặng lẽ tăng. Những ngày cuối của chế độ trước, số trợ tác viên, cảm tình và ủng hộ TNPSXH Việt Nam lên cả mười nghìn người.
Hình này chỉ có năm 1968 khi xây xong cư xá Nam TNPSXH, giảng đường, thư viện. Nhưng tháng 5 năm 1975, chính phủ mới Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đã tịch thu và biến thành Trường trung học cơ sở Trần Phú. Chùa Lá được thầy Phước Trí cho sửa lại bằng gạch thật huy hoàng diêm dúa, rất khác chùa Lá Pháp Vân mà thầy Nhất Hạnh khởi xướng khi xưa. Mộ của thầy Thanh Văn, Châu Toàn và sáu tác viên chết trong khi đang công tác được chôn tại Chùa Lá Pháp Vân được di chuyển ra phía trước chùa.
Làng tu tập
Dần dần Thầy hối thúc thầy giám đốc TNPSXH mau mau làm làng tu tập.
Những ai có tinh thần phụng sự – theo Thầy dạy – như tác viên xã hội Thanh niên Phụng sự Xã hội, như các anh chị Tiếp Hiện cư sĩ, phải có phần tu tập một ngày mỗi tuần. Cái thấy của Thầy là tác viên xã hội cũng phải có một ngày tĩnh tu trong tuần. Càng làm việc xã hội thì càng phải tu tập. Bên Tây phương và Mỹ châu, Thầy khuyên các tác viên của những phong trào kêu gọi hoà bình cũng phải có phần tu tập, nếu không thì sẽ có sự xung đột ngay giữa các nhóm kêu gọi hoà bình với nhau. Muốn làm công tác xã hội giúp cho người nghèo thì mình cũng phải tu để xử lý được những cơn giận hay bức xúc của mình. Là thầy giáo mình cũng phải tu để có sự bình tĩnh, để trở thành một ông thầy giáo hay một cô giáo đầy tính Phật. Mình phải tu để trở thành Phật tác viên xã hội, Phật bác sĩ tâm lý trị liệu, Phật y sĩ, Phật nha sĩ, Phật y tá. Vì vậy Thầy nói mình phải có một trung tâm tu học để người tác viên xã hội mỗi năm có thể trở về tu ít nhất là một tuần cho tới một tháng. Mỗi năm làm việc mười một tháng thì phải có một tháng trở về tĩnh tâm. Người đến tu học phải giữ Năm giới. Thầy thấy Mười giới Bồ tát truyền thống quá chung chung, không hợp với thời đại nữa nên chế tác Mười bốn giới Tiếp Hiện thay cho giới Bồ tát. Giới, Thầy dịch là “training” tức là tập luyện. Luyện để giữ Năm giới và khi nhuần nhuyễn rồi thì luyện để giữ Mười bốn giới. Mà muốn “luyện” thì phải tập tu, dừng lại (thiền chỉ). Người luyện trở nên thanh thản, bình an, thương yêu, hiểu biết, sống trong hoà ái với chính mình và với những người chung quanh. Mười bốn giới có hai phần, tu sĩ có 14 giới của tu sĩ và cư sĩ cũng có 14 giới của cư sĩ.
Tu sĩ là người độc thân, đóng cánh cửa tình dục để có thì giờ lo Phật sự nhiều hơn, làm những chuyện lợi cho người, cho xã hội và cho đời cho nên Thầy khuyến khích thầy Châu Toàn (giám đốc điều hành nhiệm kỳ 2 trường TNPSXH) phải lập làng Tu học càng sớm càng tốt. Thầy hy vọng dần dần các anh em Thanh niên Phụng sự Xã hội sẽ thọ 14 giới Tiếp Hiện.