Chùa lá Pháp Vân

Chiều hôm đó, tại văn phòng Viện cao đẳng Phật học, chùa Pháp Hội, thầy Nhất Hạnh dặn khi chúng tôi chào Thầy để về nhà: “Ngày mai, các con có bận gì nhiều ở làng tình thương Cầu Kinh Thảo Điền không? Nếu có thì các con cũng gắng về trước cơm trưa. Thầy Thanh Văn sẽ nấu ăn đãi ba chị em.” Thầy Thanh Văn đãi món mì ống (món Macaroni Ý) mà nấu theo kiểu Việt Nam làm thành một thứ bún nước rất ngon như bánh canh vậy. Thầy trò vừa ăn xong chén mì ống tuyệt vời của thầy Thanh Văn thì thầy Nhất Hạnh đã pha một bình trà Ô Long lớn, mời mọi người. Hôm đó có chị Phan Thị Mai, bác Trịnh Sâm, chị Phạm Thuý Uyên, thầy Nhất Hạnh, thầy Thanh Văn và tôi. Thầy nói: “Thầy mời tụi con đi thăm chùa Pháp Vân của mình. Pháp Vân là tên ngôi chùa đầu tiên trên đất Giao Châu (tên cũ của nước Việt). Từ hồi mới lập quốc, nước ta luôn có chiến tranh, cũng liên miên chống ngoại xâm nhà Hán từ phương Bắc. Rồi sau đó lại chống ngoại xâm từ Đông Bắc, đó là nhà Nguyên, Mông Cổ. Đội kỵ quân trăm trận trăm thắng của Thành Cát Tư Hãn bách chiến bách thắng chiếm được nhiều phần đất của nhà Hán rồi tấn công luôn cả một phần Âu Châu. Hốt Tất Liệt, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn tấn công xuống Giao Châu là tên nước ta ngày xưa. Hốt Tất Liệt suýt thắng nhưng cuối cùng phải thua nhờ tình đoàn kết và lòng từ bi của vua quan nhà Trần mà đại tướng là Trần Hưng Đạo. Phía nam nước ta lại có giặc Chiêm Thành. Có giặc thì có nhưng muốn giữ vững hồn thiêng dân tộc thì ngôi chùa là gốc của hồn nước. Hôm nay Thầy muốn mời tụi con đi thăm ngôi chùa trong chiến tranh Việt Nam nên thầy chủ trương xây bằng lá.” Chùa Lá đầu tiên ở miền Nam Việt Nam do Thầy và thầy Thanh Văn cất lên để chia sẻ niềm đau của toàn dân. Tiền lương dạy học ở Columbia New York Hoa Kỳ nếu muốn xây chùa sang hơn mái Chùa Lá này thì Thầy cũng đủ sức xây. Nhưng Thầy để xài vào nhiều việc ích lợi trước đó. Ngôi chùa bằng lá này sẽ có tên là chùa Pháp Vân để nhớ ngôi chùa đầu tiên của nước ta. Chú tài xế của Viện Phật học là anh Sang lái chiếc xe mười sáu chỗ của Viện Phật học, thầy Thanh Văn ngồi giữa bác tài và thầy Nhất Hạnh. Băng sau có bác Trịnh Sâm, chị Mai, chị Phượng và chị Uyên.

Xe đưa mọi người tới ngang Trường đua Phú Thọ rồi tiếp tục đi về hướng Phú Lâm. Bác Sâm nói anh Sang lái xe chầm chậm, khi nào tới ngã ba đi Cầu Tre thì rẽ tay mặt nhé. Tôi nghĩ ngay, tuy là tên Cầu Tre nhưng chắc phải là cầu đúc xi măng thì xe mười sáu chỗ của Viện Đại học mới qua nổi, chứ nếu cầu mà bằng tre thì xe này sao qua cầu được! Đúng thế, tên là Cầu Tre mà là chiếc cầu đúc bằng xi măng. Đường này khá vắng vẻ. Qua cầu xong, đi thêm một đoạn thì bên tay mặt là đường hương lộ dọc dài ven theo nghĩa địa Triều Châu. Nghĩa địa bên mặt chúng tôi khá dài. Bên trái vẫn còn đất hoang đầy hoa giấy, hoa mười giờ và hoa mắc cỡ (hoa trinh nữ). Có những cây bông giấy mọc hoang mà cũng rực rỡ màu vàng gạch và màu tím hồng rất đẹp. Xe chạy thêm khoảng hơn hai cây số, chúng tôi thấy xa xa kia, bên trái đường hương lộ này có một khu nhà lá và nhà gạch lộn xộn, thỉnh thoảng có đôi ba nhà gạch. Bác Sâm nói đây là xã Tân Phú được quy hoạch để che chở phi trường Tân Sơn Nhất. Họ chia: chỗ này sẽ là khu chợ, cái chợ trời lèo tèo dăm ba quán. Anh Sang rẽ xe sang trái đi vào chợ, rồi dọc theo chợ vài trăm thước lại quẹo xuống tay mặt. Bác Sâm chỉ trỏ: “Kìa phần đất ruộng này mình mới mua của ông bà Mười. Quý thầy đã nhờ thầy Lưu Phương theo dõi thợ xây cất, phỏng hoạ theo cái phác hoạ sơ của Thầy chúng mình. Chính Thầy chúng ta là ‘kiến trúc sư’ thứ thiệt đó các cô ạ!” Bác Trịnh Sâm quả quyết thế. A a! Đây rồi! Nhìn kia, trông xa xa như có một ngôi chùa bằng lá, không phải là nhà thường dân vì mái chùa là hai mái lá dài úp lại như hai bàn tay búp sen, nhọn, nhưng có mái thứ hai bên dưới cong cong xinh xinh và nóc không nhọn hoắt như ngôi chùa Thái mà cũng không như ngôi nhà lá bình thường của người dân. Xe đỗ trước chùa. Ngôi chánh điện vẫn còn đơn sơ lắm, nhưng vừa bước vào chùa ba chị em tôi “cảm phục” quá. Đẹp quá Thầy ơi!

Bàn Phật chỉ là chiếc bàn tre mây, thật trang nghiêm, cao một thước hai. Thầy Thanh Văn thỉnh được bức hình chụp một bức vẽ Bụt Thích Ca đang ngồi thiền bên bờ sông Ni Liên Thuyền. Bức hình chỉ có 45cm bề cao nhưng bề rộng là 70cm và đó là hình chụp một bức vẽ Bụt ngồi thiền, quay lưng vào một cây bồ đề, mặt nhìn ra sông Ni Liên Thuyền. Toàn cảnh bức hình Bụt ngồi thiền được bao bọc bởi một “rừng tre” phủ nguyên bức tường sau lưng bàn thờ Bụt. Khung tre đó chỉ là những thanh gỗ bề ngang 2,5cm, bề cao 2 mét, hay ba, bốn hay năm mét, sơn xám sậm xanh đen nằm song song chiếm toàn bức vách cao, bít cả vách tường ngôi Chùa Lá Pháp Vân này. Khung hình Bụt ngồi thiền bên bờ sông được bao quanh bởi một bức vách tường mới sơn màu lam xám lạt nhẹ và trưng bày như một khung gỗ vĩ đại làm bằng những thanh gỗ sơn xám xanh đậm. Ôi là đẹp! Ba chị em chúng tôi phục quá, im lặng cảm phục mà không tìm ra từ nào để tỏ lòng trân quý. Ba chị em chúng tôi ngưỡng mộ cả một vách tường chánh điện Chùa Lá biến thành toàn cảnh bức tranh bên bờ sông Ni Liên Thuyền. Tóm lại nguyên một bức tường 8 mét bề ngang, 5 mét bề cao là bàn thờ đức Bổn Sư. Thầy Thanh Văn thắp hương dâng lên cho thầy Nhất Hạnh, rồi chính thầy Thanh Văn thỉnh chuông để thầy trò cùng lạy năm vóc phủ phục trên một chiếc chiếu 2 mét rưỡi bề rộng và dài từ bàn thờ đến cuối chánh điện khoảng 12 mét. Ôi là đơn sơ mà thanh nhã.

Lần đầu tiên ở miền Nam Việt Nam, có lẽ chỉ có ngôi chùa này là bằng lá, do một vị khất sĩ tên là Thích Nhất Hạnh xây, chủ trương rằng trong thời chiến tranh loạn lạc nên cất chùa bằng lá, không khác gì những nhà lá nhà tranh của dân quê Việt Nam, nhưng phần tâm linh thì người đi chùa cũng sẽ sống sao cho đẹp. Sau đó quý thầy đưa chúng tôi đi vòng quanh chánh điện, là hành lang tráng xi măng rộng cỡ 2,5 mét bề ngang, bao vòng quanh chánh điện. Trong và ngoài chỉ có tráng xi măng như bên trong chánh điện, không có gạch men, chỉ là xi măng tráng, không lát gạch hoa, chỉ đi chân không mà không xảm chân. Rải rác quanh hành lang là những băng bằng tre dùng để thay ghế ngồi, tựa lưng vào vách chùa, quay ra ngoài, dài độ hai mét để dọc theo hành lang. Trước chiếc băng có một bàn bằng tre mây nhỏ thấp để thầy trò ngồi uống trà. Quý thầy ngồi trên ghế tre mây còn chúng tôi ngồi ngay trên sàn tráng xi măng. Vì tình hình chính trị bên ngoài bức bách nên Thầy muốn cho chúng tôi thọ giới Tiếp Hiện. Giới Tiếp Hiện được Thầy lược từ Giới luật, Bồ tát giới… Thầy cho xây thêm một vách tường phía sau hành lang như cái phòng tạm cho Thầy ngủ lại một ngày cuối tuần ở Chùa Lá. Phòng Thầy sẽ ở kế bên phòng uống trà khi họp mặt một số người nòng cốt sẽ được truyền giới Tiếp Hiện và vài mươi người dấn thân hết lòng phụng sự.

Đấy ngôi chùa Thầy cho chúng tôi thọ giới Tiếp Hiện, ngôi Chùa Lá rất nghệ thuật thế đấy.

Thân hữu chùa Lá ngày chánh niệm hằng tuần