Am mây ngủ – Chương 6
Tiếng tụng kinh của chú Pháp Đăng đã im bặt từ lúc nào mà đến bây giờ Huyền Trân mới nhận thấy am Long Động chìm trong một sự thanh tịnh tuyệt đối. Chỉ trong mấy khoảng khắc thôi mà hình ảnh của bao nhiêu năm tháng của cuộc đời nàng đã diễn lại đầy đủ trong trí hồi tưởng của nàng. Huyền Trân có cảm tưởng là mình đã sống qua hàng thế kỷ, đã trải qua bao nhiêu e ngại, sợ hãi, sung sướng, hồi hộp, lo âu, thất vọng và hy vọng. Nàng đã từng cảm thấy mệt mỏi và chán nản, dù nàng biết mình mới có hai mươi mốt tuổi đầu. Nàng nhớ lại lúc nàng mới thức giấc ở am Long Động, và cảm thấy thoải mái an lạc mà nàng đã được thừa hưởng trọn vẹn trong lúc ấy. Tâm hồn nàng lúc đó sao mà bình an và thanh thản một cách lạ. Chưa bao giờ trong quá khứ mà nàng được hưởng cảm giác này. Huyền Trân nghĩ rằng nếu cảm giác đó đã tới một lần thì nó có thể tới một lần khác, nhiều lần khác, nếu nàng thật sự mong muốn. Nàng đã từng chấp nhận nằm trên giàn hỏa rồi thì nàng không còn phải sợ hãi bất cứ cảnh huống nào của cuộc đời. Có lẽ vì vậy mà nàng có khả năng nếm được sự tịch lạc. Nàng chưa thực sự biết tu thiền, nhưng nàng nghĩ sự an lạc mà người tu thiền có thể đạt đến cũng tương tợ như sự an lạc mà nàng vừa được biết tới mùi vị. Huyền Trân duỗi hai tay theo chiều dài thân thể, ngước nhìn trần nhà còn đen tối và lắng nghe sự yên tĩnh bên ngoài và bên trong tâm nàng. Tiếng tụng kinh của chú Pháp Đăng không còn nữa, nhưng sự thanh tịnh vẫn còn, và cảm giác an lạc lại bắt đầu trở lại. Huyền Trân bất giác cảm thấy vui mừng, và trong đêm tối nàng mỉm cười. Nụ cười thật mầu nhiệm. Nụ cười đến một cách bất ngờ. Chưa bao giờ nàng cười một nụ cười như thế. Nụ cười này chỉ có nghĩa đối với nàng mà không có nghĩa với bất cứ một ai khác. Nàng duy trì nụ cười ấy trên môi và cảm nghe hơi thở nhè nhẹ và đều đặn của mình. Nàng tự dặn là đừng đánh mất giây phút an lạc quý báu này trong những hồi tưởng và lo sợ vẫn vơ.
Có hai tiếng bảng của chú Pháp Đăng vọng lên. Hai tiếng bảng rành rọt và nghiêm trang như một hiệu lệnh. Huyền Trân từ từ đứng dậy. Trời đã tờ mờ sáng. Nàng mở cửa liêu bước vào tổ đường. Chú pháp Đăng đã dọn cháo sáng trên bàn. Chú lễ phép:
– Mời lệnh bà dùng cháo sáng. Ăn cháo xong chúng ta sẽ khởi hành lên am Đỉnh Trú.
Huyền Trân ngồi vào chiếc ghế gỗ. Trên bàn, trước mặt nàng, có một bát cháo gạo đỏ nấu đặc, một đĩa dưa cải, một chén nước tương và một đôi đũa. Chú Pháp Đăng ngồi phía bên kia bàn và trước mặt chú cũng có từng ấy thứ. Chú chắp tay mật niệm rồi nâng bát cháo lên ăn thật thong thả và im lặng. Huyền Trân bắt chước chú nàng cầm đũa và ăn cháo một cách thật thong thả và im lặng. Bát cháo gạo đỏ sao mà ăn ngon lành đến thế, nàng nghĩ. Chú tiểu ăn xong, lại chắp tay mật niệm rồi đi lấy cho Huyền Trân một bát nước chè. Lâu quá Huyền Trân không được uống chè tươi pha gừng. Nàng cảm thấy ấm cả bụng.
Khi hai người khởi hành thì trời sáng tỏ, tuy sương vẫn còn khá dày trên chòm cây xa. Chú Pháp Đăng đưa tay chỉ cho Huyền Trân thấy ngọn đồi bên cạnh am Long Động. Chú nói:
– Lệnh bà nhìn xem, quả núi này trông giống như con lân, cho nên người ta thường gọi am này là am Lân.
Huyền Trân đưa mắt nhìn thì quả nhiên dáng núi hình con Lân thật. nàng quay lại nhìn xuống phía trước am thì thấy dòng suối chảy giữa những gốc thông già, bên suối có những tảng đá lớn nhỏ xen nhau. Năm xưa trước ngày về Chiêm, nàng đã từng ngồi với Thượng hoàng một buổi chiều bên bờ suối và trên những tảng đá đó. Nàng cảm tưởng là buổi chiều hôm ấy chỉ là buổi hôm qua. Hai người theo con đường dốc sau am leo lên. Đường mòn tuy dễ đi, nhưng hai người phải vượt qua nhiều con suối. Đã có những chiếc cầu gỗ bắc qua các con suối cho nên không ai bị ướt chân. Huyền Trân đếm được cả thảy chín con suối. Qua con suối thứ chín, hai người gặp một ngọn núi chắn ngang trước mặt. Chú pháp Đăng nói về Huyền Trân đó là núi Voi Xô. Dưới chân núi có một bãi cát trắng. Cát này chắc là do nước mưa chuyên chở từ trên núi xuống, lâu ngày thành bãi. Chú lại nói rằng mỗi khi vua Anh Tông lên núi thăm đại sĩ, ngài hay dừng kiệu nơi đây để nghỉ ngơi.
Chú pháp Đăng đưa Huyền Trân vượt một cánh đồi thông, leo một con dốc, rồi vượt một cánh rừng thông khác. Một hồi sau, hai người tới một dòng suối lớn. Chú tiểu nói:
– Thưa lệnh bà, đây là suối Hồ Khê.
Nước suối màu đỏ, lòng suối rộng. Chú Pháp Đăng cho Huyền Trân biết là suối này phát nguồn từ trên đỉnh núi, và vì chảy qua rừng lim cho nên nước suối đỏ ngầu. Giữa lòng suối, Huyền Trân trông thấy những hòn đá lớn. Nhìn lên, nàng thấy hàng ngàn cây thông vương cao trên núi. Đi sâu vào đồi thông, hai người tới am Thạch Thất. Am này được xây toàn bằng đá xanh lấy tại chỗ. Chú pháp Đăng cho Huyền Trân biết là chính trong am này mà đại sĩ Trúc Lâm đả sáng tác Thạch Thất Mỵ Ngữ. Chú nói mấy năm gần đây ngài ít ở Thạch Thất lắm và chỉ ưa cư trú trên am Ngọa Vân thôi. Từ Thạch Thất trở đi, con đường bắt đầu khó đi nhưng cảnh trí rất ngoạn mục. Có nhiều nơi phong cảnh thâm u và rậm rạp. Vượt ra khỏi một cánh rừng, hai người đi tới một nơi thật sáng tươi và quang đãng. Đi một hồi lâu nữa thì tới một cái dốc có cây cối um tùm và êm mát. Thấy Huyền Trân có vẻ thấm mệt, chú Pháp Đăng bảo nàng:
– Lệnh bà vào đây ngồi nghỉ một chút cho đỡ mỏi chân đã.
Huyền Trân gật đầu. Chú tiểu đưa nàng tới dưới những cành cây sum sê. Ở đây có mấy chiếc ghế ghép bằng thân cây cho người bộ hành ngồi nghỉ. Chú nói:
– Chỗ này là Quán Mát. Đại sĩ hay ngồi nghỉ tại đây. Hoàng Đế Anh Tông mỗi khi lên thăm đại sĩ cũng thường dừng kiệu tại đây.
Chú chỉ cho Huyền Trân thấy một cái am tranh ở phía xa, thấp thoáng sau cành lá, và cho nàng biết đó là am Trung Thạch.
Chú nói sư huynh Pháp Loa của chú đã từng nhập thất tại am này.
Huyền Trân ngồi nghỉ trên một thân gỗ. Nàng bảo chú Pháp Đăng ngồi xuống thân gỗ trước mặt nàng rồi hỏi:
– Này chú Pháp Đăng, ai dạy chú gọi tôi là lệnh bà thế hả chú?
Chú tiểu lễ phép:
– Thưa lệnh bà, có ai dạy đâu. Hôm qua cháu nghe chị Thị Ngọc, chị ấy gọi như thế nên cháu cũng theo đấy mà gọi.
Huyền Trân mỉm cười. À thì ra chú này bắt chước Thị Ngọc. Nàng nói:
– Này chú, gọi tôi là lệnh bà thì nghe khách sáo lắm, mà chú xưng cháu với tôi nghe càng buồn cười hơn nữa. Giờ tôi hỏi chú nhé: Chú có biết tôi là con của đại sĩ không?
– Dạ chưa biết.
– Còn chú, chú là đệ tử của đại sĩ thì cũng như con của ngài. Vậy chú cứ xem tôi là chị của chú, và chú gọi tôi là chị.
Chú Pháp Đăng cúi đầu:
– Thưa cháu không dám.
– Sao lại không dám? Tôi không phải là chị của chú hay sao? Tôi cũng sẽ học đạo với đại sĩ và tôi cũng sẽ là đệ tử của đại sĩ. Vậy chú gọi tôi là chị thì lại càng đúng nữa. Nói thật với chú, tôi ghét người ta gọi tôi là lệnh bà lắm. Chú gọi tôi là chị đi, và đừng xưng cháu với tôi nữa. Cứ xưng là em cũng được rồi.
Chú Pháp Đăng ngửng đầu nhìn bà công chúa mà khắp nước ai cũng biết tên, rồi cúi đầu đáp khẽ:
– Thưa vâng.
– Vậy thì chú Pháp Đăng, chú đi tu được mấy năm rồi, nói cho chị nghe đi.
– Thưa lệnh bà, à dạ thưa … chị, em đi tu mới được hai năm thôi.
– Chú tụng kinh hay lắm. Giọng của chú rất trong. Đại sĩ yêu chú lắm phải không?
– Vâng, em được đại sĩ thương yêu lắm. Em chỉ mới có mười hai tuổi thôi, mà đã được đại sĩ cho viết lời “tán ngữ” trong sách Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục rồi. Sách ấy mới được in xong chị ạ. Em có tới hai bản, em biếu chị một bản.
– Ngoài chú ra, còn có ai được viết lời tán ngữ trong sách đó nữa hả chú?
– Trước hết là đại sĩ, rồi đến sư huynh Pháp Loa, sư huynh Bảo Pháp, sư thúc Tông Cảnh, cư sĩ Như Pháp, sư huynh Pháp Cổ, và sư huynh Huệ Nghiêm. Em là người chót được viết lời tán ngữ. Lời tán ngữ nào cũng hay hết chị ạ, chỉ có lời tán ngữ của em là dở, vậy mà đại sĩ cũng cho in vào cuối tập.
– Chú viết như thế nào, đọc cho chị nghe đi.
– Em viết: “Thượng sĩ là một vị Bồ Tát, sanh trong nhà họ Trần, anh ruột của vị anh hùng Vạn Kiếp Trần Hưng Đạo Đại Vương. Thuở nhỏ, thượng sĩ là người trung hiếu, cư xử trọn đạo với vua cha. Gặp thời nước nhà bị nạn, ngài đã hai lần ngăn giặc. Sau đó, ngài đưa mình vào cảnh thiền, rong chơi cùng khắp”. Dở không, thưa chị?
– Chú viết hay lắm. Mà chú nói cho chị biết chú đi tu để làm gì vậy hả chú?
– Em cũng muốn được như sư huynh Pháp Loa.
– Sư huynh Pháp Loa là gì mà chú ưa thích như vậy?
– Sư huynh Pháp Loa là người nối nghiệp đại sĩ để duy trì và hoằng dương chánh pháp. Sư huynh còn quan trọng hơn sư huynh Bảo Sát nữa, thưa chị. Hồi đầu năm này em được đi hầu đại sĩ ở chùa Bảo Ân và được dự lễ đại sĩ trao pháp y cho sư huynh Pháp Loa. Cảnh tượng trang nghiêm lắm chị ạ. Chị muốn nghe em kể lại không?
Huyền Trân thấy trong lòng vui vui khi nói chuyện với chú tiểu. Nàng thấy giọng chú thật ngộ nghĩnh, nhất là khi chú dùng những danh từ Phật học như “hoằng dương chánh pháp”, “pháp y” và “trang nghiêm”. Nàng gật đầu:
– Chú kể cho chị nghe đi.
– Sáng hôm sau mồng một Tết, sau khi tụng xong buổi công phu sáng, đại sĩ đưa sư huynh lên lạy ở nhà tổ. Xong rồi, tất cả đại chúng xuống ăn cháo sáng. Ăn sáng xong rồi thì mọi người mang y hậu đại lễ vào và lên pháp đường. Chuông trống và đại nhạc được đánh lên uy nghi lắm thưa chị. Vừa lúc đó Hoàng đế ngự giá tới chùa, có rất nhiều người đi theo hầu. Hoàng đế là vị đàn việt lớn nhất của Phật pháp cho nên ngài ngự ở ghế khách nơi pháp đường, trong khi Huệ Võ Đại Vương và các quan dều phải đứng trước sân. À thưa chị, có phải Huệ Võ Đại Vương là anh ruột của chị không, thưa chị?
– Phải, chú kể tiếp đi.
– Lúc ấy đại sĩ lên pháp tòa để thuyết pháp. Thuyết pháp xong, ngài đi xuống, cầm tay sư huynh Pháp Loa dắt lên toà, bảo sư huynh ngồi lên đó. Xong ngài đứng chắp tay trước mặt sư huynh mà làm lễ vấn tấn. Vấn tấn là thăm hỏi đó thưa chị. Sau khi sư huynh đáp lễ, đại sĩ mới lấy pháp y trao cho sư huynh khoác vào. Rồi đại sĩ ngồi xuống bên chiếc ghế khúc lục để nghe sư huynh thuyết pháp. Sư huynh thuyết pháp xong, đại sĩ đứng dậy. Trước mặt Hoàng thượng, bách quan và đại chúng, ngài lên tiếng bảo rằng hôm nay ngài đem cả sơn môn Yên Tử và chùa Báo Ân trao lại cho sư huynh, ủy cho sư huynh kế thế trụ trì và làm tổ thứ hai của Giáo Hội Trúc Lâm. Sau đó, tất cả mọi người, từ Hoàng đế cho bách quan và đại chúng, đều đứng dậy chắp tay làm lễ sư huynh.
Huyền Trân nhìn chú Pháp Đăng, cười:
– Nếu tôi là chú thì tôi không ước muốn được như sư huynh Pháp Loa đâu. Làm tổ của một môn phái mệt lắm và phải lo nhiều chuyện lắm. Tôi chỉ ước muốn được như chú mà thôi. Ở đây thanh tịnh và thảnh thơi biết bao nhiêu. Chú lại được đại sĩ thương yêu không kém gì sư huynh Pháp Loa. À, này chú, tại sao bây giờ ở trên núi ít người quá vậy? các thầy đi đâu hết mà chùa Long Đông chỉ có một mình chú thôi hả chú?
– Các sư huynh đã xuống núi hết theo lời đại sĩ chỉ dạy. Chỉ còn có sư huynh Bảo Sát ở lại trên am Tử Tiêu, thưa chị. Mùa hè năm nay đại sĩ an cư ba tháng tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Đức La, đại chúng đến kết hạ đông có trên hai trăm vị. Ngài đã giảng sách Truyền Đăng Lục cho đại chúng nghe suốt mùa an cư và đến ngày rằm tháng bảy, sau lễ Tự Tứ, ngài cũng đã làm lễ ủy cho sư huynh Pháp Loa trụ trì luôn chùa này. Ngày mười sáu ngài về đây và lên cư trú nơi am Tử Tiêu. Ngài bảo sư huynh Pháp Loa lên ở đó hầu ngài và giảng cả bộ Truyền Đăng Lục cho riêng một mình sư huynh học. Hết tháng bảy, ngài cho tất cả các sư huynh xuống núi và giữ lại một mình sư huynh Bảo Sát. Ngài nói với sư huynh Bảo Sát là ngài muốn cùng sư huynh đi thăm hết mọi nơi trên núi Yên Tử, và không muốn có ai trên này. Do đó mà bây giờ ở đây chỉ có ba người là đại sĩ, sư huynh Bảo Sát và em mà thôi.
Huyền Trân tính nhẩm trong trí và biết rằng năm nay Phụ hoàng nàng đã năm mươi tuổi. Tuổi cao như vậy mà Phụ hoàng nàng còn phải lo bao nhiêu là việc. Hết việc đời, tới việc dạo. Nàng mừng thầm khi biết cha sắp đặt và giao phó công việc sơn môn cho sư huynh Pháp Loa. Ngài xuất gia như vậy là đã gần mười năm rồi. Ngài đi tu năm bốn mười mốt tuổi, hồi đó nàng mới mười hai. Nàng nhớ ngày Thượng hoàng xuất gia, cả nước náo động, Thái hậu và tất cả các cung phi đều khóc và đưa tiễn ngài tới chân núi Yên Tử. Nhiều người không chịu trở về cung. Họ lập am dưới chân núi mà ở. Thượng hoàng không nở đuổi. Vì vậy dưới chân núi Yên Tử làng Nường và làng Mụ được thành lập. Mấy năm sau, một ni viện được xây dựng lên để làm chỗ tu hành cho các bà phi xuất gia. Cũng vào ngày Thượng hoàng đi xuất gia, thầy Trí Thông trú trì chùa Báo Ân phát tâm đốt cháy bàn tay của mình để cúng dường. Ông nói: “Một ông vua đi tu để xiển dương Phật pháp là một cơ hội lớn chưa từng có trên đất nước này”. Cả kinh thành Thăng Long bàn tán về chuyện thầy Trí Thông đưa bàn tay lên ngọn nến để cho bàn tay cháy từ ngón tay tới khủy tay từ sáng tới chiều mà sắc mặt an nhiên không thay đổi. Huyền Trân đã xin phép Tuyên Từ thái hậu để đến chùa Báo Ân xem và đã tự mình chứng kiến cảnh tượng lạ lùng ấy.
Huyền Trân biết rằng từ hồi còn thơ ấu, Phụ hoàng đã được học Phật pháp với Thượng sĩ Tuệ Trung, thúc tổ của nàng, người mà cả thiên hạ đều cho là bậc chứng đạo cao siêu, kinh luận uyên bác. Ngày Phụ hoàng xuất gia, thượng sĩ đã khuất núi rồi, do đó quốc sư Đạo Nhất đã làm lễ xuất gia cho ngài. Từ cuộc sống trong cung vàng điện ngọc, Phụ hoàng đã đi sang suộc sống của người đạo sĩ không cửa không nhà. Hồi mới đi tu, ngài đã tu luyện theo hạnh đầu đà khổ hạnh, cho nên ngài chỉ mặc áo vá, ngủ dưới những mái lá trên núi Yên Tử, ăn uống sơ sài và kham khổ. Hồi ấy ngài lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà. Giới Phật tử tôn xưng ngài là Hương Vân Đầu Đà. Ở trên núi đã mười năm mà ngài chưa cho lập ngôi chùa nào cả. Tất cả những nơi cư trú hành đạo của ngài và của trên mười vị đệ tử chỉ là mười mấy cái am tranh, cao nhất là am Tử Tiêu và thấp nhất là am Long Động. Am Ngọa Vân nằm vào vị trí trung ương, thấp hơn am Tử Tiêu, nhưng cao hơn nhiều am khác.
Nghĩ đến am Ngọa Vân, Huyền Trân đứng dậy. Chú Pháp Đăng cũng đứng dậy theo nàng. Chân của hai người giờ đã bớt mỏi. Họ đi băng qua một vài cánh rừng và leo trèo một hồi nữa thì thấy dáng am Ngọa Vân:
Vào tới am, không thấy Trúc Lâm đại sĩ, chú Pháp Đăng biết là ngài đang ngồi thiền bên am Thiền Định. Chú nói khẽ với Huyền Trân, tay chỉ về phía một cái am nhỏ phía tay trái hiện sau mấy cội thông già:
– Đại sĩ đang ngồi thiền ở đó, mình không nên tới gần mà làm kinh động đến ngài. Để em chỉ cho chị xem qua địa thế ngọn Ngọa Vân này.
Chú đưa Huyền Trân qua phía mặt đến một cái am dựng sát vào khe đá:
– Đây là am Một Mái, bởi vì nó chỉ có một cái mái mà thôi, như chị thấy. Đại sĩ thường ngồi ở đây để đọc kinh và đọc sách. Chỗ này mát mẻ và thanh tịnh lắm thưa chị. Còn cái am bên trái mà em vừa chỉ cho chị là am Thiền Định, nơi đại sĩ ngồi thiền mỗi ngày nhiều bận. Lát nữa sau khi đại sĩ xuất thiền em sẽ đưa chị sang đấy thăm. Gần đó có suối Rồng, thác nước đẹp lắm chị ạ. Nước đổ như bay từ trên núi cao xuống, thưa chị. Dưới suối có tảng đá vuông, ngài hay xuống tắm ở đấy, thưa chị. Chị xem, con suối là đuôi con rồng, am Một Mái dựng sát khe núi là cái đầu rồng, còn am Ngọa Vân đứng giữa là lưng con rồng. Chị lại đây mà xem. Đứng ở trước am Ngọa Vân nhìn xuống chị có thể thấy được cả thiên sơn vạn thủy đang chầu lại, đẹp lắm.
Huyền Trân nhìn xuống và thấy lời chú Pháp Đăng rất đúng. Cảnh tượng vừa đẹp vừa hùng vĩ gây trong lòng nàng một cảm giác lâng lâng. Ước gì nàng được ở lại đây vài hôm.
Huyền Trân cười:
– Cho nên ngọn núi này mới được gọi là Ngọa Vân phong.
Nói xong câu ấy nàng nghe tiếng chân dẫm trên lá khô phía sau. ngoảnh lại, Huyền Trân thấy Trúc Lâm đại sĩ đang tươi cười bước tới. Chú Pháp Đăng chắp tay trước ngực và cúi đầu chào kính cẩn. Huyền Trân cũng bắt chước chú, chắp hai tay lại và cúi đầu. Đại sĩ bảo:
– Các con lên sớm lắm.
Ngài đưa Huyền Trân và chú Pháp Đăng vào am. Chú Pháp Đăng đứng dậy định vào sau nhà trù nấu nước pha trà thì đại sĩ bảo:
– Thôi con đừng nấu trà nữa. Ta nên khởi hành lên am Tử Tiêu ngay. Thầy có làm sẵn một nắm cơm và một gói muối vừng. Chúng ta sẽ thọ trai ở giữa đường. Cơm và vừng để ở trên bàn, gần cây đèn đó con.
Chú Pháp Đăng đi lấy từ trên vách am xuống một cái túi gai, bỏ mo cơm và gói vừng vào đấy rồi đeo lên vai. Đại sĩ ra khỏi am. Ngài đợi Huyền Trân và chú Pháp Đăng ra rồi nhẹ tay khép cánh cửa gỗ lại. Ba người đi vòng ra phía sau am và bắt đầu leo lên một cái dốc. Đường khó đi hơn trước, có những nơi đường dốc cheo leo nhưng Huyền Trân nhận thấy đại sĩ vẫn leo trèo thăn thoắt. Hai chân ngài có vẻ còn cứng cáp. Người mang theo một cây gậy trúc. Mười năm không hề lên võng xuống kiệu, chắc ngài đã quen lắm với sự leo trèo trên những con đường núi khó đi. Chú Pháp Đăng cũng leo trèo rất giỏi. Nhiều lúc, chú phải đứng đợi nàng, hoặc đưa tay giúp nàng để nàng khỏi trượt chân. Ba người đi tới am Trượng, Huyền Trân ngửi thấy mùi hoa phảng phất. Đúng rồi, đây là mùi hoa mộc mà nàng rất quen thuộc. Trước sân chùa Tư Phúc nàng đã từng hái hoa này cài lên tóc. Nhìn lại, nàng thấy rất nhiều cây mộc trước am Trượng, cây nào cũng lốm đốm hoa trắng.
– Chú Pháp Đăng, nàng gọi chú, lại đây xem những cây hoa mộc.
Chú Pháp Đăng lại gần nàng:
– Tất cả những cây hoa mộc này đều do đại sĩ trồng đó thưa chị. Ngài trồng những cây này có lẽ vào năm em mới lên ba hoặc bốn tuổi.
Những cây hoa mộc đã lên cao quá đầu người. Hai người đi theo đại sĩ về phiá trái của am. Tại đây, chú Pháp Đăng chỉ cho Huyền Trân thấy hai cái am dựng gần nhau, một cái là am Thung, một cái là am Dược. Chú cho nàng biết là tại các am ngày xưa ngự y thường lên đây để hái thuốc và luyện thuốc. Am Thung là nơi để giả thuốc còn am Dược là nơi để bào chế thuốc thành viên. Huyền Trân biết rằng thuốc luyện ở đây là vừa để cho hoàng gia xử dụng vừa để cho triều đình cung cấp cho dân chúng trong những mùa dịch lệ và đói lạnh. Nàng biết các viên Hồng Ngọc Sương mà dân chúng khắp nơi đều biết tiếng đều được chế luyện nơi đây. Vào những năm mất mùa, triều đình hay ủy các chùa phát gạo cho người đói, và những gia đình có người bịnh thì được phát hai viên Hồng Ngọc Sương. Huyền Trân đi vào am Dược thì thấy am khá rộng. Trong am có những hộc gỗ, có lẽ để chứa đựng các món thuốc khác nhau.
Nhưng đại sĩ đã giục hai người đi tiếp. Từ am Dược có đường mòn dẫn lên am Tử Tiêu. Sau một hồi leo trèo, đại sĩ dừng lại, dạy hai người ngồi nghỉ chân trên một khoang đất có đá, và có những khóm trúc mọc xen kẻ giữa những tảng đá. Chú Pháp Đăng lấy cơm và muốn vừng dâng lên đại sĩ. Ngài ngồi trên một tảng đá trong tư thế kiết già. Sau khi mật niệm, ngài nhận cơm và muốn rồi thong thả ăn từng miếng nhỏ. Chú Pháp Đăng đưa cơm mời Huyền Trân. Đến phiên chú, chú cũng mật niệm như đại sĩ trước khi ăn. Ăn xong, chú đi hái một tờ lá, uốn lại thành hình một cái phễu rồi chạy ra dòng suối chảy ngang gần đó lấy nước đem về dâng đại sĩ. Huyền Trân theo chú ra suối. Nàng quỳ gối trên một phiến đá, cuối xuống vốc nước suối vào lòng bàn tay, rồi đưa lên uống. Nước suối thật mát.
Huyền Trân nhìn xuống dòng nước nhỏ đang len lỏi qua sỏi đá, trong suốt như pha lê. Lòng nàng bình thản một cách lạ. Nàng thấy không có một sự lo sợ nào hoặc ước muốn nào có thể đến làm náo động sự bình thản đó. Nàng biết là mình đang ở trên núi Yên Tử, cao gần tới đỉnh núi, với người mà nàng yêu kính nhất. Người ấy là cha nàng, nhưng cũng là người hiểu nàng hơn ai hết trên cuộc đời này. Có bao nhiêu người trên đời hiểu được tâm sự của đại sĩ, nàng không biết. Nàng chưa đọc hết những thư tịch mà Phụ hoàng sáng tác, nhưng nàng có cảm tưởng là chưa chắc những kẻ đã được đọc hết các sách của ngài như Thạch Thất Mỵ Ngữ, Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Trúc Lâm Hậu Lục và Đại Hương Hải Ấn Thi Tập v.v… cũng không thể hiểu được ngài hơn nàng.
Chợt Huyền Trân chú ý đến chú ý Pháp Đăng. Chú đã vốc nước uống rồi và hiện tại chú đang ngồi bên bờ suối và hai tay chú khoát nước đùa giỡn tinh nghịch trên mặt suối. Hình ảnh bàn tay chú đập mạnh vào tâm não của Huyền Trân. Ngày xưa, vào tuổi chú, nàng cũng rất ham đùa nghịch, nhưng chưa bao giờ nàng dừng lại và thấy được bàn tay của mình một cách rõ rệt như buổi chiều cách đây hai năm, ngồi bên bờ suối trước am Lân, được Phụ hoàng mở mắt cho. Giờ phút này, nàng thấy được bàn tay của chú Pháp Đăng. Hai bàn tay kia là của chú, nhưng chưa chắc gì chú đã thấy như nàng đang thấy. Chú là đệ tử của đại sĩ, nhưng chắc là chú chưa được đại sĩ mở mắt cho để có thể nhìn rõ được hai bàn tay của chú. Chú đi tu đã hai năm rồi. Hiện giờ chú đang ở trong một thế giới thanh tịnh và an lạc mà chú nào có hay biết. Chú đang nghĩ đến tương lai, chú đang cố gắng học đạo để ngày mai có thể được như sư huynh Pháp Loa, ngồi trên pháp tọa, trước con mắt kính ngưỡng của vua quan và trăm họ. Huyền Trân thấy con đường chú đi còn dài quá, và trong lòng nàng, một mối thương cảm chợt nảy sinh. Con đường dài không phải là chỉ dài cho một mình chú mà còn dài cho cả chính nàng, bởi vì nàng nhận ra rằng chú và nàng không phải là hai thực thể cách biệt.
Huyền Trân không ngờ là nhìn bàn tay chú tiểu nàng đã nghĩ tới Dayada, con nàng. Mối thương cảm trong nàng dường như không phải chỉ được phát sinh từ lòng nàng mà đã được phát sinh từ lòng người cha yêu kính. Bàn tay của nàng còn đây, nhưng nàng cũng đã trao nó lại cho đứa vừa đầy một tuổi của nàng. Dayada sẽ mang bàn tay ấy về đây, và sẽ trao cho ai trong một tương lai mờ mịt? Và bàn tay của chú Pháp Đăng nữa. Phụ hoàng đã trao sự thương yêu cho chú. Bàn tay của chú tuy không cùng trong một huyết thống vẫn là bàn tay của ngài, vẫn là bàn tay của nàng. Chỉ mới có một ngày thôi mà Huyền Trân đã thấy yêu mến chú Pháp Đăng như yêu thương một đứa em ruột thịt của nàng. Chưa chắc nàng đã thấy gần gũi với anh Quốc Chẩn của nàng hơn là với chú tiểu vốn xuất thân từ một nhà dân dã. Huyền Trân bỗng cảm thấy mình đã đi vào tương lai và trái tim của nàng cũng như bàn tay của nàng đã lên đường, không có cách gì kéo chúng lại được. Nàng tự nhủ là sẽ đem những điều nàng vừa cảm thấy để hỏi cha nàng, mong ràng đại sĩ sẽ soi sáng, đường đi nẻo về của tâm ý nàng.
– Chúng ta đi thôi, các con.
Huyền Trân giật mình, ngưng dòng suy tưởng. Đại sĩ đứng dậy. Chú Pháp Đăng cũng đã đứng dậy. Chú mang chiếc đãy gai lên vai. Chiếc đãy bây giờ nhẹ nhõm.
Ba người theo con đường mòn đi thành một hàng, đại sĩ đi trước, và chú Pháp Đăng đi sau nàng. Dốc tuy cao nhưng con đường quanh co nên dễ đi. Huyền Trân để ý thấy có nhiều bụi trúc thật là xinh đẹp. Thỉnh thoảng nàng lại nghe tiếng nước suối chảy róc rách. Đi một hồi thật lâu nữa thì ba người lên tới am Tử Tiêu.
Đứng trên am nhìn xuống núi, cảnh tượng thật là kỳ tuyệt. Huyền Trân thấy cả những đám mây bay phía dưới. Chú Pháp Đăng chỉ cho nàng thấy núi Đông Cứu xa xa. Nhìn về bên phải, nàng thấy biển Nam Hải, eo biển cong như hình một con ngao. Ở đây thật là cảnh tiên, nàng có cảm tưởng là đã xa lánh được vĩnh viễn cõi hồng trần.
Đại sĩ nói với chú Pháp Đăng:
– Sư huynh Bảo Sát đi vắng. Con vào quét dọn bên trong và bên ngoài am đi, rồi hãy pha trà.
Ngài quay lại bảo Huyền Trân:
– Bây giờ ta đưa con lên đỉnh núi.
Đại sĩ Huyền Trân đi vòng bên bàn tay trái để đi lên sau am. Con đường mòn đưa dần lên đỉnh núi. Hai người đi hồi lâu thì tới một ngọn đèo. Ở đây trúc mọc rất nhiều và trên đọt trúc lại có hoa. Đại sĩ cho biết đây là đèo Hoa Trúc. Vượt lên đèo, Huyền Trân theo đại sĩ lên tới đỉnh núi. Đỉnh núi rộng có tới mấy mẫu, trúc và đá chen nhau. Trúc và đá phối hợp thành những cảnh tượng rất ngoạn mục. Lại có cả hai cái ao sen. Các bông sen đã tàn, duy chỉ còn các gương sen vươn thẳng trên mặt hồ.
Huyền Trân theo chân đại sĩ tới ngồi bên một phiến đá rộng, vuông và phẳng. Nàng đã biết là nàng đang ngồi trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử, bên cạnh người cha kính yêu của nàng. Nàng có cảm tưởng là hai cha con nàng đã lên tới cõi trời. Người ta đồn rằng ở đây thỉnh thoảng có các vị tiên trên trời bay xuống để đánh cờ và uống rượu. Phiến đá vuông trên đó nàng đang ngồi với cha hẳn là bàn cờ của các vị tiên.
Đại sĩ ít nói quá, nhưng nhìn vào khuôn mặt hiền từ và trầm lặng của cha, Huyền Trân biết ngài rất vui được ngồi với đứa con thân yêu trên đỉnh núi này. Ở đây chưa có am thất gì hết, nhưng chắc chắn là đại sĩ đã từng lên đây nhiều lần. Sen ở dưới mấy cái ao nhỏ chắc cũng đã do ngài trồng. Huyền Trân đứng dậy nhìn ra bốn phía. Nàng chỉ thấy có trời xanh, và biển cả dàn trải phía xa. Những ngày có mây trên đỉnh núi, có lẽ đứng dậy sẽ không nhìn thấy gì, kể cả trời lẫn biển. Kinh thành Thăng Long nằm về phương Tây, nơi do anh cả của nàng là vua Anh tông và triều thần đang cư trú, nắm giữ vận mệnh của nước, nhưng mà ở đây, trên một phiến đá vuông là ông thầy tu mà toàn dân thương kính. Ông thầy tu mà ngày xưa đã từng đuổi được quân Mông Cổ phía Bắc, trấn an biên thùy phương Tây và đem khúc ruột của chính mình cắt ra mà thiết lập tình hòa giải phương Nam. Ở đây không có ngai vàng, không có thành quách, không có lính tráng. Chỉ có mấy cái am tranh, nhưng mà ở đây có trái tim của đất nước, của đạo pháp, Huyền Trân ngồi xuống và chiêm ngưỡng người cha già đáng kính.
Vừa lúc ấy, đại sĩ quay lại nhìn nàng, trên môi người thoáng một nụ cười hiền hậu. Ngài nói:
– Ta muốn con được gặp sư huynh Bảo Sát của con sáng hôm nay, nhưng con phải đợi thêm vài hôm nữa. Sáng nay sư huynh của con đã được ta phái về kinh sư có chút việc.
Rồi ngài cho Huyền Trân biết sư huynh Bảo Sát phải về kinh đô gấp rút như vậy là vì ngài đã nhờ sư huynh nhắn vua Anh Tông một việc. Ngài đề nghị với vua Anh Tông cho người đưa ba trăm người Chiêm Thành trả về nước họ, để gián tiếp xin lỗi về việc quan thượng thư Trần Khắc Chung đã cướp Huyền Trân đem về Đại Việt.
– Sư huynh con sẽ tới kinh sư ngày mai. Ta có dặn là hãy để cho những người Chiêm ấy về nước mà đừng tiếc, dù trong só đó có những người thợ chuyen môn thật khéo, và ta cũng đã đề nghị với quan gia là nên cho họ về bằng thuyền, và ủy trại chủ Châu hoá đưa họ đi. Ta hy vọng việc này sẽ làm dịu bớt nỗi bất bình của người bên đó.
Huyền Trân xúc động, thì ra người cha yêu quý báu của nàng dù ngồi trên đỉnh núi cao vẫn nghĩ đến tình chung thủy và nghĩa chu toàn. Tại sao người im lặng như thế mà hiểu được cuộc đời một cách thâm sâu như thế? Huyền Trân có cảm tưởng nàng không cần thổ lộ cho cha một tí gì về nỗi lòng của nàng. Nàng không thấy sự cần thiết. Người không hỏi nhưng người đã nhìn thấu. Chắc người cũng đã nhìn thấu được sụ an lạc mới nảy sinh trong lòng nàng từ sáng hôm nay. Một giọt nước chầm chậm hình thành trên mi nàng. Giọt nước mắt ấy, long lanh như một hạt châu, đã lâu lắm mới đủ sức nặng để rơi xuống. Huyền Trân mỉm cười thật nhẹ. Có lẽ đây là giọt nước mắt đầu tiên của loài người đã rơi xuống trên phiến đá tiên, nhưng đây không phải là một giọt lệ đau thương. Đây là một giọt lệ sung sướng.