Am mây ngủ – Chương 3
Hai bên đường từ kinh sư đến chân núi Yên Tử, những hàng thông do Thượng hoàng ra lệnh trồng xuống từ mười năm trước đây đã lên cao và xanh tốt. Đó là lần đầu Huyền Trân được về núi Yên Tử. Nàng có đức tin rất vững chải nơi Thượng hoàng, cho nên nàng nghĩ rằng những lời dạy của cha sẽ rất cần thiết cho cuộc đời của nàng sau này. May cho công chúa là lúc ấy Trúc Lâm đại sĩ vì có Phật sự nên từ am Đỉnh Trúc trên ngọn Ngọa Vân, đã về tới am Long Đông ở lưng chừng núi, nên nàng không phải leo trèo nhiều. Thượng hoàng đã nói chuyện với con thật lâu bên bờ suối. Hai cha con ngồi trên hai phiến đá đối diện nhau.
Phụ hoàng bảo Chiêm Thành không phải là một nước di dịch như nhiều người trong nước ta lầm tưởng. Chiêm Thành có một nền văn minh khá cổ, chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Trúc nhiều hơn văn hóa Đông đô.
Ngài nói rằng vua Chế Mân là một thanh niên anh tuấn, có vũ dũng mà cũng có văn học. Tuy Harijit không biết chữ Nho nhưng chàng rất thông thạo Phạn ngữ. Ở Chiêm Thành, Phạn ngữ cũng quan trọng như chữ Nho ở Đại Việt. Trong thời gian gần tám tháng lưu lại kinh đô Phật thệ, ngài thấy cái nhìn của ngài về nước Chàm thay đổi hẳn. Ngài rất yêu mến Harijit, và muốn coi chàng như vua Anh Tông con ngài. Harijit lên ngôi từ năm Ất Dậu, và đã từng có Hoàng hậu. Đó là một nàng công chúa xứ Qua Oa tên là Tapasi; bà đã sinh hạ được hai vị hoàng tử, nhưng Hoàng hậu đã qua đời. Năm nay Chế Mân mới vào khoảng bốn mươi, lớn hơn vua Anh Tông chừng mười tuổi. Dân Chàm rất thương yêu Harijit. Thượng hoàng bảo công chúa:
– Ta tin rằng sau khi về Chàm con cũng được dân chúng thương mến như họ đã từng thương mến Harijit. Ta có thể nói chắc với con điều đó. Nếu con để hết tâm lực của con vào thì con có thể xây dựng thật nhiều cho vương quốc này và tạo được mối cảm tình bền chặt giữa hai nòi Chiêm và Việt.
Huyền Trân nhìn dòng nước đang len lỏi qua những tảng đá dưới lòng suối và nghĩ những lời nói vừa rồi của Thượng hoàng. Lát sau, nàng nghe Thượng hoàng gọi nàng và bảo:
– Con hãy đưa bàn tay của con lên quan sát thử xem.
Huyền Trân đưa bàn tay trái của mình lên nhìn. Cổ tay nàng nhỏ; bàn tay nàng mịn màng và có những ngón tay thuôn dài dịu dàng như những búp măng non. Thượng hoàng nói tiếp:
– Con hãy nhìn thật lâu và nói cho ta biết là con có nhìn thấy ta trong bàn tay của con không?
Công chúa đột nhiên phát giác ra rằng bàn tay của nàng là do Thượng hoàng và Thái hậu mà có và sự có mặt của bàn tay này không khác sự có mặt của Thượng hoàng và Thái hậu. Cái thấy đến với nàng mau như một tia chớp giật. Chưa bao giờ công chúa nhìn bàn tay mình với một cái nhìn thấu triệt đến thế. Nàng thưa với Thượng hoàng:
– Thưa Phụ hoàng, con có nhìn thấy.
– Không những ta và mẹ con có mặt nơi bàn tay con mà cả giống nòi và đất nước này cũng có mặt nơi bàn tay con. Con ở đâu thì ta ở đó, con làm gì thì ta làm cái đó và dân tộc con làm cái đó. Con hãy ghi nhớ điều này cho cẩn thận. Con về Chàm cũng như ta về Chàm, và ta trông cậy hoàn toàn nơi con để tránh cho hai dân tộc những cuộc đao binh sau này.
Những lời nói của Thượng hoàng làm nẩy sinh một niềm thương cảm và một sự quyết tâm nơi lòng công chúa.
Những lời ấy cũng lại như nước mát dội vào tâm não căng thảng và nóng bừng của nàng. Huyền Trân cảm thấy những lo âu thắc mắc của mình đã tiêu tán; nàng tự nguyện sẽ làm hết sức mình để khỏi phụ lòng trông đợi của cha, của anh và của cả nước. Nàng theo Thượng hoàng vào am để lạy Phật. Nhân dịp viếng thăm này, nàng được Thượng hoàng giới thiệu với một vị tăng sĩ trẻ tuổi là Pháp Loa. Ngài cho biết đó là một vị đệ tử mới của ngài, và ngài bảo nàng gọi ông là sư huynh. Nói chuyện với vị sư huynh này, Huyền Trân biết ông còn là sa di. Ông sẽ được thọ đại giới vào ngày rằm tháng bảy sắp tới. Thượng hoàng có vẻ yêu mến người đệ tử trẻ tuổi này lắm.
Thấm thoát mà năm Ất Tỵ sắp qua và mọi người đã chuẩn bị ăn Tết Bính Ngọ. Cái Tết này là cái Tết quê hương cuối cùng của mình đây, Huyền Trân nghĩ. Ngày Nguyên Đán, khi được nghe vua Anh Tông mừng tuổi, công chúa biết là mình đã lên mười chín. Vua Anh Tông cho nàng biết là lễ cưới sẽ được cử hành vào tháng sáu chứ không phải vào tháng hai như đã định năm ngoái. Càng hay, nàng lại có thêm thì giờ để học tiếng Chàm và để sống với tất cả tâm hồn từng ngày từng giờ còn lại của cái nếp sống Đại Việt quý báu. Bẩm tính thông minh, nàng học tiếng Chàm rất chóng. Vị giao sư người Chàm của nàng cũng là một nhạc sư. Ông rất giỏi Phạn ngữ. Ông đã kể cho Huyền Trân nghe cổ tích Mahabharata, trước tiên bằng tiếng Đại Việt, rồi ông lặp lại bằng tiếng Chiêm. Ông cũng đã dạy cho công chúa hát vài bản nhạc Chiêm Thành. Ông sử dụng một cây đàn Chiêm năm dây trong khi ông hát. Ông cũng sử dụng ống sáo, trống và tù và. Ông có dạy cho nàng học một số bài thơ Chàm. Ông lại cho nàng xem những tập sách Phạn ngữ đóng bằng lá buông, trông giống như những tập kinh Phật mà nàng đã thấy một lần ở chùa Tư Phúc.
Mồng mười tháng sáu năm ấy, phái đoàn Chiêm Thành qua để làm lễ rước dâu. Phái đoàn này rất đông, có mang theo cờ quạt, kiệu rước, một đoàn âm nhạc và nhiều thị nữ. Thượng hoàng có xuống núi để tiễn đưa công chúa. Sau khi lạy Thượng hoàng, Thái hậu Tuyên Từ và vua, công chúa lên đường. Nàng đem theo hai người hầu, Thị Khanh và Thị Ngọc. Công chúa không đem theo người thông ngôn bởi vì tiếng Chàm của nàng đã tạm đủ để diễn đạt ý mình. Nàng chỉ đem theo một hòm xiêm y và một hòm sách vở, trong đó có những tập sách Phật của Thượng hoàng biên soạn và những tạp thi, văn và sử mà thầy học nàng là Văn Huệ Vương ban tặng.
Cuộc hành trình kéo dài hơn một tháng trời, ngày đi đêm nghỉ. Có rất nhiều sứ quán dọc đường, trạm nào cũng có đủ những tiện nghi như bếp núc và lửa củi, Huyền Trân nhớ có lần kiệu vượt một cái đèo cao, từ trên nhìn xuống cảnh mây nước bao la thật hùng vĩ. Đám rước càng về tới gần kinh đô Phật Thệ thì càng đi chậm lại bởi vì dân chúng tụ họp hai bên đường đón tiếp rất đông. Cờ biểu được trương ra và đoàn nhạc vừa đi vừa biểu diễn đàn, sáo, tù và và trống. May cho nàng trong những ngày ấy trời không mưa. Bây giờ mới là tháng bảy theo lịch Đại Việt nhưng ở đây đã là tháng tám, vào giữa mùa gặt lúa. Trai gái làm việc giữa đồng, đông đảo. Thấy đám rước đi qua ai cũng ngừng tay, đứng dậy để nhìn; hoặc nếu ruộng ở gần thì họ chạy lại đứng bên đường để đón kiệu đi qua. Khi quân hầu báo là sắp tới thành Vijaya, tức là kinh đô Phật Thệ, Thị Khánh và Thị Ngọc bắt đầu lo việc trang điểm lại cho công chúa. Huyền Trân vừa hồi hộp mà cũng vừa tò mò. Nàng luôn luôn nhìn ra ngoài kiệu để quan sát. Thỉnh thoảng nàng thấy những tòa tháp lớn xây dựng trên một đỉnh đồi, kiến trúc rất lạ. Dân chúng ăn mặc không giống như ở Đại Việt. Có rất nhiều người mặc xiêm y bằng lụa hai ba màu trông rất đẹp. Nàng thấy nhiều ruộng muối trắng xóa, tương tợ những ruộng muối miền Hải Dương nhưng bao la hơn. Ruộng đồng cũng tương tợ như ruộng đồng ở Đại Việt. Nàng thấy những con đập dẫn nước vào ruộng, và có cảm tưởng rằng dân Chàm rất am tường về nghề nông.
Từ trong thành Vijaya, một đám rước lớn đang tiến ra để đón phái đoàn. Một đàn voi có phủ lụa nhiều màu, trên đầu voi những người nài đầu chít khăn đỏ chói nhưng thân hình lại ở trần. Hai bên là quân lính đi kèm, y phục sặc sỡ. Đoàn voi dừng lại. Công chúa được rước từ kiệu khiêng sang kiệu voi có lọng ba tầng che phủ. Nhạc nhã vang lừng. Dân chúng đổ xô ra hai bên đường để xem, đông không biết bao nhiêu mà kể.
Đám rước về đến nội thành thì trời đã xế trưa. Vua Chế Mân thân hành ra đón công chúa ở trước sân điện. Con voi mang kiệu công chúa qùy xuống, các thị nữ người Chàm đỡ công chúa ra khỏi kiệu. Ngước mắt nhìn lên, Huyền Trân thấy cung điện nguy nga, kiến trúc lạ kỳ, xây dựng toàn bằng đá ong và gạch nung. Trước sân điện, có hai hàng voi đá và nghê đá. Quân sĩ đứng dàn ra hai bên để vua Chàm tiến đến. Công chúa Huyền Trân chắp tay cúi đầu chào vua theo kiểu Đại Việt. Vua đáp lễ. Đây là Jaya Simhavarman đệ tam, công chúa nghĩ. Chàng cao hơn vua Anh Tông, thân hình vạm vỡ nhưng nước da hơi sậm. Vua mặc áo lụa thêu chỉ vàng, trên đầu đội một cái mũ cao có trang trí nhiều bông hoa làm bằng kim tuyến, trên mũ có một cái chóp bằng lụa trắng. Một người lính hầu đứng sau che lọng cho vua. Vua quay lại truyền thị nữ đưa công chúa vào nội điện để giải khát.
Những ngày kế tiếp là những ngày thật từng bừng của cả kinh đô Vijaya. Không những trong cung điện mà ở khắp kinh thành thiên hạ đều có giăng đèn kết hoa rực rỡ. Lễ đăng quang của Hoàng hậu được toàn dân hăng hái tham gia khiến cho Huyền Trân thấy được niềm kính ái lớn lao của dân chúng Chàm dàng cho ông vua của họ. Ngày lễ đăng quang, nàng được phong hiệu là Hoàng hậu Paramesvari. Vua truyền dựng ngay một bia đá ở Posah để ghi lại sự kiện lịch sử này.
Suốt ba ngày ba đêm, cả nước mở hội ăn mừng. Nhã nhạc vang lừng cung điện. Đêm thứ nhất, một đoàn kịch nhạc trình diễn ngay trên sân điện, kịch bản Mahabharata dưới ánh đuốc sáng rực trời. Quần chúng tụ họp đông đảo. Vua và Hoàng hậu ngồi trên đài cao có mái che. Đêm thứ hai, đoàn hát trình diễn tuồng Ramayana. Huyền Trân chưa được biết cốt truyện này cho nên Harijit phải giải thích sơ lược cho nàng trong suốt buổi trình diễn. Đêm thứ ba vũ nữ Chiêm Thành trình bày những vũ khúc dân tộc. Vũ nữ Chiêm Thành không ăn mặc tha thướt như ở Đại Việt. Những cánh tay trần và những bắp chân trần của họ được trang phục bằng những chuỗi hạt cườm, cổ và bụng cũng vậy. Thân hình họ uyển chuyển, điệu múa của họ rất mềm, nhất là những cánh tay của họ. Ban đầu Huyền Trân cảm thấy hơi bỡ ngỡ, nhưng ngay sau đó nàng thấy được tất cả cái đẹp của vũ nghệ Chiêm Thành. Nàng say mê nhìn. Những ngày hội hè qua và lễ đăng quang chấm dứt.
Ngay trong ngày đầu gặp vua, nhìn vào hai mắt vua, Huyền Trân biết là mình đẹp. Nàng làm cho vua Chàm ngạc nhiên hết sức khi nói những lời đầu tiên với vua bằng tiếng Chàm. Nàng đã luyện giọng thật kỹ với vị giáo sư của nàng về những câu nói mà nàng định nói trước tiên với người. Nét mặt vua lộ vẻ hân hoan không ai không trông thấy. Vua dặn nàng trong những lúc không có kẻ thứ ba thì cứ gọi vua là Harijit. Tên đó, dân chúng cũng thường dùng để nói tới chàng.
Trong lòng người công chúa Đại Việt, tình yêu đối với ông vua Chàm nảy nở rất mau chóng. Harijit không bao giờ bỏ lãng việc triều chính, nhưng trong những thì giờ còn lại vua cứ quấn quít bên nàng. Thị Khanh và Thị Ngọc vì tiếng Chàm còn yếu nên không giúp đỡ được gì nhiều cho Huyền Trân; trái lại thỉnh thoảng còn nhờ nàng làm việc thông dịch cho họ. Huyền Trân xin với vua cho hai người thị nữ này được học thêm tiếng Chàm để đủ sức giao tiếp với các cung nhân và với những người trong nội thành. Cùng một vài cung nhân thân cận, nằng bắt đầu đi thám sát khắp nơi trong nội cung, hỏi han về công dụng của từng ngôi nhà, từng phòng ốc, và bắt đầu sắp đặt cuộc sống trong cung điện.
Vua Chế Mân thường đi du hành trong nhân gian để thị sát và để nghe góng dân tình. Huyền Trân được theo vua trong nhiều chuyến đi như thế. Tại kinh đô Vijaya, được vua cho đi xem bốn ngôi tháp nổi tiếng: Tháp bạc, tháp vàng, tháp đồng, và tháp ngà. Vua lại đưa Huyền Trân tới xem một ngôi tháp lớn mà vua mới xây dựng xong ở kinh đô: đó là tháp Po Klaung Garai mà vua rất đắc ý. Tháp rất cao, phía trên có tới hàng mấy mươi mái bầu, trang trí cực kỳ mỹ lệ. Vua cho nàng biết là vua cũng đang xây tháp Yang Prong ở miền cao nguyên Darlac.
Huyền Trân đã đi thăm nhiều tháp. Những tháp này đều có thờ kinga tức là một trụ đá trần, đặt trên một phiến đá khác là yoni; một tượng trưng cho dương, một tượng trưng cho âm. Vua nói cho Huyền Trân biết là đá linga bao giờ cũng nằm ở vị trí trung tâm của tháp, và những tháp này thuộc về Ấn Độ giáo tức là Bà La Môn. Ba vị thần linh của tôn giáo này là Brahma, Visnu và Siva tức là Tam Bảo của Ấn Độ giáo. Huyền Trân nhận ra rằng Brahma là Phạm Thiên. Harijit nói rằng ngày xưa dân chúng theo Phật Giáo rất đông đảo nhưng bây giờ thì hai phần ba dân tộc Chiêm đã ngả theo Ấn Độ giáo. Biết Hoàng hậu là người đạo Phật, vua đã đưa nàng đến ngôi chùa lớn nhất ở kinh đô Vijaya, để nàng lạy Phật. Ở đây người ta gọi chùa là vihara; các tăng sĩ mặc y màu cam chứ không phải mặc tràng nâu như ở Đại Việt. Huyền Trân nhận thấy trong chánh điện ngoài tôn tượng đức Phật Thích Ca còn có tượng đức Quan Thế Âm mà ở đây các thầy gọi là Lahshmindra – Lokesvara. Vị sư trưởng ở Vihara cho Hoàng hậu biết là ở cố đô Indraprura miền Bắc nước Chàm, phía Nam đèo mây, có một tu viện Phật Giáo rất lớn, thành lập cách đây hơn bốn trăm năm, và hiện có gần hai trăm tăng sĩ tu học. Tu viện này hiện đã bắt đầu hư nát, cần được tu bổ. Huyền Trân ở lại chùa, nghe các thầy tụng kinh. Họ tụng kinh toàn bằng tiếng Phạn, tuy vậy khi họ tụng đến thần chú Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm thì nàng cũng nhận ra được, bởi vì nàng đã thuộc lòng thần chú này, tuy cách phát âm tiếng Phạn của người Việt rất là sai khác.
Những chuyến đi mà Huyền Trân ưa thích nhất là những chuyến đi thị sát về đời sống dân dã ở thôn quê. Trong những chuyến đi này, nàng được tiếp xúc thẳng với người dân Chàm. Nàng được đi thăm các ruộng lúa, các ruộng muối, các nhà dệt lụa, các làng đánh cá. Huyền Trân nhận ra rằng bờ biển Chiêm rất nhiều cá và dân Chàm là những ngư dân thiện nghệ. Họ chế tạo những chiếc ghe nhẹ có thể đi rất mau trên biển. Người dân Duyên Hải nào cũng bơi lội giỏi, cũng là những thủy thủ khéo léo. Harijit cho nàng biết cũng vì lẽ đó mà Chiêm Thành có một lực lượng hải quân rất hùng hậu. Quân lính Chiêm Thành, vua nói, chỉ được cấp gạo ăn và áo mặc mà không được trả lương. Trong thời bình, họ xây đắp tường lũy bằng gạch và tháp canh bằng đá để bảo vệ các miền đông dân cư. Huyền Trân dã được nói chuyện với các bô lão, với ngư dân, với các nàng thợ dệt, và các em bé. Chỉ có những người khá giả mới đi giày dạ, còn phần đông đều đi chân đất. Y phục của người dân thường được làm bằng một thứ vải lục gọi là ki pê i. Đàn bà và con gái cũng có xâu lỗ tai và đeo khoen bạc hoặc đồng. Đàn bà lớn tuổi thì búi tóc trên đỉnh đầu. Nhà cửa của dân quê có vẻ chắc chắn hơn ở miền quê Đại Việt, bởi vì rất nhiều nhà được xây bằng gạch nung trét vôi. Nhà cửa của kẻ khá giả có cả sân thượng, gọi là kan lan. Những người nghèo lắm thì ăn mặc rất đơn giản: Họ chỉ quấn một tấm ki pê i.
Nhận thấy nhiều trẻ em bị đau mắt nhặm, nàng xin với vua chế tạo một thứ thuốc trị đau mắt mà nàng đã học được ở Đại Việt. Trong những chuyến đi kế tiếp, nàng thường đem thuốc ấy đi theo, và mỗi khi gặp trẻ em đau mắt, nàng thường bảo nấu nước muối rửa mắt cho chúng rồi tự tay lấy thuốc đau mắt bôi cho các em. Mỗi lần như thế, vua Chế Mân kiên nhẫn chờ nàng làm xong công việc rồi mới tiếp tục cuộc du hành. Huyền Trân sung sướng lắm. Ở Đại Việt ít khi nàng được ra khỏi cung cấm. Lần về thăm quê ở Hải Dương, nàng có được tiếp xúc trực tiếp với dân quê và chơi đùa với trẻ em bách tính đâu.
Harijit cho nàng biết là ở Chiêm Thành có hai thị tộc lớn là thị tộc cây dừa và thị tộc cây cau. Hai thị tộc này ngày xưa đã từng xung đột nhau trong hàng trăm năm để giữ ưu thế, và nhiều cuộc đổ máu đã từng xảy ra vì thế. Nhưng bây giờ hai bên đã thỏa hiệp. Thị tộc cây dừa ngày xưa chiếm lãnh miền Bắc, lập kinh đô ở phía bắc đèo Mây, gọi là kinh đô Indraprura, còn thị tộc cây cau thì chiếm lãnh miền Nam, làm bá chủ vùng Panduranga.
Tết Chiêm Thành nhằm đúng vào ngày mồng một tháng mười một của lịch Đại Việt. tại kinh đô Vijaya, ngày Tết được tổ chức thật linh đình. Trước hoàng cung, lính ngự lâm dựng rạp để làm lễ. Rạp chứa được cả vạn người. Khắp nơi đều có treo đền kết hoa. Tối ngày mồng một, vua và Hoàng hậu ngự trên đài cao để xem đốt pháo thăng thiên. Pháo bay rất cao, cả kinh đô đều trông thấy. Tiếng pháo nổ lớn như súng bắn đá làm rung chuyển cả kinh kỳ. Khắp nơi dân chúng tổ chức các cuộc vui như đua thuyền, leo cột mở, đấu vật, chọi gà, đấu voi, múa hát và trình diễn kịch tuồng. Vua đưa Hoàng hậu tới dự những cuộc vui dân dã. Huyền Trân nhận thấy một số điệu hò vò vẻ quen thuộc, phảng phất âm hưởng Đại Việt. Nàng chợt nhớ ra rằng trong quá khứ có nhiều điều hát và điệu vũ tại Đại Việt đã được các vua Lý đem từ Chiêm Thành về. Thầy học của Hoàng hậu ngày xưa đã có dạy nàng điều đó. Vua Chế Mân nói cho hoàng hậu nghe về những “tọ” tức là những điệu hát Chàm, như tọ mư yút, tọ tầm mư, tọ ra dao v.v… Nàng thấy dân quê sử dụng các thứ đàn rasap và đàn kanh tương tự như đàn nhị của người Việt. Đàn campi thì giống như đàn tranh, và đàn kaping thì lại giống đàn bầu. Người Chàm cũng dùng trống kinang tương tự như trống cơm của Đại Việt. Đêm nào tại rạp dựng trước hoàng cung cũng có một đoàn ca vũ hoặc kịch nghệ trình diễn và đêm nào dân chúng cũng quy tụ rất đông đảo, vòng trong, vòng ngoài chật ních. Tết Chàm cứ thế kéo dài cho đến mười ngày mới hết.
Trong cung, vào những ngày rỗi rãi quốc sự, vua Chế Mân thường kể cho Huyền Trân nghe về lịch sử Chiêm Thành. Vốn là một người con gái ưa học hỏi, vị Hoàng hậu trẻ lắng nghe rất chăm chú khiến cho vua lại càng ưa tâm tình với nàng. Vua kể cho Huyền Trân nghe cuộc kháng chiếng chống quân Nguyên của vua và của Thượng hoàng Indravarinan đệ ngũ. Hồi đó, Huyền Trân chưa sinh. Năm nàng sinh là năm Mậu Tí, tức là năm Đại Việt vừa đánh bại được đạo quân xâm lăng của Hốt Tất Liệt. Tên Harijit của chàng có nghĩa là con sư tử chiến thắng. Theo Harijit thuật lại thì vào năm Nhâm Ngọ, vua nhà Nguyên sai tướng là Toa Đô sang đánh Chiêm Thành. Toa Đô muốn mượn đường Đại Việt để đi, nhưng vua Nhân Tông không cho, cho nên đã dùng đường biển. Hơn một ngàn chiến thuyền ra đi từ Quảng Châu đến đổ bộ trên bờ biển Chiêm Thành. Hồi đó Harijit chưa lên ngôi nhưng chàng đã mười tám tuổi rồi, và thái độ cương quyết chống Nguyên của chàng đã làm cho chàng trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến. Chàng ra lệnh đốt hết kho lúa, tập hợp quân binh trên rừng núi và tổ chức kháng chiến. Quân lính của Toa Đô bị thua nhiều trận đến thất điên bát đảo, trong khi đó viện binh của Ô Mã Nhi do vua Nguyên gởi tới lại bị chặn đứng ở biên giới Nguyên Việt. Năm Giáp Thân, Thoát Hoan đem quân sang đánh Đại Việt; năm sau Toa Đô được lệnh rút quân ra khỏi Chiêm Thành, đi lên miền Bắc để yểm trợ cho Thoát Hoan. Do đó mà Chiêm Thành thoát ách đô hộ của quân Mông Cổ.
Huyền Trân kể cho vua Chế Mân nghe về cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ của dân Đại Việt, với thật nhiều chi tiết. Thầy học của nàng là Văn Huệ Vương đã dạy nàng rất kỹ về giai đoạn lịch sử này; ông đã sống qua giai đoạn đó và đã từng quen với hầu hết những anh hùng của cuộc kháng chiến. Vua Chế Mân say mê nghe nàng nói, và thỉnh thoảng chen vào để hỏi thêm một vài chi tiết. Huyền Trân nói tướng Trần Hưng Đạo là ông ngoại của nàng, và tướng Trần Quang Khải là thân sinh của thầy học nàng.
Nhờ nói chuyện với vua mà nàng biết được rằng Chiêm Thành đã nhiều lần bị các nước chân Lạp và Đại Việt xâm chiếm. Năm Ất Sửu, tức là khoảng một trăm sáu mươi năm về trưóc. Chân Lạp đã qua xâm chiếm kinh thành Vijaya và đô hộ nước Chàm trong suốt bốn năm … Ba mươi hai năm sau, Chiêm Thành quyết chí phục thù và đã đưa quân sang xâm chiếm kinh đô Angkor. Giết vua Chân Lạp và cũng thiết lập một nền đô hộ trên đất này trong bốn năm. Rồi cách đây đúng một trăm lẻ sáu năm, vua Jayavarman đệ thất của Chân Lạp lại đưa quân sang xâm chiếm Chiêm Thành và trong suốt mười bảy năm đã biến cải toàn nước Chàm thành những quận huyện Chân Lạp, khiến Chiêm Thành phải tranh đấu kịch liệt lắm mới dành lại được quyền tự chủ. Nước Đại Việt cũng đã từng gây nhiều khổ đau cho dân tộc Chàm. Vua Lê Đại Hành từng đem quân xâm chiếm kinh dô Indrapura, đốt phá thành trì, lăng miếu, bắt trên một trăm cung nữ, và chiếm lấy không biết bao nhiêu vàng bạc và châu báu. Vua Chàm là Indravarman đệ tứ phải bỏ chạy vào Nam. Cũng từ đó, kinh đô của nước Chiêm được xây dựng tại Vijaya. Vua Lý Thái Tổ cũng đã từng qua xâm chiếm Chiêm Thành, giết vua Jaya Simhavarman đệ nhị, bắt ba mươi thớt voi, năm ngàn tù nhân, tiến quân vào Vijaya, bắt Hoàng hậu My Ê và trọn cả đoàn ca vũ Chiêm Thành về nước. Lần đó quân Đại Việt đã chém giết hung bạo, xác của thường dân Chàm chất đống đầy đồng. Cuộc xâm lăng thứ tư là do Lý Thánh Tông cầm đầu với công phụ tá của tướng Lý Thường Kiệt. Vua Thánh Tông cũng chiếm cứ Vijaya, bắt năm vạn quân Chiêm làm tù binh và sai tướng Lý Thường Kiệt đuổi theo vua Ruhravarman đệ tam tới tận biên giới Chân lạp và bắt được vua này đem về Đại Việt. Sau khi hứa dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh ở miền Bắc Chiêm Thành cho Đại Việt, vua được thả về Chiêm. Sự kiện tàn ác nhất trong cuộc xâm lăng này là quân Đại Việt đã được lệnh đốt hết tất cả nhà cửa của dân gian trong nội thành Phật Thệ.
Harijit kể lại tất cả những điều đó với một giọng trầm buồn. Hoàng hậu Paramesvari ôm mặt khóc. Nàng không ngờ giữa hai nước Chiêm Việt đã có những giai đoạn lịch sử đau thương đến thế. Hồi còn bé, Huyền Trân đã được nghe nói về những cuộc chiến tranh Chiêm Việt, và nàng cứ nghĩ rằng tất cả tội lỗi là do người Chàm gây nên. Nàng biết rằng Đại Việt có quyền đem quân ra biên giới để dẹp những cuộc khiêu khích và phá rối của người Chàm, nhưng không ngờ là các cuộc chinh phạt đã xảy ra lớn lao như thế. Có thể là người Chàm hiếu chiến và ưa khiêu khích thật nhưng điều này có thể phát sinh từ một mối căm hận lâu đời. Họ khó mà quên được rằng một phần đất của đất nước họ nay trở thành lãnh thổ Đại Việt. Qua những biến cố lịch sử mà nàng mới được nghe, Huyền Trân thấy được ước muốn thâm sâu của đồng bào nàng trong việc mở mang bờ cõi về phương Nam. Nàng nghĩ đến hai châu Ô và Ri vừa mới được chuyển nhượng sang cho Đại Việt. Nàng biết tuy Thượng hoàng và vua Anh Tông không nghĩ đến cái lợi đó khi cho nàng về với vua Chiêm, nhưng biết bao nhiêu quan chức trong triều đinh đã nghĩ đến cái lợi đó. Quan Nhập Nội Thành Khiển Trần Khắc Chung nghĩ đến đã đành, mà quan Tham Tri Chính Sự Đoàn Nhữ Hài tuy lúc đầu chống đối chuyện hôn nhân của nàng cũng đã nghĩ đến. Huyền Trân vừa về được bốn tháng mà đã cảm thấy mình là người Chiêm rồi. Dòng máu Đại Việt còn luân lưu trong huyết quản của nàng, nhưng nàng đã bắt đầu thương mến dân Chàm như là thương mến dân Việt. Nàng thấy sự sống của người dân Chàm không khác gì sự sống của người dân Việt, cả hai dân tộc cùng đau những nổi đau như nhau, cùng buốn những nỗi buồn như nhau, cùng ao ước những nỗi ao ước như nhau. Trái tim nàng đã hé mở, đã bao dung được cả hai dân tộc. Thượng hoàng năm xưa đã ở lại đất Chàm gần tám tháng, chắc chắn trái tim của Thượng hoàng cũng đã mở ra và từ đó ngài đã thương dân Chàm như chính dân mình. Đó là một trái tim của người con Phật. Trái tim của Huyền Trân hiên đang đập một nhịp với trái tim của vị thiền sư núi Yên Tử. Trái tim của nàng đã trở thành trái tim của Thượng hoàng. Trong giờ phút đó, bỗng nhiên Huyền Trân thấy được tất cả tầm quan trọng của sứ mệnh nàng: Phải làm sao duy trì bồi đắp nền hòa bình Chiêm Việt, tránh cho dân của cả hai nước những cuộc tàn hại như trong quá khứ.
Nàng lau khô nước mắt, và ngước nhìn lên vua Chiêm, nàng nói cho Harijit biết ý tưởng đó của nàng. Vua Chiêm hiểu được tâm trạng của nàng công chúa Đại Việt, và cầm lấy tay Hoàng hậu, trang trọng như đang nắm giữ một vật gì quý báu nhất đời.
Đầu tháng Chạp năm ấy Huyền Trân thấy trong người khó ở. Vua Chế Mân cho mời ngự y vào chẩn bệnh cho Hoàng hậu. Ngự y cho biết là Hoàng hậu bắt đầu thai nghén. Vua mừng rỡ, lại càng cưng quý Huyền Trân hơn, Hoàng hậu mong sẽ hạ sinh được một hoàng nam để nối chí Thượng hoàng và cũng để nối chí của chồng. Huyền Trân biết đứa con của nàng sau này sẽ không làm vua nước Chiêm Thành, bởi vì vua Chàm đã có tới hai thái tử, và thái tử đầu đã được phong làm Đông Cung. Tên chàng là Harijitputra, nghĩa là người con của sư tử chiến thắng, Harijit năm ấy đã lớn. Đó là một người con trai dễ thương, mang trong mình hai dòng máu Chiêm Thành và Qua Oa. Huyền Trân đã nói chuyện nhiều lần với thái tử và tuy đã hai mươi hai tuổi, thái tử rất cung kính đối với nàng. Trong những buổi trao đổi chuyện trò với thái tử, Hoàng hậu thương nhân cơ hội để gieo vào lòng người con trai này những hạt giống thân hữu và hòa bình.
Vua Jaya Simhavarman đệ tam có nói với Huyền Trân rằng dù Hoàng hậu sinh con trai hay con gái thì vua vẫn mừng rỡ như nhau. Khi biết được rằng Huyền Trân mong ước sinh con trai, vua ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
– Nếu Hoàng hậu sinh con trai ta sẽ đặt tên cho thế tử là Dayada. Rồi vua cho Huyền Trân biết tên đó có nghĩa là con trai, là hậu dệu, là người nối dõi. Hoàng hậu rất bằng lòng tên ấy.
Năm sắp hết và Tết sắp đến, Hoàng hậu bàn với Thị Ngọc và Thị Khanh về việc thiết lập trong cung một bàn thờ tổ tiên đế cúng lễ vào ngày Nguyên Đán Mậu Thân. Ở Chiêm Thành, dân chúng không ăn Tết Nguyên Đán theo truyền thống Đại Việt. Huyền Trân chưa bao giờ thấy nhớ nhà nhớ nước như thế. Nàng bảo Thị Khanh đi tìm những vật liệu để nàng làm bánh chưng và bánh dày cúng tết. Đêm Giao thừa, Huyền Trân thức với hai người thị nữ. Ba người nhắc cho nhau ghe những câu chuyện Tết thời trẻ thơ. Họ nói chuyện thân mật như ba chị em, và tuy hai thị nữ gọi tên Huyền Trân là lệnh bà, họ cũng không thấy có gì ngăn cách tình thân giữa họ và Hoàng hậu. Ba người nói chuyện với nhau cho đến Giao thừa mới đứng dậy làm lễ tổ tiên. Huyền Trân vọng bái về phương Bắc, tưởng nhớ đến Thượng hoàng, và tất cả những người thân. Hai cô thị nữ cũng bắt chước nàng. Trong giờ phút đó, họ có cảm tưởng rất gần gũi quê hương.
Huyền Trân đã hứa cho Thị Khanh về nước vào tháng sáu năm Mậu Thân để lập gia đình. Thị Ngọc thì tình nguyện ở mãi bên cạnh Hoàng hậu. Ngọc đã từng lấy niềm vui của Huyền Trân làm niềm vui của mình và đã quen săn sóc nàng như săn sóc cho một người chị. Được Huyền Trân hỏi về chuyện gia đình. Ngọc đã lắc đầu mỉm cười. Cuối cùng Ngọc đã thưa với Hoàng hậu là nếu cần, nàng sẽ lấy chồng Chiêm Thành để có thể mãi mãi được gần Hoàng hậu.
Huyền Trân đã học chữ Devanagari và đã đọc được những bản văn dharmasastra bằng tiếng Phạn. Nàng cũng đã học đọc và viết chữ khar – tapuk, một thứ chữ được thường dân sử dụng, cũng viết từ trái sang phải như chữ Phạn chứ không phải viết từ trên xuống dưới như ở Đại Việt. Nàng dạy cho Thị Ngọc học thứ chữ này, thông dụng cũng như chữ Nôm ở Đại Việt. Chữ Phạn thì chỉ có giới trí thức và quý tộc mới biết đọc và biết viết mà thôi.
Một hôm đi Panduranga, thị sát việc xây tháp Po Klaung Garai về, vua Chế Mân lên cơn sốt. Huyền Trân cho gọi các ngự y vào chẩn mạch cho vua. Ngự y nói là vua bị cảm cúm, bảo cung nhân đánh gió cho vua. Hoàng hậu tự tay đi nấu cháo cảm và mang đến cho Harijit. Vua húp được nửa bát, chảy mồ hôi, và thấy khỏe, nhưng sáng hôm sau, vua lên cơn sốt trở lại. Cơn sốt kéo dài và vua nói mình mẩy vua đau nhức như dần. Các ngự y lại được triệu vào. Nhiệt độ của vua lên rất cao, và vua đã nói mê trong cơn sốt. Huyền Trân hoảng hốt. Các ngự y chầu chực trong ba hôm liền mà vua vẫn mê man không tỉnh. Người ta cạy miệng vua để đổ thuốc vào, nhưng không đẩy lui được cơn bệnh. Hoàng hậu thức suốt ba đêm bên giường ngự. Thị Khanh và Thị Ngọc khẩn khoản xin nàng đi nghỉ để họ thay thế, nàng cũng không nghe. Những lương y nổi tiếng, kể cả mấy vị lương y Tây Trúc cũng được mời vào cung tham vấn. Ai cũng lắc đầu trước tình trạng vua. Triệu chứng của bệnh vua tương tự như triệu chứng của bệnh thương hàn, nhưng thuốc thương hàn ngự y đem dâng đã không có hiệu quả nào. Vào giữa khuya ngày mồng bảy tháng năm, vua băng.