Người thầy, người đồng hành thông thái
Shantum Seth, một đệ tử cư sĩ người Ấn Độ được Thầy truyền đăng năm 2001 trong Đại giới đàn Kỷ Nguyên Mới, người đã giúp tổ chức rất nhiều chuyến hành hương, nhiều khóa tu tại Ấn Độ cho Thầy và tăng thân. Bài viết dưới đây chia sẻ những kỷ niệm của chú từ những ngày đầu tiên gặp Thầy và được học hỏi giáo pháp.
BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.
Tôi gặp Thầy lần đầu vào năm 1987, Thầy 61 tuổi, trẻ hơn tôi hiện tại. Vậy mà ngay từ lúc ấy cho đến bây giờ, tôi luôn cảm thấy Thầy đã đến được nơi cần đến, dù là trên con đường đạo Bụt dấn thân hay trên con đường giác ngộ của mình. Tôi có thể hình dung Thầy đang mỉm cười khi đọc những dòng này và nhẹ nhàng nói: “Shantum, chuyện thực tập, nói cho cùng, chẳng phải là để đi đến đâu hay để trở thành cái gì, mà chỉ là để có mặt bây giờ và ở đây”.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên đó xảy ra tại trụ sở của tổ chức Ojai Foundation – một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại tiểu bang California. Khi ấy, Thầy đang hướng dẫn khóa tu một tuần cho các nghệ sĩ. Hơn cả trăm người ngồi dưới một gốc sồi lớn. Hiếm ai được nghe đến tên Thầy trước đó.
Khóa tu ấy tôi phụ trách phần ghi âm. Trong lúc đang loay hoay cài đặt thiết bị, vừa ngẩng đầu lên tôi trông thấy một thầy tu áo nâu đơn sơ đang bước nhẹ về phía một cái cây mà chúng tôi thường gọi là Cây giáo pháp (Teaching Tree). Thầy bước nhẹ mà rất chú tâm. Chẳng hề cố ý, chúng tôi ai nấy đều lập tức ngưng hết mọi việc đang làm, đứng dậy khỏi ghế và xá chào Thầy. Sự có mặt của Thầy mang theo một cái gì đó thật vô cùng đặc biệt.
Thầy nói hay làm gì cũng đều rất đơn giản. Thầy ngồi yên, mời đại chúng cùng nghe một tiếng chuông, rồi Thầy giảng, rồi Thầy bước đi. Bao nhiêu năm tôi đã rong ruổi tìm kiếm một con đường để có an lạc. Và trong giờ phút ấy, tôi cảm thấy đang nếm được sự an lạc mà tôi tìm kiếm bấy lâu, ngay trong từng bước chân và từng hơi thở mà chúng tôi có cùng với Thầy.
Suốt khóa tu tôi chẳng hề nghĩ rằng Thầy để ý đến tôi, vậy mà trong giờ phút tôi đang cùng mọi người tiễn Thầy, Thầy chắp tay xá chào, rồi Thầy nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Con hãy mang giáo pháp của Bụt về lại quê hương Ấn Độ”.
Cuộc gặp gỡ ấy còn đọng lại rất sâu trong tôi. Về lại Ấn Độ vài tháng sau đó, tôi thao thức muốn gặp lại Thầy. Trong một phút hơi bồng bột, tôi đã mạo muội viết thư cho Thầy. Tôi mời Thầy đến thăm Ấn Độ và hứa sẽ tiếp đón bất cứ khi nào Thầy đến. Vậy mà lá thư nằm hoài trên bàn giấy của tôi suốt ba tháng, chờ tới lúc tôi gom đủ can đảm để gửi đi.
Thật bất ngờ, và cũng thật hạnh phúc, Thầy đã hồi âm! Thầy hỏi liệu tôi có thể tổ chức một chuyến hành hương Ấn Độ cho Thầy và 30 vị đệ tử của Người không? Tôi nhảy cẫng lên vui sướng vì có cơ hội được gặp lại Thầy lần nữa.
Chúng tôi bắt đầu chuyến hành hương từ Delhi, từ nhà tôi tại số 8 Rajaji Marg. Cả gia đình tôi sống ở đó, ai nấy đều có chút hoài nghi nhưng cũng rất tò mò. Thầy ngồi giữa chúng tôi trong vườn, bên cạnh một hồ súng. Ở đó, với năng lượng chánh niệm rất hùng hậu, Thầy đã dạy cho chúng tôi phương pháp thiền hành. Thầy bước đi, ba mẹ và anh chị tôi đều im lặng bước theo. Tôi nghĩ là cả nhà tôi không ai có thể cưỡng lại được sức mạnh của lực hút đó.
Trong ba mươi lăm ngày sau đó, tôi đã đi theo Thầy xuyên qua các vùng Uttar Pradesh và Bihar. Lớn lên ở Patna nên tôi từng có dịp đặt chân đến vài nơi trong những vùng này. Nhưng cuộc viếng thăm lần này cùng với Thầy lại là một trải nghiệm rất khác. Khi đó Thầy vừa viết xong tác phẩm Đường xưa mây trắng. Ở mỗi địa danh mà chúng tôi viếng thăm, Thầy đã mang đức Bụt trở về có mặt rất gần gũi với chúng tôi.
Thật tuyệt vời khi được nghe những tình tiết ly kỳ trong cuộc đời của Bụt qua con mắt của Thầy. Với Thầy, đức Bụt không phải là Thượng đế hay một vị thần linh xa xôi. Bụt là một con người bằng xương bằng thịt, thoải mái có mặt cùng với bất cứ ai đến từ bất cứ nơi đâu, hòa mình dễ dàng với người ăn xin, bác nông dân, giàu hay nghèo, trẻ hay già, bác sĩ, thầy giáo, một người thuộc tầng lớp cùng đinh hay một vị Bà la môn, vương thần, vua chúa hay những cô gái điếm, và với tất cả các loài động vật, sâu bọ, cây cối, hoa màu.
Ở mỗi nơi đặt chân đến, Thầy đều hết sức vui sướng và tò mò, giống hệt một đứa trẻ được tận mắt gặp gỡ vị thầy thương kính của mình. Ngồi thiền trong những hang động, ở trên những tảng đá nơi năm xưa Bụt có lẽ từng ngồi. Vượt những dòng sông Bụt từng vượt qua. Ăn những thức ăn Bụt từng ăn. Chào hỏi những em bé là con cháu của những em bé mà Bụt từng gặp gỡ.
Thầy thích nhất là đỉnh Linh Thứu, vùng Rajgir. Nơi đây, Thầy đã ngắm mặt trời lặn cũng như mọi cảnh vật xung quanh với cặp mắt của Bụt. Chính trên đỉnh Linh Thứu, Thầy đã làm lễ xuất gia cho ba vị đệ tử đầu tiên của Người. Và cũng ở nơi đây, Thầy đã trao truyền Mười Bốn Giới và Năm Giới cho các đệ tử tại gia. Các giới này là những chỉ dẫn rất rõ ràng về nghệ thuật sống đơn giản, bình an và hạnh phúc ngay trong thời đại hỗn loạn hiện nay.
Chúng tôi ngồi dưới những gốc cây và lắng nghe Thầy giảng về con đường của Bụt. Thầy đã nắm lấy tay tôi trong im lặng. Trong giây phút đó tôi cảm thấy mình đang được nhìn bằng mắt của Thầy và thấy được tất thảy mọi thứ đều tương tức. Tôi chưa từng suy tư về những điều này, nhưng trong giây phút ấy tôi hiểu được những điều Thầy dạy, rằng không có gì sinh ra và không có gì chết đi. Thầy quay lại nhìn tôi, tay chỉ lên cái khăn quấn trên đầu tôi và nói: “Shantum, chuyện sinh tử là chuyện khẩn cấp như thể cái khăn quấn trên đầu con đang bốc cháy vậy đó”.
Một đêm trăng tròn ở Kushinagar, nơi Bụt nhập diệt, Thầy và sư cô Chân Không đã cạo tóc cho tôi. Thầy và sư cô rất mong tôi xuất gia, tôi cũng muốn vậy nhưng vẫn còn chưa chắc chắn. Vài ngày sau ở Lumbini, Thầy đưa cho tôi một chiếc áo tu. Tôi không mặc chiếc áo đó nhưng đã giữ nó lại suốt vài năm sau đó.
Lúc ấy, tôi cảm thấy đời sống xuất sĩ không hợp với mình. Tôi muốn được sống giữa cuộc đời, trong sự hỗn độn của các mối liên hệ hay trong những vất vả của thường nhật, chứ không thể chỉ sống ẩn dật trong một tu viện. Khi tôi nói với Thầy những điều này, Thầy đã cảnh báo tôi rằng thực tập ở ngoài đời khó hơn nhiều so với thực tập ở trong chùa.
Có lần tôi đề cập với Thầy là tôi thấy rất khó để đưa ra quyết định, đặc biệt khi mà sự lựa chọn nào cũng tốt. Câu trả lời của Thầy, đơn giản mà sâu sắc, đã ở lại và đi theo tôi suốt đời: “Vấn đề không phải là con làm gì, mà là ở cách con làm”.
Khi quyết định lập gia đình, tôi đã dẫn vợ chưa cưới của tôi, Gitu, đến chào Thầy. Thầy nói cô ấy làm Thầy nhớ tới công nương Yasodhara. Gitu đã cười rất láu lỉnh đáp lại rằng cô chỉ thích làm cô bé Sujata, người đã cúng dường Bụt bát sữa trước khi Bụt thành đạo, hơn là làm công nương Yasodhara, người vợ mà thái tử Gotama rời bỏ để đi tìm con đường giác ngộ. Thầy chỉ cười.
Chúng tôi đến thăm chỉ mong được Thầy ban cho một lời chúc phúc, nhưng cuối cùng Thầy nhất quyết tổ chức lễ hằng thuận cho chúng tôi trước toàn bộ đại chúng ở Làng Mai.
Thầy dặn rằng vào mỗi đêm trăng tròn chúng tôi phải nhắc lại lời phát nguyện thương yêu mà Thầy đã trao. Trong suốt hai mươi lăm năm qua, đêm rằm nào chúng tôi cũng làm theo lời Thầy. Nhờ vậy mỗi ngày chúng tôi bồi đắp thêm niềm tin và niềm cảm thông đối với nhau. Đó cũng là một dịp thật tuyệt vời để chúng tôi cùng nhau thưởng trăng và ý thức về chu kỳ đến-đi của chị Hằng.
Lần kế tiếp Thầy quay lại Ấn Độ thì Gitu và tôi đã cưới nhau được gần một năm. Đi cùng Thầy là mười hai vị xuất sĩ. Khi đến làng của Sujata, gần Bodhgaya, chúng tôi đã ghé thăm một ngôi trường. Rất đông dân làng đã tụ họp tại đó và Thầy đã giảng dạy cho mọi người về cách truyền thông với nhau.
Gitu và tôi ngồi cạnh Thầy. Người quay sang Gitu và hỏi: “Điều gì ở Shantum làm con khó chịu, bực bội?” Thầy đề nghị Gitu thử đóng kịch một chút, cứ mạnh dạn nói thẳng ra trước mặt hơn cả trăm dân làng đang ngồi dưới. Gitu bối rối quá, không nói gì được ngay. Thầy đã động viên cô ấy và nói đây là một cách để dạy và giúp người trong việc truyền thông sao cho khéo léo. Thầy gợi ý cho Gitu sử dụng ngôn ngữ từ ái. Vậy là lúc đó chúng tôi đã đóng một “vở kịch Phật pháp” (Dharma Drama)! Bằng một giọng rất ngọt ngào, Gitu đã nói ra với tôi cảm giác bực bội của cô mỗi khi tôi về nhà trễ sau giờ ăn và làm cho thức ăn nguội lạnh hết cả. Lúc đó, cô ấy chỉ nghĩ chọn chuyện này để những phụ nữ có mặt ở đó liên hệ được với đời sống của mình. Rồi Thầy đề nghị tôi không được phản ứng lại hay đáp trả ngay lập tức những lời chia sẻ của Gitu, mà ngược lại, thực tập lắng nghe sâu. Điều quan trọng lúc đó là Gitu có thể nói ra được nỗi khó chịu, bực bội trong lòng và tôi có thể lắng nghe được với toàn bộ sự chú tâm mà không phán xét.
Tôi rất xúc động. Không hiểu người khác rút ra được điều gì nhưng với tôi, bài học thực sự không những ở chuyện tôi không nên trễ giờ ăn và để cho người khác phải đợi mình, mà còn ở việc lắng nghe sâu và nói lên sự trân quý của tôi dành cho Gitu. Lớn lên trong nền văn hóa Ấn Độ, với tôi việc đó không hề dễ dàng gì.
Sau đó khi được ngồi với Thầy, cùng thưởng thức một ly trà ô long, loại trà Thầy rất ưa thích, tôi đã nhắc lại chuyện này với hy vọng là Thầy có thể giúp tôi chữa trị cái tật đó. Tôi hỏi Thầy một cách ngây thơ: “Thưa Thầy, con có thói quen hay tới trễ, con phải làm sao bây giờ?” Thầy trả lời gọn ơ: “Thì xuất phát sớm hơn thôi!”
Gitu và tôi đi theo Thầy trong chuyến US tour năm 1999. Một ngày nọ Thầy tới gặp tôi và bảo là tôi được đề cử nhận truyền đăng làm giáo thọ cư sĩ. Tôi liền hỏi Thầy ai đã đề cử tên tôi, Thầy đáp: “Thầy”. Vui mừng xen lẫn ngạc nhiên, nhưng lúc ấy tôi cảm thấy mình chưa đủ sẵn sàng. Khi tôi nói cho Thầy những điều còn nghi ngại trong lòng, Thầy đã nói rằng Thầy có niềm tin nơi tôi. Sau đó Gitu và tôi đã quyết định đến sống ở Làng một thời gian để tôi có thể tự tin hơn mà nhận lãnh vai trò mới là một vị giáo thọ cư sĩ.
Thầy luôn tiếp xử với Gitu và tôi với tấm lòng thương quý. Khi Gitu mang thai, Thầy không chỉ hỏi thăm Gitu mà còn hỏi thăm em bé đang hình thành trong bụng mẹ. Thầy cũng hay hỏi tôi có thường xuyên nói chuyện với em bé trong bụng Gitu không. Một lần nọ, chúng tôi đang ngồi chơi trên bãi cỏ, Thầy đề nghị tôi nói chuyện với Gitu như thể tôi chính là thai nhi trong bụng cô ấy. Thầy giải thích là theo tiếng Việt, bụng mẹ được gọi là tử cung, cung điện của em bé, một nơi mà em bé an trú trong cảm giác rất an toàn. Lúc đó tôi lúng túng quá, chẳng biết phải làm gì vì đang có nhiều người khác ngồi cùng với chúng tôi. Nhưng rồi đâu có cách nào lý luận với Thầy được, tôi đành cúi xuống và nói chuyện với Gitu như thể tôi đang là em bé trong bụng cô ấy.
Và đó đã là một cuộc tâm tình tha thiết nhất. Tôi nói: “Cảm ơn mẹ đã mang con trong bụng và chăm sóc con. Cảm ơn mẹ đã nuôi dưỡng con, cho con ăn, và đã thở cho con. Cảm ơn mẹ đã mang theo con đi thiền hành đến nơi ngắm mặt trời lặn vào mỗi buổi chiều và đã tả cho con nghe khung cảnh ấy đẹp đến nhường nào. Cảm ơn mẹ đã nói chuyện với con và thương con. Cảm ơn mẹ đã vì con mà cẩn thận chọn lựa cách ăn uống và tiêu thụ. Con mỉm cười mỗi khi mẹ mỉm cười. Con có thể cảm nhận mỗi khi cảm xúc của mẹ thay đổi, mỗi khi mẹ hạnh phúc hay buồn phiền. Còn bây giờ thì sao hả mẹ, mẹ đang cảm thấy thế nào? Mẹ ơi, mẹ có đang vui không? Có điều gì làm mẹ mệt không? Mỗi khi con đạp trong bụng mẹ, mẹ cảm thấy thế nào?” Tôi đã hỏi, đã nói chuyện như thể tôi chính là em bé đang nằm trong bụng Gitu. Trong phút chốc, tôi đã có thể cảm nhận được rằng Thầy, và ngay cả đức Bụt nữa, ai cũng từng là một em bé nằm trong bụng mẹ, giống như tôi thôi.
Cũng nhờ ơn Thầy mà tôi có được một nghề nghiệp sinh sống như hiện giờ. Thời đó tôi đang làm việc cho Liên Hiệp Quốc và đã chọn chỉ nhận thu nhập một đô-la Mỹ mỗi năm, vì vậy tôi cần một công việc khác để có thu nhập sinh sống.
Sau chuyến hành hương đầu tiên với Thầy, Người đã đề nghị tôi tổ chức các chuyến hành hương hàng năm với chủ đề “Theo dấu chân Bụt”. Tôi rất vui vẻ nhận thử thách này. Lúc đầu, tôi chỉ làm mỗi năm một lần, nhưng rồi cuối cùng công việc này đã trở thành nghề nghiệp chính của tôi trong hơn ba mươi năm qua.
Từ chuyến hành hương đó với Thầy, tôi đã quyết trong lòng là hàng năm sẽ đến và sống với Thầy một tháng, ở bất cứ nơi nào Thầy đang có mặt, dù là ở Làng Mai Pháp hay ở một đất nước nào nơi Thầy đang hoằng pháp. Những năm sau đó, đã có biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp khi tôi được tiếp xúc với Thầy, đặc biệt là trong chuyến đi lịch sử năm 2008 khi Người ghé thăm Ấn Độ trở lại… Biết nói sao cho đủ về Thầy, người dẫn đường, người thầy và người đồng hành thông thái của tôi.