Hãy để nỗi buồn trở thành bùn cho hoa sen vươn dậy

(Bài viết được Tâm Tuệ Viên chuyển ngữ từ tiếng Anh)

Kính thưa quý vị trong cộng đồng tăng thân rộng lớn, gần xa,

Trong những ngày sau khi Thầy đi xa, nhiều cơ quan truyền thông đề nghị con, với tư cách là một tác giả đồng thời là một Phật tử, phát biểu về sự kiện mang tính lịch sử này trong cộng đồng của chúng ta. Nhưng con đã từ chối – bởi lẽ con cần nói gì đây, rằng những lời dạy của Thầy vẫn còn chưa đủ rõ ràng, trong khi tự thân chúng đã đủ rõ ràng mà chẳng phải giải thích gì thêm? Cuộc đời thực tập và hoằng pháp của Thầy đã chuẩn bị cho chúng ta đối diện với phút giây này. Thầy đã chuẩn bị cho chúng ta, vì chúng ta. Vì chính những nỗi đau buồn của chúng ta trong cõi Ta bà này. Con luôn cảm thấy rằng chẳng làm gì cả sẽ khôn ngoan hơn là làm gì đó mà không có một chủ đích rõ ràng hay không hội tụ đủ những điều kiện thích hợp. Nhưng khi Denise Nguyễn – Giám đốc điều hành của Quỹ Thích Nhất Hạnh (Thích Nhất Hạnh Foundation) – hỏi con rằng liệu con có thể chia sẻ trực tiếp với tăng thân chúng ta không, thì đề xuất ấy đã gợi cảm hứng cho con được giãi bày với quý vị như một thành viên của tăng thân.

Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ và âm thanh là một trong những phương tiện trao truyền cổ xưa nhất. Gốc của từ “tự sự” (narrative) là “gnarus”, tiếng Latinh có nghĩa là “cái biết” (kiến thức). Theo nghĩa này, mọi câu chuyện đều bắt đầu, và đa phần, là sự chuyển thể của kiến thức. Nhưng không chỉ thế, chúng còn là sự truyền tải năng lượng. Và, như Thầy đã dạy chúng ta: năng lượng không mất đi. Là một thi sĩ, con đã thực chứng lời dạy của Thầy hằng ngày. Bởi vì đọc những dòng chữ của các sử thi Gilgamesh hay Iliad, hay Truyện Kiều, là tiếp nhận năng lượng ngôn ngữ của những khối óc đã sáng tạo từ hơn 4000 năm về trước. Theo cách này, “nói” là để tồn tại, còn “dạy” là dẫn dắt những ý tưởng của ta vào tương lai, tới các thế hệ mai sau thông qua chiếc bè là những con chữ. Chúng ta hiểu rõ điều này bởi tất cả chúng ta đều đã và đang nương vào chiếc-bè-giáo-pháp của chư Bụt và Thầy. Thật may mắn xiết bao là chủng người chúng ta lại sở hữu một phương tiện chuyên chở tuyệt diệu như vậy. Con tin rằng nếu so sánh với nhiều phát kiến lớn trong y học và khoa học thì ngôn ngữ vẫn là phát minh vĩ đại nhất của nhân loại. Để báo đáp những điều tuyệt diệu này, xin chúng ta hãy cam kết đóng những chiếc-bè-mới cho tất thảy chúng sinh hữu tình. Sứ mệnh của chúng ta, tiếp bước Thầy, là tiếp nối truyền thống giải thoát lâu đời đã trải dài qua nhiều thời đại và có mặt ở khắp mọi lĩnh vực.

 

 

Thưa vâng, năng lượng, và thậm chí cả con người, không thực sự mất đi. Dẫu biết vậy nhưng với tư cách là một cư sĩ, một người chưa đủ phước đức để bước đi trên con đường của những vị xuất sĩ, con phải thừa nhận rằng trái tim con tan nát khi chứng kiến nhục thân của Thầy chuẩn bị được đưa vào đài hỏa thiêu; rằng hành trình vượt thoát sinh tử của Người, như chư Bụt đã dạy chúng ta, là một trong những đoạn trường mà tất cả chúng sinh đều phải đi qua. Và bởi vì con chưa thực tập giỏi nên nước mắt vẫn rơi khi chứng kiến lễ Tâm tang của Thầy. Con khóc trước vẻ đẹp của cộng đồng tăng thân khắp chốn mà Thầy đã gây dựng, con cũng khóc bởi nỗi buồn vô hạn trong con. Con khóc cho chính mình, cho cả những người chưa có đủ trí tuệ và công phu hành trì để vượt qua nỗi đau này một cách nhẹ nhàng.

Khi mẹ con qua đời vì căn bệnh ung thư vào tháng 11 năm 2019, nằm trên giường bệnh, với giọng nói yếu ớt và thân nhiệt tắt dần, mẹ đã nói với con: “Con ơi, giờ con đã biết nỗi đau này, con phải đi giúp người ta nghe”. Mẹ con, dù không biết chữ, vẫn thuộc làu những lời kinh câu kệ bằng tiếng Việt và thường xuyên nghe Thầy giảng pháp qua điện thoại. Con đã trả lời mẹ: “Vâng, thưa mẹ, con hứa sẽ không để cho nỗi đau này trở thành vô ích”. Vì vậy, khi chứng kiến nhiều người đau buồn về sự chuyển hóa của Thầy, con nghĩ sẽ hữu ích nếu xem nỗi buồn cũng như một nguồn năng lượng. Hãy mở lòng đón nhận nỗi buồn và để nó dạy ta phải sống ra sao. Hãy để nỗi buồn trở thành bùn cho hoa sen vươn dậy, như Thầy đã từng dạy chúng ta. Chúng ta hãy ngồi chơi cùng nỗi buồn, để nỗi buồn đi qua chúng ta và chuyển hóa thành một thứ gì đó như là tình yêu. Mẹ con, nhờ học hỏi từ Thầy, đã hiểu rằng nỗi đau có thể chuyển hóa thành hiểu biết. Đó chẳng phải là ngôn ngữ hay sao?

Và bây giờ, xin cho phép con thỉnh cầu, đặc biệt với các vị xuất sĩ những người đã “xuất gia”, những người tiên phong thực sự trong loài người chúng ta: Xin quý vị tìm kiếm từ quá trình công phu của mình (con chắc chắn là quý vị đều đã dày công thực hành) tất cả các cách thức chuyển hóa nỗi buồn và chỉ dạy cho chúng con – những cư sĩ, vẫn đang “tại gia”- cách thức hành trì.

Đối với con, các vị xuất sĩ luôn là hiện thân của lòng dũng cảm, là những chiến binh đầy bản lĩnh và quyết tâm hơn bất cứ ai đã từng giương cao gươm giáo. Quý vị đã chọn cạo sạch mái tóc, hành quân vào miền vô định khôn cùng, bên ngoài giới hạn hiểu biết của con người, nhưng luôn sẵn sàng bước về phía trước. Trong khi chúng con vẫn ở đây, trong sự an toàn và thoải mái tương đối, chờ đợi những khám phá của quý vị.

Có câu nói rằng khổ đau thực ra là thương yêu – nhưng là tình thương bơ vơ, không đích đến. Trong hành trình kiếm tìm mà có lẽ con sẽ dành trọn cuộc đời trong hình hài này để thực hiện, con tự hỏi mình và cũng hỏi quý vị – tăng thân yêu mến: “Chúng ta sẽ đi về đâu, cả bên trong và bên ngoài chúng ta?” Bây giờ đây, chúng ta đã có một chiếc bè với sức chứa khổng lồ, có thể chở rất nhiều người, được củng cố vững chắc từ những lời dạy của Thầy, vậy nên, có thể nỗi buồn vẫn còn đó, như lẽ thường, nhưng sẽ không còn sợ hãi nữa.

Biết rằng quý vị vẫn đang ở đó, tìm kiếm những câu trả lời trong khi tọa thiền, khi theo dõi hơi thở, khi thực tập cúng dường, biết rằng quý vị đang ở ngay trước mặt chúng con, và rằng con vẫn thấy bóng y vàng của quý vị bừng sáng trên những nẻo đường, như những tia nắng mặt trời giữa những vụn vỡ hoang tàn màu xám, làm sao con có thể còn sợ hãi? Và hơn nữa, làm sao con có thể lạc lối được đây?

 

Vâng. Con buồn, và sẽ còn buồn như vậy một thời gian nữa. Trái tim con đau nhói, nhưng bất chấp điều đó, hoặc có thể là chính nhờ điều đó, con đã tìm thấy quý vị. Và trong quý vị, con tìm thấy chính con.

Đó là tự sự, đó là cái biết.

Xin gửi tới quý vị niềm thương kính và tin cậy.

Ocean Vương (Đức Hải)