Hành trình đến với Làng Mai qua những cuốn sách

(Hisae Matsuda & Terry Barber)

Năm 1986, sau bốn năm thành lập Làng Mai, Thầy cùng một số học trò ở Bắc Mỹ đã cho xuất bản tác phẩm Being Peace (Muốn an được an) tại Berkeley, bang California. Từ đó, Thầy trở thành người đồng sáng lập Parallax Press – nhà xuất bản của Làng Mai tại Hoa Kỳ. Parallax Press ra đời với sứ mệnh “góp phần đem lại sự tỉnh thức và tuệ giác tập thể, làm cho xã hội thêm tươi vui, lành mạnh và giàu tình thương” đồng thời đưa những pháp môn thực tập của Làng Mai đến với độc giả trên toàn cầu. Giám đốc xuất bản Hisae Matsuda và Terry Barber – tổng biên tập, một giáo thọ cư sĩ của Làng và cũng là thành viên có thâm niên nhất của Parallax – đã trò chuyện với nhau về hành trình đến với Làng Mai và về sự giàu có mà công việc biên tập, xuất bản sách của Thầy đã đem lại cho cuộc sống tinh thần của họ.

Hisae: Chị đến Làng Mai lần đầu tiên như thế nào?
Terry: Chị đã đọc sách về đạo Bụt trong nhiều năm liền. Chị rất muốn được sống trong tu viện hoặc trong một trung tâm tu học nào đó. Do vậy, sau khi kết thúc công việc và chương trình học tập vào năm 1991, chị ở trong tâm thế sẵn sàng thay đổi. Chị nhận thấy nếu muốn đi tới trong cuộc sống của mình, chị cần một cộng đồng tu học và một chương trình tu học hàng ngày. Một người bạn đã tặng chị quyển Being Peace (Muốn an được an) và nói rằng “mình đoán là cậu sẽ thích quyển này đấy”, thế là chị được biết đến Thầy. Chị nghĩ bụng “nếu được đến trung tâm của Thầy thì mình sẽ đi ngay”. Không lâu sau, chị có cơ hội nghe bài giảng của Thầy trong buổi pháp thoại công cộng ở Los Angeles và tham dự ngày quán niệm cho các nhà hoạt động vì môi trường tại Malibu. Cách Thầy chia sẻ về các vấn đề bất công xã hội đã thật sự chạm vào trái tim chị. Tại thời điểm đó, sự việc Rodney King bị cảnh sát bạo hành vẫn còn đang sôi sục trên các trang tin tức. Chị đến Làng vào tháng 4 năm 1992 và muốn sống luôn ở đó.

Còn Hisae thì sao, em gặp Thầy vào dịp nào, đến Làng như thế nào?
Hisae: Em biết đến Thầy vào những năm 90, nhờ vào sách của Thầy. Quyển đầu tiên em đọc cũng là Being Peace (Muốn an được an), tiếp theo là quyển The Miracle of Mindfulness (Phép lạ của sự tỉnh thức). Những quyển sách này đã thắp lên trong lòng em một ngọn lửa. Em biết ơn các biên tập viên đã làm những quyển sách tiếng Anh đầu tiên của Thầy. Hồi đó em sống ở Anh, và Judith Kendra của nhà xuất bản Rider Books là người có công đưa sách của Thầy đến nước Anh. Nhưng phải 25 năm sau, từ lúc đọc quyển Being Peace, em mới đặt chân đến Làng Mai.

 

 

Năm 1993, em sống ở Luân Đôn cùng ông xã và hai đứa con nhỏ, một bé ba tuổi, một bé hai tuổi. Lúc đó, em muốn tìm đến một trung tâm tu học để tìm chút bình an cho cuộc sống. Nhưng hồi ấy không có khóa tu Phật giáo nào cho phép thiếu nhi tham dự. Hầu hết các sinh hoạt ở đó đều không phù hợp cho trẻ em. Đến một ngày, em nghe nói Thầy sẽ hướng dẫn khóa tu ở ngoại ô Luân Đôn. Thật bất ngờ, trẻ em không những được phép tham dự mà còn được chào đón thực sự. Em liền đăng ký cho ba mẹ con. Đó là lần đầu tiên em và hai cháu trải nghiệm cảm giác được thiền hành bên cạnh một thiền sư. Sư cô Chân Đức làm chủ tọa nhóm pháp đàm của em. Em còn nhớ như in những gì sư cô đã chia sẻ. Chính Thầy và sư cô Chân Đức đã gây ấn tượng rất sâu đậm trong lòng em, nhưng dường như lúc ấy em cảm thấy mình chưa chạm tới được nếp sống thanh tịnh của các vị. Con đường em đi khúc khuỷu quanh co, lắm những ngã rẽ bất ngờ. Mãi đến năm 2018, sau khi tham gia vào nhà xuất bản Parallax, em mới đặt chân đến Làng. Vẻ đẹp của tu viện hệt như những gì em tưởng tượng, thậm chí còn đẹp hơn.

Ấn tượng đầu tiên và trải nghiệm đầu tiên của chị khi ở Làng như thế nào?
Terry: Chị yêu năng lượng bình an và vẻ đẹp của mảnh đất ấy, cũng như những thanh âm của đời sống tu viện. Hồi đó, tăng thân thường trú chỉ có mười hai đến mười lăm xuất sĩ và năm, sáu thiền sinh cư sĩ. Vào những bữa ăn ở xóm Hạ, tất cả mọi người ngồi vừa vặn một cái bàn vuông lớn. Thỉnh thoảng Thầy ở lại dùng bữa với mọi người. Sự có mặt của Thầy mang lại bầu không khí thật nhẹ nhàng, ấm áp như một gia đình. Ngày đầu tiên tới Làng, chị được biết chỉ có thể ở lại Làng một tuần thôi vì sắp có khóa tu 21 ngày. Nhưng cuối cùng thì chị cũng được ở lại lâu hơn, có lẽ là do chị rất nhiệt tình trong đội rửa nồi nên được mời ở lại để giúp quý sư cô chuẩn bị phòng cho thiền sinh và làm tình nguyện viên trong khóa tu đó. Được nghe những bài pháp thoại của Thầy trong khóa tu, trái tim chị hoàn toàn mở ra, cứ như thể chị đã chờ đợi cả cuộc đời mình để được nghe những lời dạy ấy.

Sau khóa 21 ngày, chị lại tiếp tục làm tình nguyện viên trong khóa tu mùa Hè. May mắn là chị được ở cùng tăng thân người Việt tại xóm Hạ (thiền sinh ngoại quốc khi ấy ở xóm Thượng). Chị sinh hoạt, ăn uống và giao lưu với người Việt rất thoải mái. Chỉ cần ngồi lại với nhau là thấy vui rồi. Sau bữa ăn tối, mọi người sẽ cùng hát vài bài, nhiều bài trong số đó là do Thầy sáng tác. Những bài hát tiếng Việt rất hay, đã thấm sâu vào tâm hồn chị nhưng chị cũng không biết dùng từ ngữ như thế nào để diễn tả.

Khóa tu mùa Hè vừa kết thúc là đến mùa hái mận. Nhóm tụi chị gồm bốn, năm thiền sinh ở lại sau khóa tu. Một nông dân trong vùng đến hướng dẫn mọi người thu hái mận. Bác nông dân này chuyên trồng nho, không giỏi chăm sóc mận nhưng bác rất tốt bụng. Làm việc mệt mà vui. Rung cây cho mận chín rơi xuống đất, rồi nhặt mận cho vào sọt, mang vào nhà bếp cho quý sư cô làm mứt. Thỉnh thoảng mình ăn vài trái mận chín cây và được thưởng thức ánh mặt trời ấm áp căng tràn trong trái mận ngọt lịm.

Muốn làm thiền sinh dài hạn cho khóa tu mùa Đông, chị phải viết thư xin phép Thầy và tăng thân. May mắn sao, chị được chấp thuận và cứ thế chị sống ở Làng hẳn sáu năm. Rồi kế đến là sống ba năm ở tu viện Thanh Sơn tại Vermont.

Chị luôn cảm động khi thấy Thầy dành hết tâm huyết của mình để tạo dựng một môi trường nơi mọi người được sống trong bình an; tiếp xúc với thiên nhiên và tu học cùng tăng thân để được trị liệu, có cơ hội nhìn sâu, học cách chuyển hóa khổ đau, và tiếp xúc với những hạt giống an lành, hạnh phúc.

Cơ duyên nào đã đưa chị đến với Parallax?
Terry: Trong thời gian sống tại Làng và tu viện Thanh Sơn, thỉnh thoảng chị về thăm gia đình ở California. Chị có ghé qua văn phòng của nhà xuất bản Parallax vài lần để tiếp tục làm phần phiên tả pháp thoại của Thầy. Mùa xuân năm 2001, cha của chị ốm nặng nên chị về nhà để chăm sóc cha. Cha mất cuối năm đó. Chị cũng phải tìm việc làm. Lúc đó, làm việc cho Parallax có vẻ là lựa chọn hợp lý nhất. Vài tháng sau, chị vào làm việc ở Parallax, bắt đầu bằng công việc đóng gói và chuyển sách theo đơn đặt hàng.

Còn em thì sao, Hisae, điều gì đã đưa em đến Parallax?
Hisae: Năm 2016, em cũng đang làm việc cho một nhà xuất bản ở Berkeley, gần Parallax. Khi có cơ hội tham dự vào đội ngũ biên tập viên của Parallax, em đã không thể từ chối. Dù cho việc rời bỏ vị trí cũ để làm việc cho Parallax là một bước nhảy của niềm tin và ý thức là mình sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, em vẫn không thể cưỡng lại cơ hội mà Parallax mang lại cho em. Đó là cơ hội để được sống và làm việc đúng với giá trị sống và đường hướng tâm linh của mình.

Một tháng sau khi em bắt đầu công việc mới, con trai em, Leo, đã tự tử, sau ngày bầu cử của Mỹ năm 2016. Trái tim em tan nát. Em phải sống chật vật một thời gian, không thể làm gì được nữa. Trong khoảng dừng ấy, em đã đăng ký tham dự khóa tu tại Làng Mai. Cuối cùng thì em cũng đã đặt chân đến Làng. Chính nơi này giúp em trị liệu và bắt đầu tìm lại niềm vui sống.

Em biết ơn chị nhiều lắm chị Terry ạ. Chị và các anh chị em ở Parallax đã giữ gìn một nơi như vậy để em được quay về. Không phải ở đâu cũng cho mình cảm giác tăng thân, không phải chỗ làm nào cũng đem lại cho mình cảm giác được chấp nhận và nâng đỡ nhiều đến vậy.

Chị Terry thấy Parallax đã thay đổi ra sao qua từng ấy năm tháng? Chị có nguyện vọng gì cho tương lai của Parallax?
Terry: Chị thấy ấm lòng vì Làng Mai và Parallax đã trưởng thành hơn theo năm tháng. Hơn nữa, thế hệ giáo thọ mới của Làng đã cùng hòa vào sự nghiệp làm sách, thậm chí trở thành tác giả. Parallax đã thay đổi đáng kể nhờ vào sự có mặt của em. Parallax rất cần một người phụ trách xuất bản như em, vừa giỏi chuyên môn vừa thấu hiểu được những lời dạy của Thầy và của tăng thân Làng Mai. Ngay từ khi tham gia, em đã giúp thắt chặt sự gắn kết giữa Làng Mai và ban làm sách của Parallax. Nhà xuất bản của chúng ta càng ngày càng hoạt động chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Các thành viên hạnh phúc hơn, biết quan tâm nhau và có tinh thần hỗ trợ lẫn nhau trong công việc. Em có khả năng cảm nhận sâu sắc, hiểu được sách nào nên xuất bản, sách nào không. Em đã tìm ra và biên tập nhiều quyển sách hay. Em đã giữ vững được công việc xuất bản định kì những quyển sách có tính học thuật của Thầy. Chị rất mong nhà xuất bản chúng ta tiếp tục đường hướng này, bảo tồn được gia tài quý báu của Thầy, hợp tác với Làng Mai và phụng sự tăng thân khắp chốn bằng những quyển sách có giá trị.

 

 

Chị đã tìm thấy ở Làng Mai một truyền thống mà chị có thể gắn bó lâu dài. Nhiều người đã biết đến Thầy nhờ đọc sách và chị đã tìm thấy ở Parallax một vị trí mà trong đó chị có thể đóng góp một phần bé nhỏ của mình để lan tỏa tuệ giác của Thầy và tăng thân Làng Mai đến với nhiều người, nhiều cộng đồng trên khắp thế giới, giúp cho mọi người tìm được hướng đi trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.

Còn em, Hisae, em có nguyện vọng gì cho Parallax?
Hisae: Khi trở thành người phụ trách xuất bản của Parallax, em mong ước là trong chương trình xuất bản sách, mình luôn thấy rõ vai trò đặc biệt của Parallax trong việc phổ biến những giáo lý của Thầy và tăng thân Làng Mai. Những giáo lý ấy rất cần thiết cho thế giới hiện nay và hiện đang được các học trò của Thầy tiếp tục lan tỏa trên nhiều phương diện. Đọc một cuốn sách là một trải nghiệm cá nhân, nó có thể tạo ảnh hưởng sâu sắc lên chúng ta trong vài ngày hoặc thậm chí thay đổi cuộc đời chúng ta. Những quyển sách do các vị xuất sĩ cũng như cư sĩ viết ra, có thể giúp ta đối diện, ôm ấp và chuyển hóa những khổ đau của thời đại chúng ta, từ những sang chấn tâm lý của mỗi cá nhân, gia đình đến tình trạng cô lập xã hội, đến chiến tranh hay sự tàn phá môi trường. Đây cũng là lúc chúng ta cần cho mọi người thấy cách tiếp cận của Thầy về hòa bình – sự thực tập bao dung, không kỳ thị – đang thay đổi thế giới ngày hôm nay theo nhiều cấp độ lớn nhỏ khác nhau.

Em muốn tiếp tục tiến trình chúng ta đang làm và xây dựng một xương sống vững chắc (nhưng uyển chuyển) mà một nhà xuất bản nhỏ như chúng ta cần có để có thể tiếp tục thành công. Khi mình có niềm tin thì dù công việc khó khăn đến chừng nào chúng ta vẫn có thể vượt qua. Không có niềm tin thì điều đơn giản nhất cũng trở thành chướng ngại. Để xây dựng được niềm tin, chúng ta cần phải thực tập.

Em mong Parallax trở thành một công ty xuất bản đúng như những gì Thầy đã trao truyền trong một buổi gặp mặt với các thành viên từ hồi trước khi em gia nhập Parallax. Đó là làm việc trong tinh thần hòa hợp như những chú ong và đưa sự thực tập chánh niệm đích thực đến với độc giả khắp nơi thông qua những cuốn sách. Ban làm sách của Làng Mai đã hỗ trợ và đóng góp cho Parallax rất nhiều tuệ giác. Em rất vui khi sư cô Chân Đức cùng nhiều quý thầy, quý sư cô trong ban làm sách đã nỗ lực giúp Palm Leaves Press (một nhánh của NXB Parallax) xuất bản những tác phẩm chưa được phát hành của Thầy. Quả thật, độc giả luôn thích những quyển sách mới và có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về sự thực tập chánh niệm.

Hiện nay có nhiều người tu học theo Làng Mai nhưng chưa hề được gặp Thầy. Họ thẩm thấu giáo lý thông qua những phương tiện truyền thông khác nhau của Làng Mai. Các vị giáo thọ xuất sĩ và cư sĩ cũng đang tiếp tục trao truyền nguồn tuệ giác với tất cả tình thương, lòng can đảm của mình. Em thấy rất vui khi chị em mình được là một phần của tăng thân và được ăn mừng kỉ niệm 40 năm thành lập Làng Mai trong năm 2022 này.