Cuộc cách mạng vẫn đang tiếp diễn
Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.
Con rất thương đất Mẹ. Chẳng khi nào xem những bộ phim tài liệu về các vấn đề khủng hoảng môi sinh mà con không cảm thấy bất lực và tuyệt vọng. Chính trong hoàn cảnh đó, một loạt các sự kiện diễn ra đã truyền cho con động lực để không đánh mất hy vọng mà hướng tới làm những gì mình có thể, ngay tại nơi mình sống, với những gì sẵn có, để giúp đất Mẹ thân yêu. Đất Mẹ có thể không chỉ là một danh từ mà còn là một động từ. Đất Mẹ thương yêu chúng ta và cũng cần được chúng ta trân quý, nuôi dưỡng và chăm sóc.
Mùa an cư năm 2019, đại chúng đã được tham gia một chuỗi các buổi sinh hoạt về chủ đề môi trường nhằm tìm cách giảm thiểu dư lượng carbon và rác tái chế. Sự kiện này đã khiến con thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận về rác thải. Trong một buổi sinh hoạt, đại chúng được xem phim tài liệu về một thành phố ở Nhật Bản, nơi đã hiện thực hóa mục tiêu không rác thải thông qua nỗ lực tập thể của toàn bộ dân chúng. Thành phố đó đã lập nên một trung tâm tái chế rác nhằm cố gắng tái sử dụng tất cả mọi thứ.
Từ lúc đó, con bắt đầu nhìn lại vấn đề thải rác ở tu viện và thử tìm xem có cách nào giảm thiểu dư lượng carbon cũng như lượng rác mà chúng ta thải ra. Hiện giờ, lối tư duy thông thường của chúng ta là chở hết những thứ bỏ đi ra trung tâm tái chế. Chúng ta chẳng nghĩ gì nhiều tới chuyện xảy ra sau đó với đống rác thải. Đấy là vấn đề của người khác.
Những buổi sinh hoạt đã cho chúng con biết chuyện gì diễn ra sau đó. Chúng con đã thấy lượng rác khổng lồ không được tái chế. Có những thứ được tái chế nhưng không phải tại chỗ mà được vận chuyển tới những khu xử lý rác lớn. Quá trình vận chuyển tất nhiên sẽ thải ra thêm lượng khí carbon. Chúng con đã thấy rõ là tìm cách xử lý rác ngay tại chỗ có thể giúp giảm thiểu không chỉ nhiên liệu chạy xe mà cả lượng rác bị chôn xuống đất.
Khi học về duyên khởi, ta thấy rằng bởi vì vô minh mà ta nhìn mọi thứ như những hiện tượng hiện hành riêng biệt, và ta không thể thấy được mối liên hệ qua lại giữa chúng. Nhìn một thanh củi cháy trong lò ta không thấy được lưỡi cưa đã cắt xẻ vào thân cây, ta không thấy được bao nhiêu lượng nhiên liệu hóa thạch đã bị đốt cháy để phục vụ quá trình cưa xẻ gỗ. Nhìn chiếc áo thun ta không thấy được bao nhiêu nước đã được dùng để làm ra chiếc áo ấy. Chuyện vứt bỏ một món đồ ra khỏi tu viện đối với ta khá dễ dàng và ta không hề quan tâm đến chuyện món đồ bị vứt bỏ đó sẽ trở thành cái gì, hay chuyện gì sẽ xảy ra với hành tinh chúng ta do hành động thải rác này. Liệu chúng ta có thấy được tương lai của các loại bao bì chứa mỗi món đồ chúng ta mua về không? Thật khó để tính đến điều này khi chúng ta chọn đồ.
Tận dụng nước mưa
Trong những buổi sinh hoạt, có một nhóm thảo luận sâu về vấn đề nước nói chung và vấn đề lãng phí nước sinh hoạt nói riêng. Một sự thay đổi có tính cách mạng bắt đầu diễn ra từ ngày đó. Dần dà con phát hiện ra có vài thùng trữ nước mưa nằm đây đó không được dùng đến. Chúng con đã mang từng thùng một đến để gắn nối với các hệ thống máng xối và, nhanh đến không ngờ, chúng ta đã có tới năm thùng trữ nước mưa được đưa vào sử dụng và trữ được tổng cộng 2,500 lít. Chẳng tốn một đồng xu nào vì chúng con tận dụng những ống nước bỏ ra từ các công trình sửa chữa nhà cửa, chỉ mất chút công sức của anh em. Khi sắp đặt lại hệ thống này, chúng con nhận ra rằng khi những bể chứa nước mưa đã đầy thì dù trời mưa mình cũng không thể trữ thêm nước được. Nhưng vào cùng khoảng thời gian đó, đại chúng bắt đầu mua dầu ăn đựng trong các thùng 20 lít. Sau khi dùng hết dầu, các thùng nhựa này sẽ được đem đi tái chế. Thấy vậy, chúng con đem chúng đi rửa sạch và dùng chứa nước mưa. Các bể chứa nước đã trở thành một đàn bò sữa mang lại cho đại chúng vô vàn sữa-nước-mưa.
Chúng con đã tận dụng nước mưa có được vào những việc gì? Khi chúng con trồng cây, thật tiện lợi khi có những thùng chứa nước di động. Sơn Hạ nằm dưới chân đồi và thường rất dễ bị sình lầy mỗi khi trời mưa nên chúng con đặt một thùng chứa nước mưa để rửa giày dép thay vì dùng nước máy. Hai thùng chứa khác được thiết kế để hứng và trữ nước mưa từ mái nhà kho. Chúng con sử dụng nước mưa ở đây để ngâm và xử lý giấy carton cũng như để tưới cây trong vườn.
Giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Khi nhìn lại các loại rác thải được chở trên các xe đổ rác đi đến khu tập trung rác tái chế của địa phương (các xe này vốn chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là xăng hoặc dầu), chúng con thấy rằng nguồn rác chủ yếu là bìa carton và thủy tinh. Không những mình phải tiêu hao bao nhiêu là nhiên liệu hóa thạch để chở rác đến khu tập trung rác tái chế, mà ở đó thứ rác này cũng chưa được xử lý ngay. Chúng sẽ được chở đi tiếp, trên những hành trình xa hơn, và cần phải dùng thêm nhiều nhiên liệu nữa mới đến được những khu vực tập trung rác lớn hơn để được xử lý. Con thích đạp xe đạp và đã quyết định đạp xe chở tất cả rác thải thủy tinh đến nơi nhận xử lý loại rác này ở đỉnh đồi khu Puyguilhem. Làm vậy vừa tốt cho sức khỏe của con, vừa có ích lợi cho môi trường, và cũng truyền thêm cho con động lực, cho con thấy mình đang đóng góp phần của mình vào việc giải quyết vấn đề môi trường.
Làm phân hữu cơ và củi đốt từ bìa cứng (carton)
Hiện giờ chúng con đang thực hiện việc xé vụn các loại bìa carton và trộn thêm với rác cỏ cắt trong vườn để chuyển hóa chúng thành một loại phân hữu cơ (compost) rất tốt cho đất. Chúng con trữ lượng phân này trong các vỏ bao đựng gạo được nhà bếp cung cấp khá thường xuyên. Thật mãn nguyện khi chứng kiến quá trình chuyển biến từ việc đảo đều cỏ và vụn bìa cứng để giữ cho hỗn hợp này được thông thoáng đến việc nhìn thấy các chú giun xuất hiện và rồi cả đống rác chuyển thành compost màu nâu sẫm giàu dinh dưỡng.
Các loại rác thải giấy khác và các loại bìa carton thô được xén nhỏ và ngâm trong nước mưa trước khi được dằm ra và trộn với mạt cưa thu từ khu vực xưởng gỗ, rồi được nén lại thành các thanh củi để đốt lò. Chúng con tự chế ra máy làm củi ép đó từ một cái kích nâng xe cũ và một số đồ kim loại phế thải.
Lúc đầu, các thanh củi ép quá dài nên chúng hay bị cong lại hoặc rã ra trong quá trình làm khô. Thực ra trước đó, con đã làm các thanh củi ép ngắn hơn, nhưng làm như vậy tốn nhiều công sức quá. Bởi thế, con đã làm chúng dài ra, và khi còn ướt chúng rất mềm nên con đã làm vỡ rất nhiều trong quá trình đảo chúng cho khô. Dần dần, chúng con đã tìm ra được tỉ lệ độ dài và đường kính lý tưởng nhất cho các thanh củi ép, khiến việc sản xuất và sấy khô chúng một cách tự nhiên bằng gió, nắng hiệu quả và dễ dàng hơn hẳn. Trong quá trình học hỏi và cải tiến cách làm những thanh củi ép này, có những lúc thật là nản nhưng cũng đem lại cho chúng con rất nhiều động lực.
Việc có đồng loạt các hoạt động tái chế từ việc trữ nước mưa tới xử lý giấy carton, tận dụng mạt cưa và rác từ vườn rau đã biến rất nhiều loại rác thải trở nên những thứ hữu ích, vừa giúp chúng con giữ ấm trong mùa đông, vừa giúp thêm trong việc trồng trọt. Nó cũng giúp giảm thiểu việc sử dụng lượng củi đốt lò mua từ các xưởng cưa phải dùng tới nhiên liệu hóa thạch để cưa đốt, và giảm bớt khói bụi thải ra từ ống khói lò sưởi.
Chậu trồng cây Tetrapot
Trong hai năm qua chúng con cũng đã chật vật tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tái chế một lượng lớn vỏ hộp đựng sữa thực vật. Các vỏ hộp sữa do Tetrapak sản xuất này chiếm đến một phần ba các thùng đựng rác tái chế màu vàng. Mình không thể ép mỏng các hộp này vì khu tập trung rác tái chế chỉ xử lý được chúng khi chúng còn nguyên vẹn. Chúng là một loại hỗn hợp cán bồi giấy – nhựa – nhôm rất khó để tái chế. Lâu lâu, con lại cố gắng tìm giải pháp cho vấn đề này. Đôi khi con tìm ra những ý tưởng rất hài hước nhưng không thực sự có ích lợi gì. Con tiếp tục giữ chuyện này trong tâm trí và đợi câu trả lời xuất hiện.
Một ngày nọ chúng con được rủ đi giúp gieo hạt bí ở vườn rau hữu cơ. Chúng con gieo hạt bí vào các chậu đen nhỏ làm bằng một loại nhựa rất mỏng manh mà lại không thể tái chế được. Mấy chậu này cứ liên tục nứt vỡ mỗi khi dồn thêm đất hay phân hữu cơ vào. Chúng con nhận ra là mình có thể cắt mấy cái hộp nhựa tetrapak đó làm đôi và có thể làm thành hai cái chậu nhỏ để trồng cây vào thay vì đi mua. Các bạn làm ở Nông trại Hạnh phúc (Happy Farm) đã rất hạnh phúc khi thử nghiệm cách mới này. Từ đó, hàng ngàn hộp nhựa tetrapak mà chúng con thải ra mỗi năm lại có được một đời sống mới. Chúng bền hơn rất nhiều so với mấy cái chậu nhựa nhỏ phải đi mua bên ngoài. Vậy là chậu cây Tetrapot được ra đời.
Bất cứ dự án nào cũng gặp phải những khó khăn nho nhỏ lúc ban đầu. Chúng con phải rửa kỹ các hộp sữa vì các bạn chuột, bị thu hút bởi chút sữa dính lại trên hộp, sẽ rất hào hứng cắn vỏ hộp tạo thành những cái lỗ thật to. Chúng con cũng phải nhắc mọi người nhớ không ép mỏng hộp. Còn những cái nắp hộp sẽ là chủ đề của một dự án tái chế rác khác trong tương lai!
Từ rác thải tới nguồn vật liệu hữu ích
Điều chúng con đã khám phá ra là một khi mình bắt đầu nhìn một đồ vật không là rác, mà là một nguồn tiềm năng hữu ích thì mình sẽ tạo ra những điều kiện để nguồn vật liệu đó trở nên hữu ích. Chúng con được tiếp thêm rất nhiều sức mạnh khi nhận ra tăng thân mình, dù chỉ là một cộng đồng nhỏ, có thể làm được gì để giúp ích cho môi trường, chỉ với những gì có sẵn trong tay. Cuộc cách mạng còn đang tiếp diễn.
Hiện giờ con thấy rõ là chúng ta cần phải phân loại rác kỹ hơn. Khả năng tái sử dụng rác thải xoay quanh việc chúng được phân loại. Điều này có nghĩa là chúng ta phải suy tính nhiều hơn về chỗ chứa từng loại rác thải. Nhưng đó là cách duy nhất để thực hiện tái chế và tái sử dụng. Ví dụ, cửa hàng trực tuyến của Làng phải gửi sản phẩm qua đường bưu điện. Vì vậy, chúng con bắt đầu đặt một thùng rác mới chỉ dành cho phong bì bìa cứng và phong bì có lót xốp bong bóng (bubblewrap). Tất cả các loại phong bì này đều được đưa đến cửa hàng trực tuyến để được sử dụng lại. Không đặt thêm thùng đựng rác tái chế mới thì khó có thể làm điều này.
Thật may mắn là trong tăng thân có khá nhiều công việc khác nhau: trang trại, văn phòng, cửa hàng… và dù chúng ta sống ở đâu, chúng ta cũng là một phần của một cộng đồng rộng lớn hơn. Ví dụ như việc dùng lại các sọt đựng rau củ bằng gỗ mà mình hay có khi đi chợ về. Ban đầu con chặt nhỏ chúng ra để nhen lửa lò sưởi. Sau đó, một thầy đề xuất mang chúng đến cho người trồng rau ở gần đây. Và bây giờ thì chúng con đưa chúng đến một khu chợ địa phương để sử dụng lại. Bằng cách đó, người ta ít mua những cái mới hơn. Vậy là một số thứ được tái sử dụng ngay trong tu viện, một số thứ khác ở bên ngoài. Chúng con chỉ cần tiếp tục tìm kiếm cơ hội và tinh thần tái chế rác phát triển một cách tự nhiên.