Con đường tình thương
Thầy Chân Trời Đạo Bi, người Indonesia, thọ giới lớn với Sư Ông Làng Mai trong Đại giới đàn “Bây giờ – Ở đây” tháng 2 năm 2019 và hiện đang tu tập tại xóm Thượng, Làng Mai. Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.
Khi còn trẻ, tôi không biết mình thật sự muốn làm gì cho cuộc đời mình. Tôi không có một hướng đi. Năm 2010, khi biết Thầy sẽ đến Indonesia mở khóa tu, tôi không hề do dự, lập tức ghi danh tham dự. Sau vài ngày tu học, tôi nhận ra rằng tôi muốn bước đi trên con đường của một người xuất sĩ. Lúc đầu ba mẹ tôi không tán thành, nhưng thấy đời sống của tôi có nhiều thay đổi tích cực nên ba mẹ cũng dần nhận ra con đường này sẽ mang lại hạnh phúc cho con trai mình. Ba mẹ khuyên tôi nên hoàn tất việc học dang dở ở trường rồi hãy tính tiếp. Cũng hay, tôi có thời gian nhìn lại rõ hơn tâm nguyện của mình và hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của con đường xuất gia.
Chúng tôi thành lập nhóm Wake Up Indonesia sau khóa tu 2010. Nhờ chương trình này mà rất nhiều bạn trẻ tìm lại được chính mình. Năm 2013, tôi cùng vài người bạn đến Thái Lan tham dự khóa tu Wake Up do chính Thầy hướng dẫn. Trong buổi sinh hoạt cuối cùng, tôi thấy trên màn hình máy chiếu có dòng thư pháp “Đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ” lướt qua. Tôi như nghe được lời Thầy đang khích lệ, vỗ về: không phải thấy Thầy trong hình hài này đâu, quan trọng là con phải thấy được con đường. Có lẽ tôi đã sợ một ngày nào đó Thầy sẽ không còn bên tôi nữa. Thông điệp trong bức thư pháp đã làm tôi rúng động và hai dòng nước mắt cứ thế lăn dài trên má.
Con đường của tình thương
Thầy đặt cho tôi pháp tự Chân Trời Đạo Bi. Bi trong chữ từ bi, nghĩa là tình thương sâu. Pháp tự này nhắc cho tôi nhớ thực tập để giúp mình thấy được con đường của tình thương sâu. Trong tác phẩm Đường xưa mây trắng có một chương như thế. Tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần và nó trở thành chương yêu thích nhất của tôi. Chuyện kể về Siddharta và Yasodhara khi còn làm công tác xã hội. Yasodhara đã tận tình chăm sóc cho em bé bị ốm hơn một tuần mà đứa trẻ vẫn không qua khỏi, nàng đau xót vô hạn. Những lời an ủi của Siddharta cũng không thể nào xoa dịu được nỗi buồn trong lòng nàng. Cả hai người dù có giúp được dân chúng phần nào về vật chất, nhưng nỗi khổ niềm đau trong trái tim họ không vì thế mà nguôi ngoai. Không có ai chỉ cho họ cách vượt qua những cảm xúc đang giằng xé trong lòng. Siddharta chưa tìm ra con đường thoát khổ. Chỉ đến khi trở thành một bậc giác ngộ thì chàng mới giúp được người khác thoát khỏi những khổ đau trong tâm hồn.
Trước khi xuất gia, tôi cũng là một tác viên xã hội, cũng chất chứa trong lòng khá nhiều thương tích. Những thương tích ấy đang trên đường được trị liệu. Thầy đã dạy khổ đau là chất liệu làm nên hạnh phúc. Nhờ đó, tôi đã thấy được chính những tổn thương trong quá khứ đang nuôi dưỡng hiểu biết và thương yêu trong tôi ngày một lớn hơn. Chỉ cần ý thức mình đang bước đi trên con đường ấy, ngay lập tức tôi cảm thấy mình thật may mắn. Khi tình thương có mặt thì hạnh phúc có mặt và mình sẽ không còn sợ hãi nữa. Câu thần chú của tôi là: “Thở vào, đã có đường đi rồi. Thở ra, con không còn lo sợ”.
Nhìn Thầy bằng con mắt vô tướng
Tôi cứ tiếc sao mình không đến Làng sớm hơn, sao mình không xuất gia lúc Thầy còn khỏe để được nghe những lời khuyên nhủ, sách tấn trực tiếp từ Thầy. Khi tôi đến Làng, Thầy không còn dùng lời nói mà chỉ dùng thân giáo. Trên chiếc xe lăn, Thầy vẫn tham dự thiền hành cùng tăng thân. Thầy chỉ tay lên trời, chỉ vào một thân cây, một nụ hoa ven đường – những nhiệm mầu của sự sống quanh đây. Thầy nâng một chiếc lá với cử chỉ tinh nghịch, khiến cho mọi người cười vang. Thầy xoa mái đầu của một đệ tử rồi ôm đệ tử vào lòng. Chúng tôi đứng nhìn hình ảnh ấy mà cảm thấy như Thầy đang xoa mái đầu mình, thấy ấm áp trong vòng tay Thầy. Thầy không còn dùng ngôn từ thế gian nữa, nhưng chỉ cần Thầy có mặt ở đó là đủ để chúng tôi hạnh phúc. Thỉnh thoảng, trong giấc mơ, tôi còn được thưa chuyện với Thầy. Được làm đệ tử của Thầy, được sinh ra trong đại gia đình tâm linh Làng Mai là một diễm phúc quá lớn.
Trong một buổi thiền hành tại xóm Hạ, Thầy ngồi bên kia hồ sen còn tôi ở phía bên này. Cành cây che mất Thầy, tôi bước qua bên trái rồi nhích sang bên phải cũng không nhìn rõ được Thầy. Ủa, Thầy đâu rồi? A, hóa ra tôi vẫn kẹt vào hình tướng mà chưa thấy Thầy ngoài hình hài này.
Thầy đã viết rất nhiều thư cho đệ tử. Trong một lá thư Thầy có nói: “Thầy trò chúng ta ngày nào mà không có Bụt cùng ngồi, cùng ăn cơm và cùng đi thiền hành? Bụt của chúng ta không phải là một hình ảnh xa xôi mà là một thực tại linh động. Có con mắt vô tướng là thấy được”. Tôi cũng thấy điều tương tự. Mỗi khi tôi quay về với hơi thở, thì Thầy vẫn đang có mặt ở Làng, vẫn thiền hành, ngồi thiền, ăn cơm cùng đại chúng. Khi tôi không có mặt thì Thầy sẽ ở một nơi thật xa.
“Mình thấy được con đường chưa?” là một công án vẫn theo tôi trên suốt chặng đường. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi bản thân nhưng cũng không chắc câu trả lời. Tôi biết mình còn lắm niềm đau, buồn phiền và sợ hãi. Tuy vậy, mỗi khi tiếng chuông vang lên, tôi thầm niệm “nghe chuông phiền não tan mây khói”, tôi biết nỗi sợ cùng niềm đau trong tôi đang dần được chuyển hóa.
Ban chăm sóc nhóm Wake Up châu Âu
Năm 2018, khóa tu Đại sứ Wake Up (Wake Up Ambassadors retreat) đầu tiên được tổ chức tại Làng Mai. Trong khóa này, để được vui chơi, gắn kết và học hỏi lẫn nhau, chúng tôi đã thành lập nhóm nòng cốt cho Wake Up châu Âu với tên gọi mới là ‘Oomph” (viết tắt của Organism for Optimising Many People’s Happiness, nghĩa là một cơ thể có nhiệm vụ làm cho nhiều người hạnh phúc).
Oomph không phải là một tổ chức mà là một cơ thể. Khi các thành viên nòng cốt của tăng thân Wake Up (Wake Up Ambassadors – các vị đại sứ của tăng thân Wake Up) có một nơi để trở về nương tựa, các bạn sẽ có cơ hội nuôi dưỡng hạnh phúc trong tự thân. Và khi có đủ hạnh phúc, các bạn mới có thể giúp các thành viên khác trong tăng thân cũng như giúp cho mọi người được hạnh phúc.
Hiện tại Oomph có các thành viên: Annica Bauer, Verena Böttcher, Toos Vergote, Arlind Reuter, Fransisco Vogel, Jan-Jitze Hees, quý sư cô Tảo Nghiêm, Xương Nghiêm, Trăng Lộc Uyển, thầy Trời Đức Niệm và tôi. Hằng tháng, các thành viên gặp nhau một lần qua Zoom. Đến cuối năm 2019 chúng tôi thành lập nhóm điều phối quốc tế của Wake Up (Wake Up International Co-ordinators). Mỗi nhóm Wake Up trên thế giới sẽ cử một liên lạc viên, trong đó có bạn Jazz đại diện nhóm châu Úc, bạn Lewis đại diện nhóm Bắc Mỹ và bạn Annica đại diện nhóm châu Âu.
Ba tháng một lần, vào tối thứ Năm hoặc Chủ nhật, chúng tôi gặp trực tuyến với đại diện của các nhóm Wake Up tại châu Âu. Các anh chị em xuất sĩ tại Làng Mai sử dụng tối làm biếng của mình để sinh hoạt với các bạn. Có khi tôi hơi mệt sau một ngày quán niệm nhưng khi tham gia cùng mọi người tôi lại cảm thấy như mình đang trở về nhà, gặp người thân trong phòng khách rồi thăm hỏi lẫn nhau “Chị khỏe không? Em vui không? Công việc ổn định không?” Các bạn chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và ngược lại, quý thầy, quý sư cô cũng cởi mở sẻ chia những trở ngại mà xuất sĩ gặp phải trong môi trường tu viện. Có khi chúng tôi còn ngẫu hứng cùng hát múa, nghe đàn hoặc bày ra vài trò chơi nho nhỏ để thay đổi không khí. Cứ như vậy, tình anh chị em giữa chúng tôi ngày thêm gắn bó, bền chặt.
Nhóm Wake Up Trì Địa (Wake Up Earth Holder)
Tháng 5 năm 2020, Làng Mai tổ chức khóa tu Wake Up trực tuyến. Đề tài bảo vệ môi trường trở thành mối quan tâm chính của 250 bạn trẻ tham dự khóa tu. Ý thức được nhu yếu đó, quý thầy, quý sư cô đã thành lập tăng thân Trì Địa cho các bạn sống tại châu Âu. Khởi đầu, nhóm nòng cốt có sự góp mặt của thầy Trời Đức Niệm, quý sư cô Tảo Nghiêm, Trăng Lộc Uyển, Trăng Giác Hòa, Trăng Khương Định cùng các bạn Simona Coayla-Duba, Aoise, Gijs, Alex và tôi. Các thành viên gặp nhau trực tuyến mỗi tháng một lần. Dần dà còn có thêm các bạn trẻ trong các nhóm Wake Up châu Âu, châu Mỹ, châu Á cùng tham gia. Mỗi lần gặp mặt là mỗi lần niềm vui và nước mắt được sẻ chia, cũng từ đó mà chúng tôi tìm ra cách nâng đỡ nhau trong khả năng có thể. Cứ thế, tình thương dành cho đất Mẹ trở nên sâu đậm hơn trong trái tim mỗi người.
Xây dựng Wake Up là xây dựng tình huynh đệ
Những anh chị em xuất sĩ phụ trách nhóm Wake Up vẫn thường nhắc nhở nhau rằng dù chúng tôi có làm gì cho Wake Up hay phụ trách công việc nào trong tăng thân thì việc đó cũng chỉ nhằm xây dựng tình huynh đệ. Sư cô Trăng Lộc Uyển có lần chia sẻ: nếu các thành viên trong nhóm thương mến nhau như anh chị em một nhà, có khả năng làm việc hài hòa với nhau thì việc gì mình cũng làm được. Các bạn trẻ sẽ có cảm hứng và niềm tin để thực tập theo mình.
Tôi chưa tới 35 tuổi nên vẫn còn được sinh hoạt với nhóm Wake Up. Tuy vậy có những xuất sĩ hoặc thiền sinh đã trên 35 rồi mà vẫn thích tu học cùng nhóm Wake Up. Trái tim họ không già, tâm hồn họ tươi trẻ. Tôi đã được học hỏi từ những con người tràn đầy nhiệt huyết ấy. Sư em Trời Thiện Ý có tặng tôi câu thư pháp tiếng Anh “The path of compassion is endless, but together it’s a lot of fun!” (Con đường của tình thương dài vô tận, nhưng cùng đi với nhau ta sẽ có nhiều niềm vui). Tôi thích lắm!
Trong bài kệ chúc tán, tôi vô cùng tâm đắc câu:
Hiện tiền đại chúng
Tu tập tinh chuyên
Biết thương yêu nhau như ruột thịt…
Mỗi lần đọc tụng đến câu này thì lòng tôi lại xúc động. Bởi đó cũng chính là tâm nguyện của tôi khi bước trên con đường này – tu học thật hạnh phúc cùng với người trẻ, hết lòng thương yêu và nâng đỡ mọi người xung quanh. Tôi muốn các bạn trẻ thấy rằng sự thực tập có thể rất vui, chứ không cần phải quá nghiêm túc như các bạn vẫn nghĩ. Tu học khá là vui!
Bụt và Thầy đã chỉ cho ta một con đường
Thầy và tăng thân đã làm mới đạo Bụt, làm cho đạo Bụt gần gũi hơn với người trẻ. Phong trào Wake Up là một phần của cuộc cách mạng ấy. Wake Up đã trở thành nơi nương tựa tinh thần, là sân chơi tâm linh, thu hút rất nhiều người trẻ khắp nơi trên thế giới. Wake Up là viên ngọc của truyền thống Làng Mai. Những buổi pháp đàm với các bạn trẻ trong nhóm Wake Up là những giây phút hết sức quý báu. Tôi được lắng nghe những kinh nghiệm của mọi người, học cách các bạn áp dụng sự thực tập vào đời sống hàng ngày, được chia sẻ sự tu tập của mình. Và đó cũng là cơ hội cho những cái thấy mới nảy mầm.
Trong tác phẩm Đường xưa mây trắng, có đoạn nói về tôn giả Ananda. Tôn giả vẫn chưa giác ngộ mà Bụt thì không còn trụ thế được bao lâu nữa. Thấy Anada sụt sùi, Bụt ân cần căn dặn: “Ananda, đừng buồn khổ nữa, Như Lai đã từng nhắc thầy là vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt, có thành thì có hoại, có hợp thì có tan. Làm sao có sinh mà không có diệt cho được? Làm sao có thành mà không có hoại cho được? Làm sao có hợp mà không có tan cho được? Ananda, mấy mươi năm nay thầy đã thân cận Như Lai, săn sóc Như Lai với tất cả tấm lòng thương mến của thầy. Thầy đã đem hết lòng hết sức để giúp đỡ Như Lai, Như Lai rất cám ơn thầy, công đức của thầy rất lớn nhưng Ananda, thầy có thể đi xa hơn, nếu thầy cố gắng thêm chút nữa thì thầy sẽ thoát được sinh tử, đạt tới tự do, vượt thoát mọi sầu khổ, bi ai”.
Đọc những dòng này, tôi càng vững tâm, rằng chúng ta vẫn có thể đạt được giải thoát dù không được các bậc đạo sư giác ngộ trực tiếp dìu dắt. Tôn giả Ananda đạt ngộ sau khi Bụt nhập Niết Bàn thì có lẽ chúng ta cũng có thể vượt thoát sinh tử dù Thầy không còn ở đây trong hình hài này nữa. Thầy đã chỉ cho chúng ta con đường hiểu và thương, đã khai mở tâm trí cho biết bao nhiêu người trên khắp năm châu. Tôi đã nguyện với lòng sẽ tiếp tục bước đi trên con đường này và giúp cho người khác nếm được an vui. Tôi biết hạnh phúc lớn nhất của Thầy là thấy đệ tử của mình thực hiện được mong mỏi ấy. Thầy đã đặt niềm tin vào tất cả chúng ta.