Thư Gửi Thầy

 

Thầy kính thương,

Những năm còn có cơ hội gần gũi, thầy trò mình đã nói với nhau rất nhiều chuyện, chia sẻ với nhau rất nhiều tháng ngày hạnh phúc. Vậy mà có những chuyện con vẫn chưa kể Thầy nghe. Đó là những gì con học được từ Thầy, những kỷ niệm đã và đang làm cho tháng ngày của con đi qua đẹp như một giấc mơ. Ngày ấy Thầy thường nhắc: “Hiện tại đẹp quá, sự thật mà mình cứ tưởng là một giấc mơ”. Ngày nào mình cũng sống tỉnh thức trong giấc mơ đẹp ấy Thầy nhỉ!

Ngày đầu khi bước chân tới Làng, còn bỡ ngỡ, con chưa cảm nhận được tình Thầy. Con còn nhớ lần đầu tới chào Thầy ở thất Ngồi Yên vào ngày quán niệm ở xóm Thượng, các chị em qua cùng lúc với con cảm động và khóc khi được Thầy ôm. Con lúc đó vẫn đứng ngẩn người ra với thắc mắc: “Tại sao các sư chị lại khóc nhỉ?”. Xuất gia và sống ở Việt Nam, chúng con không được gần Thầy. Với những đứa khờ dại như con thì không thể nào cảm nhận một cách trực tiếp tình thương của Thầy, chỉ biết Thầy qua băng giảng và những câu chuyện của quý thầy, quý sư cô kể thôi. Đến đây ở một thời gian với sự hiện diện của Thầy, con mới thấy quý và ấm áp trong lòng. Con kính phục Thầy từ cách sống đơn giản, gần gũi đến sự lân mẫn của Thầy với tất cả mọi người, đặc biệt Thầy rất kiên nhẫn với các sư con dại dột và nhút nhát của Thầy.

Tình thương từ Thầy thì luôn có đó từ lúc ban đầu, sự tiếp nhận của con thì chỉ đến từ từ. Ban đầu, khoảng cách giữa thầy và trò dừng ở mức kính trọng và ngưỡng mộ mà không thể nào có sự thoải mái. Con vẫn sợ và ngại đến chơi. Những lúc ngồi gần Thầy thì run lắm, cảm giác không biết phải làm gì, nói gì. Thầy biết điều đó. Thầy thường kể bao nhiêu là chuyện, hỏi thăm để con có thể thấy thoải mái hơn… Con chỉ thích mỗi một việc dễ nhất là im lặng ngồi đưa võng cho Thầy thôi mà chẳng cần phải làm gì. Nói chuyện với người lớn mình biết nói gì bây giờ, lỡ nói điều gì không phải, không nên nói thì sao. Mà không nói gì thì cứ thấy sợ, không khí xung quanh bỗng trở nên ngột ngạt. Có lần Thầy hỏi con: “Sao, ngồi với Thầy con có thấy thoải mái không?”. Con trả lời: “Dạ được ạ, chỉ cần đừng nói gì là được, vì con không biết nói gì đâu”. Thầy chỉ cười và động viên: “Không cần nói gì đâu con, chỉ cần ngồi chơi, thở, cảm thấy thoải mái là đủ rồi”. Những buổi ngồi chơi với Thầy bỗng trở nên dễ chịu và sâu lắng, vì con chỉ cần đưa võng và cùng ngắm cảnh vật xung quanh thôi. Tình thầy trò bắt đầu từ đó một cách êm đềm, thầm lặng. Lời nói và những câu chuyện xuất hiện một cách tự nhiên sau đó không lâu, khi sự thoải mái đến một cách lặng 57 lẽ và thầy trò cảm thấy có sự thông thương. Giữa những buổi ngồi chơi có sự yên lặng và có cả tiếng cười. Sau này, con có thể kể rất nhiều chuyện cho Thầy nghe và nhiều khi thầy trò bàn với nhau về rất nhiều đề tài, chuyện tu học, chuyện trong tăng thân, trong sách vở,… Đôi khi thấy Thầy tự lấy tay đẩy võng, con mới nhận ra là mình bận nói mà tay quên đưa võng mất rồi.

 

 

Con thích được giúp Thầy.

Sơn Cốc rất gần xóm Mới nên chị em con có cơ hội được đưa cơm và qua thăm Thầy dường như mỗi ngày. Thời ấy sao con hay trốn thế, tự tìm đủ mọi lý do, như là nghĩ mình đã nấu ăn rồi, thường gặp Thầy hơn, mình nên để cơ hội cho các chị em khác. Bây giờ nghĩ lại, những ngày con đưa cơm cho Thầy cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng lần nào cũng thật đáng nhớ. Con thích qua Sơn Cốc những ngày mùa xuân và những ngày đầu hè, tiết trời còn ấm. Ít khi chúng con gặp Thầy ở trong nhà mà phải tìm Thầy tuốt ngoài vườn. Thầy thích đi thiền hành, nằm đưa võng chơi hưởng không khí ấm áp, trong lành và sinh động của mùa xuân. Lúc nào gặp Thầy ngoài trời chúng con cũng được Thầy mời ngồi chơi, ngắm cảnh với Thầy một lúc thì thầy trò mới nhớ tới bữa cơm.

Thầy thích nhất là mùa măng ở Sơn Cốc, thường là vào cuối xuân, khoảng tháng Tư đến tháng Năm. Nếu Thầy đi vắng trúng vào mùa đó là Thầy tiếc lắm và luôn dặn các con ở nhà nhớ hái măng cho Thầy. May mắn lắm mới được một năm Thầy ở nhà vào mùa măng. Vậy là tha hồ mà tận hưởng những phút giây bẻ măng, lột măng, luộc măng cất tủ lạnh và thế nào Thầy cũng kho sẵn một nồi với đậu hũ để đãi các sư con đến ăn cơm chung. Măng Thầy kho chín mềm, có vị cay cay của tiêu, ngon tuyệt! Các anh chị em chúng con đứa nào đến Làng cũng mơ ước được thưởng thức món măng kho của Thầy, ăn với cơm trắng, nhất là vào những ngày đông lạnh.

Con thích sự giản dị, mộc mạc của Thầy. Có lần sau khi dạy các chị em bẻ măng xong, Thầy dạy con ra vườn rau với Thầy để hái xà lách thêm cho bữa cơm chiều. Rau ở vườn Thầy mùa xuân tươi tốt lắm. Tiết trời thuận lợi nên xà lách lên xanh non mơn mởn. Con chỉ đi theo giúp mà không biết mình sẽ giúp gì. Tới nơi, Thầy cầm kéo cắt rau rồi xoay qua con thì con không có rổ để đựng. Vậy là Thầy bày cho con túm tà áo nhật bình phía trước lên tạo thành cái rổ để đựng rau. Con thấy vui vui làm theo. Thầy trò cứ thong thả hái rau. Thầy hái được lá nào thì bỏ vào cái rổ áo của con. Con chỉ việc tòn ten theo Thầy. Sau đó thầy trò vào nhà và chúng con được đãi thêm món rau trộn tươi ngon nữa.

Một buổi chiều qua Sơn Cốc vào lúc trời sắp chuyển mưa, Thầy nhờ con: “Con giúp Thầy chạy ra vườn lấy cái võng hồi chiều Thầy nằm vào, không thì trời mưa ướt, phải ‘chạy’ mới kịp nhưng phải chạy trong chánh niệm”. Thực ra thì con thường lén chạy những lúc gấp gáp cho chuyện gì đó, dù biết như vậy là không được phép và đánh mất bước chân của mình. Nhưng được Thầy nhờ chạy và chạy trong chánh niệm thì khác! Cảm giác vui và ý thức là mình đang chạy làm con có mặt trọn vẹn cho những gì con đang làm và vừa kịp trước lúc mưa xuống. Con giỏi quá Thầy ha!

Lúc còn nhỏ tuổi đôi khi có gì lo lắng, thắc mắc con thường hỏi Thầy để được chỉ dạy. Khi chuẩn bị bước tới năm tuổi của mình, con có một sự lo lắng nhỏ là lo bị xui xẻo. Thông thường mình hay lo lắng cho những gì thường xảy ra nhất, rồi ai ai cũng tin như vậy thành ra nó trở thành một sự thật và là chuyện đương nhiên nếu nó có xảy ra. Dần dần con cũng tin vào những gì phần đông mọi người đều tin và thay vì chỉ cần cẩn thận thôi, trong con có thêm một nỗi lo lắng. Trong một lần gặp Thầy, con đã chia sẻ với Thầy sự ngại ngần của con khi phải bước tới một năm phía trước. Con lo rằng có thể năm đó sẽ có nhiều thử thách chông gai. Thầy chỉ mỉm cười, xoa đầu con và khuyến khích: “Con đừng lo, thử thách là một chuyện bình thường ai ai cũng gặp, miễn là con giữ được cho tâm mình thật mạnh mẽ và trong sáng, thế nào mọi chuyện cũng đi qua một cách dễ dàng và ý nghĩa”. Nhờ đó mà con có thể bỏ đi những lo nghĩ trong lòng và bước tới một cách mạnh mẽ, không những một năm mà cả những năm sau đó.

Quả thật năm đó con có gặp chuyện gì to tát lắm đâu, chỉ một vài chuyện rắc rối vụn vặt mà vì đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng rồi nên con đã đi qua một cách an ổn. Sau này, mỗi khi có cảm tưởng mình sắp phải đối diện với chuyện gì đó có thể khó khăn, con biết mình phải chuẩn bị đầy đủ hành trang. Đó là sự bình an, niềm tin và trái tim thật trong sáng. Để có được sự bình an, con luôn nhắc mình nương theo thời khóa của đại chúng để tu tập và để tâm tới những gì đang có mặt trong thân tâm của mình, cũng như những gì diễn ra xung quanh với các chị em. Con chú tâm vào sự tu tập để tìm lại sự quân bình cho mình. Chánh niệm từ những điều nhỏ nhặt nhất giúp con gom góp được năng lượng và niềm vui để con có thể giữ gìn được những năng lượng quý giá đó cho những ngày hơi thiếu nắng, như cất củi cho mùa đông vậy. Và lỡ có gì “xui” thì nó cũng đã xui rồi, làm sao để xử lý cho tốt thì hay hơn là lo sợ về điều đó thêm nữa.

Thầy quen tự làm mọi việc cho mình, ít khi nhờ ai giúp đỡ. Thực ra lúc Thầy còn khỏe, làm thị giả cho Thầy con chỉ chơi và “hưởng thụ” tình thương nơi Thầy thôi mà không được Thầy nhờ làm gì nhiều. Mãi đến thời gian Thầy bị bệnh, Thầy mới nhờ đến sự trợ giúp của các thị giả. Đến lúc đó con mới có cảm giác mình đang làm thị giả cho Thầy. Mỗi lúc cần nhờ gì, Thầy thường dạy: “Con làm đôi chân cho Thầy, đi tới lấy dùm cuốn sách cho Thầy; con làm đôi mắt cho Thầy, đọc hộ Thầy cái này; con làm đôi tay cho Thầy, viết hộ Thầy đoạn này,…” Con rất hạnh phúc được giúp Thầy và những lần làm việc đó con tập làm với tay của Thầy, đi với đôi chân của Thầy và nhìn bằng cặp mắt trẻ của Thầy. Những lúc đó, Thầy và con là một, làm cho Thầy là làm cho con. Và khi con cần làm gì con đều tâm niệm làm như Thầy đang làm. Những thời gian sau này mỗi lần con đánh mất mình hoặc có những lần thiếu đi năng lượng vững chãi trong mình, con thường mời Thầy ở lại với hơi thở, bước chân và cả con người của con để những gì con làm có thể có được sự bình an và thảnh thơi hơn như những gì Thầy đã từng làm.

 

 

Thời gian khó nhất mà con phải đối diện và trải qua là thời gian Thầy bệnh. Chuỗi ngày đó là những ngày đáng nhớ, đầy thử thách chông gai nhưng cũng đầy những kỷ niệm và bài học cho mỗi thành viên trong đại chúng, cũng như cho mỗi anh chị em đang bên Thầy và đang giữ cùng một nhịp điệu với Thầy: Giữ niềm tin. Những tháng ngày đó, con rất kính phục sự đều đặn và mạnh mẽ của Thầy. Sức mạnh và niềm tin đó truyền qua chúng con một cách rõ ràng và đều đặn. Vì vậy tất cả các anh chị em thị giả đều một lòng liên tục có mặt, hoạt động, đi tới và chỉ cần theo chỉ dẫn của Thầy thôi mà đã không xuể rồi. Tuy bị bệnh, Thầy vẫn duy trì những công tác hàng ngày Thầy thường làm như: dịch kinh, tìm cách để giải thích và dạy những giáo pháp làm sao cho các con dễ hiểu, có thể áp dụng thực tập trong những sinh hoạt hằng ngày và quán chiếu về những gì đang xảy ra để công phu thêm vững chãi. Bất cứ lúc nào Thầy của chúng con cũng đầy nhiệt huyết và đầy năng lượng trẻ trung trong lòng. Nếu có một ước mong cho Thầy nghỉ ngơi để Thầy khỏe, con hay gọi đó là enjoy tuổi già, thì đó là mong ước và suy nghĩ của riêng con thôi. Nó đâu ăn khớp gì với chí nguyện và trái tim luôn trẻ của Thầy.

Trong khoảng thời gian sau này Thầy đau nhiều, chân bắt đầu nặng và yếu. Vì đã quen với việc tự chăm sóc bản thân mình, Thầy phải tập làm quen và cố gắng chấp nhận từ từ sự giúp đỡ của các sư con. Mỗi khi sắp phải đứng dậy từ ghế hay từ giường của mình Thầy luôn muốn thử sức, cố gắng tự làm. Anh chị em con luôn đứng đằng sau Thầy để quan sát và sẵn sàng giúp đỡ nếu Thầy cần. Câu mà Thầy thường dùng để tự cổ vũ mình đó là “I can do it” (Thầy có thể làm được). Cùng lúc đó, anh chị em đồng thời làm một dàn cổ vũ chung cùng ngân nga “You can do it, you can do it”. Cho dù có thành công hay không, cả thầy và trò đều giữ vững tinh thần và có niềm vui trong những phút giây đó. Những lúc chưa thành công, Thầy chỉ nói “chưa được” và tất nhiên là vẫn tiếp tục cho những lần sau.

Những năm qua con chỉ làm một chuyện thôi, đó là phải tập làm một người lớn. Đã biết không còn một chọn lựa nào khác ngoài sự cố gắng để tự chăm sóc chính mình đồng thời giúp Thầy, giúp các sư chị chăm sóc các sư em và xây dựng tăng thân, nên con không thể trì hoãn và không có lý do gì khác để trốn tránh trách nhiệm. Con có chịu làm sư chị lớn và để tâm học hỏi thêm nhưng lắm lúc tự cảm thấy mình còn non dại quá, nhất là những khi mình không biết giải quyết những vấn đề trong tâm và làm sao để nâng đỡ thêm cho các sư em của mình. Có khi con thấy tủi thân và chùn bước vì… khó quá.

Những lúc như vậy con nhớ tới hình ảnh Thầy đã cố gắng như thế nào và tự động viên mình nên con cũng thường nói với bản thân “I can do it”, đồng thời con cũng nghe Thầy trong con khích lệ “con làm được mà” nên con có thêm động lực, ngẩng đầu lên mà bước tới. Và nếu không thành công con sẵn sàng thử lại lần nữa và thử cách khác. Thế nào cũng có cách nào đó tốt hơn cho một vấn đề và không bao giờ có cách hay nhất cố định cho mãi mãi. Có một điều rất rõ mà những năm qua Thầy và chúng con đều thấy, đó là các con của Thầy người nào cũng đang lớn lên, cứng cáp hơn nhiều. Tất cả đang cùng nhau tiếp tục công trình xây dựng tăng thân và giúp đời như Thầy đã mở đường. Khi nào chúng con có sự hòa hợp và thương yêu nhau là con biết chúng con đang tặng Thầy món quà quý nhất.

Thầy kính thương, có những ngày nghe tin Thầy không khỏe thì con hơi hướng tâm về bên ấy và nhận diện mình đang lo lắng. Đôi lúc mong sao khoảng cách địa lý không xa vời như vậy để tất cả chúng con được gặp Thầy, thấy Thầy và có sự an tâm trong lòng. Đã bao lần nắm tay Thầy và thầy trò cùng hòa một nhịp thở, ấm áp nhất là cảm giác thật sự có mặt cho nhau. Còn nhớ hôm nghe chuông Thầy gọi, con hơi vội vàng chạy vào để xem Thầy cần gì, bước vào thấy Thầy nằm trên giường, con rón rén hỏi: “Bạch Thầy, con có thể giúp gì được ạ?”. Thầy đưa tay ra và nói: “Thầy mệt, Thầy cần con ngồi chơi với Thầy”. Ngay lập tức con biết mình phải làm gì, đó là tức khắc trở về với chánh niệm và thiết lập sự bình an. Vì Thầy cần năng lượng lành cho đỡ mệt (lúc đó con không khóc, khóc thì không thể nào giấu được nước mắt. Những ngày đó con mạnh mẽ lắm vì mình đang trong vai trò trợ giúp mà, bây giờ kể lại mới thấy bùi ngùi).

Xa Thầy con nhớ Thầy nhiều, mỗi lần nghe Thầy mệt, tuy từ xa nhưng con cũng làm như những gì con từng làm là ngồi yên và thở với Thầy, tìm lại sự bình an cho con và cho các chị em xung quanh nữa. Thầy có mặt trọn vẹn nơi đây và nơi tất cả mọi người, chăm sóc sự tu học là đang chăm sóc Thầy rồi. Con kính chúc Thầy dùng cơm được mỗi ngày, thở ngon, ngủ ngon và chơi vui với các con ở bên.

Thương Thầy nhất thế giới,

Ôm Thầy một cái.

Con – Chân Thao Nghiêm