Nghi thức lễ cài hoa vu lan
Lễ Cài Hoa Vu Lan, cũng như lễ Bụt đản sanh, là một lễ lớn, cần được trần thiết thật đẹp. Hoa hồng, hoa trắng và kim cài được chuẩn bị đầy đủ. Điện Bụt hay hội trường được treo đèn kết hoa. Âm nhạc cúng dường nên dùng những bài cổ nhạc và tân nhạc có tầm vóc và có giá trị tâm linh. Nhạc khí nên dùng độc huyền cầm, đàn tranh, sáo, nhị và những nhạc khí cổ truyền khác.
1. (Thiền Hành) (30 phút, sau khi được hướng dẫn)
2. (Thiền Tọa) (12 phút, sau khi được hướng dẫn)
3. (Dâng Hương)
Đại chúng đứng chắp tay trước bàn thờ. Vị chủ lễ nâng hương lên và xướng kệ Dâng Hương sau ba tiếng chuông bắt đầu, trong khi mọi người quán tưởng theo lời kệ:
Xin cho khói trầm thơm
Kết thành mây năm sắc
Dâng lên khắp mười phương
Cúng dường vô lượng Bụt
Vô lượng chư Bồ Tát
Cùng các thánh hiền tăng
Nơi pháp giới dung thông
Kết đài sen rực rỡ
Nguyện làm kẻ đồng hành
Trên con đường giác ngộ
Xin mọi loài chúng sanh
Từ bỏ cõi lãng quên
Theo đường giới định tuệ
Quay về trong tỉnh thức.
Chúng con kính dâng hương lên Bụt và chư vị Bồ Tát. (C)
4. (Tán Dương)
Hương đã cắm vào bình, vị chủ lễ xướng, đại chúng chắp tay quán tưởng theo:
Xinh tốt như hoa sen
Rạng ngời như Bắc Đẩu
Xin quay về nương náu
Bậc thầy của nhân, thiên.
Sen quý nở đài giác ngộ
Hào quang chiếu rạng mười phương
Trí tuệ vượt tầm pháp giới
Từ bi thấm nhuận non sông
Vừa thấy dung nhan Điều ngự
Trăm ngàn phiền não sạch không
Hướng về tán dương công đức
Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng.
Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. (C)
5. (Lạy Bụt)
Vị chủ lễ xướng các danh hiệu sau đây, và đại chúng lạy xuống một lạy theo tiếng chuông gia trì sau mỗi danh hiệu:
Nhất tâm kính lễ Bụt, Pháp và Tăng thường trụ trong mười phương (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bổn Sư Bụt Shakyamuni (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Trí Manjusri (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Hạnh Samantabhadra (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Bi Avalokiteśvara (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Nguyện Ksitigarbha (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Thanh Lương Đại Địa (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Thượng Thủ Mahākassapa (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Trí Trưởng Lão Sāriputta (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Hiếu Maha Moggallāna (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Luật Sư Upāli (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Khải Giáo Ānanda (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Ni Trưởng Gotamī (C)
Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ Sư qua các thời đại từ Thiên Trúc đến Việt Nam. (CC)
6. (Trì Tụng)
Đại chúng an tọa trên tọa cụ thành hai hàng đối diện nhau. Duy Na và Duyệt Chúng khai chuông mõ. Vị chủ lễ xướng kệ khai kinh và Tâm Kinh:
Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (ba lần) (C)
Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)
Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa (C)
TÂM KINH TUỆ GIÁC QUA BỜ (C)
Avalokita
Khi quán chiếu sâu sắc
Với tuệ giác qua bờ,
Bỗng khám phá ra rằng:
Năm uẩn đều trống rỗng.
Giác ngộ được điều đó,
Bồ-tát vượt ra được
Mọi khổ đau ách nạn.(C)
“Này Śāriputra,
Hình hài này là không,
Không là hình hài này;
Hình hài chẳng khác không,
Không chẳng khác hình hài.
Điều này cũng đúng với
Cảm thọ và tri giác,
Tâm hành và nhận thức. (C)
“Này Śāriputra,
Mọi hiện tượng đều không,
Không sinh cũng không diệt,
Không có cũng không không,
Không dơ cũng không sạch,
Không thêm cũng không bớt. (C)
“Cho nên trong cái không,
Năm uẩn đều không thể
Tự riêng mình có mặt.
Mười tám loại hiện tượng
Là sáu căn, sáu trần
Và sáu thức cũng thế;
Mười hai khoen nhân duyên
Và sự chấm dứt chúng
Cũng đều là như thế;
Tuệ giác và chứng đắc
Cũng đều là như thế. (C)
“Khi một vị bồ-tát
Nương tuệ giác qua bờ
Không thấy có sở đắc
Nên tâm hết chướng ngại.
Vì tâm hết chướng ngại
Nên không còn sợ hãi,
Đập tan mọi vọng tưởng,
Đạt niết-bàn tuyệt hảo. (C)
Nương tuệ giác qua bờ
Đều có thể thành tựu
Quả chánh giác toàn vẹn. (C)
“Vậy nên phải biết rằng
Phép tuệ giác qua bờ
Là một linh chú lớn,
Là linh chú sáng nhất,
Là linh chú cao tột,
Không có linh chú nào
Có thể so sánh được.
Tất cả mọi khổ nạn. (C)
7. (Âm Nhạc Hòa Tấu Cúng Dường)
Cổ nhạc như Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ hay tân nhạc như bài Hải Triều Âm của Bửu Bác, hay bài Ý Thức Em Mặt Trời Tỏ Rạng của Nhất Hạnh
8. (Khai Thị)
Hôm nay đại chúng tập họp để làm lễ Cài Hoa Vu Lan. Xin đại chúng lắng lòng nghe: Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Chúng ta quy tụ hôm nay để tưởng nhớ tới ân đức sinh thành, để cầu nguyện cho cha mẹ và để thắp sáng ý thức về tình nghĩa và hạnh phúc. Trước hết, xin đại chúng nghe đọc đoản văn "Bông Hồng Cài Áo".
9. (Đọc Bông Hồng Cài Áo)
Hai giọng, một nam một nữ, nối tiếp nhau đọc từng đoạn trong đoản văn Bông Hồng Cài Áo, từ đầu đến cuối.
10. (Hát Bài Bông Hồng Cài Áo)
11. (Khai Thị)
Xin đại chúng nghe nói về tình cha.
12. (Nói Về Tình Cha)
(Một hoặc hai người, đã được chuẩn bị trước, nói về tình cha)
13. (Âm Nhạc Cúng Dường)
(Thiếu niên và thiếu nữ lên trước đài, đồng ca một bài về công cha nghĩa mẹ, như bài Ân Nghĩa Sinh Thành của Dương Thiệu Tước)
14. (Cài Hoa)
Sáu hoặc tám em thiếu niên và thiếu nữ mặc áo dài Việt Nam tiến ra quỳ trước điện Bụt. Vị chủ lễ tiến lên, quỳ trước các em, chắp tay làm lễ mỗi em và cài hoa cho từng em. Hoa được cài gồm có hai đóa, đóa này cao hơn đóa kia chừng nửa phân. Hoa đóa trên tượng trưng cho cha, hoa đóa dưới tượng trưng cho mẹ. Nếu cha mẹ còn sống cả thì em được cài hai đóa màu hồng. Được cài hoa xong, các em chắp tay và đứng dậy, tiến tới ba bước và lạy trước Tam Bảo để bày tỏ lòng tri ân và để cầu Bụt gia hộ cho cha mẹ, dầu đang còn hay đã khuất. Vị Duy Na nhịp chuông cho các em lạy. Lạy xong, các em đứng dậy để chuẩn bị cài hoa cho đại chúng. Mỗi lần, sáu người từ đại chúng xuất ban, tiến lên và quỳ trước Tam Bảo. Sáu em cài hoa đều phải đến quỳ xuống trước sáu người làm lễ trước khi cài hoa. Có hai em phụ tá nâng khay hoa đứng sau lưng; người mới được cài hoa chắp tay, đứng dậy, tiến lên ba bước và lạy xuống trước Tam Bảo để bày tỏ lòng tri ân và để cầu Bụt gia hộ cho cha mẹ, trước khi trở về chỗ ngồi; trong khi đó, sáu người khác trong đại chúng lại xuất ban ra quỳ trước Tam Bảo. Cứ như thế cho đến khi mọi người đều được cài hoa.
15. (Âm Nhạc Cúng Dường)
Hòa tấu một bản cổ nhạc như Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, hoặc một bài tân nhạc ca tụng tình cha hoặc tình mẹ.
16. (Quy Nguyện)
Trầm hương xông ngát điện
Sen nở Bụt hiện thân
Pháp giới thành thanh tịnh
Chúng sanh lắng nghiệp trần. (C)
Đệ tử tâm thành
Hướng về Tam Bảo
Bụt là thầy chỉ đạo
Bậc tỉnh thức vẹn toàn
Tướng tốt đoan trang
Trí và bi viên mãn. (C)
Pháp là con đường sáng
Dẫn người thoát cõi mê
Đưa con trở về
Sống cuộc đời tỉnh thức. (C)
Tăng là đoàn thể đẹp
Cùng đi trên đường vui
Tu tập giải thoát
Làm an lạc cuộc đời. (C)
Đệ tử nương nhờ Tam Bảo
Trên con đường học đạo
Biết Tam Bảo của tự tâm
Nguyện xin chuyên cần
Làm sáng lòng ba viên ngọc quý. (C)
Nguyện theo hơi thở
Nở nụ cười tươi
Nguyện học nhìn cuộc đời
Bằng con mắt quán chiếu
Nguyện xin tìm hiểu
Nỗi khổ của mọi loài
Tập từ bi
Hành hỷ xả
Sáng cho người thêm niềm vui
Chiều giúp người bớt khổ
Đệ tử nguyện sống cuộc đời thiểu dục
Nếp sống lành mạnh an hòaCho thân thể kiện khương
Nguyện rũ bỏ âu lo
Học tha thứ bao dung
Cho tâm tư nhẹ nhõm
Đệ tử xin nguyện ơn sâu đền báo
Ơn cha mẹ ơn thầy
Ơn bè bạn chúng sanh
Nguyện tu học tinh chuyên
Cho cây bi trí nở hoa
Mong một ngày kia
Có khả năng cứu độ mọi loài
Vượt ra ngoài cõi khổ. (C)
Xin nguyện Bụt, Pháp, Tăng chứng minh
Gia hộ cho đệ tử chúng con
Viên thành đại nguyện. (CC)
17. (Quay Về Nương Tựa)
Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. (C)
Đã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.
Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa.
Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. (C)
Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người,thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ Đề.
Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người,nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.
Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người,xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. (CC)
18. (Hồi Hướng)
Cầu báo ơn sinh dưỡng
Tạo công đức vô biên
Đệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sinh mọi miền. (C)
Pháp môn xin nguyện học
Ân nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Bụt xin chứng nên. (CCC)