Nghi thức hôn lễ
Phát nguyện sống cuộc sống lứa đôi theo giáo pháp của Bụt. Người Phật tử thấy mình không phải là những cá nhân biệt lập với tổ tiên và dòng họ, mà thấy mình là một sự tiếp nối, đại diện cho tất cả những thế hệ đi trước. Tất cả những hành động và phong độ sinh hoạt của mình trong hàng ngày không phải chỉ để nhằm đến mục đích thỏa mãn những nhu yếu tinh thần và thể chất cho cá nhân mình, mà cũng còn là để thực hiện ước vọng của dân tộc, của giống nòi và của dòng họ, và cũng là để chuẩn bị cho những thế hệ con cháu kế tiếp.
1. Thiền Hành (30 phút, sau khi được hướng dẫn)
2. Thiền Tọa (12 phút, sau khi được hướng dẫn)
3. Dâng Hương
Đại chúng đứng chắp tay trước bàn thờ. Vị chủ lễ nâng hương lên và xướng kệ Dâng Hương sau ba tiếng chuông bắt đầu, trong khi mọi người quán tưởng theo lời kệ:
Hương đốt khói trầm xông ngát
Kết thành một đóa tường vân
Đệ tử đem lòng thành kính
Cúng dường chư Bụt mười phương
Giới luật chuyên trì nghiêm mật
Công phu thiền định tinh cần
Tuệ giác hiện dần quả báu
Dâng thành một nén tâm hương.
Chúng con kính dâng hương lên Bụt và chư vị Bồ Tát. (C)
4. Tán Dương
Hương đã cắm vào bình, vị chủ lễ xướng, đại chúng chắp tay quán tưởng theo:
Xinh tốt như hoa sen
Rạng ngời như Bắc Đẩu
Xin quay về nương náu
Bậc thầy của nhân, thiên.
Sen quý nở đài giác ngộ
Hào quang chiếu rạng mười phương
Trí tuệ vượt tầm pháp giới
Từ bi thấm nhuận non sông
Vừa thấy dung nhan Điều ngự
Trăm ngàn phiền não sạch không
Hướng về tán dương công đức
Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng.
Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. (C)
5. Lạy Bụt
Vị chủ lễ xướng các danh hiệu sau đây, và đại chúng lạy xuống một lạy theo tiếng chuông gia trì sau mỗi danh hiệu:
Nhất tâm kính lễ Bụt, Pháp và Tăng thường trụ trong mười phương (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bổn Sư Bụt Shakyamuni (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Trí Manjusri (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Hạnh Samantabhadra (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Bi Avalokiteśvara (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Nguyện Ksitigarbha (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Thanh Lương Đại Địa (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Thượng Thủ Mahākassapa (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Trí Trưởng Lão Sāriputta (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Hiếu Maha Moggallāna (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Luật Sư Upāli (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Khải Giáo Ānanda (C)
Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Ni Trưởng Gotamī (C)
Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ Sư qua các thời đại từ Thiên Trúc đến Việt Nam. (CC)
6. Trì Tụng
Đại chúng an tọa trên tọa cụ thành hai hàng đối diện nhau. Duy Na và Duyệt Chúng khai chuông mõ. Vị chủ lễ xướng kệ khai kinh và Tâm Kinh:
Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (ba lần) (C)
Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)
TÂM KINH TUỆ GIÁC QUA BỜ
Khi quán chiếu sâu sắc
Với tuệ giác qua bờ,
Bỗng khám phá ra rằng:
Năm uẩn đều trống rỗng.
Giác ngộ được điều đó,
Bồ-tát vượt ra được
Mọi khổ đau ách nạn.(C)
“Này Śāriputra,
Hình hài này là không,
Không là hình hài này;
Hình hài chẳng khác không,
Không chẳng khác hình hài.
Điều này cũng đúng với
Cảm thọ và tri giác,
Tâm hành và nhận thức. (C)
“Này Śāriputra,
Mọi hiện tượng đều không,
Không sinh cũng không diệt,
Không có cũng không không,
Không dơ cũng không sạch,
Không thêm cũng không bớt. (C)
“Cho nên trong cái không,
Năm uẩn đều không thể
Tự riêng mình có mặt.
Mười tám loại hiện tượng
Là sáu căn, sáu trần
Và sáu thức cũng thế;
Mười hai khoen nhân duyên
Và sự chấm dứt chúng
Cũng đều là như thế;
Tuệ giác và chứng đắc
Cũng đều là như thế. (C)
“Khi một vị bồ-tát
Nương tuệ giác qua bờ
Không thấy có sở đắc
Nên tâm hết chướng ngại.
Vì tâm hết chướng ngại
Nên không còn sợ hãi,
Đập tan mọi vọng tưởng,
Đạt niết-bàn tuyệt hảo. (C)
Nương tuệ giác qua bờ
Đều có thể thành tựu
Quả chánh giác toàn vẹn. (C)
“Vậy nên phải biết rằng
Phép tuệ giác qua bờ
Là một linh chú lớn,
Là linh chú sáng nhất,
Là linh chú cao tột,
Không có linh chú nào
Có thể so sánh được.
Tất cả mọi khổ nạn. (C)
7. Khai Thị
Hôm nay đại chúng tập họp để hộ niệm cho lễ thành hôn của các Phật tử … và … Xin mọi người giữ chánh niệm và theo dõi hơi thở khi nghe tiếng chuông gia trì. (Ba tiếng chuông)
8. Lạy Báo Ân
Các Phật tử … và … đứng dậy, ra đứng chắp tay trình diện trước Tam Bảo. Nghe lời xướng và tiếng chuông thì lạy xuống một lạy:
Phật tử mang ơn cha mẹ sinh thành, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.(C)
Phật tử mang ơn sư trưởng giáo huấn, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.(C)
Phật tử mang ơn bằng hữu và các bậc thiện tri thức đã tác thành cho, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.(C)
Phật tử mang ơn mọi loài chúng sanh, cây cỏ và đất đá, cúi đầu kính lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương. (CC)
9. Khai Thị
Xin đại chúng lắng lòng nghe. Đây là lúc các Phật tử … và … phát nguyện sống cuộc sống lứa đôi theo giáo pháp của Bụt. Người Phật tử thấy mình không phải là những cá nhân biệt lập với tổ tiên và dòng họ, mà thấy mình là một sự tiếp nối, đại diện cho tất cả những thế hệ đi trước. Tất cả những hành động và phong độ sinh hoạt của mình trong hàng ngày không phải chỉ để nhằm đến mục đích thỏa mãn những nhu yếu tinh thần và thể chất cho cá nhân mình, mà cũng còn là để thực hiện ước vọng của dân tộc, của giống nòi và của dòng họ, và cũng là để chuẩn bị cho những thế hệ con cháu kế tiếp. Mục đích của cuộc sống lứa đôi là để làm cho tiếp nối dòng sinh mạng của tổ tiên nơi những thế hệ con cháu sau này. Đây là nhiệm vụ chính của mình và cũng là điều mà các đương sự phải tâm niệm mỗi ngày trong từng giây phút.
Quý vị Phật tử ! Quý vị hãy theo thầy đọc lên năm lời phát nguyện sau đây, và sau mỗi lời nguyện thì theo tiếng chuông lạy trước Tam Bảo một lạy:
Điều phát nguyện thứ nhất: Chúng con nguyện sống đời sống hàng ngày sao cho xứng đáng với đạo đức của tổ tiên và nòi giống chúng con. (C)
Điều phát nguyện thứ hai: Chúng con nguyện sống đời sống hàng ngày sao cho xứng đáng với kỳ vọng mà tổ tiên và giống nòi đặt nơi mỗi chúng con. (C)
Điều phát nguyện thứ ba: Chúng con nguyện nương vào nhau, xây dựng cho nhau bằng tình thương, sự tin cậy, sự hiểu biết và lòng kiên nhẫn. (C)
Điều phát nguyện thứ tư: Chúng con nguyện thường tự nhắc nhở rằng sự trách móc, sự hờn giận và lý luận chỉ làm hao tổn hòa khí và không giải quyết được gì. Chúng con biết chỉ có sự hiểu biết và lòng tin cậy mới bồi đắp được hạnh phúc và sự an lạc. (C)
Điều phát nguyện thứ năm: Chúng con nguyện trong đời sống hàng ngày dồn hết tâm lực và phương tiện để xây dựng cho thế hệ con cháu của chúng con trong tương lai. (C)
10. Huấn Giáo
Các Phật tử! Trước sự chứng minh của Tam Bảo và đại chúng, quý vị đã được phối hợp thành vợ thành chồng trong năm điều phát nguyện.
Những lời phát nguyện này quý vị phải đem ra cùng nhau đọc tụng vào ngày trăng tròn mỗi tháng trước bàn thờ Tam Bảo. Tam Bảo sẽ gia hộ cho các Phật tử có đủ sáng suốt, có đủ hiểu biết và thương yêu để xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình, làm nền tảng cho sự tiếp nối công trình của tiền nhân và sự xây dựng cho những thế hệ hậu lai. Xin đại chúng chắp tay niệm Bụt theo phương pháp trì danh nhất tâm bất loạn để hộ niệm cho cuộc phối hợp này được thành tựu đẹp đẽ và bền vững.
11. Trì Tụng (mỗi danh hiệu ba lần)
Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)
Nam mô đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (C)
Nam mô đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)
Nam mô đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm (C)
Nam mô đức Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương. (CC)
12. Lạy Nhau
Bây giờ đây là lúc hai người mới cưới quay mặt lại với nhau và lạy nhau hai lạy để biểu lộ niềm cung kính đối với nhau. Trong truyền thống nước ta, vợ chồng phải biết kính trọng nhau như những người khách quý (tương kính như tân). Tình yêu và sự cam kết của quý vị được xây dựng trên nền tảng của sự tương kính đó.
13. Trao Nhẫn Và Nói Lời Ước Nguyện
Bây giờ đến lúc hai người mới cưới quỳ lên, trao nhẫn cho nhau và nói với nhau lời nguyện ước, trước sự chứng giám của Tam Bảo.
14. Huấn Giáo Và Chúc Tụng Của Bậc Phụ Huynh
(một vị phụ huynh đại diện ban lời huấn giáo và chúc tụng)
15. Quay Về Nương Tựa
Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. (C)
Đã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.
Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa.
Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. (C)
Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người,thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ Đề.
Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người,nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.
Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người,xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. (CC)
15. Hồi Hướng
Phát nguyện pháp thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Đệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sinh mọi miền. (C)
Pháp môn xin nguyện học
Ân nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Bụt xin chứng nên. (CCC)