Ở Làng những ngày này tuy trời vẫn còn cái giá lạnh cuối đông, nhưng không khí ấp cúng, sum vầy của Tết cổ truyền đang lan tỏa khắp nơi. Không chỉ cảm nhận được hương vị của Tết qua câu đối đỏ, hay nồi bánh chưng xanh, mà Tết còn có mặt trong tâm hồn mỗi người con của quê hương xứ sở.
Mời bạn về thăm Làng để cùng sống với những nét đẹp văn hóa cổ truyền của đất nước và cũng để thắp sáng truyền thống vui xuân cùng đại gia đình Tăng thân qua những khoảnh khắc dưới đây:
Chầm chậm xuân về lòng đất chuyển. Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương. Đại chúng vân tập và niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm trong lễ dựng nêu. Cây nêu được dựng lên để nhắc nhở mọi người rằng đây là đất Bụt, là Tịnh độ hiền tiền. Chợ hoa. Nếu có dịp được đến chợ hoa, chắc chắn bạn sẽ choáng ngợp bởi thiên đường màu sắc. Bánh chưng là phẩm vật dâng lên ông bà tổ tiên để bày tỏ niềm tri ân và lòng hiếu thảo của con cháu. Sư cô Chân Đức cẩn trọng gấp từng nếp lá. Gói bánh nhưng không quên “Thở và cười”. Các bạn thiền sinh Tây phương có cơ hội để tìm hiểu văn hóa Việt Nam và tự tay gói bánh. Lời ca, tiếng hát là một phần không thể thiếu. Sư cô Chân Trăng Hiếu Đức hát tặng đại chúng những bài hát được phổ nhạc từ thơ của Sư Ông. Những thế hệ đi trước là người trao truyền và dẫn dắt cho thế hệ sau. Nếu buộc dây trong chánh niệm thì cũng có thể mang lại rất nhiều hạnh phúc. Mỗi năm chỉ có cơ hội gói bánh một lần nên ai cũng rất trân quý. Tết về gọi lại một thời ấu thơ… Tăng thân là mái nhà mà ở nơi đó niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được vơi đi. Thành phẩm của nhiều đôi bàn tay nhưng chung một tấm lòng. Nồi luộc bánh cần được phủ lên một lớp bùn để khói than không bám lên trực tiếp. Bếp lửa hồng đã được thắp lên. Bên ánh lửa tý tách reo vui, cùng ôn lại những kỷ niệm Tết xưa. Bánh được luộc cả đêm cho tới sáng. Mùi thơm của nếp và lá dong chín cùng hòa quyện với nhau. Đại địa muôn đời xinh đẹp mãi.
Họp ngàn chim én tạo mùa xuân.