XV. Đám mây không bao giờ chết

1. Sáu mươi lăm năm hoằng pháp

Jeff Wilson, một giáo sư về Tôn giáo và châu Á của trường đại học Renison và đại học Waterloo ở Canada đã mô tả Thầy như là “nhân vật quan trọng bậc nhất trong đạo Bụt phương Tây… xét từ phương diện số lượng thiền sinh mà Thầy có ảnh hưởng trực tiếp, cũng như mức độ ảnh hưởng của các từ ngữ mà Thầy tạo ra hoặc nhấn mạnh (như: “engaged Buddhism” – đạo Bụt dấn thân; “interbeing” – tương tức, “mindfulness” – chánh niệm, v.v.) đến ngôn ngữ đương đại của đạo Bụt ở phương Tây[343]

Trong một nghiên cứu hàn lâm gần đây của John Powers với tựa đề The Buddhist World (Thế giới Phật giáo, xuất bản năm 2016), Thầy được chọn là một trong 10 nhà lãnh đạo tâm linh có tầm ảnh hưởng lớn lao, nổi bật nhất trong lịch sử đạo Bụt, dựa trên tầm ảnh hưởng của Thầy đối với nền Phật giáo đương đại trên toàn cầu. Các pháp môn thực tập chánh niệm cùng với mô hình khóa tu của Thầy – được phát triển dựa trên chính kinh nghiệm trực tiếp và tuệ giác của Thầy – đã được hàng trăm ngàn người từ khắp các châu lục, từ mọi tầng lớp trong xã hội học hỏi và thực tập. Chỉ trên nước Mỹ, sách của Thầy đã được bán trên 3 triệu quyển, và 10 triệu quyển trên toàn thế giới.

Trong chặng đường hoằng pháp bền bỉ suốt 65 năm, Thầy đã góp phần quan trọng vào công trình làm mới đạo Bụt cho thế kỷ 21; chuyển hóa đạo Bụt tín mộ, hay đạo Bụt có tính học thuật thành một đạo Bụt của tuệ giác, của kinh nghiệm tâm linh thực nghiệm, rất linh động và luôn tự mình làm mới. Thầy đã sống qua các thời kỳ hỗn loạn, suy vong của chế độ thuộc địa, chiến tranh, rồi toàn cầu hóa. Dù trong thời kỳ nào, Người cũng luôn cống hiến một hướng đi của Phật giáo phù hợp với thời đại. Thầy đã đem những tuệ giác trong kho tàng của đạo Bụt truyền thống kết hợp với những yếu tố tâm lý học, khoa học, sinh thái học, đạo đức học và giáo dục của phương Tây để giải quyết tận gốc rễ những nguyên nhân gây sợ hãi, bạo động, đàn áp, bất công và tàn hoại môi trường; đồng thời chỉ ra một hướng đi cho gia đình nhân loại để có thể tiếp xúc với bình an, hòa giải và hạnh phúc đích thực. Năm 2017, Hội Chủng viện Thần học Hoa Kỳ (Union Theological Seminary – UTS) tại New York đã khai giảng để đưa Chương trình Thích Nhất Hạnh với Đạo Bụt dấn thân (Thich Nhat Hanh Program for Engaged Buddhism) vào chương trình Thạc sỹ Thần học về đạo Bụt và Tinh thần Dấn thân Liên tôn giáo (Master of Divinity in Buddhism and Interreligious Engagement). Chương trình đã thu hút nhiều sinh viên theo học.

2. Mây nước về nguồn

“Chuyện gì xảy ra khi ta chết?” là chủ đề của khóa tu 21 ngày cuối cùng (tháng 06 năm 2014) mà Thầy hướng dẫn định kỳ mỗi hai năm. Từ cuối khóa tu mùa hè năm 2014, sức khỏe Thầy bắt đầu đi xuống. Chuyến hoằng pháp ở Đức ngay sau đó khiến Thầy đuối sức. Về lại Làng, Thầy vẫn gắng sức có mặt hướng dẫn cho khóa tu người Ý được ba hôm. Tuổi đã lớn, làm việc nhiều, lại không ăn uống và không ngủ được nên sức khỏe Thầy suy giảm trầm trọng. Mỗi khi có chút năng lượng, ngay cả vào nửa đêm, Thầy tranh thủ từng giây, từng phút để thâu âm những lời bình giảng cho Tâm kinh Tuệ giác qua bờ mà Thầy mới dịch lại bên Đức, hay ý của Thầy về một cuốn sách mới để xuất bản, v.v. Đến khóa tu tiếng Pháp cho ngành giáo dục, các giáo thọ chia phiên nhau nói pháp thoại và thiền sinh cũng hoan hỷ vì biết Thầy đang bệnh. Vậy mà vừa hơi khỏe lại, Thầy đã bảo thị giả đưa Thầy ra giảng đường để thuyết pháp cho mọi người an tâm. Rất đông thiền sinh cảm động đã bật khóc. Đó là bài thuyết pháp cuối cùng của Thầy.

Vào ngày 11 tháng 11 năm 2014, một tháng sau ngày sinh nhật thứ 89, Thầy bị một cơn tai biến mạch máu não trầm trọng. Bác sĩ tiên đoán là Thầy chỉ sống thêm được trong vài giờ tới vài ngày thôi, nhưng sau đó Thầy đã hồi phục như một phép lạ. Sau thời gian chữa trị ở Pháp và ở San Francisco, Mỹ, sức khỏe của Thầy đã tiến triển rất khả quan. Sau đó Thầy trở về Pháp và ở tại Làng Mai đến cuối năm 2016, trước khi bay qua Trung tâm quốc tế Làng Mai Thái Lan để sống cùng các đệ tử xuất sĩ trẻ của Thầy ở đây. Tháng 10 năm 2018, Thầy quyết định trở về sống những năm tháng cuối đời tại Tổ đình Từ Hiếu, Huế.

Điệu Hồng, thị giả đi theo hầu Sư Ông Thanh Quý năm xưa vào những buổi chiều lúc Người chống gậy đứng nhìn về hướng cổng tam quan hỏi nhỏ: “Thầy về chưa?”, nay đã trở thành Hòa thượng Chí Viên. Hơn nửa thế kỷ sau, Hòa thượng đã bạch lên Sư Ông: “Bạch Cố, Thầy đã về rồi!”

Những năm tháng còn lại là những chuỗi ngày bình an vô hành. Mỗi khi thấy khỏe trong người, Thầy đều đi thăm liêu Sư Cố. Vào trong liêu, với ánh mắt rất sáng và nét mặt rất tươi, Thầy luôn thành khẩn chắp tay xá bức chân dung Sư Cố, đắp bằng lụa nổi mà Thầy đã cúng dường Sư Cố năm 1955. Rồi trăm lần như một, Thầy quán sát từng đồ vật trong liêu với tất cả sự chăm chú và kính cẩn, không khác gì với lần đầu tiên khi Thầy được trở về lại thăm căn phòng này vào năm 2005.

Sự có mặt của Thầy nơi đây, tuy thầm lặng, nhưng đã làm cho cả triệu đệ tử của Thầy từ khắp năm châu hướng về cội nguồn và duy trì sự kết nối sâu sắc, không gián đoạn với gốc rễ tâm linh của mình ở Việt Nam. Tháng 04 năm 2019, chín thượng nghị sĩ của Mỹ đã đến Huế trong một chuyến viếng thăm chính thức để bày tỏ sự kính trọng và lòng tri ân đối với Thầy. Thầy tiếp phái đoàn hơn một tiếng đồng hồ. Phái đoàn bao gồm các thượng nghị sĩ Leahy, Murkowski, Stabenow, Whitehouse, Udall, Portman, Baldwin, Hirono, Kaine cùng với các tháp tùng viên. Một số vị đã từng tham dự pháp thoại của Thầy tại Quốc hội Mỹ năm 2003 và 2011; có người thậm chí đã tham gia khóa tu của Thầy. Họ nói rằng Thầy đã dạy họ cách chế tác bình an, cách mỉm cười, cách thưởng thức từng bước chân khi họ đi đến phòng bỏ phiếu. Bằng chính cuộc đời mình, Thầy đã dạy chúng ta rằng ta có thể ôm ấp được cả những nghịch cảnh lớn lao nhất bằng lòng can đảm và tâm từ bi, rằng sự có mặt đích thực chính là món quà quý nhất mà ta có thể hiến tặng cho những người mà ta yêu thương.

Tiếp tục công trình trị liệu, chuyển hóa và hòa giải của Thầy, các đệ tử của Thầy đã và đang xây dựng tăng thân khắp nơi trên thế giới. Số lượng người phương Tây đến xuất gia ở Làng Mai ngày càng tăng. Làng Mai từ một nông trại nhỏ tại miền quê nước Pháp đã biến thành một tu viện Phật giáo lớn nhất châu Âu.

Thầy trong bản môn

Tuy Thầy không còn nói pháp thoại hay tham dự các sinh hoạt với chúng, con số thiền sinh về Làng tu học vẫn ngày càng đông. Các trung tâm thuộc Làng Mai trên thế giới vẫn tiếp tục vận hành không gián đoạn. Các đợt xuất gia vẫn tiếp tục đều đặn mỗi năm. Đặc biệt trong đợt xuất gia vào năm 2020, có 18 người trẻ được xuất gia ngay tại chốn Tổ đình Từ Hiếu, nơi Thầy đang tĩnh dưỡng. Các đệ tử của Thầy vẫn tiếp tục tổ chức các Đại giới đàn và cung thỉnh Thầy làm Hòa thượng đường đầu. Tăng thân xuất sĩ Làng Mai đã đến những nơi mà Thầy chưa có dịp đến như Uganda và cả một số nước lân cận như Nam Sudan, Burundi và Rwanda, để dạy chánh niệm cho các giáo viên tiểu học ở đất nước này, cũng như cho một số tu sĩ Cơ Đốc và quần chúng. 

Tăng thân vẫn tiếp tục sự nghiệp của Thầy để yểm trợ cộng đồng người da màu. Sự ra đời của tăng thân Trì Địa (Earth Holder), cộng đồng đang phát triển phương thức bảo hộ đất Mẹ, cống hiến những pháp môn thực tập để đối trị nỗi sợ hãi, cô đơn và tuyệt vọng khi mọi người phải đối diện với tình trạng khủng hoảng khí hậu. Tháng 06 năm 2019, các nhà hoạt động vì hòa bình từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại tòa nhà Quốc hội châu Âu ở Luxembourg để tham dự Lễ trao giải Hòa bình cho Thầy. Các đệ tử xuất gia đã đại diện Thầy và tăng thân tới Luxembourg để nhận giải thưởng này. Một tháng sau tại New Delhi, Ấn Độ, Quỹ Gandhi Mandela đã trao giải đầu tiên về Hòa bình của Quỹ này (Gandhi – Mandela Peace Award) cho Thầy, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Thánh Gandhi và 100 năm ngày sinh của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Ban tổ chức phát biểu trong bài diễn văn rằng giải thưởng được trao cho Thầy vì sự nghiệp giảng dạy và ảnh hưởng tâm linh của Thầy đã làm thay đổi cuộc đời của hàng triệu người trên toàn thế giới.

Từ năm 2009, Thầy đã dạy các đệ tử cách làm Trang nhà Làng Mai theo mô thức một ngôi chùa điện tử, có cổng tam quan, Phật đường, thiền đường, trai đường, lầu chuông, tàng kinh các, … Lúc ấy chỉ mỗi pháp thoại của Thầy vào các ngày quán niệm được phát trực tuyến. Đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, khi cửa chùa bên ngoài bị đóng lại thì cổng chùa trên mạng được mở rộng hơn. Có lẽ Thầy đã thấy được tất cả những điều này từ trước. Khi chưa có đại dịch, Thầy đã tạo cơ hội để mở những khóa tu quanh năm tại tu viện và đi hướng dẫn khóa tu ở khắp các nước không mỏi mệt. Giờ đây, xây dựng “ngôi chùa điện tử” để mọi người dù bất cứ lúc nào, ở đâu cũng có thể “đến chùa” tu học. Đây là lĩnh vực quá mới mẻ cho phần lớn các thầy, các sư cô Làng Mai. Tuy vậy, với tinh thần vừa làm vừa học, các thầy, các sư cô đã can đảm dấn thân vào lĩnh vực công nghệ và cùng nhau vượt qua những giây phút khó khăn để tổ chức thành công nhiều khóa tu trực tuyến. Tại Làng Mai Pháp, ngoài các khóa tu định kỳ hằng năm vẫn được duy trì như khóa tu mùa Hè, khóa tu lớn nhất trong năm; khóa tu 21 ngày; khóa tu dành cho người Pháp; khóa tu dành cho người Ý…, tăng thân Làng Mai khắp nơi còn tổ chức những khóa tu trực tuyến như khóa tu dành cho các nhà hoạt động xã hội (Mindful Action Retreat for Activists); khóa tu dành cho thành viên nòng cốt (hay đại diện) của các tăng thân trẻ, còn được gọi là tăng thân Wake Up trên khắp thế giới (Wake Up Ambassadors Retreat); khóa tu dành cho người trẻ và Tiếp hiện Indonesia (Wake Up and OI Indonesia Retreat); khóa tu gia đình; khóa tu cuối năm với đề tại Nghị lực, Thương yêu và Hy vọng (Courage, Love and Hope Retreat for 2021) … Khóa tu do mỗi xóm ở Làng Mai Pháp tổ chức, những khóa tu lớn thì các xóm làm chung, hoặc kết hợp chung giữa các tu viện Làng Mai Pháp, châu Á (AIAB), hay các tu viện ở Mỹ. Năm ngày quán niệm và hội thảo trực tuyến Theo dấu chân Thầy (In the Footsteps of Thich Nhat Hanh) do tạp chí Lion’s Roar và Quỹ Thích Nhất Hạnh (Thich Nhat Hanh Foundation) đồng tổ chức tại Mỹ với hơn 90 ngàn người đăng ký tham dự. Dù các sinh hoạt diễn ra qua mạng nhưng các thiền sinh vẫn thấy có sự gắn kết rất rõ ràng.

Đại dịch Covid đã tạo ra những thói quen thực tập trực tuyến các thời khóa như ngồi thiền, tụng kinh, tụng giới, truyền Năm giới, Mười bốn giới, vấn đáp, đêm thơ nhạc, lễ bông hồng cài áo, be-in, v.v. Buổi lễ Đối thú an cư cũng đã được truyền trực tuyến qua mạng cho hơn 1000 thiền sinh đăng ký tham dự khóa tu An cư ba tháng cùng tăng thân ngay tại nhà. Một thiền sinh chia sẻ: “Con chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể cảm nhận được năng lượng của Làng Mai ngay trong phòng khách nhà mình. Nhìn những nụ cười của quý thầy, quý sư cô qua Zoom làm cho con cảm giác như mình đang có mặt ở Làng vậy.” Có nhiều người đã từng đọc sách, biết đến Thầy qua mấy chục năm nhưng chưa từng đủ điều kiện để về Làng hay tham dự một khóa tu do Làng Mai tổ chức. Nhờ các khóa tu trực tuyến mà rất nhiều “tri kỷ” của Thầy có cơ hội tham dự tu học với tăng thân.

Có thể nói sức mạnh, sự đa dạng và sức sống của tăng thân quốc tế mà Thầy đã dày công tạo dựng chính là di sản vĩ đại nhất mà Thầy để lại cho cuộc đời. Hạnh nguyện và niềm hy vọng của Thầy vẫn đang được tiếp nối bởi tăng thân mà Người luôn tin cậy – một tăng thân quốc tế đang không ngừng lớn mạnh gồm mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi quốc gia, mọi tầng lớp trong xã hội. Tăng thân ấy vẫn đang tiếp tục công trình làm mới đạo Bụt, đem đạo Bụt đi vào cuộc đời trong mọi hoàn cảnh mà Thầy đã trao truyền. Sự sáng tạo và phát triển những pháp môn mới ngày càng thích ứng với thời đại của chúng ta.

Trong những khóa tu, ngoài cho pháp thoại, Thầy luôn có mặt trong các thời khóa cùng đại chúng như ngồi thiền, đi thiền, truyền giới,… Sự có mặt qua thân giáo của Thầy chính là sự trao truyền trực tiếp những pháp môn căn bản đến học trò của Người. Trong những năm cuối, thấy các thiền sinh quyến luyến khi khóa tu sắp chấm dứt, thậm chí có nhiều người còn khóc khi sắp xa Thầy, Thầy hay an ủi mọi người rằng mỗi khi thở một hơi thở hay bước đi có ý thức là người ấy đang có Thầy bên cạnh. Do đó, tùy vào sự tu tập của mỗi người để Thầy có hay không có mặt trong mình.

Sau gần ba năm và ba tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, vào lúc 1:30 ngày 22 tháng 01 năm 2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), Thầy viên tịch tại Tổ đình, nơi Người đã xuất gia cách đây tám mươi năm, trụ thế 97 tuổi và 72 hạ lạp.

Sáng hôm ấy, khi người dân Việt Nam thức dậy, những tờ báo lớn như New York Times, New York Post, CNN, BBC News, Le Monde, National Geographic, National Catholic Reporter, v.v. đã truyền tin Thầy viên tịch đi khắp nơi thế giới từ nhiều giờ trước. 

Tiếp nối hình ảnh Sư Ông Thanh Quý được sư anh của mình là thiền sư Huệ Minh làm lễ thế độ vào năm 1899 trước kim quan của Bổn sư, các đệ tử của Thầy đã tổ chức lễ xuất gia cho 34 em từ Việt Nam, tu viện Bích Nham (Mỹ), tu viện Vườn Ươm (Thái Lan) và Làng Mai Pháp, để các em được làm những đệ tử út của Thầy ngay trong thời gian diễn ra Tâm Tang. 

Một năng lượng chánh niệm tập thể hùng hậu làm cho nhiều người thật sự cảm nhận được rằng Thầy đang có mặt khắp nơi: ở ánh mắt sáng bao dung đầy trí tuệ; ở nụ cười nhẹ, hiền từ; ở dáng dấp những bước thiền hành chậm rãi, thong dong của các thầy, các sư cô, các cư sĩ; hay ở những dòng chữ chia sẻ của một người nào đó đã thay đổi cuộc đời nhờ đọc được một cuốn sách, nghe một bài pháp thoại hay dự được một khoá tu của Thầy, v.v. Năng lượng giác ngộ cá nhân đã tạo nên một năng lượng giác ngộ tập thể. 

Sự sợ hãi về cái chết không còn nữa. Ta không còn là một giọt nước nhỏ nhoi, lạc lõng nữa. Ta là một giọt nước trong dòng sông đang thanh thản về chơi biển lớn.

Vầng trăng ấy chưa bao giờ ngừng chiếu sáng. Hôm nay, chúng ta có thể cùng nhau mỉm cười chào Thầy và chắp tay tiếp nhận những gia tài tâm linh mà Thầy đã truyền trao:

“Ta vẫn còn đến đi thong dong

Có không, còn mất, chẳng băn khoăn

Bước chân con hãy về thanh thản

Không tròn không khuyết một vầng trăng”

(Đến đi thong dong, thơ Thầy)