XIV. Làng Mai – Một giai đoạn mới

1. Ba chuyến trở về Việt Nam

Năm 2005, sau một năm thương thuyết – đúng dịp Việt Nam nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chính phủ Việt Nam cuối cùng đã cho phép Thầy trở về quê hương, cùng một phái đoàn với hơn 200 đệ tử sau 39 năm lưu vong.

Công án mà Thầy thực tập trong những năm hành đạo ở phương Tây là “Một đạo Bụt nào cho quê hương Việt Nam?”. Đạo Bụt Việt Nam ngay từ lúc đầu với thiền tổ Tăng Hội đã có những nét độc lập của mình. Thiền phái Trúc Lâm được thiết lập ở đời Trần rất có tính cách đại chúng và dân tộc, một nền Phật học nhập thế mà ngày nay Thầy gọi là đạo Bụt ứng dụng. Vào đời Lý và đời Trần, từ vua quan trở đi đã có công thanh lọc được đạo Bụt. Đạo Bụt qua các triều đại ấy có tính thực tập thiền, chứ không phải là một con đường tín mộ đầy mê tín dị đoan. Nếu tổ tiên ta đã thanh lọc được đạo Bụt trong quá khứ thì chúng ta, hàng con cháu cũng có thể làm được việc ấy ngay trong thời hiện tại. Một đạo Bụt của đức Thế Tôn có thể giúp ta chế tác hỷ lạc để nuôi dưỡng ta và những người ta thương ngay trong giây phút hiện tại; một đạo Bụt có thể giúp ta biết cách xử lý niềm đau nỗi khổ và giúp người bớt khổ ngay trong giây phút hiện tại; một đạo Bụt giúp ta biết cách sử dụng ái ngữ và lắng nghe để tái lập truyền thông và hòa giải với nhau ngay trong ngày hôm nay; một đạo Bụt hướng con người trở về bảo hộ cho thân tâm, cho gia đình, xã hội và hành tinh xinh đẹp bằng cách tiêu thụ có chánh niệm. Một đạo Bụt như thế chính là một đạo Bụt của Bụt, cần thiết cho đất nước Việt Nam.

Thầy đã cho pháp thoại công cộng, hướng dẫn các khóa tu, thực tập để chuyển hóa khổ đau, đem tới hỷ lạc ngay trong kiếp sống này mà không phát tâm nhàm chán cõi ta bà để cầu sinh qua tịnh độ. Trên căn bản nhận thức là tâm tịnh thì độ tịnh, Tịnh độ phải có mặt bây giờ và ở đây. Mỗi bước chân đi là đi vào tịnh độ. Một khi thân khẩu ý hợp nhất một cách toàn hảo thì những câu gì nói ra đều là những câu linh chú. Những câu linh chú sử dụng trong ánh sáng của sự thực tập chánh niệm như câu “Mẹ ơi, con biết là Mẹ đang khổ nên con có mặt cho Mẹ đây” có hiệu quả tức thời, ngay trong giây phút hiện tại. Các thiền sinh chuyển hóa được những khó khăn nội tâm, hòa giải được với nhau ngay trong khóa tu và nét mặt họ rạng rỡ. Điều này đã cho Thầy rất nhiều hạnh phúc và niềm tin. Một số sách của Thầy  cũng được phép chính thức xuất bản tại Việt Nam.

Ở phương Tây, Thầy đã truyền giới Tiếp Hiện cho cả ngàn người, truyền Năm giới tân tu cho cả hàng trăm ngàn người, và giới pháp đã chuyển đổi cả cuộc đời của họ. Nếu trên đất nước Việt Nam mà ai cũng biết thực tập Năm giới tân tu ấy và những phép chế tác hỷ lạc, xử lý niềm đau và hoà giải ấy thì chắc chắn đất nước sẽ thơm lừng hương đạo đức và trở nên giàu mạnh. 

Dù chương trình sinh hoạt của tăng đoàn không được phép quảng bá trên các phương tiện truyền thông và nằm dưới sự kiểm soát rất chặt chẽ của chính quyền, những ngày quán niệm và các khóa tu do Thầy hướng dẫn vẫn có hàng ngàn người tham dự. Hàng trăm người trẻ muốn xuất gia với Thầy được chào đón tại Bát Nhã, một tu viện mới được thành lập tại cao nguyên Lâm Đồng, không xa Phương Bối[321].

Năm 2007, Thầy trở lại Việt Nam để chủ trì ba Đại Trai đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan, cầu nguyện cho hàng triệu người đã thiệt mạng trong chiến tranh. Ngày 18.07.2007, trong lá thư Thầy viết cho Thượng tọa Thích Lệ Trang, sám chủ Đại Trai đàn Chẩn tế bình đẳng Giải oan tại chùa Vĩnh Nghiêm có đoạn: “Các Đại Trai đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan được tổ chức tại quê hương đầu năm nay đã làm ấm lòng bao nhiêu đồng bào và giúp cho không biết bao nhiêu người bớt khổ. Tuy trở ngại khá nhiều, khó khăn cũng không ít, nhất là ở miền Trung và miền Bắc, nhưng tình huynh đệ đã tạo ra được phép lạ giúp chúng ta vượt thoát những trở ngại và khó khăn kia, trong đó kể cả những kỳ thị, lo lắng, thờ ơ, sợ hãi và nghi ngờ. Trong khi thiết lập trai đàn, anh em chúng ta cũng đã xây lên được một Bảo tháp của Tình huynh đệ, một bảo tháp tuy không có hình tướng, nhưng rất hiện thực và không có một ai có khả năng phá đổ. Chúng ta, từ giới xuất gia cho đến giới tại gia, đã tìm tới với nhau để kiến lập các trai đàn với một trái tim thuần khiết, một tình thương không phân biệt không kỳ thị, không hề vướng một chút lợi hoặc một chút danh.”

Năm 2008, Thầy trở về Việt Nam một lần nữa để cho một bài phát biểu quan trọng nhân dịp đại lễ Phật Đản quốc tế (Vesak) do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Hà Nội[322]. Trong ba lần về thăm quê hương, Thầy đều có các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam. Trong những cuộc gặp này, cũng như trong những lần Thầy gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Quốc hội Hoa Kỳ, Quốc hội Ấn Độ, Quốc hội Anh hay Quốc hội Bắc Ireland, Thầy đều đưa ra những lời khuyến nghị để giúp đem lại một nền đạo đức, thịnh vượng và tiến bộ trên các lĩnh vực như xã hội dân sự, giáo dục và quan hệ quốc tế.

Thầy đã nhận Trái đất này làm quê hương. Quyết định về lại Việt Nam, điều đó không có nghĩa là Thầy quá nhớ một nơi chốn cụ thể. Thầy biết ơn liệt vị Tổ sư Việt Nam và biết ơn thiền sư Thanh Quý Chân Thật, vị Bổn sư khả kính của Thầy, vì vậy Thầy muốn giới thiệu một nếp sống tỉnh thức để chỉ cho người Việt Nam biết quay về khám phá gia tài tâm linh quý báu vốn có sẵn trong lòng dân tộc.

Thế nhưng những điều kiện thuận lợi đó không kéo dài được bao lâu. Vào ngày 27 tháng 09 năm 2009, tất cả các vị xuất gia đã phải rời khỏi Bát Nhã. Các thầy và các sư cô Bát Nhã ngày ấy nay đã trở thành những giáo thọ trẻ đang phụng sự trong các tu viện của Làng Mai tại châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và châu Á.

 

2. Nhà lãnh đạo tâm linh toàn cầu và “người cha của chánh niệm”

Kể từ năm 2007, một loạt các tu viện mới được thành lập ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm tu viện Bích Nham ở phía Bắc ngoại ô New York (Hoa Kỳ), Viện Phật học Ứng dụng châu Âu tại Waldbrol (Đức), Làng Mai Hồng Kông, Ni xá Diệu Trạm (Việt Nam), Làng Mai Thái Lan, Ni xá Trạm Tịch (Việt Nam), Tu viện Nhập Lưu (Úc), Tu viện Mộc Lan (Hoa Kỳ), Viện Phật học Ứng dụng châu Á (Hồng Kông), Tu viện Suối Tuệ (Pháp), Tu viện Sơn Tuyền (Úc), Tu viện Trạm Nhiên (Việt Nam).

Năm 2008 và 2009 ghi dấu một làn sóng mới – một bước phát triển khá mạnh mẽ trong hoạt động của Thầy và tăng thân Làng Mai ở phương Tây và châu Á. Có nhiều điểm khá tương đồng với các hoạt động của Thầy trong những năm 1964 – 1966 về các lĩnh vực đạo đức (giới luật), giáo dục, và hoạt động dấn thân.Thầy đã mở ra cánh cửa con đường đạo Bụt ứng dụng để diễn tả chính xác hơn sự thực tập áp dụng chánh niệm một cách đích thực trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đối với Thầy, giáo lý đạo Bụt, nếu muốn thực sự linh động, cần phải được ứng dụng vào đời sống hàng ngày, trong các mối quan hệ, cách tư duy, nói năng và hành động của chúng ta. Đạo Bụt ứng dụng là nền tảng tâm linh và căn bản thực tập cho đạo Bụt dấn thân. Nhân dịp UNESCO mời Thầy đến thuyết trình ở Paris, Thầy đã mở rộng và làm mới nguyên tắc của một nền đạo đức toàn cầu (dựa trên Năm giới tân tu) để nó thực sự trở thành một nguyên tắc đạo đức có tính phổ quát, có thể giải quyết tận gốc rễ những bất công xã hội, bạo động, sợ hãi, lo lắng, thèm khát, cô đơn và tuyệt vọng.

Thầy đã thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (EIAB) ở Đức; và khởi xướng một chương trình đào tạo thầy giáo, cô giáo trong việc đem chánh niệm vào trường học – chương trình có tên là Wake Up Schools. Thầy cho rằng chương trình Wake Up Schools có thể hiến tặng cho các em học sinh “một cơ hội thứ hai” để học những điều mà các em không được tiếp nhận từ gia đình như: cách xử lý căng thẳng và cảm xúc mạnh; cách lắng nghe sâu và nói năng bằng lời từ ái; cách chế tác một giây phút hạnh phúc cho chính mình và cho những người khác; cách nhận diện và biến ước mơ sâu sắc nhất của mình thành hiện thực. Thầy luôn tìm tòi những cách thức không mang tính tôn giáo để chia sẻ “nghệ thuật sống hạnh phúc” và “nghệ thuật chuyển hóa khổ đau” với những người trẻ trên khắp thế giới. Với trên ba mươi năm kinh nghiệm trong việc chia sẻ sự thực tập chánh niệm với gia đình và trẻ em, Thầy thấy được sự cần thiết phải gìn giữ bản chất đích thực của chánh niệm khi nó được đem vào trong lớp học và môi trường giáo dục. Quyển sách Thầy cô giáo hạnh phúc làm thay đổi thế giới đã phác họa phương hướng đem chánh niệm vào trường học dựa trên nền tảng xây dựng những cộng đồng tu học có thực chất. Những đoàn thể các giáo chức và các người trẻ được thành lập khắp nơi, kể cả Việt Nam, lấy tinh thần đạo Bụt ứng dụng làm lý tưởng sống và độ đời.

Ngoài ra Thầy còn khởi xướng phong trào Wake Up (dành cho giới trẻ Phật tử và không Phật tử cho một xã hội lành mạnh và từ bi). Rất nhanh chóng, phong trào này đã phát triển mạnh mẽ thành một mạng lưới gồm hơn 100 tăng thân địa phương hoạt động ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Các bạn trẻ cùng nhau sinh hoạt định kỳ hàng tuần, tổ chức các buổi ngồi thiền công cộng, đi bộ trong chánh niệm, các khóa tu cuối tuần và các hoạt động dấn thân khác. Những chia sẻ chân thành của Thầy về cách thực tập xử lý khổ đau và cảm xúc mạnh, chuyển hóa những vướng mắc trong tình cảm cũng như ước nguyện phụng sự và giúp thế giới này tốt đẹp hơn đã chạm đến trái tim và tạo cảm hứng cho rất nhiều người trẻ[328]. Khi những người trẻ tổ chức một buổi ngồi thiền công cộng với Thầy tại quảng trường Trafalgar, London, đã có hơn 3000 người tham dự, làm cho sự kiện này trở thành sinh hoạt thiền tập lớn nhất trong lịch sử của thành phố London.

Năm 2011, Thống đốc Jerry Brown mời Thầy và tăng đoàn Làng Mai đến xem tượng đài của 25 vị quán quân về nhân quyền (Champions of Humanity) tại công viên thành phố Oakland, Hoa Kỳ, trong đó có mẹ Teresa, thánh Gandhi, Thầy,…

 

3.Trên bình diện toàn cầu

Thầy nhận ra rằng quan niệm sai lầm về hạnh phúc chính là gốc rễ của khổ đau: rất nhiều người cho rằng khi chạy theo tiền tài, danh vọng, quyền hành và dục lạc, họ sẽ có hạnh phúc. Thế nhưng những cái đó chỉ làm tăng thêm sự xa cách, thèm khát, bất an cũng như dẫn đến sự bất công và tàn hoại các tài nguyên thiên nhiên quý báu. Khi được hỏi điều gì làm Thầy ấn tượng nhất trong những năm đầu tiên ở tại phương Tây, Thầy nói: “điều đầu tiên tôi nhận ra rằng thậm chí khi người ta có rất nhiều tiền, quyền lực và danh vọng, người ta vẫn có thể cực kỳ đau khổ. Nếu ta không có đủ bình an và từ bi ở trong lòng, thì không có cách gì ta có thể hạnh phúc được”[330]. Giáo lý của Thầy nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp xúc cái mà Thầy gọi là hạnh phúc đích thực ngay trong giờ phút hiện tại. Thầy khẳng định rằng giúp cho mọi người tiếp xúc với hạnh phúc đích thực là cách tối ưu để giải quyết tận gốc rễ tình trạng bất công, bất bình đẳng và tình trạng chạy trốn khổ đau bằng tiêu thụ hiện đang xảy ra trong xã hội. Thầy nói khi chúng ta biết hạnh phúc đích thực là gì, ta sẽ dễ dàng sống một cuộc sống giản dị, và ta sẽ biết cách chăm sóc chính mình, chăm sóc các mối quan hệ cũng như chăm sóc đất Mẹ.

Thầy luôn can đảm lên tiếng về một số vấn đề hóc búa nhất của xã hội, đồng thời hiến tặng những giải pháp thực tiễn qua các pháp môn thực tập chánh niệm. Thầy đã đóng góp nhiều tuệ giác cho xã hội phương Tây. Năm 2006, Tạp chí Time bầu chọn Thầy trong danh sách 60 vị anh hùng châu Á. Năm 2008, Thầy được mời sang Ấn Độ trong một chuyến thăm chính thức với tư cách là một vị khách quý của chính phủ. Thầy đã thuyết pháp và hướng dẫn khóa tu cũng như có một bài diễn văn tại Quốc hội, gặp gỡ bà Sonia Gandhi – Chủ tịch đảng Quốc đại, và được mời làm tổng biên tập danh dự cho tờ Thời báo Ấn Độ (The Times of India) trong ngày kỷ niệm Thánh Gandhi. Thầy đã được mời phát biểu tại Hội nghị Tôn giáo Thế giới (2009) và tại trường đại học Mahidol, Bangkok cho các chính trị gia Thái lan (2010). Năm 2011, Thầy được mời nói chuyện tại Quốc hội Mỹ lần thứ hai, và năm 2012 nói chuyện cho Quốc hội Anh tại điện Westminster, cho Quốc hội Bắc Ireland tại Stormont, và Thượng viện Pháp tại Paris. Sau buổi pháp thoại công cộng tại Dublin, thời báo của Ireland The Irish Times (số ra ngày 10.04.2012) đã gọi Thầy là “người cha của chánh niệm”.

Năm 2014, Tòa thánh Vatican đã gửi một phái đoàn chính thức đến Làng Mai mời Thầy đại diện cho Phật giáo tham gia Hội nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới tại Rome để cùng ra một tuyên cáo toàn cầu phản đối chế độ nô lệ hiện đại và nạn buôn người. Khi Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam, ông đã trích dẫn lời dạy của Thầy về hòa giải trong bài diễn văn chính thức tại Hà Nội vào ngày 24.05.2016: “Hai nước đã học được bài học như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: đối thoại thực sự là khi cả hai bên đều sẵn sàng thay đổi… Theo cách đó, cuộc chiến vốn chia rẽ chúng ta nay lại là cội nguồn của sự hàn gắn”.

Thầy còn có những buổi cho tham vấn với từng cá nhân và giúp từng người nhìn thấy được con đường tâm linh để vững chãi bước tới.

 

4. Phát triển ở phương Đông 

Không muốn bị đóng khung bởi “nhãn hiệu” một vị thầy theo Thiền tông, Tịnh Độ tông hay Nam tông nên Thầy, trung thành với tinh thần thiền được truyền thừa từ Thiền sư Khương Tăng Hội, thường nói rằng Thầy chỉ “trình bày giáo lý của đạo Bụt nguyên thủy theo tinh thần Đại thừa”, hay “đem đạo Bụt Đại thừa về tắm lại trong dòng suối đạo Bụt nguyên thủy”[333]. Tại các trung tâm thực tập thuộc Làng Mai, các nghi lễ đã được Thầy giản lược đi rất nhiều để phục hồi sự tinh yếu sống động của Thiền Phật giáo. Làm như thế, Thầy đã đi xa hơn việc chỉ đơn thuần giảng dạy “thiền Đại thừa”. Trên thực tế Thầy đã truyền dạy một đạo Bụt hiện đại, cách tân nhưng vẫn giữ được gốc rễ của giáo lý nguyên thủy. Đây là một sự kết hợp giữa giáo lý nguyên thủy và tinh thần Đại thừa.

Thầy thấy được rằng công phu thực tập không phải là một cái gì lao nhọc, làm đầy đọa thân tâm. Thiền Làng Mai buông bỏ được các phép hành trì công án, thoại đầu và mặc chiếu, chấm dứt được mong cầu, dù là mong cầu đạt đạo, và trở nên một loại thiền tập ai cũng có thể áp dụng được trong đời sống hàng ngày. Trong nhận thức mới, thiền công án, thoại đầu và mặc chiếu đã trở thành xơ cứng, có tính cách hình thức, không có khả năng chế tác sức sống tâm linh như ngày xưa nữa. Thay vào những động tác có tính nghi lễ, pháp môn Làng Mai áp dụng hơi thở chánh niệm và các bài thi kệ thực tập chánh niệm. Giới xuất sĩ cũng như giới cư sĩ đều được chỉ dẫn cặn kẽ về cách sử dụng những bài tập thở trong kinh An ban thủ ý và những bài thi kệ thực tập chánh niệm, trong bốn tư thế của cơ thể, trong mọi động tác như chải răng, tắm gội, mặc áo, ôm bát, lái xe, v.v. Ngoài các khóa tu cũng phải thực tập như trong các khóa tu, và thực tập có nội dung, không bị kẹt vào hình thức. Nhìn cách đi, đứng, nói, cười, làm việc và tiếp xử, người khác nhận diện được mình và pháp môn của mình thực tập. Nhận diện cảm thọ, cảm xúc và làm lắng dịu chúng, ta cũng sử dụng hơi thở và bước chân. Thiền Làng Mai đã trở về suối nguồn nguyên thuỷ, và do đó tận dụng những kinh thiền nguyên thuỷ. Thầy thấy thiền công án và mặc chiếu không còn hợp thời nữa, không phải vì Thầy không theo truyền thống của Bụt mà tại Thầy thực sự muốn trở về truyền thống của Bụt.

Phần lớn các chùa ở Việt Nam đều thuộc về truyền thống thiền, Lâm Tế hay Tào Động, nhưng hiện giờ các chùa trong nước không thực tập thiền mà chỉ thực tập Mật và Tịnh độ. Pháp tu căn bản của phần lớn các chùa hiện giờ là hai thời công phu. Công phu sáng đầy đà la ni. Tâm Kinh vì được nhận thức như một linh chú (thị đại thần chú, thị đại minh chú) cho nên mới được đưa vào công phu sáng. Công phu chiều là tịnh độ. Phần lớn các chùa đều không còn ngồi thiền. Trong các buổi công phu, ta còn giữ được phép kinh hành, nhưng đó chỉ là đi để niệm Bụt, chứ không phải là thiền đi, như sự thực tập ngày xưa lúc đi khất thực. Thầy và tăng thân đã xuất bản Nhật tụng thiền môn bằng quốc văn, giúp cho việc thực tập trở nên cụ thể và sinh động.

Trong những chuyến về Việt Nam, Thầy đều ghé Thái Lan, Hồng Kông, và các nước Đông Nam Á khác để mở các khóa  tu. Vì vậy từ năm 2008 trở đi, tầm ảnh hưởng của Thầy ở châu Á tăng lên nhanh chóng, nhất là đối với giới trẻ. Những người trẻ thực sự ấn tượng bởi một đạo Bụt mới qua những lời giảng của Thầy, một đạo Bụt không bị ràng buộc bởi giáo điều, nghi lễ và sự mê tín. Năm 2013, hơn 10 ngàn người đã tham dự buổi pháp thoại công cộng của Thầy ở Busan, Hàn Quốc và 11 ngàn người tại buổi pháp thoại công cộng ở Hồng Kông, nơi Thầy cũng hướng dẫn những buổi huấn luyện đặc biệt cho thầy cô giáo và nhân viên y tế. Là một trung tâm của Làng Mai ở châu Á, trung tâm Làng Mai quốc tế Thái Lan với  gần 200 vị xuất gia, đã và đang hướng dẫn các khóa tu ở Nhật, Indonesia, Philippines và Đài Loan,… Ở Thái Lan, Thầy đã giảng dạy và hướng dẫn khóa tu tại trường đại học hoàng gia Mahachulalongkorn (MCU), trường đại học Phật giáo lớn nhất thế giới, quê hương của rất nhiều vị học giả nổi tiếng trong truyền thống Phật giáo Nam Tông. Ngày 26 tháng 03 năm 2011, Làng Mai và trường đại học MCU đã ký kết văn bản Hiệp ước đối tác, một sự cộng tác giữa hai bên trong việc chia sẻ các khóa tu và ngày quán niệm, yểm trợ cho phong trào Wake Up ở Thái Lan (chia sẻ giáo lý đạo Bụt ứng dụng và đạo đức học ứng dụng với thế hệ trẻ), và phát triển một chương trình Thạc sĩ về đạo Bụt ứng dụng tại MCU. Tại Trung Quốc, những kinh văn cổ bằng chữ Hán được Thầy dịch ra ngôn ngữ hiện đại đã được dịch ngược lại sang tiếng Trung Quốc đương đại và được chào đón bởi một số đông độc giả. Nhờ sự kết hợp giữa giáo lý nguyên thủy và tinh thần đại thừa, các khóa tu Thầy giảng dạy ở đâu cũng được hưởng ứng, các nước Phật giáo Nam tông cũng như Bắc tông, ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bổn, hay Thái Lan, Ấn Độ.

Cũng tại châu Á, các tác phẩm thư pháp với những thiền ngữ giản dị mà sâu sắc, với nét bút rõ ràng thanh thoát chuyên chở năng lượng chánh niệm của Thầy được rất nhiều người yêu thích. Thư pháp của Thầy đã được triển lãm một cách quy mô tại Bảo tàng mỹ thuật của Đại học Hồng Kông vào tháng 11 năm 2010. Buổi triển làm này đã gây nguồn cảm hứng cho những buổi triển lãm kế tiếp ở Pháp, Đức, Canada, Hoa Kỳ, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam. Hai buổi triển lãm cuối cùng vào năm 2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã gây tiếng vang lớn. Qua thư pháp, Thầy nhắc nhở các học trò thực tập chánh niệm qua những câu thiền ngữ như: Thở đi con, Mỉm cười, An lạc từng bước chân, Con đã về con đã tới,… Ngày nay, những bức thư pháp của Thầy đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật được nhiều người yêu thích trên khắp thế giới, và đã được xuất bản dưới dạng sách[335].  

Trong các khóa tu, các đệ tử cư sĩ và thiền sinh cũng muốn thỉnh Thầy về nhà qua những tấm thư pháp để nhớ duy trì sự thực tập. Thầy đã viết hơn 10.000 tấm thư pháp.

5. Vị tu sĩ có ảnh hưởng lớn

Trong chuyến hoằng pháp cuối cùng của Thầy tại Bắc Mỹ vào năm 2013, Thầy đã hướng dẫn một khóa tu cho hơn 1500 nhà giáo dục ở Toronto, Canada; khai mạc triển lãm thư pháp của Thầy tại Broadway, New York; cho pháp thoại tại trường đại học Y khoa Harvard; hướng dẫn các buổi sinh hoạt chuyên đề về chánh niệm tại trụ sở Ngân hàng Thế giới ở Washington; nói chuyện tại trường đại học Stanford; hướng dẫn một ngày tu chánh niệm cho hơn 700 nhân viên của Google; và hướng dẫn một buổi chiều chánh niệm cho một số Giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu của Thung lũng Silicon, trong đó có Marc Benioff, CEO của Salesforce. Marc Benioff đã trở thành một hộ pháp rất đắc lực của Thầy. “Anh muốn trở thành số một hay anh muốn được hạnh phúc?”, Thầy đã hỏi các CEO. “Nếu anh hạnh phúc, anh không thể nào là nạn nhân của hạnh phúc. Nhưng nếu anh thành công, anh có thể trở thành nạn nhân của sự thành công”, Thầy nói.

Mùa xuân năm 2014, Thầy đã làm hậu thuẫn cho Christiana Figueres, đệ tử của Thầy, khi bà chuẩn bị lãnh đạo các cuộc đàm phán về khí hậu (COP-21) tại Paris. Các cuộc đàm phán đã dẫn đến Hiệp ước Paris nổi tiếng. Sau này bà Christiana Figueres đã chia sẻ rằng nhờ sự hướng dẫn và những lời dạy của Thầy mà bà đã thành công[339]. Ảnh hưởng của Thầy cũng lan đến cả Hollywood. Hai đạo diễn từng đoạt giải Oscar là Alejandro G. Inarritu và Alfonso Cuarón đã đến dự các khóa tu và thực tập theo giáo pháp của Thầy. Cố nghệ sĩ hài Garry Shandling cũng là một người hết lòng thực tập theo Thầy. Ông là người nói lời giới thiệu Thầy trước khi Thầy phát biểu tại Quốc hội Mỹ[340].

 

6. Chánh niệm là con đường, không phải là một công cụ

Khi thiền chánh niệm trở thành một phong trào, các đệ tử giáo thọ cư sĩ của Thầy đặt câu hỏi là có nên giảng dạy chánh niệm cho các doanh nghiệp để giúp họ làm giàu nhiều hơn nữa, có nên huấn luyện chánh niệm cho quân đội để họ có thêm định mà giết người giỏi hơn không. Chánh niệm có thể làm lợi lạc cho tất cả mọi người hay chỉ nên làm lợi lạc cho một  người nào đó thôi. Thầy giải thích sự khác biệt giữa chánh niệm và tà niệm, giữa chánh kiến và tà kiến. Bất cứ khi nào một đệ tử của Thầy giảng dạy chánh niệm, họ nên cống hiến một giáo pháp hoàn chỉnh, bao gồm cả đạo đức, và không bao giờ nên pha loãng hay làm biến chất sự thực tập, hoặc sử dụng nó cho một mục đích phi đạo đức. Thầy nói, chánh niệm là con đường, mà không phải là một phương tiên hay một công cụ. Lấy chánh niệm ra khỏi bối cảnh của chánh đạo thì đây không còn là chánh niệm nữa.Tháng 09 năm 2014, Thầy hoàn tất bản dịch mới của Tâm Kinh Tuệ giác Qua bờ, trong đó làm rõ ý nghĩa của chữ “không” trong bản kinh. Thầy giải thích “không” không có nghĩa là “không có gì”, mà có nghĩa là “không có một cái ngã riêng biệt”. Thầy đã biến những giáo lý thâm sâu của Tâm kinh Bát nhã – một trong những bản kinh thiêng liêng nhất của đạo Bụt Đại thừa – trở thành một sự thực tập hết sức linh động.