X. Những khám phá Phật học

1. Trường Viễn Đông Bác Cổ của đại học Sorbonne

Trong số những nhân sĩ và trí thức hết lòng yểm trợ Thầy trong giai đoạn này có giáo sư người Pháp Paul Demiéville[240]. Ông là một học giả Phật học trứ danh, người mà cả những học giả nổi tiếng như Étienne Lamotte, André Bareau đều coi là sư phụ. Khi xuất bản bản dịch Lâm Tế lục[241], ông gởi cho Thầy một tập với dòng chữ Nho: “Nhất Hạnh thiền sư giảo chinh, Đới Mật Vi kính trình”. Thầy đọc bản dịch rất thông minh của tác giả và hết sức khâm phục tinh thần học giả liêm khiết nơi ông. Ông viết rằng có nhiều đoạn trong cuốn Lâm Tế lục, ông vẫn còn chưa thấu triệt và ông cảnh cáo với độc giả là đừng quá tin vào những lời bình giải của ông.

Năm 1973, nhà xuất bản Seghers mời giáo sư Demiéville viết một cuốn sách về thiền. Ông nói rằng ông chỉ là một học giả, còn Thầy mới là người có thực hành thiền. Do đó ông từ chối nhà xuất bản và mời Thầy viết về đề tài đó. Clefs pour le Zen, chương đầu của quyển sách là Thắp sáng hiện hữu, báo trước sự ra đời của phép tu chánh niệm mà quyển Phép lạ của sự tỉnh thức sẽ chuyên chở sau này. Clefs pour le Zen được dịch sang nhiều thứ tiếng và đây là cuốn sách thứ ba của Thầy xuất bản ở phương Tây, năm 1973[243].

Vào năm 1971, có lần Thầy mời giáo sư về thọ trai ở Maisons Alfort, nơi Thầy cư trú. Năm đó giáo sư Demiéville khoảng 80 tuổi. Ông mời Thầy vào dạy ở trường École Pratique des Hautes Études của đại học Sorbonne tại phân khoa Bác ngữ học và Sử học (Sciences historiques et philologiques). Thầy nhận lời dạy môn lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ông có cho Thầy mượn bộ Việt Nam Thập vấn tuần san của trường Viễn Đông Bác Cổ mà ông có để dạy lớp này. Thầy rất hạnh phúc trở lại giảng dạy ở học đường sau bao nhiêu năm bôn ba ở xứ người. Thầy có hướng dẫn cho một số sinh viên làm luận án về những đề tài Phật học Việt Nam như Đời sống và Giáo lý của Thiền sư Thích Huyền Quang.

Là một giáo sư ở trường École Pratique des Hautes Études của đại học Sorbonne, Thầy có cơ hội khai thác bộ sưu tập những tài liệu Phật giáo phong phú tại thư viện quốc gia của Pháp ở Paris và thư viện của trường Viễn Đông Bác Cổ. Thư viện quốc gia của Pháp có rất nhiều tạp chí Việt Nam được tàng trữ, trong đó có đầy đủ các tạp chí Tiếng Chuông Sớm do chùa Bà Đá phát hành, tạp chí Đuốc Tuệ, Từ Bi Âm và rất nhiều tư liệu khác. Trường Viễn Đông Bác Cổ có rất nhiều Microfilm lưu trữ những tác phẩm cổ có liên hệ tới Phật giáo Việt Nam. Ông giám đốc rất dễ thương, vui lòng cho Thầy sử dụng những Microfilm đó. Từ những năm 1950, sau khi đọc tác phẩm Bản báo cáo của một nhà khoa học đã từng nghiên cứu Kinh điển Phật giáo (Nhất cá khoa học giả nghiên cứu Phật Kinh đích báo cáo) của tác giả Uông Trí Biểu, Thầy ước mơ viết một cuốn sách nói về những điểm tương đồng giữa Phật học và khoa học. Vì vậy mỗi khi có cơ hội, Thầy đều học thêm khoa học. Học khoa học cũng tạo cho Thầy một thói quen luôn tìm tòi, thử nghiệm những điều mình học hỏi và thực tập. Tại trường Viễn Đông Bác Cổ, Thầy căn cứ vào khoa học, bác ngữ học (ngành chuyên nghiên cứu về địa điểm và ngày tháng xuất hiện của một tài liệu cổ) và khảo cổ học (ngành chuyên khám phá, khai quật những tài liệu cổ) để nghiên cứu và so sánh các văn bản. Những phát hiện về văn bản học và khảo cổ học đã giúp Thầy rất nhiều trong quá trình tìm hiểu về lịch sử đạo Bụt. Nhờ những khám phá ấy mà Thầy biết được khá tường tận về tuổi tác và địa điểm xuất hiện của những bộ kinh, phân biệt được giáo lý đạo Bụt nguyên chất với những trào lưu của đạo Bụt phát triển. Cái hiểu của Thầy về Phật học, từ Tam bảo qua Tứ đế, Bát chánh đạo, Mười hai nhân duyên đến Niết bàn cứ từ từ sâu thêm và cuối cùng đạt tới nhất quán. Công phu tu tập của Thầy cũng dựa trên những cái thấy ấy rất nhiều.

2. Thiền sư Khương Tăng Hội và kinh An ban thủ ý

Thầy khám phá ra được một số dữ kiện về lịch sử Phật giáo Việt Nam như tên thật của Tuệ Trung Thượng Sĩ là Trần Quốc Tung. Tuệ Trung Thượng Sĩ là anh ruột mà không phải là con của tướng Trần Hưng Đạo như mọi người nghiên cứu và tuyên bố trước đó. Sự khám phá đó đã được nhiều học giả Nam cũng như Bắc Việt Nam công nhận[244].

Thêm một khám phá quan trọng nằm ở các tài liệu quý hiếm với các chi tiết về cuộc đời của Thiền sư Khương Tăng Hội, một danh tăng kiệt xuất người Việt, có cha là một thương nhân gốc Khương Cư (ngày nay là Uzbekistan) thuộc Trung Á và mẹ là người Việt[245]. Vào năm 247 sau công nguyên, Thiền sư Tăng Hội đã từ Giao Châu du hóa lên miền Bắc, đến nước Đông Ngô (bây giờ là miền Nam Trung Quốc), trở thành vị Thiền sư đầu tiên hoằng pháp tại Trung Quốc, trước Tổ Bồ Đề Đạt Ma ba thế kỷ. Thiền sư Tăng Hội đã độ vua Ngô Tôn Quyền, đã dựng chùa Kiến Sơ đầu tiên tại Luy Lâu, và tổ chức giới đàn truyền giới cho các vị xuất gia đầu tiên của Đông Ngô, thiết lập nền tảng và cấu trúc cho một truyền thống thiền Phật giáo hưng thịnh suốt hơn một ngàn năm tại Trung Hoa[246]. Thầy rất vui khi tìm ra được vị tổ sư đầu của thiền tập Việt Nam là tổ sư Khương Tăng Hội, và Thầy mong ước trong một thời gian không lâu, tất cả các chùa ở Việt Nam sẽ đều thờ tổ Khương Tăng Hội. Trong các tác phẩm của Thiền sư Tăng Hội để lại, Thầy chú ý đặc biệt đến Bài tựa Kinh An ban thủ ý. Nhờ bài tựa này mà Thầy đã lục tìm ra được nguyên bản của bài kinh này trong tạng Pali. Trong kinh An ban thủ ý (Ānāpānasatisutta), Bụt hướng dẫn thực tập mười sáu phương pháp thở từ căn bản đến chi tiết một cách rõ ràng để hướng tâm ý an trú trong chánh niệm. Tất cả các giáo lý thực tập của đạo Bụt đều nằm gọn trong mười sáu hơi thở. Nhưng nội dung của kinh trong tạng Pali rất khác với nội dung của kinh An ban thủ ý có lời tựa của thiền sư Tăng Hội còn được lưu truyền trong tạng Hán. Thầy lại trở về trong tạng Hán tìm hiểu và đã phát hiện ra ba kinh trong ấy. Đó là các kinh mang số 803, 810 và 815 của bộ Tạp A Hàm. Ba kinh này góp lại thì đầy đủ tất cả những chi tiết và nội dung của kinh An ban thủ ý trong tạng Pali.

Có được văn bản tiếng Pali rồi, Thầy trở về trong Hán tạng và tìm thấy bài kinh này với tên Đại An ban Thủ ý kinh. Nghiên cứu này của Thầy đã được ghi lại trong tác phẩm Nẻo vào thiền học, Kinh Quán niệm hơi thở do Thầy dịch và chú giải, và sau này trong tác phẩm Thiền sư Khương Tăng Hội: Sơ tổ của thiền tông Việt Nam và Trung Hoa (2001). Nhờ ba kinh trên mà Thầy đã chỉnh sửa được một khuyết điểm do sự truyền thừa trong văn bản Pali.

Ngày Thầy khám phá ra kinh An ban thủ ý (Quán niệm hơi thở), Thầy hạnh phúc như thể đã tìm ra một kho báu. Thầy có cảm giác Thầy là người hạnh phúc nhất trên đời. Trở về với suối nguồn nguyên thuỷ, Thầy gia công nghiên cứu và thực tập các kinh như Tứ niệm xứ (Bốn lĩnh vực quán niệm), Niệm thân, Người biết sống một mình, v.v. Những cái thấy và những chứng nghiệm của Thầy trong thời gian ấy đã trở thành nền tảng cho những pháp môn thực tập mà Thầy cống hiến mãi về sau này[249].

3. Việt Nam Phật giáo sử luận IPhép lạ của sự tỉnh thức

Dù ở xa, Thầy đã không quên thế hệ các tu sĩ trẻ bên nhà khi Thầy khám phá ra những tư liệu thú vị, và Thầy đã ngồi xuống để viết cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận I. Tác phẩm này được xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1973 dưới bút hiệu Nguyễn Lang.

Về lại Paris từ Bangkok sau khi hiệp định Paris được ký, Thầy dọn văn phòng về Sceaux, vùng ngoại ô phía Tây Nam Paris[250] để không phải lái xe đi làm băng qua Paris mỗi ngày. Ba căn phòng được dùng làm phòng ngủ vào ban đêm và là phòng làm việc vào ban ngày. Những hàng kệ đầy hồ sơ cô nhi, tài liệu của Phái đoàn Hòa bình và sách vở dạy học của Thầy che kín các bức tường từ dưới lên đến trần nhà. Phòng khách cũng là thiền đường, phòng ăn, phòng làm việc và cả phòng ngủ. Không có chỗ, Thầy phải đặt cái máy roneo in tài liệu cho Phái đoàn vào phòng tắm, thế là căn phòng tắm trở thành nhà in sách tài liệu[251].

Hòa ước Paris được ký kết vào tháng 03 năm 1973, nhưng chiến tranh Việt Nam vẫn kéo dài thêm hai năm  và  ngày càng ác liệt. Vì thương các bạn tác viên trẻ của trường TNPSXH phải đương đầu quá nhiều với những khó khăn và bức xúc trong các công tác ở quê nhà dưới lửa đạn, Thầy viết một lá thư dài cho anh Lê Nguyên Thiều, Tổng thư ký ban điều hành của trường. Thầy muốn chia sẻ với các tác viên kinh nghiệm thực tập chánh niệm của chính Thầy trong hơn một thập niên. Chủ ý của Thầy là đưa ra một đường hướng tâm linh trong khi phụng sự. Những pháp môn thực tập thật cụ thể, dễ dàng áp dụng để có thể sống chánh niệm và an trú trong hiện tại. Sau này Thầy giải thích: “Bởi vì nếu bạn không tu tập trong khi phụng sự, bạn sẽ đánh mất mình, tinh thần bị kiệt quệ, và đó không phải là đạo Bụt dấn thân”[252]. Sau đó, bản thảo lá thư được đánh máy lần đầu tiên tại văn phòng ở Sceaux và in bằng Ronéo. Về Sài Gòn, lá thư được nhà xuất bản An Tiêm in thành sách với tựa đề Ý thức em mặt trời tỏ rạng dưới bút danh Thạc Đức. Vừa in xong thì miền Nam sụp đổ. Năm sau, chị Phượng đã in nhỏ trang sách lại thành 1/4 của mẫu giấy A4 và gửi từng xấp thư mỏng qua bưu điện về Việt Nam cho những người thân, trong đó có các sư bà Như Huệ (Vĩnh Bửu), Thể Thanh, Viên Minh, các Ni sư Phước Hiển, Trí Hải v.v. Ni sư Phước Hiển in chui quyển sách này ở thành phố Hồ Chí Minh với tựa đề Hàm tiếu thiền (Phép lạ của sự tỉnh thức), tác giả là Thạch Đức.

Trong số các bạn tình nguyện viên của Phái đoàn Hòa bình, em Mobi đã học tiếng Việt để dịch các hồ sơ cô nhi qua tiếng Anh. Mobi dịch ngay quyển sách sang tiếng Anh[253] và Neige Achiary dịch ra tiếng Pháp. Năm 1975, Jim Forest vừa thấy được bản dịch liền nhuận văn lại và đưa cho nhà xuất bản Hòa Bình của Hội Thân hữu Hòa giải phát hành ngay với tựa đề The Miracle of Being Awake. Ngay sau khi Jim in một chương đầu trên tờ Fellowship Magazine và thông báo ai cần mua nguyên quyển thì tới tòa soạn, nhiều vị mục sư, linh mục, những thành viên của hội đã lái xe đến tận New York để mua vài chục quyển tặng người thân. Sau đó, Jim đã đem quyển sách tới Beacon Press, một nhà xuất bản có tầm vóc. Nhà xuất bản Beacon Press đòi mua luôn bản quyền tác phẩm và xin sửa tựa đề tác phẩm thành The Miracle of Mindfulness[254]. Năm 1976, tác phẩm được xuất bản ở Sri Lanka và Thái Lan như một “cẩm nang thiền tập cho những nhà hoạt động trẻ tuổi”. Hòa thượng Nyanaponika, người Đức, tác giả cuốn The Heart of Buddhist Meditation, đến viếng thăm Thầy tại Sceaux.  Hòa thượng ở lại, cùng Thầy đi thiền ở công viên Sceaux và đọc được cuốn sách này. Hòa thượng đã xin để tác phẩm được xuất bản bởi nhà xuất bản Buddhist Publication Society của Hội Theravada Buddhists ở Colombo, tại Sri Lanka.

Tác phẩm đã nhanh chóng trở thành một cẩm nang thiền tập chánh niệm hàng đầu ở phương Tây. Jon Kabat-Zinn, giáo sư, bác sĩ y khoa dạy về chánh niệm hàng đầu trên thế giới đã nói: “Đó là quyển sách đầu tiên đánh thức đọc giả phương Tây, làm họ lưu ý tới đề tài chánh niệm”. Đây là một thiền phổ đột phá trong lĩnh vực thiền tập vào những năm cuối của thập niên 1970 và những năm đầu của thập niên 1980, đưa sự thực tập thiền ra khỏi thiền đường và chỉ cho mọi người biết làm thế nào để có thể đem chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Như lời một học giả trường đại học Oxford đã nói: “Quyển sách đã âm thầm gieo hạt giống cho một cuộc cách mạng”. Đến nay thì quyển sách đã trở thành một tác phẩm cổ điển về thiền tập bán chạy nhất, vẫn được tiếp tục tái bản với hơn 30 thứ tiếng.

4. Chiếc bè không phải là bờ bên kia (The Raft Is Not the Shore)

Trong thời gian ở hải ngoại để vận động hòa bình, Thầy có cơ hội tiếp xúc với giới nhân bản tâm linh và trí thức ở Âu Mỹ và trên thế giới, những nhân vật và những tổ chức có cái nhìn nhân bản khoáng đạt và tiến bộ[256]. Sự giao lưu văn hóa đã cho Thầy cơ hội nhìn lại cái hiểu của mình về Phật học, đào sâu và hiểu được đạo Bụt một cách sâu sắc và khoáng đạt hơn. Trong số những nhân vật này là linh mục Daniel Berrigan.

Tháng 09 năm 1974, cha Berrigan đến văn phòng Phái đoàn Hòa bình ở Sceaux và ở lại với Thầy vài tháng. Thầy rất quý trọng nếp sống thanh bạch, đẹp đẽ của cha Daniel Berrigan cho lý tưởng hòa  bình[257] và Thầy đã nhường phòng Thầy cho Ngài. Bên cửa sổ căn phòng có một cây bạch dương rất đẹp. Một buổi sáng đẹp trời của mùa thu,  khi nhìn cây bạch dương óng ánh lá vàng, Thầy nói: “Các con có thấy cây bạch dương nhà mình tuyệt vời không? Mà linh mục Daniel Berrigan cũng tuyệt vời như cây bạch dương. Mình phải tặng cha Berrigan giải hòa bình Bạch Dương mới được!”. Buổi tặng huy chương có chiếu trải dưới cây bạch dương, có trà rất ngon do Thầy pha, có bánh ngọt, có Thầy đọc diễn văn và có Pierre Marchand, Hương, Thoa, Lợi, Mobi và chị Phượng hát tặng cha. Sau đó cả nhóm đi thiền trong công viên Sceaux rất vui. Cha Berrigan cũng ở lại với Thầy ở Phương Vân Am sau này. Những cuộc đàm thoại đáng nhớ trong đêm khuya giữa cha và Thầy đã được ghi âm lại và sau đó in thành tác phẩm với tựa đề The Raft Is Not the Shore (Chiếc bè không phải là bờ bên kia, Beacon Press, 1975).

5. Những ngày cuối tại văn phòng Phái đoàn Hòa bình ở Sceaux

Người trẻ quốc tế đến văn phòng làm thiện nguyện càng ngày càng đông[259]. Có các bạn tình nguyện làm việc toàn thời gian (như Pierre, Neige, Mobi, Hương), một số sinh viên khác đến giúp bất định kỳ, tùy theo khả năng của họ. Lại có một nhóm các bạn như Thoa, Lợi, Hoàng Anh, Hằng, Hải Tính, Nga, anh Trương, Huệ Châu, anh Hướng và anh Cao Thái, lãnh hồ sơ về nhà dịch mỗi đêm vài giờ. Mỗi sáng, Thầy và các bạn thường ngồi thiền rồi uống trà chung. Sau đó, Thầy thường đọc một bài thơ cho mọi người nghe. Trong ngày, các bạn trẻ tổ chức nhạc hội gây quỹ, kêu gọi người bảo trợ các em mồ côi, dịch hồ sơ các em ra đủ thứ tiếng để gửi đi các nơi tìm người bảo trợ. Tuy công việc nhiều nhưng mỗi ngày, Thầy cũng dịch được 20 hồ sơ cô nhi từ tiếng Việt ra tiếng Anh hay tiếng Pháp. Trước khi dịch một hồ sơ, Thầy nâng hình em bé lên, dành vài giây nhìn vào mắt em bé, nhìn kỹ tấm hình, quán tưởng để thấy được hoàn cảnh của bé khi ba má mất và thở để niềm thương cảm tuôn trào trong trái tim mình trước khi đặt bút xuống dịch. Thầy quán chiếu để thấy mình và em là một. Thấy Thầy làm việc, các bạn trẻ cũng học được cách nhìn sâu trong khi làm để chất liệu từ bi trong trái tim mỗi người được nuôi lớn, và công việc này trở thành một phép thiền quán. Một đội ngũ trẻ trung, tràn đầy lý tưởng và năng lượng sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để giúp Thầy như ghi địa chỉ, dán tem trên báo Le Lotus để gửi đi các nơi. Họ yểm trợ những công tác xã hội ở Việt Nam bằng nhiều cách, điều hành bởi chính những tác viên của trường TNPSXH, phối hợp với các tổ chức nhân đạo như F.O.R., Third Way in Vietnam, Comité pour les Enfants du Vietnam, Swedish International Development Aids (SIDA) v.v…[262]

Sau một ngày dài làm việc, Thầy và các bạn trẻ dùng cơm chiều rồi ngồi uống trà bên nhau. Tất cả mọi người đều tham dự vào một giờ thiền ca trước khi đi ngồi thiền. Laura Hassler, Pierre Marchand, Graeme Allwright… đều là những người đánh đàn guitar rất hay. Họ hát các bài hát hòa bình (có khi gọi là phản chiến) tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Có khi Pierre hát bài hát em vừa đặt nhạc xong như bài thơ Dặn dò của Thầy. Mỗi ngày được chấm dứt bằng một buổi ngồi thiền chung với Thầy. Thầy cũng tổ chức những buổi tụng giới, những ngày tu quán niệm tại đây. Trước đó, Thầy hay mượn trụ sở của trung tâm Quakers ở đường Vaugirard tại Paris tổ chức ngồi thiền mỗi tuần một lần để các thân hữu có thể đến tham dự, nhưng từ khi văn phòng dời về Sceaux, rộng hơn thì Thầy chỉ sử dụng văn phòng này cho các buổi thực tập thiền ngồi.Ở ngoài nước, Phái đoàn Hòa bình tìm cách quyên góp từ các tổ chức nhân bản trên thế giới như Amnesty International, Brot Für Die Welt, Oxfam, cũng như kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ Thuỵ Điển và các nước trung lập không tham gia vào chiến tranh Việt Nam. Quyên góp được bao nhiêu, mỗi ba tháng, Phái đoàn Hòa bình chuyển trực tiếp qua Ủy ban Tái thiết và Phát triển Xã hội của GHPGVNTN trong nước. Ban thủ quỹ của Ủy ban lo việc phân phối chi tiêu cho những chương trình từ thiện của Giáo hội Phật giáo ở 42 tỉnh. Các tác viên trường TNPSXH đảm trách các dự án phát triển xã hội. Trong và ngoài nước, mọi người làm việc trong sự hòa hợp và có rất nhiều hiệu quả. Trường TNPSXH đã trở thành  phần chủ lực trong Uỷ ban Tái thiết và Phát triển Xã hội, cộng tác với các cấp Giáo hội, số người làm việc của Phật giáo đã lên tới gần mười ngàn người, hoạt động khắp nơi trên lãnh thổ miền Nam. Các trung tâm định cư, làng hoa tiêu, làng tự nguyện, làng tái thiết được thực hiện khắp nơi. Ông Phan Quang Đán, Bộ trưởng Xã hội của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đã khen Phật giáo làm nhanh và làm giỏi quá! Riêng về công tác bảo trợ cho cô nhi nạn nhân chiến tranh, con số khởi đầu là 860 cô nhi được bảo trợ vào năm 1973 đã tăng dần lên đến khoảng 20 ngàn vào tháng 05 năm 1975[263]. Mỗi em thay vì vào một cô nhi viện thì được một gia đình chú thím hoặc cô chú  nuôi. Trong khi những ân nhân phát tâm nuôi cô nhi  ngày càng đông thì chương trình bị đứt đoạn khi miền Nam sụp đổ.