V. Thực tập để sống còn

1. Lâm bệnh

Từ khoảng cuối năm 1956, sức khỏe của Thầy suy giảm. Các bác sĩ Tây y và Đông y không giúp Thầy phục hồi được. Thầy phải tự tìm cách trị liệu bằng phương pháp theo dõi hơi thở, tiếp xúc sâu sắc với thiên nhiên. Thầy kể: “Sau một thời gian ốm đau tưởng chết, tôi rút về nằm ở ngôi chùa nhỏ bé và an tĩnh ở Blao”[35]. Thầy thường tìm đến những nơi tĩnh lặng để nghỉ ngơi, khi thì ở Blao, khi thì ở Sa Đéc hay Nha Trang. Trong những giai đoạn khó khăn này, sư chú Trí Không luôn xin đi theo Thầy để làm thị giả. 

Thầy Đường Hạnh lúc này đã trụ trì chùa Phước Huệ, trụ sở chính của Chi hội Phật giáo Công Hinh (một tên gọi khác của Blao). Bao quanh chùa là những vườn chè lâu năm thật xanh tốt[37]. Thầy cất một cái am nhỏ mái lá vách đất ngay giữa vườn chè. Từ con đường phía dưới đi lên am, Thầy treo một miếng gỗ với hàng chữ viết tay Phương Bối am. Ai muốn đi lên am Thầy, bước đến đây đều phải đi chậm lại, thở đều và niệm thầm danh hiệu Bụt. Nơi đây rất tĩnh mịch, thời tiết lại ấm hơn ở Đà Lạt, Thầy có điều kiện thuận lợi để tĩnh dưỡng, nghiên cứu và viết lách.

Một số học tăng từ chùa Ấn Quang như Trí Không, Long Nguyệt, Như Trạm… xin đi theo Thầy và thành lập một tăng thân nhỏ tại đây với nếp sinh hoạt rất giản dị[39]. Thỉnh thoảng các học giả từ Sài Gòn lên thăm Thầy như giáo sư Cao Hữu Đính. Các học tăng rất gần gũi với Thầy và vẫn gọi Thầy bằng “chú”. Thầy chơi bóng bàn với các sư chú mỗi chiều. Có vị còn rất ngạc nhiên khi thấy Thầy đắp y Tỳ kheo trong buổi lễ cầu siêu cho mẹ cách đây mấy tháng vì họ vẫn nghĩ rằng Thầy chưa thọ giới lớn. Thầy đề ra một chương trình tu học và các vị cư sĩ cư ngụ gần đó thường đến tham gia. Các vị cư sĩ rất hạnh phúc và đã đặt một cái máy phát điện nhỏ chạy khoảng vài tiếng đồng hồ mỗi tối. Nhờ vậy mà các thời tụng kinh tối trở nên thân mật, gần gũi hơn và Thầy có đèn sáng để viết lách vào mỗi đêm.

Trong thời gian này, lần đầu tiên các sư chú được Thầy dạy về lịch sử các tư tưởng Phật giáo, quá trình hình thành và phát triển của các tông phái, các truyền thống Phật giáo khác nhau, các kinh điển căn bản của các truyền thống Nam tông và Bắc tông, những môn học chưa được dạy ở Phật học đường như Dị bộ tông luân luận của ngài Thế Hữu, Tranh luận sự trong A-tỳ-Đạt-ma của Thượng tọa bộ và Kinh Na Tiên Tỳ kheo. Thầy muốn tạo cảm hứng cho những người xuất gia trẻ phát triển trí tò mò để tự nghiên cứu, tìm tòi học hỏi mà không chỉ học để thi cử, đỗ đạt và lấy những mảnh bằng. Thầy muốn mỗi người xuất gia biết cách nuôi lớn cái thấy sáng tỏ nơi chính mình mà không chỉ đơn thuần là tin tưởng một cách mù quáng và cố chấp vào bất kỳ một học thuyết nào, kể cả học thuyết Phật giáo. Thầy dạy các sư chú trẻ cách sử dụng các môn khoa học, lịch sử và văn chương như là những công cụ để có thể đi xa hơn trong khi nghiên cứu đạo Bụt[42]. Có lần thấy một sư chú trẻ thường hay nghe đài truyền thanh và đưa ra nhiều nhận định, Thầy dạy sư chú phải biết sáng suốt suy ngẫm những gì mình nghe mà không tin một cách mù quáng, không cố chấp, không nên chủ quan cho cái mình biết là chân lý rồi ép buộc người khác phải theo ý kiến đó.

Thỉnh thoảng, Thầy cùng mọi người đi thăm sư cô Diệu Âm ở Djiring, đi bộ trong rừng Đại Lão gần bên, nơi có sông, có thác Bobla, Liên Khang, Pongour để thăm thú các cảnh đẹp thiên nhiên. thưởng thức tiếng chim, tiếng suối. Các chú thường mang theo thức ăn để đi dã ngoại. Sau khi ăn xong, tất cả nằm trên các tảng đá bên bờ suối để nghỉ ngơi. Thầy khuyến khích mọi người thưởng thức thiên nhiên, trời xanh, mây trắng, thực sự làm tinh thần tươi mới lại. Có khi mọi người ngồi giữa rừng để nghe Thầy kể chuyện, đọc thơ hoặc chia sẻ tầm nhìn của Thầy về tương lai Phật giáo Việt Nam. Có những lúc Thầy cho mọi người ngồi thành vòng tròn và ghi chép. Đây chính là những giây phút trao truyền sâu sắc nhất giữa thầy và trò.

Chính trong thời gian ở chùa Phước Huệ, tại chiếc am lá giữa vườn trà mà Thầy có một giấc mơ. Trong giấc mơ đó, Thầy thấy mẹ, và lần đầu tiên Thầy chứng thực một cách sâu sắc rằng “còn”, “mất” chỉ là những ý niệm mà thôi. Điều này đến với Thầy như một tuệ giác mà không phải là lý thuyết. Trong giấc mơ, “dung nhan mẹ không có gì biến đổi. Tôi nói chuyện với mẹ tôi rất tự nhiên, không có một mảy may cảm giác rằng tôi trong bốn năm, chịu đựng ý tưởng mất mẹ. […] Bữa đó, tôi thức dậy vào lúc một giờ rưỡi khuya và thấy phép mầu hiển hiện. Niềm đau xót không còn nữa và tôi chứng thực rằng ý tưởng mất mẹ trong suốt bốn năm vừa qua chỉ là những ý tưởng. Thấy được mẹ tôi trong giấc mơ ấy rồi tức là thấy mẹ tôi mãi mãi”. Thầy giải thích, “Đêm đó, tôi thấy một cách rất hiện thực rằng sự sinh diệt của mẹ tôi là một cái gì do tôi tạo ra mà không phải là một thực tại khách quan. Sự hiện thực của mẹ tôi không tùy thuộc vào sinh diệt; không phải nhờ sinh mà mẹ tôi có, không phải vì diệt mà mẹ tôi không có…” (Trích Nẻo về của ý

Chính nơi đây Thầy đã viết và biên tập các bài báo cho tờ Phật giáo Việt Nam từ tháng 9 năm 1956 đến tháng 4 năm 1959. Để gây ý thức về một nền Phật giáo dân tộc, Thầy đề nghị các chùa thờ Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi thay vì Tổ Bồ Đề Đạt Ma[48]. Thầy xiển dương giáo lý Duy thức và thiền Việt Nam, cũng như lễ nhạc và giáo dục của Phật giáo Việt Nam. Thầy đề nghị tổ chức lại nếp sống thanh quy của tu viện để xây dựng chúng xuất gia và đào tạo tăng tài. Thầy cũng dồn hết tâm lực vào chuyện kêu gọi sáu tập đoàn Phật giáo trong cả nước đi đến thống nhất thực sự để phát huy sức mạnh và cùng nắm tay nhau xây dựng hòa bình cho đất nước. Đây cũng là mục tiêu chính mà Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã nêu lên rõ ràng bằng bản tuyên ngôn trong đại hội lần thứ nhất vào tháng 05 năm 1951 tại chùa Từ Đàm, Huế: “Hỡi toàn thể Phật tử Việt Nam, chúng ta hãy san phẳng những hình thức sai biệt, cùng chung sức chung lòng để làm tròn sứ mạng kiến tạo hòa bình”. Tuy nhiên, Thầy đã phải đối mặt với sự chống đối gay gắt từ phía lãnh đạo của các tập đoàn. Tại đại hội thứ III ngày 17.08.1957 và đại hội thứ IV năm 1959, Tổng hội Phật giáo Việt Nam vẫn không thống nhất được. Sáu tập đoàn vẫn giữ nguyên. Giữa năm 1959, các tập đoàn quyết định không yểm trợ tài chính cho tờ Phật giáo Việt Nam nữa và tờ nguyệt san mà Thầy làm chủ bút bị đình bản[50].

Đau khổ vì tình trạng tang thương của đất nước cũng như tình trạng của Phật giáo lúc bấy giờ, Thầy quyết định đi tìm một nơi ẩn dật để quay về tu luyện, để nuôi dưỡng, bồi đắp niềm tin và trị liệu những vết thương.

2. Phương Bối Am: trung tâm tu học đầu tiên

Tháng 07 năm 1957, Thầy tìm mua được một miếng đất thích hợp với diện tích gần 26 mẫu tây giữa rừng Đại Lão, một nơi yên tĩnh nằm trong địa hạt làng B’su Danglu của hai người Thượng tên là K’Briu and K’Brôi, cách Blao và chùa Phước Huệ khoảng mười cây số. Mảnh đất được bao quanh bởi cây cối xanh tươi, những dòng suối trong và những con đường rất đẹp cho thiền hành. Tu viện mới được đặt tên là Đại Lão Sơn Phương Bối Am, gọi theo tên của cái am lá trong vườn chè tại chùa Phước Huệ.

Thầy nhớ lại: “Ẩn mình trên rừng núi Đại Lão, Phương Bối đã xòe những cánh đồi hoang vu và êm dịu như một chiếc nôi lớn – một chiếc nôi lót bằng bông đá, hoa dại, cỏ rừng – chào đón chúng tôi. Ở đây chỉ có cây rừng, có chim, có vượn. Ở đây chúng tôi sẽ xa được trong một thời gian tất cả những xấu xa nhỏ mọn của cuộc đời” (Nẻo về của ý). Đó là một nơi trú ẩn lý tưởng cho một cộng đồng nhỏ – một nơi để đọc sách, viết lách, hành thiền và chiêm nghiệm – được bao bọc bởi núi rừng hùng vĩ, bình an và tĩnh lặng. Phương Bối đồng thời cũng rất hoang dại và vô cùng linh động. Đôi khi Thầy và các bạn gặp cả cọp, cùng trải qua những cơn bão rừng, có khi họ bị đánh thức trong đêm bởi những tiếng động kỳ lạ vọng ra từ rừng sâu, hay những thời khắc ngưng đọng trong cảnh núi rừng hùng vĩ giữa một đêm trăng huyền bí. Tháng Giêng năm 1958, Thầy cùng các bạn bắt đầu dọn đất và sau đó trồng sáu mẫu trà để làm phương tiện tự túc kinh tế cho tu viện.

Trong thời gian xây dựng Phương Bối, Thầy và các bạn vẫn tiếp tục tu học tại chùa Phước Huệ. Hai chú Thanh Tuệ và Nguyên Hưng là hai người học trò thân cận nhất của Thầy lúc đó. Cùng với sư cô Diệu Âm, hai chú đã chăm lo cho Phương Bối từ những buổi đầu. Gần đây cũng có một trường Bồ Đề tư thục, nơi một số các chú điệu đang học. Điệu Trí khoảng mười tuổi, do thầy Châu Đức gửi tới, sau này được xuất gia với Thầy và có tên  Nhất Trí. Điệu Thắng là đệ tử của sư cô Diệu Âm, mới bảy tuổi, chỉ được Thầy trao cho ba giới là không giết hại, không trộm cắp và không nói dối. Điệu Thắng chính là Hòa thượng Nguyên Hạnh, Viện chủ chùa Việt Nam ở Mỹ sau này.

Ngoài việc viết bài và làm chủ bút cho tờ Phật giáo Việt Nam, Thầy còn tóm tắt những bài dạy về Duy thức học mà Thầy đã giảng dạy tại lớp Tam niên trung học để Phật học đường Nam Việt xuất bản vào tháng 6 năm 1958 dưới nhan đề Duy thức học với bút hiệu Thạc Đức và lời tựa của Thượng tọa Thích Thiện Hòa. Thầy cũng gom góp những bài viết để Phật học đường Trung phần xuất bản vào tháng 2 năm 1959 thành tác phẩm Để hiểu đạo Phật với bút hiệu Phương Bối. 

Thầy phát hành 2000 quyển Duy thức học, lấy thêm tiền bản quyền những cuốn sách để có đủ tiền xây nhà Thượng ở Phương Bối và một ngôi nhà gỗ bốn gian đơn sơ làm thiền đường, thư viện, chỗ làm việc, phòng ngủ cho các thầy và các sư chú, phòng ăn và phòng khách. Gọi là nhà Thượng bởi vì đây là một ngôi nhà có hai mái úp vào nhau như hai bàn tay chắp thành búp sen theo lối nhà sàn – kiểu nhà người Thượng. Nhà Thượng được xây trên một ngọn đồi cũng được gọi là đồi Thượng. Đó là vào mùa hè năm 1958. Thầy Thanh Từ cũng lên dựng một cái thất gần đồi Thượng mà Thầy đặt tên là Thiền Duyệt Thất.

Với Phương Bối, Thầy đã thực sự tạo nên một môi trường dành riêng cho sự tu tập, nghiên cứu, trị liệu, thơ ca và xây dựng cộng đồng. Một chúng thường trú được hình thành, trong đó có các sư chú Thanh Văn, Thanh Tuệ, nhà văn Lý Đại Nguyên, dì Tâm Huệ. Thầy Giải Thích về đây vẽ cho thiền đường một bức chân dung của Bụt. Thầy và các bạn thưởng thức thiền tọa vào sáng sớm và buổi tối, thiền trà vào buổi chiều. Phương Bối là một mô hình thử nghiệm để làm mới và phục hồi sinh lực cho đạo Bụt. Rất nhiều câu chuyện về đời sống của Thầy và các bạn được Thầy kể lại trong tác phẩm Nẻo về của ý. Và như thế, Phương Bối đã trở thành một kiểu mẫu để rồi về sau rất nhiều trung tâm thực tập chánh niệm của Thầy được hình thành và phát triển khắp nơi trên thế giới vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.

Khoảng tháng 10 năm 1958, sức khoẻ Thầy lại đi xuống. Thầy phải giao tờ Phật giáo Việt Nam cho hai nhà văn Võ Đình Cường và Giang Tâm trông coi tạm. Thầy biết rằng Thầy đã gồng mình quá sức trong tình trạng đất nước chiến tranh, sự mất mát người mẹ kính quý, những thương tích từ sự ganh tỵ trong nội bộ Phật giáo, v.v. Thầy tưởng đã vượt qua được những khó khăn này, nhưng kỳ thật, chúng đã tích tụ theo năm tháng và đã ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của Thầy.

Trong giây phút cơn bệnh trở nên nguy kịch nhất, Thầy đã bám lấy hơi thở, thở thật chậm và thật sâu với tất cả sức lực còn lại của mình. Đến lúc cảm thấy dễ chịu hơn, Thầy gắng sức  để trở dậy thiền hành, và Thầy đã sống sót. Từ khi còn là một chú điệu, Thầy đã được học kinh hành. Tại chùa Báo Quốc, Thầy đã được học nguyên tắc sổ tức. Giờ đây, Thầy tự tìm ra cách thức thở và đi để có thể làm tĩnh lặng thân tâm, đó là cách kết hợp hơi thở và bước chân một cách tự nhiên trong khi đi. Thay vì sử dụng phương pháp sổ tức, Thầy đếm bước chân với hơi thở trong sự hòa điệu. Bằng cách hoàn toàn tập trung vào bước chân và hơi thở – mà không vào bất cứ một cái gì khác – Thầy đã có khả năng thực sự dừng lại (chỉ – śamatha), và làm lắng dịu cơn đau mà không bị cơn đau kéo đi. Thầy đã bắt đầu thực hành phương pháp đó hồi còn ở chùa Ấn Quang và tiếp tục thể nghiệm ở Blao, Phương Bối, bệnh viện ở Tokyo và sau đó nữa là ở trường Đại học Princeton, Hoa Kỳ cũng như trong những thập kỷ kế tiếp, khi cái hiểu của Thầy về kinh Quán niệm hơi thởBốn lĩnh vực quán niệm càng sâu hơn.

Mùa xuân năm 1959, Thầy được mời đi Nhật Bản với tư cách chủ bút tờ Phật giáo Việt Nam để tham dự lễ Phật đản quốc tế kỷ niệm 2500 năm ngày Bụt đản sinh cùng với các thầy Thiện Hoa, Mật Hiển và Tâm Châu. Vì Thầy biết một chút tiếng Anh nên phải đọc một bài thông điệp – đó là bài diễn văn đầu tiên bằng tiếng Anh của Thầy. Bài này được in lại trong Phật giáo Việt Nam số 28. Trong chuyến đi, Thầy trở bệnh và phải nhập viện ở Tokyo. Thầy tiếp tục thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm trên các hành lang bệnh viện, để hết tâm ý vào hơi thở và buông bỏ những lo lắng. Sau bao nhiêu thử nghiệm, các bác sĩ vẫn không chẩn bệnh được cho Thầy. Thầy về lại Phương Bối giữa tháng Năm.

Tại Phương Bối, cầu Mai được dựng trên con đường vào am. Thư viện đã có được trên hai vạn cuốn sách. Các cư sĩ rất thích đến đây vào cuối tuần để tu học trong không khí tự nhiên và cởi mở, không hình thức. Cư sĩ Dương Thi, phó tỉnh trưởng Lâm Đồng luôn dẫn cả gia đình về đây mỗi thứ Bảy hàng tuần.

3. Đạo Phật ngày nay và đoàn Sinh viên Phật tử

Tháng 11 năm 1959, từ nhu cầu của sinh viên các trường đại học và giới trí thức trẻ, Thầy bắt đầu mở một khoá dạy giáo lý hàng tuần tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn. Toàn ban hướng dẫn Gia đình Phật tử cùng theo họ, kể cả nhà văn Võ Đình Cường. Khóa học chấm dứt vào tháng 03 năm 1960 nhưng có mười mấy sinh viên từ các trường y, trường dược, trường luật… lại tới với Thầy và xin học tiếp. Thế là Thầy lại tiếp tục một khóa mới cho họ tại Tổ đường Ấn Quang. Lần này, Thầy muốn thành lập một đoàn Sinh viên Phật tử theo tinh thần của đoàn Phật học Đức dục ngày xưa. Thầy dạy nhóm sinh viên này học kinh như dạy các học tăng và họ đã tiếp nhận giáo pháp hết lòng. Sau mỗi buổi học, các sinh viên đều có pháp đàm. Họ phát biểu ý kiến và đôi khi ý kiến rất khác nhau rồi cuối cùng được Thầy dung hợp và đúc kết. Không khí trong lớp học rất cởi mở và thân ái. Từ nhóm sinh viên này, có mười ba bạn trẻ đầy nhiệt huyết nhất, được gọi là “Mười ba cây tùng”[56].

Mùa thu năm 1960, Thầy dẫn năm cây tùng về Nha Trang để phụ tá Thầy tổ chức Đại hội hoằng pháp toàn quốc do thầy Trí Thủ, Ủy viên Hoằng pháp, giao phó. Tại chùa Hải Đức, trụ sở Phật học viện Nha Trang, Thầy đã hướng dẫn cách thức tổ chức, điều động cho các học tăng của Phật học viện. Rất đông các thầy và các sư cô từ khắp nơi về dự đại hội. Thầy nắm lấy cơ hội này để thống nhất những phương thức hành đạo về mặt nghi lễ, giáo dục, hoằng pháp… dù cho các tập đoàn Phật giáo vẫn chưa chịu đi đến sự thống nhất thực sự.

Ở Huế, thầy Đức Tâm, đã từng học chung với thầy ở Phật học đường Báo Quốc, đang là chủ bút tạp chí Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung Việt, đã mời Thầy viết bài. Chùa của thầy Đức Tâm ở Cồn Hến, một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông Hương và Thầy đã ghé đây ở hai tuần để chìu lòng người bạn cũ. Mỗi sáng thầy Đức Tâm đều mời Thầy một ly trà tường vi và đãi Thầy món bắp luộc – đặc sản ở Cồn Hến. Sau đó hai thầy đi thiền quanh Cồn và đàm đạo. Thầy viết một loạt bài về đạo Bụt nhập thế, khai triển ý tưởng về “Đạo Phật đi vào cuộc đời” mà Thầy đã nói đến trong loạt bài đăng trên báo Dân chủ năm 1955. Những bài báo này đã được in thành sách Đạo Phật ngày nay và được NXB Lá Bối phát hành năm 1965. Nhà nghiên cứu nhân chủng học Lê Văn Hảo sống tại Paris lúc bấy giờ là người đã dịch cuốn sách này sang tiếng Pháp với tựa đề Aujourd’hui le Bouddhisme và Mục sư Thomas Merton viết lời giới thiệu, trở thành tác phẩm đầu tiên của Thầy được xuất bản ở phương Tây.

Tháng 02 năm 1961, Thầy cùng thầy Quảng Liên và thầy Thiện Châu mở một lớp giáo lý khác cho người trẻ mỗi sáng Chủ nhật tại chùa Ấn Quang. Cùng lúc đó, đoàn Sinh viên Phật tử học với Thầy từ khóa đầu vẫn muốn tiếp tục theo học lớp giáo lý với Thầy nên Thầy phải dạy thêm một buổi cho họ vào mỗi chiều Chủ nhật tại Tổ đường Ấn Quang và sau đó tại chùa Xá Lợi. Mùa hè năm đó, đoàn sinh viên được đi thăm Phương Bối vào dịp cuối tuần. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối mà cả đoàn được thưởng thức ngồi thiền, đi thiền, nghe Thầy đọc thơ, pháp đàm trong khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng của núi rừng Phương Bối.

Trong khoảng thời gian này, các học tăng và đoàn Sinh viên Phật tử thường được nghe Thầy đọc thơ hay đọc những câu truyện mà Thầy sáng tác như Cửa tùng đôi cánh gàiCâu chuyện người con trai khờ dại. Thầy đã viết hai truyện này trong tâm trạng buồn tủi và chán nản: “Chính trị thì khôn ngoan, tìm đủ mọi cách cho tiềm lực dân tộc không có cơ phát hiện. Tổ chức Phật giáo thì thủ cựu, chia rẽ. Chúng ta, những người trẻ tuổi, không có tiền bạc, không có uy thế, không có một ‘miếng đất để cắm dùi’, làm sao thực hiện được ước mộng?” (Nẻo về của ý) 

Còn trẻ, mới trên dưới ba mươi tuổi, đầy năng nổ và nhiệt huyết, Thầy đã để hết tâm lực vào chuyện xây dựng Phật học đường và đạo Bụt Việt Nam. Thầy chỉ làm mà không cần ai biết. Thầy sử dụng mười mấy bút hiệu khác nhau cho hàng loạt bài viết đăng trên báo hay các quyển sách mà không ký tên Thầy. Là chủ bút, Thầy cũng không để tên mình ngoài bìa cũng như ở trang trong của tờ Phật giáo Việt Nam. Thầy không nhận chùa riêng mà cũng không bỏ thì giờ giao tiếp với bổn đạo để được cúng dường, mặc dù Thầy không có tiền để trả viện phí khi ốm đau. Thầy không giữ một chức vị nào trong Phật học đường Nam Việt cũng như trong Tổng hội Phật giáo. Ấy vậy mà khó khăn lớn nhất trong quãng đời này mà Thầy phải đối diện là sự ganh tỵ.

May thay, còn có các vị tôn túc luôn thương yêu, tin tưởng và yểm trợ Thầy hết mực như Hoà thượng Huệ Quang, Hoà thượng Khánh Anh, Thượng tọa Thiện Hòa, Thượng tọa Nhật Liên, Thượng tọa Trí Thủ. Giới trẻ xuất gia cũng như tại gia đều rất yêu mến và tin tưởng Thầy. Họ xem Thầy như một người anh gần gũi và luôn đi theo Thầy để nương tựa, đồng thời để yểm trợ. Họ là nguồn an ủi của Thầy. Cũng chính nhờ họ mà Thầy có thêm sức mạnh để chống đỡ và vượt qua được những giai đoạn khó khăn.