III. Tìm một hướng đi mới
1. Sư chú Nhất Hạnh và Tiếng địch chiều thu
Mùa xuân năm 1949, sau hai năm tu học ở Phật học đường Báo Quốc, chú Phùng Xuân, lúc đó 23 tuổi, cùng các chú Tâm Cát và Đức Trạm, những thành viên của nhóm Tiếng Sóng, quyết định rời Phật học đường. Họ dự tính đi tiên phong vào Sài Gòn để học hỏi rồi báo cáo lại cho các anh em khác trong nhóm. Ba chú được nhiều huynh đệ yểm trợ, kể cả thầy Trọng Ân và thầy Thiện Tấn, tức anh kế của chú, cũng đã xuất gia làm đệ tử của thầy Trí Thủ.
Trước khi lên đường, các chú đã chọn cho mình một pháp hiệu. Chú Phùng Xuân lấy tên Nhất Hạnh, chú Đức Trạm là Chánh Hạnh, và chú Tâm Cát là Đường Hạnh. Chú Phùng Xuân đã viết một lá thư sám hối gửi về cho Sư Ông chùa Từ Hiếu. Chú hứa với thầy là chú sẽ không phụ lòng tin cậy của thầy. Chú và các anh em cũng viết một lá thư rất lễ phép cho ban giám đốc Phật học đường, thưa rõ vì sao các chú phải ra đi, với những nguyện vọng thiết tha mà đã nhiều lần được bộc bạch nhưng không được lắng nghe hay thực hiện. Ngồi trên chiếc tàu đã rời cảng Đà Nẵng, chú Phùng Xuân bị say sóng và chợt thấy nhớ nhà, nhớ chùa da diết.
Đến Sài Gòn, ba chú đi thăm các chùa và các Phật học đường. Một hôm các chú quen được thầy Trí Hữu và được thầy mời về phụ thầy Bảo Đảnh xây dựng chùa Hưng Đạo, một ngôi chùa tranh mới được thành lập ở Vườn Bà Lớn. Tại đây, trong mùa an cư đầu tiên, chú Phùng Xuân đã chép lại thành một tập khoảng 50 bài thơ và kịch thơ Tiếng địch chiều thu mà chú đã sáng tác. Quyển thơ đầu tay này sẽ được nhà xuất bản Long Giang ấn hành với tên mới của tác giả là Nhất Hạnh. Họa sĩ Lê Trung sẽ vẽ bìa và minh họa.
Tối nào đồng bào và trẻ em trong xóm cũng đến chùa Hưng Đạo tụng kinh rất đông. Các chú thành lập một đoàn thiếu nhi Phật tử và dạy cho các em thuộc lòng những bài kinh tiếng Việt như Đệ tử kính lạy hay những bài nhạc đạo như Trầm hương đốt. Vào những dịp lễ lược, nhiều chùa trong vùng đã thường xuyên mời đoàn thiếu nhi chùa Hưng Đạo đến tụng kinh và hát.
Cuối năm này, ba chú đã được phép lưu trú tại Phật học đường Giác Nguyên ở Khánh Hội để đi học Anh văn gần đó. Vị trú trì là thầy Hành Trụ vừa dịch xong Kinh Ông Bột. Thầy nhờ chú Phùng Xuân nhuận văn và viết lời tựa. Với lời đề nghị của chú, thầy đã rất hoan hỷ đổi tên sách thành Kinh Hiền Nhân.
Sau khi ở đây vài tháng, ba chú nhận một ngôi chùa ở Gia Định miền Đồng Ông Cộ, đó là chùa Lâm Hoa. Tại đây, chú Nhất Hạnh viết lại những câu chuyện trong kinh Bách dụ bằng thơ song thất lục bát. Tập Thơ Ngụ ngôn này sẽ được nhà xuất bản Đuốc Tuệ ở Hà Nội phát hành với bút hiệu Hoàng Hoa và được thầy Tố Liên, một trong những vị cao tăng đang nỗ lực chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc, viết lời tựa.
2. Chùa Ứng Quang, lớp dạy đầu tiên
Sau mùa an cư năm 1949, thầy Trí Hữu lập một am tranh lấy tên là Trí Tuệ Am. Sau khi xây được chánh điện và một tăng xá, thầy đổi tên am thành chùa Ứng Quang, nhưng mọi người lại gọi là chùa Cà Tăng, vì vách chùa làm bằng cà tăng. Chú Nhất Hạnh ở lại chùa và bắt đầu mở lớp dạy cho mười mấy điệu nhỏ xíu về văn hóa và về Phật pháp. Điệu lớn nhất khoảng mười ba tuổi, tên là Võ Thắng Tiết. Điệu này chính là thầy Từ Mẫn, giám đốc thứ hai của nhà xuất bản Lá Bối sau này. Các điệu nghịch quá nên có lần chú Nhất Hạnh đã phải dùng tới roi mây. Khi thoáng thấy vẻ mặt Thắng Tiết không vui, chú rất hối hận và từ đó, chú không bao giờ dùng đến roi mây nữa. Chùa Ứng Quang nhanh chóng trở thành một Phật học đường nhỏ với một lớp giảng kinh cho tăng sinh trẻ tuổi từ các chùa lân cận.
Chùa Ứng Quang được thành lập chưa được bao lâu thì trở thành Phật học đường Nam Việt. Thầy Nhật Liên, tổng thư ký của Phật học đường đề nghị đổi tên thành chùa Ấn Quang. Chú Nhất Hạnh bắt đầu giảng dạy về Phật giáo sử. Chính tại nơi đây, thi sĩ Trụ Vũ đã tìm đến chú sau khi đọc tập thơ Tiếng địch chiều thu và tình bạn giữa hai người bắt đầu từ đó. Là giáo thọ trẻ nhất của Phật học đường, chú hết lòng chăm sóc và dạy dỗ các học tăng trẻ. Cũng như thầy Trọng Ân đã từng luôn gọi các chú là em và tự xưng mình là anh, tại Ấn Quang, chú Nhất Hạnh cũng xưng hô anh em với các chú Trí Không, Thanh Hương, Thanh Hiện, Thanh Văn, Long Nguyệt, Viên Hạnh, Thắng Hoan, Từ Mẫn, Thiện Tánh, Minh Cảnh, Minh Thành, Như Huệ, Như Trạm… Trong phòng chú không có những dĩa lê táo do các bổn đạo cúng dường nhưng lúc nào cũng rất đông các học tăng trẻ. Thầy trò tu học bên nhau trong tình huynh đệ, không hề có một chút khoảng cách.
3. Những hoạt động tại Đà Lạt
Vừa giảng dạy, chú Nhất Hạnh vừa nghiên cứu về Nhân minh luận để viết cuốn Đông phương luận lý học. Đây là cuốn sách đầu tiên của chú về Phật học được nhà xuất bản Hương Quê ấn hành, vào mùa xuân năm 1950.
Trong những tháng qua, chú đã đọc nhiều sách báo như những tác phẩm Introduction à la Philosophie, hay Duy thức nghiên cứu của Lữ Trưng viết bằng văn bạch thoại mà học giả Châu Tự Ca viết bài tựa. Gia nhập kháng chiến hay tiếp tục con đường xuất gia, đó là một câu hỏi lớn nằm sâu trong tim chú qua bao nhiêu năm tháng. Nhờ đã thừa hưởng được tuệ giác từ các bậc đàn anh, về phương diện kinh nghiệm cũng như về phương diện phán đoán, chú quyết định tiếp tục trên con đường xuất gia. Và chú biết chú phải cố gắng hết lòng mới mong phát giác ra được trong đạo Bụt những gì mà chú đã quyết chí đi tìm từ khi mới bước chân vào chùa.
Cuối năm 1950, chú cùng thầy Thiện Minh viếng thăm Đà Lạt. Theo lời mời, chú ở lại chùa Linh Sơn dạy các điệu và giúp chăm sóc tờ báo Hướng Thiện. Chú có mang theo bản thảo tập thơ Xuân vàng gồm những bài được làm theo thể “tự do” và một kịch thơ Xuân ly loạn mà chú đã chuẩn bị cho nhà xuất bản Long Giang ấn hành. Sau khi đọc xong bản thảo, thầy Thiện Minh cứ ngâm nga mãi bài Nhớ mùa xuân cũ và đề nghị đổi tên tập thơ thành Ánh xuân vàng. Lúc bấy giờ, Phó hội trưởng của tỉnh hội Phật giáo là nhà thơ Nguyễn Vỹ, ông đã đọc được Tiếng địch chiều thu của chú và hết lòng khen ngợi tập thơ trên tờ báo của ông. Bác Thiện Thắng Huỳnh Văn Trọng cũng đọc được tập thơ và đã tìm đến chú. Không lâu sau đó, bác Thiện Thắng và chú cùng nhau thành lập nhóm Phật giáo Thiện Hữu với sự yểm trợ của nhóm trí thức Đà Lạt. Đây là tên mà chú dịch ra từ Les Amis du Bouddhisme, hội Phật giáo ở Pháp. Hội này phát hành tờ báo La Pensée Bouddhique mà chú đã đọc hết tất cả các số. Tờ báo cung cấp một nguồn nghiên cứu nghiêm túc, có tính hàn lâm và rất phong phú về đạo Bụt. Chú muốn một tờ báo có giá trị tương đương ở Việt Nam và chú đề nghị sẽ biến tờ báo Hướng Thiện thành tạp chí khổ nhỏ với cái tên mới là Liên Hoa. Liên Hoa cũng lấy nguồn cảm hứng từ Le Lotus Bleu, một tờ báo xuất bản tại Pháp, rất mới và rất trong sáng, với hình bông sen trắng in trên nền trời xanh. Bác Thiện Thắng đứng tên chủ nhiệm, chú Nhất Hạnh đứng tên chủ bút.
Qua mùa xuân năm 1951, tại chùa Linh Sơn Đà Lạt, chú được gặp thầy Tố Liên và cư sĩ Viên Quang, quản lý nhà in Đuốc Tuệ. Cả hai đều rất ngạc nhiên khi biết tác giả của tác phẩm Thơ Ngụ ngôn là một sư chú trẻ. Thầy Tố Liên đã từng đề tựa cho tập thơ của chú như thế này: “Bạn Hoàng Hoa có lẽ cũng đã va chạm với rất nhiều bức tường xuẩn động manh tòng của người đời giữa đường trần lao khổ ải rồi mới chịu quay đầu về rừng Thiền để thu hút lấy khí vị tinh anh của những đóa hoa Ưu Bát và mới có nổi một bầu thanh tâm thanh khí mà rèn luyện nên cái tác phẩm vô giá này để đem cống hiến cho các bạn…”
4. Sám nguyện: Đệ tử chúng con từ vô thỉ…
Trước khi trở lại Sài Gòn, chú ghé thăm Nha Trang. Tại đây, chú gặp thầy Tương Ưng trú trì chùa Phước Hải. Thầy mời chú ở lại an cư với thầy và dạy các điệu trong chùa. Ngoài việc dạy dỗ, chú viết cuốn Gia đình tin Phật. Đây là cuốn sách giáo lý phổ thông đầu tiên mà chú viết, với những đề tài thực tế như đức tin, ăn chay, đi chùa, sám hối, học hỏi và tụng niệm. Chú muốn đem đạo Bụt áp dụng ngay vào đời sống hàng ngày của gia đình: cách thực tập của cha mẹ, con cái, vai trò của người cha, người mẹ và người con lớn trong gia đình. Chú đã đề nghị một nghi thức tụng niệm thuần bằng quốc văn. Chú trình bày bài Sám nguyện mà chú đã sáng tác tại chùa Linh Sơn Đà Lạt:
“Đệ tử chúng con từ vô thỉ
Gây bao nghiệp chướng bởi lầm mê
Đắm trong sinh tử đã bao lần
Nay đến trước đài Vô thượng giác…”
Bài này sau đó được đưa vào Nghi thức tụng niệm của Tổng hội Phật giáo và đến nay vẫn còn phổ biến.
Sau mùa an cư, thầy Đức Phong, học trò lớn của thầy Trí Thủ, và chú Thiện Tấn, anh ruột của chú, từ Huế vào thăm. Hai thầy cho biết Phật Học đường Báo Quốc đã thay đổi rất nhiều. Trong chương trình có thêm các lớp sinh ngữ, triết học và khoa học. Thầy Đức Phong muốn đi biển hóng gió và chú Nhất Hạnh đề nghị thuê xe đạp để đi. Ba huynh đệ đạp thật khoan thai thành một hàng dài để giữ uy nghi của người xuất gia. Cư sĩ hai bên phố rất ngạc nhiên. Đó là ba thầy tu Việt Nam đầu tiên đi xe đạp.
Về lại Sài Gòn, chú Nhất Hạnh, chú Thiện Tấn ở lại với các chú Đường Hạnh và Chánh Hạnh tại tịnh thất Pháp Hải, một tịnh thất bằng tranh miền Gia Định. Các chú bàn bạc với nhau và đồng ý rằng họ cần học thêm khoa học, văn chương và triết học để có được những kiến thức cần thiết cho sự hành đạo sau này. Tháng Chín năm đó các chú là những người xuất gia hiếm hoi dám ghi tên học toán, lý, hóa và văn học tại một trường tư thục vùng Tân Định. Những môn khác các chú tự học lấy. Các chú biết rằng những môn học này có thể giúp họ làm cho sự thực tập đạo Bụt gần gũi với đời sống, họ sẽ nói được ngôn ngữ của thời đại để giảng bày giáo lý của Bụt theo cách mà mọi người có thể hiểu được. Chú Thiện Tấn và chú Nhất Hạnh học chương trình Pháp và môn học mà chú Nhất Hạnh thích nhất là văn học sử Pháp. Chú đã thuộc lòng nhiều bài thơ của các thi sĩ Pháp nổi tiếng, trong đó có Lamartine, Victor Hugo, Alfred de Musset, Alfred Alphonse Daudet. Chú rất thích các tác phẩm Lettres de mon Moulin và Le Petit Chose của Alphonse Daudet. Chú làm những bài luận văn về Molière, Racine và Corneille với nhiều sự thích thú và thường được điểm cao.
5. Thọ Giới lớn
Tháng 10 năm 1951, thầy Đôn Hậu từ Huế vào và được Thầy Nhật Liên cung thỉnh làm Hòa thượng Truyền Giới trong Đại giới đàn Ấn Quang. Chú Nhất Hạnh được Sư Ông cho phép thọ giới Tỳ kheo trong dịp này cùng với các chú Đường Hạnh và Chánh Hạnh.
Vào cuối năm ấy, thầy Đức Thiệu, một đệ tử lớn của thầy Trí Thủ mời thầy Nhất Hạnh lên Cầu Đất để mở một khóa giáo lý mười lăm ngày tại chùa Viên Giác. Lớp học bắt đầu mỗi buổi tối sau giờ cơm chiều cho khoảng chừng ba mươi học viên mà đa số là người trẻ. Thầy đặt pháp danh cho tất cả các học viên bên nam bắt đầu bằng chữ Đức và bên nữ bắt đầu bằng chữ Phương. Có cô bé Phương Nguyên sau này trở thành Ni trưởng Như Lý, trú trì chùa Long Hoa tỉnh Long An. Cuối khóa, mỗi học viên đều viết một bài để in thành văn tập kỷ niệm xuất bản trên tạp chí Liên Hoa mà Thầy làm chủ bút.
Thấy các người trẻ ở đây có nhiều năng khiếu về kịch nghệ, mỗi chiều, Thầy tập cho họ diễn vở kịch Cậu Đồng mà Thầy đã phóng tác từ vở kịch Le Tartuffe của Molière, một đại thi hào Pháp thế kỷ 17. Họ sẽ trình diễn vở kịch này trong dịp Tết để gây quỹ Gia đình Phật tử Cầu Đất. Bên cạnh đó Thầy còn viết thêm vở kịch Quán bên sông để tập cho nhóm người trẻ này.
Sau Tết, Thầy về lại tịnh xá Pháp Hải ở Sài Gòn để tiếp tục đi học. Sinh hoạt tại đây rất có đạo vị và ấm cúng. Tuy nhiên, vì không tổ chức lễ lược và cúng kiếng nên các thầy không có bổn đạo cúng dường. Mỗi ba tháng, Thầy được nhận tiền phụ cấp từ tòa soạn Liên Hoa vì là chủ bút. Thầy rất hãnh diện nhưng số tiền không đủ để trả tiền học và tiền ăn. Rốt cuộc thì tịnh xá Pháp Hải phải giải tán.
Hai thầy Thiện Tấn và Nhất Hạnh dọn về chùa Long Vĩnh ở Phú Nhuận của thầy Quảng Đức. Tại đây, thầy Nhất Hạnh đã viết cuốn Là Phật tử, một cuốn sách nhằm thỏa mãn nhu yếu của một người Phật tử trẻ, hiện đại, trí thức. Bác sĩ Hoàng Mộng Lương sau này đã khen rằng cuốn ấy còn thực dụng và hay hơn cuốn Le Dhamma du Bouddha của Jagdish Kasyapa nữa. Thầy Quảng Đức rất ngọt ngào và rất thương hai thầy trẻ. Khi thầy có mặt ở chùa thì ai cũng được ăn no và ăn ngon. Nhưng thầy thường xuyên vắng mặt và nhiều khi trong chùa hết gạo. Các thầy có nhiều hôm đói bụng, đạp xe đến trường không nổi. Một hôm từ chùa Ấn Quang đến nhà xuất bản Long Giang về, Thầy vừa đói vừa sốt. Số tiền trong túi chỉ còn đủ mua cháo nên Thầy liền ghé quán chay Tín Nghĩa để mua một tô cháo dùng cho đỡ đói. Khi cho tiêu vào tô, vì tay Thầy run quá nên đã lỡ rắc luôn cả hủ tiêu vào tô cháo. Không thể dùng được vì quá cay, tiền trong túi cũng hết nên cuối cùng Thầy đành để bụng đói ra về.
Thế là hai thầy lại dời qua chùa Phước Hòa, trụ sở của Hội Phật học Nam Việt. Tháng 09 năm 1952, ông Hội trưởng Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã đề cử Thầy điều hợp đại lễ cung nghinh xá lợi Phật từ Tích Lan. Có hàng trăm ngàn người khắp cả nước đến chiêm ngưỡng và lễ bái suốt một tuần. Ông cũng mời Thầy thuyết pháp nhiều lần sau đó. Có một lần Thầy giảng liên tiếp trong hai tuần lễ về đề tài Chỉ và Quán. Bài giảng được đánh máy và in trên tạp chí Từ Quang. Hội Phật học Nam Việt sau đó tập hợp và in thành cuốn Chỉ Quán yếu lược vào năm 1955. Họa sĩ Lê Vinh ở Đà Lạt vẽ một vòng tròn màu đỏ chói rất hùng tráng cho bìa sách. Đây là tác phẩm thiền đầu tay của Thầy.
6. Trường trung học và tiểu học Tuệ Quang
Lấy được bằng tú tài, Thầy và thầy Thiện Tấn trở lại Đà Lạt để thành lập trường trung học và tiểu học Tuệ Quang tại chùa Linh Quang. Đây là ngôi trường tư thục đầu tiên của Phật giáo do các vị xuất gia phụ trách[15]. Hiểu được nỗi khó khăn của người xuất gia trẻ muốn được học nhưng không có chỗ cư trú, cơm ăn và tiền đóng học phí, Thầy và thầy Thiện Tấn hỗ trợ mọi điều kiện để các sư cô, sư chú có được một môi trường tu học an ổn. Các chùa trên cao nguyên đều có gửi các điệu về tu học. Trường cũng xây thêm cư xá nội trú cho các nữ sinh và nam sinh từ Sài Gòn và Nha Trang về học. Trong chương trình đào tạo của trường Tuệ Quang có các môn về khoa học và cả tiếng Pháp. Thầy mời các thầy Quang Phú và Huệ Hưng, những thầy có căn bản Phật pháp rất thâm sâu, về dạy nội điển cho các sư cô và sư chú. Tất cả các giáo sư đều có lương tháng, kể cả các vị xuất gia.
Đầu mùa thu 1953, hai thầy Thiện Hòa và Thiện Hoa mời Thầy về lại Phật học đường Ấn Quang để giúp việc dạy dỗ cho học tăng nội trú, nhất là lớp trung học. Thầy phụ trách lớp Lịch sử Phật giáo. Trong khoảng thời gian này, Thầy gặp thầy Thanh Từ mới đến từ Trà Ôn. Thầy trao cho thầy Thanh Từ xem một số thi kệ của các thiền sư đời Lý, Trần mà Thầy đã dịch ra tiếng Việt. Hai thầy thường bàn với nhau về cách phục hưng lại thiền học Việt Nam. Các thầy Quảng Liên, Huyền Dung, Nhật Liên và Quảng Minh đã đi du học, chỉ còn lại hai thầy Thiện Hòa và Thiện Hoa trong Ban giám đốc Phật Học đường. Bắt đầu từ đây, Thầy phải chia thời gian của mình ra cho hai nơi là Đà Lạt và Sài Gòn.
Thầy đã bỏ hết tâm sức để chăm sóc các sư cô, sư chú ở Tuệ Quang và Ấn Quang. Cả hai nơi đều là chỗ nương náu cho nhiều người tu trẻ với không khí ấm cúng và tươi vui. Tại Đà Lạt, ngoài việc tu và học, Thầy còn sắp đặt để các thầy và các sư chú phụ trách đều đặn những buổi phát thanh hằng tuần của Phật giáo trên đài phát thanh Đà Lạt. Học sinh Tuệ Quang đã lên phát thanh nhiều bài nhạc Phật giáo. Các sách như Gia đình tin Phật, Là Phật tử, và các bài báo trong Hướng Thiện và Liên Hoa cũng đã được trích đọc trên đó. Đài phát thanh Phật giáo Đà Lạt được khen là có phẩm chất và có tính cách thực dụng.
Tại Ấn Quang, có một điều đổi mới là thỉnh thoảng các học tăng được cùng nhau đi cắm trại hoặc đi nghỉ mát vài ngày. Có lần các học tăng được đi chơi biển Vũng Tàu, họ đem theo một nồi cà ri để ăn trưa. Xe rồ máy thì có một học tăng chạy ra trễ, vội vàng leo lên xe và làm rớt đâu mất một chiếc dép mà kiếm hoài không ra. Học tăng sau khi tắm biển và thiền hành, đã tổ chức pháp đàm trên bãi cát. Giờ ăn trưa rất vui. Nồi cà ri ngon và thơm phức, nhưng đến khi gần hết, các sư chú mới tìm ra được chiếc dép thất lạc trước đó nằm dưới đáy nồi!