II. Những năm đầu tu học ở Huế

1. Điệu Sung

Điệu Sung cảm thấy rất hạnh phúc trong thời gian làm điệu[6]. Chú tắm mình trong cảnh trí thiền môn với những điệu kinh trầm hùng của những buổi công phu sớm tối. Chỉ hai tuần lễ sau ngày xuống tóc, chú đã học thuộc lòng thần chú Thủ Lăng Nghiêm. Hai tuần sau đó, chú thuộc luôn cả hai thời công phu. Người bạn mới quen và rất hạp tánh với điệu Sung là điệu Lộc. Điệu Lộc nhỏ hơn điệu Sung gần bốn tuổi nhưng vào chùa trước chú ba năm nên chuyện gì cũng biết để chỉ bày cho chú. Chú học chấp tác mọi công việc trong chùa như gánh nước, xay lúa, giã gạo, cuốc đất, trồng khoai, trồng sắn, gọt mít, chăn bò, bứt bổi, trải chuồng bò với lá bổi, ủ phân xanh, kiếm củi, nấu ăn… Chính trong khi chăn bò, chú học thuộc bốn cuốn Luật tiểu nên vốn liếng chữ Hán của chú khá lên nhanh chóng. Chú còn được học thêm Hán văn với Thầy Quang Diệp. Thầy viết chữ Hán rất đẹp và bảo các điệu đóng vở để tập viết chữ lớn. Thầy dùng mực son để chấm bài. Những chữ nào điệu Sung viết đẹp thì được Thầy khen bằng những nét son sổ dọc theo hàng.

Điệu Lộc là đệ tử của thầy Quang Diệp. Thầy Quang Diệp và sư cô Diệu Trí là đệ tử của Sư Ông Huệ Minh, sư huynh của Sư Ông Từ Hiếu. Sư cô Diệu Trí đang trông coi chùa Diệu Nghiêm gần chùa Từ Hiếu, thuộc đất chùa Tổ. Sư cô Diệu Trí rất thương điệu Sung. Sư cô bảo chú lượm những cành thông già, làm thành những bó củi và tìm người nhờ bán giúp chú để lấy tiền mua giấy, bút, mực hay bàn chải đánh răng chia cho các chú khác. Đánh răng bằng bàn chải thời bấy giờ là một hiện tượng lạ, bình thường mọi người dùng xác cau để đánh răng. Các điệu thấy chú đánh răng với bàn chải cũng bắt chước. Thầy Chánh Kiến không vui lắm, nhưng sau đó, thầy cũng bắt đầu đánh răng bằng bàn chải. Giữ bò chừng sáu tháng, điệu Sung được làm thị giả cho Hòa thượng Bổn sư.

Khoảng thời gian làm thị giả cho Sư Ông Từ Hiếu là những tháng ngày hạnh phúc sâu sắc của chú. Chú được Bổn sư dạy cách hầu Thầy, cách đóng cửa có chánh niệm, cách pha trà với hoa mộc hái trong vườn chùa, cách nướng măng hay nấu canh khoai me đất… Trời nóng mà thời canh me đất nấu với khoai lang rất mát và ngon miệng lắm. Chú thường theo sau Sư Ông vào những giờ chúng tăng chấp tác. Chú học cách Sư Ông giám sát công việc, lúc cho ý kiến hay đơn giản chỉ là có mặt với mọi người một cách hoan hỷ. Có hôm chú theo Sư Ông đi hái măng cán giáo, hay cùng Sư Ông lên đồi hái nấm thông, nấm mào gà đem về cho dì Tư nấu. Sư Ông không bao giờ la rầy đệ tử, ngay cả những lúc điệu Sung lầm lỗi. Mỗi lần được Sư Ông nhắc, điệu Sung ghi nhớ và không bao giờ lập lại lỗi lầm đó. Một hôm, chú đóng cửa mạnh và gây tiếng động, Sư Ông gọi chú lại rồi dạy chú trở ra và đóng cửa lại thêm một lần nữa. Từ đó trở đi, chú luôn luôn đóng cửa nhẹ nhàng trong chánh niệm.    

Lần khác, chú dọn cơm mà quên dọn đũa. Sư Ông đã dùng chiếc muỗng múc canh để thời hết bữa cơm mà chú không hề hay biết mặc dù chú đang đứng hầu ngay sau lưng Sư Ông. Để tranh thủ thì giờ, chú hay đứng khoanh tay ôn bài hay đọc báo Viên Âm. Hôm đó thời cơm xong, Sư Ông dạy chú ra vườn đốn một cây tre. Chú vâng lời và ngây thơ hỏi Sư Ông đốn tre để làm chi. Sư Ông trả lời rằng để vót thêm đũa. Chú nhìn lại mâm cơm và phát hiện mâm cơm thiếu đũa. Từ đó, điệu Sung không bao giờ dám quên dọn đũa trên mâm cơm, cũng không bao giờ học bài hay đọc báo trong lúc hầu thầy dùng bữa.

Một lần chú được theo Sư Ông đến thăm Hòa thượng Phước Huệ, trú trì chùa Hải Đức. Chú nhìn thấy một vị thiền sư đang ngồi thật thẳng, tự tại trên sập gỗ, trong lòng chú phát lên một lời nguyện là sẽ thực tập để có thể ngồi được như vậy.

Điệu Sung rất thích được phụ thầy Giải Thích in thêm Thiền môn Nhật tụng từ những mộc bản được tàng trữ trên gác của lầu trống trong chùa Từ Hiếu[10]. Bản gỗ được đặt dưới đất bên hiên chánh điện, mặt có chữ nằm lên trên. Thầy Giải Thích phết mực lên mặt chữ bằng một cái chổi nhỏ, rồi đặt lên đó một tờ giấy bản  thật ngay ngắn. Tiếp theo, Thầy dùng một chiếc lá mít để xoa lên giấy, ép giấy xuống mặt chữ để giấy ăn mực thật đều. Khi lấy tờ giấy lên, tất cả những hàng chữ nhỏ đã được in vào giấy rất đẹp và rõ ràng. Thầy Giải Thích lại quét mực lên để in thêm bản thứ hai. Cứ như thế, điệu Sung phụ Thầy in từ trang này tới trang khác. In xong mười cuốn, điệu giúp Thầy sắp các bản gỗ theo đúng thứ tự các trang trở lại lên gác của lầu trống. Được tu chung với anh Nho, lại được phụ anh in kinh, điệu Sung rất hạnh phúc và luôn trân quý những khoảnh khắc này. Trong chùa, ai cũng thương điệu Sung. Dì Tư, người lo việc bếp núc trong chùa, thường nhờ chú hái và gọt mít để dì nấu canh, kho hay làm món trộn. Chú gọt mít rất khéo. Ngồi trên bậc cấp ở hồ bán nguyệt, hai chân nhúng trong nước, chú đặt trái mít trong nước rồi gọt. Mủ mít sẽ trôi trong nước mà không dính vào trái mít hay vào dao. Một hôm cũng tại hồ bán nguyệt, chú đang ngồi nhổ cỏ thì thấy một cư sĩ nam đi ngang qua. Đi quá chú chừng mười bước, ông quay trở lại và đến bên chú. Nhìn cách ông ăn mặc, chú biết ông là nhà giàu. Ông chắp tay nhờ chú niệm Phật cầu nguyện cho con của ông đang bệnh nặng. Nói chuyện với chú xong, ông bước đi tiếp về phía chánh điện, chắc để gặp Sư Ông. Chú tiếp tục nhổ cỏ, vừa nhổ vừa niệm Phật cầu nguyện. Trong khung cảnh yên bình, chú biết ngoài kia, có nhiều người khổ lắm, kể cả người giàu.

​Điệu Sung rất thích nghe giọng xướng tán của thầy Quang Diệp và thầy Chánh Kiến. Mỗi khi hai thầy cùng xướng tán bài Tọa bồ đề tọa, điệu Sung lắng nghe một cách say sưa. Tiếng tang mõ hòa vào nhau nhịp nhàng nghe hay quá! Điệu Sung và các chú khác cứ theo đó mà tập mỗi ngày cho đến khi làm được. Chưa đầy một năm điệu Sung đã biết tán xấp, tán rơi. Chú cũng học xong bốn cuốn Luật tiểu và tất cả các thời kinh nhật tụng. Chú bắt đầu học Phật pháp căn bản theo các sách Phật giáo khái luậnPhật giáo yếu lược, những tác phẩm dịch thuật của thầy Mật Thể. Chú được đọc ké nhiều bộ sách từ thầy Giải Thích, trong đó có các sách của Phật học tùng thư do ông Đoàn Trung Còn chủ trương. Đặc biệt, chú rất thích đọc loạt bài Kết sinh tương tục luận của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, những bài viết về Duy thức học của Phạm Hữu Bính, hay những bài Pháp văn như La Pratique de la méditation. Những bài này được in trong những số Viên Âm do đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục trông nom với văn phong rất mới và trẻ. Tờ Giải Thoát với hàng chữ Cơ quan nghiên cứu và áp dụng đạo Phật vào đời sống mới cũng đặc biệt thu hút chú. Chú chơi hòa đồng với các điệu khác và thường giúp các bạn đồng tu hiểu được một cách dễ dàng các câu kinh bằng cách giải thích đơn giản của chú. 

Một hôm thầy Quang Diệp cho biết điệu Sung sẽ được thọ giới sa di vào ngày rằm tháng Chín sắp tới. Chú mừng lắm và viết thư báo tin cho gia đình. Nhưng thời gian chú thọ giới cũng là thời gian gia đình tổ chức đám cưới cho chị Cầm, chị gái duy nhất của chú, vì vậy bố mẹ không vào dự lễ thọ giới của chú được. Mặc dù chú rất hạnh phúc khi được cùng anh tu tập nhưng thỉnh thoảng chú cũng nhớ nhà lắm. Có hôm ngang qua hàng rào chè tàu xuống hồ bán nguyệt, chú thấy nhớ mẹ, nước mắt chú ứa ra, nhưng chú đã cầm được những dòng nước mắt nhớ nhung ấy.

Điệu Sung định viết thư về nhà xin tiền để mua vải may y và nấu xôi chè cúng dường đại chúng vào ngày chú thọ giới, nhưng sư cô Diệu Trí bảo rằng mình đi tu đã không giúp được gì cho gia đình về tài chánh thì không nên xin tiền của gia đình. Sư cô tự xoay sở và lo cho chú. Từ khi xuống tóc, điệu Sung chỉ được mặc áo năm thân, giờ công phu mới được mặc áo tràng, một chiếc áo tràng chung cho các điệu. Sư cô Diệu Trí cũng hứa may cho chú một chiếc áo nhật bình nâu. Chú thích áo nhật bình còn hơn cả áo tràng vì chỉ có người xuất gia mới được mặc áo nhật bình. Áo nhật bình mặc rất gọn và dễ thương.

Trước ngày điệu Sung thọ giới, sau buổi công phu chiều, các điệu thấy Sư Ông ngồi nghiêm chỉnh trên bộ phản có kê hộp tợ, mắt đeo kính, đang chú tâm khâu một chiếc áo cũ. Điệu Lộc đến xin Sư Ông để dì Tư khâu giúp Sư Ông. Sư Ông ngẩng lên nhìn chú rồi nói rằng Sư Ông muốn tự tay chuẩn bị một món quà cho điệu Sung. Điệu Sung đứng đó rất cảm động.

​​

​​

2. Sư chú Phùng Xuân

Rằm tháng 09 năm 1945, điệu Sung được thọ giới sa di với pháp danh Trừng Quang (澄), nghĩa là ánh sáng lắng yên, tĩnh lặng, và pháp tự Phùng Xuân (逢春), nghĩa là đi gặp mùa xuân. Chú chính thức thuộc vào thế hệ thứ 42 của tông Lâm Tế và thế hệ thứ 8 của phái Liễu Quán. Một hôm sau buổi công phu khuya, nhìn ra cửa chánh điện, chú thấy ánh trăng lung linh đang chiếu xuống hồ bán nguyệt. Chú cảm thấy tâm bồ đề soi sáng cả cõi lòng và chú đã viết bằng bút chì lên cây cột ngay gần đó dòng chữ Hán: “眾 生 無 邊 誓 願 渡” (Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ).

Một năm sau (1946), cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ. Mặt trận kháng chiến ở Huế tan vỡ. Dân chúng và tất cả mọi người trong chùa được lệnh tản cư và chỉ để lại vườn không nhà trống. Mọi người tưởng rằng đi tản cư khoảng vài tuần lễ nên chỉ đem theo một số ít lương thực và hai chai nước tương. Nhưng rồi chuyến đi đã kéo dài nhiều tháng. Chai nước tương thứ nhất đã hết. Mỗi lần chai nước tương thứ hai cạn tới nửa, chú Phùng Xuân lại nấu nước muối đổ vào cho đầy. Bấy giờ nước tương không còn vị tương nữa mà chỉ còn là nước muối. Mọi người ăn ít lại. Mỗi ngày, chú Phùng Xuân hái đủ loại rau dại ngoài ruộng để nấu cho đại chúng.

Rốt cuộc quân đội Pháp đã chiếm đóng thành phố Huế và quân kháng chiến rút hết về những vùng chiến khu. Mọi người được hồi cư.   

Khi thầy Trí Thủ tái lập Phật học đường tại chùa Báo Quốc với cương vị giám đốc, Sư Ông cho phép chú Phùng Xuân ra tùng học tại đây. Chú được ghi tên vào lớp tiểu học. Thấy chú học khá, thầy Trí Thủ xếp cho chú lên học lớp của thầy đang dạy và một số những buổi học khác của lớp trung học, trong đó có lớp Quốc văn do anh Võ Đình Cường phụ trách. Ngoài những lớp học kinh điển, chú còn được học thiền qua tác phẩm Tu tập Chỉ Quán tọa thiền pháp yếu của thiền sư Trí Giả, sơ tổ tông Thiên Thai, Trung Hoa. Trong các giáo sư của chú có những vị còn rất trẻ như thầy Trọng Ân, một người thường gần gũi, thương và nâng đỡ học tăng trẻ. Thầy Trọng Ân cũng là thi sĩ với bút hiệu Trúc Diệp.

Từ năm 12 tuổi, chú Phùng Xuân đã bắt đầu làm thơ và có đưa anh Nho xem. Trong khung cảnh huyền diệu ở chùa Từ Hiếu khiến chú không thể không trở thành thi sĩ. Thỉnh thoảng chú đưa những bài thơ mà chú vừa sáng tác cho thầy Trọng Ân xem. Cũng như anh Nho, thầy thường tỏ lời khen ngợi và khuyến khích chú tiếp tục sáng tác. Chú cũng thường xuyên được vào phương trượng hầu Hòa thượng Phước Hậu để được nghe kể chuyện và đọc thơ. Ngài là Tăng cương chùa Báo Quốc và cũng là một thiền sư thi sĩ. Hòa thượng có dạy cho chú cách niệm Bụt A Di Đà: Bụt nào cũng là Bụt A Di Đà. Niệm Bụt A Di Đà là niệm tất cả các Bụt. Chú cũng rất mến mộ thầy Mật Thể qua các tác phẩm Cải tổ Sơn môn HuếXuân đạo lý. Theo thầy Mật Thể, đạo Bụt có thể đem lại một “mùa xuân mới” cho đất nước, có thể mở một con đường thoát cho nhân loại.

Từ khi quân đội Pháp trở lại và chiến tranh Việt Pháp bùng nổ cuối năm 1946, tình trạng đất nước càng thêm tang thương. Tại Phật học đường, chú Phùng Xuân và các huynh đệ như các chú Đồng Bổn, Châu Toàn, Châu Đức, Tâm Thường, Tánh Huyền, Thiện Hạnh, Trí Không, Tâm Cát, Chơn Trí, Mãn Giác, Đức Trạm, Thiên Ân, Đức Tâm, v.v. ai cũng muốn đóng góp ít nhiều cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhiều bạn học của chú đã bị bắn chết và các huynh đệ đã bí mật tổ chức lễ cầu siêu. Họ sống và tu học với nhau, cùng chung một thao thức, một lý tưởng, họ thương nhau còn hơn anh em ruột.

Họ sống và tu học, chơi đùa, vui buồn có nhau. Các học tăng thời đó rất thích đọc tiểu thuyết. Vì nội quy của Phật học đường không cho phép nên các chú đã tổ chức một “thư viện chui” trên cây nhãn trước sân chùa, trong đó có những tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Quý Ôn và các thầy thường qua lại nơi cây nhãn nhưng chưa bao giờ phát hiện ra thư viện trên cây. Một hôm có ba chú không chịu đi công phu, ở ngoài lượm đá ném rào rào trên những cây nhãn để trái nhãn rụng xuống. Thật ra không phải các chú thèm nhưng tại kỷ luật của Phật học đường rất nghiêm khắc nên các chú có cảm tưởng họ là nạn nhân trong không khí đó, họ không có tự do. Và ba chú muốn chứng tỏ, một lần và một lần thôi rằng họ có khả năng vi phạm kỷ luật nên cố ý ném đá để cho vị giám niệm biết mà ra bắt. Sáng hôm sau ba chú được kêu vào và bị phạt quỳ nhang. Ba chú quỳ ba nơi. Chú Phùng Xuân quỳ nơi thư viện và thầy Hoàng Thơ, một giáo thọ trẻ viết chữ Hán rất đẹp, đi ngang qua thấy chú quỳ và hỏi “sướng chưa chú?” và chú Phùng Xuân trả lời “dạ bạch thầy, sướng!”. 

Chú Phùng Xuân được phép về chùa mỗi tháng hai lần. Mỗi lần về chùa chú đều dành thì giờ để chăm sóc từng điệu trong việc học hành. Sư Ông và các thầy lớn rất vui và rất bằng lòng về chú. Tuy vậy, chú cảm thấy xấu hổ và bất an. Chú còn quá nhiều thắc mắc về con đường chú đang theo. Chú thấy những gì chú đang học và đang thực tập không đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của tự thân và của tình trạng đất nước. Chú vừa thương đạo vừa thương nước. Tuy nhiên, chú chưa tìm ra được con đường. Con đường kháng chiến với máu xương và căm thù không thích hợp với chú[12]. Con đường tu học tách rời ra khỏi những thực tại khổ đau của đất nước cũng không làm chú thỏa mãn. Có lần chú đã tâm sự những băn khoăn của mình với thầy Trọng Ân. Thầy trầm ngâm và nói rằng chính thầy cũng chưa tìm ra được cái mà chú muốn tìm. Tuy vậy, trong thâm tâm, chú vẫn tin rằng nếu đạo Bụt có sự đổi mới và phục hồi lại những giáo lý cũng như những thực tập cốt tủy thì có khả năng giúp làm vơi bớt khổ đau trong xã hội, góp phần vào việc khôi phục hòa bình, độc lập và thịnh vượng cho dân tộc, như ông cha ta đã từng làm được trong các thời đại Lý Trần.

3. Tiếng Sóng

Chú Phùng Xuân và các huynh đệ học tăng tại chùa Báo Quốc đã thành lập tờ nội san viết tay có tên là Hoa Sen. Các sư cô của Ni viện Diệu Đức mượn đọc với rất nhiều cảm hứng và sau đó cũng làm một tờ khác, gọi là Hoa Khai. Nhận thấy nội dung của tờ báo mang nặng tính lý thuyết, chú và các bạn đã lập một tờ báo khác, một tờ báo có thể nói được chí hướng và con đường của họ trong tình trạng đau thương của đất nước, đầy chiến tranh và tang tóc. Ở Trung Hoa, trong tạp chí Hải Triều Âm, thầy Thái Hư viết nhiều bài Phật pháp rất hay và rất hợp với thời đại. Chú Phùng Xuân đề nghị đặt một cái tên thật Việt Nam như Tiếng Sóng. Các bạn đồng ý và đề cử chú làm trưởng ban biên tập. Tiếng Sóng rất được hoan nghênh và các bạn gởi bài đăng thật nhiều. Thầy Trọng Ân cũng yểm trợ ban biên tập hết lòng. Nhưng Tiếng Sóng đã bị đình bản vì những tư tưởng được trình bày trong đó quá cấp tiến và táo bạo[14].

Những tờ báo Phật học cấp tiến, đặc biệt là tờ Tiến Hóa đã rất thu hút chú Phùng Xuân. Chủ trương của báo Tiến Hóa là phải hành động mà đừng nói lý thuyết suông. Tuệ giác của đạo Bụt cần được hiện đại hóa. Báo Tiến Hóa đăng các bài viết nói về sự quan trọng của việc nghiên cứu khoa học, xã hội và kinh tế để hiểu gốc rễ thực sự của nghèo khổ, áp bức và chiến tranh, để có thể diệt trừ tận gốc những nguyên nhân ấy mà không chỉ có tụng niệm và cầu nguyện.

Chú Phùng Xuân tin rằng ngoài kia có một khung trời rộng để học hỏi và khám phá, để tìm ra được con đường đáp ứng lại những nhu yếu sâu kín trong trái tim mình.