Nền tảng của một nền đạo đức toàn cầu

Pháp thoại ngày 12 tháng 8 năm 2013 trong khóa tu “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới” (“Happy teachers will change the world”) tại Đại học Brock (Toronto, Canada) – phần I.

Kính thưa đại chúng,

Khi nghe một tiếng chuông, chúng ta hãy mời tất cả các tế bào trong cơ thể cùng lắng nghe với ta. Chúng ta biết rằng cha mẹ và ông bà tổ tiên của chúng ta cũng đang có mặt trong từng tế bào của cơ thể ta. Vì vậy khi nghe chuông, chúng ta nghe như thế nào để năng lượng của bình an, của chánh niệm có thể đi vào trong từng tế bào của cơ thể. Đó là sự thực tập lắng nghe sâu.

Nếu chúng ta đã quen với sự thực tập thì khi nghe chuông, chúng ta có thể dễ dàng dừng lại những nghĩ suy, nói năng của mình và để hết sự chú tâm vào hơi thở. Chúng ta thưởng thức hơi thở vào và tự nhủ: “lắng lòng nghe, lắng lòng nghe”, ý thức rằng mọi tế bào trong cơ thể đang lắng nghe tiếng chuông cùng với ta. Và ta để cho tiếng chuông cùng với năng lượng bình an thấm vào trong từng tế bào của cơ thể. Khi thở ra, chúng ta nhủ thầm “Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương”. Quê hương đích thực của chúng ta là bây giờ và ở đây. Chỉ trong giây phút hiện tại này, sự sống mới có mặt. Và khi 1000 người cùng thở như vậy thì năng lượng bình an và chánh niệm sẽ hùng hậu vô cùng. Năng lượng đó rất nuôi dưỡng và trị liệu. Nếu có các em nhỏ ngồi cùng với ta thì các em sẽ cảm nhận ngay được năng lượng đó.

 

Thầy và trẻ em Hà Lan 2006

Sư Ông và trẻ em Hà Lan

Điều lợi lạc nhất mà chúng ta được hưởng từ một khóa tu chính là năng lượng chánh niệm tập thể này. Nguồn năng lượng chánh niệm, bình an và thương yêu đó có công năng trị liệu cho chúng ta. Khi chúng ta đi thiền hành cũng vậy. Nếu tất cả mọi người cùng chú tâm vào hơi thở và từng bước chân trong khi đi thiền hành thì chúng ta cũng sẽ chế tác được năng lượng tập thể rất hùng hậu, đó là năng lượng của bình an, chánh niệm và niềm vui.

Khi nói đến một nền đạo đức toàn cầu, chúng ta nói đến một sự thực tập tâm linh mà bất kỳ ai cũng có thể thực tập, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, quốc gia, văn hóa. Chúng ta không cần phải là một Phật tử mới có thể thực tập hơi thở chánh niệm. Hay nói  cách khác, chỉ cần ta thở có chánh niệm thì lập tức ta có được niềm vui, hạnh phúc và trị liệu. Trong đạo Bụt, chúng ta biết rằng đạo Bụt được làm từ những yếu tố không phải là đạo Bụt. Cũng giống như một bông hoa. Khi nhìn vào một bông hoa, ta thấy bông hoa được làm từ những yếu tố không phải là hoa. Nhìn vào bông hoa, ta có thể thấy được ánh nắng mặt trời. Ánh nắng mặt trời không phải là bông hoa nhưng nếu không có ánh mặt trời thì bông hoa không thể nào có mặt. Trong bông hoa đó, ta còn có thể thấy mây, thấy mưa. Mây và mưa không phải là hoa, nhưng nếu không có những yếu tố không phải là hoa này thì bông hoa không thể nào biểu hiện được.

Thiền có nghĩa là nhìn sâu, và khi nhìn sâu vào một đối tượng nào đó, chẳng hạn như một bông hoa, ta sẽ có được một cái thấy (insight) là bông hoa đó được làm bằng những yếu tố không phải là hoa, và nếu ta lấy những yếu tố không phải là hoa đó ra khỏi bông hoa thì bông hoa không thể nào tiếp tục tồn tại. Đạo Bụt cũng tương tự như vậy. Đạo Bụt được làm từ những yếu tố không phải là đạo Bụt. Và nếu ta có được tuệ giác đó thì sẽ không còn bất kỳ một chủ nghĩa nào, một học thuyết nào hay một tôn giáo nào có thể tạo ra sự chia rẽ, sợ hãi và hận thù được nữa. Vì vậy, có thể nói rằng một người không phải là Phật tử vẫn hoàn toàn có thể thực tập chánh niệm.

Sự thực tập chánh niệm – sự thực tập của một nền đạo đức toàn cầu (global ethics) – đem lại cho chúng ra rất nhiều lợi lạc, thể hiện ở nhiều khía cạnh:

Sự thực tập chánh niệm có thể giúp ta buông bỏ những căng thẳng trong thân

Điều này không chỉ người lớn mới có thể làm được mà trẻ con cũng có thể làm được. Ở Làng Mai, chúng tôi đã tổ chức nhiều khóa tu cho trẻ em, và chúng tôi thấy rằng các em thực tập rất giỏi. Trẻ em có khả năng an trú trong hiện tại còn giỏi hơn cả người lớn. Trong thân của chúng ta có rất nhiều căng thẳng và chúng ta đã để cho những căng thẳng này tích tụ trong một thời gian dài, đây chính là yếu tố căn bản làm phát sinh các loại bệnh tật. Vì vậy, sự thực tập hơi thở chánh niệm có khả năng giúp chúng ta buông bỏ những căng thẳng trong thân, và chúng ta có thể thực tập khi đang ngồi trên xe bus hay trong lớp học hoặc ở sân bay.

Thực tập hơi thở chánh niệm có thể giúp ta buông bỏ căng thẳng và khi căng thẳng không còn thì những đau nhức trong cơ thể chúng ta cũng giảm bớt rất nhiều. Sở dĩ chúng ta hay đau nhức là vì có sự căng thẳng trong thân, vì vậy nếu buông bỏ được căng thẳng thì ta cũng đồng thời làm giảm những đau nhức trong thân. Dù trong bất kỳ tư thế nào, khi đứng, khi ngồi, khi nằm hay khi đi, ta vẫn có thể thực tập buông thư cơ thể.

Khi ngồi thiền, ta có thể thực tập buông hết những căng thẳng trên khuôn mặt, trên hai bờ vai và ta chỉ ngồi yên để thưởng thức hơi thở vào và hơi thở ra. Ta không vật lộn, đè nén  trong khi ngồi thiền, ta để cơ thể hoàn toàn buông thư, buông thả hết những căng thẳng trong thân. Có khoảng 300 cơ trên khuôn mặt của chúng ta, vì vậy mà khi ta căng thẳng thì khuôn mặt của ta sẽ không đẹp chút nào. Nhưng nếu ta biết thở, biết cười thì tất cả những căng thẳng trong 300 cơ  mặt sẽ tan biến rất nhanh. Ai trong chúng ta cũng có thể học được cách buông thư những căng thẳng trong thân dù là khi đang ngồi hay nằm hay đang đi. Chúng ta có thể thực tập bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

Sự thực tập chánh niệm giúp ta chế tác niềm vui, niềm hạnh phúc

Một người thực tập giỏi là người có thể chế tác niềm vui (hỷ), niềm hạnh phúc (lạc) bất cứ khi nào người đó muốn. Đây là điều tương đối đơn giản mà ai cũng có thể làm được. Chúng ta biết rằng khi ta thở vào và đặt sự chú tâm vào hơi thở vào, ta sẽ đưa tâm trở về với thân, và khi thân tâm hợp nhất, ta mới có thể thực sự có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Chỉ trong trạng thái thân tâm nhất như ta mới thực sự sống, thực sự có mặt, và ta có cơ hội tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong ta và xung quanh ta. Khi đó, ta sẽ nhận ra những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn đó cho ta, ta có biết bao nhiêu điều để hạnh phúc.

Chánh niệm cho ta thấy rằng ta đang rất may mắn, may mắn hơn rất nhiều người. Chẳng hạn như khi ta thở vào và chú tâm vào đôi mắt: “Thở vào, tôi ý thức về đôi mắt của tôi”, đó gọi là chánh niệm về mắt. Năng lượng chánh niệm mang lại cho ta một cái thấy ngay lập tức: “Ồ, hai mắt mình vẫn còn sáng”, và vì hai mắt ta vẫn còn sáng nên ta có thể tận hưởng một thiên đường của hình ảnh và màu sắc. Ta chỉ cần mở mắt ra thôi là có cả một thiên đường. Trong khi đó, đối với những người bị mất thị giác thì thiên đường đó không còn dành cho họ, vì vậy mơ ước lớn nhất của họ là có lại được một đôi mắt sáng như xưa. Vì vậy, khi tiếp xúc với hai mắt còn sáng, ta tiếp xúc được với một trong những điều kiện hạnh phúc mà chúng ta đang có trong giây phút hiện tại.

 

 

Còn có cả hàng ngàn những điều kiện tương tự như vậy trong cơ thể chúng ta. Khi ta thở vào và tiếp xúc với trái tim, “thở vào, tôi ý thức về trái tim tôi”, ta khám phá ra trái tim ta vẫn đang hoạt động một cách bình thường. Thật là hạnh phúc khi có một trái tim hoạt động bình thường, bởi vì có nhiều người bị đau tim, họ đêm ngày chỉ mong ước cho trái tim của họ hoạt động trở lại bình thường. Họ mơ ước có một trái tim khỏe mạnh như trái tim của chúng ta. Vì vậy, có một trái tim hoạt động bình thường là một điều kiện hạnh phúc nữa mà ta đang có.

Khi thực tập quán niệm thân thể, quán thân trong thân, ta trở về tiếp xúc với toàn bộ cơ thể, khi đó, ta khám phá ra rằng có quá nhiều những điều kiện hạnh phúc đang có mặt trong ta và xung quanh ta. Ta có bao nhiêu điều để mà vui mừng, để mà hạnh phúc liền ngay bây giờ và ở đây. Ta không cần phải chạy về tương lai để tìm kiếm thêm những điều kiện hạnh phúc, bởi vì ta đã có quá đủ, nếu không muốn nói là dư thừa, những điều kiện để có thể hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Do đó, với ý thức sáng tỏ đó, một người thực tập giỏi có thể  làm phát khởi một cảm thọ vui mừng (hỷ), một niềm hạnh phúc (lạc) bất cứ khi nào người đó muốn. Chỉ cần dùng chánh niệm để tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn trong mình và xung quanh mình thì mình sẽ có hỷ, có lạc liền lập tức.

Khi thực tập chánh niệm – nền tảng của đạo đức toàn cầu (global ethics), chúng ta cần phải học cách buông bỏ những căng thẳng trong thân thể, làm lắng dịu những đau nhức trong thân và chế tác hỷ, lạc. Người Pháp có một bài hát khá nổi tiếng, đó là bài “Qu’est qu’on attend pour être heureux?”, nghĩa là: chúng ta còn cần thêm gì nữa, còn chờ đợi gì nữa mà không hạnh phúc liền giây phút này?

Sự thực tập chánh niệm còn giúp chúng ta chăm sóc một niềm đau, nỗi khổ

Khi một cảm thọ đau buồn phát khởi, một người thực tập chánh niệm sẽ biết phải làm gì để chăm sóc cảm thọ đó. Một người thực tập giỏi là người có khả năng xử lý, điều phục một cảm xúc mạnh hay một niềm đau khi chúng phát khởi. Chỉ cần thực tập trong vòng vài phút là người đó cảm thấy nhẹ nhàng liền. Nếu tiếp tục thực tập sâu hơn nữa, người đó sẽ có khả năng chuyển hóa cảm thọ đau buồn đó thành một niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì vậy có thể nói, một hành giả giỏi là người biết xử lý khổ đau, người đó không sợ khổ đau. Với năng lượng chánh niệm, người đó biết nhận diện, ôm ấp và làm lắng dịu niềm đau, nỗi khổ trong lòng mình. Người đó còn có thể đi xa hơn nữa, đó là chuyển hóa khổ đau trở thành hỷ lạc.

Có một mối liên hệ mật thiết giữa khổ đau và hạnh phúc. Nhiều người trong chúng ta có thói quen trốn chạy khổ đau, chúng ta không hề biết rằng khổ đau cũng có thể rất hữu ích. Nó cũng tương tự như muốn trồng được sen thì cần phải có bùn vậy. Hoa sen không thể nào mọc lên từ cẩm thạch được. Không có bùn thì cũng không có sen. Tương tự như vậy, không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc. Một hành giả giỏi là người biết cách tận dụng khổ đau để làm nên hạnh phúc. Chúng ta có thể nói về lợi ích, về sự cần thiết của khổ đau. Nếu chúng ta biết cách ôm ấp khổ đau với tất cả sự dịu dàng và nhìn sâu vào khổ đau đó, chúng ta sẽ có khả năng chế tác được năng lượng hiểu biết và từ bi – nền tảng của hạnh phúc chân thực. Không thể nào có hạnh phúc thực sự nếu không có hiểu biết và thương yêu. Nếu không có hiểu biết và thương yêu, chúng ta sẽ cô độc, ta không thể nào liên hệ được với bất kỳ ai. Vì vậy chúng ta cần phải biết rằng nền tảng của hạnh phúc chân thực chính là hiểu biết và thương yêu.

Cái hiểu trước hết phải là cái hiểu về khổ đau, khổ đau của chính mình và khổ đau của những người khác. Đối với Thầy, nước Chúa (Kingdom of God) hay cõi Tịnh Độ không phải là một nơi hoàn toàn không có khổ đau. Nếu không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc. Trong đạo Bụt, chúng ta hay nói về tính tương tức của vạn vật. Anh không thể nào có thể tồn tại một cái biệt lập được, anh phải tương tức với mọi người và mọi loài. Chẳng hạn như tờ giấy này, ta thấy có bên phải, bên trái. Nhưng bên trái không thể nào có mặt nếu không có bên phải. Bên trái dựa vào bên phải để biểu hiện. Ta không thể nào lấy bên trái ra khỏi bên phải được. Điều này cũng tương tự như vậy đối với bên phải. Anh không thể nào cử một người đến lấy bên phải mang về Boston và một người khác mang bên trái đi về New York được. Bên phải và bên trái luôn đi đôi với nhau, chúng cần có nhau. Hạnh phúc và khổ đau cũng tương tự như vậy.

Nếu chúng ta gửi con cái của mình đến một nơi không hề có khổ đau thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc chắn là chúng sẽ không có cơ hội để hiểu thế nào là từ bi, là thương yêu. Chỉ khi nào tiếp xúc với khổ đau và hiểu về khổ đau thì chúng ta mới có thể làm phát khởi tình thương và lòng từ bi. Chỉ khi nào có bùn thì sen mới có thể mọc được. Vì vậy, ta cần phải thấy được mối liên hệ mật thiết giữa bên trái và bên phải, hạnh phúc và khổ đau, bên trong và bên ngoài, thân và tâm. Chúng ta cần phải học cách buông bỏ cái nhìn nhị nguyên, phân biệt. Một hành giả giỏi là người không chỉ biết cách xử lý khổ đau mà còn biết cách tận dụng khổ đau đó để chế tác chất liệu từ bi, hiểu biết và hạnh phúc.

Nhiều người trong chúng ta có thái độ trốn chạy khỏi khổ đau, đó là một thái độ không khôn ngoan. Sự thật là chúng ta cần phải trở về với chính mình để nhận diện khổ đau nơi mình, lắng nghe, ôm ấp niềm đau và chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều từ khổ đau đó. Nhìn sâu vào khổ đau của chính mình sẽ giúp chúng ta hiểu và thương được chính mình. Chất liệu hiểu biết và thương yêu đó sẽ giúp cho chúng ta chuyển hóa và giúp cho nhiều người khác cũng được chuyển hóa. Đó là lý do vì sao chúng ta nói về lợi ích của khổ đau.

Một hành giả giỏi là người biết lắng nghe. Vì biết lắng nghe chính mình, lắng nghe khổ đau của chính mình nên người đó có khả năng lắng nghe khổ đau của người khác. Có thể vợ hay chồng, hay con cái của mình có một nỗi khổ, niềm đau. Nếu mình hiểu được khổ đau của chính mình thì mình sẽ dễ dàng nhận diện và hiểu được khổ đau nơi những người thương của mình. Ta có thể nhận ra sự có mặt của khổ đau và thấy rằng người đó đang là nạn nhân của khổ đau trong tự thân. Và vì từ trước đến giờ, chưa từng có ai chỉ cho người đó phải làm gì với nỗi khổ, niềm đau trong lòng mình, cho nên người đó tự làm khổ chính mình và làm khổ luôn cả những người mình thương. Có thể ta là người đầu tiên có khả năng giúp cho người đó vơi bớt khổ đau. Với cái thấy đó, ta sẽ không còn giận người đó nữa, trái lại ta muốn làm hoặc nói một điều gì đó để giúp cho người đó bớt khổ. Vì đã biết lắng nghe và hiểu được khổ đau nơi chính mình nên ta có thể dễ dàng hiểu và cảm thông được cho người đó . Bây giờ chính là lúc chúng ta lắng nghe để hiểu khổ đau nơi người đó và giúp cho người đó bớt khổ.

Một hành giả giỏi còn có thể đi xa hơn. Người đó có khả năng lắng nghe với tâm từ bi và có thể sử dụng ngôn ngữ từ ái để giúp cho người đang có nhiều khổ đau có thể mở lòng ra để chia sẻ. Khi một người có quá nhiều khổ đau thì trái tim của họ cũng dường như đóng lại. Vì vậy nếu ta có đủ thương yêu và biết sử dụng ngôn ngữ từ ái thì ta có thể mở cửa được trái tim của người đó và giúp cho người đó trút hết nỗi lòng của mình, nhờ vậy mà họ bớt khổ. “Cha ơi, con biết là cha đã chịu rất nhiều khổ đau trong bao nhiêu năm qua. Con đã không giúp gì được cho cha, mà nhiều khi còn phản ứng lại và làm cho cha buồn khổ thêm. Con xin lỗi cha. Chỉ vì con không hiểu được những nỗi khổ, những khó khăn mà cha phải gánh chịu…Cha hãy giúp con, hãy nói cho con biết về những khó khăn, tuyệt vọng, những niềm đau trong lòng cha…con muốn hiểu cha hơn để con không lập lại những cách hành xử trước đây của mình. Nếu cha không giúp con thì còn ai có thể giúp con?”

Khi trong trái tim ta có đủ tình thương thì ta có thể nói bằng ngôn ngữ như vậy, một loại ngôn ngữ có khả năng mở cửa trái tim của người khác và giúp cho người đó trút hết nỗi lòng của mình. Và khi người đó đã mở lòng chia sẻ thì khi đó ta có cơ hội thực tập lắng nghe với tâm từ bi, hay còn gọi là bi thính. Bi thính là sự thực tập lắng nghe sâu, có khả năng làm cho người khác bớt khổ liền chỉ trong vòng một giờ lắng nghe hoặc có thể ngắn hơn. Trong mỗi người chúng ta đều có một vị Bồ tát Lắng nghe, chúng ta phải giúp cho vị Bồ tát đó sống dậy để chúng ta có thể lắng nghe sâu và làm vơi nhẹ khổ đau trong lòng người. Chỉ cần  lắng nghe với tâm từ bi thôi là ta đã giúp được rất nhiều rồi.

Lắng nghe với tâm từ bi có nghĩa là ta giữ cho chất liệu từ bi luôn có mặt trong trái tim ta trong suốt thời gian lắng nghe. Ta duy trì hơi thở chánh niệm và luôn tự nhắc nhở: mình lắng nghe đây là để cho người kia có dịp nói ra hết những khổ đau trong lòng, nhờ vậy mà họ bớt khổ. Chỉ cần nhớ như vậy thôi! Và nếu ta giữ được ý thức đó thì ta sẽ được bảo hộ bởi năng lượng từ bi, và những gì người kia nói ra sẽ không thể làm cho ta bực bội hay giận hờn vì ta đã được bảo hộ bởi năng lượng từ bi. Nếu ta không thực tập chánh niệm và không có từ bi trong trái tim thì chúng ta sẽ không được bảo vệ và những gì người đó nói ra có thể chứa đầy cay đắng, trách móc và buộc tội, những điều đó có thể làm phát khởi tâm hành buồn giận và bực bội trong ta, ta sẽ không còn có thể tiếp tục lắng nghe được nữa. Và đó là lý do vì sao sự thực tập hơi thở ý thức và duy trì năng lượng từ bi có thể giúp ta trở thành một người thực sự có khả năng lắng nghe.

Và nếu ta có thể lắng nghe với tâm từ bi trong một giờ đồng hồ thôi, ta cũng đã giúp làm vơi nhẹ rất nhiều khổ đau nơi người khác rồi. Ta có thể tự nhủ rằng: người đó đang là nạn nhân của những tri giác sai lầm, nhưng ta sẽ không ngắt lời người đó, không giải thích gì thêm vào lúc này. Nếu làm như vậy thì ta sẽ biến buổi lắng nghe này thành một cuộc tranh cãi và như vậy thì sẽ phá hỏng hết mọi chuyện. Vì vậy ta chỉ lắng nghe thôi và để cho người đó có dịp trút hết nỗi lòng của mình. Khoảng 3-5 ngày sau, ta sẽ tìm cách chia sẻ với người đó những thông tin có thể giúp người đó điều chỉnh lại những tri giác sai lầm của mình, nhưng không phải là bây giờ. Đó là chánh niệm về từ bi. Và nếu ta giữ được sự thực tập chánh niệm về từ bi trong suốt thời gian lắng nghe thì ta có thể giúp được cho người đó, ta sẽ làm cho người đó bớt khổ liền. Khi đó ta đóng vai trò của Bồ tát Lắng nghe Quan Thế Âm, ta chính là một vị Bồ tát. Chỉ cần thực tập trong vòng bốn hoặc năm ngày là đủ để cho ta có thể làm một vị Bồ tát Lắng nghe.

Phép lạ của sự hòa giải

Trong những năm qua, Tăng thân Làng Mai đã tổ chức rất nhiều khóa tu chánh niệm ở  châu Âu, châu Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Trong các khóa tu này luôn có những phép lạ xảy ra, phép lạ của sự hòa giải.

Trong bốn ngày đầu tiên của khóa tu, chúng ta để cho những hạt giống tốt trong ta được tưới tẩm, những hạt giống hiểu biết, thương yêu.v.v.. Chúng ta học cách lắng nghe những khổ đau trong lòng mình, học cách chăm sóc những khổ đau đó và sau bốn ngày thực tập, những khổ đau trong ta đã vơi bớt rất nhiều. Chúng ta còn được học cách nói lời ái ngữ và lắng nghe sâu với tâm từ bi.

Và đến ngày thứ năm, chúng ta được khuyến khích áp dụng pháp môn lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ để hòa giải với những người thương của mình. Có thể người mà mình muốn hòa giải cũng đang có mặt trong khóa tu và cũng đã biết về sự thực tập, vì vậy mà việc hòa giải sẽ dễ dàng hơn. Nhưng nếu người đó đang ở nhà thì ta có thể sử dụng điện thoại di động để thực tập hòa giải. Điều này thường xảy ra vào ngày thứ năm của khóa tu. Và rất nhiều người báo cáo lại với chúng tôi rằng họ đã thực tập thành công vào ngày thứ năm của khóa tu.

Chúng tôi thường thông báo với các bạn thiền sinh rằng: các bạn có thời gian từ bây giờ cho đến hết ngày hôm nay để thực tập pháp môn lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ để hòa giải và khôi phục truyền thông với những người thương của mình. Và rất nhiều người đã sử dụng điện thoại di động để hòa giải với cha, mẹ, con cái của mình bằng sự thực tập lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ. Đó là phép lạ của sự hòa giải luôn xảy ra trong các khóa tu.

Thầy chắc rằng nếu các bậc phụ huynh và các nhà giáo đều áp dụng sự thực tập này thì sẽ có thể biến gia đình và trường học trở thành những nơi rất dễ chịu, nơi nuôi lớn thương yêu và hạnh phúc. Có thể nói một nền đạo đức toàn cầu cần phải được xây dựng trên nền tảng các thực tập căn bản như: làm thế nào để lắng dịu những căng thẳng, đau nhức trong thân, giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh tật do stress gây ra; làm thế nào để chế tác niềm vui và hạnh phúc cho bản thân và cho những người thân yêu của mình; làm thế nào để xử lý một cảm xúc mạnh, một niềm đau; phải lắng nghe và nói năng như thế nào để có thể nối lại truyền thông và mang lại sự hòa giải. Và tất nhiên là các bạn không cần phải là một Phật tử mới có thể làm được những điều này. Các bạn hoàn toàn có thể mang những phương pháp thực tập này vào trường học và làm cho việc dạy và học trở nên dễ chịu và vui tươi.

 

Xem thêm:

– Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới >>

– Khóa tu dành cho giáo chức tại đại học Brock, Canada >>

– Thiền trong lớp học >>