Để lại cho em

Chân Xuân Tản Viên

(Hành trình 50 năm và Hạnh phúc chính là con đường)

Chị Chân Xuân Tản Viên (Mỹ Hằng) thuộc thế hệ Tiếp Hiện trẻ. Chị là một tác viên xã hội năng động, nhiệt huyết của chương trình Hiểu và Thương, đã thọ giới Tiếp Hiện năm 2013. Dưới đây là những chia sẻ về tâm nguyện của chị trong quá trình tu học và phụng sự.

 

Hôm qua là ngày tu học đầu năm của anh chị em chúng tôi. Một ngày hạnh phúc khi gia đình tâm linh được ngồi lại bên nhau, lắng nghe tâm sự của bốn chị em vừa được thọ giới Tiếp Hiện trong khóa tu Core Sangha được tổ chức tại Làng Mai Thái Lan hồi cuối tháng 12. Chúng tôi nói đùa là bây giờ mình có sáu anh chị em rồi, sao mà trùng hợp với “sáu người sung sướng nhất đời” ở chùa Lá Pháp Vân cách đây 50 năm quá đi. Bất chợt tôi nhớ đến bài Tâm ca số 5 của nhạc sĩ Phạm Duy mà Sư Ông nhắc đến trong cuốn sách Nói với tuổi hai mươi. Tôi cũng nhớ đến vở nhạc kịch Để lại cho em mà mấy anh chị em chúng tôi đã biên đạo và biểu diễn trong khóa tu ở chùa Pháp Vân gần ba năm về trước. Người đóng vai chị Phượng, chị Uyên và anh Khôn bây giờ đã trở thành con trai, con gái của Bụt rồi. Những người còn lại vẫn đang gắn bó với tăng thân trong chí nguyện mang đạo Bụt đi vào cuộc đời. Tôi chợt nhận ra rằng bốn chữ để lại cho em chưa bao giờ ngưng nghỉ cả mà đã được tiếp nối và biểu hiện liên tục theo dòng thời gian…

Trong những tháng ngày sinh hoạt cùng đồng sự, tôi thường hay động viên các em để dành thì giờ mà đọc tập 1 cuốn Hồi ký 52 năm theo Thầy học đạo của Sư cô Chân Không. Hồi đó tôi cũng đã từng đọc đi đọc lại nhiều lần, có những lúc không kiềm chế được xúc động, đã phát thệ nguyện xin được đi tiếp trên con đường cao đẹp này. “Chúng ta chỉ cần làm những việc gì ta ưa thích nhất, ta có thể dần dần đi đến giác ngộ trên con đường hành động đó nếu ta luôn luôn nuôi dưỡng định trong từng hành động. Khi làm việc mình nên nhìn sâu để tự hỏi, hành động này có đủ từ bi không? Có đủ hỷ và xả không? Hành động và việc làm đó là vì lý tưởng làm lợi lạc cho người khác hay vì danh và vì lợi cho chính mình? Quán chiếu như vậy suốt ngày trong mọi công tác, mọi lời nói và mọi tư duy thì chúng ta vừa tu phước mà cũng vừa tu huệ” (Sư cô Chân Không). Nhờ vậy mà sau này khi trở thành tác viên xã hội cho chương trình Hiểu và Thương, tôi luôn cảm thấy mình là người hạnh phúc và may mắn. Có những chuyến đi dài ngày và liên tục, tôi tập cho tâm mình tĩnh lặng và an trú trong giây phút hiện tại. Đi thăm người nghèo hay nhà trẻ Hiểu và Thương, gặp những hoàn cảnh khốn cùng hay những điều bất như ý, tôi thực tập định tâm trở lại, nhìn thật sâu và khi có những cảm xúc mạnh đi lên thì tôi dừng lại, quay về với hơi thở để có thể mang lại sự bình an cho chính tự thân và cũng là cho những người mà tôi muốn giúp đỡ.

Tôi được nghe giảng nhiều lần về ý nghĩa của dòng tu Tiếp Hiện và những hoạt động dấn thân trong các bài pháp thoại của Thầy cũng như trong các khóa tu Tiếp Hiện. Tôi cũng thật may mắn khi có nhiều cơ hội để tiếp xúc và học hỏi với các thế hệ đi trước trong những ngày tu chánh niệm hoặc khi làm việc với các cô chú trong chương trình Hiểu và Thương. Khoảng cách 40 hay 50 năm giữa hai thế hệ là khá xa trên bề mặt lý thuyết. Tuy nhiên, nếu được tưới tẩm và vun trồng ý thức về sự tương tức, về hạt giống hiểu và thương thì thời gian và không gian chỉ còn là một ý niệm. Tôi còn nhớ lời dạy của ôn Thủ tọa trong ngày làm biếng sau khóa tu: “Tiếp Hiện nói ngắn gọn là sự tiếp xúc và làm cho nó biểu hiện”. Quán chiếu sâu sắc lời dạy của Ôn thì mọi ý niệm về thời gian hay không gian chợt tan biến trong tôi. Thế là buổi sáng hôm sau như bao buổi sáng khác ở Pakchong nhưng tôi lại thấy trong mình có rất nhiều sự khác lạ. Anh chị em chúng tôi ngồi cùng với sư cô và các bạn thiền sinh đến từ Singapore, Trung Quốc, Indonesia bên tách trà nóng và ngọn nến hồng trên bãi cỏ xanh phía trước cốc Sư Ông. Tôi thấy mình thật tự do. Xung quanh tôi mọi thứ đều rất đẹp. Chẳng phải là anh chị em chúng tôi đang tiếp xúc với sự mầu nhiệm của cuộc sống, tiếp xúc với sự cao quý của tình huynh đệ và làm cho nó biểu hiện ra hay sao? Cũng như thế, buổi tối hôm qua thật dễ thương và ấm áp tình người biết bao nhiêu!

Mỹ Lệ, người em gái Huế nhân hậu dịu dàng vừa thọ giới với pháp tự Chân Dung Lâm đã có những cảm nhận thật sâu sắc: “Con kính tri ơn Sư Ông cùng đại chúng đã giúp chúng con có mặt và biểu hiện trong khóa tu Core Sangha, đã biểu hiện như những người con Tiếp Hiện mới sinh của Thầy. Một con đường đã mở ra cho chúng con tiếp bước. Con nguyện đem tình thương và sự hiểu biết chân thật của mình lan tỏa khắp muôn nơi. Khóa tu này đã cho con thấy rõ ràng hơn về bốn dấu ấn của pháp môn mà chúng con đang thực tập. Con nguyện sống sâu sắc với những phút giây hiện hữu nhiệm mầu mà mình đang có. Con luôn có niềm tin vào Thầy và tăng đoàn, nơi đã nuôi dưỡng và giúp con chuyển hóa rất nhiều niềm đau nỗi khổ. Từ đó con cảm nhận được hạnh phúc chân thật từ chính tự tâm và chia sẻ đến những người thân thương của con cùng những người con chưa có cơ hội để thương. Những ngày ở khóa tu, con hạnh phúc được nhìn những tà áo nâu và quán chiếu tính tương tức là Thầy đang có mặt trong tăng đoàn. Vì vậy, mỗi giây phút của khóa tu là những giây phút hạnh phúc của con. Con đã nhìn thấy những người con thương kính của Thầy biểu hiện dưới nhiều quốc gia khác nhau, cùng trao nhau những nụ cười chân thật và đi với nhau như một dòng sông. Với hạnh nguyện hiểu biết và thương yêu trên con đường mà Thầy và tăng đoàn đã trao truyền cho chúng con, con xin nguyện sống thật sâu sắc để có hiểu biết và thương yêu chính mình. Hiểu và thương được mình thì mới có thể trao tình thương đến cho những người khác”.

Thế An, cô tình nguyện viên bé nhỏ nhưng “gan lì” của chương trình Hiểu và Thương cũng được thọ trì 14 giới với pháp tự Chân Khai Lâm. Em chia sẻ sau khóa tu: “Con đang thở nhẹ nhàng và cảm nhận năng lượng còn đọng lại sau khi trở về từ khóa tu Core Sangha. Con đã nhận được tấm Điệp hộ giới Tiếp Hiện và con ý thức rõ ràng rằng con đang là sự tiếp nối của con đường Hiểu và Thương mà Sư Ông, Sư cô và tăng thân đã xây dựng. Con cũng ý thức rằng con đang bước vào và hòa mình cùng tăng thân để đi như một dòng sông mà không còn là một cá nhân tách biệt. Con dần nhận thấy rõ con đường mà con sẽ đi. Ôn thủ tọa Giác Viên có chia sẻ với anh chị em Tiếp Hiện mới của chúng con rằng: “Tiếp hiện là tiếp xúc và để chuyển hóa”. Do đó, con sẽ ý thức hơn vào sự thực tập của mình nhằm chuyển hóa những khó khăn, yếu kém, bạo động, giận hờn trong con, nguyện thực tập làm phát triển nguồn năng lượng chánh niệm để con có thể chia sẻ với mọi người và cùng góp bàn tay yêu thương cùng tăng thân trên con đường Hiểu Thương”.

Anh chàng Trọng Nhân hiền lành, dễ mến, rất nhiệt tình thì lòng vui như hội khi được nhận Mười bốn giới với pháp tự Chân Dũng Lâm. Em đã gửi thư cho tôi với vài dòng ngắn nhưng gói trọn cả tấm chân tình: “Con đường tu tập của con được mở rộng ra nhiều, con cảm nhận được một động lực rất lớn để nỗ lực công phu nhiều hơn, để tạo hạnh phúc cho mình và người. Con rất vui và cảm ơn tăng thân cho con sự nâng đỡ, tình huynh đệ ấm áp, môi trường sinh hoạt nuôi dưỡng”.

Vâng, tiếp xúc và biểu hiện để chuyển hóa là con đường mở rộng mà anh chị em chúng tôi đang đi bằng những bước chân bình an và hơi thở trị liệu. Nếu như ngày xưa dòng Tiếp Hiện cùng với những hoạt động dấn thân vì hòa bình thì ngày nay, chúng tôi nguyện tiếp nối bằng con đường hiểu thương. Sư Ông từng dạy rằng xã hội càng hiện đại thì con người càng đói hiểu, đói thương. Chúng tôi chập chững tiếp nối thế hệ đi trước bằng việc tập hiểu tập thương chính mình. Chúng tôi đã biết quay về với hải đảo tự thân và bảo hộ sáu căn khi lựa chọn bốn loại thức ăn cho mình. Cùng tăng thân tham gia vào những ngày tu chánh niệm, cùng đi thiền hành, nghe pháp thoại, dự pháp đàm hay những giây phút thoải mái của buông thư, uống trà bên nhau là những nguồn dinh dưỡng lành mạnh và lợi lạc nhất mà chúng tôi nếm được.

Mắt thương nhìn từng huynh đệ
Mỗi người là một bài thơ
Say sưa đọc hoài đọc mãi
Vẫn không hết những bất ngờ

(Sư cô Uyển Nghiêm)

Từ đó chúng tôi nhận ra mình đã có trong nhau tự bao giờ. Ban đầu là hiểu và thương chính mình, và thật bất ngờ, sau đó thấy xung quanh mình là cả một sự sống mầu nhiệm mà mỗi một sự việc, mỗi một con người chính là điệu nhạc, vần thơ điểm tô cuộc đời. Anh chị em chúng tôi có thể ngồi hàng giờ bên nhau để ngắm bình minh trên tháp Borobudur bên tách trà nóng, ấm áp tình huynh đệ mà không cần phải nói gì cả. Rồi cùng đi thiền hành trên biển Thuận An, hay dạo quanh chùa Tổ và ý thức rõ những điều kiện hạnh phúc mà từ đó vun trồng tưới tẩm lòng biết ơn.

Có những ngày làm tình nguyện viên rong ruổi trên chiếc xe gắn máy mang chút tấm lòng của chương trình Hiểu và Thương đến với các cụ già neo đơn ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Có khi đi hoài mà chẳng thấy tiệm cơm chay nào nên chỉ dừng lại để uống ly nước mía, ấy vậy mà anh chị em cứ nhìn nhau cười tủm tỉm và thấy yêu đời chi lạ. Rồi những lần đi theo các cô chú phát học bổng “Giúp em đến trường”, chúng tôi có cơ hội được tiếp xúc sâu sắc với trẻ em nghèo khi ngồi vòng tròn bên nhau theo từng nhóm nhỏ, tập cho các em nghe chuông và ăn cơm chánh niệm. Nhớ lại những ngày đầu, tôi còn lúng túng khi không biết phải chuyển tải nội dung của Năm quán như thế nào để các em hiểu được. Cho đến một ngày chú Nghiệm đưa cho tôi tờ giấy đi photo ra thành nhiều bản để đưa cho các em nhỏ có tựa đề Năm điều em ghi nhớ, tôi chợt nhận ra các cô chú đã chuyển tải nội dung của năm phép thực tập chánh niệm trở thành những câu văn vô cùng dễ hiểu và gần gũi với các em nhỏ. Thế là tôi cũng học theo và áp dụng vào Năm quán để đọc cho các em nghe trước bữa ăn. Có lần một bạn nhỏ nhanh nhẩu đáp lại: “Con rất biết ơn người đã mang cơm vào đây cho con ăn” khiến cho cả vòng tròn ai cũng vừa mắc cười vừa xúc động.

Tôi rất thích được ngồi hàng giờ để lắng nghe những câu chuyện của chú Nghiệm hồi mới chập chững làm tình nguyện viên của chương trình Hiểu và Thương, tôi hay thắc mắc tại sao các cô chú luôn chú trọng đến chương trình chăm sóc trẻ em. Có một hôm chú kể cho tôi nghe chuyện của những em bé xóm chài, những đứa trẻ hoặc mồ côi, hoặc cha mẹ ly dị. Có những đứa, cha đi biển rồi mất tích, thế là mẹ khổ quá bỏ đi, các em phải sống với ông bà. Các em có thể sẽ có cơm ăn áo mặc qua ngày, nhưng nếu nhìn kỹ và tiếp xúc sâu sắc thì những đứa trẻ đó đang lâm vào tình cảnh đói khát hiểu biết và đói khát thương yêu. Chú nói rằng, mình giúp các em đến trường cũng giống như đang ươm mầm và gieo hạt. Mình phải biết tưới nước và vun bón mỗi ngày thì cây mới xanh tươi, ra hoa và kết trái. Có những lần đọc thư cảm ơn của các em học sinh nghèo đã từng nhận học bổng của chương trình liên tục mười mấy năm liền, tôi và những em tình nguyện rơm rớm nước mắt…

Nếu như bài Tâm ca số 5 trong Nói với tuổi hai mươi là những lời tự thú của một người anh bốn mươi tuổi nói với người em hai mươi tuổi “khiến cho giận hờn trách móc tan biến và khiến cho nguồn thông cảm được khơi mở” thì 50 năm sau, Để lại cho em như những lời tri ân và thệ nguyện của những đứa em tuổi hai mươi hay ba mươi nói với thế hệ đi trước. Câu chuyện phụng sự bằng con đường bất bạo động luôn được trao truyền và tiếp nhận qua bao thế hệ. Đó là sự vững chãi bên nhau trong thời chiến, khả năng sống an lạc và hạnh phúc cùng với niềm tin kiên định vào giáo pháp và sự tu tập mang lại hoa trái của chuyển hóa, chữa trị, an vui cho mọi người trong hiện tại. Những người tác viên của khóa một đến khóa năm giờ đây đang là những cây đại thọ cho anh chị em chúng tôi nương tựa và tiếp nối.

Tôi thấy mình thật may mắn được tiếp nhận gia tài là sự bình an và tình thương đích thực, là sự buông bỏ những ý niệm đúng sai phân biệt, là sự trở về để an trú nơi hiện tại. Trên tất cả là một gia đình tâm linh có anh có chị có em, là nơi chốn để quay về trong tĩnh lặng và tự tại. Tôi là một con sóng nhỏ, anh chị em mình là những con sóng nhỏ hòa với những đợt sóng lớn cùng chảy ra đại dương mênh mông.

Để lại cho em cuộc sống hòa bình
Để lại cho em vạn nẻo tự do
Nguyện cầu bao dung được tiếp nối
Nguyện cầu yêu thương làm lẽ sống
Để lại cho em ngọc quý từ bi.
Để lại cho em tình nghĩa thầy trò
Để lại cho em tình nghĩa đệ huynh
Một lòng thương yêu và gắn kết
Một dòng sông đi về biển lớn
Để lại cho em một biển gia tài.
 

Tôi xin được cảm ơn Sư Ông, cảm ơn sư cô Chân Không, Ban biên tập Làng Mai, các cô chú chương trình Hiểu và Thương, anh chị em tăng thân Trăng Rằm đã tạo cảm hứng cho tôi được chia sẻ những cảm nhận của mình nhân dịp kỷ niệm 50 năm ra đời của dòng tu Tiếp Hiện. Nguyện giữ vững ngọn đèn chánh niệm, trái tim vẫn cháy một tình thương bao la và nụ cười an nhiên trên con đường tiếp nối. Nguyện an trú trong hiện tại, đem mắt thương nhìn cuộc đời để có thể tiếp xúc được với sự sống nhiệm mầu, tiếp xúc được với chư Bụt, Tổ và tiếp xúc được với Thầy cùng tăng thân ở khắp mọi nơi.

Khóa tu dành cho các thành viên nòng cốt của tăng thân tại Làng Mai Thái Lan