Diệu Trạm Tổng Trì

Sư cô Chân Hoa Nghiêm

Mấy tuần nay, Huế lại oi bức, nhiệt độ đã lên đến gần 40oC. Bây giờ mây kéo đến đen nghịt, trời gầm gừ những tia sấm chớp lòe, những cơn gió mạnh thổi dạt đi những hàng tre bên hồ Sao Mai. Cơn mưa đổ ào xuống, không khí trở nên mát mẻ, tôi thấy dễ chịu trong người. Tôi chợt nghĩ: “Làm sao có thể tách rời con người với trời đất được nhỉ?”. Trời đã bắt đầu mưa nặng hạt hơn, tiếng hô canh của sư em cũng vang vọng như tiếng mưa rơi trên mái ngói. Ngồi trong tư thế hoa sen, tôi chiêm ngưỡng những sợi châu ngọc lóng lánh phản chiếu bởi ánh đèn bên ngoài thiền đường. Trước mắt tôi là những hàng châu ngọc lấp lánh thánh thót rơi xuống sân. Tôi nhắm mắt lại cho thân và tâm cùng hòa chung vào một nhịp thở với đất trời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không khí trong lành, cây cối khoác lên màu áo mới xanh tươi. Nghĩ đến những khó khăn đã đi qua cho chúng tôi trong thời gian đầu ở Huế, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi thấy mình được ngồi yên trong thiền đường Hương Cau của Ni Xá Diệu Trạm thuộc Tổ Đình Từ Hiếu.

Ngày mới về Huế, tôi được các thầy giáo thọ cho biết đang có dự án xây một ni xá cho các sư cô đang tạm trú tại Tây Linh về tu học. Chúng tôi đã đi tìm đất ở vài nơi mà không được. Cuối cùng Sư Thúc nhượng lại miếng đất mà ngày trước Sư Thúc đã mua từ một cư sĩ dùng để trồng trọt cho chúng tôi để xây ni xá. Lúc ban đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin giấy phép để xây cất. Nhờ ơn Bụt và chư Tổ, cuối cùng chúng tôi được cất giấy phép và công việc xây cất phải trên một năm mới hoàn tất theo ước nguyện là trước mùa An cư kiết Hạ năm 2009. Chúng tôi rời chùa Tây Linh về Diệu Trạm ở hẳn toàn bộ trước ngày an cư. Sư Thúc sức khỏe ngày càng yếu kém nhưng vẫn cố gắng có mặt cho chúng tôi ngày mới dọn về. Bệnh ung thư đã đi vào xương, Sư Thúc được bác sĩ căn dặn không được đi nhiều, nhưng vì thương chúng tôi, Sư Thúc dùng gậy chống để đi qua ni xá và làm lễ khấn trước khi chúng tôi dọn vào. Sư Thúc đã cầm gậy đi từng bước quanh ni xá, góp ý với tôi làm thế nào để chuẩn bị cho ngày khánh thành và an vị Phật.

Sáng nay, ngày 21 tháng 4 âm lịch năm 2009, đại chúng hai chùa Diệu Trạm và Từ Hiếu bận rộn chuẩn bị cho lễ khai mạc Trai Đàn Chẩn Tế được tổ chức tại Tổ Đình Từ Hiếu. Mục đích của buổi lễ là cầu an cho Sư Thúc, đồng thời làm lễ tẩy tịnh và an vị Phật cho ni xá Diệu Trạm. Cờ Phật Giáo được treo đầy trên con đường từ Tổ Đình dọc theo bờ hồ Sao Mai đến cánh cửa cổng vào ni xá Diệu Trạm. Cờ được treo cùng khắp quanh ni xá. Quý sư cô y áo chỉnh tề đứng dọc hai bên đường chờ cung nghinh chư vị Tôn túc. Bên Từ Hiếu, băng role và cờ Phật Giáo cũng được treo cùng khắp, tôi và sư trụ trì chùa Tây Linh cùng quý thầy trong ban nghi lễ cung đón chư vị Tôn túc. Quý Ôn và quý Sư bà đã tới, rất nhiều chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni sư đều cùng có mặt.

Buổi khai mạc diễn ra thật vô cùng long trọng với sự chứng minh của Hòa thượng Lam Sơn, Hòa thượng Phổ Hòa làm chủ lễ và sự hiện diện của rất nhiều chư vị Tôn túc. Giữa chừng buổi lễ, Hòa thượng Phổ Hòa và chư vị Tôn túc bắt đầu đi qua ni xá Diệu Trạm, mọi người vừa đi vừa niệm Bụt A Di Đà, lúc đó tôi thấy lòng mình vô cùng cảm động lẫn hồi hộp. Hai bên đường, các sư cô và các bác phật tử chắp tay hộ niệm theo. Tất cả đã đến trước tượng Bụt Thích Ca trong thiền đường Hương Cau thì tiếng niệm Bụt cũng vừa ngưng. Hòa thượng Phổ Hòa cất lên lời xướng: Diệu Trạm Tổng Trì Bất Động Tôn, Thủ Lăng Nghiêm Vương thế hy hữu…”, mọi người cùng hòa theo tiếng tụng kinh thật hùng tráng. Quý thầy bảo tôi lạy xuống giữa hai hàng Tôn túc. Thở thật sâu tôi nhẹ nhàng lạy xuống, tôi thấy mình không phải là người duy nhất đang lạy mà có cả gia đình huyết thống và tâm linh đang cùng tôi lạy xuống. Sau này tôi mới biết rằng lúc đó cũng có rất nhiều các sư em đang cùng tôi lạy xuống. Niềm hạnh phúc tràn dâng vì ước nguyện có một nơi để cho các sư cô tu học đã thành tựu. Ước nguyện của Thầy tôi, của Sư Thúc đã thành tựu. Không cần phải biết tương lai sẽ ra sao, nhưng tôi biết một điều chắc chắn trong hiện tại là chư Bụt, chư Tổ, chư vị Tôn Túc ở Huế đang chứng giám cho sự có mặt của Diệu Trạm, sự có mặt của chúng tôi. Chúng tôi cung kính lạy xuống để tạ ơn Bụt, ơn Tổ, ơn Long Thần Hộ Pháp, ơn Tổ Tiên của vùng đất đã cho phép chúng tôi sống và tu tập ở đây. Sau bài tụng thì quý Ôn bắt đầu làm phép tẩy tịnh vòng quanh ni xá. Buổi lễ diễn ra thật trang nghiêm và cảm động.

Buổi chiều ngày hôm sau chúng tôi cùng tham dự tụng kinh Địa Tạng với Ni bộ Huế. Mặc dù là phái nữ nhưng quý ni sư tụng kinh thật hùng hồn không thua gì phái nam. Nhân tiện đó tôi thỉnh quý Ni sư qua Diệu Trạm tụng cho một thời kinh. Thật cảm động khi quý sư đã không ngại tụng thêm một biến kinh cho Diệu Trạm và đi nhiễu Bụt trong thiền đường Hương Cau. Chấm dứt buổi chiều ngày hôm ấy, quý sư cùng ngồi lại và chúc mừng chúng tôi. Ngày cuối của buổi trai đàn, chúng tôi được cơ hội làm lễ cúng dường trai tăng chư vị Tôn túc. Những ngày ấy chúng tôi thấy hạnh phúc vô cùng vì được chư vị Tôn túc thương tưởng.

“Ni xá Diệu Trạm đẹp lắm, cái chi cũng đẹp, thiền đường, nhà ăn, vườn hoa, v.v.. Một sư em đã nói với tôi như thế. Trong mắt tôi, Diệu Trạm thật hiền lành. Ni xá có hai dãy nhà gồm hai tầng lầu và một khoảng sân hẹp dài. Một dãy nhà có tầng dưới là phòng ở và tầng trên là thiền đường, còn dãy kia tầng dưới là nhà bếp và tầng trên là phòng ăn, trước sân và cạnh nhà có những cây mít đã có sẵn trái trước khi chúng tôi dọn về. Trước khi dọn về, các sư em đã xin cỏ ba lá về trồng khắp khu vườn hoa. Thầy Từ Giác đã đi xin rất nhiều loại cây, như cây cau, cây mân, cây ngô đồng về trồng trước sân. Riêng tôi, tôi cũng đi mua nhiều loại cây mà chị em chúng tôi đều ưa thích là cây ngọc lan, cây hoa hậu (kỷ niệm khi còn ở  chùa Tây Linh), cây phượng, cây bằng lăng, cây bồ đề, v.v..  Buồn cười nhất là mảnh đất có rộng lớn chi mô mà chị em chúng tôi đòi trồng đủ loại, thành ra mỗi loại chúng tôi chỉ trồng có một cây thôi.

Cách ni xá Diệu Trạm và Từ Hiếu là một hàng rào và song cửa sắt được đóng chặt hàng ngày, trừ ngày quán niệm hay bên chùa Tổ có kỵ song cửa mới được mở.

Chiều nay Sư Thúc và tôi đi dạo một vòng quanh ni xá để nghe Sư Thúc dạy bảo, Sư Thúc chỉ lên hàng rào và nói với tôi: “Các con trồng mồng tơi để leo cho đẹp”. Tôi về nhắn lại lời Sư Thúc dạy nhưng các sư em lại nhìn tôi cười nói: “Trồng mồng tơi thì ốt dột lắm sư mẹ ui!”. “Sao vậy?”, ngạc nhiên tôi hỏi thì các sư em lại tủm tỉm cười. Một sư em hát nho nhỏ: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn…”. Ui chao ơi, thì ra là dzậy! Không lâu hàng rào hiện ra những dây bìm bìm đầy hoa tim tím, và những dây đậu rồng xum xuê sát cổng ra vào, chúng tôi tha hồ thưởng thức những đậu rồng xanh tươi ngọt mát dòn tan. Sư Thúc lại dặn dò: “Các con nên trồng nhiều hoa cho đẹp”. Các em tôi rất ngoan và thương Sư Thúc, không lâu hai bên đường vào ni xá lại đầy những loài hoa hồng, tím, đỏ xinh tươi.

Ni xá mới thành lập mà tưởng chừng như lâu năm. Nhìn ngôi ni xá, tôi thấy ni xá đẹp quá chừng! Vì không phải là chùa nên ni xá không cần mái cong ngói rồng ngói phượng, cũng không có nhiều tượng Bụt, dù là nơi sinh hoạt tu tập sinh hoạt mỗi ngày. Tôi thấy Diệu Trạm đẹp vì có sự đóng góp chân thành của những đôi tay, khối óc và tình thương của các thầy cô trẻ và của nhiều người từ khắp nơi trên thế giới. Trong thời gian xây cất, chúng tôi cùng quý thầy bên Từ Hiếu đã chuyền tay nhau từng tảng đá, to có, nhỏ có, từng viên gạch ngói đỏ, chuyển từng xe cát, trồng từng bụi cây, những vòm hoa, từng vạt cỏ. Lúc nghỉ ngơi chúng tôi chia nhau từng miếng bánh, chén chè đậu xanh mát rượi, những nụ cười tươi tắn sau vành nón nghiêng che… Chúng tôi đã làm việc chung với nhau thật hòa hợp. Tôi không quên có những ngày trong mùa hè nắng cháy da người, sư em đã đèo tôi trên chiếc xe gắn máy để đi tìm mua vật liệu theo lời yêu cầu của ông thợ cả. Chúng tôi đã dầm mưa ngày đêm để chuyền cho xong những gói gạch cho kịp mùa nắng. Diệu Trạm đã dạy chúng tôi biết trân quý những gì mình đang tận hưởng, tất cả đều được làm bằng công phu lao tác, chứ không có gì tự nhiên mà ra cả.

Về Diệu Trạm được gần hai tuần, Sư Thúc hỏi tôi: “Các sư cô dọn về Diệu Trạm được bao lâu rồi Hoa Nghiêm?”, “Thưa Sư Thúc, gần hai tuần rồi ạ”, “Các sư cô ở có hạnh phúc không?”. Tôi trả lời: “Thưa Sư Thúc, chúng con hạnh phúc vô cùng!”. Sư Thúc gật đầu: “Như vậy là tốt đó, Tổ Tiên nơi này đã yểm trợ các con rồi”.

Ngày mới về, có một số các sư cô cảm thấy sợ vì quanh đây có nhiều ngôi mộ cổ. Riêng tôi, tôi cảm  được năng lượng thiêng liêng của vùng đất này rồi. Có Diệu Trạm, cư sĩ nữ về thăm chùa Tổ cũng có chỗ lưu trú lại thêm khi khu nhà khách nữ bên Từ Hiếu hết giường. Mẹ các sư cô cũng có chỗ ở khi lên thăm con hay muốn tu tập một thời gian.

Mỗi buổi sáng sớm, sau giờ công phu khuya, chúng tôi thường im lặng thiền hành bên nhau lên đồi Dương Xuân, nơi đây tôi nhớ đến những kỷ niệm Thầy kể khi còn là điệu. Rồi chúng tôi cùng tập mười động tác chánh niệm. Nhìn các sư em đứng thẳng xen kẽ nhau giữa những cây thông, tất cả cùng giương cao đôi tay hướng thẳng lên bầu trời đang từ từ hừng sáng, những thân hình mảnh dẻ đứng bên nhau giống như những cây thông xanh khỏe mạnh trong khu rừng Dương Xuân đã trải qua những năm tháng nắng mưa. Chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi đã đứng bên nhau trong thời gian khó khăn lúc ban đầu ra Huế, nhờ nương tựa vào nhau mới có được Diệu Trạm của ngày hôm nay.

Chúng tôi bắt đầu ba tháng an cư ở Diệu Trạm, ngày nào chúng tôi cũng đắp y ăn quá đường. Các bác phật tử tăng thân của bác Siêu, tăng thân tiếp hiện ở Huế xin phép được cúng dường quá đường mỗi ngày thứ ba, chúng tôi rất vui khi có các bác cùng về tu tập.

Một hôm, sư em vào thưa: “Sư mẹ ơi, có người muốn gặp”. Trước mặt tôi là một người đàn bà gầy ốm, trên tay bồng một đứa bé khẳng khiu, gương mặt hằn lên những nét lo âu, đôi mắt nhìn tôi như van xin một điều gì. “Cô gặp tôi có chuyện gì không?”. Người đàn bà chỉ tay vào đứa bé: “Thưa sư cô, xin sư cô cứu giúp con của con, nó bị bệnh u trong não cần  phải mổ mà con không có tiền để mổ, xin sư cô thương xót”. Nói xong người đàn bà đưa ra một tờ giấy như để chứng minh là mình nói thật. Tôi không nhìn tờ giấy và cũng không cần biết là đứa bé có bệnh thiệt hay không, tôi chỉ lặng lẽ đi lấy tiền trao cho người đàn bà. Từ ngày về Diệu Trạm tôi đã gặp trên 50 trường hợp tương tự như vậy. Lúc ban đầu tôi còn nghi ngờ nhưng tôi luôn gặp những con người trông đầy đau khổ, và trong trái tim tôi không cho phép mình làm ngơ trước những tình trạng như vậy. Vẫn còn rất nhiều người nghèo khổ trên đất nước đang bắt đầu phát triển, nếu như mình bị gạt thì tôi vẫn thấy hạnh phúc hơn là làm ngơ trước nỗi khổ của người khác.

Niềm vui chưa được trọn vẹn thì Sư Thúc ngã bệnh nặng. Chúng tôi cùng quý thầy thay phiên nhau lên bệnh viện chăm sóc Sư Thúc. Đã biết con người không thể nào tránh khỏi sinh, lão, bệnh, tử nhưng nhìn gương mặt xanh xao và con người càng ngày càng gầy xuống của Sư Thúc tôi thấy lòng mình chùng xuống. Trước khi ra đi Sư Thúc muốn về chùa, mỗi ngày chúng tôi đều sang thăm người. Các thầy được chia phiên túc trực ngày đêm. Bác sĩ Cầu bảo: “Còn 24 giờ nữa thôi là Ôn sẽ đi”. Hai đêm đầu, tôi và quý sư nghỉ ngoài hiên Thất Lắng Nghe để hầu chuyện hữu sự của Sư Thúc. Nằm bên quý sư, tôi thấy thương cái tình của quý sư dành cho Sư Thúc. Trước giờ Sư Thúc ra đi, gia đình tâm linh và gia đình huyết thống của Sư Thúc đều có mặt đầy đủ. Sư Thúc đã ra đi thật bình an, Sư Bà Lưu Phương đưa tay vuốt nhẹ gương mặt của Sư Thúc rồi chắp tay niệm Bụt. Hình ảnh này khiến tôi không cầm được nước mắt, tôi cảm được cái tình của một người sư chị đối với người sư đệ trong cái vuốt nhẹ đó. Thời gian ấy Bát Nhã bắt đầu xảy ra chuyện, tin buồn này tiếp đến tin buồn kia, nhờ có sự thực tập mà tôi vượt qua được những lo âu trong lòng.

Đối với tôi, chùa không chỉ là một danh lam thắng cảnh, mà chùa là nơi để chúng ta được trở về để tu tập và chuyển hóa những gốc rễ của mọi khổ đau, nhận diện được con người thật xưa nay bị vô minh che lấp.

“… Sáng hôm nay em tôi trở về quỳ dưới Phật đài

mắt đầm đìa lệ,

ôi những linh hồn đi tìm bến đỗ

(hình bóng của tôi xưa

phiêu lưu ngàn năm, một hôm sầu khổ, khao khát bến bờ)…

(Trích thơ Sư Ông: Tôi sẽ tin rằng tất cả)

Diệu Trạm là nơi chúng tôi tu tập chung với quý thầy bên Tổ Đình để chế tác năng lượng bình an, giúp cho nhiều người tu tập chuyển hóa những khổ đau, tiếp nối sự nghiệp của Bụt, Tổ và Thầy. Chúng tôi cũng sẽ không bao giờ quên ơn Sư Thúc, người đã thương yêu và lo lắng cho Diệu Trạm cho đến ngày Sư Thúc đi về cõi tịnh. Sư Thúc không còn nữa nhưng Sư Thúc còn mãi trong lòng của chúng tôi.

Sư Thúc ơi, chúng con sẽ không bao giờ quên ơn Sư Thúc. Sư Thúc đã thương yêu và lo lắng cho Diệu Trạm cho đến ngày Sư Thúc đi về cõi tịnh. Diệu Trạm sẽ là nơi giúp cho nhiều người tu tập chuyển hóa những khổ đau, tiếp nối sự nghiệp của chư Bụt, chư Tổ, của Sư Ông và của Sư Thúc. Sư Thúc ơi, chúng con tự nguyện rằng sẽ hoàn thành ước nguyện của Sư Thúc hầu đền đáp công ơn Người đã dày công lo lắng cho chúng con.

Huế bắt đầu vào mưa với những cơn mưa rất lớn, mưa liên tiếp mấy ngày trời. Hình như cơn bão cấp chín đang đi ngang qua Huế, Huế không bão nhưng cũng bị ảnh hưởng không ít. Rất nhiều cây cối bị ngã nghiêng. Chiều hôm nay mưa đã tạnh, cây cối, vạn vật được tắm sạch sau cơn mưa trông xanh mát hơn. Ánh nắng bớt gay gắt hơn. Tôi ngồi trước phòng mình, ăn chiều cùng sư cô Quy Nghiêm, nắng rơi nhẹ trong không gian xuyên qua những cây trúc tím. Không gian im lắng, đâu đây vài tiếng cười khúc khích nổi lên, tôi nghe lòng bình an. Tịnh độ là đây rồi, còn lo phiền chi nữa. Lo cho tương lai Diệu Trạm, lo cho tăng thân Bát Nhã, lo cho sức khỏe của Sư Ông, cho Sư Thúc đã về cõi tịnh độ rồi. Tất cả những sự lo âu sợ hãi không còn nữa trong giây phút hiện tại, giây phút này tôi đang an trú trong Hiện Pháp, trong tình huynh đệ.

Sáng nay đi thiền hành, con đường được sương mù bao phủ cùng khắp. Tôi thường hay đi sau chót để được ngắm những tà áo nâu và những chiếc nón lá thấp thoáng hai bên đường. Đoàn người đi âm thầm trong sương mù khiến tôi nhớ những buổi thiền hành sáng sớm ở Diệu Trạm. Tôi đã rời Huế sang Thái Lan, nơi một trung tâm tu học nữa của Làng Mai thành hình. Diệu Trạm hay Thái Lan, nơi đâu cũng là Làng Mai, cũng là quê hương nuôi lớn pháp thân huệ mạng.

Tôi khép hờ mắt, nghe trong tâm vang vọng lời kinh: “Diệu Trạm Tổng Trì Bất Động Tôn…”.