Nhà văn Duyên Anh
Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long. Tôi thích nhà văn Duyên Anh vì anh hay viết các tập truyện ngắn cho tuổi trẻ như Con sáo của em tôi… Anh viết về các trẻ em đường phố như Dzũng Đa Kao nên tôi rất có cảm tình với anh. Phải kiên nhẫn lắm tôi mới liên lạc được với gia đình anh Duyên Anh. Trở ngại thứ nhất là các bạn quen tôi và biết Duyên Anh có những câu phê bình về vợ chồng Duyên Anh như: “Họ còn giàu lắm, không thiếu thốn gì đâu, cho quà uổng! Họ không cần đâu.”
Khi liên lạc được với chị thì lại có nhiều trở ngại khác như bị nghe chị than phiền về anh. Nhưng tôi vẫn kiên tâm trân quý nhà văn cho tuổi thơ bất hạnh. Đôi khi vẫn còn buồn phiền vì các điều không như ý khi sống bên nhau ngày trước nên vợ của Duyên Anh có viết nhiều phê bình về ông chồng hời hợt của mình. Nhưng thầy Nhất Hạnh, Thầy chúng tôi dạy: “Thương thì thương cho trọn, chỉ đứng về phe thương mà không trách móc gì hết”. Từ trong nhà tù tăm tối anh Duyên Anh đã viết cho cô Angelina Nguyễn (giả danh của Chân Không): Từ khi nhà tôi gửi vào cho tôi những viên thuốc B1, B6, B12 và nói về cô, tôi thật như đứa trẻ côi cút đói khát mà biết được rằng có người vẫn để phần ăn cho mình. Cô Angeline ơi, cô quả thực là Bụt trong truyện Tấm Cám. Một hôm trong khi bị đi lao động trong rừng, tôi nhặt được miếng gỗ mun, biết cô là người đạo Phật, tôi bỗng thấy như được đức Phật từ bi giáng sinh trong chốn tù đày tăm tối này, tôi âm thầm cắt gọt đục đẽo miếng gỗ đen trong tay, màu đen này là tự thân màu của miếng gỗ cô nhé, tôi không phải pha màu.
Bức tượng Bụt cao 4cm, rộng 3cm, dày 0.8cm đang nằm trên bàn thờ ở Sơn Cốc Làng Mai như niềm hy vọng của các bạn không may còn bị giữ trong tù. Những năm 1976 đến 1982, tôi vẫn còn ở Phương Vân am, đang trên đường đi tìm đất làm Làng Hồng tại Pháp và có nhiều bạn quý đã từng giúp tôi trong thời gian kêu gọi Hoà Bình cho Việt Nam. Từ Phương Vân am với chiếc máy in Gestetner, loại làm việc văn phòng, nhỏ xíu nhưng có luôn máy cắt, tôi mua giấy nhiều màu xanh trời, xanh lá, màu cam, đỏ, vàng, làm nhiều chương trình vận động thả tù nhân qua đường bưu điện. Giấy cỡ 21cm x 29,7cm, dày 120mg, tôi mua về cắt làm bốn postcards. Tôi dùng máy cắt một tờ giấy carton 120gr làm bốn, màu xanh gửi đi Hà Lan, màu tím gửi đi Thuỵ Sĩ, màu cam gửi đi Hoa Kỳ, màu vàng gửi đi Ý Đại Lợi… Mỗi nơi tôi nhờ tăng thân địa phương vận động, như ở Ý tôi nhờ chị Hedi Vaccaro với vài chục tăng thân địa phương quanh vùng Rome, Sicilia, Milano, Torino. Tôi nhờ các bạn vận động chữ ký và tên địa chỉ người gửi yêu cầu chánh phủ Việt Nam thả tám người tù chính trị. Trên postcard mình đã in sẵn một câu dễ thương, khen nhà nước có đổi mới và xin xét giùm có tám trường hợp này thôi, ví dụ Doãn Quốc Sỹ ở trại giam Z30, số tù là gì, Lý Đại Nguyên T38, Vũ Mộng Long (Duyên Anh) Z80… Nhờ cách vận động này chúng tôi đã xin thả được một số văn sĩ tên tuổi. Vì xin lẻ tẻ (8 người một lần) nên nhà nước dễ giải quyết. Lúc trước chúng tôi gửi qua Amnesty thì lần đầu có danh sách 48 người, lần thứ hai là có tên 54 thầy tu. Con gái anh Lý Đại Nguyên viết cho cô Chân Không: “Bố con rất khinh thường người có quyền nên cứ bị đưa vào cát sô (cachot tức hầm nhốt riêng từng người tù lì lợm khó dạy của quản giáo) hoài cô ạ. Vì thế nên khi quản trại đọc tên những người chuẩn bị được ra tù thì tất cả tù nhân đều thốt ra ngạc nhiên: ‘Chàng Nguyên, Lý Đại Nguyên lì sắp được ra!’ Khó ai tin được điều này. Thế mà bố con cũng được ra cô ạ. Chúng con biết sự kiện này chắc có bố sư cô (là thầy Nhất Hạnh) nói ra nói vào sao đó nên bố của con mới được về!” Thật ra là chỉ nhờ những postcard đỏ đỏ xanh xanh khắp nơi trên thế giới mà tôi đã tẩn mẩn nhờ các bạn vô danh của tôi gửi về mà thôi.
Viết về Duyên Anh, tôi phải mượn lời của nhà báo Vĩnh Phúc, bạn khá thân của gia đình Duyên Anh: Theo tôi, trong Duyên Anh có hai con người. Nếu muốn cũng có thể bảo rằng hai con người đó tượng trưng cho hai mặt tốt và xấu của Duyên Anh. Mặt xấu chính là Duyên Anh làm báo, dưới những bút hiệu như Thương Sinh, Bếp Nhỏ, Thập Nguyên, Mõ Báo… Vì “đánh đấm” lung tung nên bị nhiều người oán ghét. Còn Duyên Anh nhà văn, nhất là nhà văn của tuổi thơ, nhà văn viết cho tuổi ô mai, Duyên Anh chủ trương tuần báo Tuổi Ngọc, thì trái hẳn lại, được nhiều người thương. Có ai đã đọc Con sáo của em tôi mà không thấy lòng mình chùng lại và dám nói là thù ghét Duyên Anh? Nguyễn Mạnh Côn là người đầu tiên đọc truyện ngắn này, thích quá, nên giới thiệu và chọn đăng ngay. Rồi Nguyễn Mạnh Côn bảo Duyên Anh, “Cậu viết hay quá! Nhưng tôi sợ rằng viết như thế này, cậu sẽ không thọ!” Và câu nói của Nguyễn Mạnh Côn đã như một lời tiên tri: Duyên Anh lìa đời cách đây 20 năm, khi mới 63 tuổi. Vào thời buổi này, với những điều kiện vật chất văn minh và đầy đủ, mà sống có bấy nhiêu năm thì quả là “yểu mệnh” thật.
Những cuốn sách của Duyên Anh:
Hoa thiên lý
Ðiệu ru nước mắt
Luật hè phố
Thằng Vũ
Dấu chân sỏi đá
Dzũng ÐaKao
Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang
Bồn Lừa
Ảo vọng tuổi trẻ
Gấu rừng
Cỏ non
Ngày xưa còn bé
Nặng nợ giang hồ
Mùa thu
Con suối ở Miền Ðông
Danh ná (truyện tuổi nhỏ)
Cầu Mơ
Ánh lửa đêm tù
Ánh mắt trông theo
Thằng Côn
Trường cũ
Tuổi 13
Nhà tôi
Chương Còm
Mặt trời nhỏ
Lứa tuổi thích ô mai
Giặc ôkê
Đồi Fanta (truyện)
Khi Duyên Anh được thả về, anh tìm cách vượt biên ngay, vợ con chờ anh sang định cư trước rồi xin đoàn tụ sau. Cháu Vũ Nguyễn Thiên Chương (anh hay gọi là Chương Còm) con cả của Duyên Anh vượt biên trước rồi mới đến anh. Sau khi cả gia đình sang đây rồi thì anh chị được mời tới Làng Hồng chơi. Thiền hành, pháp đàm, thiền toạ, nhất là pháp thoại của Thầy thì tuyệt vời. Nhưng Duyên Anh nói thiệt với tôi là ở đây chỉ thiếu phở gà, phở bò thôi. Trong tương lai anh chị sẽ cố gắng mua cái nhà ở gần Làng, sẽ qua Làng tham dự các thứ tu tập có ích lợi này nhưng sẽ có phở gà hay phở bò cho thiền sinh nào thèm mặn. Sướng chưa? Anh tính phá đám như vậy đó! Vì thế nên chị và các cháu chưa bao giờ về Làng lần thứ hai, có lẽ cũng vì quý vị linh mục ở Paris cũng rất quý mến và lo cho gia đình anh đủ thứ.
Đang vắng tin anh thì bỗng tháng 4 năm 1988 cháu Thiên Sơn, con trai út của Duyên Anh điện thoại báo tin bố cháu bị du côn ở Orange County ở Hoa Kỳ đánh té bất tỉnh, hôn mê nặng và xin sư cô giúp với. Có hai quyển sách của anh in ở Pháp được quý vị linh mục giúp dịch và tìm nhà xuất bản tốt nên tôi biết anh Duyên Anh được bảo hiểm xã hội của những nhà văn như Thầy chúng tôi. Tôi nhắc cháu Sơn nên nhờ ngay quý linh mục lo in sách cho biết thuộc nhà xuất bản nào. Bảo hiểm lấy tiền của nhà xuất bản đó sẽ lo cho anh toàn vẹn vừa đưa phi cơ đặc biệt cho anh về Pháp không tốn tiền, bảo đảm nhập viện, trả công bác sĩ, thuốc men nghiêm minh. An ninh xã hội của Pháp về sức khoẻ rất bảo đảm về việc này nên cháu đừng ngại. Trị liệu của Pháp cũng giỏi lắm, đừng sợ thua Hoa Kỳ. Cũng năm này tai nạn lớn thứ hai đến vào cuối năm khi cháu Vũ Nguyễn Thiên Hương con gái lớn của anh chị, sau khi có chồng là anh Mc Aree, đã cùng chồng đi Việt Nam thăm quê nội. Máy bay từ Hà Nội đi Bangkok bị cháy và hai vợ chồng đều chết trên chuyến bay từ Việt Nam sang Thái trước khi lên đường về lại Âu Châu. Thật là một tai nạn lớn cho gia đình anh chị Duyên Anh và Ngọc Phương. Chị Ngọc Phương có kể cho tôi nghe: “Có nhiều lần anh Duyên Anh bị vu oan, em tức quá đi thì nhà em hay an ủi em và cũng như tự an ủi: Này em, đừng có buồn. Bụt mà còn bị oan ức nhiều lần mà! (Anh được thầy Nhất Hạnh tặng cho bộ Đường xưa mây trắng, kể về của đời của Bụt Thích Ca do Thầy viết căn cứ phần nhiều từ các kinh Nam Truyền.) Anh chỉ bị oan có vài lần thôi, vậy thì có sá chi mà em phải tức giận.” Anh Duyên Anh có được Thầy mời cùng đi Hà Lan để dự một khoá tu do Thầy hướng dẫn cùng với Linh Mục Daniel Berrigan. Anh cũng rất thích. Nhưng sau này, thấy các vị linh mục khác giúp anh rất thành công để in hai quyển sách Một người Nga ở Sài Gòn và Đồi Fanta nên chúng tôi cũng yên tâm, chưa dám mời anh về Làng lần thứ hai, sợ anh chị mở quán phở bò để dụ thiền sinh ngả mặn thì nguy! Không dè thiếu phần tu học, anh lại bị quá nhiều rủi ro dồn dập mà chúng tôi không có dịp chia bớt gánh lo âu của gia đình dễ thương này. Lần liên lạc cuối cùng chị nhờ tôi nhắn với các nhà xuất bản bên Việt Nam qua linh mục Nguyễn Ngọc Lan là chị không đồng ý cho họ tự ý in nhiều sách của Duyên Anh mà không có phép. Tôi có khuyên chị, nếu có những người cảm phục Duyên Anh vì tấm lòng anh ấy với tuổi thơ thì xin chị dễ dàng cho họ in đi. Thêm một người trẻ đọc những lời văn dễ thương của Duyên Anh, đánh động lòng hào kiệt của tuổi thơ, tuổi mới lớn thì Duyên Anh càng có thêm công đức. Tiền bản quyền cũng không có bao nhiêu đâu.