Làng Cây Phong ở Canada
Ở Canada thiền sinh rất muốn có một trung tâm. Có ba nhóm khác nhau: một nhóm người Việt Nam muốn mở trung tâm nói tiếng Việt, nhóm khác thì muốn mở trung tâm nói tiếng Pháp, nhóm kia thì muốn mở trung tâm nói tiếng Anh.
Nhóm Việt Nam đầu tiên do anh chị Đỗ Quý Toàn và Hà Quyên khởi xướng. Anh chị giỏi và khéo, và rất dấn thân theo con đường Thầy Làng Mai khai mở. Nhờ Thầy ghé thăm Montreal mỗi năm khi mới đi dạy Bắc Mỹ mà Làng Cây Phong hưng thịnh nhanh, nhất là nhờ có các trí thức trẻ như Chân Cơ Trịnh Đình Tấn, Chân Văn Đỗ Quý Toàn, Chân Huyền Hà Dương Quyên, Chân Nhã, Chân Sinh Hoàng Phúc, Chân Hữu, Chân Hội.
Làng Cây Phong tuy năng nổ nhưng thiếu xuất sĩ thường trú nên chưa mạnh, phải có xuất sĩ thì trung tâm mới mạnh. Một anh tên là Chân Huy, anh là cháu của bà Ngô Văn Hiệu, bà Hiệu đã giúp Thầy từ thời lập Nhà xuất bản Lá Bối ở Việt Nam và Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Anh Chân Huy rất thông minh và có tâm nhưng anh rất Tây phương. Nghe Thầy lập Viện Phật học Âu Châu dạy bằng tiếng Anh và tiếng Đức ở Đức thì anh cũng muốn lập Viện Phật học Ứng dụng ở Montreal dạy bằng tiếng Pháp và tiếng Anh ở Canada. Và anh lập liền một Viện Phật học ở Canada. Ở đó học rất nhiều nhưng trên lý thuyết. Sống trong tu viện rất khác, mình được soi sáng, được nhắc nhở tu học 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày thì mới phát triển được. Viện Phật học Bắc Mỹ Châu của anh Chân Huy mở nhiều lớp nhưng không mạnh.
Trực tiếp hướng dẫn làng Cây Phong bây giờ thì có anh Chân Cơ. Ngay từ những năm đầu thị giả dễ thương nhất của Thầy khi đi dạy Canada thì có anh Chân Cơ, anh Chân Hội, Chân Hữu, chị Chân Nhã vợ anh Chân Sinh, chị Phi Thị Nhung ngày xưa học Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Năm 1966, sau khi trường bị liệng lựu đạn thì ba mẹ chị là người Bắc di cư sợ quá, bắt con về. Chị về nhà, lập gia đình nhưng vẫn theo hướng đi của Thầy. Sau này về Canada và liên lạc được với Thầy thì chị trở thành một trong những người năng nổ bền bỉ trong tăng thân. Anh Đỗ Quý Toàn rất giỏi, anh là nhà văn, được nhật báo Người Việt ở Nam Cali mời làm giám đốc nên anh và vợ là chị Chân Huyền cũng chuyển dần dần về Nam Cali và lập Tăng Thân Xóm Dừa. Hồi còn ở Montreal Canada, gặp được Thầy chị Chân Huyền rủ anh Chân Cơ, Chân Hữu, Chân Hội và các anh chị khác đứng ra lập Làng Cây Phong ở Canada. Lúc đầu Làng Cây Phong cũng rất thành công nhưng như Chân Không đã nói, trung tâm của cư sĩ thì không bền như trung tâm có người xuất sĩ. Vì người cư sĩ tuỳ thuộc rất nhiều ở gia đình, vợ chồng con cái.
Canada vùng nói tiếng Anh là Toronto, Edmondton, Alberta và Vancouver. Đa số dân Canada nói tiếng Anh nhưng Thầy có đệ tử Canada nói tiếng Pháp nhiều hơn nhờ nhóm Tiếp Hiện gốc Việt rất năng nổ đứng ra hy sinh lo mọi thứ. Ở cực Tây Canada thành phố Vancouver có chị Jeannie Mc Segie đã lập được Mindfulness Practice Center.
Thầy giáo dạy chánh niệm đầu tiên thành phố Toronto có anh Tiếp Hiện Nguyễn Văn Kỷ Cương, anh là giáo sư Toán, dạy chánh niệm cho các trường trung học rất giỏi. Hồi xưa anh rất thích đi câu cá, sau khi nhận năm giới và trở thành đệ tử của Thầy, anh đã bỏ thú vui đó và tu tập rất hay, sáng chế ra pháp môn dạy học tại trường trung học anh dạy và rất thành công nơi bốn điểm then chốt:
- Dừng lại mỗi 15 phút. Mỗi 15 phút một em học sinh vỗ tay ba cái. Thầy trò đều dừng lại, thầy không giảng, trò không suy nghĩ. Nhờ dừng lại như thế nên tâm các cháu định hơn, theo bài kỹ hơn. Thầy và trò tập dừng lại, thở, không suy nghĩ nên dạy học hay hơn, tiếp thu hay hơn.
- Thầy sửa bài bình tĩnh hơn khi thấy học trò làm sai, không để cơn bực mình kéo đi và không chê trò quá nặng. Sau khi thở vài hơi cho bớt bực, thầy viết: “Con không hiểu bài tại thầy giảng chưa rõ.”
- Học trò thấy tính tình của thầy có tiến bộ, thầy ngọt ngào hơn nên các em vừa cố gắng vừa có niềm tin nơi thầy và thích học với thầy hơn.
- Tình thầy trò có cái gì rất thật nên nếu trong gia đình huyết thống không hạnh phúc thì các em có thể nương tựa nơi thầy hỏi ý kiến.
Bên Canada cũng có quý anh như anh Tư Đồ Minh khá năng nổ trong Gia đình Phật tử Bắc Mỹ Châu, anh Chân Bồ Đề Nguyễn Văn Minh và chị Chân Thường Hỷ Tôn Nữ Diệu Liên đã lập nhóm Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời chuyên lo cho người nghèo và trẻ em trong nước cũng như những chương trình từ thiện khác. Anh chị cũng tổ chức những ca mổ mắt ở những vùng sâu xa Việt Nam, mời nhiều bác sĩ chuyên viên mổ mắt cườm, mắt kéo mây. Họ về tận những miền quê Thừa Thiên, Quảng Trị một lần làm chục ca về phẫu thuật mắt cho người khiếm thị.
Nhưng cống hiến của tăng thân Toronto lớn nhất cho Làng Mai là khuyên các con và em mình đi xuất gia với Thầy. Vị xuất gia rất xuất sắc từ Toronto là thầy Pháp Niệm. Ban đầu thầy chỉ là cánh tay mặt của Thầy mình về thi ca, xướng kệ thiền môn và âm nhạc thiền. Thầy mà xướng các bài kệ cổ của Thầy mình dịch ra Việt văn thì thiên hạ lắng nghe, ai cũng đều rung động tận tâm can. Thầy mình rất hãnh diện về khả năng xướng tán của thầy Pháp Niệm. Thầy nói chỉ nghe Thầy xướng một lần là thầy Pháp Niệm lập lại y chang như vậy mà vì còn trẻ nên giọng dũng mãnh hơn mà không kém thiền vị. Khi đi dạy ở Hoa Kỳ, ở Âu Châu, Á Châu hay Trung Quốc, đi đâu Thầy cũng đọc lớn tiếng Anh ý nghĩa những bài kệ cổ xưa ấy. Có khi Thầy còn viết lên bảng đen chữ Trung Quốc của bài kệ đó. Có thể bài này đã được nhiều thế hệ Trung Quốc xướng tán rồi, nhưng sau khi viết lên bảng đen chữ Trung Quốc bài kệ ấy, Thầy nghiêm túc đọc nghĩa Anh văn, thỉnh chuông xong thì thầy Pháp Niệm xướng lên, giọng thật cao mà hùng, từng câu, từng tiếng Việt thật đậm mùi thiền. Các thầy Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bổn đều rúng động, sảng khoái. Phật tử Trung Quốc không dám khinh thường dân Việt Nam là ai mà sang đây chia sẻ sự tu tập Thiền cho người Trung Quốc. Thầy giảng đến đâu họ nể phục đến đó. Đó một phần cũng nhờ Thầy có đệ tử xướng tán giỏi như thầy Pháp Niệm. Ngoài ra thầy Pháp Niệm cũng dạy rất sâu về 16 hơi thở chánh niệm, vượt thoát sợ hãi tử sinh.
Toronto còn cống hiến cho Làng Mai một nam xuất sĩ rất xuất sắc nữa là Bé Nhiệm, sau này là thầy Pháp Hữu, đến Làng từ lúc mới tám tuổi. Trong nhiều năm ba của thầy cho hai con là bé Nhiệm và chị của bé sang Làng chơi mỗi mùa hè, đến năm 13 tuổi thì bé Nhiệm được xuất gia.
Thầy Pháp Hữu thực tập rất tinh chuyên những điều Thầy dạy. Và đến năm 20 tuổi Thầy cho Pháp Hữu thọ đại giới, năm 21 tuổi làm phó trụ trì của chùa Pháp Vân. Năm 22 tuổi Thầy truyền đăng cho thầy Pháp Hữu. Năm 2011, lúc 24 tuổi thầy Pháp Hữu chính thức trở thành trụ trì của Xóm Thượng. Mỗi lần trước khi cho pháp thoại, thầy Pháp Hữu thường đi thiền hành hoặc uống một ly trà trong chánh niệm để chế tác năng lượng tĩnh lặng và bình an. Mỗi lần thực tập như vậy thầy Pháp Hữu đều mời Thầy của mình cùng có mặt trong mỗi bước chân hay trong ly trà. Được may mắn làm thị giả của Thầy rất nhiều năm nên thầy Pháp Hữu có cơ hội để uống trà trong chánh niệm hay đi thiền hành với Thầy rất nhiều lần và học hỏi trực tiếp từ Thầy. Ở vai trò trụ trì thầy Pháp Hữu được học hỏi cách làm việc với Thầy trong vấn đề tổ chức các buổi lễ lớn và Đại Giới Đàn. Ở vai trò một người em thầy Pháp Hữu thường hỏi ý kiến của các sư anh sư chị lớn và con mắt của tăng thân về những vấn đề trong chúng để giảng pháp có liên hệ thực tế hơn. Thầy giảng xong ai nấy cũng đều tấm tắc khen là rất lợi lạc và sâu sắc.
Ngoài ra ở Toronto cũng có một em nữ cư sĩ thọ giới Tiếp Hiện rồi, và đã đứng ra mở một phòng thực tập chánh niệm cho dân thành phố trong một chung cư.