Điều kiện tu và sống ở Làng Mai

Cư sĩ thường trú

Cư sĩ cũng có thể vào Làng Mai tu và viết đơn xin được vào thường trú, nhưng họ phải ghi tên xin thực tập hai tuần xem có thích đời sống chánh niệm, đi đứng nằm ngồi, làm việc ăn uống trong chánh niệm hay không, có sống hoà hợp được với mọi người không? Họ phải đóng một số tiền tối thiểu mà Làng cần cho mỗi tu sĩ, có nghĩa là họ được bớt 40%. Trên 40 tuổi thì Làng không nhận. Nhưng Chân Không thấy có những người tuy trên 40 nhưng vẫn mạnh khỏe, có nhiều kinh nghiệm ở ngoài đời, có từ bi tâm lớn muốn phụng sự thì khi được chấp nhận vào phụng sự họ lại giỏi hơn những cô tập sự trẻ nên Chân Không xin chúng nhận luôn những người tới 49 tuổi.

Tập sự xuất gia

Muốn tu và sống ở Làng Mai thì mình phải có điều kiện gì? Trước tiên là sức khoẻ: mình phải khoẻ mới tu được nên phải đi khám bác sĩ tổng quát, thử máu xem có bị bệnh truyền nhiễm hay siêu vi gan B, C không. Sau đó mình nói phải vô ở một tháng để coi mình có muốn đi tu thiệt không. Hai tuần lễ đầu phải trả tiền đầy đủ. Nếu mình tu khá thì tuần lễ thứ ba, thứ tư mình khỏi trả. Có những người dở quá thì phải một tháng mình mới cho ở chính thức. Không bắt buộc phải đi tu mới được ở Làng Mai, nhưng người nào đi tu thì có ưu tiên hơn. Nếu vị ấy được chúng quý trọng và dưới 50 tuổi thì Làng có thể cho tập sự xuất gia và xuất gia luôn nếu tha thiết muốn ở lại xuất gia. Như Chân Không đã kể trên, nếu có những người bị quá tuổi nhưng vẫn mạnh khỏe, có nhiều kinh nghiệm ở ngoài đời, phát tâm bồ đề thì khi vô phụng sự họ lại giỏi hơn những cô trẻ hai mươi ba mươi mới tập sự nên Chân Không nhận luôn những người tới 45 – 48 tuổi được đi xuất gia. Ngay thời Phật còn tại thế tăng đoàn khất sĩ cũng không nhận người xuất gia nữ hay nam khi tuổi họ sắp lão niên. Lý do là vì lão niên hay sinh nhiều bệnh, mình chưa làm gì phụng sự cho chúng thì chúng phải phụng sự lại mình vì tuổi già không bệnh này thì cũng có bệnh khác. Vì vậy nếu đi tu khi còn trẻ thì mình làm được nhiều việc chung của chùa và khi đến tuổi già có nhiều bệnh, các sư em lo thang thuốc, giặt giũ cho mình, mình không mặc cảm là mới đi tu chưa làm được gì cho chúng mà chúng đã phải phục vụ cho mình. Phải đảm bảo đúng điều kiện được đi tu như là phải dưới 50 tuổi, dưới 40 tuổi thì có ưu tiên nhiều hơn. Nhưng khi về Việt Nam thì vì có đông người xin quá nên mình nói phải dưới 35 tuổi. Những ai vì bận học hành nghiên cứu đến khi hoàn thành các bằng cấp đã quá tuổi 35 mà có ý nguyện đi tu thì cũng được nhận vào tu. Có người hỏi trong Làng có bao nhiêu tu sĩ thường trực? Nhờ vụ Bát Nhã bị đuổi nên Chân Không xin chính phủ Pháp cấp visa dài hạn cho các thầy các sư cô, tức visa một năm nhưng được tái cấp hoài. Các thầy các sư cô cũng có thể ở 10 hay 15 năm nhưng mình không muốn xin tại vì mình nghĩ chỉ ở khoảng bốn năm hay nhiều nhất là hai lần bốn năm để quen với cách tu rồi mình sẽ cử đi chỗ khác như là Thái Lan để lo trung tâm Thái Lan hay cử về Hồng Kông để lo trung tâm Hồng Kông hay cử về Úc chứ mình không giữ lâu.

Số tu sĩ ở các xóm không cố định, ví dụ như hiện giờ Xóm Mới là 66 người, ở Xóm Hạ là 77 người nhưng có người phải về nhà chăm cha mẹ già hoặc về Việt Nam chữa bệnh thì chỉ còn có 72, Xóm Thượng của quý thầy (gồm luôn Sơn Hạ) thì tới 80 người nhưng có người tu xong năm năm rời chúng, lại có mười mấy người mới xuất gia, rồi cộng với tu sĩ khách thì ở Làng mình có khoảng 200-230 người. Tu sĩ khách thì không trả tiền, chỉ phải làm theo thanh quy, nếu làm không đúng thì sẽ được mời đi.

Mấy người tập sự xuất gia thì từ sáu tháng tới một năm. Trong trường hợp đã từng sinh hoạt tăng thân nhiều năm và từng là cánh tay mặt hay tay trái của một trung tâm và đã qua Làng Mai Pháp tu tập thì chỉ cần ba đến sáu tháng tập sự tại vì đã tu tập lâu rồi ở các trung tâm khác. Ở Làng Mai làm công việc là phụ, việc chính là thực tập chánh niệm. Sau khi thọ giới thì mình làm sa di ni, làm sa di ni một thời gian hai năm thì mình thọ giới thức xoa ma na. Thức xoa là tiền tỳ kheo ni. Như vậy là phải tối thiểu ba năm thì mới thọ giới tỳ kheo ni. Còn bên nam không có giới thức xoa, từ hai tới ba năm mới thọ giới tỳ kheo. Từ tỳ kheo mà lên giáo thọ là từ bốn tới năm năm. Thọ giới lớn bốn năm thì được làm tập sự giáo thọ, người giỏi thì khỏi tập sự giáo thọ nhưng số đó rất ít, phần đông thì phải tập sự giáo thọ một năm. Làm giáo thọ thì được giảng chung với mấy thầy lớn, rồi thầy lớn mới buông tay để mình giảng khoá tu một mình.

Không được đi tu với tài sản vật chất

Theo truyền thống như khi Bụt còn tại thế, các vương tôn công tử đi tu đều đi tu tay không. Một người thợ hớt tóc tên Ưu Ba Ly ở thành Xá Vệ thấy năm công tử dòng quý phái ghé tiệm anh, nhờ cạo râu và tóc của họ. Họ trút hết vòng vàng tặng anh thợ và nói: “Anh hãy xài giùm, chúng tôi đi tu nên không cần nữa.” Sau đó anh thợ hớt tóc cũng quyết định đi tu luôn và bỏ lại châu báu bên đường.

Ở Làng Mai cũng thế, ai đến tu cũng đi tay không. Có một sư em người Pháp ngày xưa khá giàu có, Chân Không đã căn dặn em đi tu thì đi tay không nhé. Cô em đó 48 tuổi đã cho hết gia tài cho con gái lớn của cô, chỉ giữ lại chiếc xe ô tô mới mua. Hồi đó Làng còn nghèo lắm, chỉ mua những ô tô cũ. Một hôm cô muốn đi ra thuyết pháp cho một làng người Pháp vì họ không biết chi về đạo Bụt. Cô định tự động lái xe đi dạy đạo một mình vì trong tăng thân xuất sĩ Xóm Hạ chỉ có mình cô nói tiếng Pháp. Một sư cô lớn cản lại nói:

“Em mới là sa di ni tu chưa được hai năm, chưa đủ khả năng đi dạy đâu. Khi em tu khá, tăng thân sẽ cử em đi dạy và cung cấp phương tiện, xe cộ đưa em đi.”

Em ngạc nhiên nói:

“Xe này của em mua và em cho Làng mà! Xe của em thì em cứ lái đi thôi!”

Sư cô lớn vẫn ngăn nói:

“Em chưa là tỳ kheo ni, cũng chưa là giáo thọ nên chưa được đi dạy.”

Em giận quá, viết thư cho Thầy nói xấu tăng thân khá nhiều từ những tri giác rất sai lầm về chúng. Em thưa với Thầy:

“Con đi bằng xe của con mua và con đem xe ô tô đó tới chứ đâu phải xe của chúng đâu?”

Sư cô lớn dạy em gọi gia đình huyết thống tới và xin trả ô tô về để quên bớt cái ngã “nhà giàu” của em một chút, đề nghị em nên kêu con gái tới đem ô tô của em trả lại cho gia đình. Điều đó nhắc em là em phải đi tu tay không, bình đẳng với mọi người. Nhưng tính bồng bột của em chưa dứt nên em vừa trả xe hơi cho con gái xong thì em cũng đi về nhà và bỏ tu luôn.

Những khó khăn của Làng Mai

Ở Tây phương thì ai sinh ra cũng có đạo Chúa, dù không đi nhà thờ người ta cũng coi mình là đạo Chúa. Nếu con của họ theo đạo Phật thì họ coi như là nó phản đạo, mất gốc vậy. Các bậc cha mẹ tiến bộ đồng ý cho con đi tu, nhưng con tu tới năm thứ ba thì họ nói tưởng con ham vui đi tu thôi! Tại vì con họ đã từng có nhiều dự án mà dự án nào cũng không kéo dài quá một năm, tại sao bây giờ nó tu ba năm rồi mà chưa bỏ? Mình mời bà mẹ của thầy hay của sư cô đó tới chơi. Theo luật ở Làng Mai, nếu là mẹ của một sư cô là mẹ của tất cả các sư cô. Sư cô A đi tu, mẹ của sư cô A tới thì tất cả sư cô đều cưng mẹ, lo cho mẹ từng chút. Bên các thầy cũng vậy, bác có một đứa con trai đi tu nhưng tới đây thì 45 thầy đều là con của bác. Anh chị em các thầy các sư cô cũng được tới ở miễn phí.

Nhưng có nhiều gia đình tới đông quá nên họ tự đóng góp để giúp thêm cho chùa. Thường thì trong gia đình Việt Nam hễ có một người đi tu thì mấy người anh em, chị em xúm nhau đi tu luôn. Có gia đình có tới năm, sáu người xuất gia với Thầy.

Cư sĩ vào Làng không được ăn mặn, đem thịt vô sẽ bị đuổi liền, không ăn trứng gà nuôi công nghiệp, không được mua cheese. Nói như vậy nhưng cheese từ những con dê được nuôi trên núi, không phải phá mấy chục mẫu rừng để làm trại chăn nuôi lớn thì vẫn được ăn. Nhưng Thầy khuyên đừng ăn để khỏi bàn cãi cái này nuôi trên núi, cái kia không nuôi trên núi. Nếu trong trường hợp anh chị em nào bị bệnh cần ăn thì mình xin phép chúng.

Trong cách làm việc và tu tập của xuất sĩ thì đi đâu mình cũng phải có second body, tức thân thứ hai (đệ nhị thân). Ban đầu mình thấy hơi lạ nhưng sau mình biết xuất xứ từ trong kinh của Phật nói một nữ tu đi đâu thì không được đi một mình. Đi một mình là phạm giới, tại vì một lần có một sư cô đi về thăm nhà một mình. Sư cô đi giữa rừng thì bị người xấu hãm hiếp. Từ đó các ni sư chế thêm luật phụ nữ không được đi một mình mà phải đi hai ba cô. Trong thế kỷ 21 Thầy Nhất Hạnh nói, mấy thầy cũng phải có thân thứ hai. Tuy mấy thầy không bị hãm hiếp trong rừng nhưng ngoài thành phố có những người tạm gọi là nữ Phật tử ban đêm có thể làm cho thầy mất giới. Ngay trong những khoá tu lớn có thời tham vấn riêng, vì đông quá mà họ đòi tham vấn riêng mà một hai người thì không đủ cho nên có những thầy ngồi tiếp một cô riêng nhưng phải ngồi chỗ thanh thiên bạch nhật để thiên hạ đi qua đi lại đều thấy. Thầy tiếp tham vấn với một cô thì được nhưng kéo ghế ngồi riêng với một cô trong rừng vắng thì không được. Làng mình rất kỹ về mấy vấn đề đó.

Trong Làng không làm phòng cho hai người ở. Thầy nói phải có ba người, lỡ hai người có vướng mắc (nữ với nữ hay nam với nam) thì có người thứ ba biết, báo cáo cho đại chúng. Trong phòng thì thường là ở ba hay năm người chứ không có hai hay bốn người.

Trong những khoá tu xuất sĩ thì có tu sĩ của các nước tới nhiều, thường là người tu của các nước Á Châu như Indo, Đại Hàn hay Đài Loan tới xin học hỏi. Sau này mặc dù Thầy đột quỵ và không còn ở Làng nữa, nhưng số người xin xuất gia ở Xóm Thượng ngày càng đông mà toàn là mấy em Tây phương, Trung Mỹ, Nam Mỹ. Họ tu rất đàng hoàng. Thầy cho chương trình tu năm năm. Thầy nói mình học chương trình kỹ sư năm năm thì tu cũng năm năm. Nếu mới năm đầu mà mình rớt thì cũng được. Tu được bốn năm thì cái học của mình mới nhuyễn và quyện vào đời của mình. Sau khi tu năm năm mà thấy hạnh phúc quá thì mình tiếp tục suốt đời, còn nếu không có hạnh phúc thì mình đi ra. Nhờ chương trình tu năm năm mà người Tây phương được khuyến khích. Thầy nói, anh bỏ năm năm để học kỹ sư hay thạc sĩ thì trong năm năm đó anh cũng như một người tu. Nếu có cô bồ này tới cô bồ khác thì làm sao anh ra trường nổi. Ở đây anh cũng phải tập như vậy.

Việc làm của các giáo thọ

Trong những khoá tu

Lúc đầu thì Thầy giảng bài pháp thoại chính. Mình còn có những buổi pháp đàm. Pháp đàm, thứ nhất là để lắng nghe thiền sinh có những khó khăn gì cần được giúp. Sư cô hay thầy trưởng nhóm pháp đàm ghi nhận và báo cáo cho giáo thọ để cho bài pháp thoại, tuy cũng vẫn là giảng về pháp Phật nhưng đi vô thực tế để soi sáng cho người nghe đang có vấn đề. Bài pháp thoại mỗi ngày mỗi thích hợp hơn và chỉ đường gỡ rối chung cho thiền sinh. Thiền sinh nói ra những điều mình suy nghĩ, những khổ đau trước khi tới tu tập và họ đã học được gì ở khoá tu để giải quyết những khó khăn của mình. Mỗi nhóm pháp đàm có nhiều nhất là 25 người cho nên số giáo thọ đi theo Thầy phải đủ để một người có thể chăm sóc cho 25 người. Vì vậy, nếu một khoá tu có 1000 người tham dự thì sẽ có 40-50 giáo thọ đi theo. Mình nghe Thầy giảng, mình lắng nghe khổ đau của người khác. Mỗi người có 3-5 phút để chia sẻ hoặc đặt câu hỏi luân phiên nhau. Ai không có gì để nói thì chắp tay xá rồi tới người kế tiếp. Buổi pháp đàm chấm dứt lúc 5 giờ thì khoảng 4 giờ 45 vị giáo thọ cho một bài pháp thoại ngắn để trả lời các câu hỏi dễ, còn những câu hỏi khó thì họ sẽ đem về trình lên Thầy để Thầy trả lời.

Sau này không có Thầy thì ban giáo thọ đề cử người để nói pháp thoại. Trước khi cho pháp thoại vị giáo thọ cũng phải căn cứ trên những câu hỏi tức những ưu tư của thiền sinh. Tuy mình đã có một dàn bài nhưng mình phải lồng vô bài pháp thoại câu trả lời cho những khó khăn của thiền sinh. Và cuối cùng mình có một buổi câu hỏi và trả lời. Có những câu hỏi mà thiền sinh không muốn chia sẻ ở giờ pháp đàm theo nhóm vì có khó khăn hay vì vấn đề quá cá nhân nên họ viết thư riêng bỏ vào chuông. Các thầy các sư cô lấy ra đưa cho người nói pháp thoại để vị đó trả lời những ưu tư của thiền sinh nhóm mình. Cảnh sát công an cũng có những sợ hãi của cảnh sát công an. Người Palestinian và người Do Thái cũng có những khổ đau của họ. Doanh nhân cũng có những khổ đau và khó khăn của doanh nhân.

Trong mùa An Cư

Ở Làng Mai mùa An Cư rất quan trọng. Thầy muốn giữ truyền thống như hồi Bụt còn tại thế, đi sát với cách Bụt dạy càng nhiều càng tốt. Hồi Bụt còn tại thế mặc dù vua quan ai cũng cần những buổi giảng để cúng dường và nghe thuyết pháp nhưng Bụt vẫn kêu các thầy các sư cô tới an cư trong một khu rừng. Bụt chọn mùa mưa để an cư tại vì mùa đó côn trùng bò ra đầy mà nếu có nhiều người đi thì sẽ giẫm chết côn trùng. Thành ra những mùa có nhiều côn trùng và mưa nhiều thì tăng đoàn ở lại một chỗ.

Bên mình cũng vậy, mình chọn tháng mùa đông lạnh không ai tới để an cư. Làng Mai ở Pháp tránh mùa hè tại vì mùa hè có khoá tu cho quần chúng và gia đình. Vì vậy khoá an cư 90 ngày cho người tu thì phải lựa mùa không có quần chúng tới. Ban đầu mình chọn ba tháng mùa đông từ tháng 11 tới tháng Giêng, nhưng khổ nỗi trong tháng 12 có lễ Giáng sinh và Tết Tây mà bên này là những nước có truyền thống Thiên Chúa giáo. Ngày Giáng sinh và Tết Tây là ngày quan trọng nên họ muốn tới tu tập. Vì vậy mình đổi lại thành An Cư xuất sĩ trong ba tháng mùa thu, có giới trường và không rời giới trường, không đi ra ngoài khi không có tăng sai. Thiền sinh mới tham dự khoá tu Mùa Hè xong trở về đi làm việc và mình có riêng được ba tháng an cư, nghỉ ngơi, đi bộ ngắm lá vàng, trồng rau lượm hạt dẻ, hái táo, lượm mận, làm mứt trong chánh niệm. Trong những tháng này Thầy chỉ dạy Kinh, Luật, Luận, giải quyết và dạy chúng những khó khăn nội bộ.

Qua mùa An Cư thì thiền sinh chuẩn bị tới để mừng Giáng sinh ở Làng Mai cho sự tu tập tâm linh được sâu sắc hơn. Đây cũng là văn hoá của các vị xuất sĩ gốc Thiên Chúa ở phương Tây. Mình cũng trang hoàng hang Chúa ra đời, có ba ngôi sao dẫn đường tới. Chúa chọn sinh ra trong một gia đình nghèo nhất, một gia đình tị nạn. Chúa Jésus cũng là một người tị nạn. Vua David đòi giết hết con nít sinh cuối năm tại vì ông được báo tin là sứ giả của Thượng Đế sẽ ra đời trong tháng này. Maria và Joself quyết định đi tị nạn vì sợ con bị giết. Cuối cùng Jésus được sinh ra trong một hang lừa. Văn nghệ mùa Giáng sinh thì các sư cô (Tây phương) đóng vai Mẹ Maria ôm một em bé trong hang lừa và trình bày rằng đó là một thông điệp của Thượng Đế cho biết còn rất nhiều những người tị nạn đang đau khổ. Trong hàng ngàn chú bé tị nạn mà các bạn cứu giúp biết đâu có một đấng cứu thế tương lai? Là một con chiên của Thượng Đế thì mình phải chăm sóc những người tị nạn tại vì mỗi người tị nạn có thể là một Ki Tô trong tương lai. Tết Tây mình đốt một đống lửa lớn, phát nguyện sang năm mới mình sẽ bỏ hết những tập khí cũ và làm những điều lành.

Nếu tổ chức những khoá tu đông người thì mình chọn những ngày hợp với văn hoá và sự kiện lịch sử. Ở Việt Nam thì có 30 tháng 4 hay ngày Quốc khánh 2 tháng 9. Trong dịp đó nhiều người được nghỉ năm, mười ngày nên mình chọn những ngày đó để tổ chức khoá tu cho người Việt. Ở Thái Lan mình chỉ giảng tiếng Thái trong những ngày lễ Thái. Người Việt Nam đi Thái rất gần không cần xin chiếu khán nên mình làm những khoá tu lớn chỉ nói toàn tiếng Việt ở Thái Lan, thường là vào tháng 6 và Tết Việt. Ở Việt Nam thì mình giúp một số chùa để làm khoá tu cho đồng bào.

Ngày trước trong suốt ba tháng An Cư thì Thầy giảng sâu về giáo lý cho các xuất sĩ. Cư sĩ cũng có thể tới an cư chung với xuất sĩ trong ba tháng. Đó là điểm đặc biệt của Làng Mai, rất tiến bộ và cởi mở.