Những khoá tu ở Làng Mai
Từ năm 1987 đã có anh Lê Văn Hoàng về tu tập. Anh là bác sĩ ở Cognac. Mỗi tuần anh về ba bốn ngày. Anh và chị Tịnh Thuỷ thương nhau nên Thầy cho làm đám cưới ở Làng. Sau này cả hai người cùng xuất gia và tu ở Làng luôn.
Hồi đó mình không có nhiều tiền nên hà tiện không dám mua máy video. Khi anh Hoàng về Làng thì anh có mang theo máy video, cái máy rất xưa. Anh quay những bài giảng của Thầy dưới các hệ Pal và NTSC, mình cũng thu thanh và cho vô cassette nhưng chất lượng không ổn định. Sau này mình đổi qua CD. Đến khi chúng xuất sĩ đông hơn và có nhiều người giỏi về kỹ thuật thì các băng giảng mới được chuyển qua CD và bây giờ thì dạng kỹ thuật số. Tuy nhiên mình đang tìm cách để khôi phục lại toàn bộ bài giảng của Thầy trước khi các băng giảng ngày xưa bị hư.
Mùa An Cư
Trong khoá tu Mùa Đông, Tu viện Làng Mai có giới trường, các vị xuất sĩ và cư sĩ dự An Cư không được đi khỏi Xóm Thượng, Xóm Hạ và Xóm Mới. Muốn đi ra Ste-Foy- La-Grande thì phải xin phép. Ngày quán niệm của xuất sĩ thì mình vô Sơn Cốc tức Phương Khê, nơi Thầy ở để tu tập.
Mỗi mùa đông thì Thầy giảng kinh. Năm đầu tiên Thầy giảng kinh Nam Truyền, cho mình đi qua từng kinh như Trường A Hàm, Trung A Hàm… Thầy ghi tóm lược từng kinh. Kinh nào quan trọng thì Thầy giảng dài ra. Ví dụ Thầy nói: “Kinh này là gốc của kinh A Di Đà. Đây là kinh Nam Truyền tức kinh đầu tiên Phật nói nhưng vì phương tiện quyền xảo nên người ta biến thành kinh A Di Đà. Kinh này thì sau biến thành kinh Hoa Nghiêm.” Hoa Nghiêm là tuệ giác rất cao của đạo Phật. Kinh Hoa Nghiêm không phải do Phật nói nhưng căn cứ trên những điểm dạy của Phật trong kinh Nam Tông. Các thầy Đại Thừa nghĩ rằng phải giảng như vậy mới đúng theo tinh thần phóng khoáng của Phật Thích Ca. Họ viết ra mà không dám nói thiệt, họ nói chắc Phật lên cung trời Đâu Suất để giảng cho mẹ là bà Maya. Có khi nói Phật đi xuống Long Cung để giảng cho vua Rồng. Thầy nói, bây giờ trong khảo cổ người ta biết những kinh đó không phải do Phật nói. Ngày xưa các thầy không dám nói thiệt là kinh Đại Thừa không phải do Phật nói tuy tư tưởng là của Phật. Các thầy đã cô đọng hoá giáo lý của Phật và viết lại rất hay như kinh Kim Cương hay kinh Hoa Nghiêm. Đó là viên ngọc quý của nhân loại do những thầy tiếp nối Phật rất thâm sâu viết lại. Hồi xưa các thầy không dám nói như vậy nhưng bây giờ thầy Nhất Hạnh thì dám nói thiệt. Ban đầu Phật dạy có Năm giới, rồi giới Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Hồi thời đó không có trò chơi điện tử… cho nên Phật không chế ra giới đó. Nhưng bây giờ để hộ trì thân và tâm của người tu thì Thầy viết ra thêm thôi. Thầy viết ra Mười bốn giới Tiếp Hiện cũng căn cứ trên giới Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, giới Bồ tát và những phương pháp chánh niệm mà chư Tổ đã dạy. Thầy nói Thầy không có mặc cảm gì cả, con thua cha thì nhà không có phước. Thầy là con của Phật và chư vị Bồ tát thì Thầy phải làm thôi. Nếu nói Phật đi lên cung trời Đâu Suất giảng thì bây giờ không ai tin cho nên mình phải nói thiệt.
Trong ba tháng mùa đông thì Thầy chỉ giảng kinh thôi. Qua ba tháng mùa đông thì Thầy “đi vào đời”. Để khuyến khích những người trẻ ham đi tu thì Thầy dạy rất sâu vào Truyện Kiều. Người trẻ rất thích nên các thầy, các sư cô đánh máy ra các bài giảng thành cuốn sách Thả một bè lau. Thầy giảng hết những gì đi với thời sự “nhìn sâu, thấy kỹ, thương nhiều”. Thầy giảng rất sâu về cái hố ngăn cách giữa tuổi tác, vợ chồng vì những tri giác sai lầm. Những băng giảng của Thầy là vô giá mà mình chưa đánh máy hết. Chân Không tưởng tượng 100 năm sau khi Thầy tịch thì vẫn còn băng của Thầy để đánh máy ra, cô đọng lại và in thành sách rất hay.
Khoá tu Mùa Hè
Cách tu học ở Làng trong những năm đầu thì trong mùa hè, một ngày Thầy cho pháp thoại bằng tiếng Pháp, ngày thứ nhì Thầy nói tiếng Việt và ngày thứ ba thì Thầy nói tiếng Anh, ngày thứ tư Thầy nói tiếng Pháp. Nhưng số thiền sinh Pháp không tăng mà số thiền sinh nói và hiểu tiếng Anh tăng quá nhiều. Trong tuần có bảy ngày thì có một ngày làm biếng, hai ngày giảng bằng tiếng Anh, một ngày giảng tiếng Pháp, một ngày tham vấn tức câu hỏi và trả lời, một ngày thiền sinh cũ đi và một ngày thiền sinh mới tới.
Sau này Thầy nói để Thầy cho thêm Xóm Trung một buổi giảng bằng tiếng Việt, tại vì khi Thầy giảng tới đâu mà có những cặp mắt Việt Nam sáng lên hiểu và tâm đắc thì Thầy mới hứng khởi giảng tiếp. Còn ngồi giảng ở thiền đường lớn, nếu trước mặt Thầy chỉ toàn là người Tây phương thôi thì làm sao Thầy giảng tiếng Việt được. Nhìn Thầy giảng bằng tiếng Việt không được phải kêu mấy người Việt mặc áo dài đẹp lên ngồi phía trên thì cũng chỉ một hai hàng nên mình phải đưa tiếng Việt về Xóm Trung.
Đúng ra thiền thất là bảy ngày nhưng trừ hai ngày cuối tuần còn lại người ta chỉ cần bỏ ra năm ngày là đủ. Nếu bắt người ta bỏ nguyên một tuần thì chắc ít người tới tu học. Trong những năm bắt đầu đi giảng, từ năm 1981 tới năm 1987 thì những khoá tu kéo dài trong năm ngày.
Khoá tu chỉ một ngày
Tuy vậy, có những trung tâm phục Thầy quá mà không đủ điều kiện tổ chức dài ngày nên xin Thầy tổ chức khoá tu trong một ngày thôi. Trung tâm đầu tiên là Spirit Rock ở vùng Woodacre, miền Bắc Cali. Trung tâm này rất nổi tiếng vì rộng rãi và rất gần với thiên nhiên. Một bài đánh giá về mười trung tâm thực tập nổi tiếng nhất trên thế giới của đài CNN đã xếp hạng trung tâm này thứ nhất và Làng Mai thứ hai. Khi Thầy tới thì có 2.000 người ghi tên tham dự. Không có chỗ đi thiền hành nên phải chia làm ba nhóm đi thiền hành, Chân Không dẫn một nhóm, quý thầy dẫn một nhóm. Thầy dẫn một nhóm.
Đến giờ thuyết pháp cho 2.000 người, ngồi giảng trong một cái chòi, ở phía dưới người ta ngồi đầy cả ba bốn ngọn đồi và để loa cùng khắp.
Chân Không rất phục cách làm việc của người Tây phương. Thời khoá biểu bắt đầu ngồi thiền sáng sớm giữa đồi núi bao la từ 7:30 đến 8:30. Ghi tên đóng học phí từ 7:30 đến 9:00. Thầy đứng trên bục cao giảng cách đi thiền hành, xong chia làm ba nhóm thực tập đi thiền được hướng dẫn bởi Chân Không, thầy Pháp Ấn và Thầy.
10 giờ 30 sáng, Thầy giảng bài thuyết pháp quan trọng về chánh niệm, dạy sống không phí phạm 24 giờ tinh khôi, cách ăn cơm trưa trong chánh niệm. Tiếp theo Chân Không dạy thiền buông thư, người ta cũng ghi âm luôn thiền buông thư, rồi tới phần câu hỏi và trả lời. Tới 5 giờ chiều mình ngừng, người ta ra về lúc 5 giờ rưỡi thì đã có nguyên bộ băng thu từ sáng cho tới 5 giờ chiều. Chân Không rất phục kỹ thuật bên Hoa Kỳ.
Bên Làng thì Thầy nói mùa hè người ta mới rảnh, phần đông người Việt qua đây đi làm không đủ nuôi con, có thì giờ đâu mà bỏ đi chơi. Vì vậy Thầy đề nghị, mùa hè ở Âu Châu ai cũng đi nghỉ hè trong tháng 7, 8 nên Thầy dành bốn tuần từ giữa tháng 7 tới giữa tháng 8 cho khoá tu Mùa Hè.
Các khoá tu khác của Làng Mai
Sau này, ở mỗi xóm, ai đi tham dự khoá tu thì phải đóng tiền ăn, ở giống nhau. Những lúc Làng không có mở khoá tu chung thì thiền sinh tới tu tập ở xóm nào thì trả tiền cho xóm đó, ví dụ có 15 người tới tu ở Xóm Thượng thì tiền thuộc về Xóm Thượng. Vì vậy mỗi xóm tuỳ vào nhân lực và khả năng của mình mà tổ chức những khoá tu có tính cách chuyên đề riêng. Xóm Mới có Khoá tu nấu ăn trong chánh niệm. Xóm Thượng và Xóm Hạ hay có khoá tu Wake up (người trẻ tỉnh dậy đi), Phật tử hay không Phật tử cũng cần tỉnh dậy để che chở địa cầu. Trên Xóm Thượng thầy Pháp Lữ đề nghị mở Khoá tu sức khỏe. Thầy bắt nhịn đói rồi cho đi bộ từ Xóm Thượng xuống Xóm Hạ rồi từ Xóm Hạ tới Xóm Mới luôn, đi bộ 24 cây số rồi đi bộ trở về. Người ta nghe tới sức khỏe thì thích lắm, thầy không cần năn nỉ xóm nào nấu ăn giúp, chỉ cho họ ăn bánh mì nhẹ nhẹ rồi đi bộ. Vậy mà người ta ghi tên cũng đông.
Gần Xóm Thượng là Xóm Tây Hồ thì biến thành Happy Farm (Nông trại hạnh phúc) nên có Khoá tu trồng cây trong chánh niệm của Happy Farm.
Các khoá tu truyền thống của Làng là Khoá tu Mùa Hè (4 tuần) chủ yếu cho các gia đình cùng tu tập, Khoá tu Mùa Đông (3 tháng) cũng là khoá an cư kết đông đi sâu vào nội điển, khoá tu tháng 6 (3 tuần) mỗi hai năm có một lần. Khoá tu 3 tuần vào tháng 6 là khoá tu chuyên đề, khoá đầu tiên thành công nhất là Khoá tu doanh nhân. Sau này người Pháp tu tập ngày càng đông nên mình có thêm Khoá tu dành cho người nói tiếng Pháp và Khoá tu cho người Ý để Thầy đỡ phải đi qua Ý dạy mà người Ý mướn xe buýt về tận Làng để tu học.
Ngay những ngày đầu tiên qua Mỹ mở khoá tu Thầy đã giảng cho những người bảo vệ môi trường (environmentalist) nổi tiếng thế giới và Khoá tu cho văn nghệ sĩ trong Ojai Foundation ở Cali. Đó là một trung tâm mà cô giám đốc Joan Halifax là nhà bảo vệ sinh môi hơi lập dị. Cô này có nhiều bạn thân giàu lắm như con gái ông Rockefeller nhưng cô cố ý xây những ngôi nhà ở rất đơn sơ và không có nhà vệ sinh, không có phòng tắm trong phòng ngủ như mọi nhà. Giữa khu đất rậm, cô cho làm một cái hố thật to, có cầu gỗ bắc ngang và đi vệ sinh trong những nhà gỗ đó như hồi xưa ở nhà quê. Muốn tắm thì có bảng vẽ mũi tên chỉ về phía góc rừng. Mình đi về phía đó thì nếu nghe tiếng nước xối là có người đang tắm. Mình phải hô to: “Có ai tắm phải không?” Nếu có thì họ nói “tôi đang tắm” và mình rẽ đi ngả khác. Có hôm đi nhẹ nhàng trong rừng mình thấy có một cô “tiên nữ” tắm không mặc quần áo! Trung tâm này bảo vệ sinh môi, rác hữu cơ từ thức ăn không hết, biến thành phân bón cây. Khoá tu có 37 người mà phần nhiều là con các ông lớn tỉ phú như là Rockefeller, con trai Tối cao Pháp viện Ấn Độ, con gái lớn nhà sản xuất Ketchup toàn cầu, nhiều văn nghệ sĩ con nhà trưởng giả cũng ưa ghi tên trong những khoá tu có đời sống đơn giản như vậy. Ojai Foundation Center nổi tiếng ecologist, naturalist số một ở trong những cảnh núi rừng rất lớn.
Trong Khoá tu văn nghệ sĩ đầu tiên, có một nghệ sĩ điêu khắc một bức tượng trên vách đá, những bức tranh thật lớn gần 1/3 của đồi núi. Thầy nói điều mà Đạo Bụt dấn thân áp dụng trong Khoá tu bảo vệ môi sinh là đem chánh niệm tức một trong tám con đường chân chánh (Bát chánh đạo) mà soi sáng cho sức khoẻ của trái đất giúp cho mình biết nên làm gì và không nên làm gì để bảo vệ Đất Mẹ. Từ những khoá tu đó mà ở Làng Mai mình bắt đầu có những khoá tu đặc biệt như khoá tu về cách trao truyền sự sống chánh niệm cho con cái. Từ đó phát sinh ra Khoá tu cho thiếu nhi, Khoá tu cho những người làm công tác xã hội, Khoá tu cho những nhà tâm lý trị liệu.
Rồi mình có khoá tu gọi là Helping Professionals dành cho những người làm việc ngày đêm như bác sĩ các ca đêm, y tá, giám đốc và nhân viên làm trong các trại tâm thần, các người tâm bệnh nặng. Nhiều lúc chán nản quá họ có thể tự tử hay nặng tay nặng lời với vợ, với chồng con hay với những người mà họ đang phục vụ. Và khoá tu cho doanh nhân cũng bắt đầu từ đó.
Khoá tu cho doanh nhân được tổ chức đầu tiên tại Làng Mai Xóm Mới bắt đầu là như thế này: Khi qua Thuỵ Sĩ thuyết pháp thì Thầy và tăng thân được ông Beat Curti mời về nghỉ tại nhà ông. Anh Thomas Luchtinger năn nỉ mình chịu khó ở nhà ông bà Curti để cho họ được học hỏi. Ông Curti bảo trợ một cuốn phim về Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà Thomas quay trong chuyến đi Ấn Độ của Thầy một năm trước đó. Phim rất thành công và ông Curti cũng muốn tu tập. Ông làm chủ hàng trăm khách sạn. Nhà ông rất lớn có vườn rộng bên bờ hồ trong một thành phố nhỏ, trong vườn trồng cả trăm loại hoa rất đẹp, đắt và quý nhưng ông không biết hưởng. Thầy dạy ông đi thiền hành, dạy ông tập khám phá và tận hưởng cái đẹp của từng cánh hoa mong manh. Mình đâu cần nhiều tiền làm chi, chết cũng không đem gì theo hết?
Thầy nói, mình sẽ tổ chức khoá tu cho doanh nhân ở Làng Mai. Thầy nói: “Làng chúng tôi đơn sơ thanh bạch nhưng biết tu, biết nhìn và tận hưởng thì cũng đủ đẹp. Các phòng mới xây của Xóm Mới Lưng Đồi không bằng nhà người giúp việc của ông nhưng nếu 32 người bạn, nhân viên của ông sang tu học năm ngày cũng có hạnh phúc và có thể chuyển hoá cách nhìn cuộc đời. Nhưng mấy ông doanh nhân phải chịu khó về ở cực một chút nhé.” Một số lớn các doanh nhân nói rằng khoá tu đã giúp họ chuyển hoá đem lợi lạc cho gia đình họ và nhân viên họ suốt năm. Doanh nhân về tu học ở trong những phòng rất đơn giản. Thầy dạy trong năm ngày liên tiếp, được chép xuống và in thành sách The Art of Power.
Khoá tu về sinh môi ở Ojai Foundation quá nhỏ, mình có làm một khoá khác cho environmentalists ở một chỗ khác cho 600 sinh môi gia. Thầy cũng có khoá tu cho cô giáo thầy giáo hay khoá tu cho các tác viên xã hội được tổ chức ở những chỗ đàng hoàng hơn chứa được 500 tới 600 người.
Khoá tu các chính trị gia bắt đầu nhờ một ông dân biểu thượng viện đọc được quyển the Heart of Understanding (Thầy giảng về Tâm Kinh Bát Nhã). Cuốn sách này mỏng ông mới có thì giờ đọc, nhưng nghe ra sao sâu sắc quá. Sao mà sắc tức thị không rồi cuối cùng liên hệ cả cô gái bán hương vì nghèo đói lại liên hệ với anh, với tôi người giàu sang sạch sẽ… Những liên hệ tương tức, hợp lý…, ông thượng nghị sĩ đó đã đề nghị với nhóm Faiths and Politics nên mời ông thầy tu này giảng một buổi tại Library of Congress (Thư viện Quốc hội) vào năm 2003. Sáng kiến của Pritam, Smith Kennedy và Arnie Kotler là mời danh hài Gary Shandling, đại danh hài nổi tiếng Hoa Kỳ lên giới thiệu Thầy thì mới mong có Congressmen chịu đến nghe thầy giảng. Xứ này là xứ của Thượng Đế hay xứ của vô thần, e ông thầy tu Phật giáo không đủ hấp dẫn giới chính trị gia. Quả thật thế. Rất nhiều người không biết Thầy là ai nhưng họ rất “mê” đại danh hài Gary Shandling này nên tò mò tới nghe giảng. Và khi Gary nói: “Tôi gốc người Do Thái quý vị biết không, tôi xài tiền rất kỹ đó (ở dưới cười rần rần) nhưng với ông thầy tu Phật giáo này… tôi phải tự bỏ tiền ra mua vé máy bay, bay từ Cali qua Washington DC, làm… quảng cáo không công cho ổng?!” Cái mặt anh chàng này xem tếu tếu nên chỉ nói thế mà thiên hạ cũng ôm bụng cười. Anh tiếp: “Nếu không có những đề nghị tế nhị khéo léo của ông thầy tu này trong cuốn sách này, tôi đã mất những mối quan hệ quý giá vô cùng trong đời tôi, nhất là cô bạn gái yêu thương nhất của tôi.” Sau pháp thoại, ban tổ chức mời các dân biểu, thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ đều nên đến thử tu hai ngày thôi và khoá tu cũng được 22 dân biểu tham dự trọn ngày thứ bảy và cho đến trưa chủ nhật. Trưa chủ nhật thượng nghị sĩ Blair có đưa quý thầy, quý sư cô tháp tùng theo Thầy đi thăm toà Bạch Ốc và các phòng họp của Thượng và Hạ Viện.
Năm 2011, lại có một khoá tu thứ hai cho dân biểu cũng tại nhà nghỉ dưỡng gần Congress House. Lần này có thượng nghị sĩ Paul Leahy và đông đảo các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ khác (xem Lá thư Làng Mai 2011/2012). Lần này nhiều thượng nghị sĩ tham dự hơn nên ngày 19/4 năm 2019 mới có 15 thượng nghị sĩ đi Việt Nam và xin đến chùa Từ Hiếu để đảnh lễ Thầy cho được. Họ rủ được vợ hay chồng đi theo chắc nhờ sau khoá tu năm nào họ có nhiều hạnh phúc với gia đình. Ông nào cũng ngồi sà xuống đất kế bên Thầy để báo cáo sự tu học của mình.
Đặc biệt nhất là Khoá tu cho thiếu nhi. Cho tới khi Thầy ra hải ngoại dạy Đạo Bụt dấn thân thì không có chương trình nào chăm sóc cho trẻ con. Khoá tu cho thiếu nhi được tổ chức lần đầu ở Santa Barbara Hoa Kỳ năm 1986, trong một tu viện Công giáo rất đẹp. Bố mẹ phải đi theo để ủng hộ con. Thầy dạy cho con nít tập nói “yes”, vì thường thì cha mẹ nói gì các cháu (Tây phương) cũng nói “no”. Bây giờ các cháu tập đi thiền hành và thực tập: hễ thở vào các cháu nói “yes”, thở ra cháu tập nói “thank you”. Nhìn vô cái gì mình cũng nói “yes”. Mình chưa nhìn sâu, chưa thấy rõ mà đã nói “no” (không) như vậy là ẩu và uổng lắm. Thầy dạy mình tập nói “yes” (dạ, vâng ạ) trước. Rồi mình thở, mình nhìn sâu rồi mình mới thấy rõ hơn các mặt tích cực của người đó, của sự việc đó. Nói “yes” chưa đủ, mình còn phải nói “thank you” nữa. Ví dụ sáng nay mẹ biểu ăn miếng bánh mì, thay vì nói “no” thì mình nói “yes” trước đi, rồi nhìn sâu một chút mình thấy được ăn bánh mì sướng lắm tại vì có nhiều đứa trẻ sáng nay đi học mà không có gì trong bụng hết. Mình có miếng bánh mì rất ngon nên mình nói “thank you”. Mình cám ơn mẹ cho miếng bánh phết kem nutella. Nutella đến từ chất cacao của các nước xa xôi mà trẻ em ở đó chưa chắc được ăn. Rồi trong kem Nutella phết bánh mì của mình có sữa con bò mẹ, có người vắt sữa ra gửi đến trộn với cacao béo thành chất nutella béo cho mình ăn sáng. Rồi nhìn sâu vào ánh mắt mẹ còn có nụ cười của mẹ nữa. Yêu biết bao nhiêu. Mình tận hưởng miếng bánh mì, thưởng thức được bánh mình, kem nutella có chất cacao và sữa bò và tình yêu của mẹ. Thầy dạy các cháu như vậy.
Nhưng ba thì bận quá, ngồi ăn ba hay quên nhìn mẹ và nhìn các con, ba cứ trả lời điện thoại miết. Mình vỗ nhẹ nhẹ vai ba, hỏi ba với một nụ cười thật vui: “Có ai ở trong này (là ở trong tâm ba) không?” Ba giật mình biết là ngồi kế bên con trai hay con gái mà tâm mình đi chơi ngoài công việc nên ba mỉm cười với mình: “Ba có mặt cho con đây, con hạnh phúc không? Ba không để tâm chạy theo công việc.” Ba hôn con thật chánh niệm, cám ơn con và mẹ đã chánh niệm thức tỉnh ba.
Thầy dạy con nít khi đi thiền hành nhớ nói: Yes, yes, thank you, thank you. Chân Không dạy thiền ăn, nhìn miếng bánh mì hay chén ngũ cốc mình nói “Hello cereals”, uống một ngụm sữa mình nói “Hello chào em sữa bò mẹ thơm ngon”, ăn một miếng cheese mình nói “Hello chào miếng cheese”, mình phải cám ơn tất cả, “hello cà rốt, hello khoai tây”. Vì bận chào các món ăn nên mình không nói chuyện.
Sau khi cùng ba mẹ ăn sáng xong mình thực tập làm thiền ôm, mình nhìn mẹ rất kỹ: “Mẹ ơi con biết mẹ có mặt đó cho con, con mừng lắm, con cám ơn mẹ.” Và mình ôm mẹ thật sâu.
Các cháu được dạy thực tập các câu thần chú, đọc với tất cả sự chú ý của mình thì mới có hiệu quả được.
Đây là câu thần chú thứ nhất, đem hết thân tâm có mặt cho người mình thương:
Mẹ ơi con có mặt cho mẹ nè.
Câu thần chú thứ hai, đem hết thân tâm nhận diện và cám ơn sự có mặt của người mình thương, nhận diện sự có mặt của mẹ trong cuộc đời mình, sự có mặt của cha trong đời mình:
Con biết ba còn đó, có mặt và thương lo cho con, con cảm ơn ba.
Trước khi đi học mình làm thiền ôm với mẹ, với ba. Khi ba đi làm việc về và mình đi học về mình nhìn ba cho kỹ: “Ông này là ba tui, ông bận rộn lắm nhưng giờ này đi học về có ba ở nhà sướng quá!” Hoặc ba đón mình ở trường, trước khi lên xe mình nhìn ba thật kỹ. Về nhà thì mình ôm mẹ, thở vào, “con có mẹ trong tay con”, thở ra “con hạnh phúc có mẹ để ôm”. Có cháu thực tập ôm ba mẹ lâu mà chẳng chịu buông ra. Khoá tu cho thiếu nhi rất đông và thành công vì các cháu thực tập giỏi lắm, giỏi hơn cả nhiều người lớn.
Mùa hè người ta tới Làng thường là vì con của mình, nghèo cách mấy họ cũng ráng tới. Không có tiền đóng tiền phòng thì họ đem theo lều, lựa chỗ không có đá cắm lều, ban ngày thì đi chơi ở ngoài, tối về ngủ. Ngủ trong rừng nghe chim hót buổi sáng thì vui hơn mà lại rẻ tại vì Làng không phải lo giường cho họ. Mỗi gia đình cắm lều chỉ đóng một tuần có 300€ mỗi người lớn. Trẻ em dưới sáu tuổi không phải đóng tiền. Chi phí cho điện, nước, ăn uống là 200€ còn 100€ là tiền chi phí để mình chăm sóc, trả tiền cơm cho mấy thầy mấy sư cô làm việc phụng sự không có lương.
Người ta cắm lều rất đông. Mình có chừng 200 giường trong nhà ở mỗi xóm, nhưng ngoài rừng thì có chỗ nhiều hơn. Làng cũng chịu khó mướn nhà khách (gites) cho thiền sinh ngủ. Ăn uống sinh hoạt thì mình lo hết. Mình mướn thêm nhà khách (gites) đúng tiêu chuẩn nhưng không nằm sát Làng nên phải lo xe đưa đón họ. Bây giờ những khoá tu gia đình lúc nào cũng đông tám chín trăm người. Năm 2018 Thầy nghỉ dạy rồi, mấy thầy mấy sư cô thay thế mà Làng cũng rất đông người đến tu học. Lúc Thầy còn khỏe mình mở cửa suốt bốn tuần lễ, mỗi tuần có 400-1000 người. Năm cuối cùng Thầy giảng trong tuần thứ tư có tới 1200 người. Nhưng khi Thầy ngưng dạy thì tuần thứ nhất đã có 1100 thiền sinh. Năm thứ ba sau khi Thầy đột quỵ thì tuần thứ nhất đã có 1300 người và tuần thứ tư có 1400-1500 người. Nhưng mình không có thêm nhà cửa, người ta cắm lều thôi, mình nấu ăn cho 1500 người cũng cực rồi. Nhà cửa ở Làng Mai thì còn lôi thôi, rất đơn sơ. Người Tây phương có tính sòng phẳng, tiền trao cháo múc, phí 300€ thì họ trả 300€ chứ không cúng dường như người Việt. Mấy chục năm rồi mình chưa có một cư xá nữ đàng hoàng cho mấy sư cô ở Xóm Mới và Xóm Hạ. Chỉ có xây được một cư xá nam cho mấy thầy mấy sư chú ở Xóm Thượng thôi.
Ở Hoa Kỳ, nhờ đại uý công an Chery Maples nên Thầy đã có khoá tu cho hơn 300 người cảnh sát quản giáo. Ngày đầu các anh cảnh sát phản ứng, họ nói: “Không có súng làm sao giữ an ninh cho được?” Thầy dạy, chính cái sợ khiến anh mất bình tĩnh. Cảnh giác thì cảnh giác nhưng mình không cần sợ hãi quýnh quýu lên. Mình phải theo dõi hơi thở để nắm vững tình hình trong tay, nhìn sâu và thấy rõ chuyện gì cần làm và không cần làm. Vấn đề là mình phải luyện hàng ngày, đừng để việc tới thì rối lên. Vậy mà cuối khoá tu cũng có vài chục người thọ năm giới.
Trong những khoá tu Palestinian – Do Thái, lúc đầu người Palestinian rất hận thù người Do Thái. Vừa vào khoá tu là mấy người Palestinians nói: “Đó đó, chắc chắn anh chàng này xin điện thoại để báo cáo cho tình báo đó. Con thấy nó vô văn phòng và xin điện thoại hoài hà.” Chân Không phải bắt đầu chia sẻ sự tu tập về tri giác sai lầm của mình. Chân Không kể hồi đó ở Việt Nam, lúc những người mang mặt nạ thảy lựu đạn giết mình, có hai bạn chết và 16 bạn bị thương. Mình làm đám ma và đọc diễn văn xin họ hiểu cho mục đích của mình chỉ là chống thất học, chống bệnh tật hiểm nghèo, thiếu vệ sinh để cho bệnh đừng lây lan truyền nhiễm, thiếu tổ chức. Mục đích của mình là để cho các gia đình nghèo đói bệnh tật hết bệnh, con cái của họ được đi học khá hơn. Lần thứ hai tám người bị bắt cóc thủ tiêu, rồi lần thứ ba năm người bị bắt và bị bắn nhưng nhờ một người sống sót báo cáo lại là trước khi giết họ có do dự, cảm thương và nói họ được lệnh phải làm như vậy. Chân Không nhớ lần đó đáng lý ra Chân Không cũng bị giết rồi. Nhìn bốn cái xác của các bạn bị ám sát nằm sóng soài bên bờ sông mà Chân Không muốn điên lên. Nhưng Chân Không tập thở và làm an cái tâm bức xúc, giận dữ, sợ hãi của mình, tập thở và nhìn sâu vào cái thấy sai lầm của những người giết mình và phát lòng thương. Rồi từ từ các bạn Palestininans mới chịu pháp đàm và nhìn kỹ người Do Thái. Khi một bà Do Thái thuật cái mặt con trai bà bị đập giập nát bằng đá của một nhóm Palestinians thì mọi người ai cũng quá xúc cảm. Chân Không thỉnh chuông cho mọi người thở và làm thiền hướng dẫn: “Tôi biết các em Palestinians đó tàn ác như vậy vì trong đầu các cậu ấy chỉ thấy chú bé Do Thái này là những người lia súng giết cha, giết chú, phá tan nhà cửa của các em… Do Thái cũng thế, thấy một thanh niên thơ ngây đáng con họ, họ cũng nghĩ đây là những chú lính Palestinians cầm súng bắn vào đầu con cái họ. Thấy ai họ cũng nghĩ là dân khủng bố.” Cuối cùng sau khi nghe nỗi khổ của nhau rồi họ mới chịu đưa tay ra cùng nắm tay đi thiền hành.
Mình cũng có Khoá tu cho thầy cô giáo. Làm gương đầu là thầy giáo Nguyễn Văn Kỷ Cương dạy toán ở Canada. Mỗi 15 phút thì thay vì thỉnh chuông cho mọi người thở như ở Làng Mai, anh Kỷ Cương đề nghị một cháu học sinh của lớp toán tình nguyện làm chuông bằng cách vỗ tay: Chách! Chách! Chách! Sau tiếng vỗ tay chánh niệm thì thầy ngưng dạy, trò cũng ngưng lắng nghe, dừng lại, theo dõi hơi thở, không suy nghĩ dù đó là bài toán thầy đang giảng. Nhờ dừng lại nhiều lần thầy Kỷ Cương thấy rõ khuyết điểm của mình là nói nhanh quá, không dừng lại để hỏi học trò có theo kịp không? Thế rồi khi thấy học sinh nào làm bài dốt quá, thay vì phê bình “trật lất, đồ ngốc” như thầy vẫn hay ghi lên tập các cháu thì bây giờ, sau khi đi tu học về, nhờ có thở dừng lại tự quán sát mình, giáo sư Kỷ Cương biên trên vở của bài làm: “Em không hiểu kịp bài, làm trật. Lỗi tại thầy, giảng chưa rõ.” Các lớp học nhờ mỗi 15 phút thầy trò dừng lại, quên bài giảng, thở ra thở vào, cho tâm bình an hơn, nên sau đó lắng nghe thầy giảng lại và hiểu sâu hơn. Các lớp của thầy Kỷ Cương tiến bộ vượt bực so với các lớp khác nên từ từ các lớp khác cũng bắt chước cách thực tập với tiếng vỗ tay của lớp thầy Kỷ Cương.
Có những thầy cô dự xong khoá tu cho thầy cô giáo thì đi về nhà thỉnh một cái chuông nhỏ, mặc dù dạy trường Công giáo cũng thỉnh thoảng thỉnh một tiếng chuông cho các em học sinh tập dừng lại thở: thở vào cho khỏe, thở ra cho nhẹ. Cứ 15, 20 phút thì thở như vậy. Lớp học hình như có tiến bộ hơn.
Các cô giáo thầy giáo biết dừng lại nhìn sâu hơn cách dạy của mình, có dịp nhìn học sinh rõ hơn. Có thể đó là dịp may cho các em nào gặp chuyện khó khăn trong gia đình thì thầy hay cô giáo có thể tìm cách giúp gián tiếp. Sau giờ học cô hay thầy có thể lắng nghe em và giúp đỡ bằng cách chỉ dạy cho em ấy hay đích thân thầy hay cô giáo tới nhà học sinh tặng “hoa” (tức là nói lời trân quý) với gia đình em: “Ông hay bà có con ngoan quá, thấy cháu giỏi thì tôi nghĩ chắc ông bà hay lắm…” Sau đó hai bên, thầy hay cô giáo và bố hay mẹ của em học sinh mới mở trái tim ra và tìm cách giúp cho em.
Khoá tu xuất sĩ bắt đầu từ năm 1980. Năm đó Thầy trở qua Hoa Kỳ vì thiền sư Roshi Baker mời Thầy đi diễu hành chống vũ khí nguyên tử mà Hoa Kỳ đang đầu tư rất nhiều, đoàn diễu hành gần 500 ngàn người. Lần đó Thầy đi Hoa kỳ tham dự cũng có mục đích để đi thăm gia đình bác An, anh ruột của Thầy, mới vượt biên qua và định cư ở tiểu bang New Jersey.
Nhân dịp đó Andrew Stuart thử mời Thầy đi dạy vài khoá tu cho người Mỹ và một khoá ở California. Khi bay từ New York City qua Cali, Thầy giảng ở Los Angeles một buổi cho người Việt tại chùa Việt Nam. Dịp này bác sĩ Nguyễn Văn Tiếng đi nghe về rồi trách vợ là Lê Kim Chi, đệ tử lâu năm của Thầy: “Em có thầy hay mà không giới thiệu cho anh và con.” Năm sau, khi Thầy sang Cali giảng trong khoá tu cho người Việt, bác sĩ Tiếng cùng gia đình và một nhân viên phòng mạch có tham dự khoá tu năm ngày với Thầy. Sau hai buổi giảng cho người Việt, Thượng toạ Tịnh Từ mời Thầy về Bắc Cali để gặp mặt những anh em tu sĩ do Thượng Toạ tụ họp. Lần đó có nhiều tôn đức xuất sĩ ở Hoa Kỳ tham dự lắm (như hoà thượng Thắng Hoan, Thượng toạ Minh Đức ở Stockton, Thượng toạ Thiện Trì ở Sacramento, Sư bà Đàm Lựu ở San Jose, Ni sư Diệu Từ ở Sacramento…) và Thầy căn dặn: “Mỗi năm xuất sĩ nên gặp nhau ít nhất là hai ngày cuối tuần chứ xứ lạ quê người chúng ta phải cùng họp mặt để bàn cách dạy dỗ con em ở hải ngoại cho có khế lý khế cơ, nếu không, chúng nó bỏ đạo của ông bà tổ tiên hết.” Thầy mới dạy tập dừng lại khi nghe tiếng chuông, theo dõi hơi thở. Thầy giảng về Kinh An Ban mà Đại Thừa ít chú trọng là kinh về 16 hơi thở. Nhân dịp này, Thầy dạy thiền ôm và nhiều bài thiền ca. Thiền ôm được sáng tác năm này vì Thầy ghé nhà anh Nguyễn Công Hoan, vợ anh kể là anh ấy đem bộ áo quần áo Blue Jeans mà thằng con trai mới dành dụm tiền đi làm công chạy bàn cho tiệm Mac Donald để đi chơi với bạn ra lấy dao bầm nhỏ và chửi: “Dân tộc mầy khổ đau, điêu đứng, bị đoạ đày, mầy ỷ đủ lớn, đi kiếm tiền mua áo đẹp đi chơi khuya…” Khi Thầy tới nhà thì cha con không nhìn nhau, Thầy mới sáng chế thiền ôm – đề nghị mỗi đứa tới ôm Thầy, rồi tới ôm bố, ôm mẹ. Họ không biết Thầy biết chuyện nên Thầy cứ dạy bố tập ôm từng đứa tức là ôm luôn chú con trai mà ông ấy vừa la xong. Thầy dạy ôm con trong chánh niệm (như ôm cả đất nước, cả dân tộc, như muốn nói cha xin lỗi, cha kỳ vọng nơi con) như muốn nói rằng mình thương cháu nhưng vụng về đã làm cháu khổ; Thầy hay nói “Nếu anh mất con trai thì kể như anh mất cả đất nước, cả dân tộc.” Hôm mới sang Canada Thầy cũng nghe chuyện con trai của một người Phật tử Việt Nam nhảy xuống sông tự tử, để lại thư: “Bố cứ so sánh con học không bằng con bác Hội đó. Con không thế nào làm được như con bác Hội, con xin chết thôi.” Thầy nói: “Xin quý vị nên nghe tôi, về nhà tối nay, có thể cháu đang đứng xoay mặt ra đêm đen, không mở cửa chào anh. Anh phải đến sau lưng và ôm cháu nhẹ nhàng thật thương, như nói: ‘Bố xin lỗi con!’ Rồi anh ôm con trai mình thật thương, thật sâu, như xin lỗi con. Anh mà đánh mất con trai kể như anh mất nước.” Bao nhiêu người Việt cám ơn nhờ có Thầy mà gia đình thương yêu nhau. Mấy hoà thượng học được hết những phép thực tập chánh niệm trong gia đình.
Sau đó Thượng toạ Tịnh Từ luôn luôn thỉnh Thầy mỗi lần đi Hoa Kỳ thì cho một khoá tu dành riêng cho xuất sĩ. Chính Thượng toạ có sáng kiến cho khoá tu xuất gia gieo duyên cho các người trẻ. Nhờ thế mới có thầy Pháp Đăng, sư cô Hương Nghiêm sau đó qua Làng Mai đi tu luôn… Nhưng khi có khá nhiều người xuất gia trẻ về làng tu học thì Thầy đề xuất Làng Mai mỗi năm đều có một khoá tu xuất sĩ trong An Cư kiết đông ở Làng, Thầy dạy rất sâu vào kinh điển. Thầy bắt đầu đưa mọi người đi qua hết các kinh Nam Tông. Có kinh Thầy tóm lược, có kinh Thầy diễn giải ra, rồi có kinh Thầy nhấn mạnh trong tương lai Đại Thừa triển khai kinh này thành kinh A Di Đà, kinh này triển khai thành kinh Hoa Nghiêm, kinh này sẽ là kinh Pháp Hoa để mình thấy tiến trình các kinh Nam Truyền được khai triển thành kinh Đại Thừa là để diễn giải sâu sắc những điều Bụt dạy chứ không phải là những sáng tác tưởng tượng. Cũng từ những khoá tu này mà chúng ta sẽ còn được hưởng dài dài những điều giáo dục sâu sắc của Thầy qua các khoá tu xuất sĩ mùa đông sẽ in ra thành sách. Thầy cũng giao cho một số quý thầy cô phụ làm giới bản tân tu với Thầy.
Đóng góp khi tham dự khoá tu
Trong những năm đầu mình để Phật tử tuỳ nghi đóng góp. Phật tử Việt Nam tới chùa thì đóng góp tuỳ khả năng. Người giàu thì về ở một tuần lễ và có thể cúng dường tới một ngàn đô la. Còn Phật tử nghèo về với tám, chín đứa con ở hai hay ba tuần thì đem theo một bao gạo 30kg. Vì vậy năm sau Chân Không đề nghị ghi thêm câu: “Đề nghị cúng dường.” Một cá nhân tới ở một tuần thì đề nghị cúng dường 500 francs, hai vợ chồng thì cúng dường 800 francs, nếu hai vợ chồng một đứa con ở chung một phòng thì bớt hơn. Khi mình đề nghị như vậy thì không ai than phiền gì, nhất là người Tây phương. Nếu không đề nghị cúng dường thì sẽ không ai đóng góp tuy họ không phải là nghèo. Họ nói: “Tôi ghét ba má tôi. Ông bà không cho tôi tới đạo Phật nên tôi không xin tiền ba má.” Mình nói:
“Nếu ra siêu thị mua bắp cải, su su mà nói với họ là tôi là nhà chùa nên xin cúng dường 30 bắp su lơ, 20 ký cà rốt, người ta đâu có chịu. Vậy ở đây chúng tôi cũng vậy, không có tiền của quý vị thì làm sao chúng tôi đi mua bắp cải, bông cải, su su, tàu hủ để ăn.”
Vì vậy nên người ta chịu đóng góp. Suốt mùa hè có tiền vô nên mình mới sắm thêm nệm, drap giường, mùng mền cho mọi người. Tiền vô từ các khoá tu, Chân Không giải thích:
“Quý vị đóng 600 francs một tuần thì 400 francs là tiền xe cộ đưa đón quý vị từ nhà ga, điện, nước, tiền ăn ba bữa một ngày… Còn 200 francs là để trả tiền ăn uống cho mấy cô, mấy chú làm việc cho quý vị. Thành ra xin quý vị hoan hỉ.”
Họ hiểu nên chấp nhận. Số tiền cứ tăng cho tới mười năm cuối thì không tăng nữa tại vì số người tới tu học ngày càng đông và tiền vô nhiều mặc dù mỗi người tới chỉ đem vô cho Làng 200 Francs. Mùa hè thì Làng mở cửa bốn tuần, mỗi tuần có 1000 người là mình khá rồi. Sau bốn tuần thì mình có tiền để sửa lại chỗ sinh hoạt cho sạch sẽ hơn, làm thiền đường đàng hoàng hơn cho đúng tiêu chuẩn công cộng mà nhà nước quy định để nhận khách.