Phương Vân Am

Hồi Thầy đi dạy ở Đại học Sorbonne, để có phương tiện lưu trú tại Pháp thì tuy đã có tiến sĩ đệ tam cấp về sinh học rồi nhưng Chân Không vẫn ghi tên học về Phật học ở Sorbonne, làm luận án tiến sĩ về Phật học với Thầy để có thẻ sinh viên ở lại Pháp. Chân Không thẳng thắn từ chối làm việc nghiên cứu về rong nước ngọt và phụ dạy về rong nước ngọt vùng Á Châu với Giáo sư Bourrelly ở Đại học Jussieu, Paris. Mục đích Chân Không sang Pháp là để giúp Thầy và Phái đoàn Phật giáo Việt Nam tại Hoà đàm Paris, thông tin về sự tàn phá của chiến tranh trên đất nước Việt Nam, kêu gọi ngưng chiến chứ Chân Không không phải muốn được dạy ở Đại học Paris. Chân Không muốn xin cái thẻ sinh viên làm luận án Tiến sĩ Phật học là để có thẻ lưu trú mỗi năm ở Pháp mà không phải ngồi chầu chực mỗi tháng ở Préfecture như khi chưa có chỗ đứng chắc chắn trên xứ Pháp. Và Thầy mà làm người đỡ đầu luận án Tiến sĩ Phật học thì… thế nào cũng tha thứ cho trò không viết luận văn.

Nơi Thầy dạy là Văn phòng Phái đoàn Phật giáo Việt Nam đông và ồn quá. Thầy cần có một cái thất nho nhỏ ở nhà quê để cuối tuần Thầy có thể rời Paris về đó tĩnh tu nghỉ dưỡng, đi thiền hành và trồng trọt vài thực phẩm mình thích như ngò, cải bẹ xanh, cải tần xại làm dưa, trồng đậu, trồng cà… Người ta nói ở miền Nam nước Pháp thì trồng được khổ qua, bầu, bí như ở Việt Nam được. Ở Phương Vân am, khu nhà nhỏ Thầy vừa mua ở vùng quê cũng trồng được tía tô, kinh giới, nhưng khi trời lạnh thì mình phải đem vô nhà. Và khi Sài Gòn thuộc về miền Bắc tháng 4 năm 1975, Thầy không còn kêu gọi hoà bình nữa nên đóng cửa Văn phòng Phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà Thầy là Chủ tịch ở Paris và dời về Phương Vân am. Phương Vân am chỉ một ngôi nhà đá cũ nát với ba ngàn thước vuông và cách Paris khoảng 180 cây số.

Năm 1976, sau khi đi cứu trợ thuyền nhân trên vịnh Xiêm La đưa đến kết quả là gây được sự chú ý của thế giới về thuyền nhân chết rất nhiều trên vịnh Xiêm La thì mình nghe tin vui là Chính phủ Pháp làm chiếc tàu lớn tên Iles de Lumière cứu người trên biển, nước Đức cho ra đời chiếc tàu vớt người tên Cap Anamur. Thầy chúng ta đưa Phái đoàn Hoà bình Giáo hội PGVN Thống nhất về định cư luôn ở Phương Vân am, chỗ tĩnh tu cuối tuần của Phái đoàn Phật giáo Việt Nam Thống Nhất hồi trước.

Phương Vân am là tên Việt Nam, chỗ tĩnh tu của Thầy chúng ta, thầy Thích Nhất Hạnh, nhưng để cho các bạn ngoại quốc tri kỷ dễ nhớ, Thầy còn cho tên thứ hai là Les Patates Douces. Địa chỉ của Phương Vân am là: 10190 Fontvannes, thuộc tỉnh Aube, nằm về phía đông nam cách Paris 178 cây số.

Chú Thanh Hương, vì làm luận án cao học về thiền sư Huyền Quang, nên đã phải ở lại Paris với anh Cao Thái, em Nghiêm Hữu Lợi và Nghiêm Thị Kim Thoa. Anh Sáu Cao Thái vốn sinh sống bằng nghề đại diện cho hãng bán nữ trang thượng hạng cho nữ lưu sang trọng Pháp nên phải lái xe đi hết tỉnh này sang tỉnh khác để quảng cáo hàng cho hãng nữ trang. Vì thế anh có hai nơi trú ngụ: Phương Vân am, 10190 Fontvannes và 69 Bvd Desgrange, 92330 Sceaux tức địa chỉ của Phái đoàn Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại Paris.

Ngày trước tháng 5 năm 1975, Văn phòng Phái đoàn Phật giáo Việt Nam Thống Nhất mướn đến 2 appartements ở cùng số nhà ấy nhưng sau tháng 5 năm 1975 thì chỉ còn anh Cao Thái, chú Thanh Hương cùng các em Thoa, Lợi nên chỉ giữ một căn do anh Cao Thái trả tiền thuê cho cả bốn người vì sau 1975, Thanh Hương, Thoa, Lợi không còn nhận được tiền bố mẹ gửi từ Việt Nam nên cũng nhờ anh Cao Thái lo cho chung.

Cuối năm 1979 chị Bảy Cao Ngọc Điệp cùng các cháu Lâm, Thuý, Phương vượt biên và được ở với anh Cao Thái và chú Thanh Hương. Khi văn phòng này dời về 7 rue du 8 Mai 1945, thị xã 92340 Bourg la Reine thì chú Thanh Hương phát hành sách Lá Bối. Địa chỉ này cũng là địa chỉ chính thức của Phái đoàn Phật giáo Việt Nam để lắng nghe tiếng kêu cứu của thuyền nhân. Từ địa chỉ này Thầy gửi thư an ủi, gửi sách Anh – Việt, Pháp – Việt cho thuyền nhân sử dụng. Những cuốn sách đầu tiên của thầy Nhất Hạnh được in và tái bản tại Tây phương, có thể mua ở 7 rue du 8 Mai 1945, thị xã 92340 Bourg la Reine là những quyển sách như Phép lạ của sự tỉnh thức, Trái tim mặt trời, Thiền hành yếu chỉ, Việt Nam Phật giáo sử luận

Hội Fellowship của Jim Forest tặng cho mình cái máy đánh chữ Varitype. Chữ đánh máy nhưng nét giống y như chữ sắp từng chữ một của máy typo in tiếng Việt ngày xưa ở Việt Nam. Chữ nét thanh mỏng như chữ sách in, chỉ không có dấu Việt Nam. Thầy chúng ta đã dùng ngòi bút rất thanh, mỏng của hoạ sĩ để ngồi bỏ dấu ă, â, ê, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng rất chuyên nghiệp để sách in đẹp như sách in chứ không như chữ đánh máy bỏ dấu tay như những sách in bằng tiếng Việt ở thời gian đó. Những cuốn sách tiếng Việt in đầu tiên tại Phương Vân am là cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức, Trái tim mặt trời, Thiền hành yếu chỉ Kinh người biết sống một mình, và nhất là ba quyển Việt Nam Phật giáo sử luận. Lúc đó Chân Không đã có máy photocopy thu chữ nhỏ lại và gửi cho sư bà Phước Hiển, sư bà Thể Thanh, sư bà Hải Triều Âm và sư cô Trí Hải. Mãi lâu sau Chân Không mới biết sư bà Hải Triều Âm đã dùng quyển Trái tim mặt trời làm sách giáo khoa cho các sư cô trẻ dưới sự chỉ dạy của sư bà. Thầy chúng ta rất vui khi nghe tin ấy. Sư cô Trí Hải thì nói, mới nhận được bức thư dày trong đó có quyển Thiền hành yếu chỉ mà cô Chân Không gửi qua bưu điện như một bức thư. Nhờ đọc xong và sau đó khi bị vào tù, sư cô đã tập đi thiền hành trong nhà tù chật chội chừng 2m x 2m mà sư cô đi thảnh thơi, khoẻ nhẹ trong thời gian ở trong tù. Vì vậy cho nên mỗi lần được mời đi phỏng vấn như đi hỏi cung, lúc nào sư cô cũng đi thảnh thơi, nhẹ nhàng và mỉm cười luôn nên các cai ngục nể nang sư cô lắm. Làm việc xong họ còn tặng cam quýt cho sư cô chứ không phải hầm hầm nét mặt như sắp tra tấn.

Song song với công việc in sách tu học Thầy còn làm nhiều quyển sách tập học tiếng Việt – Pháp, Việt – Anh để giúp thuyền nhân ở các trại tị nạn.

Từ từ các độc giả của những quyển sách ký tên Nhất Hạnh xưa nay đã dần dà tìm cách liên lạc qua thư từ với tác giả rồi tìm về tu học ở am Phương Vân. Am chỉ là khu đất 3000 mét vuông do Thầy mua năm 1970 khi đang dạy ở Đại học Paris Sorbonne. Đó là một ngôi nhà bằng đá 7m x 7m với lò sưởi củi, dành làm am đá của Thầy. Trong am đá có giường ngủ, bàn viết lách và một máy in Gethstetner chỉ in nổi chừng 500 đến 1000 copies thôi. Máy vốn là của Văn phòng Phái đoàn ngày xưa. Trong am đá này còn có một lavabo và một bi-đê. Đâu mặt vách với am đá là căn nhà gạch có được lò sưởi to khá đẹp. Thầy cho lắp sàn gỗ 40cm bề cao để ngồi thiền trực tiếp trên sàn thiền đường, có lót moquette thảm. Sau thiền đường là một phòng ngủ nữ nhưng chia làm hai tầng nâu cách nhau 50cm bề cao. Tầng trên khoảng 2,50m x 5m dành cho má của Chân Không và Chân Không ngủ. Tầng thấp hơn cũng khoảng 2,50m x 5m là nơi Chân Không làm việc. Cô Bùi Hương ngủ ngoài thiền đường với cô Hằng và cháu Minh Tâm. Cháu Minh Tâm là con của cô Nguyễn Thị Hằng và nhạc sĩ Trần Quang Hải, cháu nội học giả Trần Văn Khê. Vì cha mẹ ly dị nhau nên cháu Minh Tâm ở với mẹ Hằng, cô Bùi Thị Hương và cô Chín Chân Không.

Năm 1979 cô Bùi Thị Hương và Hằng dẫn cháu Minh Tâm về miền Nam nước Pháp học cách sống tự túc theo Tây phương ở Communauté de L’Arche của Lanza Del Vasto. Hương gặp người bạn đời người Pháp và sống với ông cho đến ngày ông chết thì Hương trở về Việt Nam định cư luôn. Mỗi lần anh Cao Thái hay chú Thanh Hương về Phương Vân am thì ngủ ở phòng trên gác phía trên thiền đường. Pierre Marchand hay Jim Forest đều ngủ luôn trên đó. Sau thiền đường là nhà bếp, nhà vệ sinh và phòng tắm.

Người về tu học với Thầy ở Phương Vân am ngày càng đông nên Thầy cho cất thêm một phòng rộng 5 thước dài 15 thước để khách về ngồi thiền ban ngày, ngủ ban đêm. Vì 3000 mét vuông quá nhỏ để cắm lều nên Chân Không chỉ nhận mười người khách về lưu trú tối đa mỗi tuần. Khách tới từ thứ sáu ở lâu nhất là tới thứ năm tuần sau thì phải về để thứ sáu kế đó cho nhóm Phật tử khác tới. Chân Không phải lái xe đưa họ về ga xe lửa thành phố Troyes, cách am Phương Vân 18 cây số để họ về lại trú xứ. Chỗ cắm lều cũng không đủ nên Thầy bàn nên đi về miền Nam nước Pháp mà lập làng Tu Học như trong thời gian vừa lập Thanh niên Phụng sự Xã hội xong. Thầy đã có ý định là đạo Phật dấn thân vào đời do Thầy chủ trương phải có một ngày tu học trong một tuần và một tháng tu học trong một năm. Thầy nghe nhiều học trò Pháp của Thầy cho biết là ở miền quê nước Pháp nông dân bỏ đất nông nghiệp vào thành phố làm công nhân tuy có lương khiêm nhường nhưng chắc chắn có tiền hàng tháng, trong khi đó thì làm nông là sống hay chết đều tuỳ thuộc vào mùa màng. Vì thế đất nông nghiệp bán rất rẻ, giá chỉ trên dưới 1 Franc một thước vuông.

Thầy trò nhất định xuôi Nam đi tìm đất làm làng Tu Học. Ban đầu đi về hướng Marseille, lái xe tới Aixen Provence, xe rẽ vào trạm xăng hỏi đường, Thầy vừa xuống xe đi ra vài bước thì bỗng bị gió Mistral bốc lên. Mistral là tên những cơn gió rất mạnh nổi tiếng kéo dài trong vài tuần. Nhờ gió mạnh kéo sạch mây mưa mùa đông nên vùng này có nhiều nắng nhất nước Pháp. Thầy bị gió Mistral cuốn gần như bay hỏng chân. Thầy ngại cảm gió nên bảo thôi không đi Marseille nữa mà quẹo sang hướng tây nam. Cuối cùng mình tìm ra được Phương Khê cũng ở tỉnh Gironde như Bordeaux mà hẻo lánh cách Bordeaux đến 100 cây số. Nơi này hẻo lánh nên nhà và đất vẫn khá rẻ. Từ đó Thầy định cư ở đây.