Mùa an cư đầu tiên
Hồi đó Tuệ, Hưng, tôi và chị Diệu Âm hay rủ Như Khoa và bọn trẻ con gia đình Đại Hà vào chân đồi Thượng cắm trại, luôn tiện xem các ông thợ làm nhà. […] Vì muốn về Phương Bối trước mùa an cư cho nên chúng ta đã cố gắng rất nhiều. Lúc bấy giờ đường lên Phương Bối đã được phát dọn quang đãng. Cái khu rừng từ cầu Mai lên đến dưới đồi Thượng, cái khu rừng ấy mới đẹp làm sao. Tôi muốn được suốt đời đi trong một con đường rừng như thế. Con đường thơm ngát hoa chiều. Và có một vài thứ hoa gì nữa cũng rất thơm mà chúng ta không biết tên. Mỗi lần lên Phương Bối mà leo tới được cầu Mai là đã thấy khỏe rồi. Thấy như là mình đã tới rồi, tới được cõi của mình rồi. Khúc đường còn lại là khúc đường rừng hấp dẫn nhất mà tôi vừa nói đó. Thầy Thanh Từ sau này rất thích đội một cái nón lá thật to vành và chống một chiếc gậy đi lên đi về con đường đó. Phương Bối hiện ra một cách đột ngột ở một khúc quanh: đồi Thượng sáng lên như một chân trời giác ngộ, như một cõi Bồng Lai, nhất là ngày bắt đầu có chiếc nhà Thượng với hai mái cao vừa hùng vĩ vừa e lệ.
Những cơn mưa gió đến trước mùa an cư làm chúng ta phải cực nhọc nhiều lần. Chúng ta đã có tủ để đựng hai vạn cuốn sách. Chúng ta đã có giường có bàn, chúng ta lại cũng có một chiếc nhà bếp xinh xắn cách đó không xa. Và quý nhất là chúng ta đã xây được một cái hồ đựng nước mưa chứa được chừng vài chục thước khối nước. Những ngày ấy chúng ta rất bận rộn với ngôi nhà mới sắp hoàn thành. Tuệ lúc đó bận dạy học ở trường Bảo Lộc cho nên ít giúp chúng ta được. Nguyên Hưng với tôi đã để rất nhiều thì giờ trang trí thiền thất. Màu sắc và cách xếp đặt ở thiền thất như Nguyên Hưng biết, cũng khá trang nhã. Có một bữa cùng với Nguyên Hưng đứng ở lan can nhìn xuống khu rừng phía trái mà ta thường gọi rừng Tham Thiền tôi thấy một dải mây giăng ngang từ cửa rừng sang đến gần chân đồi Thượng. Dải mây giống như một dải lụa, bề rộng chừng độ hai thước. Thật là kỳ thú. Tôi với Nguyên Hưng đã chạy xuống đi lại gần dải mây. Tới gần thì không thấy dải mây đâu. Chúng ta thất vọng, bởi vì chúng ta đã muốn đứng sát một bên dải mây, nhưng khi trèo lên lại lan can nhìn, thì dải mây vẫn còn đó, tuy đã biến hình và loãng dần ra. Rừng Tham Thiền có lẽ là khu rừng đẹp nhất. Khu này có nhiều thông và nhiều cây cao, to, rất hùng vĩ. Khu rừng có vẻ bí mật. Chúng ta đã định làm những chỗ ngồi tham thiền và chiêm nghiệm. Cứ lâu lâu, chừng năm bảy hôm một, Nguyên Hưng và tôi lại đi vào rừng Tham Thiền để hái hoa đem về đơm trong một cái giỏ mây cúng Phật. Hoa có rất nhiều thứ, nhưng kỳ nào ta cũng hái hoa chiều và hoa trang.
Chỉ còn có ba hôm nữa là đến mùa An Cư. Nguyên Hưng và tôi đã định về Phương Bối đúng ngày An Cư. Như Ngọc và Như Thông hứa là ngày ấy sẽ từ Saigon lên chơi để “khánh thành” Phương Bối luôn thể… Trời mưa như trút nước. Mưa rồi lại tạnh. Tạnh rồi lại mưa. Như Khoa đã mượn giúp cho Tuệ và Hưng một chiếc xe jeep để chở hai vạn cuốn sách vào Phương Bối. Sách đựng trong những chiếc bao tải lớn. Chiếc jeep leo núi một cách mệt nhọc, trèo lên trượt xuống. Chiếc xe phải hì hục gần suốt một ngày mới chở được hết sách. Nguyên Hưng và Thanh Tuệ, trong chuyến chót, đã chở vào được thêm một cái tủ – cái tủ trắng rất xinh của Như Thông gửi tặng cho Phương Bối. Tôi còn nhớ trong chuyến ấy, nửa đường các cậu gặp mưa. Cả hai người, Nguyên Hưng cũng như Thanh Tuệ, đều ướt như chuột lột. Thấy mà thương quá. Lúc ấy tôi đang bận bịu xếp sách vào các ngăn tủ. Tôi ra đón Tuệ và Hưng. Tôi bắt Nguyên Hưng vào thay quần áo, lau mình thật sạch và trùm chăn kín lại. Tôi định vào đốt lò sưởi cho Tuệ nhưng Tuệ từ chối, đòi về theo xe. Cả Hưng và Tuệ đều run rẩy. Tuệ nói: “Phen này thì chắc ốm to. Có lẽ thương hàn là ít.” Tôi cũng thấy sợ ghê. Các em dãi nắng dầm mưa nhiều quá. Thế nhưng mà không sao. Dì Tâm Huệ dọn cơm chiều lúc bảy giờ tối; bữa cơm đầu tiên ở Phương Bối được dọn ra đàng hoàng trên bàn, ngoài phòng ăn. Tôi đến nói với Nguyên Hưng: “Dậy ăn cơm đi Hưng.” Nguyên Hưng không chịu, trả lời rằng là chắc hẳn không ăn được. Tôi nài nỉ Nguyên Hưng ra ngồi chơi với tôi trong khi tôi ăn cơm. Nguyên Hưng bèn chịu. Ra tới phòng ăn tôi xới cơm và ép Nguyên Hưng ăn một chén. Nể lời Nguyên Hưng cầm đũa. Thế rồi vui miệng và vui câu chuyện, Nguyên Hưng đã để cho dì Tâm Huệ xới cơm cho Nguyên Hưng tới ba lần. Đêm ấy Nguyên Hưng ngủ ngon không “ốm to” cũng không “thương hàn”. Sáng mai, Tuệ lặn lội vào Phương Bối rất sớm. Thì ra cậu ta cũng chẳng “ốm to”, chẳng “thương hàn” gì cả. […]
Trong cùng một đêm đó, Nguyên Hưng và tôi ngủ lại Phương Bối lần đầu. Cánh cửa giữa chưa lắp, thành ra nửa đêm bị gió thổi rơi xuống sàn nhà một cái rầm. Hai chúng ta đều thức giấc. Nằm bên nhau, chúng ta nghe mưa gió rào rào bên ngoài. Có lẽ là có bão tố ở đâu ấy. Chúng ta đang nằm ngủ trên rừng, cách xa xóm làng đô thị. Rất xa. Chúng ta đã muốn lên tận trên này, làm nhà và dựng cho chúng ta một quê hương bé nhỏ. Tôi không thể nào nằm ngủ được nữa. Tôi rủ Nguyên Hưng trở dậy. Chúng ta đi sờ soạng tìm hộp diêm nhen, đốt một đống lửa và thức bên nhau nói chuyện, cho đến khi tiếng vượn hú hoà với tiếng chim kêu đã vọng vang cả núi rừng. Chúng ta trèo lên đồi Thượng. Phương đông, chân trời vẫn chưa ửng hồng. Sương phủ khắp đồi núi xa xa. Phương Bối đã trở thành một cái gì có thực. Có thực một cách hư ảo. Các bạn ở xa chưa ai biết rằng ẩn mình trên rừng núi Đại Lão, Phương Bối đã xòe những cánh đồi hoang vu và êm dịu như một chiếc nôi lớn – một chiếc nôi lót bằng bông đá, hoa dại, cỏ rừng – chào đón chúng tôi. Ở đây chỉ có cây rừng, có chim có vượn. Ở đây chúng tôi sẽ xa được trong một thời gian tất cả những xấu xa nhỏ mọn của cuộc đời…
[…]
Nguyên Hưng, vào cái ngày bắt đầu mùa An Cư năm xưa ấy, trời bỗng tạnh mưa. Vào khoảng chín giờ sáng thì Như Thông, Như Ngọc và thầy Châu Toàn lên. Họ mang theo rất nhiều thứ quà để tặng Phương Bối. Tôi còn nhớ đến chiếc giỏ mây thật đẹp mà chúng ta thường dùng để đơm hoa rừng cúng Phật. Và nào là chén, là đĩa, là đũa, là thức ăn. Hồi đó đồi Thượng chưa được dọn sạch nên không thể ăn bữa cơm đầu hạ trên ấy như chúng ta ước muốn. Tuệ cũng đã vào từ lúc sáng sớm. Nguyên Hưng và tôi vẫn còn phải loay hoay dọn dẹp thiền thất. Toàn đã vào Rừng Tham Thiền một mình để hái hoa. Một lát sau chị Diệu Âm và cô Lưu Phương vào, cùng đi hái hoa với Toàn. Chị hái được rất nhiều bông chiều, những chùm hoa lớn và trắng như tuyết. Còn Toàn thì sau khi hái được một ít hoa mẫu đơn đã bị rừng sim lôi cuốn. Thế là từ lúc đó, Toàn hái toàn những cành hoa sim. Tôi nhớ ngày hôm đó ở Phương Bối có rất nhiều bình hoa nhỏ mà phần lớn là những bình hoa sim – nhưng vì Toàn đã trẩy gần hết lá sim nên các bình hoa kia trông như những bình hoa đào. Cái giỏ mây đầy cả hoa chiều, hoa mẫu đơn, và một vài thứ hoa khác nữa mà chúng ta không biết được tên được họ. Toàn còn chặt cả một đọt thông lớn để cắm vào chiếc ché Thượng men nâu để trên thiền thất. Như Khoa và Thanh Giới cũng đã băng rừng băng núi tìm vào. Các bạn của Phương Bối như thế, cũng đã khá đông. Sau buổi lễ Phật trang nghiêm và ấm áp, chúng ta đưa mọi người đi một vòng ở Phương Bối. Tuy nói là một vòng kỳ thực đó chỉ là một vòng nhỏ, bởi vì phần lớn đồi núi ở Phương Bối vẫn là hoang vu, không đặt chân đến được.
Những người bạn của Phương Bối đã ở lại đến ba giờ chiều để đàm đạo về những dự tính cho Phương Bối trong tương lai. Rồi thì Toàn cùng với Như Ngọc và Như Thông từ giã chúng ta trước. Họ phải về Saigon và trước khi đi tìm tới xe, họ phải băng rừng qua đến Đại Hà, rồi Như Khoa và Thanh Giới cũng về. Gia đình Đại Hà cũng về. Chị Diệu Âm và cô Lưu Phương cũng về. Thanh Tuệ cũng về, bởi vì Tuệ chưa vào Phương Bối luôn với chúng ta được – lý do là Tuệ còn cưu mang dở dang mấy lớp học ở Blao. Buổi chiều ấy, sau khi họ ra về hết rồi, Phương Bối thật là vắng và thanh tịnh. Đưa Tuệ và chị Diệu Âm về xong, chúng ta từ cửa rừng Tham Thiền – nơi có mấy chữ Nho viết dọc theo một bảng gỗ đóng trên một thân cây “Đại Lão sơn Phương Bối am” – thong thả đi vào. Phương Bối là một thực tại rồi đó, nhưng mà, cũng như chiều hôm trước, chúng ta vẫn không chắc là nó có thực. Nó hiện hữu như một cái ráng trời. Ta có thể nghĩ rằng nó muốn tan biến đi lúc nào thì nó tan biến. Có lẽ vì Phương Bối không giống với bất cứ một cái gì chúng ta đã gặp, đã thân thiết. Cũng có lẽ vì Phương Bối đối với ta còn mới mẻ quá, nhưng đã thân thiết quá. Lại cũng có lẽ vì Phương Bối đẹp không cùng. Ta chưa hề nghĩ rằng số kiếp của ta mà lại có thể liên hệ đến một thực hữu kỳ diệu như Phương Bối. Vậy cho nên Phương Bối nửa như là thực, nửa như là hư. Ta không nghĩ rằng Phương Bối thuộc về ta. Tôi không bao giờ nghĩ như vậy. Cho nên tôi rất đồng ý với Nguyên Hưng, khi Nguyên Hưng nói: Chúng ta thuộc về Phương Bối. Vì câu nói ấy mà sau này Lý thêu dệt thêm ra. Lý nói: Phương Bối là “thánh địa”. Chúng ta là “dân” của thánh địa, đi đâu thì cũng thuộc về thánh địa. Cái tính của Lý thì hay “ăn to nói lớn” như vậy đó mà, Nguyên Hưng.
Tôi còn nhớ buổi chiều hôm ấy, khi đưa Tuệ và chị Diệu Âm ra về, chúng ta đã đi thẳng lên đồi Thượng, nhìn ra bốn phía. Rồi chúng ta đi vào trong những hàng trà. Đất rất mềm và xốp. Chúng ta men theo bờ rừng và đi mãi xuống đến gần thung lũng. Bỗng dưng Nguyên Hưng chỉ cho tôi những dấu chân cọp rất mới, in rõ ràng trên nền đất xốp sau trận mưa hồi hôm. Dấu chân ấy hướng về phía lối về cầu Mai. Trời cũng đã chiều rồi. Thanh vắng quá. Tôi hơi ngài ngại, liền rủ Nguyên Hưng trở về. Chúng ta băng qua những đồi chè để trèo lên đỉnh đồi Thượng. Khi vào tới nhà, chúng ta đi đốt lửa, vì trời đã rét. Dì Tâm Huệ ngày hôm ấy chưa ở lại được với chúng ta, nên đêm ấy chỉ có một mình tôi với Nguyên Hưng. Chúng ta soạn một bữa cơm chiều rất giản dị, rồi ngồi ăn bên nhau dưới ánh sáng của bốn ngọn đèn nến. Đêm ấy, tôi đã nói cho Nguyên Hưng nghe về những dự liệu văn hoá chúng ta sẽ thực hiện sau này. Trước khi đi ngủ chúng ta đã có một buổi “công phu” ngắn và cảm động.