XII. Làng Hồng – Làng Mai
1. Ước mơ Làng Hồng
Năm 1982, Thầy trò đã tìm ra được một nông trại ở làng Thénac, nằm trên đồi cao vùng thung lũng sông Dordogne, miền Tây Nam nước Pháp. Nông trại chỉ có một ngôi nhà đá cũ kỹ còn ở được, ba nhà kho vách đá chứa rơm rạ, chuồng bò, chuồng cừu. Vườn không trồng cây ăn trái, đất chỉ toàn là đá. Nông trại nằm trên một ngọn đồi cao, bao bọc xung quanh bởi rừng cây, có thể ngắm được mặt trời mọc và lặn. Điều Thầy thích nhất là con đường đất nhỏ bao quanh ngọn đồi, hai bên đường cây rất xanh, rất tuyệt vời để thiền hành! Ông chủ nhà khi đó còn do dự không chịu bán, nên Thầy trò đành phải mua một nông trại khác, cách đó hai cây số, thuộc làng Loubès-Bernac của tỉnh Lot-et-Garonne. Đó là ngày 28.09.1982.
Tháng Giêng năm sau, ông chủ nông trại ở Thénac đồng ý bán miếng đất. Đã lỡ mua nông trại gần đó rồi, nhưng Thầy cũng quyết định mua luôn nông trại mà Thầy đã “chấm” vì con đường thiền hành. Làng Hồng ra đời với xóm Thượng tọa lạc trên ngọn đồi cao nhìn xuống xóm Hạ, bao quanh bởi những ruộng nho xanh mướt.
Làng Hồng là tên Thầy đã đặt cho ngôi làng tâm linh mà Thầy và thầy Châu Toàn có dự tính thành lập trong tương lai để làm chỗ tu dưỡng cho những người tác viên của trường TNPSXH như Phương Bối ngày xưa. Sau khi thầy Thanh Văn ra đi, thầy Châu Toàn trở thành giám đốc trường TNPSXH để cáng đáng công việc. Nhưng chưa được bao lâu thì thầy Châu Toàn cũng viên tịch. Thầy biết thầy Châu Toàn từ khi thầy còn là điệu Hòa mới tám tuổi. Điệu Hòa là đệ tử duy nhất của thầy Mật Thể, vị thầy mà sư chú Phùng Xuân đã hết lòng ngưỡng mộ. Sau khi thầy Mật Thể viên tịch, Thầy Nhất Hạnh chăm sóc và thương thầy Châu Toàn còn hơn em ruột.
Trong lá thư Thầy viết cho các tác viên trường TNPSXH ngày 18.07.1974: “Nhưng nay thầy Châu Toàn không còn nữa, một cây cổ thụ đã bị đổ ngã rồi. Làng TNPSXH, mà tôi muốn đặt tên là làng Hồng nếu ở đó ta trồng nhiều cây hồng ăn trái hoặc là làng Mai nếu ở đó ta trồng nhiều hoa mai, chưa thành hình thì thầy đã ra đi. Tôi mắc kẹt bên này chưa về được, vừa xót xa vừa trống lạnh.
“Thế nào các em cũng làm cho được Làng Hồng, các em nhé. Tôi sẽ viết thư cho anh Thiều, cho thầy giám đốc mới.
“Trong một khóa tu cách đây chừng hai tháng, thầy Châu Toàn viết cho tôi: “Em mong có hòa hình để ra Quảng Bình tìm lại mẹ, mong rằng bà còn sống.” Không biết mẹ thầy còn sống hay không nhưng thầy không còn có dịp gặp mẹ nữa. Lời ước hẹn đã không được thành tựu. Ngày thầy mất 24.06.74, là ngày tôi ước hẹn gặp thầy ở Vạn Tường để bàn chuyện làm Làng Hồng. Nhưng tôi đã không được gặp thầy. Nhận được tin dữ, tôi đóng cửa phòng một ngày. Tôi như một gốc cây bị đốn ngã. Tôi đánh điện về an ủi các em nhưng tôi thì không an ủi được, sao trên đời có những chuyện “lỡ hẹn” đớn đau đến thế, hả em?”
Tám năm sau, ước mơ Làng Hồng đã trở thành hiện thực. Thầy và các học trò đã không tạo dựng được ước mơ ngay trên chính quê hương Việt Nam mà đã xây dựng một Làng Hồng trên nước Pháp. Một cộng đồng thường trú được thành lập gồm gia đình anh Lê Nguyên Thiều và một số thanh niên người Việt vừa đến từ trại tị nạn các anh Ân, Dũng, Đôn và Nhàn… tất cả đều từng là thuyền nhân. Việc đầu tiên Thầy và dân Làng làm là trồng ở xóm Thượng bốn cây tùng lọng (pinus pinea), nhiều cây tùng đại tây (cedrus atlantica), tùng bút trường sinh (cupressus sempervirens), tùng đen Áo Quốc (pin noir d’Autriche), hai cây tùng thiên thọ (cedrus deodara) và một số các loại tùng khác nữa. Mỗi khi đi ngang qua những cây tùng này, Thầy hay dừng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chúng và xem đó là một sư chú hay một sư cô đang lớn lên rất mạnh khỏe trên đất Làng.
Công việc kế đó là cải tiến và tu bổ các căn nhà đã đổ nát. Sàn nhà và trần nhà của ba căn nhà đá được lót gỗ lại. Xóm Hạ có được hai thiền đường và một Tham vấn đường. Cách Thầy thiết kế rất đơn sơ nhưng thiền vị, làm cho người bước vào bỗng trở nên ý thức và bước những bước chân cẩn trọng. Tiếp theo đó, các chuồng bò và chuồng cừu đều được sửa sang lại làm thiền đường và phòng ngủ. Có một căn nhà đá hơn một trăm năm tuổi đã được dùng làm chuồng bò, phân bò và rơm đã lên cao tới gần một thước. Thầy trò đã để ra hơn một tuần để lấy phân và rơm ra, rồi thêm hai ngày để xịt nước rửa sạch từng viên đá của bốn bức tường. Cải tiến và tu bổ xong, ngôi nhà này trở nên sáng sủa và phong quang nhất ở xóm Thượng. Thầy dành ngôi nhà này làm pháp đường và đặt tên là Pháp đường Chuyển Hóa.
Thầy cùng dân Làng bắt đầu canh tác trồng hướng dương, bắp, nho, lúa mạch và đậu nành để tự túc kinh tế. Chưa có dụng cụ làm vườn như lưỡi cày, dụng cụ rải phân, remorque chở củi, máy bơm nước để tưới nên phải đi mượn của những người Pháp hàng xóm quanh vùng. Bác hàng xóm Mounet còn dạy cho dân Làng lái máy cày, tỉa nho và giúp đỡ nhiều việc khác. Các bạn người Pháp mang đến tặng Làng nhiều vật dụng cần thiết. Xóm Hạ có một nhà mặt trời rất lớn để trồng các loại rau thơm, các loại đậu, cải, mướp, cà… Dân Làng cũng bắt đầu trồng mận ngay vào năm đầu của Làng để tự túc kinh tế và để gây quỹ cho trẻ em nghèo ở Việt Nam. Cả trẻ em Việt Nam ở hải ngoại và trẻ em phương Tây đều hăng hái dành tiền ăn quà của mình để đóng góp vào việc trồng một hay vài cây mận giống Pruneaux d’Agen. Tổng cộng được 1250 cây, con số của tăng đoàn nguyên thủy thời Bụt. Làng Hồng được đổi tên thành Làng Mai. Cứ mỗi năm khi tiết trời bắt đầu ấm áp, rừng mai nở hoa trắng muốt. Dân Làng cùng nhau thưởng hoa trong tiết xuân ấm áp. Hội Thủy Tiên và Hội Hoa Mai trở thành một truyền thống của Làng.
Thầy quyết định mở cửa Làng ngay vào mùa Hè năm 1983. Sổ tay của người về Làng bằng tiếng Việt được ấn hành, rồi sau đó bằng tiếng Anh. Đây là những hướng dẫn tổng quát về sự thực tập để mọi người có thể học và chuẩn bị trước khi đến.
2. Làng Hồng mở cửa cho khóa tu mùa Hè đầu tiên
Ngày 15 tháng 07 năm 1983, Làng mở cửa lần đầu cho khóa tu mùa Hè kéo dài một tháng. Có 117 người về tu học. Dân Làng đã chuẩn bị mọi thứ cho khóa tu rất chu đáo. Mỗi xóm chỉ có ba nhà vệ sinh. Các bác và các thanh niên phải đào một hố tiêu khô có che mành nứa để dùng tạm. Vì thiếu phòng ngủ nên Thầy đã nằm chung dưới đất với bốn năm thiếu nhi ở cư xá Hồ Đào gần cây Tilleul. Ban đêm các cháu nằm lăn ra khắp nơi và lấn luôn sang cả chỗ nằm của Thầy. Trong các phòng có nền xi-măng, những chiếc giường được thiết kế bằng một tấm nệm mỏng đặt trên một tấm ván, với năm viên gạch kê bốn góc và chính giữa. Cuộc sống này kéo dài trong nhiều năm sau đó. Tuy thiếu thốn tiện nghi vật chất nhưng với bầu không khí tin yêu và thân thiện, cha mẹ con cái vẫn rất hạnh phúc trong thời gian cư trú ở Làng. Mọi người được nói tiếng Việt, được ăn cơm Việt, được mặc áo dài, áo bà ba, lại được tự tay mình cuốc đất trồng rau ngò, tía tô, xà lách, rau húng, và làm những giàn su su, bầu, mướp ngọt. Đây là cơ hội cho nhiều gia đình người Việt được trở về với người đồng hương cho đỡ nhớ nhà.
Các phụ huynh có dịp đưa con cháu về Làng học văn hóa Việt để không bị mất gốc. Các sinh hoạt đều nhắm đến chuyện giữ gìn văn hóa Việt Nam như các buổi hội thảo về Tương lai văn hóa Việt Nam dành cho các em thanh thiếu niên. Các lớp tiếng Việt dành cho thiếu nhi và sau này có thêm 14 môn văn hóa cấp tốc như sử ký, địa dư, ca dao tục ngữ, truyện cổ tích, các bài hát. Thiếu nhi vừa học vừa chơi trong một tuần là đã có thể được cấp “bằng chứng chỉ văn hóa Việt Nam”. Các em rất thích lễ Bông hồng cài áo và đặc biệt là lễ Mừng trăng lên (Tết Trung thu). Các em thường tổ chức văn nghệ thiếu nhi và kéo người lớn ra trình diễn rất vui. Giáo pháp được diễn bày qua những vở kịch rất sâu sắc và vui tươi.
Ở quán Cây sồi, chỉ cần một quan thôi là vào giờ trưa, thiền sinh có thể thưởng thức những món đặc biệt như chè thưng, chè bông cau, chè tơn, chè chỏm, chè trôi nước, nước hạt é, sương sa hột lựu, hoặc bánh bò, bánh tiêu, giò cháo quẩy, chuối chiên, bánh bột báng, bánh ít trần, hủ tiếu, bún riêu, v.v. Thầy nói đã bao nhiêu năm rời Việt Nam rồi mà kỷ niệm ăn hàng thuở bé vẫn là kỷ niệm làm Thầy nhớ nhất. Do đó Thầy muốn trẻ em làng Hồng cũng được tận hưởng những thú vui rất Việt Nam ấy. Và số tiền thu được đều bỏ hết vào quỹ của chương trình từ thiện cho quê nhà.
Một trong những mục đích của Làng là làm sao để trẻ em Việt Nam ở phương Tây được hấp thụ tất cả những gì cao đẹp của cả hai nền văn hóa: cái đẹp của văn hóa Việt Nam và cái đẹp của văn hóa nơi các em cư trú. Thầy cũng dạy rằng cách thức bảo vệ văn hóa dân tộc hay nhất là tập trở lại cách đi, cách đứng, cách uống trà, cách chào hỏi, v.v. để chúng ta khôi phục lại con người tốt đẹp của chúng ta.
Thầy Joseph Liggett, một cao đệ của thiền sư Robert Aiken từ Hawaii tới dự khóa tu rất ngạc nhiên, thầy không hiểu vì sao trẻ em Làng Hồng dễ thương đến thế. Nhiều thiền sinh phương Tây khác cũng có cùng một thắc mắc. Có phải bởi vì người lớn hạnh phúc? Hay bởi vì thiếu nhi được dành một vị trí quan trọng ở Làng Hồng?
Từ kinh nghiệm tu học và sự chứng nghiệm của chính mình, Thầy dạy đồng bào, người lớn cũng như trẻ em các pháp môn thực tập chánh niệm để ôm ấp và chữa trị những vết thương chiến tranh, đồng thời tiếp xúc được với gốc rễ văn hóa tâm linh để có thêm sự bình an và sức mạnh. Tất cả các bài pháp thoại, Thầy đều dành ra mười lăm phút đầu để dạy thiếu nhi thực tập, đôi khi bằng cách kể chuyện cổ tích. Các em được học cách chào nhau bằng cách chắp tay búp sen, cách thỉnh chuông, cách thở bụng, hay “mình sẽ làm gì khi có cơn giận?”… Sau đó, Thầy dạy người lớn làm thế nào để áp dụng hơi thở chánh niệm trong việc chữa trị thân tâm; làm sao để thưởng thức được những giây phút im lặng, làm sao để tập ngồi, tập đi đứng như một đức Bụt, nghĩa là luôn luôn an trú trong tịnh lạc. Thầy dạy cách thực tập rửa bát, giặt giũ, nâng một chén trà lên uống trong sự tỉnh thức và thanh tịnh. Thầy hướng dẫn để giúp mọi người thấy rõ được những gì đang xảy trong bản thân và nơi những người thương yêu đang chung sống với mình; làm sao đem sự an lạc cho mình và cho họ. Thầy dạy cách áp dụng thi kệ chánh niệm trong các hoạt động thường nhật như đánh răng, quét nhà, thắp nến. Như những gì Thầy đã từng làm trong thập niên 50, Thầy dịch hoặc phỏng dịch toàn bộ từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ những bài thi kệ, các bài kinh, v.v. cho đồng bào thực tập. Thầy còn sáng tác thêm nhiều bài kệ thích ứng với xã hội ngày nay, như bài kệ thực tập khi nhấc điện thoại, khi rồ máy xe hơi, bật máy vi tính, v.v. Thầy chế tác và dạy mọi người những phương pháp thực tập như dừng lại và thở theo tiếng chuông.
Mỗi ngày Thầy đều hướng dẫn đồng bào từ đầu tới cuối, từ thiền ngồi qua ăn cơm trong im lặng và quán niệm, từ thiền hành, pháp đàm, cho đến thiền trà… Thầy đi chỉnh tư thế ngồi của từng người cho thẳng, đầu của từng người cho ngay ngắn. Từ bảy tuổi trở lên, phần đông các cháu thiếu nhi đã đi ngồi thiền và ngồi trọn buổi không thua gì người lớn, mặc dù Thầy cho phép các cháu khi nào mệt hay buồn ngủ thì các cháu cứ nhẹ nhàng đứng dậy, xá Bụt và lui ra khỏi thiền đường. Thầy dạy trẻ em cùng người lớn những pháp môn thực tập chánh niệm mà họ có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày. Hàng tuần, trong khung cảnh trang nghiêm với sự có mặt của cha mẹ và bạn bè, các cháu thiếu nhi được lặp lại trước Bụt, trước Sư Ông (cách các thiếu nhi gọi Thầy) và ba mẹ, Ba sự quay về nương tựa (Tam quy) và Hai lời hứa. Sau đó, các cháu được ra khỏi thiền đường đi chơi trong khi người lớn ở lại tụng Năm giới hay giới Tiếp Hiện [295]. Ở Làng Mai, trẻ em được đặt vào một vị trí rất quan trọng. Đó là thế hệ tiếp nối và có khả năng làm giàu đẹp những giá trị truyền thống[296]. Thầy dạy các cháu rửa chén. Thầy thương trẻ em lắm. Chúng biết Thầy thương nên cứ bám theo Thầy. Thầy đi trước rửa chén, theo sau là một hàng dài con nít, không ai có thể chen vô được.
Để thiếu nhi và người trẻ được tưới tẩm những hạt giống tốt và nhắc nhở mọi người sự thực tập, Thầy bắt đầu sáng tác và phổ nhạc những bài hát như Quay về nương tựa, Đã về đã tới, Thở vào thở ra, v.v. Vừa sáng tác, Thầy vừa khuyến khích các học trò sáng tác. Truyền thống thực tập thiền ca của Làng Mai đã bắt đầu từ những năm đầu khi Làng Hồng mở cửa. Các đệ tử người Tây phương cũng sáng tác song song những bài hát và những bài nhạc kinh tiếng Anh. Đến năm 1997, nhạc sĩ Anh Việt phổ nhạc các bài thơ của Thầy, các bài sám, bài kinh từ sách Thiền môn nhật tụng do Thầy biên soạn. Từ đó, các thầy và các sư cô đều hát nhạc kinh hai thứ tiếng trước pháp thoại của Thầy. Đối với Thầy, tán tụng trong truyền thống Phật giáo cũng là một loại âm nhạc, âm nhạc tâm linh. Khi những bài hát nhắc nhở ta thực tập, giúp tâm ta như lý tác ý và tưới tẩm những hạt giống tốt thì những bài hát này có cùng một tác dụng với những bài thiền hướng dẫn.
Khi con cái đi học, hòa nhập vào xã hội phương Tây và hấp thụ văn hóa phương Tây, hố khoảng cách văn hóa với cha mẹ mỗi ngày mỗi lớn. Tuy người Việt tị nạn đã được định cư an ổn và có một nếp sống tràn đầy tiện nghi về vật chất, nhưng không khí trong nhiều gia đình mỗi ngày mỗi nặng nề và căng thẳng hơn. Nhìn sâu vào những vấn đề mới của đồng bào ở hải ngoại, Thầy thấy nhu cầu cấp bách là cần chia sẻ những pháp môn khế lý, khế cơ để giúp mọi người cách truyền thông trong gia đình. Thầy dạy mọi người thực tập ái ngữ và lắng nghe, thực tập thiền ôm để giải tỏa nội kết và làm mới với nhau. Những phương pháp cụ thể này đã thiết lập lại truyền thông và đem lại sự hòa giải cho không biết bao nhiêu cặp vợ chồng, cha mẹ, con cái trong các gia đình. Thầy luôn căn dặn mọi người duy trì sự thực tập khi về lại nhà bằng cách phải tổ chức thiền tọa, thiền hành, thiền trà,… Nhiều người trẻ đã phục hồi được niềm tin của họ nơi dân tộc và nơi tương lai.
Hôm nọ, một em trai tới đưa cho Thầy cuốn Tương lai văn hóa Việt Nam và xin Thầy viết vài câu gì vào đó để có thể nhắc nhở em bảo vệ văn hóa dân tộc. Thầy từ chối không viết. Thầy thân ái vỗ nhẹ vào vai em và nói: “Cách thức bảo vệ văn hóa dân tộc hay nhất là bảo trọng lấy thân thể mình. Chiến tranh đã gây trên thân thể và tâm hồn ta quá nhiều thương tích rồi. Chúng ta đã khổ đau, nghi kị, đã sợ hãi, đã căm thù, đã tuyệt vọng. Trong chúng ta ai cũng đã mang thương tích. Qua tới bên này, đừng để cuộc sống cướp giật và tàn phá chúng ta thêm nữa. Vì vậy ta phải bảo trọng thân mạng ta. Nếu cái hạt đào còn nguyên vẹn, nó sẽ mọc thành ra cây đào tốt tươi như cũ. Bảo trọng lấy thân mạng tức là bảo trọng lấy hạt đào của dân tộc. Do đó chúng ta phải tập trở lại cách đi, cách đứng, cách uống trà, cách chào hỏi, v.v. để chúng ta khôi phục lại con người tốt đẹp của chúng ta. Chúng ta khôi phục niềm tin cậy lẫn nhau và niềm tin tưởng ở tương lai. Các em hãy tổ chức thiền trà, thiền tọa, thiền hành… chúng ta phải tạo một tương lai cho con em, cho nòi giống, cho đất nước”. Trong khi Thầy nói, một em, rồi hai em, rồi tất cả các em khác lần lượt tới quây quần bên Thầy, lắng nghe với tất cả tâm hồn. Cảnh tượng thật mầu nhiệm. Nơi đó không còn sự chia cắt gốc Hoa, gốc Việt, miền Bắc, miền Nam. Chỉ còn một đàn con cùng mẹ đang quây quần với nhau, thao thức lo lắng cho ngày mai đất nước.
Ngay sau khóa mùa Hè đầu tiên vào tháng 09, thiền sư Zentasu, viện trưởng các thiền viện San Francisco và Tassajara ở Mỹ đến thăm và ở lại với Thầy một tháng tại xóm Thượng. Các tác viên người Anh của các tổ chức Refugee Action, British Refugee Council và Save the Children cũng đến để học hỏi. Mùa thu năm đó, ông Giám đốc cơ sở thiết kế đầu đạn nguyên tử liên lục địa xuất hiện tại xóm Thượng và xin phép gặp riêng với Thầy, không có người thứ hai. Ông và người vợ trẻ bay từ Hoa Kỳ sang Bordeaux rồi mướn xe hơi tự lái từ phi trường về đây chỉ để xin gặp Thầy một giờ đồng hồ. Ông đang rất khổ khi phải đứng đầu một chương trình mà đầu đạn nguyên tử một khi bắn đi xuyên lục địa có thể tàn phá cả một thành phố.
Ngoài những người Việt tị nạn còn có những người phương Tây tìm đến Thầy từ khi Làng mở cửa. Họ tha thiết muốn được Thầy hướng dẫn tu học. Vào mùa hè thứ ba khi không còn chỗ, sáu thiền sinh người Đức và Hà Lan đã xin cắm lều để được ở lại tu học. Có cả thiền sinh người da đỏ. Thầy phải phân chia thì giờ cho hai cộng đồng người Việt và người phương Tây. Thầy giảng pháp thoại tiếng Anh ở xóm Thượng và pháp thoại tiếng Việt ở xóm Hạ. Thiền sinh cũng xin Thầy để được tham vấn hầu như mỗi ngày. Nghi thức tụng giới cũng được biên soạn bằng tiếng Anh. Sau đó, Làng không chỉ mở cửa vào mùa hè mà còn mở cửa quanh năm cho cộng đồng người Việt cũng như người phương Tây tìm về để học cách chuyển hóa khổ đau và tìm thấy nếp sống hạnh phúc. Đến năm 1990, vào khóa tu mùa Hè, thiền sinh về Làng đã lên đến gần 1000 người. Ngoài xóm Hạ và xóm Thượng, để đủ chỗ cho thiền sinh về tu học, Làng còn phải có thêm xóm Đoài, xóm Trung, xóm Mới,… Vẫn không đủ chỗ, thiền sinh phải cắm lều hay ở những nhà trọ quanh vùng. Người phương Tây về Làng mỗi năm mỗi đông hơn và người Việt trở thành thiểu số. Từ năm 2008, Thầy không còn giảng pháp thoại bằng tiếng Việt trong khóa tu mùa Hè nữa. Thầy giảng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp trong khi ban kỹ thuật phải sắp xếp hệ thống dịch cùng một lúc ra tiếng Đức, Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha, Hoa, Nhật, Thái…
Trong hai thập niên tiếp theo, Làng Mai đã phát triển thành một trung tâm tu học Phật giáo lớn nhất ở phương Tây, thiền sinh từ khắp nơi trên thế giới trở về đây với hơn 4000 người vào mỗi mùa hè và hơn 10.000 người đến tu học mỗi năm.
3. Cách hành trì mới
Thiền sinh phương Tây bắt đầu đứng ra tổ chức những khóa tu và thỉnh Thầy đến dạy tại mỗi nước. Hòa Lan là đất nước đầu tiên có những khóa tu chánh niệm do Thầy hướng dẫn, như khóa tu tại trung tâm Kosmos (Amsterdam) hay ở Theresiahove, do một nữ tu Công Giáo Judith Bossert tổ chức. Sau khi được học với Thầy, vị nữ tu thực tập thiền mỗi ngày và đã được thọ giới Tiếp Hiện tại Làng.
Mùa xuân năm 1983, Hội Thân hữu Hòa bình Phật giáo (Buddhist Peace Fellowship) và trung tâm Thiền của Baker Roshi ở San Francisco (San Francisco Zen Center) tổ chức khóa tu đầu tiên do Thầy hướng dẫn cho Phật tử phương Tây tại trung tâm Tassajara Zen Mountain. Trong các thập niên 80 và 90, với bối cảnh thiền tập đang phát triển nhanh chóng ở phương Tây, họ mời Thầy trở lại mỗi năm để hướng dẫn những khóa tu tại các trung tâm thiền Phật giáo mọc lên ở hai bờ Đông và Tây Hoa Kỳ như Hội thiền Minh sát (Insight Meditation Society), Học viện Omega (Omega Center), New York Open Center, trung tâm Ojai Foundation vùng Santa Barbara và trung tâm thiền San Francisco, hay ở trung tâm Thiền Providence (Providence Zen Center), Rhodes Island, và ở Boulder, Colorado. Thầy giảng dạy tại các trung tâm thuộc truyền thống Đại Hàn, Tây Tạng, hay Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên các thiền sinh tại những nơi này được tiếp xúc với thiền Việt Nam.
Mô thức của khóa tu chánh niệm mà Thầy hướng dẫn hoàn toàn căn cứ trên những gì Thầy đã học hỏi và hành trì. Điểm nhấn trong các pháp môn của Làng Mai là tính thiết thực. Mục tiêu của sự thực tập không phải là để trốn chạy khổ đau và tìm cầu bất cứ điều gì ở tương lai, ngay cả tìm cầu sự giác ngộ và Niết bàn. Mục tiêu của sự thực tập cũng không phải là để được vãng sinh về cõi Tịnh độ sau khi chết, hay để tích phước, mà trở về hiện tại để tiếp xúc với hạnh phúc, sự bình an, và Tịnh độ đang có sẵn. Nhờ vậy mà thân tâm được nuôi dưỡng, trị liệu và những khổ đau được chuyển hóa. Kinh Người biết sống một mình là nền tảng cho sự thực tập chánh niệm. Sống một mình có nghĩa là sống an trú trong hiện tại, sống tự do không bị kẹt vào quá khứ, tương lai, hay một theo đuổi trong hiện tại. Chỉ khi nào an trú được trong hiện tại thì ta mới tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống để được nuôi dưỡng và trị liệu. Thầy nhấn mạnh đến sự thực tập bước chân chánh niệm. Thiền đi đã trở nên sự thực tập căn bản ở Làng và trong các khóa tu.
Thầy là một trong những vị thầy Phật giáo đầu tiên ở phương Tây nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kết hợp thiền tập và chánh niệm với các hoạt động thường nhật xảy ra bên ngoài thiền đường. Với tuệ giác bất nhị, cốt tủy của đạo Bụt, sự thực tập không tách rời xã hội mà nguồn tuệ giác ấy có thể áp dụng trong gia đình, sở làm và bất cứ ở đâu trong đời sống hằng ngày. Đây là tinh thần của kinh An ban thủ ý và kinh Tứ niệm xứ, hai kinh nền tảng cho mọi phương pháp thực tập. Sau bao nhiêu năm thử nghiệm, Thầy thấy mười sáu bài tập thở này rất thực tế và hữu hiệu, vì vậy trong khóa tu nào Thầy cũng hướng dẫn thiền sinh thực tập ít nhất là tám bài tập đầu. Phải rèn luyện mới thực tập thở một cách hiệu nghiệm được, và càng thực tập Thầy càng hiểu sâu công dụng vô biên của kinh này. Khi cái hiểu của Thầy về kinh An ban thủ ý càng ngày càng sâu, sự thực tập và giảng dạy của Thầy cũng càng ngày càng thiết thực và có hiệu quả. Thầy luôn tin rằng sự hành trì sẽ còn giúp cái hiểu của Thầy đi sâu hơn nữa về kinh An ban thủ ý, cũng như về các giáo lý như Tam bảo, Tứ đế, Bát chánh đạo và Mười hai nhân duyên.
Đối với Thầy, tu là phải vui. “Thở vào, tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười” là sự thực tập căn bản. Các thiền sinh rất hạnh phúc khi được phép mỉm cười trong khi thực tập thiền mà không phải gồng mình, ép xác và căng thẳng như cách họ thực tập trước đó. Điều đánh động thiền sinh nhiều nhất là sự thực tập bất bạo động với thân thể, với những cảm thọ và những cảm nghĩ của chính mình. Nếu thực tập chánh niệm nghiêm chỉnh mà không có sự buông thư, không có hỷ, lạc và ý thức mầu nhiệm về sự sống, thì đó có thể chỉ là hình thức mà không có nội dung. Vì lý do trên, Làng Mai càng ngày càng giản lược về hình thức nghi lễ, tuy rằng nghi lễ có khi rất đẹp. Qua sự giản lược về hình thức, mọi người cảm thấy tự nhiên hơn trong khi thực tập. Đó là theo nguyên tắc “không có con đường nào đi tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường; không có sự thực tập nào đưa tới giác ngộ, giác ngộ chính là sự thực tập.”
Thầy luôn dành phần đầu của Pháp thoại cho các cháu thiếu nhi. Đây là một sự đặc trưng của Thầy. Tiếng chuông chánh niệm cũng là một đặc thù của khóa tu do Thầy hướng dẫn. Khai thác những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, Thầy đã giới thiệu cho các đệ tử khắp năm châu cách thiết lập một bàn thờ tổ tiên, giúp họ thực tập kết nối, hòa giải và biết nương tựa tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống trong chính tự thân.
Trước khi chia sẻ Pháp thoại hay trong các buổi vấn đáp, Thầy luôn chia sẻ cho các cháu thiếu nhi và ưu tiên cho các cháu được đặt câu hỏi trước. Giờ thiền hành, Thầy luôn nắm tay các cháu cùng đi với đại chúng. Các khóa tu dành riêng cho thiếu nhi đã được tổ chức ở Hoa Kỳ và ở Pháp. Tất cả các pháp môn tu học dành cho người lớn thực tập đều được trình bày lại một cách đơn giản và dễ hiểu nhất cho các cháu như ngồi thiền, thiền đi, thiền buông thư, thiền lạy, thiền ăn, cho đến Làm mới. Các buổi làm mới giữa các em và ba mẹ lúc nào cũng đầy những giọt nước mắt hạnh phúc và trị liệu khi các cháu có cơ hội nói ra những điều thâm sâu trong lòng. Mỗi khóa tu mùa Hè ở Làng đều có các xuất sĩ cùng với các bạn cư sĩ đảm trách chương trình thiếu nhi và chương trình thanh thiếu niên theo lứa tuổi và ngôn ngữ tại mỗi xóm. Được chơi và thực tập trong một môi trường lành mạnh, an toàn, các thiếu nhi và người trẻ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Nhiều em trở về Làng mỗi năm, nay đã lớn và tiếp tục sinh hoạt với những nhóm trẻ lớn tuổi hơn (young adults) hay tham gia vào tăng thân Wake-up. Có những em đã thọ giới Tiếp Hiện, đã xây dựng và hướng dẫn các tăng thân địa phương. Làng Mai là ngôi nhà tâm linh của các cháu.
Thầy đã phát triển và hướng dẫn các phương pháp thực tập chánh niệm cụ thể, giản dị, như hơi thở chánh niệm, thiền hành, rửa bát, đánh răng, nấu ăn, làm việc, dừng lại và thở khi nghe chuông, mỉm cười… Có thể nói, Thầy là một trong những thiền sư đầu tiên trong thời hiện đại gỡ bỏ sự huyền bí đã được phủ màu lâu năm trong thế giới của Thiền. Từ đó, con đường thiền tập trở về với tự thân, tiếp xúc với giây phút hiện tại bằng chánh niệm trở nên gần gũi và giúp hành giả chuyển hóa được rất nhiều bế tắc và đạt được những tuệ giác rất sâu sắc.
Thầy là người tiên phong trong phương pháp thực tập ngồi thiền kết hợp những câu hướng dẫn và các từ khóa với hơi thở, giúp cho thiền sinh chế tác hỷ lạc, đem lại sự trị liệu và phát sinh tuệ giác. Thầy còn hướng dẫn một pháp môn mới là thiền buông thư, dựa trên việc sử dụng ánh sáng chánh niệm để soi chiếu và làm lắng dịu toàn thân từ đầu đến chân. Thầy khai triển pháp môn Thiền lạy (Sám pháp địa xúc), sự thực tập quán chiếu trong tư thế phủ phục để buông bỏ cái ngã, nhằm tiếp xúc với tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh trong chính con người mình và chạm tới tuệ giác vô ngã. Đây là một trong rất nhiều phương pháp áp dụng giáo lý tương tức một cách cụ thể.
Từ những khóa tu đầu ở Mỹ như khóa tu tại trung tâm thiền tập Tassajara ở California, lần đầu tiên Thầy đã sử dụng từ “interbeing”, chưa có trong tự điển, để giải thích cho thiền sinh phương Tây về tính tương tức của vạn pháp. Sử dụng từ gốc “to be” làm nên một từ mới là inter-being để dịch sahabhūtā (từ tương tức bằng tiếng Phạn). “Tương tức nghĩa là ta không thể nào tự mình có mặt hay làm cho một cái khác có mặt, ta phải cùng nhau có mặt”, Thầy giải thích. Sự quán chiếu về tương tức có thể giúp thiền giả cởi bỏ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị. Chỉ với một danh từ đơn giản interbeing – tương tức, Thầy đã chuyển tải được tuệ giác nằm phía sau cam kết “không phe phái” của mình trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Bài thơ Hãy gọi đúng tên tôi được Thầy viết trong thời kỳ khủng hoảng thuyền nhân Việt Nam chính là sự chứng ngộ thâm sâu về tuệ giác tương tức của Thầy: tất cả mọi thứ đều là sự biểu hiện của mạng lưới nhân duyên trùng điệp, và ta cũng là một trong muôn vàn những nhân duyên ấy. Như Thầy đã nói: “Tất cả mọi cái đều chứa đựng trong nó tất cả những cái khác”. Ngay trong những khóa tu đầu tiên, Thầy đã dạy rằng không thể có hạnh phúc nếu không có khổ đau, nếu không có bùn thì không thể có sen., Thầy dạy rằng bất cứ ai cũng có thể sử dụng tuệ giác về tương tức để tiếp xúc với tự tánh của thực tại, vượt thoát khỏi mọi ý niệm, trong đó có ý niệm “hiện hữu (có)” và “không hiện hữu (không)”. Tuệ giác và phương pháp hành trì rất cụ thể về tương tức (Interbeing) là cốt tủy trong những lời dạy của Thầy, trở thành một trong những đóng góp nổi bật của Thầy ở phương Tây, đã giúp bao nhiêu người hiểu đạo Bụt, biết thực tập nhìn sâu để hiểu nỗi khổ niềm đau của họ, để trị liệu và chuyển hóa, đạt đến an lạc.
Thầy luôn nhấn mạnh đến sức mạnh của thiền tập cộng đồng trong việc trị liệu và chuyển hóa, cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng các cộng đồng thực tập chánh niệm tại địa phương (hay còn gọi là tăng thân). Thầy mong muốn mọi người có một nơi để cùng tu tập, nuôi dưỡng niềm vui, sự gắn kết nhằm đối trị với sự cô đơn, biệt lập và chủ nghĩa cá nhân đang xâm chiếm thế giới hiện đại. Những đoàn thể này được gọi là những cộng đồng sống chánh niệm. Ngày nay, những thành phố lớn như New York hay London đều có trên mười tăng thân. Những đệ tử cư sĩ của Thầy đã xây dựng được một mạng lưới gồm hơn 1500 tăng thân thực tập chánh niệm tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Trong hai thập niên gần đây, sự giảng dạy và thực tập của Làng Mai đặt trọng tâm vào công phu chế tác hỷ lạc, xử lý niềm đau và hòa giải được với người thân. Khóa tu nào cũng có dạy và thực tập về những chủ đề ấy. Dù cách thức giảng dạy có khác nhưng nội dung và chủ đích vẫn là một.
5. Nhà xuất bản Lá Bối Hoa Kỳ và Parallax
Để có những tư liệu cần thiết cho các thiền sinh tu học tại Làng hay trong các khóa tu Thầy hướng dẫn ở các nước, máy in của Lá Bối mà Thầy dời từ Sceaux về Phương Khê lại phải hoạt động liên tục để cho ra đời những tác phẩm như Sổ tay của người về Làng. Đây là một cuốn chỉ nam ngắn gọn hướng dẫn tổng quát mà trước khi về Làng mọi người cần đọc để có thể hòa nhập vào khóa tu một cách nhanh chóng và có được nhiều an lạc trong thời gian ở Làng.
Ngoài ra, Thầy còn viết thêm nhiều tác phẩm khác để bổ túc như Thiền hành yếu chỉ, Nghi thức tụng niệm, Tương lai văn hóa Việt Nam, Tương lai thiền tập Việt Nam, Con đường chuyển hóa – những lời diễn giải từ kinh Tứ Niệm Xứ (Bốn lĩnh vực quán niệm). Đây là kinh gối đầu giường của các thầy Nam tông ngày nay và của tất cả các thầy vào thời nguyên thuỷ. Ai cũng thuộc lòng kinh này để thực tập chăm sóc và quán chiếu hình hài, cảm thọ, tri giác và đối tượng tri giác của mình. Ngoài ra, Thầy cũng hoàn tất tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận III. Trong khi khảo cứu và trước tác Việt Nam Phật giáo sử luận, Thầy có cơ hội nhìn lại quá khứ và nhờ đó mà thấy được con đường tương lai của thiền học Việt Nam, của đạo Bụt không những ở Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, trưởng khoa Sử học Phật giáo đại học Văn khoa Hà Nội, đọc được hai tập mà không biết tác giả là ai. Ông đã tìm cách liên lạc với Nguyễn Lang qua NXB Lá Bối ở Paris, để xin phép cho NXB Văn Hóa in bộ sách tại Hà Nội. Năm 2000, NXB Hà Nội tái bản cả ba tập với lời nói đầu:
“Công trình Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang qua những lần in trước đây đã tỏ rõ được sự hấp dẫn khoa học của nó. Tác giả đã cung cấp cho giới nghiên cứu văn hóa, văn học và những ai quan tâm đến lịch sử Phật giáo Việt Nam những tư liệu nghiêm túc và cái nhìn bao quát về lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến hiện đại.”
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi có viết lời giới thiệu, trong đó có những đoạn:
“Nếu nói rằng Nguyễn Lang đã tìm ra được một kết cấu hợp lý cho bức tranh sống thực của lịch sử Phật giáo Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX thì cũng không có gì quá đáng, vì lẽ, dù đó đây có nhiều điểm còn phải bổ sung, thay đổi, cái kết cấu mà ông tạo dựng nên trong sách cũng đã trở thành một cái gì khách quan và ổn định, nó góp phần làm sống lại không khí cũng như diện mạo cụ thể của sinh hoạt Phật giáo qua các thời đại, đến mức ngay những bộ sách cùng đề tài triển khai sau ông, muốn tự đề xuất một hướng tìm tòi mới, khoa học hơn, xác đáng hơn, chung quy vẫn phải dựa vào kết cấu đó, đôi khi còn biến hóa vay mượn nó một cách lộ liễu.”
[…] “Đặc biệt hơn nữa là [Nguyễn Lang] đã biết cách làm tư liệu “sống dậy”. Một mặt, chúng được ông khảo sát thật tâm huyết và tỉ mỉ, như một nhà văn bản học thực thụ, nhằm đưa ra những bằng cứ có giá trị “thiết chứng”, thuyết phục được người xem. Mặt khác, ông biết nhìn ra trong tư liệu những tiếng nói riêng, những “ẩn ngôn” bất ngờ có khả năng thông báo những điều lý thú, mà người khác nhìn vào chưa chắc đã thấy gì. Vì thế, tuy đã hơn một lần đọc các tài liệu này, ta vẫn bị ngòi bút ông lôi cuốn không thể nào cưỡng lại được, và say mê theo dõi các phát hiện của ông.
“Bộ sách của Nguyễn Lang còn có một ưu điểm đáng quý: coi trọng vai trò của tài liệu trong luận chứng, có thái độ tỉnh táo trước hiện tượng thật giả khó phân của nhiều nguồn tư liệu, nhưng không bao giờ đi đến một thái độ cực đoan, hoài nghi chủ nghĩa, trong khi lục vào kho tài liệu nghèo nàn, thậm chí hỗn loạn của cha ông.”
Sau này gặp được Thầy, giáo sư Huệ Chi xin in hình Thầy trên bìa sau tập sách mặc dù tên tác giả vẫn giữ là Nguyễn Lang.
Năm 1985, có các đệ tử cư sĩ chăm lo NXB Lá Bối tại Hoa Kỳ để Thầy không phải mất nhiều thì giờ vào việc in ấn. Từ đây, Thầy có thêm thì giờ để giảng dạy và viết sách. Thầy đã viết lại cuộc đời của Bụt qua tác phẩm Đường xưa mây trắng. Dựa trên tinh hoa của Tam tạng kinh điển, Thầy đã lấy đi chất thần thánh mà các đệ tử của Bụt đã tô điểm Ngài do sự tín mộ và tôn thờ qua nhiều thế kỷ. Trong Đường xưa mây trắng, Bụt là một con người rất gần gũi với những khó khăn và những buồn đau. Nhưng bằng tình thương và trí tuệ, Ngài đã vượt qua được mọi khó khăn mà không cần dùng đến thần thông biến hóa. Qua tác phẩm này, Thầy cũng có chủ ý tập cho độc giả quen thuộc trở lại với danh từ Bụt. Người Việt đã dùng chữ Bụt cho đến thế kỷ thứ XIV. Có nhiều bạn trẻ sau khi đọc tác phẩm này đã phát tâm xuất gia làm đệ tử của Thầy. Tác phẩm đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, trong đó có tiếng Ấn Độ (Hindi), được tái bản nhiều lần ở các nước. Paul Williams, một nhà văn, nhà phê bình văn học người Mỹ đã trân trọng đặt Đường xưa mây trắng ở vị trí thứ 12 trong số 40 quyển sách hay nhất của thế kỷ 20 trên toàn thế giới[306].
Năm 1987, nhà xuất bản Parallax Press ra đời ở Berkeley, Mỹ để phát hành sách Thầy bằng tiếng Anh. Tác phẩm đầu tiên là Being Peace đã nhanh chóng trở thành quyển sách bán chạy nhất trên thị trường mãi cho đến bây giờ.
6. Đệ tử
Sau nhiều năm hướng dẫn các khóa tu ở châu Âu và châu Mỹ, Thầy nhận thấy thiền sinh tới tu học rất hết lòng, rất tinh chuyên và gặt hái được nhiều sự chuyển hóa và trị liệu. Thế nhưng khi rời khóa tu trở về nước, họ không duy trì được sự thực tập và niềm an lạc lâu dài mà rất dễ bị thối chuyển bởi những tập khí cũ cũng như môi trường sống. Thầy nhận ra họ thiếu một tăng thân địa phương để cùng nhau tiếp tục thực tập và thiếu một sự liên hệ thầy trò bền vững. Hai yếu tố trên rất cần thiết để duy trì miên mật sự thực tập và kéo dài nếp sống hạnh phúc.
Từ những thập niên 50 khi còn là một giáo thọ trẻ, Thầy đã từng dặn lòng rằng không nên có đệ tử riêng. Để tránh phiền toái, Thầy chỉ cần dạy đệ tử của các thầy khác là đủ rồi. Nhưng từ khi Thầy tìm ra sự thật trên, Thầy bắt đầu truyền quy giới cho thiền sinh trong các khóa tu và nhận đệ tử cư sĩ từ năm 1983 lúc Thầy tròn 57 tuổi. Có những khóa tu ở châu Âu và châu Mỹ quy tụ được trên dưới một ngàn thiền sinh, và vào ngày cuối của khóa tu, có tới 700 người tiếp nhận Năm giới. Cho đến năm 2014, Thầy đã truyền Năm giới tân tu cho cả hàng trăm ngàn người, kể cả những người theo đạo Ki tô, đạo Tin lành, đạo Do thái, đạo Hồi, v.v.
Thầy trình bày lại Năm giới không như những điều luật cấm đoán mà là sự thực tập chánh niệm. Thầy là vị thầy đầu tiên của Phật giáo đương đại khám phá ra rằng trong Tam học, trong đó giới (śīla) chính là niệm (smṛti) từ trong kinh tạng, và do đó giới định tuệ cũng là niệm định tuệ. Nếu ta hành trì giới nghĩa là ta đang hành trì chánh niệm; và giới giúp ta thực tập chánh niệm. Năm giới quý báu đã được tân tu nhiều lần. Năm giới tân tu được gọi là năm phép thực tập chánh niệm, là thực tập căn bản cho tất cả mọi thành viên trong tăng thân. Năm giới tân tu như thế đi đôi tuyệt hảo với các kinh An ban thủ ý, Tứ niệm xứ và kinh Người biết sống một mình. Do đó, Năm giới tân tu cũng đi đôi tuyệt hảo với sự thực tập hiện pháp lạc trú, có công năng buông bỏ căng thẳng, chế tác hỷ lạc, xử lý niềm đau và trị liệu những chứng bệnh thời đại.
Sau 15 năm, Thầy bắt đầu truyền giới Tiếp hiện trở lại tại Phương Khê, hay trong các khóa tu ở Mỹ, ở Làng, vừa cho người Việt vừa cho người phương Tây. Đây là những vị đã tu học với Thầy lâu năm và đã chứng tỏ được những hoa trái mà họ gặt hái được trên con đường tâm linh. Những cư sĩ hành trì giới Tiếp hiện đều có vai trò thành lập và hướng dẫn các nhóm tu học tại địa phương nơi họ sinh sống. Những vị ấy về Làng mỗi năm để phát triển sự thực tập, hay giúp các khóa tu. Họ cũng đứng ra tổ chức các khóa tu ở các nước và thỉnh Thầy đến hướng dẫn. Tại Phương Vân Am, các khóa tu vẫn được duy trì đều đặn mỗi ba tuần dù cho Thầy không có mặt khi Thầy đã dọn về miền Nam nước Pháp. Vào những dịp Giáng sinh và Tết dương lịch, khóa tu thường kéo dài mười ngày và tất cả phòng ốc đều chật kín. Cho đến năm 2014, Thầy đã truyền giới Tiếp hiện cho hơn 2000 cư sĩ.
7. Thành lập giáo đoàn xuất sĩ: một giai đoạn mới của công trình làm mới đạo Bụt ở phương Tây
Sau bao nhiêu năm bôn ba hoạt động cho hòa bình và giảng dạy, Thầy bắt đầu nhận đệ tử xuất gia khi tròn 62 tuổi. Tại đỉnh Linh Thứu, Ấn Độ, vào ngày 17 tháng 11 năm 1988, Thầy đã làm lễ xuất gia cho chị Cao Ngọc Phượng, chị Annabel Laity và chị Thanh Minh. Chị Phượng là một trong sáu cây tùng được thọ giới Tiếp hiện đầu tiên vào năm 1966, là một phụ tá đắc lực và bền bỉ của Thầy cho đến ngày hôm nay. Chân Không là pháp tự Thầy đã ban cho chị từ năm 1966. Chị Annabel trước đó đã tu học trong một ni viện Tây Tạng nằm trên dãy Himalaya ở Ấn Độ. Sau đó, chị về Làng tu học và trở thành dân thường trú người phương Tây đầu tiên của Làng. Pháp tự của chị là Chân Đức. Chị Thanh Minh là một trong những thuyền nhân được Thầy làm giấy tờ bảo lãnh qua định cư ở Pháp, nay đã trở thành sư cô Chân Vị.
Thầy thường dạy rằng, sau khi thành đạo, ngồi dưới gốc cây bồ đề, bằng năng lượng tỉnh giác, đức Thế Tôn bắt đầu nghĩ đến sự nghiệp của mình. Sự nghiệp đó là xây dựng tăng thân. Nếu không có tăng thân thì một mình đức Thế Tôn cũng không làm được gì nhiều. Nhờ có tăng thân mà Bụt hoàn tất được sự nghiệp hóa độ của Ngài. Tăng thân của Bụt có khả năng đem giáo pháp đi vào cuộc đời. Thầy cũng muốn tiếp nối công trình xây dựng tăng thân của Bụt.
Từ khi chúng xuất gia được thành lập tại Làng, các thầy, các sư cô từ các nơi khác bắt đầu đến xin ở lại tu học, trong đó có những vị đã tham dự các khóa tu xuất sĩ ở California, Mỹ mà Thầy thường xuyên hướng dẫn từ năm 1983. Sau đó có thêm nhiều đợt xuất gia khác nên chúng xuất gia ở Làng mỗi ngày một đông, đa số gồm những người Việt lớn lên ở phương Tây, rồi đến người Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Anh…
8. Trao truyền và tiếp nhận
Từ đó, mỗi năm đều có khóa An cư ba tháng để Thầy dạy sâu về kinh, luật, luận, chủ yếu nhằm đào tạo cho chúng xuất sĩ nhưng chúng cư sĩ cũng được theo học. Thay vì An cư kiết hạ như các nước châu Á, Làng Mai có truyền thống An cư kiết đông. Trong năm, Thầy đi hướng dẫn khóa tu ở khắp các nước nhưng khi mùa lạnh đến, Thầy luôn trở về Làng, tu tập miên mật bên các đệ tử trong suốt ba tháng mà không đi đâu. Các vị cư sĩ rất hạnh phúc được an cư theo chúng xuất gia. Thầy dạy chi tiết từ Phật pháp căn bản, từng bài sám, từng bài kinh trong các buổi công phu sáng tối, từ lịch sử thiền tập trong đạo Bụt, các kinh Nam truyền, kinh Bắc truyền cho đến Duy biểu và những bộ luận khó hơn như Nhiếp Đại thừa luận, Dị bộ tông luân luận, Trung quán luận, v.v. Thầy đã cô đọng những nguyên tắc nền tảng cho tất cả giáo lý và pháp môn thực tập của Thầy trong 40 định đề của truyền thống Làng Mai. Sau khoá tu An cư kiết đông,
Thầy tân tu giới sa di và các chương uy nghi. Thầy tổ chức tăng đoàn như một gia đình, trong đó có Thầy, các sư anh, sư chị, sư em. Sau này, Thầy dạy các sư cô sư chú trẻ gọi các thầy lớn xuất gia lâu năm là sư cha, các sư cô lớn là sư mẹ. Các thầy, các sư cô tu học chung và làm việc chung trong tình huynh đệ, được bảo hộ bởi sự thực tập giới luật và uy nghi, trong đó phương pháp đệ nhị thân luôn là sự thực tập quan trọng. Thầy tiếp nối truyền thống có từ thời đức Thế Tôn về sự thực tập y chỉ. Một vị thầy lớn hay sư cô lớn, gọi là y chỉ sư, có trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ, hướng dẫn trực tiếp một số các vị xuất sĩ mới tu, gọi là y chỉ đệ hay y chỉ muội. Các thầy, các sư cô đã tu học nhiều năm và có kinh nghiệm dạy dỗ cho các sư em đều có ý thức rằng các sư chú và sư cô trẻ mới xuất gia đều là em và con của mình, và mình phải chịu trách nhiệm chung về tương tai của các em. Chữ đệ có nghĩa là em, chữ tử có nghĩa là con. Người đệ tử vừa là một người em, vừa là một người con. Vào ngày đầu năm, các thầy, các sư cô thực tập lạy nhau, quán niệm để thấy được dáng dấp của Bồ tát Phổ Hiền nơi quý thầy, dáng dấp của Bồ tát Quán Thế Âm nơi quý sư cô, xem người kia là cha, là anh, là em trai, con trai, là mẹ, là chị gái, em gái, con gái của mình để thương kính và giữ gìn cho nhau. Điều này rất mới mẻ đối với xuất sĩ từ các truyền thống khác đến Làng Mai tu học. Những khóa tu và những ngày tu được tổ chức mỗi năm dành cho chúng xuất gia. Thầy đã khai triển những phương pháp thực tập để xây dựng tăng thân xuất gia được trình bày trong cuốn sách Sống chung an lạc: Phương cách xây dựng tăng thân. Tinh thần dân chủ được phối hợp với tinh thần thâm niên. Quyền hạn tối cao ở Làng Mai không nằm ở vị trụ trì hay một cá nhân nào mà nằm ở Hội đồng những người thọ Giới lớn, hội đồng khất sĩ hoặc khất sĩ nữ. Trước các buổi họp, hội đồng này thường lắng nghe thêm những nguyện vọng từ chúng sa di và sa di nữ để có thể đi đến những quyết định mang tính đại chúng. Mọi quyết định dựa trên sự đồng thuận của hội đồng này và được hợp thức hóa bởi truyền thống Tác pháp yết ma. Ban chăm sóc được thành lập trong mỗi tu viện để thi hành những quyết định của hội đồng những người thọ Giới lớn và điều hành công việc của đại chúng. Vị trụ trì đóng vai trò như người cha hay người mẹ trong gia đình, chăm sóc hạnh phúc và khám phá tài năng của từng thành viên trong đại chúng. Chính Thầy cũng đã thừa hưởng mô thức tổ chức tăng chúng như vậy. Thầy có thì giờ để tu tập, giảng dạy, dịch thuật, sáng tác và đi hướng dẫn khóa tu ở các nước.
Khi còn là một giáo thọ trẻ với tâm không phân biệt, Thầy đã thương yêu và dạy dỗ các đệ tử của những vị thầy khác như những người em, người con của mình. Giờ đây, Thầy cũng hết lòng trao truyền và thương yêu với tâm không phân biệt các thầy, các sư cô dù có hay không xuất gia trực tiếp với Thầy. Thầy đã tấn phong trụ trì một số các thầy, các sư cô đến Làng y chỉ với Thầy từ các trung tâm khác. Sau này, các vị trụ trì ở Làng đều là các thầy, các sư cô trẻ, nhưng có khả năng đến được với tất cả mọi người và có khả năng mang lại hạnh phúc cho toàn chúng. Tất cả đều đi như một dòng sông để có một tương lai, để thực hiện được chí nguyện lớn. Với kinh nghiệm xây dựng tăng thân từ những thập niên 50, Thầy không muốn đào tạo ra những tài năng cá nhân. Thầy muốn những người xuất gia có khả năng làm việc chung như một tăng thân. Khả năng xây dựng tăng thân và sống hạnh phúc trong tăng thân được xem là những tài năng lớn nhất. Chừng nào các đệ tử của Thầy còn đi như một dòng sông thì chừng ấy tăng thân Làng Mai vẫn còn có tương lai. Đi như một dòng sông đã trở thành một pháp ấn của Làng Mai.
Để các đệ tử được thọ Giới lớn, Thầy bắt đầu tổ chức các Đại giới đàn tại Làng và cung thỉnh chư Tôn đức Tăng Ni trong nước cũng như hải ngoại vào Hội đồng truyền giới. Nghi thức truyền giới hoàn toàn bằng tiếng Việt được Thầy biên soạn lại căn cứ trên tạng Luật.
Khi tăng thân mỗi ngày mỗi lớn, Thầy tân tu Giới bản tỳ kheo và tỳ kheo ni (Pratimokṣa) để cho sự hành trì được cụ thể, thích hợp thời cơ và hữu hiệu hơn. Ngày 31 tháng 03 năm 2003, Thầy công bố Giới bản Khất sĩ tân tu lần đầu tại Viện Đại học Tăng già Trung ương (Choong Ang Sangha University) ở Seoul, Hàn Quốc. Quyển cẩm nang cho sa di, sa di ni là sách Bước tới thảnh thơi (1996) đã được tân tu trước đó từ cuốn Sa di luật nghi yếu lược của thầy Châu Hoằng viết vào cuối thế kỷ thứ mười sáu. Tròn bốn trăm năm sau, ấn bản tân tu được dịch trở lại qua tiếng Hoa 步入解脱 (Bộ nhập giải thoát) vào năm 2003 cho người xuất gia trẻ tại Trung Quốc. Quyển giáo khoa Trái tim của Bụt (1997) của Thầy ngày nay được sử dụng ở một số các viện Phật học trên thế giới.
Sau khóa An cư, Thầy lại lên đường đi các nước để hướng dẫn khóa tu. Thầy luôn dẫn theo một nhóm đông các thầy, các sư cô, tạo điều kiện cho các đệ tử xuất gia được học hỏi thêm cách tổ chức và hướng dẫn thiền sinh tu học. Điều này cũng nằm trong chương trình Thầy đào tạo kỹ sư Phật học. Theo Thầy, nếu một kỹ sư ngoài đời biết sử dụng, biết sửa và thiết kế máy móc sau khi ra trường thì một người xuất gia sau bốn năm tu học phải biết cách đối trị, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau của chính mình và giúp những người khác làm được điều đó. Người xuất gia phải là một kỹ sư Phật học.
Từ khi có tăng thân xuất gia, số lượng thiền sinh trong mỗi khóa tu từ từ tăng lên. Có những khóa tu ở Omega Institute New York, số thiền sinh tăng lên tới 1200 người mỗi khóa. Nhiều khóa tu đã được tổ chức tại các trường đại học, sử dụng học xá sinh viên làm cư xá và sân vận động trường (gymnesium) làm thiền đường mới có đủ chỗ. Những khóa tu lớn như thế cần sự có mặt của trên một trăm người phụ tá giảng dạy và hướng dẫn, trong đó hai phần ba là xuất sĩ và một phần ba là cư sĩ. Sự có mặt của hàng chục, hàng trăm người xuất gia cùng với những vị cư sĩ tu học lâu năm đã thọ giới Tiếp hiện tạo nên một năng lượng chánh niệm tập thể rất hùng hậu. Đối với Thầy, điều quý hóa nhất trong một khóa tu không phải những bài pháp thoại xuất sắc hay tổ chức giỏi, mà là năng lượng chánh niệm tập thể. Chính năng lượng này tạo nên phép lạ cho những chuyển hóa nơi các thiền sinh trong các khóa tu lớn.
Khi nhu yếu tham dự các khóa tu do Thầy hướng dẫn ngày càng tăng và cũng để có nơi tu học cho các đệ tử xuất gia, vào cuối những năm 1997, Thầy mở thêm một số trung tâm tu học tại Hoa kỳ: tu viện Thanh Sơn tại Vermont năm 1998, tu viện Lộc Uyển tại California năm 2000. Thầy cũng đã truyền đăng phú pháp cho vài chục đệ tử cư sĩ – những người đã có nhiều kinh nghiệm tu học – trở thành Giáo thọ, tiếp tục công trình hoằng pháp của Thầy trên thế giới. Trong số đó, có rất nhiều vị đã thành lập các cộng đồng sống chánh niệm tại châu Âu, châu Mỹ cũng như châu Úc, và trở thành những vị thầy dạy chánh niệm được nhiều người biết đến.
Từ năm 2011, Thầy mở một cánh cửa mới để đạo Bụt cắm rễ vào xã hội phương Tây: những người trẻ có thể tham gia chương trình xuất gia năm năm. Nhiều người trẻ phương Tây về Làng rất thích sự thực tập và có ước muốn xuất gia nhưng nghĩ đến tu cả đời thì họ thấy sợ, sợ không biết có tu nổi không. Chương trình này cho phép những người trẻ phương Tây được thực tập như một người xuất gia thực thụ trong vòng năm năm. Sau năm năm, họ có thể tu thêm hay trở lại cuộc sống trước đây mà vẫn tiếp tục trên con đường tu tập và phụng sự với tư cách một thành viên Tiếp hiện cư sĩ. Nếu thực tập khá, họ thực tập thêm vài năm và sẽ được truyền đăng để trở thành giáo thọ cư sĩ và tiếp tục hướng dẫn chúng cư sĩ ngoài xã hội.
Trong gần một nửa thế kỷ, Thầy đã xây dựng được một thế hệ hành giả mới, xuất sĩ cũng như cư sĩ. Hình ảnh vị xuất sĩ trẻ đứng lớp dạy các sư chú tại Phật học đường Ấn Quang ngày xưa lại được tiếp nối với rất nhiều tuệ giác thực chứng. Sống bên cạnh và trực tiếp trao truyền kinh nghiệm thực tập cho đệ tử xuất gia là một niềm hạnh phúc rất lớn của Thầy. Thầy đã biến giấc mơ của mình thành sự thật: thành lập một tăng thân xuất gia dễ thương, sống với tình huynh đệ. Thầy trò tu tập bên nhau, thương yêu nhau. Cùng nhau cho người thêm niềm vui và giúp người bớt khổ. Thầy đã sáng tác một câu linh chú mới: “Đây là giây phút hạnh phúc”. Mỗi giây phút đều là giây phút trao truyền và tiếp nhận. Có tăng thân để nương tựa và tiếp nối là một hạnh phúc lớn của Thầy. Thầy biết Thầy không còn nhiều thì giờ. Thầy muốn sử dụng năng lượng và thời gian quý báu của mình để chơi với đệ tử. Chơi có nghĩa là trao truyền trực tiếp tất cả con người của mình một cách tự nhiên. Thầy luôn dừng lại công việc của mình để có mặt đúng giờ thiền hành và giờ cơm cùng đại chúng mỗi khi chuông thời khoá thỉnh lên. Thân giáo của Thầy chính là sự trao truyền cụ thể mà mỗi người đệ tử đều tiếp nhận được. Thầy quan tâm và tìm hiểu mỗi người đệ tử để có mặt, nâng đỡ, sách tấn và chỉ rõ những sự thực tập cụ thể, giúp cho vị đó tiến bộ trong đời sống tâm linh. Năng lượng chánh niệm của Thầy khiến cho người đệ tử thấy được rằng sự có mặt của mình là quan trọng nhất trong giây phút ấy đối với Thầy. Đó là dấu ấn cụ thể của hiểu và thương mà người đệ tử tiếp nhận được, từ đó Thầy đánh thức được người thầy trong mỗi đệ tử, giúp vị đó có thể có đủ khả năng tiếp tục tự bước đi trên đôi chân của chính mình.
Dù rất thích, nhưng Thầy đã dừng lại một số công việc trước tác để sử dụng năng lượng và thời gian của mình cho sự trao truyền trực tiếp. Thầy có đủ tư liệu để hoàn thành cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận IV, hay viết một tác phẩm chi tiết về cuộc đời và tư tưởng của Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông, cũng như nhiều tác phẩm khác. Thầy tin tưởng rằng các đệ tử của Thầy đủ khả năng để thay Thầy hoàn tất những tác phẩm đó.
Có một phóng viên báo chí hỏi Thầy: “Thưa Thầy, Thầy có còn muốn thực hiện điều gì nữa không?” Thầy đã hỏi lại anh nhà báo: “Anh còn muốn tôi thực hiện gì nữa?” Thầy nói mỗi ngày Thầy đều được thừa hưởng rất nhiều phước báo của tổ tiên tâm linh và huyết thống. Tất cả các điều kiện để tu học và giúp đời đều có đó. Ngày nào cũng được tu tập, cũng được giúp đời, cũng được sống trong khung cảnh lành mạnh của tăng thân. Bảo hộ bởi năng lượng chánh niệm và tình huynh đệ trong tăng thân, Thầy không cần tìm cầu chi nữa, mà chỉ còn tiếp tục con đường với tất cả niềm tin yêu.
9. Nghiên cứu và thực hành Duy biểu
Mùa An cư kiết đông 2013-2014, Thầy dạy về Duy biểu. Đây là môn học mà Thầy đã bắt đầu học hỏi và nghiên khi mới vào chùa. Lần đầu tiên đọc được những bài viết về Duy thức của anh Phạm Hữu Bính đăng trong báo Viên Âm vào khoảng năm 1945, Thầy (lúc ấy còn là sư chú Phùng Xuân) cảm thấy rất thích. Đến khi được vào học ở Phật học đường Báo Quốc, Thầy được học Duy thức tam tự kinh do các thầy và các cư sĩ trong phong trào chấn hưng Phật học ở Trung Quốc biên soạn. Năm sau, Thầy lại được học thêm Duy thức phương tiện đàm và Duy thức đích khoa học phương pháp. Sau khi rời Huế, trong mùa an cư đầu tiên ở chùa Hưng Đạo, Sài Gòn, Thầy lại đọc thêm một số sách về Duy thức viết bằng văn bạch thoại mượn được từ thầy Trí Hữu hoặc mua ở Chợ Lớn, trong đó có cuốn Duy thức nghiên cứu của Lữ Trưng. Trong suốt năm, sáu năm ở Phật học đường Ấn Quang, Thầy tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy Duy thức. Thời gian làm chủ bút tờ Phật giáo Việt Nam của Tổng Hội, Thầy viết nhiều bài dưới bút hiệu khác nhau để xiển dương các giáo lý Duy thức và thiền, để vượt thoát các luận chứng duy vật và duy thần trong thời kỳ ấy. Năm 1957, Thầy gom các bài viết về Duy biểu thành tập sách Duy thức học thông luận để xuất bản ở Đà Lạt dưới bút hiệu Thạc Đức.
Ở Princeton, Thầy có nghĩ đến ba đề tài để viết luận án: Hiện thực luận của Thái Hư, Luận lý học của Trần Na và Nhận thức luận trong Duy thức. Giáo sư Cerbu chọn đề tài cuối cho Thầy và Thầy đã viết xong luận án trong vòng 21 ngày. Ở Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn, cùng với thầy Thiện Hoa và thầy Thiên Ân, Thầy giảng dạy chứng chỉ Pháp tướng Duy thức. Năm 1969 ở Sceaux, Thầy viết Vấn đề nhận thức trong Duy thức học và nhà xuất bản Lá Bối ở Sài Gòn đã ấn hành. Cuốn này được tái bản nhiều lần ở trong nước cũng như ở nước ngoài sau đó. Khi bắt đầu hướng dẫn các khóa tu ở Phương Vân Am, Thầy cũng dành riêng một khóa tu để giảng dạy về Duy thức học.
Sau khi chúng đệ tử xuất gia của Thầy được thành lập, trong khóa An cư kiết đông đầu tiên (1988-1989), Thầy dạy về Duy thức Tam thập tụng. Khóa An cư kiết đông 1992-1993, Thầy công bố và giảng dạy 50 bài tụng Duy biểu. Kể từ năm đó, Thầy gọi Duy thức là Duy biểu. Tất cả tinh hoa của Duy biểu học được Thầy cô đọng lại thành 50 bài tụng bằng tiếng Việt, căn cứ trên các tác phẩm Duy thức căn bản như Nhiếp Đại thừa luận, Duy thức Tam thập tụng, Duy thức Nhị thập tụng, Bát thức Quy củ tụng, v.v.
Hai mươi năm sau, Thầy dành khóa An cư kiết đông 2013-2014 cuối cùng để trao truyền lại hết tất cả những cái thấy và cái hiểu có được của Thầy trong khi thực tập Duy biểu trong đời sống hằng ngày. Thầy tìm cách đưa Duy biểu học từ quyền thừa lên Đại thừa thực sự, bằng giáo lý Pháp Hoa và Hoa Nghiêm. Căn cứ trên giáo lý bất nhị, cái thấy của Thầy có khác với cái thấy của thầy Vô Trước và thầy Thế Thân về alaya thức, về thức thứ bảy, về Bụt, về Niết bàn v.v.
Nhận thấy môn Duy biểu rất thích hợp với trí óc phân tích của người Tây phương và có thể đóng góp nhiều cho khoa tâm lý học và tâm lý trị liệu, Thầy khuyến khích các đệ tử đi sâu thêm vào môn học này để thực hành và đóng góp thêm cho thế kỷ 21.