VIII. Kêu gọi Hoà bình và bị lưu đày – 1966
1. Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành
Sáng ngày 11 tháng 05 năm 1966, đưa Thầy ra phi trường có thầy Thanh Văn, anh Lê Triều Quang, chị Phượng, chị Uyên và bà bác sĩ Hiệu. Máy bay cất cánh, Thầy nhìn xuống và cố nhìn cho rõ mảnh đất đau thương đang quằn quại trong biển lửa của chiến tranh. Những giọt nước mắt cứ chảy và Thầy để cho chúng chảy mà không cần lau làm gì nữa.
Dựa lưng và ngả đầu vào ghế ngồi, Thầy để cho cuốn phim quá khứ chiếu lại trong đầu để quán chiếu. Từ ngày về nước, hai năm rưỡi trời trôi qua, Thầy đã làm được gì và chưa làm được gì? Những khuyết điểm nào, những bài học nào mà Thầy đã rút tỉa được? Một điều thật rõ ràng là rất đông những người trẻ, nhất là giới sinh viên đã luôn luôn sát cánh với Thầy trong mọi công tác văn hóa, giáo dục và xã hội mà Thầy khởi xướng như những hình thức mới của một đạo Bụt đi vào cuộc đời. Thầy cảm thấy rất biết ơn, rất có niềm tin nơi người trẻ.
Mười ngày trước khi rời Việt Nam đi Hoa Kỳ, Thầy đã về Huế lạy Sư Ông Thanh Quý và xin phép Sư Ông xuất ngoại ba tháng: “Con sẽ cố gắng vận động dư luận thế giới, tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam”. Sư Ông có vẻ lưu luyến và bịn rịn. Sư Ông muốn Thầy chính thức kế thế Sư Ông để làm trụ trì chùa Từ Hiếu. Sư Ông bảo Sư Ông đã làm sẵn giấy tờ. Thầy lạy Sư Ông và xin Sư Ông giao phó trách nhiệm ấy cho thầy Chí Niệm, sư huynh của Thầy. Sư Ông không nói gì. Sáng hôm sau, ngày 01.05.1966, sau buổi công phu khuya, Sư Ông làm lễ đắc pháp cho Thầy trong chánh điện và ban cho Thầy một bài kệ truyền đăng:
Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành
Hành đương vô niệm diệc vô tranh
Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể
Diệu pháp Đông Tây khả tự thành.
Trưa hôm ấy, Thầy lạy tạ Sư Ông và không kịp ăn cơm, ra phi trường cho kịp chuyến bay về Sài Gòn.
Giờ đây ngồi trên máy bay, Thầy lẩm nhẩm dịch bài kệ như sau:
Gặp hướng Xuân đi hãy kiện hành
Đi trong vô niệm lại vô tranh
Đèn tâm nếu chiếu vào nguyên thể
Diệu pháp Đông Tây ắt tự thành.
Sau này, Thầy có đổi vài chữ trong bản dịch này thành:
Đi gặp mùa Xuân, bước kiện hành
Đi trong vô niệm với vô tranh
Đèn tâm soi chiếu vào nguyên thể
Diệu pháp Đông Tây ắt tự thành.
Bài kệ này sẽ làm kim chỉ nam trong suốt cuộc đời tu học và hành đạo của Thầy.
2. Hình ảnh về Thầy
Tại trường Đại học Cornell ở Ithaca, Thầy đã giảng dạy trong suốt ba ngày về công trình phục hưng của Phật giáo Việt Nam hiện đại với đạo Bụt dấn thân (Engaged Buddhism), phong trào làm mới đạo Bụt ở Việt Nam để đối diện những vấn đề về tâm lý, xã hội và chiến tranh. Thầy cũng nói về trường Đại học Vạn Hạnh, trường TNPSXH và những hình thức tu tập có thể đem đạo Bụt vào đời. Giáo sư Kahin là một nhà trí thức khả ái mà sau này, giáo sư và Thầy đã trở thành bạn thân của nhau. Giáo sư đã đi Việt Nam, đã tới thăm trường TNPSXH và đã gặp thầy Thanh Văn, chị Phượng và các bạn trẻ. Từ Việt Nam, ông bay thẳng đến Paris để thăm Thầy, để mang thư từ và quà Tết cho Thầy. Ông luôn luôn ủng hộ đường lối hòa bình của Phật giáo Việt Nam.
Từ giã Đại học Cornell, giáo sư Browne đưa Thầy về New York, đến trụ sở Hội Thân hữu Hòa giải (Fellowship of Reconciliation – gọi tắt là F.O.R) ở Nyack, cách New York chừng nửa giờ xe hơi về phía Đông Bắc. Đây là một tổ chức liên tôn về hòa bình và công bằng xã hội nổi tiếng ở Hoa Kỳ lúc bấy giờ[159]. Tháng 07 năm 1965, hội này đã tổ chức một phái đoàn tôn giáo quốc tế viếng thăm Việt Nam và đã tới gặp Thầy tại chùa Pháp Hội. Thầy đã tiếp phái đoàn ở thư viện của chùa. Phái đoàn gồm có một mục sư người Đức tên Martin Niemoller, ngày xưa đã ở tù trong chế độ Đức Quốc Xã; một mục sư người Thụy Sĩ tên André Trocmé; mục sư Dahlberg, chủ tịch giáo hội Tin lành Hoa Kỳ; linh mục Murray của tòa Tổng giám mục Boston, Hoa Kỳ: giáo sư Jacob Weinstein, đại điện hội đồng các vị lãnh đạo Do Thái giáo, Hoa Kỳ và khoảng mười nhân vật khác trong giới lãnh đạo tôn giáo và nhân bản. Alfred Hassler, Tổng thư ký của hội tại Hoa Kỳ và chủ tịch của hội trên toàn thế giới, đã nói chuyện với Thầy khá lâu. Qua cuộc nói chuyện, Thầy thấy Hội Thân hữu Hòa giải là một tổ chức nhân bản phục vụ cho hòa bình và hòa giải, có nền tảng tâm linh và tôn giáo nhưng không hề có khuynh hướng truyền đạo. Hội cũng không ủng hộ bất cứ một đảng phái chính trị nào. Tuy có nguồn gốc từ truyền thống Tin lành nhưng hội rất cởi mở đối với các tôn giáo khác. Thầy đã đàm luận với giáo sư Browne và đề nghị để hội này đứng ra sắp đặt chương trình du thuyết và vận động tại Hoa Kỳ cho Thầy.
Ở Việt Nam, những người lạ mặt đã vào thảy lựu đạn và bắn tiểu liên vào chánh điện chùa Lá của trường TNPSXH. Một số các tác viên tử nạn và bị thương. Họ chọi một trái lựu đạn vào phòng Thầy nhưng Thầy đã rời Việt Nam được năm ngày và đang họp báo tại Trung tâm Tôn giáo ở trụ sở Liên Hiệp Quốc (Unicus Cross Center for United Nations). Tờ New York Times tường thuật lại buổi họp báo này trong số báo ra ngày 17 tháng 05 năm 1966. Sau buổi họp báo này ở New York, Thầy đi Boston, San Francisco và Los Angeles để diễn thuyết tại các trường đại học và các nhà thờ. Thầy đã gặp gỡ báo chí, trả lời phỏng vấn của các đài truyền thanh, truyền hình, gặp gỡ giới trí thức và những nhà lãnh đạo tôn giáo cấp tiến và nhân bản. John Heidbrink của tổ chức Thân hữu Hòa giải đã đi theo để phụ tá Thầy về mặt tổ chức. Tại San Francisco, Thầy có gặp các thiền sinh trẻ người Hoa Kỳ, đệ tử của thiền sư Suzuki. Trong khi đàm đạo, họ hỏi Thầy về ý nghĩa của thế ngồi kiết già. Thầy hỏi lại họ: “Thế các anh có biết thế ngồi hoa cúc không?”. Họ rất ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghe nói tới thế ngồi hoa cúc[161]. Không khí tại các trường đại học miền Bắc và Nam California rất cởi mở, các sinh viên và các giáo sư đón tiếp Thầy thật nồng hậu.
Một ký giả đã diễn tả lại ấn tượng mà Thầy để lại trong lòng ông, đăng trên tờ New York Post đúng một tuần sau khi Thầy đến Hoa Kỳ:
Ông ấy là một người nhỏ thó, mảnh khảnh trong chiếc áo thầy tu; có đôi mắt khi thì buồn, khi thì rất linh động; giọng nói nhỏ nhẹ và truyền cảm. Nói theo kiểu bình dân của Mỹ thì có lẽ chiếc đầu của ông ta đang được tướng Nguyễn Cao Kỳ treo giá ở Sài gòn. […] Ông ta nói bằng một ngôn ngữ quốc tế của một học giả bị cuốn vào bi kịch của lịch sử, khao khát chấm dứt sự điên rồ của chiến tranh […]. […] Khi được hỏi về ‘tự do’ và ‘dân chủ’, ông ta sẽ hỏi lại bạn: “Tự do và dân chủ để làm gì nếu bạn không còn sống?” […] Lắng nghe một con người ốm yếu nhưng chân thành và đầy nhiệt tâm như thế, người ta tự hỏi Bộ Ngoại giao có nên cho phép ông ta được trực tiếp hội kiến Tổng thống Johnson hay không[162].
3. Cha Thomas Merton
Rời Los Angeles, ngày 28.5.1966, Thầy đi Kentucky để thăm cha Thomas Merton ở tu viện Gethsemani thuộc tiểu bang Kentucky. Cha Thomas Merton là một nhà thần học rất nổi tiếng của Thiên Chúa giáo. Về tới đây, Thầy đã khản cả tiếng sau những ngày du thuyết vừa qua. Cha Thomas tiếp Thầy với tất cả sự niềm nở của một người tri kỷ. Cha nói nếu Thầy khàn tiếng thì Cha sẽ hủy bỏ buổi nói chuyện đã dự định từ trước cho các cha ở tu viện. Nhưng Cha nói Thầy nên cố gắng ăn cơm chiều với Cha viện trưởng như đã sắp đặt trước. Cha đề nghị: “Thầy cứ im lặng mà ăn, để Cha trú trì nói một mình cũng được. Thỉnh thoảng Thầy chỉ cần gật đầu vài cái là đủ. Nhưng mà Thầy đừng để ý nhiều đến những điều Cha ấy nói. Cha ấy đọc toàn là báo Times Magazine, thành ra bị phái hữu ảnh hưởng nặng”. Tối đó, sau khi ăn cơm với Cha viện trưởng, Thầy mời cha Thomas đến phòng Thầy đàm đạo. Hai người nói chuyện rất tương đắc về vấn đề tu học rồi về chiến tranh. Thầy tặng Cha một cuốn Aujourd’hui le Bouddhisme mà Thầy có đem theo. Cha mừng lắm. Thầy hô canh tiếng Hán bài Nhất canh dĩ đáo thượng thiền sàng cho Cha nghe và Cha xướng lễ theo điệu Grégorian cho Thầy nghe. Hai người ngồi chơi với nhau đến nửa đêm. Sau cuộc gặp gỡ, cha Thomas Merton có viết một bài báo với tựa đề: “Thich Nhat Hanh is my brother” (Thích Nhất Hạnh là huynh đệ của tôi).
Đêm hôm ấy, Thầy không ngủ được vì mệt quá. Trong khi đó, cha Thomas đã thức để viết một bài thông bạch về Thầy: “A statement concerning Thich Nhat Hanh”. Đó là ngày Chủ nhật, Pentecôte, 29.05.1966. Cha viết kêu gọi tất cả bạn bè yểm trợ Thầy với đoạn chót như sau:
“Tôi đã nói Nhất Hạnh là người anh em của tôi, điều này rất đúng. Hai chúng tôi đều là người xuất gia, và chúng tôi cũng đã đi tu suýt soát cùng một tuổi. Cả hai đều là thi sĩ, đều có khuynh hướng hiện thực. Tôi cảm thấy rất gần gũi với thầy Nhất Hạnh hơn với rất nhiều người đồng bào của tôi, và tôi không ngần ngại gì mà không nói điều ấy ra. Những mối dây tương kết này cần phải được nói lên.
Đó là những mối dây tương liên của một tình liên đới mới, một tình huynh đệ mới đang bắt đầu hiển lộ trên năm châu, một tình huynh đệ vượt qua mọi ranh giới chính trị, văn hóa, chủng tộc và tôn giáo để liên kết những người trẻ của tất cả các nước lại mà phục vụ cho một cái gì còn quý giá hơn một lý tưởng hoặc một chương trình. Sự kết hợp này của những người trẻ là hy vọng duy nhất còn lại của thế giới. Nhân danh tình huynh đệ ấy, tôi kêu gọi các bạn yểm trợ cho thầy Nhất Hạnh. Các bạn hãy làm bất cứ cái gì có thể làm được để yểm trợ thầy. Nếu các bạn có yêu mến tôi, có muốn làm cái gì cho tôi thì hãy làm cái ấy cho thầy Nhất Hạnh”.
Bài này của cha Thomas Merton đã được đăng trên báo của hội Thân hữu Hòa giải và trên nhiều tờ báo Công giáo khác. Sau này khi nhà xuất bản Hill and Wang phát hành cuốn Hoa sen trong biển lửa (Vietnam, lotus in a sea of fire) của Thầy, họ đã đăng lại bài này ở phần phụ lục.
Sáng hôm sau, cha Thomas lấy xe hơi chở Thầy và John, phụ tá của Thầy, đi chơi, thăm ngôi nhà ngày xưa của tổng thống Lincoln. Đáng lý cha không được ra khỏi tu viện trong thời gian tĩnh tu đó, nhưng cha đã trốn đi chơi với Thầy. Cha có một cái máy chụp hình và cha bảo mọi người đứng yên để cha chụp hình. Cha bấm máy hình một cái tách rồi lên phim thật nhanh trong khi mọi người nghĩ là hình đã chụp xong, họ thư giãn và tự nhiên ra, cha lại bấm một cái tách. Tấm hình chụp sau luôn luôn đẹp hơn tấm trước.
Khi The New York Review of Books đăng các bài thơ về hòa bình của Thầy, họ cũng đăng một tiểu sử ngắn về tác giả, trong đó họ nói Thầy là một nhân vật đi tiên phong trong phong trào hòa bình Phật giáo và các hoạt động xã hội, người đã có hơn 20 tác phẩm được xuất bản và là một trong những nhà thơ được yêu chuộng trong nước[165]. Nhưng ấn tượng của cha Thomas Merton lần đầu tiên gặp Thầy lại nằm ở một khía cạnh khác: “Điều trước tiên mà tôi nhận thấy ở thầy Nhất Hạnh đó là thầy thực sự là một bậc chân tu; rất yên lắng, nhẹ nhàng, bình dị, khiêm cung. Ta có thể thấy chất Thiền nơi con người của thầy” [166]. Trong một bài giảng cho các con chiên, Cha cũng nói rằng chỉ cần thấy cách Thầy đóng cửa thôi cũng đủ biết Thầy là một ông thầy tu thực thụ. Mấy chục năm sau, khi nghe được băng giảng đó của Cha, một thiếu phụ đã tìm đến trung tâm tu học nơi Thầy cư trú để được bí mật quán sát cách Thầy đóng cửa.
Giã từ cha Thomas, Thầy tới Chicago ở lại nhà mục sư Howard Schomer, giám đốc viện thần học Chicago để tham dự một đại lễ liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tổ chức tại nhà thờ Rockefeller trong viện đại học Chicago, với sự tham dự của nhiều giới lãnh đạo tôn giáo trong tiểu bang Illinois vào ngày 30.05.1966. Trong lễ cầu nguyện hòa bình đó, Thầy đã đứng lên trong buổi lễ để đọc kinh Từ Bi và mở lời kêu gọi hòa bình. Tờ New York Times đã có đăng lại buổi cầu nguyện hòa bình vào số báo ngày 31 tháng 05.
4. Mục sư Martin Luther King Jr.
Ngày 31 tháng 05 năm 1966, Thầy gặp mục sư Martin Luther King Jr. lần đầu và hai người đã có dịp đàm đạo thật lâu về vấn đề Việt Nam. Mục sư Martin Luther King Jr. là người lãnh đạo phong trào dân quyền ở Mỹ, nhân vật trẻ tuổi nhất được chọn để nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1964 vì những nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc qua các phương tiện bất bạo động. Trước khi gặp Thầy, mục sư King chỉ tranh đấu dân quyền cho người da màu. Nhiều vị cố vấn đã khuyên mục sư không nên đụng đến vấn đề chiến tranh Việt Nam, một vấn đề rất phức tạp lúc bấy giờ, để không bị mất người ủng hộ. Thầy đưa cho mục sư một ấn bản của cuốn Đối thoại: cánh cửa Hoà bình (Dialogue) xuất bản một năm trước đó tại Sài Gòn, trong đó có lá thư Thầy viết cho ông vào ngày 0l.06.1965, đúng một năm trước đó. Mục sư King đọc lại bức thư này rất kỹ. Lá thư có nhan đề Đi tìm kẻ thù của con người (In search of the enemy of man). Mục sư King và Thầy mở một cuộc họp báo tại khách sạn Sheraton ở Chicago cho khoảng 300 người. Đây là lần đầu tiên Thầy thấy một buổi họp báo lớn và đông đảo như thế. Có cả hàng trăm chiếc máy ghi âm, hàng trăm ống kính hướng về phía hai người. Để bắt đầu cuộc họp báo, mục sư King và Thầy công bố một thông điệp chung[168]. Thông điệp này được các tổ chức Fellowship of Reconciliation và Southern Christian leadership Conference đứng tên phổ biến[169]. Đó là lần đầu tiên mục sư King công khai tuyên bố cương quyết chống chiến tranh Việt Nam. Mục sư cũng kêu gọi mọi người lắng nghe tiếng nói của thầy Nhất Hạnh, không đại diện cho một chính quyền hay một phe phái chính trị nào ở Việt Nam mà chỉ đại diện cho những người đang sống dưới bom đạn. Ngày hôm sau, hình Thầy gầy ốm, xanh xao, ngồi bên vị mục sư lãnh đạo phong trào dân quyền của giới da màu Hoa Kỳ được đăng khắp nơi trên báo chí với những bài tường thuật về cuộc họp báo này. Tờ New York Times và nhiều nhật báo quan trọng của các nước như International Herald Tribune, Le Monde (Pháp), Trouw (Hà Lan), Tribune de Genève (Thuỵ Sĩ)… cũng đăng bản kiến nghị với nhan đề They are our brothers whom we kill (Những người ta đang tàn sát chính là anh em của ta) với chữ ký của 10.000 nhân vật tôn giáo và nhân bản của bốn mươi quốc gia, trong đó có tên của Martin Luther King Jr. Chính Alfred Hassler của Hội Thân hữu Hòa giải là người đã thực hiện được bản kiến nghị này sau khi thành lập một Ủy ban Lương tâm Quốc tế về Việt Nam (International Committee of Conscience on Vietnam).
Khi Thầy từ giã mục sư King để đi Washington D.C., cô thư ký của mục sư đưa cho Thầy một lá thư và dặn lên máy bay hãy đọc. Trên máy bay, mở thư ra, Thầy thấy những dòng sau đây: “Thầy Nhất Hạnh, tôi thương Thầy quá. Tôi thương đất nước của Thầy quá. Tôi không biết diễn tả tâm tình của tôi như thế nào cả. Tôi chỉ muốn được ôm Thầy trong hai vòng tay tôi nhưng tôi đã không dám làm. Tôi cầu nguyện cho Thầy đạt được điều Thầy mong muốn”.
Ngồi trên máy bay, Thầy muốn duyệt lại bản tuyên bố mà Thầy đã thảo tối qua để ngày mai trình bày trong cuộc gặp gỡ với các nhà báo tại thủ đô, nhưng Thầy mệt quá. Thầy phải dựa lưng vào ghế và nhắm mắt lại để theo dõi hơi thở.
5. Lưu vong
Trong cuộc họp báo vào ngày 01 tháng 06 tại Washington, Thầy đưa ra một bản kiến nghị gồm năm điểm nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, trong đó có đề nghị Hoa Kỳ ngưng oanh tạc ngay lập tức và mời Hà Nội cùng mở một cuộc thương thuyết[171]. Trong buổi họp báo và tuyên bố này có khoảng 20 vị lãnh đạo dân biểu Hoa Kỳ, trong đó có ông John M. Dowd, dân biểu của tiểu bang New York. Ngày hôm sau trong buổi họp quốc hội, dân biểu John M. Dowd đã đọc ra bản kiến nghị và tán thành năm điểm của Thầy, vì vậy Công báo của Quốc Hội (Congress News) đã đăng lại toàn bộ 5 điểm ấy. Ngay ngày hôm đó, trên các phương tiện truyền thanh, báo chí và chính quyền miền Nam Việt Nam (chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ và Quốc trưởng Nguyễn Văn Thiệu) đã tố cáo Thầy tội phản quốc. Thầy bị tước quyền được trở về nước.
Thầy không bao giờ có tư tưởng muốn ở lại nước ngoài. Thầy đã xin phép Sư Ông đi vài tháng, và đã hẹn với các bạn trẻ rằng Thầy đi rồi Thầy sẽ về. Tất cả những người thương của Thầy đều ở trong nước. Sư Ông cũng như những người trẻ đang cộng tác sát cánh với Thầy để thực hiện lý tưởng chung đều ở trong nước. Ra mặt chống đối đường hướng của chính quyền tức là chấp nhận mọi hiểm nguy sẽ đến với mình. Tình thương chân thật làm cho Thầy có đủ can đảm để quyết định làm những gì cần làm, nhưng điều này cũng làm Thầy đau khổ lắm. Thầy biết Thầy đã không phản bội những người Thầy thương yêu, nhưng Thầy cũng biết rằng họ cũng có thể đau khổ như Thầy. Những gì Thầy tiên đoán đã tới, đúng hai mươi ngày sau khi rời quê hương. Tối hôm ấy, Thầy không ngủ được. Lâu rồi, Thầy có viết một truyện ngắn. Truyện kể về một bé trai có mẹ đang bệnh. Nghe lời thầy thuốc, bé đi vào rừng để tìm một loại rễ cây có thể chữa được bệnh cho mẹ. Trước khi đi, bé dặn dò đứa em của mình ở nhà chăm sóc mẹ. Thầy viết truyện ngắn đó trong thời gian quê hương đang bị chiến tranh. Quê hương như một bà mẹ đang hấp hối và Thầy đã đi ra hải ngoại tìm cách kêu gọi chấm dứt chiến tranh trên quê hương. Cũng giống như một em bé dặn đứa em nhỏ của mình ở nhà chăm sóc mẹ để mình đi hái thuốc về cứu mẹ. Trong khi tìm kiếm thuốc trong rừng, bé tâm tâm niệm niệm rằng mẹ đang bệnh sắp chết và bé phải tìm cho được thuốc về cứu mẹ. Bé không thể nào dành thì giờ để làm chuyện khác mà quên đi sứ mạng quan trọng của mình. Thầy cũng là em bé này nhưng giờ đây, Thầy sẽ không được về với mẹ nữa. Tội của Thầy là đã dám lên tiếng kêu gọi hòa bình. Cuộc đời lưu vong của Thầy bắt đầu từ đây, khi Thầy tròn 40 tuổi, và sẽ kéo dài trong 39 năm tới.
Ngày 02 tháng 06 năm 1966, Hội Thân hữu Hòa giải đã sắp đặt để Thầy gặp McNamara – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Ông dự tính chỉ gặp Thầy mười lăm phút thôi, theo kiểu ngoại giao. Nhưng đến khi gặp Thầy rồi, ông lắng nghe Thầy rất chăm chú và đã để cho người khách kế tiếp đợi ông ba mươi phút. Đây là lần đầu tiên ông được nghe trực tiếp từ người dân Việt Nam, không qua tình báo CIA và những nguồn tin khác.
Thầy còn gặp Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, Thượng nghị sĩ George McGovern. Ngày 09 tháng 06, những bài thơ mạnh mẽ nói về hòa bình của Thầy được đăng trên trang đầu của tờ New York Review of Books. Đêm hôm đó, buổi văn nghệ đặc biệt “Việt Nam và lương tâm Hoa Kỳ” (“Vietnam and the American Conscience”) được tổ chức tại tòa thị chính thành phố New York với sự hiện diện của một số các nhà trí thức và các văn nghệ sĩ lớn Hoa Kỳ như nhà biên kịch Arthur Miller, nhà thơ Robert Lowell và cha Daniel Berrigan. Thầy đã đọc bài thơ Pháp giới thực ấn và bài Hòa bình.
Sáng nay vừa thức dậy,
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong khu vườn tôi, vô tình
Khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa
Tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở
Nhưng đến bao giờ mới được nói thẳng điều tôi ước mơ?
(Hòa bình, trích từ tác phẩm Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện)
Hai tuần sau, Thầy xuất hiện trên chuyên mục “Talk of the Town” của tờ The New Yorker (ngày 15/06/1966).
6. Hoa sen trong biển lửa
Hội Thân hữu Hòa giải tiếp tục tổ chức cho Thầy đi kêu gọi hòa bình ở châu Âu. Tháng 11, Thầy bay đi thủ đô các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan và Bỉ. Đi đến đâu Thầy cũng mở những buổi họp báo. Thầy thuyết trình về tình hình Việt Nam tại các trường đại học và các nhà thờ, thường là cho số lượng thính giả hơn một ngàn người trong giới sinh viên, giới trí thức, văn nghệ sĩ, và giới lãnh đạo tôn giáo. Thầy nói chuyện trước Quốc hội của Thụy Điển và Vương quốc Anh. Thầy cũng có dịp gặp gỡ triết gia Bertrand Russell tại Anh.
Một trong những người yểm trợ Thầy hết lòng là cô Hebe Kohlbrugge. Cô Hebe được chính phủ Hòa Lan tặng nhiều huy chương vì lúc hơn 23 tuổi, cô đã cứu được hàng ngàn người Do Thái sống ở Đức và Hà Lan thoát khỏi sự tàn sát bằng hơi ngạt của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ II. Sau khi được gặp Thầy, cô đề nghị ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Lan tiếp Thầy. Khi nghe tin Bộ Ngoại giao từ chối, cô đòi trả lại huy chương mà cô được chính phủ Hà Lan ban tặng. Thế là ông Bộ trưởng đã tiếp Thầy và lắng nghe Thầy trình bày về chiến tranh Việt Nam. Ông hứa sẽ làm những gì trong khả năng của chính phủ Hà Lan để giúp thế giới biết rõ hơn về tình hình Việt Nam cũng như tiếng nói bất bạo động của Phật giáo về ngưng chiến và lịch trình rút quân của Hoa Kỳ.
Khi tới Paris, Thầy thấy rõ rằng mình cần phải có một văn bản, một tài liệu để nói rõ hơn về bản chất cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Vì vậy tại đây, Thầy bắt đầu viết cuốn A Lotus in the Sea of Fire (Hoa sen trong biển lửa) bằng tiếng Anh. Phật giáo, một loại sức mạnh tâm linh giống như một bông sen đang cố gắng sống sót trong biển lửa của bom đạn. Cha Thomas Merton viết lời tựa và ông Alfred Hassler tìm được ngay một nhà xuất bản lớn của Hoa Kỳ, nhà xuất bản Hill and Wang ở New York phát hành quyển sách này. Chỉ trong vòng mấy tháng, nhà xuất bản đã bán được 40.000 cuốn. Một nhà xuất bản khác phát hành quyển sách ở Anh. Bản tiếng Đan Mạch phát hành tại Copenhague. Quyển sách đã được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Ý, tiếng Đức và nhiều thứ tiếng khác. Đây là cuốn sách thứ hai của Thầy phát hành tại phương Tây, vào năm 1966. Thầy tự dịch ra tiếng Việt, đến cuối tháng Giêng năm ấy cuốn sách đã tái bản đến lần thứ tư tại Paris[177]. Một người bạn Mỹ trong phong trào hòa bình mang giúp bản dịch về Việt Nam. Tại đây, sách này được in chui và tái bản nhiều lần với hàng chục ngàn bản[178]. Rất nhiều bạn trẻ đã âm thầm phổ biến cuốn sách, trong đó có chị Phượng. Chị bị bắt ở Huế rồi giải vô tù ở Sài Gòn vì đã in ấn và phân phát chui cuốn sách quốc cấm đó.
Ở Ý, Thầy được hội kiến hai lần với Đức Giáo hoàng Paul VI và ngỏ lời mời Ngài đi thăm viếng Việt Nam[179]. Ở Đức, Thầy kết bạn với mục sư Lutheran Heinz Kloppenburg và Martin Niemöller, một nhà thần học và chống lại Đức quốc xã. Ở Hà Lan, Thầy kết bạn với nhà tranh đấu Hebe Kohlbrugge – người đã cứu hàng chục ngàn người Do Thái khỏi sự tàn sát của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai và nhà thần học Hannes de Graaf. Tất cả những vị này đã trở thành những người bạn trung kiên và cộng tác viên sát cánh của Thầy trong công cuộc tranh đấu cho hòa bình, cho nhân quyền, cho tương lai trái đất.
Đến mùa thu năm 1967, chuyến du thuyết kêu gọi hòa bình của Thầy tiếp tục qua châu Úc, Tân Tây Lan, Philippines và Nhật Bản. Đi theo Thầy làm phụ tá trong chuyến đi Úc, Tân Tây Lan và châu Á là anh Raphael Goult, người của tổ chức Thanh niên Hòa giải. Khi đến Philippines, Thầy gửi anh Raphael về Việt Nam đi gặp những người thân của Thầy để đưa những tin tức, cho biết Thầy đang làm gì và Thầy cần gì để cuộc vận động ở ngoại quốc thành công. Anh Raphael cầm một tấm hình Thầy với dòng chữ viết tay của Thầy phía sau tấm hình: người mang thư này là một người bạn mà mình có thể tin cậy được. Mùa Giáng sinh và Tết Tây năm đó, Thầy còn đang ở Nhật Bản. Giáo sư Kahin từ Đại học Cornell đã bay qua Nhật để gặp Thầy, tìm cách yểm trợ để công việc của Thầy được tiếp tục.
Trong chuyến du thuyết từ năm 1966 đến năm 1967, Thầy đã đến mười chín quốc gia. Thường thường, Thầy chỉ có được hai ngày để làm việc tại một thành phố. Mỗi đêm ngủ ở một chỗ lạ và nhiều khi nửa đêm thức dậy, Thầy không biết mình đang ở đâu. Phải suy nghĩ một hồi rồi mới nhớ ra mình đang ở thành phố của nước nào, và cánh cửa phòng nằm ở phía nào. Thầy thường nằm thở trên ba chiếc ghế trống kế nhau trên máy bay và đó là thời gian nghỉ ngơi duy nhất mà Thầy có được. Vừa bước xuống máy bay, ngay tại phi trường là đã có họp báo rồi. Thầy muốn đi thật nhiều nơi để cung cấp cho thế giới một cái nhìn đúng đắn hơn về cuộc chiến Việt Nam. Điều này là điều duy nhất mà Thầy có thể làm.
Tháng 01 năm 1967, sáu tháng sau lần gặp gỡ đầu tiên, Mục sư King đề cử Thầy cho giải Nobel Hòa Bình. Mục sư nói: “Những phát kiến cho hòa bình của thầy Nhất Hạnh, nếu được thực hiện, sẽ dựng lên một tượng đài của tinh thần đại đồng, tình huynh đệ và nhân bản”[182]. Vài tháng sau, vào ngày 04 tháng 04 năm 1967, trong bài diễn văn quan trọng Beyond Việt Nam tại nhà thờ Riverside, mục sư King đã trích dẫn những đoạn trong cuốn Hoa sen trong biển lửa của Thầy. Đó là lần đầu tiên ông dứt khoát lên án chiến tranh và đi đến quyết định kết hợp phong trào đấu tranh cho hòa bình với phong trào dân quyền. Mục sư King đã chia sẻ thông điệp hào hùng của Thầy: “Kẻ thù của chúng ta không phải con người. Kẻ thù của chúng ta là sự hận thù, kỳ thị, cuồng tín và bạo động”. Và khi mục sư King xuống đường biểu tình chống chiến tranh, ông đã đi dưới tấm biểu ngữ có dòng chữ Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai? viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt[183].
7. Mất mát
Từ ngày Thầy rời Việt Nam, chiến tranh và sự thống khổ tại đây vẫn không hề suy giảm. Số lượng lính Mỹ có mặt ở Việt Nam nhanh chóng tăng lên và vượt qua con số 500.000 người. Ngày 26.04.1967, trường TNPSXH bị tấn công làm một giáo viên và một sinh viên bị thiệt mạng. Tháng 05 năm 1967, Thầy đang ở Paris thì được tin Nhất Chi Mai, một trong sáu đệ tử Tiếp Hiện đầu tiên của Thầy, tự thiêu vào ngày Phật đản, mồng 08 tháng Tư âm lịch (16.05.1967). Trước khi tự thiêu, chị đã đọc và ghi âm lại vào băng cassette bài thơ Dặn dò của Thầy để gửi cho ba mẹ và cho chủ tịch nước miền Bắc và miền Nam. Chị cũng để lại một bức thư cho Thầy, viết rằng: “Thầy ơi, Thầy đừng lo, chắc chắn sẽ có hòa bình”. Thầy đã ghi lại nỗi đau của sự mất mát ấy trong những bài thơ và kêu gọi những người bạn khác viết bài để vinh danh Nhất Chi Mai. Thầy đã làm một bài thơ theo kiểu văn xuôi để tưởng nhớ Nhất Chi Mai, có tựa đề là Chân dung với bút hiệu Thạch Đức và Nhất Hạnh. Trong bài này có câu: “Buổi sáng có mặt trời, ôi vũ trụ ta muốn ôm người vào hai tay.”[184] Bài này được in trong tập Chim về trên không, thi văn nhạc họa kỷ niệm Nhất Chi Mai. Tập sách gồm nhiều bài viết của nhiều tác giả khác nhau, nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó có một bài rất cảm động của ông đạo Dừa và gồm những lá thư tuyệt mệnh của chị để lại[185].
Tại Geneva tháng 05 năm 1967, Thầy và mục sư King gặp nhau lần thứ hai, trong hội nghị Hòa Bình trên Trái đất (Pacem in Terris) do Hội đồng các Giáo hội Thế Giới (World Council of Churches) tổ chức. Mục sư đã mời Thầy lên ăn sáng để đàm đạo. Vì bận họp báo nên Thầy lên trễ nửa giờ. Ông đã để dành thức ăn sáng cho Thầy và để trong một cái mâm có đèn cầy đốt ở bên dưới cho ấm. Trong buổi gặp gỡ này, Thầy và mục sư King tập trung thảo luận về hướng đi xây dựng một “cộng đồng yêu quý”, xây dựng tình thân hữu giữa các dân tộc và các quốc gia dựa trên nguyên tắc bất bạo động, hòa giải, công bằng, bao dung và không kỳ thị. Thầy đã nói với ông: “Mục sư có biết rằng nhiều người Việt Nam xem Mục sư như là một vị Bồ tát hay không? Một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền, đã đứng ra lên tiếng chống lại sự tàn sát ở Việt Nam, một người mang hết tất cả sức mình, hết năng lượng của mình để làm những việc có thể giúp làm vơi được những đau khổ của chúng sanh”. Ông rất hoan hỷ khi nghe như thế và sau này mỗi khi nghĩ tới buổi họp mặt ấy, Thầy lại thấy ấm lòng vì đã nói được với ông câu ấy trong lần gặp gỡ cuối cùng đó. Gần một năm sau, Thầy còn đang ở Hoa Kỳ và cảm thấy bàng hoàng khi nhận được tin mục sư King bị ám sát. Sự ra đi thương tâm của một người bạn tri kỷ, một người cùng chí hướng đã khiến Thầy rất buồn. Thầy đã phát nguyện và thực hiện công trình xây dựng một cộng đồng yêu quý cho mục sư và Thầy luôn cảm thấy sự yểm trợ của ông dành cho Thầy.
Trong khi tiếp tục du thuyết để kêu gọi cho hòa bình, Thầy nhận được tin dữ là tám tác viên của trường TNPSXH bị bắt mất tích vào ngày 14.06.1967, trong đó có sư chú Nhất Trí – người đệ tử xuất gia đầu tiên của Thầy. Chưa đầy ba tuần sau, Thầy lại nhận được tin năm tác viên trẻ của trường TNPSXH bị bắn bên bờ sông Thủ Thiêm ngày 04.07.1967 trong khi đang xúc tiến công việc phát triển cộng đồng tại xã Bình Phước, tỉnh Bình Dương. Một người té xuống sông sống sót, bốn người còn lại chết ngay tại chỗ. Người tác viên còn sống kể lại rằng trước khi bắn, một người trong nhóm lạ mặt đó đã đặt tay lên trán của một tác viên và nói: “Chúng tôi rất tiếc, nhưng chúng tôi buộc lòng phải giết các anh”. Sự kiện này đã được Thầy viết trong bài thơ Xin trả về cho non sông, cho nhân loại, cho đồng bào trong tuyển tập Tiếng đập cánh loài chim lớn. Thầy cũng đã viết một vở thoại kịch về cái chết của những người học trò này, với tựa đề Nẻo về tiếp nối đường đi[188].
Thảm trạng này xảy ra chỉ ba tháng sau khi những người lạ mặt đến tận trường TNPSXH đêm 26 tháng 04 năm 1967 để giết tác viên của trường bằng lựu đạn. Mười hai người sinh viên đã gục ngã, người chết, người thì bị thương. Năm trước, sau khi Thầy lên đường xuất ngoại để kêu gọi hòa bình độ vài ngày, những người lạ mặt cũng đến tại khuôn viên trường và quăng lựu đạn làm cho Lê Văn Vinh vỡ óc và trở thành bán thân bất toại. Một trái lựu đạn đã được liệng vào phòng Thầy. Không có mặt Thầy trong lúc đó, nhưng trái lựu đạn đã bị cái màn cửa hắt trở ra và nổ ở ngoài. Trong khi làm công tác tại nông thôn, các tác viên của trường cũng thường bị làm khó dễ, bắt trói, dọa giết và đuổi đi, bởi vì các tác viên rất được lòng dân quê.
Mỗi lần trường bị thảm sát, thầy Thanh Văn lại đứng lên để thiết tha nói lại một lần quan điểm phụng sự của trường: “Chúng tôi tin rằng quý vị đã hiểu lầm chúng tôi. Chúng tôi không theo một phe phái chính trị nào, chỉ đứng thuần tuý trên lập trường nhân bản mà phụng sự.” Sau những lần như thế, sự thảm sát đã dừng lại nhờ thái độ bất bạo động không tỏ ra thù ghét bất kỳ ai của trường. Sau này, dù công tác xã hội vẫn phải đương đầu với nhiều trở ngại và thử thách, trường TNPSXH không bị tấn công lần nào nữa. Muốn sống sót trong những giây phút cực kỳ khó khăn ấy, các học trò của Thầy đã phải biết bám lấy hơi thở và bước chân để đừng bị cảm xúc kéo đi, để có đủ bình an mà thấy được cái gì nên làm và cái gì không nên làm.
Đầu năm 1968, Thầy trở lại Bắc Mỹ và giảng thuyết trước Thượng viện Quốc hội Canada[189]. Cuối tháng Giêng, khi Thầy đang ở New York thì được tin về cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân ở Việt Nam. Hàng ngàn dân thường bị tàn sát. Đường phố đầy xác người chết. Ở Sài Gòn, chị Phượng và các bạn điều động tình nguyện viên đi nhặt xác và đào các hố chôn tập thể. Trong khi đó, khuôn viên của trường TNPSXH đã trở thành trại tị nạn cho khoảng mười ngàn người. Sau cuộc bạo động này, nhiều vị tôn túc trong Giáo hội đã bị bắt giam, trong đó có Hòa thượng Thích Đôn Hậu, người đã truyền giới Tỳ kheo cho Thầy.
Đến tháng Tư, Thầy nhận được thư của các tác viên trường TNPSXH báo tin Sư Ông, Thiền sư Thích Chân Thật, viên tịch. Cuộc giao chiến và tàn phá xảy ra nặng nề nhất ở Huế, nơi chiến sự kéo dài hơn cả tháng. Nhiều chùa bị dội bom. Chùa Từ Hiếu cũng không tránh khỏi tình trạng bị bom đạn bắn phá. Trong hai năm Thầy xa quê hương, Sư Ông thường kể chuyện về sư chú Phùng Xuân cho các điệu trong chùa nghe: Ngày xưa lâu lắm, ở đây có một điệu học kinh rất mau thuộc. Kinh Lăng Nghiêm năm đệ mà điệu đó học trong vòng mười hai ngày thôi. […] Điệu đó thông minh và học giỏi lắm. […] Điệu nấu canh [me đất khoai lang] rất ngon. Mùa hè mà ăn canh me đất nấu với khoai lang thì rất mát. Nhưng đến bữa dọn cơm, điệu làm sao đó mà trên mâm cơm quên đôi đũa, chỉ có muỗng thôi. Hôm đó thầy dùng cơm bằng muỗng và điệu đứng hầu phía sau. Thầy hỏi điệu: “Ngoài vườn còn tre nhiều không?”. Điệu trả lời: “Dạ bạch Ôn, ở ngoài vườn tre nhiều lắm, những cây tre cán giáo măng rất nhiều. Dì Tư mới bẻ vô kho cho chúng ăn rất ngon”. Thầy dạy: “Chút nữa ra chặt cho thầy cây tre”. Khi đó điệu nhìn lại mâm cơm thì mới thấy không có đôi đũa. […] Điệu đó bây giờ lên thầy rồi và hiện đang ở bên Tây.
Có những buổi chiều, Sư Ông hay chống gậy đứng nhìn về hướng cổng tam quan mà lẩm bẩm: “Thầy về chưa?”. Những lúc đó, điệu Hồng không hiểu Sư Ông đang hỏi thầy nào. Tuổi càng ngày càng lớn nên sức khỏe của Sư Ông cũng yếu dần đi. Đến ngày mồng tám tháng Hai năm ấy, Sư Ông không dùng cơm nữa mà chỉ uống nước thôi. Đêm ấy vào lúc ba giờ sáng, Sư Ông ngồi dậy nhờ điệu thị giả đi mời các thầy lớn đến cho Sư Ông nói chuyện. Nhưng các thầy lớn đã đi tản cư hết rồi, trong chùa chỉ còn thầy tri sự và ba điệu thôi[192]. Gần bốn giờ sáng, Sư Ông đi vệ sinh và tẩy rửa sạch sẽ rồi về giường nằm nghiêng bên phải, hai tay chắp lại thành búp sen. Đến sáu giờ sáng, điệu Hải thị giả của Sư Ông phát hiện ra Sư Ông đã viên tịch. Vì hoàn cảnh chiến tranh nên tang lễ Sư Ông chỉ có khoảng ba mươi vị tăng đến tham dự và diễn ra trong vòng ba ngày. Sư Ông qua đời mà Thầy không về được, Thầy buồn lắm! Thầy có viết thư than thở với cha Thomas Merton, người bạn tri kỷ của Thầy. Cha Merton viết lại cho Thầy một câu mà Thầy cảm thấy được an ủi rất nhiều : “Thầy của thầy bây giờ hoàn toàn tự do, chúng ta nên vui về sự ra đi tự do của Ngài”.
Những năm sau đó, Thầy nằm mơ nhiều lần về tới đồi Dương Xuân, thấy mình leo lên chùa, vượt cổng tam quan, đi quanh hồ bán nguyệt, đi trên con đường mà Thầy thường đi thời còn làm sa di. Con đường này đã trở thành con đường huyền thoại và hay đi vào giấc ngủ của Thầy. Lần nào cũng vậy, mỗi khi về chùa, Thầy thấy Sư Ông vẫn còn đó, Sư Ông ra đón Thầy. Bước lên tam cấp vào Ái Nhật Đường, Thầy lại cúi đầu trước liêu của Sư Ông phía tay trái (mỗi khi đi đến đó Thầy luôn cúi đầu dù Sư Ông có ngồi đó hay không). Tình Thầy trò vẫn luôn đậm đà, ấm áp như xưa. Sự cung kính, thương yêu vẫn còn nguyên vẹn, dầu Sư Ông đã tịch.
8. Tìm cách về nhà
Trong những bức thư các bạn trẻ viết cho Thầy, có một bức thư đề nghị Thầy về Hồng Kông để gặp thầy Thanh Văn và bàn thêm về đường hướng của trường TNPSXH. Lá thư này làm Thầy suy nghĩ. Đêm hôm sau, Thầy viết thư trả lời rằng Thầy quyết định sẽ bay đi Hồng Kông sau chuyến đi vận động ở các tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ[196]. Tháng 05 năm 1968, Thầy rời San Francisco bay về Đông Nam Á. Trên máy bay, Thầy bị nhức đầu và sốt nhẹ. Thầy phải tìm một nơi có ba chiếc ghế trống để ngả lưng. Ở lại Hồng Kông hai tuần, Thầy nói chuyện điện thoại để biết thêm tin tức tại quê nhà và thăm dò cách thức vận động để có thể về nước. Đang có cuộc hòa đàm tại Paris, Thầy hy vọng tình thế sẽ thay đổi. Thầy có ý nhờ cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, hiện đang làm Quốc vụ khanh vận động cùng với các bạn trong giới tôn giáo và nhân bản quốc tế. Nhưng cả thầy Thanh Văn và chị Phượng đều không đồng ý với dự tính của Thầy. Bà Ethelwyn Best[198] bay từ Việt Nam để mang thư từ và tin tức chi tiết qua cho Thầy. Thầy Thanh Văn viết: “Thầy không nên về, Thầy về thì sẽ khổ vì con đường của Thầy vạch ra tuy đúng nhưng quá sớm. Người ta chưa theo kịp. Con đường thứ ba đúng là con đường mà chúng ta đang cần tới, nhưng những người quyết tâm đi trên con đường ấy không có nhiều. Phải để cho người ta ê chề cả hai phía, thấy được bộ mặt thật của cả hai phía thì người ta mới biết quý con đường thứ ba. Những cuộc thảm sát tại Huế trong đó hàng ngàn người bị chôn tập thể là những tiếng chuông cảnh tỉnh. Con thấy người ta chỉ chịu mở mắt khi thấy được những điều như thế. Con nghĩ Thầy không nên về bây giờ, mà nếu có hoà bình, Thầy cũng không nên về vội. Phải đợi cho nước bùn lắng đọng cái đã”.
Chị Phượng viết: “Nếu Thầy về mà ngồi trong tù thì thật là khỏe cho Thầy, và điều đó sẽ làm cho lời nói của Thầy có thêm sức mạnh sau này để ngăn cản không cho người ta lôi kéo đất nước vào những guồng máy vô nhân. Nhưng con sợ họ sẽ không bỏ tù Thầy mà sẽ tìm cách thủ tiêu Thầy. Chắc chắn là cả hai bên sẽ tìm cách dụ Thầy theo họ. Và nếu không dụ được, họ sẽ tìm cách giết Thầy bởi vì uy tín của Thầy rất lớn và khi Thầy nói sẽ có không biết bao nhiêu người nghe. Con biết Thầy có nhu yếu về để cùng chia sẻ những khổ đau thiết thực của người dân, nhưng con biết rằng nếu Thầy về, Thầy cũng chỉ tiếp xúc được rất ít, vì Thầy sẽ bị họ cô lập hoá…”[199]
Trong khi chờ đợi gặp lại thầy Thanh Văn, Thầy đi thăm nhà xuất bản và phát hành các kinh sách Phật giáo gọi là Hương Cảng Phật giáo kinh lưu thông xứ và ở lại đó cả ngày để xem sách. Thầy đi thăm chùa Bảo Liên ở đảo Lantau nơi Thầy rất thích thiền hành vòng ra phía sau lưng chùa. Tại đây có một chóp núi thường ẩn trong sương mù. Chùa có cửa vào đề ba chữ Bất nhị môn và có biển đề Vân thâm xứ. Vách trước nhà khách có đề bốn câu thơ:
Hữu độ tức phi tịnh
Ngôn thuyên hà sở vi
Phật thuyết nguyên vô ngã
Thiền sư vấn thị thuỳ?
Thầy lẩm nhẩm dịch:
Có độ làm sao tịnh?
Ngôn ngữ vướng bận hoài
Phật đã bảo vô ngã
Vậy Thiền sư là ai?
Đi thiền và ngồi thiền ở chùa rất thoải mái nên Thầy xin ở lại đây ba hôm. Buổi sáng Thầy hay ngồi nói chuyện và uống trà với bác thư ký của chùa ở phòng khách, nơi có treo một bức vẽ hoa sen và những nét chữ của thầy Thái Hư: “Khả đăng bỉ ngạn sơn”.
Bà Ethelyn ở lại Hồng Kông được tám ngày rồi về lại Sài Gòn. Cô Mai Sa[200] lại bay qua để tiếp tục báo cáo tình hình của trường TNPSXH cho Thầy nghe. Cô cho biết có thể cả thầy Thanh Văn, cả chị Phượng, người đã từng có hộ chiếu xuất ngoại sang Pháp, đều sẽ không qua được Hồng Kông gặp Thầy vì giấy tờ khó khăn lắm.
Đọc thơ của các bạn trẻ và nói chuyện với Mai Sa, Thầy nhớ lại khi Thầy mới sang Hoa Kỳ để vận động hòa bình, các giới tôn giáo, trí thức và tuổi trẻ bên ấy đã đáp ứng với một thái độ rất nhân bản, phong trào hòa bình không mang nặng tính chính trị như bấy giờ. Sau một thời gian hoạt động, vận động, đòi hỏi mà không thấy chiến tranh chấm dứt, nhiều người tỏ ra sốt ruột. Từ sốt ruột nhiều người sinh ra nóng nảy, giận dữ. Từ nóng nảy và giận dữ, nhiều người mất niềm tin nơi khả năng nhân bản và bất bạo động. Họ cảm thấy bất lực. Họ nghĩ chỉ có bạo lực mới nói chuyện được với bạo lực. Và vì vậy họ muốn quân đội miền Bắc và Mặt trận Giải phóng chiến thắng quân đội Hoa Kỳ để quân đội Hoa Kỳ bắt buộc phải triệt thoái khỏi Việt Nam. Và từ sự ủng hộ giải pháp thương thuyết hòa giải mà Thầy gọi là con đường thứ ba (the third way) họ chuyển sang ủng hộ miền Bắc và Mặt trận Giải phóng.
Chỉ còn mười ngày nữa là chiếu khán Hồng Kông của Thầy hết hạn. Bỗng nhiên chiều ngày 24 tháng 07, chị Phượng xuất hiện. Nhờ quen biết, chị đã xin được hộ chiếu và thị thực vào giờ chót, mặc dù đang nằm trong danh sách đen vì dám tham gia phong trào kêu gọi hòa bình. Chị Phượng được phép ở lại Hồng Kông năm ngày. Gặp lại Thầy, chị Phượng rất xúc động vì Thầy mới xa nhà có hai năm mà đã ốm và già hơn mười tuổi. Chị kể cho Thầy nghe những lời dặn dò của chư Tôn đức mà chị đã xin tham vấn trước khi lên đường. Các thượng tọa Trí Quang, Thiện Hoa, Thiện Hòa (viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất) đều nghĩ rằng Thầy không nên về nước mà phải tiếp tục ở hải ngoại để làm Phật sự. Thầy lắng nghe và hỏi thêm thái độ của từng thượng tọa, từng thầy, từng tác viên. Cuối cùng Thầy đồng ý tiếp tục công việc kêu gọi hòa bình ở nước ngoài với sự phụ tá của chị Phượng như một nhân chứng của cuộc chiến.