IV. Đôi vai gánh vác
1. Trấn an học tăng khi đất nước bị chia đôi
Ngày 20.07.1954, Hiệp định Genève được ký kết. Đất nước bị chia đôi, toàn dân bàng hoàng. Học tăng bị dao động và hoang mang cùng cực. Ban giám đốc Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang đã giao phó hoàn toàn trách nhiệm cho Thầy để cải tổ lại chương trình tu học và vạch ra một con đường mới cho giới xuất gia trẻ.
Thầy đã triệu tập các buổi họp, vạch ra một chương trình đào tạo mới để đáp ứng nhu yếu của tăng sinh và giúp họ có thêm niềm tin vào tương lai. Trong chương trình không những có ngành Phật học mà còn có cả ngành thế học. Có học tăng nội trú và ngoại trú. Ngoại trú cũng được ở lại ăn cơm trưa. Tăng sinh tốt nghiệp sẽ có được lượng kiến thức tương đương với nền giáo dục ngoài đời. Các giáo sư được mời vào dạy các môn sinh ngữ, toán, lý, hóa, sử, văn… Ngoài các lớp sinh ngữ tại Phật học đường, Thầy còn khuyến khích tăng sinh học thêm tiếng Pháp qua đài phát thanh Pháp Á mỗi ngày lúc 8 giờ tối. Thầy dạy Lịch sử Phật giáo, tiếng Việt và Văn học Phật giáo. Các lớp học được nhiều học tăng yêu thích nhất là lớp tiếng Việt và lớp Văn học Phật giáo. Học tăng được khám phá văn chương Việt Nam qua các nhà văn và nhà thơ như Tô Hoài, Thế Lữ, Nguyễn Bính… Những tiết sửa luận văn của Thầy là những giây phút rất vui thú, học sửa từng câu thật kỹ về văn và ý. Các sư chú trước đây học chữ Hán, bây giờ, lần đầu tiên họ được biết đến ngữ pháp, cách viết văn và làm thơ tiếng Việt. Văn học Phật giáo là một môn học mới do Thầy tiên phong giảng dạy. Thầy dịch và bình giảng những bài thi kệ của các thiền sư. Thầy áp dụng phương pháp bình giảng văn học vào nghiên cứu nhận thức văn học Phật giáo, từ thi kệ của các thiền sư đời Lý, Trần cho đến các bản sớ, văn phát nguyện, văn tán Phật, Bồ tát đã có từ bao đời trong nền văn chương Phật giáo. Trong khi học, các tăng sinh người miền Nam cũng rất thích thú khi được nghe Thầy tán với âm điệu Huế bài Cực lạc từ hàng hay bài tán Quan Âm: Thùy dương liễu nhi biến sái cam lồ. Thầy còn giảng Du già khoa nghi pháp yếu cho cả lớp biết hàm ý sâu sắc và điêu luyện trong các bài triệu thỉnh mười loại cô hồn mà nhà thơ Nguyễn Du đã dịch thoát thành Văn chiêu hồn. Thầy nỗ lực giúp cho thế hệ tăng sinh trẻ khám phá được cái đẹp và sức mạnh của ngôn ngữ cũng như có khả năng diễn đạt và viết lách bằng tiếng Việt. Trong số các tăng sinh, có các sư chú như Trí Không, Minh Cảnh… mà sau này trở thành giáo sư của các trường Phật học hay học giả nghiên cứu và giảng dạy.
Thầy tổ chức lại mọi phương diện tu học và đời sống hàng ngày của các học tăng. Thầy cho dỡ bỏ các bức vách ngăn giữa các phòng trong cư xá để cho khoảng 40 tăng sinh sống chung trong một phòng rộng rãi và thoáng khí. Trên tường có sơn một khẩu hiệu “Học tăng là sức sống của đạo pháp đang lên”. Buổi tối, đèn thắp sáng choang, học tăng sinh hoạt rất hăng say. Lần đầu tiên tại Phật học đường, học tăng hát vang những bài ca Phật giáo như bài Thích Ca Mâu Ni Phật của Thẩm Oánh hay bài ca chính thức của đoàn Phật học Đức Dục. Phòng Thầy là phòng thứ ba trên lầu nhà Tổ. Lúc nào cũng có các sư chú lân la, quây quần bên Thầy để hỏi Thầy những thắc mắc về bài vở. Phòng không bao giờ khóa cửa nên khi Thầy đi vắng, các sư chú cũng vào chơi, lấy những bài luận văn của Thầy ra đọc, nhất là xem điểm cùng những lời khen của các giáo sư ở trường đại học Văn khoa. Khi Thầy đi Đà Lạt, sư chú Thanh Hương còn vào phòng Thầy ngủ nữa.
Không khí Phật học đường Ấn Quang thay đổi hẳn. Ngoài ra, các học tăng còn biết tổ chức giúp nhau khi đau ốm, thiếu thốn. Trước đó, trong một buổi hội thảo có mặt tất cả học tăng dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Thầy đã nói lên được tiếng nói của tăng sinh về những khó khăn hiện thực của người xuất gia đưa đến tinh thần “chacun-pour-soi” (mạnh ai nấy lo). Để đẩy mạnh tinh thần lục hòa, Thầy thành lập Hội liên lạc văn hóa học tăng và xuất bản tập san có tên Sen hái đầu mùa. Những buổi sinh hoạt chung như hội thảo, diễn thuyết, du ngoạn… được tổ chức thường xuyên. Mỗi sáng Chủ nhật, vào lúc bảy giờ rưỡi tại giảng đường Ấn Quang, học tăng được nghe thầy Thanh Từ giảng về Cổ Văn học Phật giáo Lý Trần, thầy Thiện Hoa giảng về Duy thức, thầy Nhất Hạnh giảng về các triết hệ Phật giáo hay cư sĩ Võ Đình Cường giảng về lý thuyết và phương pháp sáng tác văn nghệ và khảo luận. Đại đức Ananda Mangala từ Ấn Độ, Pháp sư Diễn Bồi từ Trung Quốc cũng đã được mời đến diễn thuyết và Thầy làm thông dịch viên. Sau buổi diễn thuyết, pháp sư đã ở lại dự thiền trà cuối năm với học tăng và đã viết tặng Phương Bối Am bốn chữ Hán Bối Diệp Phân Phương.
Đồng thời với trách nhiệm trông coi chương trình giáo dục tại Phật học đường Ấn Quang, Thầy đã ghi danh học cử nhân Văn chương Pháp và Việt với tên Nguyễn Xuân Bảo ở trường đại học Văn khoa Sài Gòn, được thành lập vào tháng 09 năm 1954. Từ Ấn Quang, Thầy đạp xe đến trường đại học, và sau khi tan học thì đạp xe về lại Ấn Quang để đứng lớp giảng dạy. Đây là một điều rất mới thời bấy giờ. Thầy đã tham dự các khóa giảng của những giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Khắc Kham và Nghiêm Toản. Một ngày nọ, Thầy không khỏi bất ngờ khi thấy giáo sư Nguyễn Đăng Thục sử dụng cuốn Đông phương luận lý học của Thầy xuất bản năm 1950, làm tài liệu giảng dạy trong lớp mà Thầy đang theo học. Thầy hoàn tất chương trình đại học và nhận bằng cử nhân Văn chương Pháp và Việt, trong khi vẫn tiếp tục làm thơ, viết báo, viết sách cho xuất bản[26]. Thầy đốc giáo Thiện Hoa của Phật học đường Nam Việt cũng mời Thầy giảng một lớp triết học, trong lớp lúc bấy giờ có các thầy như Huyền Vi, Thiền Định và thầy Thanh Từ cùng tham dự.
2. Phật giáo bị đàn áp và Đạo Phật qua nhận thức mới
Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm – một nhà lãnh đạo theo Cơ đốc giáo – bắt đầu củng cố quyền hành bằng cách sử dụng tất cả mọi phương tiện, bao gồm cả tuyên truyền, dọa nạt, đàn áp và khủng bố những người không cùng một quan điểm chính trị. Người theo đạo Cơ đốc được chính quyền yểm trợ một cách công khai, trong khi đó những người theo đạo Bụt càng lúc càng bị đàn áp và bị đẩy ra lề xã hội.
Ông Vũ Ngọc Các, chủ bút của nhật báo Dân chủ, một tờ báo trung lập, mời Thầy viết một loạt mười bài báo quan trọng[27]. Ông muốn Thầy chỉ ra sức mạnh và khả năng mang lại ánh sáng cho đất nước của Phật giáo Việt Nam, cũng như chứng minh rằng đạo Bụt không phải là bất cập hay lỗi thời như nhiều người vẫn nói. Trong tình trạng bất ổn và đầy sức ép của một đất nước bị chia cắt, cái nhìn của Thầy về một đạo Bụt dấn thân đã định hình, được trình bày một cách rõ ràng và mới mẻ. Thay vì đăng vào trang hai hay ba trong mục Tôn giáo hay Văn hóa thì những bài viết táo bạo của Thầy được in ở trang đầu của tờ báo với dòng chữ lớn màu đỏ: Đạo Phật qua nhận thức mới. Lấy bút hiệu Thạc Đức, Thầy đề ra một hướng đi mới cho dân chủ, tự do, nhân quyền, tôn giáo và giáo dục. Bài báo thứ mười, cũng là bài cuối trong loạt bài này, bình luận về thuyết “nhân vị” của Tổng thống Diệm[28]. Các bài báo này bán rất chạy và gây ra một cú sốc trong cả nước. Thầy Trí Quang là một trong những độc giả lúc bấy giờ, tự mình mỗi sáng đi bộ ra góc đường để mua báo và theo dõi từng bài viết. Tháng 02 năm 1957, những bài viết đó được Hội Phật học Nam Việt in thành sách Đạo Phật qua nhận thức mới với bài tựa của cư sĩ hội trưởng Chánh Trí Mai Thọ Truyền.
Mùa thu năm 1955, sau bảy năm xa Huế, Thầy trở về thăm Tổ đình Từ Hiếu thăm Bổn sư và huynh đệ. Thầy lạy Sư Ông ba lạy rồi khoanh tay đứng hầu bên cạnh như ngày nào. Sư Ông ngồi hỏi chuyện rất lâu. Thầy mang một bức chân dung của Sư Ông được đắp bằng lụa nổi để dâng lên vị thầy khả kính của mình. Bức chân dung hiện vẫn còn trong liêu phòng của Sư tổ Thanh Quý Chân Thật.
Sau đó Thầy đi thăm thầy Trọng Ân và chùa Báo Quốc. Các thầy và các anh em học tăng rất vui mừng và đã sắp xếp để Thầy nói chuyện với các tăng sinh một buổi. Thầy cùng với các thầy Châu Đức và Thiện Hạnh đi thăm hết mọi ngõ ngách của chùa, từ “cây nhãn thư viện” cho đến vườn chùa, sân tháp. Thầy cũng rất hạnh phúc khi được về thăm mẹ, thăm cha và em trai út. Đây là lần cuối cùng Thầy được thấy mẹ vẫn còn khỏe mạnh.
3. Vận động thống nhất nền Phật giáo Việt Nam
Ngày 01 tháng 04 năm 1956, Tổng hội Phật giáo Việt Nam khai mạc đại hội kỳ II tại chùa Phước Hòa và họp năm ngày liên tiếp tại chùa Ấn Quang. Thầy được mời làm chủ bút của nguyệt san Phật giáo Việt Nam, cơ quan ngôn luận chính thức của Tổng hội. Thầy quyết nắm lấy phương tiện và thời khắc này để thực hiện một cuộc vận động tư tưởng thống nhất nền Phật giáo Việt Nam, để gây ý thức về một nền Phật giáo nhân bản và dân tộc, thúc đẩy hòa giải và ngăn chặn cuộc tranh chấp ý thức hệ giữa miền Bắc và miền Nam, cống hiến cho đất nước một cơ hội để xây dựng nền độc lập kinh tế và chính trị mới. Thầy đào sâu vào lịch sử Việt Nam để đề ra một con đường đưa đất nước thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là vai trò “dấn thân” của đạo Bụt trong thời kỳ Lý – Trần từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, vốn là một nguồn cảm hứng cho Thầy từ khi còn làm điệu.
Ngay trong số đầu ra mắt, Thầy đã đăng một bài với nhan đề Hướng đi của người Phật tử Việt Nam, ký tên Dã Thảo, nói lên niềm tin vào từ bi và trí tuệ trong tự thân chính là hướng đi của người Phật tử, vượt thoát khái niệm Duy vật biện chứng pháp lẫn Duy thần. Thầy đã sử dụng hơn mười bút hiệu như Hoàng Hoa, Thạc Ðức, Nguyễn Lang, Dã Thảo, Tâm Kiên, Minh Hạnh, Phương Bối, B’su Danglu, Tuệ Uyển, Tâm Quán, Thiều Chi và Nhất Hạnh, để viết nhiều thể loại khác nhau như khảo luận, dịch thuật, hồi ký, ca dao mới, phỏng vấn, truyện ngắn, kịch, thơ… Thầy xiển dương giáo lý Duy thức và thiền Việt Nam, cũng như lễ nhạc và giáo dục của Phật giáo Việt Nam. Thầy đề nghị tổ chức lại nếp sống thanh quy của tu viện để xây dựng chúng xuất gia và đào tạo tăng tài.
4. Mẹ mất
Cũng trong thời gian này, tình trạng sức khỏe của mẹ bắt đầu suy sụp. Thầy Thiện Tấn đưa mẹ về Đà Lạt. Thầy Giải Thích cũng đang thường trú tại chùa Linh Quang và chị Cầm cũng về với mẹ. Thầy Nhất Hạnh ngưng về lại Phật học đường Ấn Quang để được ở suốt bên mẹ. Cả bốn anh chị em cùng nhau chăm sóc mẹ trong những tháng ngày còn lại. Mẹ của Thầy qua đời vào ngày Rằm tháng Chín âm lịch năm 1956. Thầy viết trong nhật ký cũng như trong tác phẩm Bông hồng cài áo: “Tai nạn lớn nhất đã xảy ra cho tôi rồi […] Lớn cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi.”