Làng Mai năm qua
Khép lại năm 2021, tứ chúng Làng Mai xin gửi đến quý thân hữu lòng tri ân sâu sắc. Nhờ tình thương và sự yểm trợ hết lòng của quý thân hữu, dù trong cảnh đại dịch đầy khó khăn, các trung tâm tu học của Làng Mai vẫn tiếp tục duy trì sự thực tập và hiến tặng hoa trái của mình đến cho mọi người thông qua những khóa tu và sinh hoạt trực tuyến. Sau đây xin mời quý thân hữu cùng chúng tôi nhìn lại những hoạt động chính tại Làng Mai Pháp trong năm 2021.
Khóa tu trực tuyến về nghệ thuật ngồi yên – “How to Sit” (từ ngày 29.1 đến 31.1)
Mở đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid vẫn còn khá phức tạp, tăng thân đã quyết định tổ chức khóa tu trực tuyến “How to Sit” với sự tham dự của hơn 400 thiền sinh. Thầy Pháp Hữu, thầy Pháp Linh và sư cô Hội Nghiêm chia sẻ đầy sáng tạo, từ kinh nghiệm thực tập của chính mình về mười sáu phép quán niệm hơi thở. Những bài pháp thoại đã gây cảm hứng cho rất nhiều thiền sinh, giúp họ biết cách trở về với hơi thở và điều phục tâm rong ruổi của mình.
Khi được hỏi giây phút nào là giây phút đáng nhớ nhất trong khóa tu, nhiều thiền sinh chia sẻ: ngoài những bài pháp thoại thì sự chia sẻ và lắng nghe sâu trong các gia đình pháp đàm đem lại cho họ rất nhiều nuôi dưỡng và trị liệu. Những giây phút được ngồi thiền cùng tăng thân, được thực tập thiền buông thư và tiếp xúc với tổ tiên qua hình hài của mình, cũng như nụ cười tươi mát của các thầy, các sư cô trong lúc hát thiền ca trước pháp thoại đều là những giây phút khó quên trong lòng của nhiều thiền sinh. “Sự bình an, hòa hợp và niềm vui của tăng thân đã giúp tôi chăm sóc niềm cô đơn trong lòng. Tôi trân quý nếp sống của quý thầy, quý sư cô và tôi rất vui được gọi quý thầy, quý sư cô là những người bạn đồng hành của mình”, một thiền sinh chia sẻ.
Khóa tu trực tuyến dành cho các nhà hoạt động xã hội và môi trường
(từ ngày 24.2 đến 28.2)
Với chủ đề “Action from the Heart” (Hành động từ trái tim), khóa tu đã thu hút gần 1000 thiền sinh đến từ 65 quốc gia, trong đó có nhiều nhà hoạt động xã hội, hoạt động về môi trường và nhiều lĩnh vực khác. Mong muốn tạo cơ hội cho nhiều thiền sinh tại Mỹ tham gia khóa tu, ban tổ chức đã khéo thu xếp để có chương trình theo ba múi giờ khác nhau (giờ châu Âu, giờ của bờ Tây nước Mỹ và giờ của bờ Đông nước Mỹ). Vì vậy, ngoài những sinh hoạt chính được truyền trực tuyến từ Làng Mai Pháp, quý thầy, quý sư cô tại các tu viện của Làng Mai ở Mỹ đã giúp hướng dẫn các buổi ngồi thiền, pháp đàm, chia sẻ theo chuyên đề (workshops) và vấn đáp. Điều này đã giúp đem lại một năng lượng tập thể rất hùng hậu. Thiền sinh dù ở các nước khác nhau vẫn cảm thấy đang thực tập chung với nhau trong khóa tu như một tăng thân.
Ngay trong bài pháp thoại đầu tiên của khóa tu, thầy Pháp Lai đã gieo vào lòng các bạn câu hỏi: “Hành động từ trái tim nghĩa là gì? Hành động nào được gọi là hành động chân chính?” Là những nhà hoạt động xã hội, chúng ta không thể nào thức tỉnh mọi người nếu ta không biết cách điều phục cơn giận và những cảm xúc tiêu cực trong mình khi đối diện với những bất công, những hành động gây tàn hoại đến môi trường. Cái mà ta có thể làm là giúp cho mọi người thấy rõ được thực trạng và thắp lên ý thức sáng tỏ rằng loài người chúng ta liên hệ mật thiết với mọi loài và với đất Mẹ.
Chương trình của khóa tu khá phong phú với các buổi chia sẻ theo chuyên đề (workshops) do các vị giáo thọ xuất sĩ và cư sĩ hướng dẫn: cách nuôi dưỡng lòng từ bi trong hành động; cách trị liệu khi bị căng thẳng và kiệt sức; nghệ thuật truyền thông và tạo sự hòa hợp trong các nhóm hoạt động xã hội; xây dựng các cộng đồng Trì Địa…
Phần lớn thiền sinh đều là những nhà hoạt động xã hội đầy nhiệt tâm, nên khi đến với nhau ai cũng cảm thấy gắn bó một cách sâu sắc. Đặc biệt trong những buổi pháp đàm, các bạn có cơ hội sẻ chia với nhau niềm vui cũng như những khó khăn, những mệt mỏi, căng thẳng khi ở tuyến đầu của các phong trào xã hội và môi trường. Các bạn được truyền cảm hứng rất lớn từ buổi phỏng vấn trực tuyến Sư cô Chân Không do Jo Confino – một nhà báo và cũng là một vị Tiếp hiện của Làng – thực hiện. Tấm lòng phụng sự, dấn thân không mệt mỏi của Sư cô trong suốt cuộc đời mình là một tấm gương và là nguồn cảm hứng rất lớn cho các bạn trẻ.
Bên cạnh các giáo thọ xuất sĩ, trong khóa tu này còn có sự tham gia tích cực của các vị giáo thọ cư sĩ như Larry Ward (Chân Đại Âm), Valerie Brown (Chân Tăng Lực). Ngoài ra còn có sự tham gia của các vị khách mời đặc biệt như Christiana Figueres, kiến trúc sư trưởng của những vòng đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc, và Tiến sĩ Gail Bradbrook, một nhà khoa học đồng thời là người đồng sáng lập của phong trào Extinction Rebellion (Phong trào nổi dậy chống nguy cơ tuyệt chủng).
Một ngày trước khi khóa tu kết thúc đã diễn ra buổi lễ sám hối với đất Mẹ do sư cô Chân Đức làm chủ lễ. Nhiều thiền sinh đã rất xúc động khi có cơ hội tiếp xúc sâu sắc với đất Mẹ cũng như tiếp xúc với nỗi đau trong mình trước những gì mà loài người đã gây ra cho đất Mẹ, và để cho năng lượng của đất Mẹ, của tăng thân ôm ấp niềm đau ấy. Khóa tu kết thúc với hình ảnh gần 200 thiền sinh cùng tiếp nhận Năm giới để hành trì và thắp sáng năng lượng tỉnh thức trong tự thân, từ đó góp phần đem lại sự tỉnh thức tập thể mà cả thế giới đang cần đến.
Hội nghị Phật giáo Quốc tế trực tuyến
(từ ngày 5.3 đến ngày 6.3)
Mười hai tổ chức Phật giáo quốc tế của nhiều nước trên thế giới (Malaysia, Singapore, Sri Lanka, Úc, Nga, Đài Loan, Indonesia và Hàn Quốc) đã đồng tổ chức Hội nghị Phật giáo quốc tế (Pali-Sanskrit International Buddhist Conference) từ ngày 5 – 6.3.2021. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với chủ đề: Tam học (Giới – Định – Tuệ). Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị. Là một trong 38 diễn giả được mời chia sẻ tại Hội nghị, thầy Pháp Ấn đã thay mặt Sư Ông và tăng thân có bài phát biểu với thông điệp: Không có con đường đưa đến tuệ giác, tuệ giác chính là con đường. Thầy cũng nhấn mạnh đến sự tương tức, tương nhập của ba yếu tố: Giới, Định và Tuệ. Trong bài phát biểu của mình, thầy chia sẻ:
“Bất cứ ai khi đến một trung tâm tu học của Làng Mai đều được làm quen với phương pháp thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Cuối mỗi khóa tu, các thiền sinh được khuyến khích thọ Năm Giới. Đây là Năm Giới truyền thống của Phật giáo được thầy chúng tôi làm mới lại để phù hợp với thực trạng của xã hội hiện đại. Trong truyền thống của chúng tôi, sự thực tập Năm Giới trong đời sống hàng ngày được coi là biểu hiện cụ thể của Giới (sila), Định (samadhi) và Tuệ (prajna).”
Khóa tu xuất sĩ “Về đây tiếp nhận gia tài”
(từ ngày 16.3 đến ngày 23.3)
Khóa tu diễn ra trong tiết trời đầu xuân, thiên nhiên đã ưu đãi các vị xuất sĩ tám ngày thật đẹp. Khắp xóm Thượng ở đâu cũng thấy bóng dáng áo nâu, ở đâu cũng thấy sự thong dong, tự tại, những nét mặt rạng rỡ bình an. Đó thật sự là một món quà tâm linh rất quý trong hoàn cảnh thế giới hiện tại.
Đáng tiếc là do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên các thầy, các sư cô Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) ở Đức, tu viện Suối Tuệ và Thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở Paris không về tham dự được. Tuy vậy ở EIAB, quý thầy quý sư cô đã tự tổ chức một khóa tu xuất sĩ song song với khóa tu tại Làng Mai. Dù không tụ họp về một nơi được nhưng tấm lòng của huynh đệ vẫn hướng về nhau.
Trong không khí ấm áp của mùa xuân, nhiều chương trình đặc biệt đã được tổ chức ngoài trời như: giải bóng đá PV Cup, lễ hội văn hóa vùng miền. Các thầy các sư cô từ các nước khác nhau có dịp chia sẻ những nét văn hóa đặc trưng của nước mình: từ y phục, ẩm thực, âm nhạc, nếp sinh hoạt,… Tất cả được hòa quyện trong một không gian đầy ắp niềm vui.
Cuối khóa tu là một đêm thơ nhạc với chủ đề: “Tiếp nhận gia tài.” Sự lắng yên nội tâm được nuôi dưỡng bởi những lời thơ tiếng nhạc là một nét rất tươi mới ở Làng trong vài năm trở lại đây, khi thơ và nhạc được trình bày cho đại chúng như một buổi thiền quán. Nguồn thơ và nhạc, vì vậy, được chọn lọc rất kỹ lưỡng trong kho tàng thơ nhạc của Làng Mai. Đó là một buổi ngồi chơi hay một buổi thiền quán? Đó là một bài thơ hay một lời kinh hay? Thật không có chỗ cho ngôn ngữ phân biệt. Nghệ thuật và tâm linh hòa vào nhau, không còn có ranh giới trong khung cảnh ấy.
Khóa tu, vì vậy, là môi trường trong đó mỗi người xuất sĩ được trở về nuôi dưỡng và tiếp nhận cái đẹp của nhau, là nơi giữ gìn những nét đẹp của người xuất gia.
Khóa tu Thiết lập truyền thông và hòa giải – “How to Reconcile” (từ ngày 2.4 đến ngày 4.4)
Sau khóa tu xuất sĩ khoảng mười ngày, đại chúng được tin nước Pháp ban bố lệnh phong tỏa từ ngày 3.4 – 2.5, trước làn sóng thứ ba của Covid-19. Tuy nhiên, các xóm của Làng vẫn được phép duy trì ngày quán niệm giữa ba xóm và không mở ra cho thiền sinh bên ngoài.
Trong thời gian này, quý sư cô xóm Hạ quyết định tổ chức khóa tu trực tuyến với chủ đề thiết lập truyền thông và hòa giải. Gần 650 thiền sinh đã tham gia khóa tu này. Sư cô Hiến Nghiêm, trong bài pháp thoại đầu tiên, đã mời mọi người trở về nhìn lại mối liên hệ với chính mình. Khi nghĩ đến truyền thông và hòa giải, chúng ta thường nghĩ đến một đối tượng ở bên ngoài mà ít khi nghĩ về mối liên hệ với chính mình. Mình có biết cơ thể của mình đang như thế nào không? Mình có đang chăm sóc những căng thẳng trong thân không? Sư cô cũng chia sẻ về sáu câu thần chú của Làng Mai để giúp thiết lập lại truyền thông với chính mình và với những người mà mình thương yêu.
Những bài pháp thoại của sư cô Chân Đức và sư cô Hội Nghiêm cũng đã giúp cho thiền sinh học được cách chăm sóc và chữa lành những vết thương mà mình đã tiếp nhận từ cha mẹ, từ những người thân và từ xã hội, cũng như học cách sửa chữa những lỗi lầm mà mình đã gây ra trong quá khứ bằng sự quán chiếu về vô thường và tương tức.
Buổi chia sẻ về nghệ thuật Làm mới do sư cô Lăng Nghiêm và sư cô Hiến Nghiêm hướng dẫn, cũng như buổi chia sẻ về truyền thông trong liên hệ vợ chồng do hai vị Tiếp hiện Jo Confino và Paz Perlman cũng đem lại rất nhiều lợi lạc cho thiền sinh.
“Hương thơm quê mẹ” – Triển lãm thư pháp và sách của Sư Ông tại Việt Nam
Hơn một thập niên qua, những cuộc triển lãm thư pháp của Sư Ông đã bao lần được tổ chức thành công tại các nước như Pháp, Đức, Canada, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kông. Nhưng mãi đến năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử Làng Mai, sau bao năm tháng ấp ủ, cuộc triển lãm thư pháp và sách của Sư Ông đã được chính thức diễn ra trên quê hương Việt Nam.
Cuộc triển lãm bắt đầu ở thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 27 tháng 3 đến ngày 5 tháng 4 năm 2021, và được tiếp tục ở thủ đô Hà Nội từ ngày 14 tháng 4 đến ngày 26 tháng 4. Cũng nhân dịp này, cuốn sách thư pháp đặc biệt Hương thơm quê mẹ được ra mắt đồng bào cả nước.
Xin đọc thêm bài viết “Quê Mẹ vẫn tỏa ngát hương thơm” của thầy Pháp Nguyện trong số báo này để hiểu thêm về hành trình triển lãm thư pháp và sách của Sư Ông tại Việt Nam.
Khóa tu trực tuyến dành cho cộng đồng Pháp ngữ (từ ngày 23.4 đến ngày 27.4)
Năm ngoái, lần đầu tiên trong hai mươi năm qua, cộng đồng Pháp ngữ không có dịp đoàn tụ bên nhau trong khóa tu tiếng Pháp vào mùa xuân ở Làng, vì đại dịch Covid bùng phát và Làng phải đóng cửa. Nhận thấy tình hình đại dịch sẽ còn kéo dài, năm nay tăng thân quyết định tổ chức khóa tu tiếng Pháp trực tuyến, từ ngày 23 – 27.4, để các bạn trong cộng đồng Pháp ngữ có cơ hội cùng tu tập và kết nối. “Niềm vui bên nhau” (Dans la joie d’être ensemble) là chủ đề của khóa tu. Hơn 400 thiền sinh đã tham dự năm ngày tu tập này. Sư cô Chân Không và sư cô Định Nghiêm, dù đang ở Việt Nam, cũng cố gắng sắp xếp để có mặt cho các bạn trong cộng đồng Pháp ngữ.
Trong bài pháp thoại đầu tiên mở đầu khóa tu, sư cô Đào Nghiêm đã chia sẻ cho thiền sinh cách thực tập để có thể tiếp xúc được với niềm vui trong giây phút hiện tại dù đang qua những khó khăn, khổ đau trong lòng. Với bài hát “Le bonheur” (Hạnh phúc), sư cô Định Nghiêm mời mọi người nhìn sâu vào chính mình, xem mình có đang đuổi theo một hạnh phúc xa vời nào trong tương lai hay không. Ý niệm về hạnh phúc đôi khi là một trở ngại, không cho mình tiếp xúc với hạnh phúc thực sự. Buổi thực tập thiền buông thư và thiền lạy do Sư cô Chân Không hướng dẫn khiến cho nhiều thiền sinh rất xúc động. Một thiền sinh chia sẻ:
“Thiền lạy cũng như các bài thiền tập trong khóa tu đã giúp tôi tiếp xúc được với cha mẹ và tổ tiên trong mình. Trong một buổi ngồi thiền và thở bằng hai lá phổi của mẹ, tôi chợt nhận ra rằng hai lá phổi của mẹ tôi rất yếu và thật là khó khăn cho mẹ khi thở với hai lá phổi như vậy. Giờ thì tôi hiểu vì sao mẹ không đủ bình an và dễ cáu kỉnh với mọi người.”
Dù là khóa tu trực tuyến nhưng nhiều thiền sinh chia sẻ họ vẫn cảm thấy kết nối với tăng thân như không hề có sự xa cách về địa lý. “Tôi thực sự cảm nhận mình đã mời được tăng thân về nhà. Đây là một món quà từ Covid”- một thiền sinh chia sẻ. Cuối khóa tu, 70 thiền sinh đã tiếp nhận Năm Giới thông qua lễ truyền giới trực tuyến từ thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng.
Lễ truyền 14 Giới Tiếp hiện trực tuyến đầu tiên trong lịch sử Làng Mai
Lần đầu tiên trong lịch sử bốn mươi năm Làng Mai, lễ truyền 14 Giới Tiếp hiện được tổ chức trực tuyến vào ngày 2.5.2021. Sư cô Chân Đức đã thay mặt Sư Ông và tăng thân truyền giới Tiếp hiện cho 162 cư sĩ và 23 xuất sĩ. Khoảng 1300 người đã theo dõi trực tuyến để yểm trợ năng lượng cho các giới tử trong suốt buổi lễ.
Khóa tu trực tuyến dành cho người nói tiếng Ý (từ ngày 5.5 đến ngày 9.5)
Từ ngày 5.5 đến ngày 9.5, gần 250 thiền sinh người Ý đã tham gia khóa tu trực tuyến do quý thầy, quý sư cô ở Làng hướng dẫn. Khóa tu có chủ đề: Trở về kết nối và vun bồi gốc rễ (huyết thống và tâm linh) trong chính mình. Đây là cơ hội để tăng thân người Ý cùng đến tu tập với nhau, nuôi dưỡng năng lượng chánh niệm và bình an trong bối cảnh đại dịch đầy khó khăn, thách thức. Quý thầy, quý sư chú người Ý (thầy Pháp Biểu, thầy Huệ Trực, thầy Trời Đạo Phương, thầy Trời Thiện Ý, sư chú Trời Khiết Anh và sư chú Trời Niệm Xả) đã cùng nhau tổ chức khóa tu này với rất nhiều niềm vui.
Khóa tu trực tuyến “The Art of Inner Healing”- Nghệ thuật trị liệu thân tâm
(từ ngày 14.5 đến 16.5)
Mới bước vào khóa tu, hơn 900 thiền sinh từ nhiều nước trên thế giới được sư cô Định Nghiêm cho đi tham quan một góc của chùa Tổ và ngắm những bông sen đầu mùa “qua màn ảnh nhỏ”. Nhiều người đã rất xúc động và cảm giác tiếp xúc được với Sư Ông dù chỉ qua những giây phút ngắn ngủi như vậy. Những kinh nghiệm thực tập, những câu chuyện rất riêng mà sư cô Định Nghiêm, sư cô Lăng Nghiêm và sư cô Chân Đức chia sẻ trong bài pháp thoại của mình đã giúp thiền sinh trở về với hơi thở và hình hài, tiếp xúc và làm bạn với em bé bị tổn thương trong mình. Một thiền sinh thổ lộ:
“Đã từ lâu tôi không thực sự có mặt cho chính mình. Tôi thường tìm thú vui trên các trang mạng xã hội, Netflix hay ăn uống. Vì vậy đối với tôi, ngày đầu tiên của khóa tu cực kỳ khó khăn. Thật khó để trở về với hơi thở và hình hài của mình. Nhưng đến ngày thứ ba thì tôi bắt đầu nếm được niềm vui của sự tĩnh lặng. Tôi biết ơn các sư cô vô cùng.”
Những khoảnh khắc như thế này đã để lại nhiều dấu ấn đẹp đẽ trong lòng các bạn thiền sinh:
“Đối với tôi, khoảnh khắc đáng nhớ nhất là khi hai sư cô người Indonesia – hai chị em ruột cùng xuất gia – thực tập làm mới với nhau. Những chia sẻ của hai sư cô làm tôi rất cảm động.”
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Trong gia đình tôi hiếm khi chúng tôi nhắc đến tổ tiên của mình. Vì vậy thực tập thiền lạy do sư cô Chân Không hướng dẫn khiến tôi chấn động. Tôi bỗng tiếp xúc được với những cái đẹp của tổ tiên mà bấy lâu nay tôi không nhận ra.”
Khóa tu trực tuyến Wake Up Earth dành cho người trẻ (từ ngày 25.5 đến ngày 30.5)
Wake Up Earth: hành trình nuôi dưỡng nội lực, lòng từ bi và khả năng tự trị liệu. Đó là chủ đề thu hút gần 300 bạn trẻ đến với cho khóa tu trực tuyến Wake Up Earth năm nay. Nhiều bạn trẻ bày tỏ rằng khóa tu là cơ hội để các bạn gặp gỡ chính mình và gặp gỡ những người bạn có cùng chí hướng. Những buổi pháp đàm là nơi các bạn có dịp nói ra những khó khăn, khổ đau trong lòng mình và đồng thời nhận ra không chỉ riêng mình đang vấp phải những khó khăn đó.
Là những người trẻ sống trong một thời đại đầy biến động và bất trắc, làm thế nào để giữ được bình an ngay giữa cơn bão? Làm thế nào để nhận diện và trân quý những cái đẹp vẫn đang có mặt đó cho mình? Những gì mình xem, mình nghe, mình suy tư tác động như thế nào đến hạnh phúc và khổ đau của mình? Những tuệ giác nào trong đạo Bụt giúp mình có được cái thấy sáng tỏ và lòng can đảm để hành động, giúp chữa lành những kỳ thị và bạo động trong xã hội hiện nay, cũng như đối diện với cuộc khủng hoảng khí hậu trên toàn cầu? Qua những bài pháp thoại của mình, thầy Pháp Hữu, thầy Pháp Linh và sư cô Hiến Nghiêm đã giúp các bạn cùng nhìn sâu vào những câu hỏi này và tìm ra hướng đi cho chính mình. Ngoài ra các bạn còn có những thảo luận chuyên đề (workshops), và một buổi vấn đáp trực tuyến rất sinh động với thầy Pháp Hữu, thầy Trời Bảo Tạng và sư cô Trai Nghiêm. Khóa tu khép lại với một buổi ngồi chơi bên nhau thật vui tươi cùng nhiều tiết mục văn nghệ đầy sáng tạo của các bạn trẻ, cũng như các thầy, các sư cô. Ai cũng cảm nhận được tình thương, sự ấm áp mà mọi người trong khóa tu dành cho nhau như một đại gia đình tâm linh.
Khóa tu trực tuyến “Touching Reality” – Tiếp xúc thực tại (từ ngày 15.6 đến ngày 20.6)
Với tinh thần nhà khoa học nắm tay nhà đạo học, khóa tu “Touching Reality” – Tiếp xúc thực tại đã thu hút khoảng 630 thiền sinh đến từ hơn 40 quốc gia, trong đó có nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau về tham dự.
Qua các bài pháp thoại, sư cô Đẳng Nghiêm, sư cô Lăng Nghiêm, thầy Pháp Lai và thầy Pháp Linh mời mọi người nhìn sâu vào những thói quen suy tư, những lối mòn của tâm thức (neural pathway) xem chúng đã ảnh hưởng đến hạnh phúc, khổ đau của mình như thế nào. Tuệ giác của tâm học Phật giáo, trong mối liên hệ với những khám phá mới của khoa học, đã được quý thầy, quý sư cô khéo léo trình bày bằng ngôn ngữ khoa học, tạo cảm hứng cho mọi người trở về chăm sóc thân tâm bằng sự thực tập chánh niệm và tiếp xúc với tự tánh tương tức, bất nhị của thực tại.
Khóa tu còn có những buổi chia sẻ chuyên đề (khoa học lượng tử và đạo Bụt, chánh niệm và khoa học thực dưỡng, sự tiến hoá của tâm thức trên nền tảng khoa học, ý thức về ngã sau sang chấn tâm lý dưới góc nhìn của một nhà sinh học thần kinh) với sự tham dự của những vị khách mời đặc biệt như Giáo sư Diane Gilbert-Diamond, Tiến sĩ Lilian Cheung, Giáo sư David Sloan Wilson, Giáo sư Michel Bitbol và Giáo sư Ruth Lanius.
Khóa tu trực tuyến “How to Grieve”
(từ ngày 29.7 đến ngày 1.8)
Đại dịch Covid khiến bao nhiêu người trên thế giới chịu cảnh mất người thân cũng như đối diện với cảm giác đau buồn, bất an trước những bất trắc khó lường của cuộc sống. Nhận thấy điều đó, quý thầy, quý sư cô ở Làng đã tổ chức khóa tu trực tuyến với chủ đề “How to Grieve” (Làm thế nào để đối diện với nỗi buồn đau, mất mát trong lòng mình). Khoảng 800 thiền sinh từ 48 quốc gia đã tham dự khóa tu này.
Thầy Pháp Ứng (từ chùa Tổ), cùng với sư cô Từ Nghiêm, sư cô Thuần Khánh, sư cô Hội Nghiêm đã hiến tặng những cơn mưa pháp làm lắng dịu niềm đau và tạo ra sự chuyển hóa mầu nhiệm cho rất nhiều thiền sinh. Một thiền sinh chia sẻ: “Khi đến với khóa tu, tôi mới nhận ra rằng nỗi đau khi những người thân của tôi qua đời vẫn còn nằm rất sâu trong tôi. Tôi tưởng là mình đã ổn, nhưng sự thực không phải như vậy. Tôi đã cố chôn vùi niềm đau đó, không dám đối diện với những mất mát ấy. Trong khóa tu này, lần đầu tiên tôi tiếp xúc trở lại với người chồng đã mất. Tôi đã mời anh ấy đi thiền hành cùng tôi, ăn những món ăn mà anh ấy từng ưa thích, dù ban đầu sự thực tập này còn hơi lạ với tôi. Trước đây, tôi chưa bao giờ dám làm điều này, tôi không dám thưởng thức sự sống vì cảm thấy tội lỗi với anh ấy. Nhưng qua sự thực tập, tôi nhận ra là anh ấy muốn tôi nhớ đến và muốn tôi sống hạnh phúc. Cái thấy đó đã giải phóng cho tôi, khiến cho tôi tìm lại được niềm vui sống.”
Trong khóa tu còn có một buổi lễ cầu siêu cho người thân đã mất do Sư cô Chân Đức làm chủ lễ. Buổi lễ diễn ra rất trang nghiêm và xúc động. Quý thầy, quý sư cô từ các xóm đã vân tập về thiền đường Trăng Rằm, xóm Mới để hộ niệm cho buổi lễ này.
“Dù là khóa tu trực tuyến nhưng tôi cảm nhận được sự có mặt đầy tình thương của tăng thân. Tôi đã để cho mình được khóc thỏa thuê trong sự ôm ấp của cả tăng thân, của những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới. Những giọt nước mắt đầy trị liệu. Tôi biết ơn tăng thân thật nhiều!” – một thiền sinh chia sẻ sau khóa tu.
An cư kiết thu (từ ngày 9.9 đến ngày 7.12)
Đầu tháng Chín, khi cây lá bắt đầu chuyển màu, đại chúng ở Làng cũng bước vào mùa an cư (nhiều người thích gọi đó là “mùa yên”). Năm nay, ở Làng có 158 xuất sĩ (27 tỳ kheo, 73 tỳ kheo ni, 15 Thức xoa ma na, 27 sadi, 6 sadi nữ) và 32 cư sĩ cùng tu tập chung với nhau trong chín mươi ngày an cư. Chủ đề của mùa an cư năm nay là “Những châu báu trong truyền thống Làng Mai” (Gems of the Plum Village tradition).
Điều đặc biệt trong mùa an cư năm nay là có gần 1500 thiền sinh cùng “tùng hạ an cư” với quý thầy, quý sư cô thông qua ngôi chùa điện tử. Chương trình tu học dành cho các bạn trong ba tháng được chuẩn bị khá công phu với rất nhiều tình thương.
Trong mùa an cư, đại chúng còn có những ngày làm việc chung ba xóm với nhau, dọn dẹp Sơn Cốc, làm việc ở Happy Farm, trồng cây ở xóm Mới (hơn 200 cây con đã được trồng trên đồi mận và những khu đất còn bỏ trống của xóm Mới)… Dù làm bao nhiêu việc nhưng không ai thấy mệt. Đó là những giây phút tràn đầy niềm vui và tiếng cười!
Đại Giới Đàn “Qua Bờ”
(từ ngày 1.10 đến ngày 4.10)
Một điều thật mầu nhiệm, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người là dù trong bối cảnh đại dịch, tăng thân đã tổ chức được Đại Giới Đàn “Qua Bờ”, diễn ra từ ngày 1 – 4.10. Đại Giới Đàn được tổ chức tại tu viện Lộc Uyển (California, Mỹ) và được truyền trực tuyến đến năm trung tâm thuộc Làng Mai tại Pháp, Thái Lan và Việt Nam. 123 giới tử đã tiếp nhận giới Khất sĩ nam (42 vị) và Khất sĩ nữ (81 vị) trong Đại Giới Đàn lần này.
Đại Giới Đàn đã cung thỉnh được Chư Tôn Đức từ Bắc Mỹ (HT. Thích Tịnh Từ, HT. Thích Tịnh Diệu, HT. Thích Nguyên Hạnh, HT. Thích Phước Tịnh, HT. Thích Từ Lực, Ni trưởng Thích Nữ Nguyên Thanh, Ni trưởng Thích Nữ Như Hương, Ni sư Thích Nữ Như Bảo…) tham gia Hội đồng truyền giới. Sự có mặt của Chư Tôn Đức trong Đại Giới Đàn là một duyên lành lớn cho tăng thân.
Nhờ ơn Tam Bảo gia hộ, hai buổi lễ truyền giới Khất sĩ nam và Khất sĩ nữ đã diễn ra rất suôn sẻ. Đại chúng đều cảm nhận rõ cả sáu trung tâm ở ba châu lục Mỹ – Âu – Á đang thở cùng một nhịp và chế tác ra một năng lượng vô cùng hùng hậu trong giờ phút huyền thoại đó. Mỗi trung tâm đều phản chiếu hình ảnh của các trung tâm khác như màn lưới đế châu lấp lánh. Hình ảnh hai trăm xuất sĩ trong thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng – Làng Mai Pháp – hòa nhịp với đại chúng ở Thiền đường Thái Bình Dương của tu viện Lộc Uyển cùng tụng Tâm kinh Tuệ giác Qua bờ khiến cho nhiều người trong đại chúng rất xúc động.
Từ Diệu Trạm, quý sư cô chia sẻ “Chúng con có cảm giác như Hội đồng truyền Giới đang ngồi ngay trong thiền đường Hương Cau. Toàn thể đại chúng ở đây cảm và tiếp nhận được năng lượng hùng hậu một cách rõ ràng từ ba châu lục hội tụ lại thành một. Trên màn hình, chúng con thấy sáu trung tâm cùng hoạt động như một cơ thể. Một điều không thể tưởng tượng được. Đúng như Sư Ông thường dạy về tính chất “phi cục bộ” (non-locality) trong khoa học lượng tử. Rất nhiều các sư em xúc động và khóc trong các buổi lễ truyền giới.”
Đại Giới Đàn Qua Bờ 2021 là công trình của cả tăng thân với hơn một năm nung nấu nguyện vọng và lên chương trình thực hiện. Trong thời buổi đại dịch với nhiều khó khăn, thật may khi có sự hỗ trợ của công nghệ, mọi ước nguyện đã được hiện thực dễ dàng hơn. Sự phối hợp hòa điệu giữa các trung tâm trong việc tổ chức Đại Giới Đàn đã đem lại cho Sư Ông và tăng thân nhiều niềm vui cũng như nhiều năng lượng để tiếp tục đi tới. Sư Ông đã theo dõi và yểm trợ năng lượng cho Đại Giới Đàn với rất nhiều tình thương.
Cũng trong dịp này, hơn 20 sư cô được tiếp nhận giới Thức Xoa Ma Na, 54 vị tiếp nhận giới Tiếp Hiện. Ngoài ra còn có lễ truyền đăng cho ba mươi chín vị tân giáo thọ (cả xuất sĩ và cư sĩ) được tổ chức tại các trung tâm của Làng. Đây là một niềm hạnh phúc lớn cho cả tăng thân.
Kệ truyền đăng trong năm 2021
Dưới đây là những bài kệ truyền đăng đã được trao cho 41 vị tân giáo thọ (cả xuất sĩ và cư sĩ) trong năm 2021:
Kệ truyền đăng tại tu viện Lộc Uyển
(31.1.2021)
Ngày 31.1.2021, trong khóa an cư kiết đông với chủ đề “Vô phân biệt trí” tại tu viện Lộc Uyển, Hòa thượng Phước Tịnh đã thay mặt Sư Ông và tăng thân truyền đăng cho hai thầy Pháp Giới và Trời Ngộ Không. Dưới đây là kệ truyền đăng mà Sư Ông và tăng thân đã trao cho hai thầy:
Thầy Thích Chân Pháp Giới (Lê Anh Tuấn; Pháp danh: Tâm An Định)
Pháp mầu Như Lai người đã tỏ
Giới châu tâm ấn liễu vô sinh
Kế thế truyền đăng dòng sư tử
Thừa tiếp tâm tông đạo quả thành.
Thầy Thích Chân Trời Ngộ Không (Michael Becka; Pháp danh: Tâm An Trú)
Ngộ tâm chẳng thủ thời gian
Không môn nào phải rộn ràng đến đi
Đá mòn mưa pháp khắc ghi
Thiên nhiên nở đóa tường vi cho đời.
Kệ truyền đăng trong Đại Giới Đàn “Qua Bờ”
(1 – 4.10.2021)
Thầy Thích Mãn Thức (Phan Văn Tư; Pháp danh: Tâm Duy)
Trí màu hoa tạng đã mãn khai
Thức tỉnh hồn say thoát mộng dài
Nắm giữ luật nghi trì mật hạnh
Bồ đề ngự trị giữa trần ai.
Thầy Thích Chân Pháp Thắng (Đào Hoàng Long; Pháp danh: Tâm Giác Thanh)
An nơi hiện pháp công phu
Nghĩa trả ơn đền tối thắng tu
Đã thấy quê nhà khương kiện bước
Rừng xanh mây bạc cảnh nhàn cư.
Thầy Thích Chân Pháp Nhiếp (Hồ Bửu Đại; Pháp danh: Tâm Thọ Bấu)
Pháp mầu truyền lại còn nguyên
Bao môn nhiếp phục tinh chuyên thở cười
Tới về từng bước thảnh thơi
Trăng thu sáng tỏ chân trời lặng thinh.
Thầy Thích Chân Trời An Lạc (Nguyễn Tiếu; Pháp danh: Tâm Phương Lâm)
Mây tan sấm lặng thấy chân trời
Ra vào an lạc chốn thảnh thơi
Thương yêu nuôi lớn thời thơ ấu
Thở cười sâu lắng mới tinh khôi.
Thầy Thích Chân Trời Sáng Tỏ (Lê Minh Cường; Pháp danh: Tâm Nguyên Phước)
Chân trời sáng tỏ đèn tâm
Thở đi nhận diện báo ân hai dòng
Sát na ẩn hiện trùng trùng
Nhìn sâu tự tánh duyên nhân như là.
Thầy Thích Chân Trời Tinh Khôi (Mai Văn Khẩn; Pháp danh: Tâm Thiện Phát)
Chân trời chứa cả thân tâm
Tinh khôi phụng hiến Từ ân trọn đời
Bước chân hơi thở thảnh thơi
Nhìn sâu hiện pháp sáng lời dấn thân.
Thầy Thích Chân Trời Tĩnh Lặng (Nguyễn Văn Sơn; Pháp danh: Tâm Quảng Thái)
Trời khuya vang vọng tiếng chuông ngân
Tĩnh lặng sáu căn gột sáu trần
Đi vào thiền định không vô tướng
Dứt trừ vọng kiến trở về chân.
Thầy Thích Chân Trời Bao Dung (Mai Văn Cường; Pháp danh: Tâm Quảng Hội)
Chân trời thương hiểu bao dung
Đệ huynh hôm sớm thủy chung một dòng
Bước chân địa xúc rỗng không
Đóa hoa hàm tiếu mây hồng có nhau.
Thầy Thích Chân Trời Tuệ Chiếu (Phạm Thế Thành; Pháp danh: Tâm Thanh Trung)
Chí trai cân cả đất trời
Sẵn gươm trí tuệ vào đời độ sinh
Chớ quên soi chiếu lại mình
Chứng nên Phật quả hoàn thành nguyện xưa.
Sư cô Thích Nữ Chân Quán Nghiêm (Phan Thị Ngọc Hải; Pháp danh: Tâm Diệu Ngọc)
Chân tướng mài trong ánh lửa hồng
Quán giới nghiêm lòng mãi sáng trong
Ngày đêm an trú trên thánh địa
Tự tại rong chơi đến thỏa lòng.
Sư cô Thích Nữ Chân Tiếp Nghiêm (Phạm Thị Ngoan; Pháp danh: Tâm Quảng Lê)
Tay Bụt trao truyền nguyền tiếp nhận
Chân pháp an ban giữ nghiêm thân
Rừng thiêng bến cũ cùng quay gót
Ngàn thông khe suối vẫn reo mừng.
Sư cô Thích Nữ Chân Vũ Nghiêm (Lê Thị Kim Phương; Pháp danh: Tâm Diệu Hảo)
Vũ trụ phô bày muôn sắc thắm
Lăng già ảnh chiếu cảnh trang nghiêm
Vạn Pháp ẩn hiện tùng duyên khởi
Đất trời hòa tấu khúc tịch nhiên.
Sư cô Thích Nữ Chân Điều Nghiêm (Lê Thị Hương; Pháp danh: Tâm Diệu Huệ)
Chân thân có mặt tại phàm thân
Điều phục tâm ta hiện rõ dần
Nghiêm tịnh một đời tam tuệ học
Hoàn thành bổn nguyện đáp bốn ân.
Sư cô Thích Nữ Chân Dự Nghiêm (Nguyễn Thị Cẩm Vân; Pháp danh: Tâm Quảng Ngọc)
Hội vui về tới dự trang nghiêm
Bến đỗ tâm linh mãn thệ nguyền
Thân giáo diễn bày pho kinh sử
Đạo tình nuôi lớn đóa bạch liên.
Sư cô Thích Nữ Chân Cương Nghiêm (Dư Thị Thủy; Pháp danh: Tâm Nhuận Ngọc)
Cương lữ người tu em nắm được
Nghiêm thân vui bước mặc đường xa
Hoa sen vẫn nở hồn tươi thắm
Cát bụi trần gian chẳng bỏ lòng.
Sư cô Thích Nữ Chân Ân Nghiêm (Trần Thị Hồng Phấn; Pháp danh: Tâm Diệu Quỳnh)
Chân vững chãi giữa miền đất tịnh
Ân luôn là chất liệu chuyển tâm
Nghiêm trang nuôi Đại nguyện nơi lòng
Sống viên mãn, trăm năm hiện tiền.
Sư cô Thích Nữ Chân Trừng Nghiêm (Phạm Thị Hoa; Pháp danh: Tâm Thục Huệ)
Tâm trừng thanh ý sáng
Niệm định giữ nghiêm minh
Đất trời nuôi chí lớn
Hoa tuệ hé môi cười.
Sư cô Thích Nữ Chân Thương Nghiêm (Lê Thị Hạnh; Pháp danh: Tâm Liên Hoa)
Chân trời sáng rỡ bước chân thiền
Lòng thương nuôi trí rộng vô biên
Nghiêm trang dâng Bụt tròn cuộc sống
Liên hoa một nụ, nở hồn nhiên.
Sư cô Thích Nữ Chân Hiệp Nghiêm (Bùi Ngọc Hân; Pháp danh: Tâm Huyền Vi)
協女出釋女 Hiệp nữ xuất thích nữ
嚴身現戒身 Nghiêm thân hiện giới thân
功夫乘法寶 Công phu thừa pháp bảo
處處潤洪恩 Xứ xứ nhuận hồng ân.
Sư cô Thích Nữ Chân Tu Nghiêm (Lee Hau Wan Phime; Pháp danh: Tâm Thanh Phong –Soft Breeze of the Heart)
海衆同修終一味 Chân tu nhất một niệm
莊嚴實地所歸依 Nghiêm hạnh đạo từ tâm
常行一向如持地 Ưu đàm hoa vẫn nở
建立安般絕是非 Lục độ ngát hương trầm.
Sư cô Thích Nữ Chân Her Xuan (Tan Lay Kuang; Pháp danh: Guan He 觀和)
六和爲禪杖 Lục hòa thường quán chiếu
遇義玄無憂 Ái ngữ là huyền âm
舉足登聖地 Dựng xây tình huynh đệ
含笑視春秋 Hợp xướng cùng tăng thân.
Sư cô Thích Nữ Chân Trăng Thanh Lương (Phan Thị Hạnh; Pháp danh: Tâm Giác Chúng)
Chân Trăng tỏa chiếu Thanh Lương
Nhìn sâu mặc cảm tỏ tường nẻo ra
Thở đi pháp trở về nhà
Đầu kia sen nở ngát tòa hương thơm.
Sư cô Thích Nữ Chân Trăng Huyền Diệu (Huỳnh Thị Kim Thân; Pháp danh: Tâm Nhật Thuyên)
Thanh lương cổ nguyệt minh hòan lộ
Gia cơ tông chỉ kiến huyền quan
Vô sanh pháp nhẫn an thường trụ
Diệu khúc hòa âm cử xướng tu.
Sư cô Thích Nữ Chân Trăng Bích Nham (Cao Thị Cẩm Tú; Pháp danh: Tâm Liên Tú)
Chân Trăng tỏa chiếu Bích Nham
Non sông cẩm tú chim ngàn về chơi
Lắng nghe ái ngữ không lơi
Khổ đau vượt thoát vào đời có nhau.
Sư cô Thích Nữ Chân Trăng Phổ Đà (Pui Wah Camilla Law; Pháp danh: Peaceful Direction of the Heart)
誓日普陀靈鷲山
法音處處利天人
家歸一步千方月
一步同名報衆恩
Trăng treo trên núi Phổ Đà
Vững thân thiền định tâm hòa cùng trăng
Ta bà tịnh độ đồng thanh
Chân Tăng, chân Bụt đồng hành dạo chơi.
Chân Minh Hiện (Trương Thị Anh Phương)
Tâm an rạng ánh trăng rằm
Thủy mưa cam lộ rã vành lưới mê
Minh vương hạt giống Bồ-đề
Hiện pháp lạc trú đường về bổn môn.
True Emerald Ocean (Juliete Hwang)
When spirit shines with emerald-pure light
Containing rivers, the vast ocean swells
The Bodhi tree is here, right in plain sight
Each bow we heal with the ancestral bell
Chân Chánh Uyển (Trần Hoàng Phương)
Tâm Bụt tâm con vốn không hai
Quang rạng chơn như tọa liên đài
Chánh kiến ba thân vươn trời rộng
Uyển vườn tuệ giác đã đơm bông.
Chân Lưu Phong (True Flowing Tradition) (Lê Chân Tâm)
Tâm cẩn trọng tư duy chánh ngữ
Nụ hoa cười khởi niệm vô tư
Sống chết một đời không hệ lụy
Chân lưu phong rỗng thể thái hư.
Chân Lương Uyển (Phan Thị Thương Châu)
Chân Lương Uyển chân không thường tại
Tâm Bảo Ngọc diệu thể bất sinh
Niệm, định công phu mặt trời tuệ
Vượt ái sông mê lộ chơn hình.
Chân Lạc Độ (True Land of Happiness) (David Hughes)
Grass roots in land twice-blessed by damp and sun
True happiness finds root right here right now
Its voice invites us to no longer run
Our gentle step on earth imprints our vow
Chân Phật Sơn (True Buddha Mountain) (Alex Cline)
The bliss of silence is the Buddha jewel
The wind through pines reveals the mountain’s call
Transcending ebb and flow, all passions cooled
In praise or blame the moon’s still free to soar
Chân Châu Hải (True Ocean of Jewels) (Natascha Bruckner)
In oceans lie the rivers, clouds and rain
True jewels refracting light that wakes the deep
Compassion heals by embracing pain
Good friends reveal the path beneath our feet
Chân Hỷ Độ (True Land of Joy) (Theodate Lawlor)
Gardens of joy bloom from Earth’s living crust
Across the land people eat, laugh and play
To harvest fruit we sow patience and trust
And sing to stars that turn to light of day
Chân Ân Hải (True Ocean of Grace) (Joseph Reilly)
The sound of grace bends the wind of the mind
Oceans bring rain to quench the flames of fear
The roots that dig down deep know what they find
Earth penetrates them all with love right here
Chân Hạnh Độ (True Land of Fortunes) (John Wadsworth)
Fortunes beginningless and without end
When we maintain virtue within this land
The wooden fish drum’s even beat now blends
With rising tide that floods the shifting sand
Chân Liên Định (True Lotus Concentration) (Brian Otto Kimmel)
The beaded drop on lotus leaf now glides
In concentration learning how to fall
Not long nor short in motion it arrives
And chants in silence water’s native call
Chân Linh Sơn (True Mountain of Spirituality) (Susan Glogovac)
Fresh mountain–flanking flowers fetch dawn dew
A spirit–breath now heals across the land
Each solid step arrives at life still new
Our boundless heart love’s refuge here expands
True Source of Treasure (Chân Bảo Nguyên) (Joseph Spaeder)
The stream’s high source continues clouds and snow
True nature’s treasure lies within its flow
The ground of mind is clear and free as is
It has no net or view, just letting go
Làng Mai tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP-26)
Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP-26) đã diễn ra tại Glasgow, Scotland từ ngày 31.10 – 12.11. Sau gần hai tuần đàm phán căng thẳng, 197 quốc gia đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact), trong đó tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C.
Trước thềm Hội nghị, từ ngày 12 – 15.10, tăng thân Làng Mai đã được mời tham dự sự kiện TED Countdown Summit, được tổ chức lần đầu tiên tại Edinburgh, Scotland. Đây là một sáng kiến toàn cầu nhằm vận động các giải pháp để đối phó với khủng hoảng khí hậu, biến ý tưởng thành hành động với mục tiêu là xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, cắt giảm một nửa lượng phát thải khí carbon vào cuối thập kỷ này trong cuộc đua tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0.
1000 diễn giả từ nhiều quốc gia và nhiều lĩnh vực khác nhau (chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, nghệ sĩ, các nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi…) đã được mời tới diễn đàn. Thầy Pháp Hữu, thầy Pháp Linh, sư cô Lăng Nghiêm và sư cô Hiến Nghiêm đã đại diện tăng thân tham dự sự kiện này. Quý thầy, quý sư cô đã hướng dẫn những buổi thiền tập và chia sẻ về nghệ thuật lắng nghe cũng như có một buổi chia sẻ đặc biệt về chủ đề “How to Be a Good Ancestor” (tạm dịch: Làm thế nào để sống xứng đáng và có trách nhiệm với thế hệ đi sau mình), cùng với Roman Krznaric – tác giả của cuốn sách “The Good Ancestor” và Mục sư Yearwood.
Sự có mặt của các xuất sĩ Làng Mai, cũng như bài diễn thuyết “TED talk” đầy cảm hứng của sư cô Hiến Nghiêm, đã tạo một ấn tượng sâu sắc trong lòng những người tham dự. Vì vậy, ban tổ chức đã mời tăng thân tiếp tục có mặt tại Glasgow để hỗ trợ cho Hội nghị COP-26. Thầy Pháp Dung và thầy Pháp Linh đã thay mặt tăng thân tham dự Hội nghị lịch sử này.
(Xin đọc thêm những chia sẻ của thầy Pháp Linh trong bài viết “Hai chiếc lá đầu cành” trong số báo này để hiểu thêm về sự tham gia của tăng thân tại TED Countdown Summit và COP-26)
Khóa tu trực tuyến “The Gift of a Quiet Mind” (từ ngày 29.12.2021 đến ngày 2.1.2022)
Năm 2021 khép lại với khóa tu cuối năm “Món quà của tâm tĩnh lặng” (“The Gift of a Quiet Mind”), do quý sư cô xóm Hạ tổ chức. Gần 600 thiền sinh từ nhiều nước trên thế giới đã đến với nhau để nhìn lại một năm đầy thử thách đã qua, những gì mình đã học hỏi được và những gì mình mong ước thực hiện trong năm tới. Ai trong chúng ta cũng mong ước được bình an, nhưng liệu chúng ta có thể nuôi dưỡng được sự bình an giữa những đổi thay và bất trắc? Làm thế nào để chúng ta có thể thực sự cảm thấy thoải mái và hòa hợp trong liên hệ với những người mình thương yêu? Với sự hướng dẫn của quý sư cô xóm Hạ, các bạn thiền sinh được học cách trở về để kết nối với chính mình, nuôi dưỡng sự bình an trong nội tâm, cũng như cách kết nối với những người xung quanh và với thiên nhiên.
Bước vào năm mới Nhâm Dần, với lòng tri ân sâu sắc, tứ chúng Làng Mai xin nguyện tiếp nối công hạnh của chư Bụt, chư Tổ, của Sư Ông để mang ngọn đèn chánh pháp đi về tương lai và để đáp lại ân nghĩa của tất cả quý vị đã luôn hiến tặng cho chúng con.
Chúng con nguyện cầu chư Bụt và chư liệt vị Tổ sư luôn hộ trì cho quý vị thân hữu và toàn thể gia quyến một năm mới Nhâm Dần 2022 được nhiều sức khỏe và an vui.
Ngày xuân trên hòa dưới thuận Bốn mùa trong ấm ngoài êm.
Chúng con xin thành kính tri ân.