Vạn vật tương tức và tiếp nối không ngừng

KHI NHÌN VÀO TRANG GIẤY mà bạn đang đọc, có thể bạn nghĩ rằng tờ giấy này không có mặt trước khi nó được làm ra ở xưởng giấy. Thế nhưng tờ giấy đã có mặt từ lâu trong nhiều hình thái khác nhau.

Nếu bạn có tâm hồn thi sĩ khi nhìn vào một tờ giấy, bạn sẽ thấy một đám mây bay trong ấy. Không có mây thì không có mưa, không có mưa thì cây cối không mọc được, và nếu không có cây thì làm sao có tờ giấy này trong tay bạn? Cho nên tờ giấy có mặt là vì đám mây có mặt, không có mây thì không có tờ giấy. Đám mây và tờ giấy phải nương vào nhau để hiện hữu, cái đó gọi là tương tức (inter-being).

Tờ giấy này có mặt trước khi nó được sinh ra hay không? Nó từ không mà trở thành có? Không, không có bất cứ cái gì có thể từ không mà trở thành có cả. Tờ giấy “tương tức” với ánh nắng, cơn mưa, đất đai, nhà máy, người công nhân, thức ăn mà người công nhân tiếp nhận mỗi ngày. Bản chất của tờ giấy là tương tức. Nếu ta tiếp xúc với tờ giấy thì mình cũng tiếp xúc được với cả vũ trụ. Trước khi tờ giấy được sinh ra trong nhà máy, tờ giấy đã là ánh nắng mặt trời, là cây cối. Cái được gọi là ngày sinh của tờ giấy chỉ là “ngày tiếp nối” của nó mà thôi. Chúng ta không nên bị hình tướng lừa gạt. Chúng ta biết rằng tờ giấy chưa từng được sinh ra. Thật thế. Nó đã có mặt ở đó trước rồi, bởi vì tờ giấy không thể nào đến từ không. Làm thế nào chúng ta có thể đột nhiên từ không trở thành có được? Làm thế nào mà từ không gì cả, chúng ta có thể đột nhiên trở thành một người nào đó được? Chuyện ấy là không thể.

Bạn cũng có thể cho rằng khi bạn chào đời, bạn đột nhiên trở thành có và trước đó bạn không là gì cả. Nghĩa là từ không là ai, bạn đột nhiên trở thành một ai đó. Thế nhưng, thực ra giây phút bạn ra đời chỉ là một khoảnh khắc của sự tiếp nối mà thôi, bởi vì bạn đã có mặt sẵn trong bụng mẹ hơn chín tháng rồi. Điều đó có nghĩa là ngày sinh trong giấy khai sinh là không chính xác; bạn phải lùi ngày ấy về chín tháng trước.

Có thể bạn cũng nghĩ rằng khi bạn được tượng hình trong lòng mẹ là lúc bạn bắt đầu tồn tại. Nhưng nếu ta tiếp tục nhìn sâu, ta thấy rằng phân nửa của bạn đã có trong cha, và phân nửa kia đã có trong mẹ. Do đó, thậm chí thời điểm bạn tượng hình cũng là thời điểm của sự tiếp nối. Thiền tập là nhìn sâu vào trong tự thân để thấy bản chất đích thực của ta, bản chất của không sinh không diệt.

Hãy tưởng tượng đại dương với vô vàn con sóng. Tất cả những con sóng đều khác nhau, có những con sóng lớn, có những con sóng nhỏ, có những con sóng đẹp hơn những con sóng khác. Bạn có thể diễn tả sóng bằng nhiều cách, nhưng khi tiếp xúc với sóng bạn luôn luôn tiếp xúc được với một thứ khác nữa: đó là nước.

Hãy hình dung bạn là một con sóng trên mặt đại dương. Khi con sóng – là bạn – được tạo ra: bạn dâng lên cao, dừng lại một chút rồi hạ xuống đại dương trở lại. Bạn biết rồi sẽ có một thời điểm mà bạn kết thúc. Nhưng nếu bạn biết cách tiếp xúc với nền tảng của con sóng – là nước – thì tất cả các sợ hãi của bạn sẽ tan biến. Bạn sẽ thấy, là một con sóng, cũng như mọi con sóng khác, sự sống của bạn chính là nước. Đây là bản chất của tương tức. Khi ta chỉ sống như là một con sóng và không có khả năng sống như là nước, ta sẽ rất đau khổ. Trên thực tại, mỗi giây phút chính là giây phút của sự tiếp nối. Bạn tiếp nối sự sống trong một hình thức mới. Chỉ vậy thôi!

Khi một đám mây sắp rơi xuống thành mưa, mây không sợ hãi vì nó biết rằng làm một đám mây thong dong trên bầu trời rất tuyệt vời, nhưng là một cơn mưa, rơi xuống đại dương và tưới mát ruộng vườn cũng tuyệt vời không kém. Đó là lý do tại sao giây phút mây trở thành mưa không phải là giây phút của cái chết, mà là giây phút của sự tiếp nối.

Có những người nghĩ rằng họ có thể làm mọi thứ trở thành hư không. Họ nghĩ là họ có thể tiêu diệt những người như John F. Kennedy, Martin Luther King hay Mahatma Gandhi… với hy vọng là các vị ấy sẽ vĩnh viễn biến mất. Nhưng thật ra khi một người bị giết, có thể người đó sẽ trở nên mạnh hơn lúc trước.

Thậm chí ngay cả trang giấy này cũng không thể bị biến thành không. Bạn đã từng thấy chuyện gì xảy ra khi ta dùng que diêm đốt cháy một tờ giấy. Tờ giấy không hề biến mất: nó tiếp tục trong hình thức của hơi nóng, của than và của khói. Một phần của tờ giấy đã trở thành khói hòa vào với đám mây. Có thể ngày mai chúng ta sẽ gặp lại nó trong hình thức của một giọt mưa. Đó chính là bản chất đích thực của tờ giấy. Khó mà nắm bắt sự đến đi của một tờ giấy. Ta nhận ra rằng một phần của tờ giấy vẫn còn đâu đó trên bầu trời dưới hình thức một đám mây. Vì vậy, ta có thể nói với tờ giấy: “Hẹn gặp lại bạn ngày mai nhé!”

VẤN ĐÁP VỚI THIỀN SƯ

Tuổi già và cái chết

BÉ: Sư Ông bao nhiêu tuổi ạ?

SƯ ÔNG: Con nói cho Sư Ông biết trước, con bao nhiêu tuổi?

BÉ: Dạ! con 6 tuổi, gần 7 tuổi rồi ạ.

SƯ ÔNG: Con nghe này, Sư Ông sẽ cho con một câu trả lời thiệt hay. Sư Ông là sự tiếp nối của Bụt cho nên Sư Ông 2.600 tuổi rồi.

BÉ: Ồ!

SƯ ÔNG: Sư Ông cũng là sự tiếp nối của cha mình nên Sư Ông đã được 110 tuổi. Con cũng là sự tiếp nối của Sư Ông và con có Sư Ông trong con, cho nên Sư Ông cũng 6 tuổi như con. Đó là sự thật, bởi vì Sư Ông đã được sinh ra trong con. Con sẽ đem Sư Ông về tương lai. Vì vậy, Sư Ông còn trẻ lắm. Sư Ông mới 6 tuổi thôi. Nếu con nhìn xung quanh, con sẽ thấy Sư Ông ở khắp nơi. Sư Ông có nhiều tuổi khác nhau. Con có thấy như vậy không?

VƯỢT THOÁT TỬ SINH

BÉ: Tại sao một ngày nào đó mình phải chết?

SƯ ÔNG: Con thử tưởng tượng trên đời này chỉ có sinh ra mà không có chết đi. Một ngày nào đó, sẽ khó mà tìm trên trái đất một chỗ trống để cho người ta đứng. Chết nghĩa là để lại một

chỗ trống cho con cháu của mình. Mà con cháu của mình là ai? Chính là mình chứ ai.

Con cháu của mình là một biểu hiện mới của mình. Con là sự tiếp nối của cha. Người cha, khi nhìn con mình, sẽ thấy là mình không chết bởi con của mình vẫn còn đó để tiếp nối mình. Có cái thấy ấy, mình sẽ thấy là mình không hề chết, bởi vì mình đang tiếp tục trong con của mình. Con mình cũng không chết vì được tiếp nối trong cháu chắt. Thiền tập của đạo Bụt giúp ta nhìn sâu để thấy không có cái chết thật sự mà chỉ có sự tiếp nối không ngừng trong những hình thái khác nhau.

Con hãy nhìn đám mây trên trời. Có thể đám mây đang sợ phải chết đi, nhưng có một lúc nào đó, mây sẽ phải trở thành mưa. Nhưng đó không thật sự là cái chết. Đó chỉ là sự thay đổi hình thái mà thôi. Đám mây trở thành mưa, đám mây đã được tiếp nối bằng mưa. Nếu con nhìn sâu vào trong mưa, con có thể nhìn thấy đám mây. Không có cái chết thật sự. Con sẽ tiếp tục có mặt trong rất nhiều hình thức khác. Đám mây cũng có thể tiếp tục dưới hình thức tuyết, dòng sông hay nước đá. Một ngày nào đó, đám mây cũng có thể sẽ trở thành kem. Nếu đám mây không chịu thay hình đổi dạng thì làm sao có kem cho chúng ta ăn?

Sư Ông không sợ chết vì Sư Ông thấy Sư Ông trong các đệ tử, và trong con. Con đã đến đây để học hỏi từ Sư Ông thì con đã có Sư Ông trong con rồi. Sư Ông đã trao truyền chính Sư Ông cho con. Nếu con tiếp nhận được một chút hiểu, chút thương, chút tỉnh thức từ Sư Ông thì Sư Ông được tiếp nối trong con. Sau này, nếu có người muốn đi tìm Sư Ông, họ chỉ cần đến gặp con họ sẽ thấy Sư Ông. Sư Ông không chỉ ở đây [Sư Ông chỉ vào mình] mà còn ở đây nữa [chỉ vào bé]. Sư Ông thích điều này nhất trong thiền tập của đạo Bụt. Thiền tập đạo Bụt giúp ta vượt thoát ý niệm về cái chết.

Con nên biết cái chết rất cần cho sự sống, cho sự tiếp nối của chúng ta. Trong cơ thể của chúng ta, mỗi phút có rất nhiều tế bào đang chết để nhường chỗ cho những tế bào mới được sinh ra. Sự sống và cái chết đang diễn ra từng phút trong thân ta. Nếu không có sự chết, cơ thể ta sẽ không thể nào tiếp tục được. Cho nên cái chết và sự sống có liên hệ mật thiết với nhau. Nhờ có chết mà có sự sống, nhờ có sự sống mà có sự chết. Nếu mình khóc mỗi khi một tế bào trong cơ thể mình chết đi thì mình sẽ không còn nước mắt để khóc nữa. Nếu mình tổ chức đám tang mỗi lần có một tế bào chết đi thì mình sẽ phải dùng tất cả ngày giờ của mình để làm đám tang. Do đó, ta phải thấy sự sống và cái chết đang diễn ra từng phút từng giây trong chính bản thân ta. Đó là lý do tại sao vai trò của cái chết rất là quan trọng. Đó là câu trả lời thứ nhất của Sư Ông. Nhưng câu trả lời thứ hai còn hay hơn. Nhìn sâu, con sẽ thấy không có sống mà cũng không có chết: chỉ có sự tiếp nối mà thôi. Càng học con sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn.

KHÔNG TRƯỚC, KHÔNG SAU

BÉ: Con gà và cái trứng, cái nào có trước ạ?

SƯ ÔNG: Con gà hay cái trứng có trước? Đây là một câu hỏi rất thú vị. Nhưng vì con là một thiền sinh, con phải cẩn thận, đừng trả lời câu hỏi này quá vội. Con phải nhìn thật sâu mới thấy câu trả lời. Có những thời gian nhất định trong năm, nhìn lên cây chanh, con chỉ thấy cành lá thôi chứ không hề có cái hoa hay quả chanh nào cả. Nhưng đó là khi con chưa biết nhìn bằng cặp mắt thiền quán. Còn nếu con là một thiền giả giỏi, biết nhìn sâu thì khi nhìn cây chanh – dù nó chưa ra hoa và chưa có quả – con vẫn có thể thấy hoa và quả chanh ở đó rồi. Hoa chanh, quả chanh chưa biểu hiện vì chúng còn chờ thêm vài điều kiện như thời gian, mưa và sức nóng mặt trời. Cho nên mình không thể nói là trái chanh không có đó. Nó chỉ đang ẩn mình thôi. Cây chanh, cành lá, hoa chanh và trái chanh – tất cả đều đang cùng có mặt. Mình không thể nào nói cái nào có trước, cái nào có sau được. Thời điểm chúng biểu hiện có khác nhau, nhưng chúng đã luôn có mặt ở đó rồi. Con thấy không?

Khi nhìn một bông hoa, con chỉ thấy hoa là hoa thôi. Nhưng kỳ thực rác đã có sẵn trong bông hoa rồi. Rác và hoa luôn đi đôi với nhau. Nếu con không cắm hoa vào trong nước thì chỉ trong vài hôm bông hoa sẽ trở thành một cọng rác. Nếu con là một thiền giả giỏi thì con sẽ thấy rác hiện giờ đang có trong hoa. Nói rác chưa có trong hoa là không đúng. Rác đang có trong hoa. Chỉ cần một hay hai điều kiện nữa thôi là nó sẽ biểu hiện. Và nếu con nhìn thật sâu vào rác, con sẽ thấy hoa đang chờ đợi để biểu hiện trở lại.

Vì thế, câu trả lời của đạo Bụt cho câu hỏi của con là cái trứng đang có trong con gà và con gà có trong cái trứng. Không có cái nào có trước, không có cái nào có sau.

TƯƠNG TỨC

CHUẨN BỊ: Đưa các em đi thăm nơi bảo vệ và chăm sóc thú nuôi trong nhà (bị bỏ bê hoặc đi lạc). Nếu có thể nên chọn một nơi cho phép các em được vuốt ve chó con hoặc mèo con. Hoặc sắp xếp để đem một con chó đến lớp học (lý tưởng nhất là một con chó được cứu hộ và không thuần chủng). Sẽ rất có ích nếu cho các em xem hình của chính các em khi còn bé. Hoặc bạn có thể sử dụng các loại hạt và tùy nghi áp dụng phần thảo luận về tương tức cho thích hợp.

Chúng ta sẽ được vuốt ve chú cún con (hay chú mèo con) này, nhưng trước tiên các em có muốn xá chào chú một cái không?

[Dạ có] Tại sao?

[Để cho thấy là mình biết chú cún cũng có tính Bụt; để bày tỏ tình thương và sự kính trọng]

Nhắc các em để ý đến âm thanh nào mà chú cún hay mèo con phát ra. [Có khi các em đồng ý với nhau lấy meo meo hay tiếng sủa của cún con làm tiếng chuông chánh niệm.] Làm mẫu cho các em thấy nên làm thế nào để vuốt ve một con thú: xá xuống, rồi một tay nâng nó, một tay vuốt thật nhẹ. Sau đó, mời các em xá và vuốt ve chú chó hoặc mèo con. Cho các em đủ thời gian để chơi, vuốt ve, nói chuyện và ôm các con vật.

Trả các con thú trở lại giỏ hoặc chuồng.

Chú cún con đến từ đâu nhỉ? [Từ chó mẹ ạ]

Chú cún được sinh ra phải không? [Dạ]

Chó con được sinh ra khi chui ra từ chó mẹ có phải không? [Dạ]

Cô/thầy không nghĩ vậy! Sinh ra nghĩa là từ không mà trở thành có. Có phải chú cún con này không có mặt trước khi chui ra từ bụng chó mẹ không?

[Không ạ, chú đã có trong bụng chó mẹ rồi ạ]

Chúng ta đã khám phá ra rằng không chính xác lắm khi nói chú cún con được sinh ra khi nó chui ra từ bụng chó mẹ, vì mình biết rằng cún con đã có sẵn trong bụng của chó mẹ trước đó rồi. Mình có thể nói là chú cún con đã có mặt trước khi nằm trong bụng chó mẹ không?

[Dạ được ạ]

Mình có thể nói là cún con đã sống một phần trong chó mẹ và một phần trong chó cha không?

[Dạ được ạ]

Các em có nghĩ là điều đó cũng đúng cho con người không? Hãy nhìn vào chính chúng ta nào. Mời các em nhìn vào tấm hình của chính mình hồi các em còn bé xíu. Ngày nào là sinh nhật của em? Cho các em nói ngày sinh của mình.

Tại sao mình gọi ngày đó là ngày sinh?

[Bởi vì ngày đó là ngày em chui ra khỏi bụng của mẹ]

Nếu nói ngày em ra khỏi bụng mẹ là ngày sinh của em thì cũng giống như mình nói rằng: cún con đã được sinh ra khi nó chui ra từ bụng chó mẹ. Và chúng ta đã biết là điều đó không đúng.

Trước khi được sinh ra từ bụng mẹ, em không là gì cả, phải vậy không?

[“Dạ không! Em đã có mặt khi em nằm trong bụng mẹ. Mẹ em nói là mẹ có thể nghe và cảm nhận những cử động của em khi em nằm trong bụng mẹ.]

Vậy em là gì trước khi em nằm trong bụng mẹ? Em không là gì cả hay sao?

[“Dạ không! Em là một ý tưởng đang chờ để biểu hiện!”, “Em là một cái trứng bé nhỏ”, “Em chưa bao giờ không là một cái gì”]

Vậy thì em ở đâu trước khi nằm trong bụng mẹ?

[“Một phần của em nằm trong mẹ và một phần nằm trong cha”, “Em có trong ông bà của em”, “Khoan đã, kiểu này thì mình có thể đi lui hoài không bao giờ dứt”]

Có thể thấy rằng các em chưa bao giờ không là một cái gì! Bởi vì “sinh ra” nghĩa là từ không mà trở thành có. Nhìn sâu, ta có thể nói rằng, giống như chú cún con này, ta chưa bao giờ được sinh ra! Hoặc chúng ta có thể nói chúng ta luôn được sinh ra. Chúng ta lúc nào cũng là một cái gì đó; chúng ta chưa bao giờ không là cái gì cả.

Có khi ta là một ý niệm; có khi ta là một phần của người khác, có khi ta lại là ta như bây giờ. Rất có thể mình đã từng là một đám mây, một bông hoa hay một dòng sông. Sư Ông nói có thể mình nên gọi ngày sinh nhật là Ngày Tiếp Nối là hay hơn cả. Tại sao Sư Ông lại dạy mình như vậy nhỉ?

[“Để nhắc nhở là chúng ta không bao giờ được sinh ra”, “Chúng ta luôn đã là một cái gì trước đó rồi”, “Chúng ta tiếp nối cái mà ông bà, tổ tiên đã tiếp nối”]

Lần tới, nếu các em tổ chức tiệc sinh nhật thì các em hãy mời các bạn hát “Mừng ngày tiếp nối của em” nhé!

Nếu em không bao giờ sinh thì em có bao giờ chết không? [Không ạ]

Làm sao chúng ta có thể sống hoài hoài được nhỉ? Làm sao để chúng ta không bao giờ chết?

[Bởi vì cô biết em. Em là một ý tưởng của cô/thầy. Chừng nào cô/thầy còn sống thì em còn sống, vậy nên em sẽ tiếp tục sống trong tất cả những người cô/thầy quen biết”; “Khi em có con cháu, em sẽ là một phần của con cháu”; “Có phải là em có mặt trong tất cả mọi thứ không? Em nghĩ vậy”; “Này, kiểu này thì mình cứ tiếp tục hoài hoài.”]

Tại sao biết mình không bao giờ sinh không bao giờ chết là một điều quan trọng nhỉ?

[“Vì nếu em bị bệnh phải vào bệnh viện, và bác sĩ bảo là em sắp chết, em có thể nói con sẽ không bao giờ chết”; “Rồi khi người nhà em đến thăm và buồn khi nhận tin này, em có thể bảo họ: Đừng buồn. Con sẽ không bao giờ chết”; “Bởi vì nếu có ai đó nói rằng em sẽ chết, em sẽ không sợ nữa, em đã biết điều đó không phải là sự thật”; “Bởi vì khi biết rằng mình đang còn sống trong những người khác thì mình sẽ quan tâm chăm sóc người đó tốt hơn”; “Con cũng cần chăm sóc cho chính mình nữa, vì nếu bạn con có trong con, thì chăm sóc cho mình cũng chính là chăm sóc cho bạn”.]

Cho nên biết rằng mình chưa bao giờ từng sinh ra mà cũng không bao giờ chết đi, ta sẽ không còn buồn, còn sợ nữa, ta sẽ biết cách an ủi bạn bè và gia đình. Điều này cũng nhắc ta quan tâm chăm sóc cho những người khác bởi vì ta có trong họ, đồng thời nhắc ta nên chăm sóc cho chính mình bởi vì những người khác cũng có trong ta. Biết được là ta không sinh cũng không bao giờ chết giúp ta có hạnh phúc và ta sẽ làm cho những người khác có hạnh phúc.

Chúng ta hãy cùng hát bài Không đến, không đi.