An lạc

Đời sống tâm linh

Nếu ta có một chút hiểu biết, thương yêu, an lạc cũng đã là quý rồi. Đó là vàng bạc châu báu của ta. Hôm nay ta có thể làm nhiều điều để làm tăng trưởng những phẩm chất ấy trong ta. Khi bước đi, nếu ta có khả năng bước được một bước chân an lạc, chế tác thêm sự vững chãi và tự do là ta đang phục vụ cho thế giới. Chỉ như thế ta mới có thể phụng sự được. Nếu ta không có những phẩm chất vững chãi, thảnh thơi, an lạc trong tự thân thì dù có làm gì lớn lao đi nữa ta cũng không thể phục vụ cho thế giới. Vấn đề không phải là phải làm gì mà là phẩm chất. Phẩm chất an lạc, vững chãi và hy vọng. Mỗi hành động của ta phải bắt nguồn từ đó. Bởi vì an lạc, vững chãi, tự do luôn luôn tìm đường đi của chúng, luôn luôn tìm hướng để hành động. Đó là đời sống tâm linh của ta.

Vấn đề cơ bản là chúng ta phải chế tác bình an và tập nhìn sâu. Trước hết ta phải làm cho thân tâm lắng dịu. Không có sự yên tĩnh và thanh tịnh thì những cảm xúc, giận dữ, tuyệt vọng sẽ không chịu đi và chúng ta sẽ không có khả năng nhìn thấy được thực tại. Làm lắng dịu và thanh tịnh thân tâm là bước thiền tập đầu tiên.

Bước thứ hai là nhìn sâu để hiểu. Nhờ có hiểu mới có thương. Từ nền tảng hiểu biết thương yêu này chúng ta sẽ hiểu được những gì nên làm và những gì không nên làm. Đó là thiền tập. Tất cả chúng ta, những nhà chính trị, quân đội, thương gia… phải thiền tập. Chúng ta phải thực tập cho thân tâm lắng dịu và nhìn sâu vào bản chất của sự vật. Mọi người sẽ yểm trợ ta làm điều này và chúng ta cùng yểm trợ cho nhau.

Hạt giống bạo động

Ta đừng nghĩ rằng hạt giống bạo động ở đâu đó xa lắc xa lơ. Hạt giống bạo động luôn có trong ta. Ta có thể nhận diện những hạt giống bạo động ấy trong tâm ta, qua những suy nghĩ, lời nói, hành động trong đời sống hằng ngày, qua cách hành xử, thái độ, qua những nỗi sợ hãi lo lắng của ta về bản thân và về những người khác. Tự thân của suy nghĩ cũng có thể bạo động. Suy nghĩ bạo động sẽ dẫn đến lời nói và hành động bạo động. Và như vậy những bạo động trong tâm ta sẽ biểu hiện ra trên thế giới.

Những cuộc chiến hằng ngày xảy ra trong tâm thức ta và trong gia đình ta liên quan đến những cuộc chiến giữa các sắc tộc và các quốc gia trên thế giới. Tin chắc mình biết rõ sự thật và những ai không có niềm tin giống mình là sai sẽ gây nên nhiều tổn hại. Khi ta tin chắc vào một điều gì đó và cho đó là chân lý tuyệt đối thì ta sẽ bị kẹt vào cái thấy riêng của ta. Chẳng hạn như nếu ta tin rằng đạo Bụt là con đường duy nhất đưa đến hạnh phúc thì có thể ta cũng đang hành động bạo động bằng cách kỳ thị và loại trừ những người theo các truyền thống tâm linh khác. Khi bị kẹt vào cái thấy của mình thì ta không thể thấy và hiểu được thực tại. Kẹt vào cái thấy của mình có thể rất nguy hiểm, nó ngăn cản ta không cho ta đạt đến cái cái thấy cao hơn, có nhiều tuệ giác sâu sắc hơn.

Chúng ta thường nghĩ rằng bạo động và chiến tranh là một hành động, một sự kiện có bắt đầu và kết thúc rõ ràng, nhưng nếu nhìn sâu vào bản chất của các cuộc chiến tranh, ta sẽ thấy rằng chiến tranh có xảy ra hay không thì những hạt giống của chiến tranh đã có rồi. Chúng ta không cần phải đợi đến lúc chiến tranh xảy ra mới thấy sự có mặt của chiến tranh. Khi quân đội rút quân trở về quê hương, ta có cảm tưởng chiến tranh kết thúc, nhưng điều đó có thể không đúng. Chiến tranh có thể vẫn còn đó. Tuy cuộc chiến đã kết thúc nhưng sự hận thù sợ hãi vẫn còn đó trong trái tim, tâm hồn của những người lính, công dân và đồng đội của họ. Khi cuộc chiến tranh xảy ra, nếu nhìn sâu ta sẽ nhận ra được nhiều mặt trong cuộc chiến đó như kỳ thị tôn giáo, kỳ thị chủng tộc, hận thù dân tộc, bỏ mặc con cái, khai thác quá mức nguồn tài nguyên của thế giới. Tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng những hạt giống bình an, hiểu biết và thương yêu cũng đang có đó, nếu biết vun trồng tưới tẩm thì chúng sẽ lớn lên.

Nếu ta nhận ra được hạt giống bạo động cắm rễ trong ta qua cách nói năng, suy nghĩ, hành động hằng ngày thì ta có khả năng thức tỉnh và sống một cuộc sống mới. Ta có thể quyết tâm sống trong chánh niệm, trong bình an. Chiếu ánh sáng ý thức vào trong những gốc rễ của bạo động, ta có thể chấm dứt được cuộc chiến tranh từ khi mới bắt đầu chớm nở trong tâm. Chấm dứt được cuộc chiến tranh trong tâm thức, chắc chắn ta sẽ biết cách chấm dứt cuộc chiến tranh bên ngoài.

Đạo Bụt dấn thân

Ở Việt Nam, chúng ta đã bắt đầu phong trào đạo Bụt dấn thân. Chúng ta muốn đạo Bụt có mặt khắp nơi trong mỗi bước đi của sự sống, không phải chỉ có ở chùa mà còn ở trong xã hội, trong các trường học, trong gia đình, trong sở làm hay thậm chí trong cả giới chính trị, quân đội. Tình thương và sự hiểu biết cũng nên có mặt khắp nơi.

Rất nhiều người trong chúng ta rất háo hức làm việc cho hòa bình, nhưng lại không có bình an trong tâm. Ta kêu gọi hòa bình một cách giận dữ, và ta cũng la mắng giận dữ những người đang kêu gọi hòa bình như ta. Ngay cả những người dành trọn đời mình cho công việc hòa bình đôi khi cũng đấu tranh lẫn nhau. Nếu không có bình an trong tâm thì sẽ không có sự hòa hợp giữa những người làm công tác hòa bình. Và nếu không có sự hòa hợp thì sẽ không có hy vọng. Nếu chúng ta bị chia rẽ, nếu chúng ta đang ở trong tình trạng tuyệt vọng thì chúng ta không thể phục vụ được, không thể làm được bất cứ điều gì. Bình an phải được bắt đầu bằng chính tự thân mình bằng sự thực tập ngồi yên, đi thiền, chăm sóc thân thể, buông bỏ những căng thẳng trong thân thể và cảm thọ. Vì vậy, thiết lập thân tâm an lạc là nền tảng căn bản của việc làm hòa bình. Thiết lập bình an phải đến trước. Và công tác hòa bình sẽ đến sau dựa trên nền tảng căn bản đó.

Giây phút mà ta ngồi xuống, bắt đầu thở vào làm lắng dịu thân tâm thì bình an có mặt. Thở như vậy cũng giống như cầu nguyện. Khi có yếu tố bình an trong ta thì ta có thể truyền thông đến những người khác và ta có thể giúp người khác bình an như ta. Chúng ta cùng trở thành một cơ thể an lạc, một tăng thân an lạc. Sự thực tập có thể đem đến cho ta bình an ngay lập tức. Khi có bình an hơn, tươi vui hơn, ta có thể thành công hơn trong việc tiếp xúc và kêu gọi mọi người tham gia vào công việc kêu gọi hòa bình. Vì có bình an, nhìn bình an, nói bình an, hành động bình an nên ta có khả năng thuyết phục nhiều người tham gia vào công việc hòa giải và làm tăng tiến hòa bình.

Chúng ta không thể có bình an bằng cách thương thuyết và hoạch định. Chúng ta phải học cách thở, cách làm lắng dịu thân tâm và có khả năng giúp người khác cũng làm như vậy. Nếu trong ta không có yếu tố bình an, mọi người không có yếu tố bình an thì ta có làm cũng vô ích, không có hành động nào của ta có thể thực sự được coi là hành động hòa bình.

Chúng ta phải thực tập chế tác bình an trong xí nghiệp, sở làm, trong thành phố, trường học. Thầy cô giáo phải thực tập bình an và dạy cho học sinh cách thực tập chế tác bình an. Tổng thống hay chủ tịch của một nước, người đứng đầu của một đảng phái chính trị phải thực tập chế tác bình an, phải cầu nguyện cho sự bình an trong tự thân trước khi người ấy có thể kêu gọi những tổng thống, chủ tịch khác tham gia vào công tác hòa bình. Rất lý tưởng nếu mỗi cuộc hội nghị hòa bình có thể bắt đầu bằng sự thực tập thiền hành, thiền tọa. Và có người hướng dẫn thiền buông thư để lấy đi những căng thẳng, giận hờn, sợ hãi trong thân tâm. Đó là đưa con đường tâm linh vào đời sống chính trị và xã hội, là đạo Bụt nhập thế.

Cử chỉ anh hùng

Hiểu và thương là hai nguồn năng lượng rất mạnh mẽ, đối nghịch với sự thụ động và ngu dốt. Nếu ta nghĩ rằng từ bi là thụ động, là yếu đuối hay hèn nhát thì ta không biết hiểu thương đích thực nghĩa là gì. Nếu ta nghĩ rằng những người từ bi là không chống cự, đối kháng, không dám thách thức cho những bất công xã hội thì ta đã sai lầm rồi. Họ là những chiến binh, những anh hùng, nữ anh hùng mang lại rất nhiều chiến công. Khi hành động với lòng từ bi, bất bạo động là chúng ta đang hành động trên nền tảng của tuệ giác bất nhị, chúng ta phải rất mạnh mẽ. Chúng ta không hành động vì sự giận dữ, không trừng phạt hay đổ lỗi. Từ bi lớn lên liên tục trong ta, và ta có thể thành công trong việc đấu tranh chống lại những bất công xã hội. Ngài Mahatma Gandhi chính là người như thế. Ngài không có bất kỳ một thứ bom đạn, súng ống hay một đảng phái chính trị nào. Ngài chỉ hành động đơn giản dựa trên tuệ giác bất nhị, trên sức mạnh của tình thương mà không phải trên sự giận hờn.

Con người không phải là kẻ thù của ta. Kẻ thù của ta là vô minh, bạo động, bất công trong mình và trong người kia. Khi chúng ta được trang bị bằng từ bi và hiểu biết thì chúng ta không đấu tranh chống lại người khác mà chống lại khuynh hướng xâm chiếm, thống trị và bóc lột. Chúng ta không muốn giết người khác mà chúng ta cũng không để kẻ khác thống trị bóc lột ta và những người khác. Chúng ta phải bảo vệ chính mình. Ta không ngu dốt. Ta rất thông minh và có tuệ giác. Từ bi không có nghĩa là để cho người khác bạo động với chính họ và bạo động với ta. Từ bi nghĩa là thông minh sáng suốt. Hành động bất bạo động xuất phát từ tình thương chỉ có thể là hành động thông minh.

Bồ tát ngàn mắt ngàn tay

Trong những ngôi chùa ở các nước châu Á có tượng Bồ tát Quan Âm ngàn tay. Mỗi tay cầm một pháp khí đại diện cho những lĩnh vực hành động khác nhau mà qua đó Bồ tát có thể biểu hiện tình thương và trí tuệ của mình. Một tay Ngài cầm quyển kinh hay một quyển sách nói về khoa học chính trị, một tay Ngài cầm pháp khí như chuông khánh, tay khác cầm một dụng cụ âm nhạc. Hình ảnh của Bồ tát ngàn tay trong xã hội hiện đại có thể có một tay cầm máy vi tính. 

Có thể một trong những cánh tay của Bồ tát lại cầm súng. Chúng ta cũng có thể mang theo vũ trang mà vẫn làm một vị Bồ tát được. Ở các chùa Việt Nam, chúng ta thường thấy hình ảnh của hai vị Bồ tát. Bên tay trái là tượng một vị Bồ tát rất đôn hậu, luôn mỉm cười và rất thân thiện, trong khi bên phải là hình ảnh một vị Bồ tát rất dữ tợn đang vung vũ khí. Tên của vị Bồ tát này Diện Nhiên Vương, khuôn mặt Ngài đang bốc cháy, mắt Ngài cũng đang bốc cháy, lửa và khói bay ra từ miệng và mũi Ngài. Đây là hình ảnh của một vị Bồ tát đang thị hiện làm một người ác, rất hung dữ nhưng lại bảo hộ cho chúng ta. Vị Bồ tát này có khả năng giữ cho cô hồn không quậy phá. Khi cúng cô hồn, chúng ta niệm danh hiệu Ngài, xin Ngài đến giúp đỡ, bởi vì cô hồn rất ồn ào và lộn xộn. Chúng ta cần Bồ tát Diện Nhiên Vương, cần tính hung dữ của Ngài để giúp lập lại trật tự, bởi vì chỉ có Ngài mới có thể thuần hóa được những cô hồn hoang dại mà thôi.

Tuy nhiên, đặc tính trông có vẻ dữ tợn này cũng là biểu hiện của Bồ tát Quán Thế Âm, người mang nhiều hình thức khác nhau – như mẹ hiền Quán Thế Âm, Bồ tát Diện Nhiên Vương hay thậm chí là hình thức cô hồn – để hiểu hơn những người mà Ngài muốn đến giúp và có truyền thông tốt với họ. Một số biểu hiện này có thể không giống như những ý niệm thông thường chúng ta có về các vị Bồ tát. Nếu chỉ đi tìm Bồ tát Quán Thế Âm trong một hình dáng dễ thương, nhẹ nhàng, xinh đẹp thì có thể chúng ta đánh mất Ngài. Chúng ta phải nhìn sâu để nhận ra được Bồ tát Đại Bi Quán Thế Âm trong nhiều hình thức khác của Ngài. Nếu nhìn kỹ vào hình ảnh của Bồ tát ngàn tay, ta sẽ thấy rằng trong mỗi lòng bàn tay của Ngài có một con mắt. Con mắt tượng trưng cho sự hiểu biết, cho tuệ giác, đó là trí tuệ bát nhã. Chúng ta cần từ bi và trí tuệ để đi xa hơn trên con đường này. Trí tuệ đem đến tình thương, sự tử tế và lòng từ bi. Bồ tát Quán Thế Âm có rất nhiều tay bởi vì tình thương cần được bày tỏ qua nhiều hình thức, phương tiện và công cụ khác nhau. Đó là lý do mà trên mỗi cánh tay của Bồ tát lại cầm một công cụ khác nhau, và trong mỗi lòng bàn tay lại có một con mắt trí tuệ.

Cuộc cách mạng hòa bình

Có người sống suốt cuộc đời họ chỉ để tìm cách trả thù. Ước muốn này sẽ mang lại khổ đau lớn, không chỉ cho người kia mà còn cho chính họ nữa. Hận thù là ngọn lửa đốt cháy mọi tâm hồn và nó chỉ có thể được dịu đi bởi lòng từ bi. Lòng từ bi được tìm thấy ở đâu? Người ta có bán ngoài siêu thị không? Nếu có thì ta chỉ việc mua nó mang về nhà và ta có thể bán đi tất cả những hận thù bạo động trên thế giới một cách dễ dàng. Nhưng từ bi chỉ có thể được tạo dựng trong trái tim ta bằng sự thực tập của chính mình.

Bây giờ nước Mỹ đang bị bốc cháy bởi những sợ hãi, khổ đau và hận thù. Chỉ có cách duy nhất để làm lắng dịu nỗi khổ đau của ta là trở về với chính mình để tìm hiểu tại sao ta có quá nhiều bạo động như vậy. Cái gì đã khiến cho những người khủng bố có quá nhiều hận thù đến nỗi họ phải hy sinh cả tính mạng và tạo ra nhiều khổ đau cho những người khác đến như vậy? Chúng ta có thể thấy được những hận thù lớn của họ nhưng nằm bên dưới hận thù ấy là cái gì? Đó là bất công. Tất nhiên chúng ta phải tìm cách ngăn chặn những bạo động trong họ, thậm chí ta cũng có thể giam họ vào tù khi những hận thù của họ đang bốc cháy. Nhưng điều quan trọng là ta phải nhìn sâu và đặt câu hỏi: “Ta đã làm gì để đóng góp vào sự bất công trên thế giới?”

Đôi khi những người mình thương như con cái, cha mẹ, vợ chồng… đã nói hoặc làm điều gì đó thô lỗ khiến ta khổ đau và giận dữ. Ta nghĩ rằng chỉ có ta là khổ đau, còn người kia không khổ. Kỳ thực người kia cũng khổ đau. Nếu không khổ đau thì họ đã không nói, không hành xử giận dữ như vậy. Người ta thương không biết cách đi ra khỏi khổ đau. Vì vậy người ấy trút tất cả những hận thù và bạo động lên ta. Trách nhiệm của ta là tạo ra năng lượng từ bi để làm lắng dịu trái tim ta để có thể giúp đỡ người kia. Nếu ta trừng phạt người kia thì người kia chỉ khổ đau thêm thôi. Dùng bạo động để tiêu diệt bạo động chỉ tạo thêm bạo động, bất công và khổ đau, không chỉ cho người kia mà còn cho chính ta nữa. Tuệ giác này có trong mỗi chúng ta. Thở sâu, chúng ta có thể tiếp xúc được tuệ giác này. Nếu năng lượng từ bi và tuệ giác này trong người Mỹ được nuôi dưỡng, dù chỉ trong vòng một tuần thôi, sẽ làm giảm đi mức độ giận dữ và hận thù trong nước. Tất cả chúng ta nên thực tập cho thân tâm lắng dịu, định tĩnh, tưới tẩm hạt giống từ bi, tuệ giác đã có sẵn trong chúng ta và học hỏi nghệ thuật tiêu thụ chánh niệm. Làm được điều này, ta sẽ tạo ra được một cuộc cách mạng hòa bình đích thực, chỉ có loại cách mạng này mới có thể giúp chúng ta ra khỏi tình trạng khó khăn.

Nhãn hiệu

Chúng ta bị chia cách nhau bởi những nhãn hiệu và ngôn từ, như người Do Thái, người Palestine, người Phật tử, người Thiên Chúa và người Hồi giáo. Khi nghe những từ này gợi lên trong đầu ta một hình ảnh và ngay lập tức ta cảm thấy xa lạ với những người khác, với những nhóm khác. Chúng ta đã hình thành nên nhiều cách suy tư khiến chúng ta chia cách nhau, và làm cho nhau đau khổ. Vì thế điều quan trọng là ta phải khám phá ra nhân tính trong người kia và giúp người kia khám phá ra nhân tính trong mình. Là con người, chúng ta giống y chang như nhau. Nhưng nhiều lớp nhãn hiệu đã ngăn cản người kia không cho họ thấy được ta là một con người. Nghĩ rằng mình là Phật tử hay nhân danh mình là Phật tử có thể là một điều bất lợi, bởi vì nếu ta nhân danh Phật tử thì đó có thể là một chướng ngại không cho họ khám phá ra con người trong ta. Người Thiên Chúa, Do Thái giáo hay Hồi giáo cũng vậy. Đặc điểm này có thể là một phần quan trọng để nhận diện mình, phân biệt mình với người khác, nhưng đó không phải là toàn bộ con người mình. Người ta bị kẹt vào những hình ảnh, khái niệm này nên không thể nhận ra nhau là con người. Chúng ta phải lột đi tất cả những nhãn hiệu ấy để con người có thể được hiển lộ, đây đích thực là sự thực tập cho hòa bình. Bởi vì người ta quá kẹt vào nhãn hiệu và tên gọi nên điều quan trọng là chúng ta phải dùng ngôn ngữ hòa ái dịu dàng để nói với nhau về những vấn đề khác biệt và bất công.

Bất công gây nên khổ đau cho cả hai phía trong bất kỳ một cuộc tranh luận cá nhân nào. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu điều đó. Một khi hiểu biết và từ bi được nảy sinh trong trái tim ta thì độc tố giận hờn, bạo động, tuyệt vọng, hận thù sẽ được chuyển hóa. Con đường quá rõ ràng. Phương án giải quyết duy nhất là phải lấy độc tố ra khỏi người mình và đưa tuệ giác, từ bi vào. Sau đó chúng ta sẽ nhận ra nhau là con người. Đừng để mình bị lừa gạt bởi những tên gọi và những nhãn hiệu bên ngoài như đạo Bụt, đạo Do Thái, đạo Hồi, người thân Mỹ, người thân A-rập,… Đây là một quá trình giải thoát giác ngộ, thoát khỏi những khái niệm, vô minh, kỳ thị. Trái đất này rất xinh đẹp và đủ chỗ cho tất cả chúng ta, tại sao ta lại đi giết hại lẫn nhau. Nếu chúng ta có khả năng nhìn nhau là con người với những khổ đau riêng thì chúng ta sẽ không cam tâm bắn nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau cộng tác để có cơ hội sống chung an lạc hòa bình.

Bao dung

Mỗi chúng ta phải tự đặt câu hỏi là trái tim mình lớn bao nhiêu? Làm thế nào để trái tim ta lớn lên mỗi ngày? Trái tim mình có đủ lớn để bao dung ôm hết mọi người không? Thực tập bao dung được dựa trên nền tảng hiểu biết, thương yêu và từ bi. Khi chúng ta thực tập nhìn sâu để hiểu được nỗi khổ đau thì giọt nước cam lộ sẽ ứa ra trong trái tim ta một cách tự nhiên. Từ bi có thể được tiếp tục lớn lên bất tận trong ta. Nhờ tập hiểu và tập nhìn sâu mà từ bi trong ta lớn lên mỗi ngày. Với tình thương và sự hiểu biết này chúng ta có thể ôm ấp, chấp nhận tất cả mọi người, mọi loài, chấp nhận được tất cả những gì đang xảy ra chung quanh mình.

Thông thường trong một cuộc xung đột, ta nghĩ rằng nếu những người bên kia, những người chống đối ta, những người tin những điều khác ta không còn nữa thì ta mới có hạnh phúc bình an. Cái suy nghĩ đó khiến ta tàn phá và hoại diệt phía bên kia để đẩy những con người kia ra khỏi cộng đồng, xã hội của ta. Nhưng nhìn sâu, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta khổ đau, họ cũng khổ đau. Nếu ta thực sự muốn sống an toàn, hạnh phúc thì chúng ta phải tạo ra một cơ hội cho những người bên kia cũng được sống như vậy. Nếu ta biết cách làm cho phía bên kia đi vào trái tim ta, nếu ta có ước muốn đó thì không những ta bớt khổ ngay mà ta còn tạo ra được những cơ hội sống an toàn và hòa bình. Khi có ước muốn thực tập bao dung thì chúng ta sẽ dễ dàng đặt câu hỏi: “Chúng tôi có thể làm gì để giúp quý vị được sống trong an toàn? Xin quý vị hãy nói cho chúng tôi biết”. Chúng ta phải bày tỏ những quan tâm của chúng ta cho vấn đề an ninh của họ, cho những nhu yếu được sống trong an toàn, xây dựng lại đất nước, củng cố xã hội. Khi chúng ta có khả năng giải quyết những vấn đề xung đột bằng cách này thì tình hình được chuyển hóa rất nhanh chóng. Nền tảng cho sự chuyển hóa, yếu tố đầu tiên phải làm là thay đổi ngay trong chính trái tim mình. Chúng ta mở rộng trái tim để ôm ấp phía bên kia, chúng ta muốn cho phía bên kia cơ hội sống trong bình an giống như chúng ta.

Xã hội và đất nước nào còn bị giam mình trong những cuộc xung đột, nếu thực sự muốn tìm cách sống bình an thì cần phải thực tập bao dung. Chúng ta có khả năng chấp nhận sự thực là phía bên kia cũng cần một nơi để sống, cần những yếu tố an ninh an ổn để có thể đảm bảo cho một xã hội bình an, thịnh vượng không? Nhìn sâu vào tình trạng của phía bên kia chúng ta hiểu được rằng họ cũng giống như chúng ta, họ cũng chỉ muốn có một nơi an ninh hòa bình để sống. Hiểu được những khổ đau và hy vọng của ta, ta sẽ hiểu được những khổ đau và hy vọng của nhóm người khác. Chúng ta biết rằng nếu bên kia không có an toàn và hạnh phúc thì chúng ta cũng sẽ không có an toàn và hạnh phúc. Đó là tương tức. Với tuệ giác này, chúng ta có khả năng mở rộng trái tim ra để ôm lấy phía bên kia. 

Hòa giải

Sự an lạc và tình thương yêu luôn luôn đi đôi với sự hiểu biết và không kỳ thị. Có kỳ thị là còn phân biệt, còn phe phái. Chỉ có con mắt thương yêu mới nhìn được thực tại từ mọi quan điểm. Người biết thương yêu có thể nhìn thấy mình có mặt nơi mọi người, và vì có thể nhìn từ mọi quan điểm cho nên có thể vượt được mọi quan điểm để thiết lập được loại hành động phù hợp nhất với đại bi tâm. Ý nghĩa cao cả nhất của hai từ Hòa giải là ở chỗ đó. Hòa giải không phải là thỏa hiệp với sự mê vọng và tàn ác; trái lại, hòa giải là chống đối thường trực với mọi hình thức mê vọng và tàn ác nhưng với tâm đại bi và cái nhìn siêu việt phe phái. Phần đông trong chúng ta đều theo phe phái, phân biệt chính, tà tốt xấu căn cứ trên những dự kiện ít ỏi mà ta thu lượm được, hoặc trực tiếp hoặc qua các hoạt động tuyên truyền. Chúng ta thường cần một sự bất bình trong lòng mới hành động mạnh mẽ được, nhưng bất bình không đủ. Thế giới chúng ta không thiếu những người dấn thân hoạt động. Chỉ thiếu những người có nhận thức rộng rãi để có thể thương yêu, có thể từ bỏ phe phái mà ôm trọn được cả thực tại nhân loại trong lòng như một gà mẹ ấp ủ tất cả các con gà con của mình dưới hai cánh xòe rộng. Thực tập về duyên sinh là một trong những phương tiện đi vào nhận thức ấy. Có nhận thức ấy rồi ta sẽ không còn dễ dãi vung thanh gươm phân biệt lên để chia cắt thực tại nữa. Ta sẽ vượt được ranh giới phe phái, thoát khỏi bức tường chánh tà, tốt xấu, thấy được phương tiện và cứu cánh chỉ là một. Ta hãy quan sát cho đến khi nào ta có thể thấy rằng khuôn mặt nào trên xe buýt cũng có thể là khuôn mặt ta, thân hình con trẻ gầy gò nào ở Uganda cũng là thân hình ta, cho đến khi nào ta có thể đói, có thể đau trong cơ thể của mọi loài thì ta thực hiện được cái thấy vô phân biệt và đại bi tâm.

Những đứa con của trái đất

Chúng ta đều là con của trái đất, một ngày nào đó ta cũng phải trở về với đất. Đất Mẹ đã sinh ra ta, nuôi dưỡng ta, và cuối cùng sẽ đưa ta trở về với Mẹ. Sự sống là vô thường. Cỏ cây cũng như ta, được đất Mẹ sinh ra, sống được một thời gian rồi cũng trở về lại với đất Mẹ. Khi cây cỏ tan hủy, chúng trở thành phân bón cho rau trái trong vườn. Rau tươi và phân xanh là những phần của một thực tại. Không có cái này thì sẽ không có cái kia. Sau một thời gian chừng vài tháng, phân xanh lại trở thành hoa quả thơm ngon. Cây xanh và đất Mẹ nương vào nhau mà hiện hữu. Nếu cây cỏ xanh tươi thì đất Mẹ cũng xanh tươi, nếu cây cỏ cằn cỗi thì đất Mẹ cũng cằn cỗi. Ta cũng đóng góp một phần vào việc đó.

Rất nhiều sinh vật trên trái đất đã yêu thương ta một cách vô điều kiện. Tiếng chim hót thánh thót cho ta biết bao niềm vui; dòng nước trong xanh, cây cối xanh mát, không khí trong lành đã tỏ lòng thương yêu ta rất mực mà không hề đòi hỏi ta một điều gì cả. Ta rất cần tình thương đó của vạn vật nhưng ta vẫn tiếp tục hủy hoại phẩm chất của không khí, nguồn nước và cây xanh. Ta cần phải cố gắng hết sức mình để hạn chế tối đa việc gây tổn hại các loài sinh vật khác. Khi làm vườn, ta nên học cách trồng những loại cây giúp ngăn ngừa sâu bọ bên cạnh những loại hoa quả, ngăn ngừa cả nai và thỏ vào phá vườn mà không làm chúng bị tổn thương. Thay vì dùng thuốc trừ sâu làm bằng các chất hóa học, ta có thể dùng thuốc trừ sâu làm bằng những chất liệu thiên nhiên để bảo vệ các loài chim và ong mật. Ta nên luôn tìm cách giảm bớt khổ đau gây ra cho các loài sinh vật khác. Giết hại động vật, tàn phá cây cối và làm ô nhiễm không khí tức là làm hại chính ta. Ta nên học cách thương yêu không điều kiện đối với mọi loài chúng sanh trên trái đất để chúng có cơ hội vui hưởng trọn vẹn đời sống của chúng.

Cây sồi cần được là cây sồi một cách trọn vẹn. Nếu cây sồi không còn là cây sồi thì tất cả chúng ta sẽ gặp rắc rối. Trong những kiếp trước ta đã từng là đá cuội, là mây trời hay cây cỏ. Cũng có thể ta đã là một cây sồi. Không phải chỉ có đạo Bụt mới nói như vậy mà các nhà khoa học cũng đã xác nhận như thế. Loài người chúng ta mới xuất hiện đây thôi. Trước khi là người, chúng ta đã từng là cây cỏ. Chúng ta phải nhớ quá khứ của mình, nhớ lại những kiếp xa xưa để học bài học khiêm cung từ cây sồi.

Nền sinh thái học của chúng ta phải có chiều sâu và chiều rộng. Tâm thức của ta rất dễ bị ô nhiễm. Ti vi, phim ảnh, sách báo là những phương tiện để học hỏi nhưng cũng dễ trở thành những hình thức đầu độc. Chúng có thể gieo trồng những hạt giống lo âu, giận hờn, sợ hãi và làm ô nhiễm tâm thức ta. Những thứ này cũng có khả năng tàn hại ta như ta đã tàn hại môi trường qua phương thức nuôi trồng bằng chất hóa học, chặt phá cây rừng và làm ô nhiễm nước sông. Chúng ta cần phải học cách chăm sóc giữ gìn sự lành mạnh của trái đất cũng như chăm sóc giữ gìn sự lành mạnh của tâm thức ta, không thì đời sống của ta sẽ dần dần bị mọi thứ bạo động xâm chiếm.

Ta thường cho rằng loài người là giống thông minh, nhưng khi so sánh mình với các loài phong lan hay các loài ốc sên, ta thấy mình chưa thông minh gì lắm. Hoa phong lan biết nở ra những đóa hoa với những đường nét vô cùng tinh xảo và tuyệt mỹ, con ốc sên cũng vậy, biết làm cho mình một cái vỏ ốc thật vừa vặn xinh đẹp. Trước những sáng tạo đầy thẩm mỹ của hoa phong lan cũng như của con ốc sên, ta muốn cúi đầu bái phục; ta cũng muốn chắp tay tỏ lòng ngưỡng mộ cung kính trước các loài bướm đầy màu sắc rực rỡ, trước cây hoa mộc lan đang nở hoa thật diễm lệ, sáng rực cả một góc trời. Khi ta biết kính trọng các loài khác, ta cũng làm lớn mạnh những đức tính cao quý trong ta.

Nghệ thuật

Bằng cách sống của mình, bằng cách sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật chúng ta có thể đóng góp vào công việc thức tỉnh cộng đồng của dân tộc ta. Các vị Bồ tát là những người tỉnh thức và có ước muốn giúp người khác tỉnh thức. Các nhà nghệ thuật, diễn viên, nhà làm phim, người viết tiểu thuyết cũng có thể có cảm hứng trở thành một vị Bồ tát, giúp mọi người tỉnh thức, giúp mọi người tiếp xúc được với hạt giống an vui hạnh phúc và chuyển hóa những hạt giống kỳ thị, sợ hãi, tham lam. Các nghệ sĩ có khả năng làm được tất cả những điều này. Nếu có ước muốn đó, ta sẽ có rất nhiều niềm vui và năng lượng, danh vọng quyền hành sẽ không hấp dẫn được ta. Không có gì có thể so sánh được với niềm vui này, niềm vui biết được cuộc sống của ta trên trái đất này rất tốt đẹp và hữu ích.  

Một ngày nọ ở thành phố New York tôi gặp một học giả Phật giáo và kể cho cô ấy nghe về việc thực tập chánh niệm trong lúc trồng rau. Tôi rất thích trồng xà lách, cà chua và những thứ rau quả khác. Tôi thích ra vườn mỗi ngày. Cô ấy nói: “Thầy không nên trồng rau, thầy nên để thì giờ để viết sách làm thơ. Thơ của thầy rất hay. Ai cũng có thể trồng rau nhưng không phải ai cũng làm thơ hay như thầy”. Tôi nói với cô: “Nếu tôi không trồng rau thì tôi cũng không làm thơ được”.

Khi tôi trồng rau hay tưới vườn, tôi không nghĩ tới chuyện viết sách hay làm thơ. Tôi tập trung tâm ý hoàn toàn vào việc trồng rau và tưới vườn. Tôi tận hưởng từng giây phút và làm trong trạng thái không suy nghĩ. Dừng suy nghĩ rất có lợi. Tác phẩm nghệ thuật của ta được thai nghén trong chiều sâu tâm thức ngay cả khi ta không suy tư về nó. Giây phút ta làm ra nó chỉ là giây phút sinh, giây phút ta cho ‘đứa con’ ra đời. Đối với tôi, phải có giây phút ta cho đứa con trong ta lớn lên để ta có thể làm một cách hay nhất, và kiệt tác của ta có thể chứa đựng tuệ giác, hiểu biết và từ bi.

Công việc nghệ thuật có thể giúp người ta hiểu được bản chất khổ đau của họ, có khả năng chuyển hóa những thứ tiêu cực và làm lớn mạnh những điều tích cực trong họ. Viết sách, làm phim, sáng tác một tác phẩm nghệ thuật có thể là một hành động thương yêu. Hành động thương yêu đó nuôi dưỡng ta và nuôi dưỡng người khác. Nếu ta hạnh phúc, nếu ta biết cách sống sâu sắc mỗi giây, phút của đời sống hằng ngày thì hiểu biết, thương yêu, an vui sẽ đến với ta. Tác phẩm của ta sẽ phản ảnh được tuệ giác này và ta có thể chia sẻ cho người khác.

Công việc hòa bình

Cuộc sống đầy rẫy khổ đau nhưng cuộc sống cũng tràn đầy những mầu nhiệm như trời xanh, mây trắng, nắng ấm, ánh mắt trẻ thơ… Cuộc sống không chỉ có khổ đau, chúng ta phải biết tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Bất cứ lúc nào, những mầu nhiệm ấy cũng có mặt khắp nơi trong ta và chung quanh ta.

Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho ai được, kể cả những người ta thương, những người ta cùng chung sống trong một mái ấm gia đình. Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ mỉm cười và nở ra như một bông hoa, khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình cho đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng. Chúng ta có cần cố gắng để hạnh phúc không? Có cần cố gắng để thưởng thức vẻ đẹp của trời xanh không? Có cần phải thực tập để có thể tận hưởng được vẻ đẹp đó không? Không. Chúng ta chỉ tận hưởng thôi. Mỗi giây, mỗi phút của đời sống hằng ngày đều có thể như thế cả. Bất cứ lúc nào, ở đâu, chúng ta cũng có khả năng thưởng thức nắng ấm, thưởng thức sự có mặt của nhau, hay thưởng thức hơi thở của chính mình. Chúng ta không cần phải đến Trung Quốc để ngắm trời xanh. Không cần phải đi về tương lai để thưởng thức hơi thở. Chúng ta có thể tiếp xúc với chúng ngay bây giờ. Nếu chúng ta chỉ để ý đến khổ đau thôi thì rất tội nghiệp.

Chúng ta quá bận rộn đến nỗi không có thời gian để nhìn mặt những người ta thương, kể cả những người trong gia đình ta. Ta cũng không có thời gian để nhìn lại chính mình. Xã hội đã tạo ra một lối sống mà ngay cả khi có thời gian rảnh rỗi, ta cũng không biết cách trở về tiếp xúc với bản thân. Ta đánh mất thời gian quý giá của ta bằng cả triệu cách: mở ti vi ra xem, nhấc điện thoại lên gọi, nổ máy xe đi đâu đó… Chúng ta không quen đối diện với chính mình, chúng ta chán ghét bản thân và muốn chạy trốn khỏi bản thân.

Thiền là ý thức những gì đang xảy ra trong thân thể, cảm thọ, tâm hành và thế giới. Mỗi ngày có hàng ngàn trẻ em chết đói. Những nước siêu cường quốc có đủ vũ khí hạt nhân để tiêu diệt hành tinh của chúng ta nhiều lần. Tuy nhiên mặt trời mọc sáng nay rất đẹp, những đóa  hồng nở ven tường sáng nay là một mầu nhiệm. Cuộc sống đáng sợ nhưng cuộc sống cũng mầu nhiệm. Thiền tập là tiếp xúc với cả hai mặt. Đừng nghĩ rằng chúng ta phải trang nghiêm mới thực tập được. Kỳ thực, thực tập giỏi, chúng ta phải cười nhiều.

Gần đây, khi đang ngồi với một nhóm trẻ, thấy Jim cười rất đẹp, tôi nói: “Jim, con cười đẹp lắm!”. Em trả lời: “Cám ơn Thầy”. Tôi nói: “Con không cần phải cám ơn Thầy. Ngược lại Thầy phải cám ơn con. Bởi vì nhờ nụ cười của con mà sự sống đẹp hơn. Vì vậy thay vì nói cám ơn, con có thể nói: “Đâu có gì đâu thưa Thầy, tự nhiên thôi mà!”

Nếu em bé mỉm cười được, nếu người lớn mỉm cười được thì điều đó rất quan trọng và đáng quý. Nếu trong đời sống hằng ngày ta có thể mỉm cười, ta có khả năng bình an và hạnh phúc thì không những ta mà tất cả mọi người đều được thừa hưởng. Đó là nền tảng căn bản nhất của công việc chế tác hòa bình. Khi thấy Jim cười, tôi rất hạnh phúc. Nếu cậu bé ý thức rằng cậu đang làm cho người khác hạnh phúc thì cậu có thể nói: “Bạn quá tuyệt vời”.

Năm Giới Tân Tu

Năm giới tức là năm phép thực tập chánh niệm, biểu hiện được một cách cụ thể giáo lý Tứ đế và Bát chánh đạo, con đường của Bụt, con đường của hiểu biết và thương yêu đích thực có khả năng đưa tới trị liệu, chuyển hóa và hạnh phúc cho bản thân và cho thế giới. Năm giới mang theo tuệ giác Tương tức, tức là Chánh kiến, có khả năng tháo bỏ mọi cuồng tín, cố chấp, kỳ thị, sợ hãi, hận thù và tuyệt vọng. Sống và thực tập theo Năm giới là chúng ta đã đi vào con đường mà các vị Bồ tát đang đi. Năm giới này đại diện cho cái thấy của đạo Bụt về một nền tâm linh và đạo đức toàn cầu. Biết rằng đang được đi trên con đường của Bụt, chúng ta không còn lý do gì để lo lắng cho hiện tại và sợ hãi cho tương lai.

Đây là Giới Thứ Nhất: Bảo Vệ Sự Sống

Ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra, con nguyện thực tập nuôi dưỡng tuệ giác Tương tức và lòng Từ bi, để có thể bảo vệ sự sống của mọi người, của mọi loài và môi trường sống. Con nguyện không giết hại, không để kẻ khác giết hại và không tán thành bất cứ một hành động giết hại nào, trên thế giới, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con. Thấy được rằng tất cả những bạo động do sợ hãi, hận thù, tham vọng và cuồng tín gây ra đều bắt nguồn từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị; con nguyện học hỏi thái độ cởi mở, không kỳ thị, không cố chấp vào bất cứ một quan điểm, một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào để có thể chuyển hóa hạt giống cuồng tín, giáo điều và thiếu bao dung trong con và trên thế giới.

Đây là Giới Thứ Hai: Hạnh Phúc Chân Thật

Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp, áp bức và bất công xã hội gây ra, con nguyện thực tập chia sẻ thời giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ thiếu thốn, trên cả ba phương diện tư duy, nói năng, và hành động trong đời sống hằng ngày. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện thực tập nhìn sâu để thấy được hạnh phúc và khổ đau của người kia có liên hệ mật thiết đến hạnh phúc và khổ đau của chính con. Con biết hạnh phúc chân thực không thể nào có được nếu không có hiểu biết và thương yêu, trong khi đó đi tìm hạnh phúc bằng cách chạy theo quyền lực, danh vọng, giàu sang và sắc dục có thể đem lại nhiều hệ lụy và tuyệt vọng. Con ý thức được hạnh phúc chân thực phát sinh từ cách nhìn của con mà không phải từ bên ngoài đem tới. Thực tập tri túc giúp con sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại để nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà con đang có. Con nguyện thực tập Chánh mạng để có thể làm giảm thiểu khổ đau của mọi người, mọi loài và để chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu.

Đây là Giới Thứ Ba: Tình Thương Đích Thực

Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con nguyện thực tập theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo hộ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người, mọi gia đình và xã hội. Con biết tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau. Những liên hệ tình dục do sự thèm khát gây nên luôn mang tới những hệ lụy, và đổ vỡ cho con và cho người khác. Con nguyện không ăn nằm với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực và những cam kết chính thức lâu dài. Con sẽ làm mọi cách để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa. Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục trong con, để thấy được sự thật thân tâm nhất như và nguyện nuôi lớn các đức Từ, Bi, Hỉ và Xả, tức là những yếu tố căn bản của một tình yêu thương đích thực, làm tăng trưởng hạnh phúc của con và của người khác. Con biết thực tập Tứ vô lượng tâm, con sẽ được tiếp tục đẹp đẽ và hạnh phúc trong tương lai.

Đây là Giới Thứ Tư: Lắng nghe và ái ngữ

Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm và thiếu khả năng lắng nghe gây ra, con nguyện học hạnh Ái ngữ và Lắng nghe để có thể hiến tặng niềm vui cho người, làm vơi bớt nỗi khổ đau của người. Con nguyện tìm cách đem lại an bình và hòa giải giữa mọi người, giữa các quốc gia, chủng tộc và tôn giáo. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây thêm niềm tự tin, an vui và hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói gì khi cơn giận đang có mặt trong con. Con nguyện tập thở và đi trong chánh niệm để nhìn sâu vào gốc rễ của cơn giận ấy, để nhận diện những tri giác sai lầm trong con và tìm cách hiểu được những khổ đau trong con và trong người mà con đang giận. Con nguyện học nói sự thật và lắng nghe sâu để có thể giúp người kia thay đổi và vượt thoát những khó khăn đang gặp phải. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và trong đoàn thể. Con nguyện thực tập Chánh tinh tấn để nuôi dưỡng khả năng hiểu biết, thương yêu, hạnh phúc và không kỳ thị nơi con, để làm yếu dần những hạt giống bạo động, hận thù và sợ hãi mà con đang có trong chiều sâu tâm thức.

Đây là Giới Thứ Năm: Nuôi Dưỡng và Trị Liệu

Ý thức được những khổ đau do sự tiêu thụ thiếu chánh niệm gây nên, con nguyện học hỏi cách chuyển hóa thân tâm, nuôi dưỡng sức khỏe cơ thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực để tránh tiêu thụ những thực phẩm độc hại. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ bất cứ một sản phẩm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới toàn cầu, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, sách báo, bài bạc và chuyện trò. Con nguyện thực tập thường xuyên trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với những gì tươi mát, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong con và xung quanh con mà không để cho tiếc nuối và ưu sầu kéo con trở về quá khứ; không để lo lắng và sợ hãi kéo con đi về tương lai. Con nguyện không tiêu thụ chỉ để khỏa lấp khổ đau, cô đơn và lo lắng trong con. Con nguyện nhìn sâu vào tự tính tương quan tương duyên của vạn vật để học tiêu thụ như thế nào mà duy trì được an vui trong thân tâm con, trong xã hội, và trong môi trường sống.