Sơn Hạ hữu tuyền
(Thầy Chân Trời Đạo Bi là người Indonesia, thọ giới lớn với Sư Ông Làng Mai trong Đại giới đàn “Bây giờ – Ở đây” tháng 2 năm 2019 và hiện đang tu tập tại Sơn Hạ, Làng Mai. Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.)
Sơn hạ hữu tuyền
Trạc chi tắc dũ
Có nghĩa là:
Dưới chân núi có dòng suối
Lấy nước suối ấy rửa
Mọi thương tích sẽ được chữa lành.
Nơi con sống nằm ở chân núi. Nơi ấy là Sơn Hạ, một trong hai tăng xá của xóm Thượng. Từ tăng xá kia, theo con dốc đi xuống là tới Sơn Hạ. Gần tăng xá Sơn Hạ có một con suối đổ vào một cái hồ nhỏ. Quý thầy có thể ngồi uống trà và thưởng thức vẻ đẹp của hồ nước trên một cái sàn gỗ nằm không xa con suối. Quanh đó cũng có nhiều cây cho bóng mát, nơi ta có thể đến nghỉ để tránh cái oi nồng của mùa hè và hít thở không khí trong lành. Vài chiếc võng được giăng rải rác cho những ai muốn thưởng thức “thiền nằm võng”. Trên con đường dốc ngược lên xóm Thượng, ta sẽ thấy một trụ đá với dòng thư pháp Đất Bụt Phương Nam (Nam Phương Phật Độ) bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hán. Con nghĩ Thầy muốn nhắc nhở chúng ta là Tịnh độ không những chỉ có ở phương Tây mà Tịnh độ cũng có thể được tìm thấy ở phương Nam nữa.
Vào đầu mùa an cư năm 2018, con cùng với một số quý thầy ở Sơn Hạ đã thực tập súc ruột. Con thấy thực tập này là một hình thức làm mới lại chính mình, cụ thể là làm mới lại thân. Con đã giải phóng được rất nhiều độc tố và sự căng thẳng trong thân. Vào ngày cuối cùng của đợt thanh lọc cơ thể, con cùng với một thầy nữa thực tập sám hối. Con rất muốn làm lễ Sám hối vì được gây cảm hứng khi đọc truyện “Tùng” của Thầy. Đây là câu chuyện Thầy kể lại khởi nguyên của pháp môn Sám hối mà sau đó đã trở thành nghi lễ Sám hối truyền thống được sử dụng trong các chùa ở Việt Nam. Mấy câu kệ ở đầu bài viết này được lấy ý từ nghi thức Sám hối ấy.
Con đã thực tập súc ruột bằng nước và con thấy nước đã giúp trị liệu cho thân con. Cứ mỗi khi thấy không khỏe, con đi uống thật nhiều nước, và con thấy khỏe lại ngay. Thầy đã giải thích về thực tập Sám hối (hay còn gọi là Làm mới) và mấy câu nói về Sơn hạ hữu tuyền trong quyển Sám pháp địa xúc. Thầy nói rằng sám hối có nghĩa là bày tỏ sự ăn năn của mình về những lỗi lầm mà mình đã phạm trong quá khứ, đồng thời thể hiện quyết tâm sâu sắc là mình sẽ chuyển hóa, là từ nay mình sẽ hành xử khác hơn. Cũng vì biết mình có thể hành xử khác hơn, mình không cần phải cảm thấy tội lỗi. Trước đây con đã từng đưa rất nhiều độc tố vào thân và tâm qua sự tiêu thụ. Chính điều đó đã làm con bệnh. Khi con nhận Năm giới từ Thầy vào năm 2010, con đã nguyện trở thành một người ăn chay trường. Con không còn chơi các trò chơi điện tử không lành mạnh, không xem các phim ảnh không lành mạnh, và không nghe các bài hát không lành mạnh nữa. Tăng thân Wake Up ở Indonesia đã yểm trợ con trong sự thực tập ấy. Chúng con đã cẩn thận chọn các loại phim ảnh, âm nhạc và thức ăn lành mạnh để cùng nhau thưởng thức. Đây là sự quyết tâm chuyển hóa sâu sắc của con trong việc thay đổi tập khí không dễ thương và hành xử khác hơn so với quá khứ.
Ở Sơn Hạ, trước khi dẫn đại chúng đi thiền, lần nào con cũng đều mời đại chúng hát bài “Sơn Hạ hữu tuyền” (“At the foot of the mountain”) bằng tiếng Anh. Đây chính là “xóm ca” của Sơn Hạ. Có lần, trước buổi thiền hành, con mời mọi người lấy nước từ suối lên để rửa. Đại chúng đi dọc theo bờ suối thưởng thức vẻ đẹp của cảnh quan quanh chân núi. Thiền hành xong, một thầy đến bên con nói: “Ồ, lúc nãy đại chúng không có vốc nước suối để rửa. Vì vậy nên không ai được chữa lành”. Con chỉ mỉm cười với thầy mà không nói năng gì. Chúng con không thật sự vốc nước để rửa nhưng con biết thiền hành đã giúp con chữa lành cho chính mình.
Dưới bàn chân bạn
Là đất Mẹ
Bước một bước, tiếp xúc với đất, bạn có cảm được dòng suối không?
Rồi bạn sẽ thảnh thơi,
Bạn là thảnh thơi.
(Lời bài hát “At the foot of the mountain” – Sư cô Trung Nghiêm)
Câu hát giúp con thấy được rằng dòng suối không chỉ nằm cạnh bên hồ mà còn nằm ngay dưới bàn chân con. Bất cứ khi nào con có khả năng tiếp xúc được với dòng suối, con đều cảm thấy được trị liệu, được chữa lành. Con thích nhất là đi bộ quanh hồ và quanh cái ao nhỏ kề bên. Khi trời không quá lạnh, con cũng rất thích được ăn picnic ngoài trời và thưởng thức cảnh đẹp của Sơn Hạ.
Quý thầy, quý sư cô cùng các bạn thiền sinh đều cảm được sự ấm cúng và vui tươi nơi đây. Ai cũng thích vẻ đẹp của Sơn Hạ. Đến đây, mọi người cảm thấy thoải mái như ở nhà mình. Con rất thích từ “gezellig” trong tiếng Hà Lan và từ “hygge” trong tiếng Đan Mạch mà một vài bạn nói tiếng Anh cũng sử dụng. Những từ này có thể diễn tả được sự dễ chịu và ấm cúng của một ngôi nhà đích thực. Sơn Hạ quả thật là một ngôi nhà đích thực của con, và của rất nhiều người khác.
Con nhớ có lần sư cô Chân Không chia sẻ rằng khi Thầy đến đại học Princeton ở Mỹ lần đầu tiên, Thầy đã được trị liệu rất nhiều nhờ sự yên tĩnh và vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đó. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã gây ra cho Thầy nhiều thương tích trong lòng. Thầy đã được trải nghiệm lần đầu tiên vẻ đẹp của bốn mùa trong thời gian ở đại học Princeton. Sư cô Chân Không nói đó là lý do tại sao Thầy luôn luôn dạy rằng thiên nhiên có khả năng trị liệu cho chúng ta. Con cũng được trải nghiệm lần đầu tiên vẻ đẹp của bốn mùa chính ở tại Làng Mai. Sự ấm áp và có mặt hết lòng cho nhau của huynh đệ ở Sơn Hạ có công năng trị liệu rất lớn. Con cũng có rất nhiều vết thương trong tâm cần được chữa lành. Trong khi chia sẻ với nhau sự thực tập dưới nhiều hình thức, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau cách chuyển hóa và chữa lành thương tích trong lòng.
Có lần Thầy chia sẻ rằng những vết thương từ thời chiến tranh của Thầy vẫn chưa lành. Nhiều đêm nằm thao thức, Thầy đã thực tập ôm ấp niềm đau của đồng bào, của đất nước và cả hành tinh này bằng hơi thở chánh niệm. Con đã rất xúc động khi nghe Thầy nói như vậy, bởi vì con cứ nghĩ rằng là một thiền sư, Thầy đã chữa lành tất cả các vết thương rồi. Nhưng con rất kính phục sự khiêm cung và cởi mở của Thầy khi Thầy để cho mọi người biết là mình vẫn chưa chữa trị được hoàn toàn các vết thương trong lòng. Thầy cũng là một con người. Chúng ta có thể học được rất nhiều từ Thầy cách chữa trị những tổn thương nội tâm. Thầy đã đưa đường dẫn lối cho chúng ta trong cuộc đời này, chỉ cách cho chúng ta có thể hiểu được những thương tích và khổ đau của mình, để từ đó ta biết chế tác tình thương và lòng từ bi. Nghi thức Làm mới được dựa trên văn bản nghi thức Sám hối. “Nước từ bi có thể rửa sạch tất cả các lỗi lầm.” Khi ta có khả năng khiến dòng suối mát nơi trái tim ta ứa ra giọt từ bi, sự trị liệu sẽ xảy ra.
Trong trái tim của các bậc đại nhân
Có một dòng suối
Hãy để cho dòng suối ấy tuôn trào
Hãy để cho nó trở thành nền tảng làm nên con người của bạn.
Và bạn sẽ được thương yêu,
Bạn chính là tình thương.
(Lời bài hát “At the foot of the mountain” – Sư cô Trung Nghiêm)