Đừng để bị cô lập hóa
Trong bộ Trung A Hàm có một Kinh gọi là Kinh Tỳ Khưu Thính. Kinh này do đại đức Mục Kiền Liên nói. Kinh có câu: Trong khi tu với những bạn tu mà mình có một sự đam mê và bị dính mắc vào đam mê ấy thì đó có thể là nguyên cớ để các bạn đồng tu không nói chuyện với mình, không chịu khuyên bảo mình, dạy dỗ mình tại vì mình ngoan cố trong sự đam mê đó và mình mất cơ hội được tăng thân chỉ bảo và soi sáng. Thầy Mục Kiền Liên dạy ta phải soi gương và quán chiếu. Thầy nói rằng khi một người bị kẹt vào trong đam mê của người đó thì các bạn đồng tu không muốn nói chuyện với người đó nữa, không muốn khuyên bảo người đó nữa, không muốn giúp đỡ người đó nữa và người đó sẽ lâm vào tình trạng khó khăn. Nguyên do là vì người đó từ chối không nghe lời khuyến cáo và như vậy người đó không còn được các bạn đồng tu thương mến và mất đi cơ hội bằng vàng để chuyển hoá. Tất cả mọi người trong đại chúng phải tự hỏi câu này: tôi có phải là đang kẹt vào trong đam mê hay không? Nếu tôi đang kẹt vào trong đam mê thì tôi sẽ không được các bạn đồng tu thương tưởng, dạy bảo, nhắc nhở và tôi sẽ lâm vào tình trạng khó khăn và cô lập. Đó là một cách soi gương. Cố nhiên là trong Kinh này, thầy Mục Kiền Liên không phải chỉ nói về đam mê, thầy có nói về những tâm trạng khác có thể đưa tới tình trạng bị cô lập hoá nữa. Ví dụ như trong đại chúng có người có tánh ngang ngược, không biết nghe lời những người khác, chỉ biết tự khen và chê người, thì các bạn trong tăng thân cũng không muốn nói chuyện với người ấy, không muốn nhắc nhở người ấy, không muốn dạy bảo người ấy, không muốn cảnh sách người ấy chỉ vì người ấy ngoan cố trong thái độ của chính mình và người ấy đánh mất cơ hội được thừa hưởng sự có mặt của tăng thân. Anh là một người, chị là một người sống trong tăng thân, anh hay chị phải soi gương và hỏi: “Tôi có đang bị kẹt vào trong thái độ ngoan cố hay không?”. Kinh này cũng có trong Trung bộ bằng tiếng Pali. Nạn nhân của một tình thương vướng mắc phải biết sử dụng tăng thân, phải biết cầu cứu tăng thân giúp mình và giúp người mình thương. Ta có thể chưa bị kẹt vào cái cực ghét bỏ, muốn ly dị, muốn ly khai vì ta vẫn còn thương, vẫn còn mong mỏi cho người đó khôi phục lại hạnh phúc, vì vậy cho nên ta phải tìm một con đường. Ta phải biết rằng trong quá khứ ta đã có những tư tưởng hành động và lời nói đã cho phép tình thương vướng mắc trở thành sự thật,. Từ giờ phút này trở đi ta nguyện sẽ không có những tư tưởng đó, những thái độ đó, những lời nói và những hành động đó nữa. Sớm muộn gì người kia cũng thấy và nhân cách của ta sẽ đóng vai trò rất quan trọng để tháo gỡ cho ta và cho người đó. Ta có thể nhờ tới một người, hai người, ba người trong tăng thân, những người mà người thương của ta có kính, có yêu, có phục, để nhờ can thiệp. Ta có rất nhiều hy vọng để có thể tự giúp ta và giúp người kia thoát ra khỏi tình thương vướng mắc và độc tài.