Ghét bỏ
Nếu không thực tập, chắc chắn là từ cực vướng mắc ta sẽ đi sang cực ghét bỏ. Trước kia, khi mới thương, ta có cảm nghĩ rằng không có người ấy thì cuộc sống sẽ không có ý nghĩa, ta không thể nào sống được. Bây giờ đã đi tới ghét bỏ, ta lại nghĩ rằng có người ấy trong cuộc đời, ta không thể nào sống được. Ta phải ly dị. Ta phải từ con. Cả hai cực vướng mắc và ghét bỏ đều gây khổ đau. Dù ta có ly dị hay có từ con đi nữa thì những nỗi khổ trong lòng ta vẫn còn nguyên vẹn. Nếu ta bước đi bước nữa hoặc có thêm một đứa con, thì ta cũng sẽ đem cái thứ tình thương vướng mắc và độc tài của ta để tiếp xử với họ và cũng sẽ tạo ra những tình trạng giống hệt như những tình trạng trước kia. Vì vậy vấn đề không phải là ly dị hay không ly dị, từ con hay là không từ con. Vấn đề là quán chiếu bản chất tình thương trong ta để nhận diện những tính cách tiêu cực như vướng mắc và độc tài trong ấy, để thấy rằng ta phải thay đổi cách nhìn cách thương, cách nói năng, cách đối xử để từ, bi, hỷ, xả có thể bắt đầu có mặt. Tập thương như thế trong vài tháng thì những yếu tố từ, bi, hỷ và xả trong tình thương ta sẽ lớn dần và hạnh phúc cũng sẽ lớn dần.
Ta hãy vẽ một vòng tròn để tượng trưng cho tình thương và tạm chia vòng tròn ra bốn phần, một phần tượng trưng cho một trong bốn tâm vô lượng. Nếu là tình thương chân thật thì đây là Từ, đây là B,i đây là Hỷ và đây là Xả. Từ đối trị khổ, Bi đối trị đau, Hỷ đối trị sầu và Xả đối tri vướng.
Thực tập để nâng chất lượng từ, bi, hỷ và xả lên, ngày nào ta cũng đem thêm lại hạnh phúc cho ta và cho người kia, ngày nào ta cũng chuyển hoá được những khổ đau của ta và của người kia, ngày nào ta và người kia cũng mỉm cười một cách rất ý thức, rất hạnh phúc, ngày nào ta và người kia cũng được hưởng sự thảnh thơi và tự do. Nhưng mấy ai đã có được thứ tình thương này. Thay vì xả ta có vướng mắc, thay vì từ ta có khổ, thay vì bi ta có đau, thay vì hỷ ta có sầu. Khổ, đau, sầu, vướng là bản chất của tình thương bi lụy. Tiếp xúc được với giáo lý của Bụt, tiếp xúc được với tăng thân, chúng ta học được thế nào là từ, thế nào là bi, thế nào hỷ và thế nào là xả. Nhưng dưới chiều sâu tâm thức của chúng ta, những hạt giống của từ, bi, hỷ và xả đã có sẵn đó. Những gì chúng ta học đánh động được những hạt giống sẵn có bên trong của chúng ta. Trong quá trình quán chiếu và tu tập, những khổ, đau, sầu và vướng này càng ngày càng nhường chỗ cho từ, bi, hỷ và xả. Chúng ta không thể nói: anh đừng thương nữa, chị đừng thương nữa. Nói như vậy không thực tế. Chúng ta nên nói: anh hay chị nên nhín lại tình thương của anh và của chị đi, rồi anh và chị sẽ thấy ở trong ấy có quá nhiều chất liệu của khổ, đau, sầu, vướng, chiếm hữu và độc tài, để rồi chúng ta quyết định tu tập cho thân, khẩu, ý của chúng ta từ từ được giải phóng. Thân, khẩu, và ý nhờ sự tu học mà càng ngày càng được giải phóng ra khỏi những chất liệu độc hại. Mỗi ngày ta thực tập bằng hành động của ta, bằng thái độ của ta, bằng suy nghĩ của ta, bằng lời nói của ta. Ta có thể cho ta và cho người kia thêm một ít không gian. Xả là không gian, là tự do, là sự không kỳ thị. Cho người kia thêm hạnh phúc, cho người kia bớt khổ đau, cho người kia thêm niềm vui, đó là sự thực tập từ quán và bi quán của tứ vô lượng tâm. Cũng như trường hợp của một người bị bệnh nặng. Thuốc quán chiếu của tứ vô lượng tâm bắt đầu được uống vào, những cơn đau do các chất độc chiếm hữu, độc tài và vướng mắc sẽ dịu đi, từ từ người ấy có thêm không gian, có thêm nụ cười, có thêm niềm vui.
Chúng ta đừng nói: “từ, bi, hỷ, xả là tình thương của các bậc thánh và vì chúng ta chưa phải là thánh thì chúng ta không thể thương bằng tình thương tứ vô lượng tâm". Bụt và các vị bồ tát cũng thực tập như chúng ta vậy thôi. Ban đầu, trong tình thương của họ cũng có những vướng mắc, những độc tài, những sầu khổ, nhưng chính nhờ thực tập cho nên các vị đã chuyển hóa được những chất liệu đó và đã đi tới một tình thương rất rộng lớn, rất bao la và rất kỳ diệu.