Người thương
Khi đi sang giai đoạn thứ hai của sự thực tập, chúng ta nói:
Mong sao cho tôi biết nuôi dưỡng người đó mỗi ngày bằng những niềm vui.
Người đó có thể là bạn của ta, có thể là anh của ta, em của ta, chị của ta, thầy của ta. Vì ta thương nên ta muốn nuôi dưỡng người đó bằng những niềm vui. Có nhiều khi ta khổ chỉ vì ta muốn đi tìm một người để thổ lộ những nỗi khổ và niềm đau của ta thôi, và có lúc ta quên rằng cái người mình tìm tới kia cũng đang khổ và cũng đang cần được nuôi dưỡng bằng những niềm vui. Nếu mỗi ngày ta rót vào trong người đó những nỗi khổ niềm đau của ta thì lâu ngày người đó cũng tiêu mòn. Cái đó không là thương. Phải biết rằng người kia cũng cần những chất bổ dưỡng, những yếu tố lành mạnh và tươi mát như ta vậy. Nếu ta muốn người ấy còn ở đó để làm chỗ nương tựa cho ta thì ta phải cẩn thận đừng mỗi ngày mỗi trút vào người đó những niềm đau nỗi khổ của ta, tội nghiệp cho người đó và rốt cuộc khi người đó chịu đựng không nổi thì ta mất luôn chỗ nương tựa. Ta phải biết thực tập, ta phải biết tự nuôi dưỡng ta bằng những niềm vui và ta phải học nuôi dưỡng người ta thương bằng những niềm vui. Ta nói rằng ta thương, nhưng mỗi ngày ta đã cho người đó tiêu thụ những gì? Ta có thể làm nở một nụ cười trên môi người đó hay không? Ta có thể làm người đó phấn chấn và có thêm nhiều tin tưởng hay không? Ta phải tự hỏi những câu hỏi như thế. Nếu ta không làm được những điều như thế dù là những điều rất nhỏ thì ta đừng nói quả quyết là ta thương người ấy. Thương có nghĩa là hiến tặng những niềm vui, đó là ý nghĩa của Từ, đó là ý nghĩa của Hỷ. Những niềm vui ấy và những hạnh phúc ấy phải cụ thể. Nếu ta khôn khéo thì hành động và lời nói của ta sẽ làm cho người đó tươi lên rất mau chóng. Quý vị chắc đã có kinh nghiệm rồi. Đôi khi ta chỉ cần nói một câu thôi, người kia cũng đã có thể tươi lên như một bông hoa.
Ta bắt đầu tới với người thương ta, rồi ta tới với người rất thương của ta, rồi ta tới với người ta không thương cũng không ghét (người dưng). Khi tới với người dưng ấy, ta biết đây cũng là một người như bất cứ một người nào khác, một người cần tình thương, một người cần hạnh phúc, một người cần tươi mát, giống hệt như ta vậy. Khi ta đã nhìn sâu vào người đó, quán chiếu về người đó không còn là người dưng nữa. Ở nam Phi có hai giới: Nam Phi da trắng và Nam Phi da đen. Chúng ta biết rằng ở Nam Phi khổ đau và tranh chấp đã kéo dài quá lâu sự kỳ thị, sự chịu đựng bạo động đã kéo dài quá lâu và cả hai bên đều khổ. Người da trắng cũng là người Nam Phi mà người da đen cũng là người Nam Phi. Chúng ta chỉ có một ý niệm mơ hồ rằng tình trạng ở Nam Phi là không an ổn, có bạo động, có khổ đau, nhưng vì ý niệm của chúng ta về Nam Phi quá mơ hồ nên ta đã có thể nhắc tới tình trạng Nam Phi với một thái độ không tha thiết lắm. Nhưng ví dụ chúng ta có dịp tiếp một người khách từ Nam Phi tới, có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với tình trạng Nam Phi qua người bạn đó thì chúng ta sẽ khám phá rằng cả hai giới da đen và da trắng đều khổ đau cả. Sợ hãi căm thù nghi kỵ những nội kết đó đã ăn sâu vào trong xương thịt và trái tim của nhiều thế hệ. Khi tiếp xúc với người ấy ta có những dữ kiện giúp thấy được những người dân Nam Phi một cách sâu sắc và tự nhiên lòng thương tưởng cũng như tâm Từ và tâm Bi được phát sinh. Cái hiểu và cái thấy đem lại cái thương, Từ một người mà ta coi là người dưng, người anh em Nam Phi trở nên một người anh em đích thực của chúng ta. Chúng ta muốn làm một cái gì đó để giúp cho người anh em Nam Phi bớt sợ hãi, bớt khổ đau và bắt đầu có niềm tin có hạnh phúc. Người mà ta gọi là người dưng chẳng qua chỉ là người mà ta chưa biết. Đến khi ta biết được đời sống của người ấy một cách tường tận hơn thì người ấy không còn là người dưng của ta nữa. Người ấy trở nên có liên hệ mật thiết với ta và ta rất muốn người ấy có hạnh phúc. Trong phép quán từ vô lượng tâm ta có thể chọn ra một người ta xem như người dưng. Người ấy có thể là ông thợ bắt điện của ta. Người ấy không phải là sư anh, sư chị hay sư em của ta nhưng người ấy cũng là một người một người có những khổ đau, khó khăn và ước vọng như ta. Nếu ta đưa người ấy vào làm đối tượng của tứ vô lượng tâm và ta bắt đầu quán chiếu thì ta sẽ khám phá ra được chiều sâu của đời sống người ấy và người ấy sẽ hết là một người dưng. Có người đã chọn người phát thơ làm đối tượng của sự quán chiếu trong trường hợp người dưng. Có người chọn ông xã trong làng làm người dưng. Nếu quán chiếu thành công thì những người “dưng” đó sẽ hết là người dưng và sẽ trở thành ra một trong những người thương của mình. Và sau chót chúng ta đi sang người chúng ta ghét. Ban đầu đó là người ta ghét, nhưng nếu ta dùng chánh niệm và sự quán chiếu để nhìn sâu vào người ấy thì sự hiểu biết và cái thấy sẽ đem lại năng lượng của Từ và của Bi. Và người mà ta thù ghét sẽ trở thành người thương của ta. Tình thương của chúng ta sẽ bao trùm cả bốn giới phạm trù.
Khi đã thành công, ta thấy rằng ranh giới giữa oán và thân biến mất. Tình trạng đó được gọi là oán thân bình đẳng. Không những người trong phạm trù thứ nhất là người thân, người trong phạm trù thứ hai là người rất thân và người trong phạm trù thứ ba là người dưng mà cả người trong phạm trù thứ tư là người ghét cũng sẽ trở thành đối tượng của tứ vô lượng tâm. Bốn phạm trù đó trở nên bình đẳng. Bồ tát xem kẻ oán người thân như nhau và không đem tâm ghét những ai đã dại dột làm ác, đó là lời Kinh Bát Đại Nhân Giác. Nếu không thực tập tứ vô lượng tâm thì làm sao ta đạt tới cái thấy oán thân bình đẳng ấy? Mong sao cho tôi biết nuôi dưỡng tôi mỗi ngày bằng những niềm vui, mong sao cho tôi biết nuôi dưỡng người đó và giúp người đó tự nuôi dưỡng bằng những niềm vui, mong sao cho tôi biết nuôi dưỡng người tôi ghét bỏ bằng những niềm vui và giúp người tôi ghét bỏ tự nuôi dưỡng họ bằng những niềm vui. Khi tâm này đã được khởi ra thì chất độc của ghét bỏ và hận thù sẽ tan biến trong cơ thể của ta và lúc đó ta sẽ an lạc. Chừng nào chất liệu của hận thù và kỳ thị còn tồn tại trong tâm thì ta vẫn chưa an. Ban đầu ta thấy ta như một đấng anh hùng, dám tuyên bố thương luôn kẻ thù của ta, nhưng kỳ thực sau đó ta thấy rằng thương người ấy cũng là thương chính ta. Khi ta mở rộng tấm lòng mà chấp nhận được người trước kia ta thù ghét thì tự nhiên trái tim ta êm dịu lại và ta là người đầu tiên được hưởng Từ quán, Bi quán và Xả quán của ta. Đây đích thực là Xả. Xả tức là bình đẳng không kỳ thị không phân biệt.